BÁO GIỚI VÀ VĂN HỌC QUỐC NGỮ (phần 1)
(Thiếu Sơn - Bài diễn thuyết đọc ở Hội Nam kỳ Khuyến học
Thưa các quý ông, quý bà, tôi còn nhớ cách đây trên mười năm, hồi tôi còn tòng học lại Hà Nội, không tối thứ Năm nào là tôi không tới nhà hội Trí Tri nghe
diễn thuyết.
Trong những buổi đi nghe diễn thuyết đó, thất
vọng cũng nhiều mà hứng thú
cũng lắm. Thất vọng vì câu chuyện vô vị, mà hứng thú bởi câu chuyện có duyên.
Nhưng rốt cuộc rồi sự nghe diễn thuyết đã thành
một cái mê trong tôi, cũng như trước hồi đó tôi vẫn mê cải lương và chớp bóng vậy.
Đến khi vô trong này, sự mê đó vẫn cứ theo tôi hoài và cứ bắt tôi phải có
mặt ở mỗi cuộc diễn thuyết tại
nhà hội Khuyến học này.
Nhưng chẳng lẽ có vay mà không có trả? Song trả
thì biết trả cách nào? Tôi tưởng chỉ có cách là cũng phải có lần đứng lên nói như người ta vậy.
Lần này tôi diễn thuyết. Mà bài diễn thuyết của tôi nó
sẽ đặc biệt hơn hết thảy. Mà đố các ngài biết nó đặc biệt như thể nào?(64). Đặc biệt vì nó sẽ đứng vào hạng “bét”, để các ngái
phải thất vọng, mà tội nghiệp cho diễn giả rằng; hữu chí mà vô tài, có nợ muốn trả, mà chẳng trả được lấy một phần trong muôn phần cái vốn (ấy là chưa nói đến lời
làm chi).
Mặc dầu, có sao thì cũng đã lỡ rồi. Đứng lên vậy
là phải nói. Nói không hay, là vì tôi không có tài hùng biện; diễn không khéo,
là vì tôi không giỏi thuật văn chương; bài không được súc tích phong phú, là vì tôi không phải là bậc đa tri bác học;
và ý không được lưu loát dồi dào, là vì tôi cũng không có được những kỳ tình cao tứ.
Tôi biết tôi vậy nghĩa là tôi đã có tự lượng rồi. Nhưng vì cái ý
muốn trả nợ của tôi nó mạnh quá, đã thắng cả mọi sự lo ngại chánh đáng của tôi, mà ra mắt các ngài ở đây để hầu chuyện
cùng các ngài về “Báo giới và văn học quốc ngữ”.
Thưa các Ngài,
Tôi không phải là nhà làm văn, mà cũng không phải
là nhà làm báo, mà dám nói chuyện về báo giới và văn học, ấy lại là một điều
không tự lượng nữa.
Nhưng, nói đây không phải nói về cái nghề làm
báo, hay bàn về cách viết văn, mà tôi chỉ lấy tư cách của một kẻ ham đọc sách và ưa
coi sách, muốn đem những sự mình đã tìm thấy, hoặc nghĩ ra, ở những cuốn sách
mình đã coi, hoặc ở những tờ báo mình đã đọc trong mười mấy năm nay, thuật lại
với thính giả mà thôi vậy.
Tôi vô phúc sinh sau, không được coi tới những tờ
báo xuất hiện hồi đầu ở nước Việt Nam ta. Nhưng theo lời của bậc đàn anh kể
lại, thì tờ báo thứ nhất ở nước ta, có lẽ là tờ Gia Định công báo chủ trương và biên tập do tiên hiền Trương Vĩnh Ký (65). Báo xuất bản năm 1867, cách đây đã được 66 năm rồi. Kế đó có những tờ Đại nam Đồng văn nhật báo, Đăng cổ tùng văn, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Đông dương tạp chi.. lần lượt ra đời, hoặc ở Sài Gòn, hoặc ở Hà Nội.
Ba tờ trên tôi không kiếm ra được số nào còn lại mà coi.
Tờ Lục tỉnh đã có trên 20 năm nay mà hiện vẫn còn sống.
Tờ Đông dương tạp chí xuất thế năm 1914 và chỉ sống tới năm 1918 thì bị đổi ra
làm Trung Bắc tân văn và Học báo.
Tuy sống có bốn năm, mà tờ Đông
dương tạp chí ta phải kể là có công lớn trong cuộc xây dựng quốc văn. Đọc Đông dương tạp chí, ta đều nhận thấy tên
những nhà nếu còn sống thì là dân anh trong làng báo, kiện tướng trên văn đàn. Mà nếu đã quá cố đi
rồi, thì cũng còn để cái phương danh hoặc lưu lại chút sự nghiệp.
Những ông Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính tuy người
đã khuất mà tiếng hãy còn nhất là bộ Hán
Việt văn khảo, rút những bài của ông Phan đã đăng trong Đông dương tạp chí, đến nay vẫn như còn
cái ảnh hưởng thâm thiết giữa văn giới và báo giới ta bây giờ (66).
Còn những ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim,
Nguyễn Khắc Hiếu, Dương Bá Trạc… hồi trước hoặc bỏ ngọn bút lông mà cầm cây bút
sắt, hoặc nghỉ viết ở Pháp văn và viết văn quốc ngữ, đều đã dùng tờ Đông dương tạp chí làm cơ quan giảng cứu văn học, truyền bá tư tưởng, đem những cái sở
đắc ở Hán học, Tây học mà khai trí tiến đức cho
độc giả quốc dân.
Mục Dịch Hán văn của những ông Phan Kế Bính,
Dương Bá Trạc, chính đã giúp cho ta được biết đôi chút cái thú vị của Hán văn. Mục Dịch Pháp văn
của các ông Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh chính đã cho ta hay được đôi chút cái tinh
thần của Pháp học. Còn những bài lược luận ngăn ngắn của thi sĩ Tản Đà, nó nhẹ nhàng
bóng bẩy, thú vị biết bao! Lại những tiểu thuyết dịch ở Pháp văn của ông Nguyễn Văn Vĩnh thiệt là ly kỳ hoạt động, đọc
tới bắt mê, mà càng coi thì càng thích.
Đông dương tạp chí xuất thế được ba năm, thì Nam Phong ra đời, nhằm năm 1917.
Ngoài bìa thấy có in một câu cách ngôn của
Roosevelt: “II n’y a que ceux qui sont des égaux qui sont égaux”, “Có đồng đẳng mới có bình đẳng được”. Phía trái
bìa thấy để cái mục đích của Nam Phong như sau nầy:
“Mục
đích của báo Nam Phong là thể cái chủ nghĩa khai hóa của nhà nước, biên tập các bài bằng quốc văn, hán văn, pháp văn, để
giúp sự mở mang trí thức, giữ gìn đạo đức trong quốc dân Annam, truyền bá các
khoa học của thái tây, nhất là học thuật tư tưởng Đại pháp, bảo tồn cái quốc tuý
của Việt Nam ta, cùng là binh vực quyền lợi, người Pháp, người Nam trong trường
kinh tế. Báo Nam Phong lại có chủ ý riêng về sự luyện văn quốc ngữ cho thành một
nền quốc văn Annam”.
Khoan nói tới cái sự nghiệp của báo Nam Phong, để coi đã
cố theo đuổi cái mục đích đó được một cách hẳn hoi không (67). Ta hãy chịu khó nhận lấy chỗ dụng ý của kẻ đã đề câu
cách ngôn của Roosevelt ra ngoài bìa tờ báo: “Có đồng đẳng mới bình đẳng được” nghĩa là làm sao ?
Trước hết phải hỏi: Bình đẳng đây là bình đẳng với aí?
Xin mau trả lời là bình đẳng với người Pháp vậy.
Nhưng bình đẳng sao đặng?
Một đằng là thầy, một đằng là trò. Một đằng thì
văn minh, phú cường, một đằng thì bán khai yếu đuối, mà làm sao bình đẳng với nhau được.
Vậy trước khi muốn bình đẳng với người, phải sao
cho đồng đẳng đã. Mà đồng đẳng đây dịch ở
chữ égaux nghĩa lá ngang với người về đủ mọi phương
diện: trí dục, đức dục và thể dục.
Báo Nam
Phong lấy câu đó làm phương châm chính là muốn tự nhận làm cơ quan giáo dục
cho quốc dân vậy.
Song giáo dục là kiêm cả trí, đức, thể mà người
chủ trương và các bạn đồng chí của Nam
Phong đều chỉ là những văn gia nhược sĩ nên phần thể dục đành phải chờ tới
15 năm về sau, nghĩa là gần đây, mớị có cái cơ quan thề thao ra đời gánh vác.
Riêng Nam
Phong chỉ chuyên “giúp sự mở mang trí thức, giữ gìn đạo đức trong quốc dân”
mà thôi.
Gần hai chục năm nay không biết tạp chí Nam Phong có giúp được chút gì cho sự
giữ gìn đạo đức trong dân gian không thì tôi không biết. Chứ thực tình nó đã
giúp được sự mở mang trí thức trong quốc dân nhiều lắm.
Trước đây, phê bình ông Phạm Quỳnh ở Phụ Nữ tân văn, tôi đã có dịp nói tới cái sự nghiệp của tạp chí Nam Phong. “Có nhiều người không biết đọc, văn Tây, văn Tầu, chỉ nhờ
Nam Phong hun đúc mà cũng có được cái trí thức phổ thông, tạm đủ sinh hoạt ở đời (68). Có nhiều ông đồ Nho chỉ
coi Nam Phong mà cũng biết được đại khái những văn chương học thuật của Tây phương. Có lắm
ông đồ Tây chỉ coi Nam Phong mà cũng hiểu qua được đôi chút cái tinh thần văn hóa của Đông Á”.
Song như vậy có phải là đã đủ khiến cho Annam có được cái trình độ
tinh thần ngang với người Pháp, đủ đồng đẳng được với người mà cùng nhau bình
đẳng chăng?
Thưa không. Chẳng cứ một tờ Nam Phong. Cho ngay mười tờ Nam
Phong cứng không dễ dàng gì gây nên được cái sự nghiệp lớn lao như vậy.
Cái giáo dục của Nam Phong chỉ là cái giáo dục phổ thông, cái giáo dục giản yếu mà thôi.
Dầu coi nó mà biết được văn học sử nước Pháp, hay
luân lý học nước Tầu, hoặc đọc nó mà biết chủ nghĩa của Voltaire, học thuyết của
Rousseau, hay xem nó mà biết được cái triết lý uyên nguyên của nhà Phật, cái
đạo học quân tử của Nho gia, song những cái trí thức đó vẫn còn là giản yếu sơ
lược lắm. Ta còn phải hưởng một cái giáo dục nào trên cái giáo dục đó, vừa sâu
hơn, vừa rộng hơn, mới khả dĩ hy vọng tói những sự đồng đẳng, với bình đẳng
được.
Bởi vậy mà trong quốc dân người nào có chí cầu
học đều phải hoặc biết chữ Tây, hóặc biết chữ Tầu, sở đắc ở Tây học hay Hán học
mà mới thành được những phần tử trí thức của xã hội.
Tuy nhiên, những phần tử trí thức này, khi ra
hành động, rút cuộc vẫn chịu ảnh hưởng của Nam
Phong. Nhưng cái ảnh hưởng này
khỗng phải là ảnh hưởng ở tinh thần mà là ảnh
hưởng ở văn thể (69).
Nam Phong còn có “mục đích tập luyện văn quốc ngữ, cho thành nên một
nền quốc văn”. Cái mục đích đó, nếu không đạt được hẳn thì Nam Phong tưởng cũng đã gần theo được
tới nơi.
Những nhà hồi trước đã tập luyện quốc văn ở Đông dương tạp chí, khi qua viết
Nam Phong đã thành nên thầy dạy quốc
văn. Mà những ông thầy dậy quốc văn này cũng đã đào luyện được nhiều ngọn bút
tài tình, trong những bạn trí thức của tân học, cựu học, mà đem vô cho văn
giới, báo giới biết bao nhiêu kiện tướng tinh binh.
Trong lúc trên tạp chí Nam Phong, ông Phạm Quỳnh và các bạn đồng chí của ông làm việc cho
quốc văn thì ông Nguyễn Văn Vĩnh vẫn chủ trương tờ Trung Bắc tân văn và chuyên dịch tiểu thuyết trứ danh của Đại Pháp.
Ông Quỳnh nói: “Tiếng ta còn thì nước ta còn”. Mà ông Vĩnh cũng nói: “Nước ta sau này hay dở là nhờ ở chữ quốc ngữ”.
Nhưng văn ông Qụỳnh thì khúc mắc thâm trầm, mà văn ông
Vĩnh thì phổ thông giản dị. Hai lối văn khác nhau là vì hai tính cách khác nhau, nhưng
cũng bởi hai ông, mỗi ông đều có chuyện khác nhau đem ra nói với quốc dân độc giả.
Ông Quỳnh ưa nói triết lý, ông Vĩnh thích kể
chuyện đời. Ông Quỳnh hay giảng cứu về học thuật tư tưởng mà ông Vĩnh
chỉ diễn dịch những tiểu thuyết, ngụ ngôn.
Bởi câu chuyện của ông Quỳnh cao kỳ nên văn của ông cũng cao
kỳ. Bởi câu chuyện của ông Vĩnh suôn sẻ nên văn của ông cũng suôn sẻ. Nhưng suôn sẻ không phải
là tầm thường, thô kệch, huống cái suôn sẻ của ông nó thần tình hoạt bát biết
bao nhiêu (70).
Nhân vậy nên tuy cùng theo đuổi một mục đích mà
mỗi ông đều có một cái ảnh hưởng khác nhau. Văn ông Phạm Quỳnh đã ảnh hưởng tới những lối văn
nghị luận, xã thuyết, triết
lý và khảo cứu. Mà văn ông Vĩnh đã ảnh hưởng tới những lối văn tự thuật, tiểu
thuyết, trào phúng và ngụ ngôn.
Với hai cái ảnh hưởng đó văn giới Việt Nam lại chịu thêm một cái ảnh hưởng của thi sĩ Tản Đà.
“Nửa đời chính
độ tớ đương chơi,
Chơi muốn sao cho thật sướng đời,
Người đời ai muốn chơi như tớ,
Chơi cứ bằng văn mãi chửa thôi.
Chơi văn sướng đến tớ là thôi,
Một mảnh trăng non chiếu cõi đời,
Văn vận nước nhà đương buổi mới,
Như trăng mới mọc tớ còn chơi”.
(Còn
Chơi)
Thú vị thay! Chơi mà cũng gây nên ảnh hưởng như
ông Nguyễn Khắc Hiếu thực cũng đủ sướng một đời.
Ông chơi, chơi với người trong mộng, chơi với bạn cung trăng, chơi
với non nước cao biếc, chơi với Thượng đế Ngọc hoàng, chơi bằng con mắt mỹ
thuật, chơi bằng mối tình thi nhân, chơi bằng tưởng tượng mơ màng, chơi bằng thần giao cách cảm.
Nhưng hễ chơi tới đâu thì có thơ tới đó, mà hễ thơ ra tới đâu thì được người đời say mê,
thưởng thức tới đó.
Cái ảnh hương của ông là đối với các bạn làm thơ, mà
trong văn học là đối với lối văn tả cảnh đạo tình vậy.
Văn học quốc ngữ chính là phôi thai nhờ ba cái ảnh hưởng đó mà lần lần khởi sắc mới trong vòng hai
chục năm nay (71).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét