TẮT ĐÈN CỦA
NGÔ TẤT TỐ
|
Vũ Trọng Phụng
(Thời vụ báo số 100, ngày 31/1/1939)
|
Hiện thời, trong làng
tiểu thuyết và trong công chúng ắt có nhiều người đương đợi chờ một áng văn hoàn toàn thôn quê, không phải thứ chuyện ca
tụng những cái đẹp về cánh đồng
ruộng hay những thú vị cùa nghề nông,
hay mô tả những phong tục kỳ
quái của những nơi
còn là hẻo lánh đối với
văn minh và khoa học mà thôi, nhưng mà thứ chuyện có luận đề xã hội, mục đích
là bênh vực phái nhà nông và cái đại đa số dân cùng đinh của xã hội nữa, theo như cái hiện trạng văn chương “Vị nhân sinh” của Liên Bang Xô-viết chẳng hạn...
Giữa lúc mục đại luận của phần đông các báo chí hoặc tả
khuynh hoặc trung lập thường để dành cho những vấn đề quanh cuộc đòi cải thiện
cái đời sống đáng
buồn của nông dân, thì
kể về tiểu thuyết nó cũng là một thứ hình thể của văn chiến đấu mà có lẽ lại
công hiệu nhất nữa - ta phải chán nản mà nhận đây rằng có quả thật hãy còn vắng vẻ, đìu hiu, chỉ mới thấy có quyển Tố Tâm của Nhất Linh, quyển Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, thế thôi. Còn những thiên tiểu thuyết dài hoặc
ngắn của những
tác giả khác đã thấy xuất hiện trên các báo, thiết tưởng chẳng đáng kể gì cho lắm, vì lẽ những áng văn ấy
không in thành sách, có lẽ
cũng chỉ vì cái
giá trị những văn cũng chẳng to tát là bao.
Tại sao về tất cả mọi vấn đề, nào là tả lịch sử, tả phong tục, tả chân cảnh của xã hội, nào là tả về ái tỉnh và những vấn đề phụ nữ như cuộc xung
đột mới cũ, mẹ chồng nàng dâu, dì ghẻ con
chồng, chữ tiết, nên Âu hóa, nên dung hoà mới cũ, vân vân, thì tiểu thuyết của ta cũng đã đủ mật, có thể nói là quá thừa nữa vì ta đã thấy
có khi hai nhà văn tranh
nhau một cái cốt truyện cũng như ta đã thấy nhiều người viết đi viết lại những vấn đề mà thiên hạ đã nói mãi rồi đến nỗi thành ra nhàm, vậy mà về loại
chuyện tả những nỗi khổ của nông dân thì lại thiếu thốn đến như vậy, mặc lòng từ khi phong trào xã hội tràn
đến xứ này thì từ các nhà cầm quyền cho đến làng báo, người nào cũng
vẫn chỉ muốn tỏ rằng
mình săn sóc đến
người cày ruộng, nhất là bọn cùng đinh. Tại sao lại có sự
trái ngược đến thế?
Nghĩ kỹ ra, ta thấy cái
lẽ người: là số người lưu tâm đến mọi
điều cực khổ của
dân quê thì rất nhiều, song số người đủ tư cách viết nổi cho ra viết một thiên tiểu thuyết về dân quê thì lại rất hiếm. Thật vậy, muốn có đầy
đủ tài liệu để viết một chuyện hoàn toàn phụng sự dân quê, ngoài những đức tính
khác, lại phải có từng trải này: được sống nhiều cái đời thôn quê. Sự từng trải ấy đáng gọi là cái “có đủ thẩm quyền”, và sở dĩ làng văn ta ít
ai đủ thẩm quyền, ấy chỉ vì phần đông đã sống tại những nơi thành thị ngay
từ hồi thơ ấu. Cho nên lắm khi
ta đã thấy nhiều nhà văn có tên tuổi mà khi viết chuyện về thôn quê thì lúng
túng, lờ mờ, ngây ngô, sai lầm, vô duyên. Biết được cho rõ cái thực của xã hội nhà quê, ngoài
sự được quả thật đã sống cho nhiều ở nhà quê lại
còn phải đủ điều kiện tối cần này: là biết chữ Nho. Vì sao? Phàm đối với bất cứ việc gì hệ
trọng xảy ra ở nơi đồng ruộng, hoặc chốn đình
trung, hoặc nơi công đường, nếu ta không có Nho
học thì không hiểu
được. Vậy mà làng tiểu thuyết của ta thì lại rất
hiếm người có đủ chữ Nho! Dễ thường chỉ bởi thiếu hai
điều này, cho
nên dẫu là Nhất Linh, dẫu là Nguyễn Công Hoan mặc lòng,
sách của hai
ông này tuy vậy mà cùng chỉ đủ tả cái lòng thương đám dân quê nghèo khổ mà thôi, chứ
chưa tỏ được tỏ cái hiểu biết thấu triệt, tức là cái có đủ thẩm quyền của hai ông, về cái xã hội cục kịch, hủ lậu quê mùa. Tôi nói thế là đề ghi hai điều kiện văn chương thôi chứ không có ý muốn giảm thanh thế của hai nhà tiểu thuyết đã nổi tiếng ấy.
Nhưng nay, Tắt đèn của Ngô Tất Tố đã ra đời. Tôi dám chắc rằng các nhà
phê bình chân chính sẽ đồng ý với tôi mà
công nhận rằng cái áng văn
chương mà thiên hạ đương đợi ấy
thì đây! Tắt đèn là một
thiên tiểu thuyết có luận đề
xã hội - điều ấy, cố nhiên - hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tòng lai chưa từng thấy, mà
lại của một tác giả đã được cái may hơn nhiều nhà văn khác là đã được sống nhiều ở nơi thôn quê, cho nên có đủ thẩm quyền!
Ngô Tất Tố là một nhà
báo về phái Nho học,
và là một tay ngôn luận
xuất sắc trong đám nhà Nho. Ngang hàng với Phan Khôi. Làng báo Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, cùng độc giả, hẳn không ai mà lại không biết danh tiếng người ra đời từ hồi thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu chủ trương An nam tạp chí, và đã viết nhiều bài đại luận, khảo cứu bút chiến, phê
bình, nhiều truyện lịch sử rất có giá trị trong nhiều tuần báo và tạp chí,
cả Nam lẫn Bắc. Với cái sự được đời hoan
nghênh ấy, Ngô Tất Tố chẳng cần ai giới thiệu nữa, nếu ta chỉ kể trong phạm vi
ngôn luận.
Nhưng, nay cho dầu cái
tình bằng hữu của chúng tôi đã khiến cho tôi chẳng còn được sốt sắng cho lắm để giới
thiệu Ngô quân với quốc dân,
vậy mà tôi cũng cứ phải viết mấy lời này, ấy là vì bạn tôi
lại từ làng báo mà mới bước vào làng tiểu thuyết, và Tắt
đèn là áng văn đầu tiên của bạn, và cũng là áng văn mới mẻ
nhất về loại văn chương xã hội ngày nay nữa.
Trái hẳn với đa số các
nhà viết báo chí có nho học thường ra thì càng về già cố nhiên càng là héo hắt, cùn mòn, viết dở thì phần nhiều mà viết cho nghe được thì cũng là may mà thôi, bạn Ngô Tất Tố hình như lại khởi sắc thêm nữa, cho dầu là bạn vào ngay hạt tiểu
thuyết mà nhiều người có thể yên trí rằng không phải chỗ của bạn, vì nó là địa
hạt của bọn trẻ
tuổi và có Pháp
học.
Thật thế, đọc quyển Tắt đèn này, những
độc giả khó tính sẽ cũng phải chịu rằng óc quan sát của Ngô Tất Tố về những
cảnh làm ruộng, thu thuế, chè chén xôi thịt, hà lạm, ức hiếp, bán vợ đợ con,
của đám dân quê, quả là một thứ óc quan sát rất tinh tường rất chu đáo; cho đến cách hành văn nữa cũng là mới mẻ, sáng sủa, tưởng
chừng như chỉ có phái nhà văn thuộc Pháp học thì mới có thể linh lợi và phô
diễn nổi một cách linh hoạt như thế. Cái nghệ thuật của một nhà văn trên bôn chục tuổi, thuộc phái cổ mà lại chỉ có nho học thôi, mà được thế này, thiết tưởng là rất có thể làm cho chúng ta phải thẹn cho cái trẻ
trung sung sức của chúng ta. Bạn Ngô Tất Tố đã viết được một thiên Việt tác
hoàn toàn phụng sự dân quê, một
việc mà phái trẻ chúng ta phải cho
là rất mới mẻ, cái đó đã
đành. Nhưng còn điều này mới
thật là cái vinh dự cực điểm cho bạn, nghĩa là trong tiểu
thuyết Tắt đèn, những
vai trò chính
đều không thuộc vào hạng người trí thức. Bạn đã hoàn toàn đứng vào địa vị khách
quan, mà câu chuyện bạn kể cũng đủ cảm động, cũng khiến người đọc phải có những
tư tưỏng cải tạo xã hội hoặc là những ý kiến phê bình sự vật, in như trong
những tiểu thuyết mà vai trò chính là người tri thức, nhờ đó mà các tác giả ám
thị cho độc giả phải đồng ý với mình để giấu giếm cái địa vị chủ quan của mình
cho bớt rõ rệt đi.
Nếu các độc giả không
quên rằng trong tuần báo Les Nouvellé
Littéraires bên Pháp, năm 1938, nhà văn hào J.Romains đã phải than
phiền về trình độ tiểu thuyết xã hội của Pháp sẽ đi còn kém văn chương cách
mệnh của Nga Xô viết, ấy là chỉ vì các nhà văn sĩ Pháp phần đông hãy còn theo khuôn sáo cũ, bao giờ cũng phải dùng
đến những vai trò chính có trí thức để phô diễn cho rõ những tình cảm và biệt
kiến của mình, trong khi các nhà văn sĩ Nga đã tiến lên một bậc cao hơn nữa, nghĩa là chỉ viết truyện về những người
thô lỗ, những người nhà quê, ít học, chất phác, quê mùa, giản dị mà thôi; nếu
các độc giả vẫn nhớ rằng đến văn chương Pháp cận kim, mà còn bị kêu ca là thấp kém như thế, thi các độc giả sẽ tin rằng
mấy lời giới thiệu này chỉ là công binh thôi, chứ không phải là để tâng bốc bạn hữu.
Tác giả Tắt
đèn tuy chỉ có Nho học thôi, nhưng chẳng vì vậy mà kém bọn văn sĩ có Tây học, vì
bạn đã chịu khó tìm tòi học thêm, và vì lẽ cái thế giới Tây phương chẳng phải là đóng cửa hẳn với bọn nhà Nho, cho nên
Ngô Tất Tố đã được đọc cả sách Maxime Gorki qua những bản văn dịch của
Tàu.
Âu Tắt đèn cũng là một phần thưởng xác đáng cho người
hiếu học ấy./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét