Khiemnguyen

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

 * Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Đồng chí Xuân Thuỷ tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 02/9/1912, trong một gia đình nhà nho yêu nước ở xã Phương Canh, thuộc tổng Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ; nay là phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Từ quê hương Xuân Phương, với lòng yêu nước, căm thù giặc Pháp xâm lược, năm 1932, đồng chí được giác ngộ cách mạng và đi hoạt động ở vùng Canh rồi sang cả Phúc Yên gây cơ sở. Năm 1938, bị thực dân Pháp bắt giam ở Hoả Lò, đồng chí đã viết bài thơ nổi tiếng: Không giam được trí óc“Đời ta đã sẵn một con đường/ Ý nghĩ ta đi khắp bốn phương/ Đi đến hang sâu vào ngục tối/ Gọi hồn nhân loại nắn đau thương”. Ra tù, đồng chí lại lao đi hoạt động ở các làng xã của ngoại thành, tuyên truyền chủ trương của Đảng, gây dựng cơ sở. Cuối năm 1939, đồng chí bị bắt ở ngã tư Canh, làng Hoè Thị. Bị thực dân Pháp kết án rồi đày đi Sơn La, đồng chí giữ vững ý chí chiến đấu, trở thành đảng viên cộng sản năm 1941 tại chi bộ nhà tù Sơn La. Tháng 5/1941, chi bộ đã quyết định ra tờ báo sinh hoạt nội bộ và lấy tên là Suối Reo. Lúc đầu đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm chủ bút, sau đó Chi bộ giao cho đồng chí Xuân Thủy phụ trách tờ báo.

 

Đồng chí Xuân Thuỷ (1912-1985)

Suối Reo xuất bản mỗi tháng hai kỳ, mỗi kỳ nhiều nhất là hai số, khổ rộng 20cmx14cm, viết tay bằng mực tím trên giấy viết thư về nhà của các bạn tù gom lại. Tôn chỉ của Suối Reo được tóm tắt trong 4 câu thơ của đồng chí Xuân Thủy “Thu sang hoa cỏ già rồi/Suối reo lên để cho đời trẻ trung/Thu sang non nước lạnh lùng/Suối reo lên để cho lòng ta reo”. Báo có các chuyên mục: nghị luận chính trị, truyện ngắn, châm biếm vui cười, thơ ca. Vào những ngày lễ như ngày Quốc tế lao động 1/5, Cách mạng tháng Mười Nga 7/11, Tết Nguyên đán báo được tăng số trang và trang trí đẹp hơn. Đến nay, chúng ta nhắc đến báo Suối Reo là nhớ đến người tạo nên linh hồn của tờ báo - đồng chí Xuân Thuỷ.

* Làm báo Cứu Quốc, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh

Cuối năm 1943, ra khỏi chốn ma thiêng nước độc, đồng chí lại bị quản thúc ở quê hương. Không chịu tù túng, đầu năm 1944, đồng chí đã bắt được liên lạc với Đảng. Trung ương cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng, bố trí đưa đồng chí Xuân Thuỷ thoát khỏi cảnh bị quản thúc, đến an toàn khu của Trung ương ở vùng Chèm, sau đó sang một cơ sở tại làng Ngọc Giang (Đông Anh). Tại đây, đồng chí Trường Chinh giao cho đồng chí Xuân Thuỷ phụ trách Đặc san về vấn đề hải ngoại của báo Cứu Quốc. Khoảng giữa mùa thu năm 1944, đồng chí được Trung ương giao nhiệm vụ chính thức phụ trách báo Cứu Quốc. (trước đây, báo do Trung ương phụ trách, nay do Xứ ủy trực tiếp phụ trách). Trụ sở báo đóng ở núi Thầy. Nhân dân thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn đặt hai trạm giao thông bí mật; một trạm chuyển giấy mực từ xa đến rồi đưa vào hang núi; một trạm chuyển báo từ núi ra rồi đưa đi phân phát các tỉnh Bắc bộ. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Xứ ủy, trong điều kiện khó khăn, báo Cứu Quốc vẫn kịp thời phản ánh phong trào đấu tranh của nhân dân, nhất là ở nội ngoại thành và Hà Đông, Sơn Tây. Vừa phụ trách báo vừa trực tiếp viết bài với bút danh Ngô Tất Thắng, Tất Thắng, Chu Lang; những bài báo của nhà báo Xuân Thuỷ mang hơi thở nóng hổi của thời cuộc, có tác dụng to lớn động viên nhân dân đứng lên chống phát xít Nhật - Pháp: “Hết thảy đồng bào hãy gom tiền vào quỹ mua súng của Vịêt Minh, hãy sốt sắng ủng hộ các chiến sĩ cứu quốc đang hoạt động, hãy hăng hái tham gia phong trào chống Nhật đang lan rộng. Quân thù đang yếu. Cơ hội tốt đang đến. Với quyết tâm chiến đấu, thắng lợi nhất định về ta” (Báo Cứu Quốc, ngày 21/10/1944).

 

Báo Cứu Quốc, số Mùa Xuân ngày 10-2-1942

Cuối năm 1944, địch tổ chức vây quét Sài Sơn, hòng bắt sống “lãnh đạo Việt Minh”, do đó, các đồng chí phải chuyển sang làng Vạn Phúc (nay thuộc quận Hà Đông); tháng 01/1945 lại chuyển tiếp đến thôn Thu Quế, xã Song Phượng (Đan Phượng). Lúc này, không khí cách mạng đã dâng cao ở khắp nội ngoại thành và các vùng nông thôn. Với bút danh Ngô Xuân Đan, Chu Lang… những bài viết của đồng chí nêu rõ quan điểm của Đảng chuẩn bị khởi nghĩa, giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng có nhận thức đúng đắn trong tình hình chính trị phức tạp, tin tưởng vào ngọn cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh“Trải bao phen giặc Pháp khủng bố dã man, Việt Minh không những không bị tiêu diệt mà còn phát triển ngày thêm mạnh mẽ. Dân chúng Việt Nam chẳng những không sợ sệt mà còn ngày càng chen vai thích cánh dưới lá cờ đỏ sao vàng” (Báo Cứu Quốc ngày 13/7/1945). Đặc biệt, ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, ngày 15/8/1945, đồng chí viết bài Nhật đầu hàng, nêu rõ chủ trương của Đảng: Dù trong trường hợp nào, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của dân ta nhất định phải nổ ra. Nhật hàng chỉ tạo điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa của ta dễ dàng thắng lợi hơn (Báo Cứu Quốc, ngày 15/8/1945). Đặc biêt, Lệnh Tổng khởi nghĩa được đăng trang trọng trên báo Cứu Quốc số 30 như một lời Hịch cứu nước của Đảng, đã quy tụ toàn dân nhất tề vùng dậy giành quyền sống trong tự do và độc lập.

Ngày 19/8/1945, Hà Nội tưng bừng trong nắng thu khởi nghĩa! Từ thôn Thu Quế, đồng chí Xuân Thủy về trung tâm thành phố. Ngay tối 19/8, tại Bắc Bộ phủ, đồng chí được phân công phụ trách công tác Thông tin - Tuyên truyền - báo chí của Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời Bắc bộ; ngay sau đó đồng chí đề nghị thành lập Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Báo Cứu Quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh đóng trụ sở tại toà báo cũ L’Action ở phố Hàng Trống (nay là Tòa soạn báo Hà Nội Mới, 44 phố Lê Thái Tổ). Đồng chí Xuân Thuỷ là chủ nhiệm kiêm chủ bút; đồng chí Văn Tân làm thư ký toà soạn. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, để thực hiện sách lược mềm dẻo, Đảng phải tuyên bố tự giải tán, nhưng Cứu Quốc là tờ báo công khai của Đảng vẫn ra hàng ngày, phổ biến chính sách của nhà nước Việt Nam DCCH. Chỉ 5 ngày sau khi Tổng khởi nghĩa thắng lợi, ngày 24/8/1945, báo Cứu Quốc số 31 đã phát hành rộng rãi, công khai. Trang nhất của báo trang trọng đăng bài xã luận của đồng chí Xuân Thuỷ “Lời chào cứu quốc”. Từ đó, những sự kiện quan trọng diễn ra ở Thủ đô và đất nước đều được đăng tải, củng cố niềm tin của nhân dân, cổ vũ quần chúng đoàn kết, kháng chiến - kiến quốc, giữ vững độc lập dân tộc. Đặc biệt, các bài xã luận cô đọng, xúc tích, luôn có sức nặng “ngàn cân” đối với cán bộ đảng, cán bộ đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đang phải đối mặt với các đảng phái tay sai phản động:“Giờ đây, Tổ quốc thân yêu của chúng ta lại đang qua cơn thử thách gay go. Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết… Không có một sức mạnh nào có thể thắng được cả một dân tộc đã giác ngộ, đoàn kết, kiên quyết phấn đấu vì độc lập tự do” (Báo Cứu Quốc ngày 29/5/1946).

Cùng với nhiệm vụ phụ trách báo Cứu Quốc, đồng chí còn đảm nhận nhiều trọng trách như: đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khoá I; Uỷ viên Thường vụ Tổng bộ Việt Minh. Đồng chí đi giải thích cho cử tri và bạn đọc báo Cứu Quốc về chính sách đại đoàn kết dân tộc, kể cả những đại biểu của các nhóm chống đối cách mạng trong Quốc hội, đưa yêu sách ngang ngược đòi thay cờ đỏ sao vàng. Cách mạng và báo chí hòa quyện làm một trong người chiến sĩ cộng sản Xuân Thuỷ với cái nhìn sắc bén và bản lĩnh vững vàng. Chính Bác và Thường vụ Trung ương Đảng đã phái đồng chí Nguyễn Khang và Xuân Thuỷ trực tiếp đi từ Hà Nội xuôi xuống các làng ven đường số 5, tuyên truyền giải thích về Hiệp định sơ bộ (06/3/1946) và phân phát báo Cứu Quốc cho nhân dân. Ở Hà Nội, đồng chí Xuân Thủy chỉ đạo Thành bộ Việt Minh thực hiện đúng đắn, linh hoạt, mềm dẻo chủ trương của Đảng để đoàn kết toàn dân. Người trực tiếp truyền đạt chỉ thị của đồng chí Xuân Thủy là đồng chí Khuất Duy Tiến, Bí thư Thành bộ Việt Minh.

Sau Hội nghị mở rộng của Trung ương, đầu tháng 11/1946, quán triệt chủ trương gấp rút chuẩn bị kháng chiến, đồng chí Xuân Thuỷ đề nghị cần phải tổ chức làm báo Cứu Quốc ở các tỉnh thành trong toàn quốc. Bài viết của đồng chí “Giờ nghiêm trọng”, đăng ngày 12/12/1946 trên báo Cứu Quốc báo hiệu cho toàn dân nhất tề đứng đậy kháng chiến giữ nền độc lập của tổ quốc “Toàn thể chúng ta hãy tỉnh táo và sẵn sàng quyết đánh”.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí Xuân Thuỷ cùng cơ quan báo Cứu Quốc rời khỏi nội thành. Từ làng xóm gần Ngã ba Thá, đau đáu trông về thành phố đang ngập tràn khói lửa chiến đấu, nhà báo, nhà thơ Xuân Thuỷ đã viết bài thơ Tiếng súng Hà Nội ngay trong tháng Chạp 1946 “Cả Hà Nội tắt điện/Cả Hà Nội kháng chiến/Khói lửa ngút trời cao… Đây Hà Nội! Hà Nội/ Anh dũng biết nhường bao”. Đầu năm 1947, báo Cứu Quốc chuyển ra Sài Sơn. Tin và bài về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh được đăng tải đều đặn trên báo Cứu Quốc mà đồng chí Xuân Thuỷ là kiến trúc sư của tờ báo. Kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta tri ân đồng chí Xuân Thủy- nhà cách mạng, nhà báo, nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và nhân dân ta.

Sinh ra, lớn lên ở làng khoa bảng, cống hiến suốt đời cho thủ đô Hà Nội và cho đất nước, với đức tính thanh liêm, giản dị, hoà nhã, thu phục nhân tâm và được bạn bè yêu chuộng hoà bình trên thế giới khâm phục, quý mến, đồng chí là tấm gương sáng để cán bộ đảng viên Đảng bộ Thủ đô noi theo.

Ngày nay, một phố đẹp ở phía tây bắc thành phố đã được đặt tên là đường Xuân Thuỷ. Tên Xuân Phương - ghép chữ Xuân Thuỷ và Phương Canh, thể theo nguyện vọng của dân làng, thành cái tên có ý nghĩa sâu sắc, để nhân dân Xuân Phương kế tục và phát huy truyền thống làng khoa bảng, xây dựng quê hương giàu đẹp, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của Thủ đô./.

 

                                                                 Ths. Phạm Kim Thanh

Nguồn: https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3097/70854/djong-chi-xuan-thuy-voi-bao-suoi-reo-va-bao-cuu-quoc.html

Số báo đặc biệt phát hành về ngày Độc lập năm 1945

 Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ và phát huy giá trị nhiều sưu tập báo chí và ấn phẩm trước cách mạng tháng Tám năm 1945 như: sưu tập báo Việt Nam Độc lập, báo Cứu quốc 1942-1945, báo Cờ giải phóng 1945 v.v.... Đặc biệt trong những hiện vật có giá trị đó phải kể đến tờ Đông Phát, số 6107 ra ngày Chủ nhật, một tờ báo đã phát hành đúng vào ngày 2-9-1945, ngày Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

 

Báo Đông Phát (trang 1), số 6107 ra ngày Chủ nhật, số báo xuất bản đặc biệt về ngày Độc lập,

2-9-1945

Tờ báo Đông Phát tên ban đầu là tờ Đông Pháp, nhưng khi Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam, tờ báo đổi tên là Đông Phát, do ông Ngô Văn Phú, một chủ đồn điền ở Thái Bình làm chủ nhiệm, ông Hoàng Hữu Huy làm chủ bút. Báo có trụ sở tại 94 Hàng Gai, Hà Nội. Từ ngày 2-9-1945, tờ Đông Phát một lần nữa lại đổi tên thành Gia Bá“để biu lộ tinh thần đoạn tuyệt triệt để những dấu vết của chế độ cũ và để kỉ niệm nền độc lập của nước Việt Nam mới”.

Báo Đông Phát in khổ nhỏ, kích thước 52 x 33cm, được in ấn khá thô sơ, trên nền giấy đen ố vàng và chữ in lito nhỏ, đã mờ, gồm 2 trang. Tờ báo đã cung cấp những thông tin quý giá về ngày lễ lịch sử của dân tộc.

Ngay ở đầu trang nhất, dưới tiêu đề “Việt Nam độc lập muôn năm”, được in đậm, to, rõ ràng, phía dưới là dòng thông báo về thời gian cũng như lời yêu cầu người dân tham gia mít tinh một cách đông đủ để thể hiện tinh thần tranh đấu kiên quyết cho nền độc lập của nước nhà. Tờ báo kêu gọi: “2 giờ chiều hôm nay toàn thể dân chúng phải tới dự “ngày độc lập” và khẳng định “Ngày độc lập tại khắp các tỉnh Trung, Nam, Bắc sẽ tỏ rõ tinh thần tranh đấu của chúng ta trong sự đoàn kết, trật tự và kiên quyết”. Bài báo cũng nhắc nhở dân chúng: “Lần đầu tiên, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh ra mắt đồng bào. Dân chúng cần phải chỉnh tề hàng ngũ đông đủ và chặt chẽ quanh Chủ tịch. Việc làm ấy không riêng là ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng để tỏ rõ hơn một lần nữa rằng toàn thể đồng bào rất tín nhiệm ở Chính phủ Dân chủ lâm thời - một Chính phủ dân chủ cộng hòa không phân biệt đảng phái, mà chỉ biết có phụng sự quốc gia, tranh đấu lấy nền hoàn toàn độc lập. “Ngày Độc lập” sẽ để cho mọi người làm tròn bổn phận ấy. Không những ở trong cuộc hội họp trên vườn Ba Đình, mà còn ở riêng từng gia đình, từng xưởng thợ, nhà máy, ở những tấm lòng thành thực và hăng hái. Kiên quyết của người công dân nước Việt Nam quý mến của chúng ta”.

Tờ báo cũng dành vị trí đặc biệt để đăng tải những Lời thề Độc lập của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Quốc dân, chương trình chính thức của cuộc mít tinh và tuần hành tại Hà Nội vào ngày 2-9-1945.

Và cũng thật thú vị trên trang nhất của tờ báo đưa ra những thông báo mới về giờ làm việc của các công sở bắt đầu từ ngày 3-9-1945, tức là từ ngày đầu tiên của chế độ mới. Giờ làm việc ở các công sở Bắc Bộ được đổi lại là: Sáng: 6 giờ 30 đến 11 giờ và Chiều: 2 giờ đến 5 giờ. Không chỉ thông tin chi tiết về nội dung buổi lễ, tờ Đông Phát còn đăng sơ đồ chỉ dẫn cụ thể các tuyến phố dành cho các giới, các tổ chức tham gia mít tinh được đăng trang trọng trên trang nhất với những chỉ dẫn chi tiết. Hàng ngũ sẽ được sắp xếp như thế nào trong buổi mít tinh được chỉ dẫn một cách cặn kẽ:“Các đoàn thể phải đi hàng mười. Đội tự vệ chỉ mang gậy chứ không mang khí giới gì khác và có nhiệm vụ trông coi trật tự và giữ vững tinh thần của đoàn mình, Đội Tự vệ phải có dấu hiệu riêng tự làm lấy”. Việc “hát và hô khẩu hiệu” được hướng dẫn rất rõ ràng, ai hát, ai hô, khi nào hô và để hô cho được đồng thanh thì “Lúc hô, đội tự vệ phải cắt cử người chỉ huy cho được đồng thanh”.

 

Báo Đông Phát (trang 2), số 6107 ra ngày Chủ nhật, số báo xuất bản đặc biệt về ngày Độc lập,

2-9-1945

Trang 2 của tờ báo thể hiện một khí thế tưng bừng như một ngày hội lớn của non sông, của tất cả các ngành, các giới, các thế hệ. Từ nhân viên Sở Hỏa xa đến học sinh các trường phổ thông, thanh niên Hà Nội, phụ nữ, các văn nghệ sĩ, các vị bô lão....đều có chương trình dự mít tinh đông đủ và hào hứng. Hội Phật giáo Việt Nam qua báo Đông Phát gửi lời mời tới đông đủ phật tử “Hôm nay 2-9-45 là ngày lễ Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Vậy xin toàn thể tín đồ Phật giáo đâu đấy đúng 7 giờ sáng tới các chùa làm lễ tụng kinh Dược sư để cầu cho nền độc lập nước nhà được củng cố vĩnh viến. Đến 13 giờ xin kính thỉnh liệt vị tăng ni cùng thiên tín tề tựu tại chùa Quán sứ để đi dự lễ mít tinh và biểu tình do Chính phủ tổ chức. Còn ở các chùa, đúng 14 giờ làm lễ tụng kinh Di đà cầu nguyện cho các binh sĩ đã hy sinh vì tổ quốc...” . Bản báo cũng đưa ra lời kêu gọi chung “Hôm nay, toàn quốc làm lễ “Ngày Độc lập” rất trọng thể ở khắp cả mọi nơi. Muốn tỏ tình đoàn kết chặt chẽ của đồng bào, các phố nên cử ra một số ít thanh niên đ dẫn các bô lão đến tụ ở Khai Trí Tiến Đức để chiều nay tới dự cuộc biểu tình”. Xúc động hơn cả là tấm lòng của người dân trước khí thế tưng bừng của nước Việt Nam mới. “Ông chủ tiệm ăn ở 47 Hàng Quạt có nhã ý cúng vào Quỹ Việt Nam giải phóng quân số tiền thu được - cả vốn lẫn lời trong Ngày Độc Lập”. “8 giờ sáng hôm nay 2-9, các rạp hát và chiếu bóng đều có buổi diễn đặc biệt về độc lập. Cố nhiên là giá tiền “độc lập” và nhiều mặt hàng được giảm giá để phục vụ công chúng trong ngày đặc biệt này.”

Trong khí thế hào hùng ấy, toàn thể quốc dân đồng bào đã hướng về quảng trường Ba Đình, Hà Nội để dự một lễ mít tinh đặc biệt trong lịch sử nước Việt Nam với ý thức trách nhiệm cao và niềm tự hào sâu sắc.

75 năm đã trôi qua, tờ báo Đông Phát đã trở thành một phần kí ức của lịch sử và ngày 2-9 là ngày kỉ niệm lớn của toàn thể dân tộc Việt Nam. Niềm phấn khởi và tự hào về một ngày Độc lập của dân tộc sẽ mãi mãi khắc sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam văn minh và giàu đẹp.

                                                                    Ths. Trịnh Hồng Thanh
(P. QLHV
)

Nguon: https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3097/71686/so-bao-djac-biet-phat-hanh-ve-ngay-djoc-lap-nam-1945.html


Nguyễn Ái Quốc làm báo Le Paria

 Báo « Le Paria » ra số đầu tiên tại Pari ngày 1/4/1922, tồn tại cho đến tháng 4/1926. Báo ra được 38 số. (Le Paria vẫn được dịch là Người cùng khổ, nhưng tên viết bằng chữ Hán đầu báo là Lao động báo). Với nội dung chống chủ nghĩa thực dân, kêu gọi đoàn kết các dân tộc thuộc địa, với mục tiêu tôn chỉ là « vũ khí chiến đấu với sứ mạng đã rõ ràng là giải phóng con người » (Lời kêu gọi nhân báo ra số đầu).

 
Báo Le Paria (Người cùng khổ) số 2 ra ngày 01/5/1922, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản tại Pari (bản scan trưng bày tại phòng số 3, hệ thống trưng bày cận - hiện đại, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Để có thể thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của nhân dân các thuộc địa, để có một bộ tham mưu tổ chức và lãnh đạo thống nhất cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các thuộc địa, được sự đồng tình và ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với đại biểu thuộc địa của Pháp đứng ra vận động thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa - một hình thức mặt trận của các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân Pháp thống trị, liên minh với giai cấp vô sản ở chính quốc cùng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

Sau nhiều lần gặp gỡ trao đổi, cuộc họp ngày 26/6/1921 của các chiến sĩ chống chủ nghĩa thực dân Pháp ở nhiều nước đang sinh sống ở Pari đã bàn việc thành lập hội, xây dựng chương trình, điều lệ và cử Ban Chấp hành. Ngày 20/7/1921, Ban Chấp hành hội đã thông qua các văn bản và nộp Điều lệ hội cho nhà chức trách xin cấp phép hoạt động. Cuộc họp ngày 28/5/1922 thông qua Tuyên ngôn của hội do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và nhấn mạnh: "Chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em. Hội Liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy... Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại"[1].

Từ những hoạt động và uy tín của mình, Người đã được bầu vào Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa. Thời gian đầu (1922-1923), Hội Liên hiệp thuộc địa có khoảng 200 hội viên, hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi và có ảnh hưởng rộng rãi. Hội những người Việt Nam yêu nước là một đoàn thể trong Hội Liên hiệp thuộc địa. Tuy nhiên, thời gian sau, do nhiều nguyên nhân tác động như sự cản trở và phá hoại của Bộ Thuộc địa, sự eo hẹp về tài chính... hoạt động của Hội giảm dần. Đến tháng 6/1926, Hội Liên hiệp thuộc địa ngừng hoạt động.

Hội Liên hiệp thuộc địa xuất bản báo Người cùng khổ (Lơ Paria, Le Paria) làm cơ quan ngôn luận. Nguyễn Ái Quốc được phân công làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút của tờ báo. Le Paria  số 1, ngày 1/4/1922, đăng lời kêu gọi, nêu rõ tôn chỉ, mục đích và nhấn mạnh: "Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của báo chắc chắn sẽ đạt được: đó là giải phóng loài người"[2].

Đặt tên báo là Le Paria - Người cùng khổ là cách chơi chữ rất sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự: Ấn độ giáo của xã hội cổ đại Ấn Độ, chia xã hội Ấn độ ra thành 5 đẳng cấp là Bà la môn, Sát đế lị, Vệ xá, Thủ đà la, Chiên đà la, trong đó Chiên đà la (Paria) là giai cấp người cùng khổ. Ấn Độ giáo coi họ là đẳng cấp hạ tiện nhất. Họ phải làm các nghề hạ tiện nhất, bị coi như sống ngoài lề xã hội loài người, bị các giai cấp trên đối xử như thú vật, bị coi là thứ ti tiện, vô cùng khổ nhục, tối tăm, không được chạm tay vào người thuộc các đẳng cấp khác, thậm chí không được giẫm lên cái bóng của những đẳng cấp trên.  

Tờ báo được in bằng chữ Pháp trên khổ giấy 36 x 50cm. Phía trên, bên cạnh tên chính của tờ báo bằng chữ Pháp: Le Paria còn có tên báo bằng chữ  rập ở bên trái và chữ Hán ở bên phải: Lao động báoĐầu tiên báo lấy tiêu đề “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa”, sau đó đổi thành “Diễn đàn của vô sản thuộc địa”, rồi sau lại đổi là “Cơ quan của nhân dân bị áp bức các thuộc địa”

Địa chỉ ban đầu của tờ báo: số 16 phố Giắccơ Calô (Jacques Calot), Pari VI, Từ số 8 (tháng 11/1922) trên báo ghi trụ sở: số 3 phố Mácsê đê Patơriácsơ (Marché des Patriarches), Quận 5, Pari. Nơi này cũng  là trụ sở của Hội Liên hiệp thuộc địa, nơi Nguyễn Ái Quốc chuyển đến ở từ ngày 15/3/1923 đến ngày 13/6/1923, trước khi rời nước Pháp sang Liên Xô. 

Từ khi ra đời đến khi đình bản, báo Người cùng khổ ra được 38 số, Báo Le Paria tồn tại trong 4 năm (4/1922 đến 4/1926) trong những điều kiện hết sức khó khăn về tài chính và phương tiện hoạt động, lại luôn bị cảnh sát theo dõi, đe dọa, gây khó dễ. Nguyễn Ái Quốc là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của báo, Người làm chủ nhiệm, chủ bút, giữ quỹ và kiêm cả việc phát hành, bán báo. Làm việc không mệt mỏi, Nguyễn Ái Quốc đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của báo bằng cách viết nhiều bài cho báo, thậm chí còn dành cả phần tài chính eo hẹp của mình cho báo.

Nguyễn Ái Quốc phụ trách tờ báo từ số 1 đến số 15 (6/1923). Từ số 1 đến số 14, Nguyễn Ái Quốc làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, làm cả việc phát hành và đi bán báo. Người còn tham gia chuẩn bị cho các số 15, 16, 17 trước khi đi Liên Xô, rồi Trung Quốc. Trong thời gian ở hai nước này, Người vẫn gửi bài về đăng Báo Le Paria và gửi tiền ủng hộ báo.

Đầu năm 1923, trong Truyền đơn cổ động mua Báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc” (Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.1, tr.496)  .

Trên báo Le Paria, số 14 (tháng 5/1923), Người đã viết trong bài “Kỷ niệm Báo Le Paria” rằng: “Một nǎm đã trôi qua kể từ khi Báo Le Paria ra đời. Các bạn quan tâm đến số phận của tờ báo ngay từ buổi đầu, nhân dịp kỷ niệm này, cảm ơn tất cả những ai đã can đảm với diễn đàn nhỏ bé này, bảo vệ nhân dân các thuộc địa” (Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.1, tr.497)

Tháng 4-1926, Báo Le Paria ra số 38 đăng lời giới thiệu tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc. Đây là số cuối cùng của báo. Tùy vào từng thời gian và khả năng tài chính mà số lượng in báo Le Paria không cố định, dao động từ 1.000 đến 5.000 bản, cá biệt có những số in hơn 5.000 bản. Có 50% số lượng báo in ra được lan truyền qua các nước thuộc địa của Pháp.

 
Sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc, xuất bản tại Pari, Pháp, năm 1925. (Trưng bày tại phòng số 3, hệ thống trưng bày cận - hiện đại, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Bằng nhiều ngả đường khác nhau, trong đó chủ yếu là đường biển, Người cùng khổ cũng xuất hiện ở Việt Nam và được các trí thức yêu nước hân hoan đón nhận. Họ bí mật truyền tay nhau và cùng chung  một niềm vui là ở bên nước Pháp xa xôi đã và đang có một tổ chức tập hợp và cổ vũ cho sự nghiệp đấu tranh của dân tộc mình. “Đó là luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức” (Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, nxb Thanh niên, H, 2012, tr.51).

Trên báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau (gần 40 bài) như: Xã luận, bình luận, tin tức, dịch thuật, tiểu phẩm, truyện ký, tranh vẽ... Có số báo Người viết 2 bài, 3 bài, thậm chí 4 bài, cùng tranh vẽ. Những bức tranh, ký họa của Người đăng trên báo ký tên Nguyễn Ái Quốc và một số bút danh khác. Nội dung các bài viết này tập trung vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương và các thuộc địa khác.

Từ đó, giúp người đọc nhận thức rõ hơn về sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân nói chung và thực dân Pháp nói riêng; về mâu thuẫn không thể điều hoà giữa chủ nghĩa thực dân với nhân dân lao động tại các thuộc địa; về mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và chính quốc. Cũng từ những bài báo đó, Nguyễn Ái Quốc đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân ở các thuộc địa, thức tỉnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời, thông qua nội dung các bài báo, bước đầu chỉ ra yêu cầu cần thiết của việc thực hiện đoàn kết giai cấp và đoàn kết quốc tế, giữa nhân dân các thuộc địa, giữa thuộc địa với chính quốc và coi đó là những điều kiện bảo đảm cho cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Tuy tồn tại có hơn 4 năm, ra được có 38 số, nhưng báo Người cùng khổ đã làm tròn vai trò người mở đường, người tổ chức và cổ vũ cho phong trào tranh đấu chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Tròn 100 năm đã trôi qua, nhân dân Việt Nam chúng ta đã từ thân phận người nô lệ đã trở thành công dân của một nước độc lập, tự do, nhưng đâu đó trên trái đất này, trong một xã hội tuy rất phát triển nhưng khoảng cách giầu nghèo và bất bình đẳng trên thế giới vẫn ngày thêm sâu sắc, do đó giá trị lí luận và thực tiễn của báo, trong đó tinh thần đấu tranh để giải phóng con người vẫn còn nguyên giá trị.

Minh Hằng

Nguồn: https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3097/73006/nguyen-ai-quoc-lam-bao-le-paria.html

BỘ SƯU TẬP BÁO CHÍ CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG XUẤT BẢN TRƯỚC THÁNG 12/1945 HIỆN LƯU GIỮ TẠI BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA

 Trần Thị Thu Hà (Ths. Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

The Journals Published By the Revolutionary Organizations before December 1945 Trần Thị Thu Hà Throughout Vietnamese revolutionary movement led by the Vietnam Communist Party, journals were regarded as effective method, contributing considerably to enhancing the development of the revolution. Prior to December 1945, several revolutionary journals had been issued. The main goal of this article is to make an introduction to the journal collection stored in the Vietnam National Museum of History. The collection includes the journals published by revolutionary organizations, precursors of the Communist Party. The author has examined, classified the famous journals such as The Youth, The Workers and Peasants, The Hammer and Sickle... It could be said that this collection is precious database, providing the information for the study of the revolutionary process, and the history of journalism of Vietnam.

 Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi báo chí là một vũ khí cách mạng, là Người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể, và người tổ chức tập thể của cách mạng. Trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng để giành và bảo vệ độc lập dân tộc, báo chí cách mạng trong đó có báo chí của Đảng được xem là một vũ khí quan trọng tham gia chiến đấu, thúc đẩy cách mạng Việt Nam phát triển và giành thắng lợi. Báo chí cách mạng những năm 1925 - 1945 đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ những năm tháng khởi đầu tạo dựng phong trào cách mạng, tổ chức những cuộc đấu tranh đầy hi sinh gian khổ trong suốt hàng chục năm để tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, báo chí của Đảng luôn luôn là một vũ khí sắc bén góp phần hiệu quả vào việc tuyên truyền, tổ chức, cổ động các chiến sĩ cách mạng và quần chúng yêu nước chiến đấu. Thời kỳ này, các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng rất quan tâm đến báo chí, đối với các báo và tạp chí của Trung ương, một số nhà lãnh đạo đã quyết định việc ra báo, viết bài, sửa bài, tổ chức in và phát hành…các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp... đều là những cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng. Báo chí của Đảng đều được các đảng viên và quần chúng hết sức ủng hộ. Các cơ sở cách mạng đùm bọc, bảo vệ, giữ bí mật, nuôi cán bộ làm báo, tìm mua phương tiện, vật liệu in báo, bố trí địa điểm in, tổ chức cất dấu, phát hành, sẵn sàng chủ động đối phó khi địch phát hiện. Đảng viên và quần chúng còn cung cấp tin tức, tình hình cho báo, vận động người đọc, góp tiền mua báo, ủng hộ báo… làm mọi việc để tờ báo sống. Báo chí cách mạng nói chung, báo chí của Đảng nói riêng, trước tháng 9/1945 chủ yếu xuất bản và phát hành bí mật, trừ thời kỳ vận động Dân chủ (1936-1939). Trong hoàn cảnh hoạt động bất hợp pháp, luôn bị địch lùng sục, khủng bố, báo chí của Đảng không được lưu giữ nên bị mất mát, phân tán khá nhiều. 

Do tình hình như vây, nên hiện nay ở trong nước, báo chí của Đảng được lưu giữ phân tán ở khá nhiều cơ quan, gia đình, cá nhân. Có báo đủ bộ, có báo thiếu nhiều, có báo thiếu ít, có báo không còn. Ở nước ngoài, báo chí của Đảng cũng được lưu giữ phân tán ở nhiều kho lưu trữ khác nhau: Cục Lưu trữ Nhà nước Liên bang Nga, Kho Lưu trữ Quốc gia Pháp, Kho Lưu trữ của Bộ Thuộc địa Pháp ở Paris, ở Aix en Provence, Thư viện Quốc gia Pháp…Có những tờ báo là bản gốc, có tờ là bản ảnh chụp của mật thám Pháp (không còn bản gốc), có tờ là bản dịch đánh máy từ tiếng Việt ra tiếng Pháp của mật thám Pháp trước kia… 

Bài viết này nhằm giới thiệu “Sưu tập báo chí của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản trước tháng 12/1945” hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Khái niệm Đảng Cộng sản Việt Nam ở đây bao gồm cả các tổ chức tiền thân như Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Khái niệm Trung ương Đảng ở đây bao gồm cả các Ban của Trung ương Đảng như Ban Công vận, Ban Nông vận, Ban Tuyên truyền… vì tiếng nói của các Ban này cũng là tiếng nói chính thức của Trung ương. Do đó sưu tập này không đề cập đến báo và tạp chí của các Xứ ủy, Tỉnh ủy, chi bộ cơ sở, của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng khác của Đảng. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy báo và tạp chí của Trung ương Đảng xuất bản trước tháng 12/1945, ít nhất có các báo sau: 

1 - Thanh Niên, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925-1929); 

2 - Công Nông, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1926); 

3 - Kờ Đỏ, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1929); 

4 - Bonsovich, Đông Dương Cộng sản Đảng (1929); 

5 - Búa Liềm, Đông Dương Cộng sản Đảng (1929-1930); 

6 - Cờ Cộng Sản, Đông Dương Cộng sản Đảng (1929); 

7 - Cờ Đỏ, Đông Dương Cộng sản Đảng (1929); 

8 - Liềm, Đông Dương Cộng sản Đảng (1929); 

9 - Công Hội Đỏ, Đông Dương Cộng sản Đảng (1929); 

10 - Lao Động, Đông Dương Cộng sản Đảng (1929); 

11 - Cờ Đỏ, An Nam Cộng sản Đảng (1929); 

12 - Bonsovich, An Nam Cộng sản Đảng (1929); 

13 - Tranh Đấu, Đảng Cộng sản Việt Nam (1930); 

14 - Đỏ, Đảng Cộng sản Đông Dương (1930); 

15 - Cộng Sản, Đảng Cộng sản Đông Dương (1931); 

16 - Cờ Vô Sản, Đảng Cộng sản Đông Dương (1931); 

17 - Tạp chí Bonsovich, Ban chỉ huy Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương (1934-1936); 

18 - L’Avant-Garde, Đảng Cộng sản Đông Dương (1937); 

19 - Le Peuple, Đảng Cộng sản Đông Dương (1937); 

20 - Dân Chúng, Đảng Cộng sản Đông Dương (1938-1939); 

Thông báo Khoa học số 1 - 2014 89 

21 - Tạp chí Cộng Sản, Đảng Cộng sản Đông Dương (1941); 

22 - Cờ Giải Phóng, Đảng Cộng sản Đông Dương (1942-1945); … 

Sưu tập Báo chí nói chung là một bộ phận quan trọng và có số lượng khá lớn trong kho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Riêng Báo và Tạp chí của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản trước tháng 9/1945 khi cách mạng chưa thành công cũng đã có gần 200 đầu báo với hàng ngàn hiện vật. Khảo sát các kho của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chúng tôi thống kê được 135 tờ báo (hiện vật) của Trung ương Đảng. Sau khi kiểm tra thực tế hiện vật và hồ sơ, chúng tôi đã loại bỏ 30 tờ là bản sao chụp ảnh hoặc phục chế, không có bản gốc. Số còn lại là 105 tờ báo bản gốc thuộc 5 đầu báo. (Trong những năm đầu thành lập, việc trao đổi tư liệu lịch sử phục vụ cho việc trưng bày giữa BTCMVN với Bảo tàng một số nước như Liên Xô, Trung Quốc, Rumani, Bungari, Tiệp Khắc…được tiến hành thường xuyên.


Báo Búa Liềm số 3, ra ngày 1-11-1929 đăng bài về Cách mạng tháng Mười Nga.

 Chẳng hạn như ngày 18/10/1960, Bảo tàng Cách mạng Trung ương Liên Xô tặng 343 ảnh tư liệu chụp báo Cờ Vô Sản, Thanh niên, Giải Phóng, Giác Ngộ và một số truyền đơn của Đảng Cộng sản Việt Nam trước năm 1945; ngày 15/1/1960, Bảo tàng Cách mạng Trung Quốc tặng 453 tư liệu trong đó có báo Cứu Quốc số 1357, 1483…). 105 tờ bản gốc thuộc 5 đầu báo này đều được đăng ký trong Sổ Kiểm kê bước đầu của Bảo tàng. 

Mỗi đầu báo có một hồ sơ. Những hồ sơ này không được làm ngay khi hiện vật mới sưu tầm về, mà được làm lại sau này. Báo Tranh Đấu sưu tầm năm 1958, hồ sơ làm ngày 20/5/1972; Báo Búa Liềm sưu tầm năm 1958, hồ sơ làm ngày 20/6/1975; Báo Dân Chúng sưu tầm năm 1959, hồ sơ làm ngày 20/6/1975… Nhìn chung, hồ sơ ghi chép sơ sài, thông tin đơn giản. Chẳng hạn hồ sơ Báo Cờ Giải Phóng (từ số 2 đến số 15) gồm 12 số với 27 tờ gốc mang số ký hiệu liên tục từ 6637/G4966 đến 6648/G5007, ngoài những ghi chép về tình hình hiện vật như: hình dáng, màu sắc, đặc điểm, chất liệu, kích thước, hiện trạng…phần ghi về lịch sử hiện vật chỉ thống kê đơn giản như sau: 

Báo Cờ Giải Phóng - cơ quan tuyên truyền cổ động của Đảng Cộng sản Đông Dương. + Năm 1943: Số 2 ngày 26/8/1943, 4 trang, 1 tờ. + Năm 1944: Số 3 ngày 15/2/1944, 4 trang, 1 tờ. Số 4 ngày 18/4/1944, 4 trang, 2 tờ. Số 5 ngày 14/6/1944, 4 trang, 1 tờ. Số 6 ngày 28/7/1944, 4 trang, 1 tờ. Số 8 ngày 10/11/1944, 4 trang, 3 tờ. + Năm 1945: Số 10 ngày 28/1/1945, 4 trang, 1 tờ. Số 11 ngày 25-3-1945, 2 trang, 1 tờ. Số 12 ngày 12/4/1945, 2 trang, 3 tờ. Số 13 ngày 16/5/1945, 2 trang, 3 tờ. Số 14 ngày 28/6/1945, 2 trang, 8 tờ. Số 15 ngày 17/7/1945, 2 trang, 2 tờ. 

Trước khi sáp nhập hai Bảo tàng, năm 2011, lãnh đạo Bảo tàng chủ trương cho nhập về kho cơ sở những tài liệu, sách báo quý xuất bản trước năm 1954 (được lưu giữ tại Thư viện BTCMVN), trong đó có báo Cờ Giải phóng: Số 20 ra ngày 27/9/1945; Số 21 (30/9/1945); Số 24 (11/10/1945); Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 90 Số 25(14/10/1945); Số 26 (18/10/1945); Số 27 (21/10/1945); Số 28 (25/10/1945); Số 29 (28/10/1945). Các số báo đó đều có 1 tờ, 2 trang. Số 20 là một tờ rời có số ký hiệu 29879/Gy 24435, các số còn lại được đóng chung với tập báo Cứu quốc nên khi tách ra lấy chung một ký hiệu 29544/Gy 24100. Tổng cộng hiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ được 20 số báo Cờ Giải phóng, gồm 35 tờ. Từ báo Thanh Niên (1925) đến báo Cờ Giải Phóng (1945), trong 20 năm thì 17 năm báo chí của Đảng xuất bản trong vòng bí mật, bất hợp pháp. Có 3 năm thời kỳ vận động Dân chủ, căn bản là nửa hợp pháp, đôi khi mang tính hợp pháp. Cũng trong 20 năm ấy, báo chí của Đảng từ một tờ báo khổ nhỏ, ít trang, in số lượng ít từ nước ngoài đưa về trong nước, đến tháng 8/1945, Đảng đã có hàng chục báo và tạp chí in ở trong nước với số lượng nhiều. Báo của Đảng xuất bản ở trong nước trong những năm đầu (1929-1935) có khuynh hướng đặt tên mang nặng tính giai cấp, ít chú ý tới tính dân tộc. 

Từ 1936 trở đi, tên báo chú ý mang tính dân tộc nhiều hơn. Báo chí của Đảng từ in thạch đến in litô, typo, nói chung khuôn khổ các số của một tờ không đều nhau, loại giấy to, nhỏ, tốt, xấu không thống nhất, kỹ thuật in thấp, tờ rõ, tờ bị nhòe, ra không đều kỳ. Để che mắt địch, có những Tạp chí được đóng bìa giả như một cuốn tiểu thuyết. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện chỉ còn lưu giữ được 5 đầu báo do Trung ương Đảng xuất bản trước tháng 12/1945. Cụ thể là các báo: Báo Búa Liềm có ba hiện vật. Báo Tranh Đấu một hiện vật. Báo Cờ Vô Sản có một hiện vật. Báo Dân Chúng có tám mươi hiện vật. Báo Cờ Giải Phóng có hai mươi hiện vật. 

Báo Búa Liềm: Đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc kỳ dự Đại hội lần thứ Nhất của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng vì bất đồng ý kiến bỏ về nước tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tháng 6/1929. Căn cứ vào thời gian xuất bản giữa các số báo hiện còn, kết hợp tự thuật của một số lão thành cách mạng trong những năm 60 của thế kỷ 20, chúng ta dự đoán số 1 ra ngày 1/10/1929. Báo ra được 9 số. Số cuối cùng là số 9 ra ngày 5/2/1930. Báo Búa Liềm in thạch trên giấy nến, mỗi số ra khoảng 50 bản. Hiện Bảo tàng còn giữ được ba số: Số 3 ra ngày 1/11/1929, Số 4 ra ngày 15/11/1929, Số 5 ra ngày 11/12/1929. 

Báo Tranh Đấu: Sau Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930, các tờ báo của ba nhóm cộng sản trong nước đều ngừng xuất bản để đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng, đường lối chính trị và tổ chức theo tổ chức mới. 

Ngày 5/8/1930, Trung ương Lâm thời (tồn tại từ tháng 2 đến tháng 9/1930) cho ra Tạp chí Đỏ. Mười ngày sau, 15/8/1930, Trung ương Lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam cho ra báo Tranh Đấu. Lúc đó, ở nông thôn nước ta, chữ Hán và chữ Nôm còn khá thịnh hành. Để đông đảo quần chúng được đọc báo Đảng, Trung ương còn cho xuất bản báo Tranh Đấu bằng chữ Nôm bên cạnh bản chữ Quốc ngữ. Những bài viết chữ Nôm chỉ tóm tắt một số bài quan trọng của bản chữ Quốc ngữ, chứ không phải bản dịch nguyên văn từ chữ Quốc ngữ sang. 

Thông báo Khoa học số 1 - 2014 91 Sau Hội nghị Trung ương tháng 10/1930, Tạp chí Đỏ và báo Tranh Đấu ngừng xuất bản. Hiện Bảo tàng còn giữ được một số: Số 1 ra ngày 15/8/1930. Báo Cờ Vô Sản: Sau tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra tờ báo Cờ Vô Sản và Tạp chí Cộng Sản làm cơ quan ngôn luận của Trung ương. Sau Hội nghị Trung ương họp ở Sài Gòn tháng 3/1931, cơ quan Trung ương Đảng bị lộ, các Ủy viên Trung ương Đảng lần lượt sa vào tay mật thám Pháp, đến tháng 6/1931, khi Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt thì báo Cờ Vô Sản và Tạp chí Cộng sản ngừng xuất bản. Từ đó cho đến tháng 4/1937, Đảng Cộng sản Đông Dương không có báo làm cơ quan ngôn luận ở Trung ương (tháng 6/1934 Trung ương có Tạp chí Bôn sê vich của Ban Chỉ huy Hải ngoại ở nước ngoài. Tháng 5/1937 Trung ương có báo tiếng Pháp L’Avant-Garde xuất bản ở Sài Gòn). Hiện Bảo tàng còn giữ được một số Cờ Vô Sản: Số 3 ra ngày 1/2/1931. Báo Dân Chúng: do Nguyễn Văn Cừ và Hà Huy Tập thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định xuất bản trong một cuộc trao đổi vào tháng 4/1938. Ngày 22/7/1938, số 1 báo Dân Chúng xuất bản công khai ở Sài Gòn không xin phép mà chỉ làm thủ tục khai báo như quy định của Đạo luật về tự do báo chí Quốc hội Pháp đã thông qua từ ngày 29/7/1881. Ngày 30/8/1938, Chính quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải chấp nhận báo Dân Chúng ra hợp pháp. Báo Dân Chúng danh nghĩa là cơ quan của lao động và dân chúng Đông Dương, nhưng thực tế là cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ số 1 đến số 12 báo ra nửa hợp pháp, từ số 13 trở đi báo ra hợp pháp. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sáng lập, trực tiếp phụ trách và viết nhiều bài cho báo. Quản lý báo: Dương Trí Phú, Trần Văn Kiệt, Huỳnh Văn Thanh, Huỳnh Hoa Cương. Trụ sở tòa soạn: từ số 1 đến số 33 ở 51E Colonel Grimaud, từ số 34 ở 43 Hamelin (Sài Gòn). Báo được in ở ba nhà in của Pháp và Việt: SATI, Bảo Tồn, Xưa Nay. Báo Dân Chúng ra được 81 số. Số 1 ra ngày 22/7/1938. Số cuối cùng ra ngày 30-8-1939. Mỗi số trung bình in 6.000 bản. Số đặc biệt kỷ niệm 9 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (số 40-41) in 10.000 bản. Số Xuân 1939 in đến 15.000 bản. Báo Dân Chúng ra không đều kỳ, có khi một tuần một số, khi một tuần hai số, thậm chí có khi một ngày một số (các số 58,59, 60), cũng có khi hai số cách nhau đến ba tuần (số 52 và số 53). Đây là tờ báo ra được nhiều số đứng thứ ba trong toàn bộ báo chí cách mạng ở Việt Nam xuất bản trước tháng 9/1945 (sau báo Thanh Niên, và báo Việt Nam Độc lập). Dân Chúng là tờ báo in với số lượng cao nhất, có nhiều bạn đọc nhất trong các báo in và phát hành ở Việt Nam trước tháng 9/1945. Báo Dân Chúng là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam đấu tranh giành tự do báo chí thắng lợi. Sau khi Dân Chúng ra đời, Chính quyền Đông dương phải ban hành sắc lệnh ngày 30/8/1938, bãi bỏ những điều khoản 2 và 4 của Huấn lệnh 30/12/1898 của Toàn Quyền Đông Dương thì nhiều tờ báo ở Nam Kỳ xuất bản không phải xin phép. Hiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn lưu giữ được gần như đủ bộ bản gốc báo Dân Chúng: có 80 trên tổng số 81 số, chỉ thiếu số 14. Báo Cờ Giải Phóng: Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, Trung ương Đảng chỉ thị báo Dân Chúng tự đóng cửa tòa soạn, ngừng xuất bản. Hơn ba năm sau, Đảng Cộng sản Đông Dương mới lại có báo làm cơ quan Trung ương lấy tên là Cờ Giải Phóng ra số 1 ngày 10/10/1942. Cờ Giải Phóng ra được 33 số. Số cuối cùng (số 33) ra ngày 18/11/1945. Từ số 1 đến số 15 in litô tại nhiều địa điểm bí mật ở các huyện Thuận Thành, Từ Sơn (Bắc Ninh), Yên Lãng (Phúc Yên). Từ số 16 in typo trên giấy trắng tại Hà Nội. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 92 Từ số 1 đến số 10 báo ra 4 trang, mỗi số cách nhau từ một tháng rưỡi đến bốn tháng, thậm chí mười tháng, không đều kỳ (số 1 ngày 10/10/1942. Số 2 ngày 26/8/1943. Số 3 ngày 15/2/1944. Số 4 ngày 18/4/1944…). Từ số 11 ra ngày 25/3/1945 báo ra 2 trang và khoảng cách mỗi số được rút dần. Báo Cờ Giải Phóng do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách biên tập và là cây bút chính. Tháng 11-1945, báo Cờ Giải Phóng ngừng xuất bản. Trung ương ra báo Sự Thật để thay thế. Số 1 báo Sự Thật ra ngày 5/12/1945. Hiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn lưu giữ được 20 số báo gốc Cờ Giải Phóng, đó là các số: 2, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, 12, 13, 14, 15,20, 21, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 Sưu tập báo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản trước tháng 12/1945 là một sưu tập hiện vật quý của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Sưu tập góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu thời kỳ cách mạng Việt Nam cũng như phục vụ hữu ích cho hệ thống trưng bày về giai đoạn lịch sử hào hùng này của dân tộc ta tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. 


Báo Búa Liềm số 4, ra ngày 15-11-1929 đăng bài về Quốc tế Cộng sản.


Báo Búa Liềm số 5, ra ngày 11-12-1929.

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

Chúc mừng các Nhà Báo

 Nhân ngày lễ trọng của các nhà báo, xin gửi đến các Thầy giáo, cô giáo, các bậc tiền bối của báo chí; các anh chị em đang làm việc trong lĩnh vực báo chí... nhưng lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công...