Khiemnguyen

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Quá trình ra đời Đài Truyền hình Việt Nam



Kỷ niệm lần thứ 43 ngày khai sinh của Truyền hình Việt Nam

Theo Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam
 (1925 – 2010)
Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuẩn bị tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” từ giữa năm 1965. Bên cạnh việc Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam và tăng cường xây dựng lực lượng, ngụy quyền Sài Gòn, chúng tăng cường bộ máy tuyên truyền nhằm mục đích huy động tổng lực để giành lại chiến trường đã mất trong “Chiến tranh đặc biệt” trước đó. Bước vào năm 1966, chúng xây dựng hai đài truyền hình ở Sài Gòn, một đài do Mỹ trực tiếp quản lý, một đài cho chính quyền tay sai Sài Gòn làm công cụ tuyên truyền. Ngoài ra, để mở rộng phạm vi tuyên truyền bằng loại hình báo chí điện tử lợi hại này, chúng còn xây dựng các đài chuyển tiếp chương trình của đài Sài Gòn ở Cần Thơ, Nha Trang, Quy Nhơn, Huế. Như vậy, ở miền Nam, năm 1966 có thêm một loại hình báo chí hoạt động, đó là truyền hình.
Ở miền Bắc, báo chí cách mạng đã có những bước phát triển đáng kể, tuy nhiên do điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, lại phải chịu nhiều cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ tiến hành cho nên đến những năm cuối của thập kỷ 60 của thế kỷ XX, miền Bắc nước vẫn chưa có Đài truyền hình. Sự cần thiết phải có một Đài truyền hình là một mong muốn của Đảng, Chính phủ và của những người làm công tác thông tin tuyên truyền, của những người quản lý báo chí hồi đó. Họ đã âm thầm chuẩn bị để khi có điều kiện, thời cơ có thể bắt tay vào việc xây dựng một đài truyền hình. Người đặt nền móng và chuẩn bị cho sự ra đời báo truyền hình là đồng chí Trần Lâm, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trong hồi ký của mình, ông Trần Lâm bộc bạch suy nghĩ về những bước chuẩn bị đầu tiên như sau:
“Lúc ấy, tôi đã rất muốn làm thử truyền hình ở miền Bắc nhưng hoàn cảnh khách quan không cho phép vì ngày ngày miền Bắc và cả Thủ đô Hà Nội luôn dưới tầm bom đạn Mỹ. Dù vậy chúng tôi vẫn xúc tiến việc tìm hiểu kinh nghiệm các nước bạn để chuẩn bị sẵn sàng làm truyền hình trong tương lai. Bản thân tôi tìm hiểu và biết rằng trong khối cộng đồng xã hội chủ nghĩa chỉ có Cuba là phát hình theo hệ kỹ thuật của Mỹ, phù hợp với hệ kỹ thuật ở Sài Gòn. Vì vậy, ngay từ năm 1967 nhân chuyến đi thăm Cuba, tôi đã ký với Viện Phát thanh truyền hình Cuba một hiệp định hợp tác và nước bạn sẵn sàng giúp Đài Tiếng nói Việt Nam đào tạo cán bộ làm truyền hình cả về kỹ thuật phát sóng, và về công tác biên tập, đạo diễn làm chương trình truyền hình”7.
Sau khi ký được hiệp định với Cuba, Bộ biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam chọn 18 cán bộ, vừa là kỹ thuật, vừa là biên tập viên của đài sang Cuba học 18 tháng. Cán bộ của chúng ta đã được chuyên gia bạn tận tình giúp đỡ cả lý thuyết và thực hành trong tất cả các khâu làm truyền hình, từ kỹ thuật ghi hình, dựng hình, thu trong, phát hình đến khâu biên tập nội dung theo từng chương trình thời sự, ca nhạc, sân khấu truyền hình, các chương trình mang tính chuyên đề, đạo diễn truyền hình, âm thanh ánh sáng... Trong khi đó, những người ở nhà cũng cố gắng sưu tầm tài liệu, cố gắng nghiên cứu để làm quen và từng bước tiếp cận với những kiến thức cơ bản về truyền hình.
Sự chuẩn bị của Đài Tiếng nói Việt Nam đã không thừa. Cục diện chiến trường miền Nam và cuộc đấu trí trên bàn ngoại giao ở Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã dự báo những bước đi mới. Mỹ thất bại liên tiếp trong cuộc “Chiến tranh cục bộ” đến “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam, thất bại nặng nề trong cuộc leo thang phá hoại miền Bắc lần thứ hai, đặc biệt trong cuộc đọ sức “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm đánh phá Thủ đô Hà Nội và một số thành phố khác, buộc Mỹ phải đến Pari nối lại đàm phán và Hiệp định Pari được ký kết, buộc Mỹ phải rút quân về nước.
Trước tình hình đó, việc chuẩn bị cho sự ra đời của đài truyền hình trở nên cấp bách hơn. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, ban biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục xây dựng kế hoạch xây dựng và phát thử với phương châm: Tự lực, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm làm bằng được.
Ngày 2-l-1970, Bộ biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam triệu tập đoàn cán bộ mới được đào tạo ở Cu Ba về, cùng với những cán bộ khác có tâm huyết để bàn cách làm thử truyền hình và giao nhiệm vụ cho các bộ phận chuẩn bị. Bằng kiến thức đã được học tập cộng với sự vận dụng sáng tạo, các cán bộ được giao nhiệm vụ đã làm được những việc phi thường, đó là chuyển một số máy phát thanh sóng ngắn sang máy phát hình; lắp ráp hoàn chỉnh một cách cơ bản trung tâm kỹ thuật bằng các vật tư kỹ thuật của đài phát thanh, tự chế tạo camera điện tử...
Nhà báo Trần Lâm nhớ lại: “Sau nhiều ngày phát thử thấy các khâu đều đảm bảo tốt, ngày 7-9-1970 chúng tôi tổ chức buổi ra mắt. Khách mời là một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước để chứng kiến sự ra đời của Đài Truyền hình Việt Nam. Trong số khách mời có đồng chí Hoàng Tùng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương; đồng chí Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đại diện Văn phòng Chính phủ; Uỷ ban Kế hoạch nhà nước; Bộ Tài chính... tất cả là những người có thể giúp đỡ cho Đài Truyền hình ra đời.
Buổi phát rất đáng ghi nhớ. Tất cả khách mời, diễn viên, phát thanh viên, cán bộ kỹ thuật, người ghi hình đến ngồi chung trong một phòng rộng. Người xem có thể vừa nhìn phát thanh viên, diễn viên biểu diễn trực tiếp, vừa xem cán bộ kỹ thuật ghi hình và xem hình ảnh trên mônitơ kiểm tra và trên máy thu hình bắt từ máy phát sóng. Chương trình gồm có 15 phút tin tức do hai phát thanh viên quen thuộc của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc thẳng, tiếp sau đó là nửa giờ ca nhạc do các diễn viên quen thuộc Thanh Huyền, Bích Liên, Thuý Hà, Kiều Hưng biểu diễn bằng phương pháp lay back (tức là chỉ thu hình còn tiếng thì thu trước để bảo đảm tiêu chuẩn).
Thành công quả là bất ngờ. Hình ảnh trung thực, âm thanh tốt. Sau khi nghe giới thiệu về tính năng từng bộ phận và quá trình lắp ráp, ai cũng xúc động khi biết lý lịch của hai camera “ngựa trời”. Hai đồng chí Hoàng Tùng và Phan Anh đã hứa sẽ giúp cho Đài Tiếng nói Việt Nam, xin Chính phủ cho phép được chính thức làm truyền hình. Gần một tuần sau, chúng tôi nhận được một lúc hai quyết định của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị ký: một là giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam chuẩn bị làm truyền hình; hai là, cấp cho Đài 400.000 rúp để mua những thiết bị ban đầu cần thiết”.
Được sự quan tâm của Chính phủ, những tháng cuối năm 1970, Bộ Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam gấp rút xây dựng Đài Truyền hình như mua máy phát hình, xe ghi hình, lắp ráp ăng ten, xây dựng Studio ghi hình... để chuẩn bị phát chương trình đầu tiên cho khán giả xem truyền hình Thủ đô Hà Nội.
Tối ngày 27-1-1971, Đài phát chương trình đầu tiên với câu mở đầu “Chương trình truyền hình thử nghiệm” phục vụ khán giả Thủ đô Hà Nội. Thời gian đầu Đài Truyền hình Việt Nam phát mỗi tuần ba tối, mỗi tối 2 giờ đồng hồ.
Năm 1976, xây dựng Trung tâm truyền hình ở Giảng Võ. Cuối năm 1977, Chính phủ ra quyết định thành lập Uỷ ban Phát thanh và truyền hình gồm cả Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình trung ương và quản lý sự nghiệp toàn ngành phát thanh và truyền hình trong cả nước. Đồng chí Trần Lâm được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Uỷ ban.
Như vậy là, ngày 7-9-1970 được coi là ngày khai sinh ra Đài Truyền hình Việt Nam. Từ đây, nền báo chí Việt Nam có thêm một loại hình báo chí mới: Báo truyền hình. Nhân dân ta tiếp nhận thông tin qua một kênh báo chí bằng hình ảnh với những ưu thế đặc biệt mà các loại hình khác không có được./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét