Khiemnguyen

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Nhà văn với nhà báo, học giả với nghệ sĩ, khác nhau thế nào?

 Nhà văn với nhà báo, học giả với nghệ sĩ, khác nhau thế nào? 

(Nguyen Bui Khiem, Chu nhat, ngay 25/7/2021)

Trong bài “Thủ tục làm thành tờ báo ở xứ ta” đăng Tri tân số 52 trước, tôi đã có nói: “Nghề làm báo ở xứ ta mới xuất hiện được độ hơn 70 năm nay…”. Thế là trong khoảng ngót một thế kỷ nay, nghề làm báo đã nghiễm nhiên được liệt làm một “kỹ nghệ” chuyên môn chế tạo ra sản phẩm tinh thần. 

Báo chí đã là một nghề tất nhiên phải có nhiều người làm nghề ấy và sống bằng nghế ấy. Song, trong “thế giới” cầm bút của ta sở dĩ từ xưa tới nay ít mọc được ngôi sao sáng, là vì phần đông không biết nhận chân cái sở năng của mình. Binh pháp có câu: “Tri bỉ, tri kỷ, bách chiến, bách thắng”. Nghĩa là biết sức mình, biết sức người, trăm trận đánh, trăm trận được. Câu đó chẳng những là tiêu ngữ của nhà binh, mà cũng lại là châm ngôn của kẻ cầm bút nữa.

Ở ta, có lắm người tưởng lầm rằng, trong nghể viết văn, viết báo, mình có thể biết hết các thể tài, làm được đủ mọi việc, từ phê bình đến nghị luận, từ khảo cứu đến tiểu thuyết, thơ ca, từ bài nghiêm trang đến những lối văn trào phúng hài hước, thôi thì mặt gì cũng viết, làm như những ông “thánh con”. Tưởng thế, là lầm. Vì thực ra mỗi người chỉ có một vài cái sở năng. Nếu làm cho những cái sở năng ấy được phát triển một cách rộng lớn, đầy đủ, đã là giỏi lắm rồi.

Nếu chỉ có thiên tài về thơ ca, lại không biết mở mang cái thiên tài ấy, trở lăn lộn vào nghề báo, viết những bài văn xuôi như một mớ bè ngổ bè dừa, lời lẽ lủng củng, ý nghĩa tối mò, khiến người đọc có cái cảm tưởng như ăn phải bữa cơm nấp nát. Đã ôm cái quan niệm hiểu sai về thơ, không biết tí gì về văn vần, lại đi phê bình thơ ca của người khác: thế chẳng những không giúp được chút ích gì cho nhà thơ bị phê bình, mà lại chỉ tỏ ra mình bất tự lượng, quá làm ra “ta đây kẻ giờ”, dễ chuốc lấy cái tiếng “múa rìu trước mắt thợ, đánh trống qua cửa sấm”.

Lằm người không có sở trường về tiểu thuyết, không có luyện tập và từng trải về món ấy, thế mà thấy người khác viết được dư luận hoan nghênh, liền từ địa hạt khác đâm bổ vào, cũng làm truyện ngắn, cũng viết truyện dài: thôi thì đủ cả vai chính, vai phụ, ly hợp, hợp ly, nhưng rút lại nó chỉ là một bát “hổ lốn”, chẳng có giá trị gì về mặt nghệ thuật cả. Thành thử chỉ làm phí giấy, phí mực, những sản phẩm ấy chẳng mang lại cho tác giả nó một thành công gì.

Trào phúng, hài hước là những món không phải ai ai cũng viết hay được. Nó chỉ nên để phân những ngòi bút nào có biệt tài về khoa bỡn cợt, khéo dùng những tiếng lộng ngữ, những lời bóng gió, những ý mỉa mai, những chữ trùng điệp nhiều nghĩa, khiến người đọc đến thấy nó như ẩn, như hiện, như thực, như hư, như không, như có, như cô xuân nữ có duyên, như món ăn đã nhai hết vẫn còn vô cùng dư vị... 

Hài hước? đã không khéo lại vô duyên, tất dễ sa vào vòng nhả nhớt tục tằn, làm cho người đọc phải thốt ra mấy tiếng phê bình cộc lốc: “Đồ ba que!”.

Nếu ai “vẽ cọp, không thành” chắc được những tiếng phê bình như thế thì chỉ có cách khôn ngoan hơn là đừng đả động đến món hài hước nữa. Khốn nỗi người đời không biết xét mình, cứ hay lăn vào con đường dẫn đến cái nạn “tự sát”, nên trên mặt nhiều tờ báo gần đây, người ta thường thấy đặt bừa, dưới những đầu đề chữ lớn “trào phúng” hay “hài hước”, những bài hoặc văn vần hoặc văn xuôi chẳng có tí gì đáng gọi là “hí hước” hay “trào phúng” cả, ngoài một vài chữ “hóm hinh” gọi là. 

Thơ? Món đó đáng lẽ chỉ nên dành riêng cho những thiên tài nào được phú bẩm dồi dào một tâm hồn thơ, có khiếu riêng về thơ, sở thích, sở trường về thơ. Đằng này lại không, nhiều người cho thơ là một món rất dễ làm, hễ ai biết ghép vần một chút là có thể trở nên thi sĩ được hết. Tháo nào. 

Tôi ghép vần

Anh ghép vần

Nó ghép vần

Chúng tôi ghép vần

Các anh ghép vần…

Người ta muốn xô cả nước Đại Nam thành “thi sĩ hóa”. Nhưng rút cục ra sao? Chỉ mua được tiếng mỉa mai của người ngoại quốc: “Sĩ phu nước Nam ưa thích ngâm vịnh, nhung phần nhiều đặt không thành câu”. 

Phải, có lắm người đáng lē chỉ nên viết những bài nghị luận bằng văn xuôi, khảo cứu theo phuơng pháp khoa học; thế cũng đã đủ chiếm một địa vị quan trọng trong văn học giới lắm rồi, sao lại còn cứ xông vào địa hạt thơ, nay viết một bài Đường luật, mai thảo một thiên lục bát... làm thêm những việc không “chuyên trị”, không hợp với bản năng mình?

Sở dĩ có nạn đem mộng tròn lắp vào mẹo vuông như thế, là vì lắm người quá giàu lòng tự ái, không chịu nhận chân cho sở năng của mình mà đặt nó vào một nơi xứng hiệp và nhằm đường!

Vậy thì những người mà ta thường gọi là nhà văn, nhà báo, học giả, nghệ sĩ… đó có những chỗ khác nhau như thế nào? 

Theo tôi, một nhà báo phải là người hoạt động, phải tiếp xúc lẫn lộn với đời. Phải biết qua mọi phương diện từ mặt phải đến mặt trái đời; phải sáng tai nghe và rộng mắt trông. Nói đến vấn đề nào, tuy không biết được thâm thuý, nhưng cũng phớt qua được cả. Những bài do ngòi bút nhà báo viết ra có một lối riêng của văn viết báo (style journalistique). Nó phải đanh thép, phải “hợp luận lý” (logique), phải hợp thời, phải thiết thực. Những lối “khai, thừa, chuyển, hợp” không cân lắm, đối với một bài báo, bằng thực tại, sáng việc, quán xuyến lý sự, hoạt và nhanh. 

Một nhà văn phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều và viết nhiều. Có thể ở riêng một chỗ nếu không phải là cái “tháp ngà”, cũng gọi là yên lặng, êm đềm đôi chút, rồi đưa mắt ngó ngoài cửa sổ, nhà văn nhìn ngắm bông hường, óng ánh trong làn sương sớm, đang chim chím cười. Nhờ cội nguồn cảm hứng ấy, nhà văn viết ra bài có tính cách bỡn mây, cợt gió, tô điểm non sông. 

Hoặc cao hơn, nhà văn, sau khi nhận xét cuộc đời bằng cặp mắt quan sát đúng chắc và thấu triệt, kiếm đủ tài liệu, tham khảo các sách cổ, kim, đông, tây, bấy giờ mới ngôi yên một chỗ tùy ý mà viết về một vấn đề nào mình đã lựa chọn: hoặc giáo dục, hoặc xã hội, hoặc chính trị, hoặc kinh tế…

Một bài văn thường có tính cách vĩnh viễn hơn một bài báo có vẻ nhất thời. Đã bàn luận về một vấn đề gì, một bài văn, ngoài cái “cốt vững chãi” của nó ra, lại phải khoác thêm chiếc “áo đẹp”, làm cho phần hình thức được tôn thêm nữa. Một bài văn hay, không thể là một bài chỉ chồng chất bằng từng mảnh tài liệu quí giá, không có dầu mỡ làm cho trơn chu bóng bảy, không có hoa hoè hoa sói làm cho văn vẻ mỹ miều, không có soi tỉa chạm trổ làm cho vui mắt, không có âm nhạc nhịp nhàng tiết tấu làm cho êm tai.

Nhà học giả khác hẳn nhà nghệ sĩ. Một đằng như cây gỗ lim để làm cột nhà; một đằng như bông hoa đẹp để trang hoàng phòng. Đã là học giả thì uyên bác uẩn súc, học phải rộng, biết phải sâu. Tuy không viết tiểu thuyết, không làm thơ ca, nhưng phàm lịch sử tiểu thuyết, thể tài thơ ca thế nào, nhà học giả biết rất tỏ tường, nói rất thông thạo, vanh vách. 

Nói về một vấn đề gì, nhà ấy cũng dẫn cổ, dẫn kim, nuốt A, nhả Á, thao thao bất tuyệt dưới ngòi bút đứng đắn vững vàng. Vì đã khảo cứu về món hội họa ở các sách, báo, nhà ấy có thể giải thích thế nào là 1ối vẽ Đồng phương, thế nào là lối vẽ Tây phương hoặc lịch trình tiến hóa của nền mỹ thuật thế giới thế nào… Nhưng, giá đưa cho một tờ giấy trắng, một ngòi bút lông, một hộp thuốc màu xanh đỏ mà bảo: Nhờ tiên sinh vẽ giùm cho em bé nhà tôi một tấm tranh con chuột? Tất nhà học giả phải ngập ngừng trả lời: Tôi không vẽ được.

Một nghệ sĩ, trái lại, không cần phải có cái học thức uyên thâm như nhà học giả, không cần phải thâu ngày suốt tháng vùi đầu trong đống sách bụi phong, song chỉ cần có thiên tài, có hoa tay, cũng có thể đi đạt được đến cái đích trên đường nghệ thuật. Một bức tranh mỹ thuật tuyệt xảo, một pho tượng điêu khắc công phu có khi cũng chẳng kém giá trị một danh tác về triết học hay văn học...

Nhân cái lẽ đó mà suy ra, nhà tiểu thuyết và nhà thơ cũng được đặc cách, vượt ngoài lề lối thường như thế. Họ có thể lấn bước mà nhảy lên cao được. 

Về phẩn tiểu thuyết và thơ ca, chỉ cần thiên tài và từng trải. Nếu anh có tài “bảy bước nên thơ”, làm những bài đẹp lời, đẹp ý, hoàn toàn về mặt nghệ thuật, thì anh có thể nhận được vòng hoa hoan nghênh rực rỡ, những lời ca tụng sôi nổi, ồn ào. Thế là anh đã thành công trong đời thi sĩ. Chúng tôi không cần hạch hỏi anh sao không có bằng cấp nọ kia, học lực cao thâm gì cả. Chỉ vì người mình phần nhiều hiểu lầm về nghệ thuật, nên thường hay cầu toàn trách bị trong một nghệ sĩ: 

- Anh ấy chưa ráo máu đầu. 

Hoặc: 

- Anh ấy, trình độ học chưa qua bực sơ đẳng!

Có cần chi phải khắc trách như vậy! Vì nghệ sĩ có phải là nhà học giả đâu. Vây, trước khi muốn phê bình nhau, ta cần phải cố hiểu lấy nhau đã. Ở xứ ta, nghề báo cũng như nghề văn, sở dĩ thua kém người ta, một cớ chính cũng vì nhiều nhà cầm bút không biết nhận chân cho sở năng của mình trước khi bước vào nghề mình định phụng sự. Lại nguy nhất là thường hay lam sam nhiều việc, không chịu chuyên chú vào một mặt nào hợp với khiếu mình và tài mình.

Một cây bút chữ nghĩa “lốp lép” dám gạt mình, lừa người, mạo muội chủ trương “tủ sách sử học”, “làng sách quốc học”, cho ra những cuốn sách - nói cho đúng có tính cách loè đời hơn là giúp đời, vì tác giả nó chỉ “lõm bõm” chữ nho mà ngang nhiên chực đi sâu vào đất chết!

Người ta phê bình: Tản Đà thất sách vì nước ngâm để cạn, cố đeo đẳng lấy tờ tạp chí An Nam, Vũ Trọng Phụng quá tham vì vượt địa hạt phóng sự, bước sang địa hạt tiểu thuyểt… Những lời phê bình ấy, tôi cho không phải là không xác đáng. Chúng ta không nên ép nhà học giả Lê Quý Đôn phải có một tác phẩm như Truyện Kiều; cũng đừng nên mong ở thi sĩ Nguyễn Du “đẻ” được những áng văn hùng như Hịch tướng sĩ văn của Trần Hưng Đạo, thơ Cảm hoài của Đặng Dung và bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Hoa Bằng (Tri Tân tạp chí, số 53, tháng 7/1942).



Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Chuyện sau bức ảnh "Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị"

Trong đời làm phóng viên chiến trường của tôi có những kỷ niệm khó quên như chuyện chụp bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị”. ảnh chụp người lính đẹp trai tên là Lê Xuân Chinh, đăng vào đúng ngày lễ 2-9-1972 trên Báo Nhân Dân, khi cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị vẫn đang tiếp diễn ác liệt. Đêm 16-9 quân ta mới rút khỏi địa danh này…

Sau khi ảnh được đăng, nhiều điện thoại và thư gửi tới tòa soạn để hỏi thăm về người trong ảnh. Có nhiều thư cùng viết  "…Nó là con tôi đấy, không biết giờ này có được bình an? " … Tôi điện ngay về đơn vị hỏi tin tức về người trong ảnh thì được đơn vị trả lời: “Chốt ấy đã bị thương vong hết”. Từ đó cho đến lúc bức ảnh được phóng to treo trong bảo tàng Thành cổ người xem có hỏi đều được trả lời: “Người trong ảnh đã hy sinh…”. Cho tới một ngày đúng vào dịp 30 năm sau (năm 2002) có người bạn cùng quê với Chinh vào thăm bảo tàng kêu to lên: “Không! Đây là anh Lê Xuân Chinh bạn cùng xóm với tôi, anh ta còn sống”. Người đó cho biết, anh Chinh đã đi kinh tế mới ở Điện Biên từ nhiều năm rồi. Thông tin đó đã đến được với tác giả và rồi chẳng bao lâu đã diễn ra cuộc hội ngộ bất ngờ, có cả nước mắt và nụ cười, giữa người chụp và người được chụp. Thì ra Lê Xuân Chinh bị thương phần mềm và bị sức ép của bom pháo khá nặng nên được đưa về tuyến sau điều trị rồi được trả về quê ở Thái Bình, không kịp nhận giấy chứng thương và các giấy tờ khác. Về quê Thái Bình làm ruộng, gặp khó khăn nhiều do sức khỏe kém, anh theo người làng đi xây dựng kinh tế mới ở Điện Biên. Suốt 30 năm ấy, anh Chinh sống trong cảnh nghèo khó, nhà tranh dột nát, con cái không ai học hết cấp 2. Bản thân anh không có chế độ, chính sách gì (vì không có giấy chứng thương nên không có thẻ thương binh, cũng không ai biết anh đã từng là một dũng sĩ chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị) … Cuối cùng, sau hơn 30 năm, tôi và các đồng đội khác đã giúp anh có được thẻ thương binh rồi được xây nhà tình nghĩa…

Bức ảnh đã ra đời như thế nào?

Tôi xin kể lại với các bạn trẻ hôm nay một vài nét về bối cảnh ra đời của bức ảnh:

Bắt đầu từ ngày 28-6-1972, địch đã huy động hơn hai sư đoàn lính thủy đánh bộ và nhiều đơn vị khác sau vệt bom rải thảm của B52, hòng giành giật lại mảnh đất liên quan đến hội nghị Pa -ri mà thế giới hết sức chú ý. Từ ngày 12-7, chúng tăng cường thêm bộ binh và hỏa lực các loại. Nhằm phá nát Thành cổ tới mức không còn một viên gạch dính vào nhau, Mỹ đã dùng loại bom dù thả từng chuỗi, đào bới phá nát các hầm hố. Rồi chất độc hóa học kéo từng vệt dài trên nền trời, tỏa dần ra, trùm xuống Thành cổ một thứ khói vàng nhạt chết người. Đội ngũ phóng viên Báo Quân đội nhân dân và một số báo khác từ ngoài vào, lòng hết sức nôn nóng. Thời điểm này, trên bàn đàm phán Pa -ri có cuộc tranh cãi: Ai là người làm chủ thị xã và Thành cổ Quảng Trị? Thông tin từ hai phía bằng lời nói không đủ sức chứng minh… Các nhà báo hiểu cần phải vào tận nơi tìm hiểu cuộc sống và chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ ta để tạo lợi thế cho phía ta trên bàn đàm phán.

Nhưng con đường vào Thành cổ chẳng dễ dàng gì. Có lời khuyên từ Bộ chỉ huy mặt trận: Không nên để cho phóng viên vào Thành cổ. Có điều gì thôi thúc khiến tôi phải tìm mọi cách "phá rào" vào cho bằng được. Tôi tìm đến vị trí Đảng ủy xã Triệu Thượng, ngay sát bờ bắc sông Thạch Hãn, cách Thành cổ 800m và nhận được lời khuyên nên bám tuyến đi ra của đường vận chuyển thương binh cũng đủ tài liệu. Nhưng tôi là phóng viên nhiếp ảnh không thể lấy tài liệu gián tiếp. ống kính của tôi đã gắn bó từ ngày đầu với chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Tôi đã đưa được vào ống kính những hình ảnh anh hùng của chiến sĩ đánh sụp “hàng rào điện tử Mác -na-ma-ra", ghi được phút lịch sử các chiến sĩ cắm cờ lên căn cứ Đầu Mầu, hình ảnh cả một Trung đoàn 56 của quân ngụy Sài Gòn phản chiến trở về với cách mạng. Giờ đây, tôi phải có hình ảnh chiến sĩ ta chiến đấu tại Thành cổ. Cả nước muốn nhìn thấy họ sống ra sao dưới pháo bầy, bom chùm và bom rải thảm của B52 Mỹ.

Nghe tôi trình bày, một nữ chiến sĩ du kích nói vui:

- Nhà báo đã “ngoan cố” muốn vào Thành cổ thì em xin dẫn đường.

Hai nữ du kích đã tự nguyện dẫn đường là cô Lệ, cô Hảo, cho biết: “Vượt qua sông Thạch Hãn trong đêm rất khó khăn, nguy hiểm. Có lúc mảnh bom rơi như mưa, trên mặt sông đầy ánh pháo sáng…”. Tôi đã từng chụp những hình ảnh lúc Thành cổ mới giải phóng, dinh tỉnh trưởng còn nguyên vẹn. Còn lúc này Thành cổ ngày 16-8-1972, dinh tỉnh trưởng đã nát tan tành và Thành cổ cũng sụp lở như vừa qua một trận động đất lớn. Chỉ còn nụ cười của những chiến sĩ là nguyên vẹn và rạng rỡ. Anh em nói khi tôi đưa ống kính lên: “Có thể ngày mai đây một số anh em chúng tôi không còn nữa. Nhưng Thành cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước…”.

Tôi đã say mê bất chấp bom đạn để giành giật những bức ảnh từ tay thần chết, những hình ảnh sống về các chiến sĩ trẻ. Trong số những bức ảnh đó, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hiếm hoi với nụ cười lạc quan của Lê Xuân Chinh và đồng đội. Trước khi rời khỏi Thành cổ, mang phim ảnh về Hà Nội, tôi cảm thấy trách nhiệm nặng nề không kém lúc ghi hình nên tôi đã có “sáng kiến” ghi những dòng chữ lên giấy rồi bọc vào mỗi cuốn phim: “Nếu chẳng may tôi hy sinh, xin nhờ mang giùm 10 cuốn phim này về tòa soạn Báo Quân đội nhân dân”.

Nhưng may mắn cho tôi, tôi đã thực hiện chuyến đi trót lọt và những cuốn phim vô giá trong đó có bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” đã về tới Hà Nội.    

Bài và ảnh: Đoàn Công Tính (phóng viên chiến trường) 

Hoàng Vũ TH.

Nguồn: Sưu tầm trên facebook.



Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

THĂM MỘ ALEXANDRE DE RHODES TẠI BA TƯ - TRI ÂN NGƯỜI KHAI SÁNG CHỮ QUỐC NGỮ VIỆT NAM

“Từ thuở còn sinh viên, khi được học về nguồn gốc chữ Quốc ngữ mà chúng ta có được để sử dụng một cách dễ dàng và tiện lợi như ngày nay. Tôi đã thầm cảm ơn những nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là Alexandre de Rhodes, người đã có đóng góp lớn lao trong việc hoàn thiện hệ thống bảng chữ cái cho người Việt Nam của chúng ta.

Và may mắn thay, trong chuyến đi Ba Tư (Iran) lần này. Một cơ duyên vô cùng quý báu đã giúp tôi có cơ hội đến viếng thăm ngôi mộ, nơi yên nghỉ của ông trong một nghĩa trang nằm ở ngoại ô của thành phố Esfahan, Iran.

SỰ CHỈ GIÚP CỦA NHỮNG NGƯỜI BẠN TỐT BỤNG

Từ lời gợi ý của một chị bạn, chúng tôi biết được thông tin về ngôi mộ của Alexandre de Rhodes được an táng trong một nghĩa trang công giáo của người Armenia tại Esfahan. Nhưng do thời gian lưu lại nơi đây khá ngắn, vì thế hy vọng được đến viếng thăm ngôi mộ của ông là khá mong manh cho chúng tôi.

Khi nghe chúng tôi nói về ước nguyện của mình, cô Malih - một Hướng dẫn viên người Iran vô cùng thông cảm và hết sức tận tình giúp đỡ. Mặc dù với thâm niên hơn 10 năm làm nghề hướng dẫn viên, đã đưa biết bao nhiêu đoàn khách từ khắp năm châu đến thăm Esfahan, nhưng là người Hồi giáo cho nên cô chưa hề biết đến thông tin về khu nghĩa trang người công giáo Armenia nằm ở đâu. Và cô cũng không hề biết đến thông tin nào về Alexandre de Rhodes.

Sau quá trình tìm kiếm, thông qua một người bạn gốc Armenia, cô Malih hỏi thăm được địa chỉ của nghĩa trang. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng được vào thăm nghĩa trang. Mà cần phải có sự đồng ý của người quản lý ở nghĩa trang.

Một lần nữa, chúng tôi may mắn gặp được một vị quản lý ở nhà thờ Vank, ông đã nhiệt tình viết cho chúng tôi một tờ giấy phép để xuất trình cho người quản lý ở nghĩa trang.

Cầm tờ giấy trên tay, chúng tôi vội vàng đi về phía ngoại ô thành phố Esfahan. Nơi có nghĩa trang của cộng đồng người Armenia sống tại đây.

NƠI NGƯỜI NẰM XUỐNG

Trước mặt chúng tôi là một nghĩa trang rộng lớn. Những dãy mộ xếp hàng dài nối bên nhau mênh mông. Chúng tôi biết là sẽ không dễ dàng để tìm ra vị trí lăng mộ của ngài. Chúng tôi tìm gặp một cụ già quản mộ ở đây dò hỏi. Cụ nhanh chóng lên xe đưa chúng tôi đến ngôi mộ có tên Alexandre de Rhodes….

 Hôm chúng tôi đến, là ngày đầu năm mới của tết cổ truyền Nowruz của người Ba Tư (Iran), một vài ngôi mộ gần đấy được đặt những chậu hoa. Còn ngôi mộ của ông không có một cành hoa nào, đó chỉ là một nấm mồ nhỏ làm bằng một tảng đá hình chữ nhật nằm khép mình khiêm tốn bên những ngôi mộ khác.

 Một niềm xúc cảm thân thương nghẹn ngào mà tôi không thể tả thành lời đang tuông chảy trong tôi. Đây là nơi an nghỉ của người đã có đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc Việt Nam. Dưới lớp đất ấy là thi hài của một người phương Tây xa lạ.

Ông đã mất từ gần 4 thế kỉ trước nhưng ông là người đã giúp cho dân tộc Việt Nam có được một bảng chữ cái với các thanh sắc uyển chuyển nhẹ nhàng, nhằm để ghi lại và diễn đạt tiếng mẹ đẻ của người Việt Nam.

Mộ ngài Alexandre de Rhodes



Đặt một chậu hoa tím mua được trong một hiệu bán hoa tết của người Iran lên mộ ông. Chúng tôi không ai nói lời nào. Nhưng giữa chúng tôi có một sự đồng cảm sâu sắc. Chấp tay lên ngực, tôi khẽ cúi đầu xin gửi đến người một lời tri ân sâu sắc.

Nhìn thái độ thành khẩn và tôn kính của chúng tôi dành cho người nằm dưới nấm mộ. Người quản trang hỏi cô Malih: "ông ấy là ai mà chúng tôi có vẻ tôn kính thế?". 

Và ông đã vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng đây là người đã có công hoàn thiện bảng chữ cái cũng như xuất bản những quyển tự điển Việt - Bồ - La tinh đầu tiên cho người Việt Nam từ những năm 1651.

Qua cuộc chuyện trò, tôi đuợc biết người quản trang có tên gọi là Rostam Gharibian, ông đã làm việc ở đây được 17 năm.

Tôi hỏi, trong 17 năm đó có bao giờ ông thấy ai là con cháu hay người thân của ngài Alexandre de Rhodes đến viếng mộ ông ấy hay không.

Thoáng chút đăm chiêu, ông trả lời rằng: vì là một thầy tu cho nên khi mất đi cũng như bao người khác Alexandre de Rhodes cũng không có vợ con. Và họ hàng thì cũng ở xa tít tận châu âu cho nên chắc cũng không ai còn nhớ.

Vì thế trong 17 năm nay ông cũng chưa hề nghe thấy một người họ hàng hay con cháu nào của ông đến thăm. Chỉ thỉnh thoảng đôi khi ông thấy có một vài người Việt Nam đến viếng mà khi đó thì ông cũng không biết họ là ai và có quan hệ như thế nào với người đã mất…

Theo truyền thống của những người Iran, tôi lấy một ít nước rửa lên nấm mồ của ông. Những giọt nước mát trong chảy lên bia mộ ông tựa như lời thì thầm của chúng tôi xin gửi đến người. Cả một đời ông cống hiến vì đạo. Và trong quá trình truyền giáo, với mục đích mong muốn truyền tải những thông điệp trong kinh thánh một cách dễ dàng hơn.

Ông đã không quản khó nhọc để tìm cách sáng tạo ra bảng chữ cái tiếng Việt. Và đến khi cuối đời, Ngài đã lặng lẽ nằm lại nơi xứ người. Có lẽ giờ đây ông không còn một người bà con họ hàng nào nhớ đến ông để thỉnh thoảng ghé thăm, chăm nom nấm mồ của ông nữa, nhưng có lẽ ông cũng ấm lòng khi biết rằng vẫn còn đó những người con nước Việt.

Vẫn còn đó hơn 90 triệu người con nước Việt trên khắp 5 châu sẽ mãi mãi không bao giờ quên ơn ông. Người đã có công vĩ đại trong việc chấm dứt 1000 năm tăm tối, 1000 năm khốn khó khi những người Việt phải đi mượn chữ Tàu ghi lại tiếng Việt.

Những người con đất Việt kính cẩn nghiêng mình trước mộ ALEXANDRE DE RHODES

Và giờ đây, hạnh phúc thay. Chúng ta đã có được bảng chữ cái của riêng mình. Một bảng chữ cái dựa trên các ký tự La Tinh nhưng vô cùng uyển chuyển và dễ học.

Xin cám ơn người, một vị đại ân nhân của những người con nước Việt. Xin tri ân người với lòng kính yêu sâu sắc: Alexandre de Rhodes !”



nguồn: Phạm Minh Trí

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Phan Khôi

 Một đời với báo chí

Theo tư liệu của gia đình và một số nhà nghiên cứu thì năm 1907 Phan Khôi ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo. Nhưng theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, ông có thể bắt đầu làm báo từ năm 1918, tờ báo ông cộng tác đầu tiên là tạp chí Nam phong với bút danh Chương Dân. Hơn một năm sau, Phan Khôi vào Sài Gòn, viết cho tờ Lục tỉnh tân văn. Sau vài tháng, ông lại trở ra Hà Nội, cộng tác dịch Kinh Thánh Ki-tô giáo cho Hội thánh Tin Lành, đồng thời cộng tác với các tờ Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh. Vài năm sau, Phan Khôi lại vào Nam. Năm 1927, có thể là để tránh sự truy nã, Phan Khôi xuống Cà Mau ẩn náu và tự học thêm tiếng Pháp qua thư từ với Djean de la Bâtie, một nhà báo tự do người Pháp ở Sài Gòn.

Từ đầu năm 1928 đến năm 1933, Phan Khôi viết cho tờ Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ tân văn, Trung lập ở Sài Gòn, Quần báo, Hoa kiều nhật báo (chữ Hán) ở Chợ lớn, và Ngọ báo, Đông tây, Thực nghiệp… ở Bắc kỳ.

Tháng 4/1933, Phan Khôi từ Sài Gòn ra Hà Nội viết cho Thực nghiệp dân báo; từ tháng 9/1933 bắt đầu viết cho Phụ nữ thời đàm.

Đầu năm 1935, Phan Khôi vào Huế, làm chủ bút nhật báo Tràng An. Đầu tháng 8/1936, ông sáng lập tuần báo Sông Hương, là chủ nhiệm kiêm chủ bút. 

Sau khi bán tờ Sông Hương cho Phan Đăng Lưu (3/1937), Phan Khôi vào lại Sài Gòn dạy học đến cuối năm 1941 thì chuyển về sống ở quê (Điện Bàn, Quảng Nam). Những năm này (1937 - 1941), ông vẫn viết bài cho các báo Thời vụ, Dư luận, Tao đàn, Phổ thông bán nguyệt san, Điện tín, Nước Nam, Tiếng dân và vẫn theo đuổi những tranh luận trên báo chí.

Tháng 10/1945, ông được Chính phủ Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội hoạt động văn hóa rồi từ đó tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian ở Việt Bắc (1947 - 1954), ông chủ yếu nghiên cứu tiếng Việt và dịch thuật đồng thời cộng tác với tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Hòa bình lập lại, Phan Khôi về Hà Nội, vẫn chủ yếu dịch thuật, nhất là các tác phẩm của Lỗ Tấn và viết bài cho báo Văn nghệ. Tháng 9/1956, Phan Khôi nhận lời làm chủ nhiệm tờ tuần báo Nhân văn. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

Tháng 7/1958, Phan Khôi bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn. Ngày 16/1/1959, ông qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội.

Sưu tập Phan Khôi - tác phẩm đăng báo (từ 1917 đến 1958) của Lại Nguyên Ân xuất bản những năm gần đây mặc dù như ông nói là chưa đầy đủ đã gồm 12 tập, 7.600 trang. Phan Khôi chủ yếu viết báo bằng tiếng Việt, viết nhiều thể loại nhưng điêu luyện nhất là chính luận, đặc biệt là về văn hóa, văn nghệ. Ông không ngại đi vào những vấn đề gai góc của học thuật và cuộc sống, là nhà báo có biệt tài phát hiện những vấn đề lớn qua các hiện tượng, sự kiện nhỏ và có những nhận định chính xác về bản chất của nó. Ông chủ trương khi viết chính luận, bút chiến phải kiên quyết dứt bỏ tình cảm và đề cao lý trí. Ông được coi là cha đẻ của thể loại “hài đàm” kết hợp/sử dụng văn chương với/vào báo chí, tiêu biểu như mục “Cuộc sống hàng ngày” trên Đông Pháp thời báo, Thần chung…

Với tư cách nhà văn, ông được nhận định là một tác giả khởi đầu của phong trào Thơ mới. Văn nghiệp của ông đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, trong đó có: Bàn về tế giao (1918); Tình già (thơ mới - 1932); Chương Dân thi thoại (1936); Trở vỏ lửa ra (1939); Tìm tòi trong tiếng Việt (1950)... Ngoài ra, ông còn là nhà ngữ học, nhà sử học với nhiều tác phẩm có giá trị.

“Kẻ phản biện” số một của báo chí Việt Nam

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận định: “Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng..., ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức”.

Tác phẩm của Phan Khôi bất luận là văn hay báo đều có tư tưởng học thuật, có một cách nhìn mới mẻ, duy tân trên nền tảng khoa học tiến bộ. Với mong muốn đổi mới, ông là người khởi xướng nhiều cuộc tranh luận học thuật trên báo chí một cách thẳng thắn, sòng phẳng. Sơ bộ, có thể tạm tính, Phan Khôi có 9 cuộc tranh luận đáng chú ý nhất là: 1) về “Truyện Kiều”; 2) về nữ quyền và bênh vực phụ nữ; 3) về Nho giáo; 4) về công và tội của vua Gia Long; 5) về quốc học và chữ quốc ngữ; 6) về thơ mới và thơ cũ; 7) về duy tâm và duy vật; 8) về quan hệ giữa chính trị và văn nghệ; 9) về phương Tây và phương Đông…

Tranh luận về Nho giáo, Phan Khôi đã có một loạt bài, nổi bật nhất là bài Đôi điều nên biết về Nho giáo đăng trên báo Đông Tây năm 1931 phê phán Nho giáo một cách quyết liệt nhất. Là nhà Nho nhưng ông tự đứng ngoài truyền thống Nho giáo để xác lập một vị thế độc lập với nó để phê phán những luận điểm căn bản, nền tảng nhất của Nho giáo vốn đã được khẳng định và đề cao nhằm phủ nhận vai trò lịch sử của học thuyết này trong thời đại của ông, loại bỏ nó ra khỏi địa vị nền tảng của nền văn hóa Việt Nam. Sự phê phán này là đóng góp cần thiết cho sự tiếp nhận một cách mạnh mẽ hơn những giá trị văn hóa phương Tây ở Việt Nam giai đoạn này.

Tranh luận về nữ quyền, trên Phụ nữ tân văn và Phụ nữ thời đàm, Phan Khôi đã có hàng loạt bài viết về thân phận của phụ nữ. Ông viết: “Đại để ở dưới cái chế độ xã hội này, hễ là dân và đàn bà thì phải chịu khổ. Dân bị kẻ cầm quyền áp chế, đàn bà thì bị đàn ông áp chế. Kẻ cầm quyền làm cho dân ngu đi đăng dễ đè nén, cũng như đàn ông làm cho đàn bà ngu đi đặng dễ sai khiến....”. Ông đưa ra hoàng loạt vấn đề liên quan như phụ nữ với chính trị, với văn học, với giáo dục, với nữ công gia chánh, về nhân phẩm và quyền được hạnh phúc trong hôn nhân... để khẳng định vị trí, vai trò của họ trong gia đình, xã hội nhằm giải phóng họ khỏi bất công.

Tranh luận về chủ đề phương Đông và phương Tây, chủ kiến của Phan Khôi là: 1) Phương Tây chuộng khoa học thì phương Đông chuộng huyền học; 2) Phương Tây chuộng tự chủ thì phương Đông chuộng thống thuộc (ông giải nghĩa chữ “tự chủ” ở đây chính là nội dung của chủ nghĩa cá nhân; rất khác so với những nội hàm “cá nhân chủ nghĩa” bị xuyên tạc sau này); 3) Phương Tây trọng sự tiến thủ thì phương Đông trọng sự an phận. Từ phát hiện này, Phan Khôi đi tới kết luận: Phương Đông muốn tiến bộ thì phải học theo tư tưởng và lối sống Tây phương, phải “Âu hóa”.

Tranh luận về quốc học, Phan Khôi cho rằng “quốc học” ngày nay thường dùng là chỉ về cái học riêng của một nước, có vẻ đặc biệt, có chỗ khác với nước ngoài. Theo ông, quốc học là nền học thuật, tức nền tư tưởng, nền triết học riêng đã thực sự ảnh hưởng, chi phối đời sống xã hội khiến cho dân tộc ấy khác biệt với các dân tộc khác. Từ đó, ông cổ vũ cho việc truyền bá và thống nhất sử dụng quốc ngữ để làm nền tảng phát triển giáo dục, văn hóa, văn học và khoa học, xây dựng nền quốc học của nước nhà.

Trong các cuộc tranh luận khác nữa, Phan Khôi đều có chính kiến và thể hiện quyết liệt tư tưởng học thuật, tinh thần đổi mới trên nền tảng tri thức khoa học phong phú và tiến bộ.

Phan Khôi cả một đời làm báo viết văn. Ông là nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn của báo chí Việt Nam thế kỷ XX mà đến hôm nay chúng ta vẫn chưa hiểu hết về tầm vóc ông.

Phan Khôi xác định rõ ba chuẩn mực về văn chương của nhà báo là Tín, Đạt, Mỹ. Tín là phải cho thật, cho có lý; Đạt cho thông, làm cho người đọc hiểu được bài báo, nhà báo; Mỹ nghĩa là văn phải cho đẹp để cảm người cho sâu, truyền đi cho xa.

(Vĩnh Khánh)

Nguồn: http://m.kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-phan-khoi-nha-bao-chinh-luan-425809.html