Khiemnguyen

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

chán quá!

Có ai biết tại sao blogspot.com vì sao bị khóa không?

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Sách hay: Quảng cáo truyền hình

Nghiên cứu về vấn đề kinh tế truyền thông nói chung và hoạt động kinh tế của từng loại hình báo chí nói riêng là một nội dung không mới, tuy nhiên về mặt lý luận lại khá mới nên chưa có nhiều tài liệu về vấn đề này.
Lọ mọ tìm được một cuốn sách từ nước ngoài về Quảng cáo truyền hình, được chuyển ngữ và xuất bản trong thời gian gần đây, thấy hay hay.
Do dung lượng full book khá lớn nên không post ở đây cho các bạn được, ai quan tâm xin vui lòng contac: nguyenbuikhiem@gmail.com
Nhân ngày truyền thống Báo chí Việt Nam, xin chúc anh chị em làm công tác truyền thông đại chúng luôn luôn mạnh khoẻ, chiến đấu tốt, hoạt động tốt và hạnh phúc ấm no.

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Bốn mùa vẫn đi, muôn vật vẫn sinh

Trong sách Luận ngữ, có lần Khổng Tử đã nói với học trò rằng:
- Ta muốn không nói!
Môn đệ là Tử công nghe vậy lo lắng mà hỏi lại rằng:
- Thế thì chúng con biết đâu mà theo?
Khổng Tử đáp rằng:
- Trời nói gì đâu! Bốn mùa vẫn đi, muôn vật vẫn sinh, trời nói gì đâu!...
Người phương Tây cũng nói:
"Chó cứ sủa và đoàn người cứ đi!" (Ngạn ngữ Tây Ban Nha)
"Mọi lý thuyết đều là màu xám chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi" (Goethe 1749 - 1832).
Cảo thơm lần giở mới thấy, các cụ nhà ta, một là giao thoa văn hóa, hai là cá chép của nhau và để lại cho hậu sinh một di sản văn hóa khổng lồ để tha hồ mà suy ngẫm...

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

"Tranh ăn"


Hình như trong cuốn Tùy viên thi thoại có chỗ kể rằng: Ở miền Chào Châu có sản thứ sò dài kể hàng thước. Nó là một vật quý nơi khác không có, nên ít người biết mà dùng. Trong khi bị đày ra Chào Châu, thầy đồ Tô Đồng Pha “chén” thứ sò ấy thấy ngon liền dặn con trai mình phải dấu cho kín, không được nói hở cho người khác biết, sợ rằng trong triều có kẻ thấy vậy, lại lo với quan trên xin đầy ra Chào Châu mà ăn tranh sò của mình.
Khôn chưa?
Sự nghiệp vĩ đại của loài người, chỉ nằm trọn trong hai chữ “tranh ăn”, một kẻ kiếm được miếng, nghìn vạn kẻ ở ngoài chực hớt, trừ khi ăn không ai biết mới có thể giữ được mà ăn. Thầy Tô Đông Pha dặn con như vậy, thật hiểu đời một cách sâu sắc.

Tin đồn và cơ chế hình thành tin đồn


I. Tin đồn là gì?
Tin đồn là sự khẳng định chung của một nhóm người về một vấn đề nào đó của xã hội có thể có thực hoặc không có thực, nhưng không có dữ liệu để kiểm chứng.
Tin đồn là phương thức giao tiếp bằng ngôn ngữ diễn ra hàng ngày trong ời sống, trong đó các thông tin được truyền từ người này sang người khác. Do mức độ thu nhận thông tin, do cá tính và cách nhìn nhận vấn đề của các cá nhân là khác nhau dẫn đến các đối tượng tiếp nhận nội dung thông tin theo cách hiểu của mình, và do vậy thông tin thường bị biến dạng, méo mó. 
Theo các nhà tâm lý học, các cá nhân trong khi truyền đạt thông tin cho người khác thường hay lồng vào đó ý kiến hay sắp xếp thông tin theo thói quen, sở thích của mình. Và để tăng tính " thuết phục"của thông tin mình đưa ra họ sẽ đưa vào đó những tình tiết phụ để thông tin đó trở nên hợp lý và hấp dẫn hơn. Song ở tin đồn mới chỉ là sự phát ngôn thông tin bình thường chưa có hoặc ít có sự phán xét, đánh giá của chủ thể đối với vấn đề, hiện tượng xã hội. Ví dụ:Trong năm 1942 tin đồn đã trở thành vấn đề cấp bách mang tầm quốc gia.Cuộc thị uy nguy hiểm của nó được mọi người cảm nhận thấy sau cú sốc đầu tiên từ vụ Chân Châu Cảng. Đó là các tin về hạm đội của Hoa Kỳ-ND bị "xoá sổ", rằng Washington không giám nói thật về phạm vi của sự thiệt hại và rằng Hawai đã bị người Nhật chiếm. Những câu chuyện bịa đặt trở nên phổ biến và làm hoang mang tinh thần ghê gớm. Sự kiện đau buồn này đã mang vào cuộc sống những điều xa lạ và không được chào đón, làm xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người. Đến ngày 23/2/1942, tổng thống Rouzơven đã phải đọc một bài diễn văn phát thanh trong đó toàn bộ nội dung giành trọn để bác bỏ tin đồn này. Như vậy, tin đồn là sự kết hợp giữa "tin"-một chất liệu hỗn hợp, nhập nhằng mang tính nước đôi với nhu cầu liên kết các cảm xúc mang tính tâm lý xã hội một cách hợp lý. Và sơ dĩ nó tồn tại được trong cuộc sống vì nó phải đáng tin cậy ở một mức độ nhất định, nó có vẻ giống như thật và đang được nhiều người mong đợi. Đặc biệt trong tổ chức hầu hết các thông tin được truyền qua tin đồn là chính xác ước tính khoảng 75%.
Tốc độ lây lan của tin đồn phụ thuộc vào tính hấp dẫn, tầm quan trọng của vấn đề đối với cá nhân hoặc mức độ mơ hồ của nó đối với cá nhân. Sự mơ hồ này có thể là do việc tiếp nhận những thông tin mâu thuẫn nhau từ các nguồn khác nhau mà ta không biết nguồn nào đáng tin hơn nguồn nào. Và cũng có thể là kết quả của sự thất bại trong truyền thông hoặc của những vấn đề thiếu thông tin xác thực. Điều này thường thấy phổ biến ở những quốc gia bị chiến tranh tàn phá hoặc ở những người sống biệt lập với xã hội, những người có ít thông tin đáng tin cậy.
Các tin đồn dù trong điều kiện bình thường hay diều kiện chiến tranh đều có tính chất mang ít nhiều những thông tin bịa đặt thể hiện sự thù địch chống lại nhóm này hay nhóm khác.

Sở dĩ tin đồn lan truyền bởi vì nó thực hiện 2 chức năng sinh đôi, đó là giải thích và giải toả sự căng thẳng tinh thần mà mỗi các nhân cảm thấy. Bởi các nhà nghiên cứu cho rằng, việc qui trách nhiệm cho người khác bằng lời không phải chỉ là cách giải thích cho nỗi đau buồn của mỗi người mà còn đồng thời là cách thức giải toả về tâm lý. Chúng ta đều biết rằng sự căng thẳng tinh thần của một người được giải toả sau khi người đó tiến hành sự tra tấn bằng ngôn ngữ đối với đối tượng.Việc liệu nạn nhân của sự tra tấn bằng ngôn từ đó có lỗi hay không chỉ là vấn đề nhỏ. Việc mắng mỏ ai đó thẳng vào mặt hoặc sau lưng có đặc tính kỳ lạ là nó làm giảm tạm thời sự thù địch đối với nạn nhân hay một điều ấn tượng hơn là nó làm giảm sự thù hận đối với mọi con người và sự vật. 
Một câu hỏi đặt ra đó là sự bóp méo và phóng đại kì lạ đã xảy ra như thế nào trong đầu con người và đã dẫn đến những tổn hại gì đói với nhận thức, lương tâm của công chúng? 
Vì rất khó khăn để lần theo chi tiết của quá trình tin đồn lan truyền trong cuộc sống hàng ngày, các nhà khoa học Mỹ- Gordon Allport và Leo Postman- đã làm những cuộc nghiên cứu thực nghiệm về tin đồn trong phòng thí nghiệm. 
Các tác giả cũng thừa nhận có 5 điểm thí nghiệm không đạt khi tái tạo lại một cách cẩn trọng những điều kiện lan toả của tin đồn trong cuộc sống hàng ngày:
1. Sự ảnh hưởng của cử toạ là đáng kể, nó có khuynh hướng tạo ra sự cẩn trọng và rút ngắn hơn bản tường thuật.Khi không có cử toạ người tham gia thí nghiệm đưa ra số lượng chi tiết gấp 2 lần so với khi có cử toạ.
2. ảnh hưởng của lời chỉ dẫn khiến người tham gia thí nghiệm chính xác hoá tối đa và tạo ra sự cẩn trọng. Trong sự lan toả tin đồn bình thường, không có người thí nghiệm để xem liệu chuyện phiếm lặp lại đúng không.
3. Không có cơ hội cho người được nghiên cứu đặt câu hỏi lại cho người truyền thông tin. Bình thường sự lan toả tin đồn, người nghe có thể bàn tán với người đưa tin và nếu muốn anh ta có thể kiểm tra chéo lại.
4. Khoảng cách thời gian giữa nghe và nói lại trong tình huống thí nghiệm là rất ít. Còn trong quá trình lan toả tin đồn bình thường nó là rất lớn.
5. Điều quan trọng nhất, điều kiện của các động cơ hoàn toàn khác nhau. Trong thí nghịêm, người được nghiên cứu cố gắng mô tả chính xác.Sự sợ hãi, căm ghét, mong muốn của anh ta dường như không được khuấy động lên trong điều kiện thí nghiệm. Sự tham dự của anh ta trong việc truyền đạt tin đồn ở thí nghiệm không mang tính cá nhân và cũg không có động cơ sâu sắc.
Trong diều kiện trên, điều kiện 3 có thể được kỳ vọng sẽ làm tăng độ chính xác của bản tường trình trong tình huống thí nghiệm và sẽ sinh ra ít sự bóp méo và phóng đạ hơn trong sự lan toả tin đồn của đời sống thực.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đã cho thấy: tin đồn là một quá trình bóp méo phức tạp mà trong đó có thể nêu rõ ba khuynh hướng liên kết với nhau, đó là sự rút bớt chi tiết, sự nhấn mạnh và sự sắp xếp lại.
II. Cơ chế hình thành tin đồn
a) Sự rút bớt chi tiết
Khi tin đồn lan đi nó có xu hướng ngắn hơn, xúc tích hơn,dễ nắm bắt, dễ kể lại hơn. Và do đó trong những lần thuật lại kế tiếp càng ít từ được dùng và càng ít chi tiết được đề cập đến. Thí nghiệm chỉ ra số chi tiết được ghi nhớ giảm mạnh mẽ nhất vào giai đoạn đầu của quá trình thuật lại. Sau đó số chi tiết ghi nhớ sẽ tiếp tục giảm nhưng chậm hơn trong suốt cuộc thí nghiệm. Dựa trên 11 thí nghiệm, các tác giả chỉ ra rằng có khoảng 70% số chi tiết bị loại ra sau 5 đến 6 lần thuật lại.
Trong những lần truyền tin về sau lượng thông tin ngày càng ít và đến một mức độ nào đó thì số lượng thông tin giữ không đổi, nó được nhiều người sau học thuộc như một con vẹt và cứ thế nhắc đi nhắc lại. Tuy nhiên cần khẳng định rằng sự rút gọn trong tin đồn chưa bao giờ tiến tới điểm xoá sạch tin đồn. Bởi trên thực tế mỗi khi tin đồn được truyền đi trong một nhóm người thì dù là tin đồn huyền thoại hay tin đồn bình thường chúng cũng sẽ biến đổi theo hướng ngắn hơn và xúc tích hơn.
b)Sự nhấn mạnh
Sự nhấn mạnh là sự cảm nhận, lưu giữ và như là số chi tiết được trần thuật lại có lựa chọn từ một ngữ cảnh rộng lớn. Sự nhấn mạnh chắc chắn xảy ra nghịch đảo với quá trình rút bớt chi tiết. Hay nói là sự tăng thêm một số chi tiết chiếm vị trí trung tâm trong ý nghĩa của những lời đồn, điều này còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố.
Các cách thức nhấn mạnh trong tin đồn:
-Việc lưu giữ lại những yếu tố kỳ quặc, những thông tin gây chú ý xuất hiện lúc ban đầu trong chuỗi truyền miệng.
- Sự thay đổi về con số theo hướng gia tăng, chẳng hạn tăng số lượng người, số thiệt hại... trong tin đồn.
- Sự nhấn mạnh về thời gian: các cá nhân thường có xu hướng mô tả các sự kiện như là những cái đang xảy ra ở thời điểm hiện tại. Bởi những cái đang xảy ra ở đây và bây giờ luôn là mối quan tâm lớn nhất và quan trọng nhất đối với người nhận tin.
- Việc nhấn mạnh thường xảy ra khi có sự liên quan rõ ràng đến sự chuyển động và đôi khi tin đồn được tạo nên bằng việc gắn sự chuyển động cho những vật mà trên thực tế vật nay là đứng im.
- Theo như hiệu ứng cái đầu tiên thì một tin tức đến lúc ban đầu thường dễ nhớ hơn những thông tin nghe sau, do đó cá nhân thường có xu hướng nhấn mạnh những thông tin được nghe luc đầu.
- Trong tin đồn hàng ngày, sự nhấn mạnh biểu hiện bằng việc cá nhân dưa ra sự giới thiệu bề ngoài hợp lý và rõ ràng.
- Kích thước tương đối của các vật xuất hiện trong tin đồn cũng là yếu tố quyết định quan trọng của sự chú ý. Chẳng hạn người ta thường nhớ đến những vật có kích thước lớn nhất, khổng lồ trong câu chuyện tường thuật và nhấn mạnh vào nó.
- Hình thức nhấn mạnh cuối cùng trong tin đồn chính là những lời giải thích thêm của người tường thuật.Nhu cầu nhấn mạnh bằng sự giải thích thêm càng trở nên mạnh mẽ khi câu chuyện bị bóp méo quá mức và sự mô tả lại chứa đựng những điều đáng ngờ, xung khắc.
Nhìn chung các chi tiết được rút ngắn hay nhấn mạnh mục đích là để phù hợp với chủ đề chính của câu chuyện, khiến chúng trở nên phù hợp với chủ đề này theo hướng làm cho câu chuyện có kết cục gắn kết, hợp lý, tròn trịa hơn.
c) Sự sắp xếp lại
Đây là một quá trình bảo tồn và tổ chức lại những thông tin xung quanh một số động cơ, sở thích của các cá nhân. Quá trình ấy là kết quả hấp dẫn của những tập quán, động cơ, lợi ích và tình cảm của những người tiếp nhận lời đồn đối với vấn đề được nêu. 
Rõ ràng, cả sự rút bớt và sự nhấn mạnh là những quá trình mang tính chọn lọc. Những việc gì dẫn tới việc xoá bỏ hay nhấn mạnh một vài chi tiết; và cái gì giải thích cho sự hoán đổi, sự tiếp nhận những xuyên tạc trong quá trình lây lan của tin đồn? Câu trả lời được tìm ra trong quá trình sắp xếp lại, cái đã phải làm bằng sức mạnh hấp dẫn ảnh hưởng đến tin đồn bởi thói quen, lợi ích, tình cảm trong đầu người nghe.
Trong tin đồn , sự sắp xếp lại thường là:
-Sự sắp xếp lại theo chủ đề chính thể hiện ở việc thu hẹp hay nhấn mạnh các chi tiết làm cho chúng trở nên phù hợp với tư tưởng chi phối câu chuyện hàm chứa những chi tiết ấy, làm tăng thêm tính nhất quán, vẻ giống như thật và logic của câu chuyện.
- Sắp xếp theo sự tiếp diễn tốt đẹp đó là do con người thường có mong muốn tìm kiếm các chi tiết của câu chuyện theo một chiều hướng tốt đẹp để hoàn chỉnh ý nghĩa vào chỗ bị thiếu hoặc chưa hoàn thiện.
- Sắp xếp lại bằng sự cô đọng. Đôi khi có vẻ như là trí nhớ của chúng ta cố gắng hạn chế đến mức sao cho ghi nhớ càng ít càng tốt, và thay vì nhớ hai tin sẽ tiết kiệm hơn, nhớ tốt hơn nếu hợp nhất chúng lại thành một tin.
- Sự sắp xếp lại theo kỳ vọng tức là sự vật được cảm nhận và ghi nhớ theo cách mà chúng thường diễn ra và theo thói quen suy nghĩ của cá nhân.
- Sự sắp xếp lại theo thói quen ngôn ngữ.
- Sự sắp xếp lại theo động cơ: sự quan tâm, thành kiến, định kiến sắc tộc.
Tóm lại, các quá trình rút bớt, nhấn mạnh, sắp xếp lại trong tin đồn không phải là một cơ chế độc lập mà chúng được thực hiện đồng thời với nhau và phản ánh một quá trình mang tính nội tâm duy nhất mà có kết quả là tính tự kỷ và sự xuyên tạc vốn là đặc tính của tin đồn./.
Nguyễn Bùi Khiêm - Coppied from Internet 

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Thuộc tính và chức năng của dư luận xã hội


(Nguyễn Bùi Khiêm) Thuật ngữ dư luận xã hội (public Opinion) được dùng nhiều trong đời sống xã hội và trong một số ngành khoa học như xã hội học, tâm lý học xã hội, truyền thông đại chúng… Dư luận xã hội được coi là những trạng thái đặc trưng của ý thức xã hội, tâm trạng xã hội. Có thể hiểu rằng DLXH chính là một thành phần thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội và tính chất của nó bị quy định bởi tính chất các quan hệ kinh tế trong xã hội. Mặc dù vậy, với tư cách là một phần của thượng tầng kiến trúc, DLXH cũng có sự độc lập tương đối với hạ tầng cơ sở. Thí dụ, có những lúc DLXH lại tỏ ra bảo thủ hơn so với sự phát triển của các quan hệ kinh tế trong xã hội, cũng có những lúc nó lại “đi nhanh hơn” so với hạ tầng xã hội.
Có nhiều định nghĩa khác nhau về "dư luận xã hội". Nhà triết học cổ đại  Socrat cho rằng "dư luận xã hội" là cái gì đó nằm giữa sự mù quáng và nhận thức. Theo Kant: "dư luận xã hội" nằm ở cấp độ thấp hơn so với kiến thức và niềm tin. Theo nhiều học giả hiện đại thì "dư luận xã hội" là ý kiến được đông đảo công chúng chia sẻ và có thể tìm thấy ở mọi nơi.
Chúng ta có thể đưa ra một cách hiểu về DLXH là những ý kiến có tính chất phán xét, đánh giá về các vấn đề xã hội mà nhóm công chúng cảm thấy có ý nghĩa với họ hoặc là vấn đề đó động chạm đến lợi ích chung.
Chủ thể của DLXH là đơn vị xã hội mà ý kiến được coi là dư luận (ý kiến) xã hội chứ không phải là một dạng ý kiến nào khác. Đơn vị xã hội này có thể là nhóm xã hội, tập đoàn hay hệ thống xã hội tùy theo cách tiếp cận.
Khách thể của dư luận xã hội: là vấn đề xã hội động chạm đến lợi ích chung hoặc là có ý nghĩa đối với các nhóm công chúng. Căn cứ của lợi ích chung và căn cứ của ý nghĩa ở đây chính là các giá trị và chuẩn mực chung.
Năm thuộc tính cơ bản của dư luận xã hội
- Khuynh hướng: thể hiện ở chỗ tỏ thái độ đồng tình, phản đối, lưỡng lự, chưa rõ thái độ đối với vấn đề xã hội mà nó đề cập đến. Người ta cũng có thể phân chia theo khuynh hướng tích cực hay tiêu cực, tiến bộ hoặc lạc hậu.
-Cường độ: thể hiện sức căng về ý kiến của mỗi khuynh hướng dư luận xã hội.
- Sự thống nhất và xung đột của dư luận xã hội:
- Tính ổn định, độ bền vững thể hiện ở chỗ: dư luận xã hội có dễ bị thay đổi hay không khi có những tác động bổ sung. Ví dụ như cung cấp thêm những thông tin mới.
- Sự tiềm ẩn: dư luận xã hội có thể ở dạng tiềm ẩn, không bộc lộ bằng lời. Có người dùng thuật ngữ “dư luận của đa số im lặng” để nói về trạng thái này (Ban tư tưởng – văn hoá trung ương, 1999: 17- 21).
Dư luận xã hội và chuẩn mực xã hội có mối quan hệ rất chặt chẽ. Tác động đầu tiên của dư luận xã hội đối với chuẩn mực xã hội là tạo ra các chuẩn mực mới và loại bỏ các chuẩn mực lỗi thời. Sự ủng hộ sẽ tăng lên nếu như người dân nhận thức được hành vi đó phù hợp với trình độ phát triển cơ bản của xã hội, ngược lại hành vi đó vẫn bị coi là hành vi lệch lạc.
Trong trường hợp họ nhận thức được hành vi không phù hợp với định hướng phát triển cơ bản của xã hội thì hành vi đó tiếp tục bị phê phán và vẫn là hành vi lệch chuẩn.
Các chức năng của dư luận xã hội:
đánh giá; điều chỉnh các mối quan hệ xã hội; giáo dục; giám sát; tư vấn, phản biện; giải tỏa tâm lý – xã hội.
Cơ chế hình thành dư luận xã hội: các nhà xã hội học thường coi quá trình hình thành dư luận xã hội gồm 4 giai đoạn:
1) Giai đoạn tiếp nhận thông tin;
2) Giai đoạn hình thành các ý kiến cá nhân;
3) Giai đoạn trao đổi ý kiến giữa các cá nhân;
4) Giai đoạn hình thành dư luận chung
Các con đường hình thành dư luận xã hội. Chủ yếu có 2 con đường sau:
1) Hình thành qua kênh giao tiếp cá nhân: con đường này phổ biến trong các xã hội khi chưa có các phương tiện truyền thông đại chúng.
2) Hình thành qua kênh giao tiếp đại chúng dưới tác động của phương tiện truyền thông đại chúng: sự phổ biến thông tin qua con đường này rất nhanh. Thông tin ban đầu đến với hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người.
 Dư luận có nghĩa là phản ứng của nhân dân (đó là tán thành, không tán thành, hay bàng quan) đối với những vấn đề đáng lưu ý chung về chính trị và xã hội nảy sinh, như là: quan hệ quốc tế, chính sách nội bộ, các ứng cử viên bầu cử, quan hệ dân tộc. Đó cũng là quan niệm của A.K. Uledov về dư luận xã hội là “Sự phán xét thể hiện sự đánh giá và thái độ của mọi người đối với các hiện tượng đời sống xã hội”.  Mối quan hệ giữa truyền thông và dư luận có tính hai mặt: ở khía cạnh thứ nhất, ảnh hưởng của dư luận đến truyền thông  còn khía cạnh thứ hai thì ngược lại: sự ảnh hưởng của truyền thông đến dư luận. 

Công chúng truyền thông hiện đại (phần 1)


(Nguyễn Bùi Khiêm) Lang thang trên mạng, tranh thủ nguồn thông tin vô hạn do Internet mang lại, ngõ nghiêng tìm kiếm được nhiều cái hay, nhất là những cái liên quan mật thiết đến những nội dung mà ta và nhiều người đã vào đây đang quan tâm và mong muốn có thêm tư liệu mà cá chép. Thấy cái bài này hay hay, cá chép về đây để lưu trữ và có thể là cơ hội cho ACE đồng nghiệp có cái mà cá chép…
Những năm đầu của thế kỷ XXI ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ của các loại hình phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như sự cạnh tranh gắt gao giữa báo, tạp chí in, phát thanh, truyền hình, báo trực tuyến trong cuộc ganh đua giành công chúng truyền thông đại chúng (TTÐC). Hệ quả của quá trình này là công chúng được “sống” trong một môi trường truyền thông rộng mở, đa dạng loại hình, phong phú nội dung đến mức nếu không biết cách tiếp cận và “tiêu thụ” thông tin thì họ có thể mất phương hướng trong biển thông tin đa dạng, đa chiều đến mức độ bão hoà hiện nay. Ở thế kỷ trước, con người ta cần phải có văn hoá để không bị “đói” thông tin, không bị loại ra khỏi dòng chảy chung của xã hội thì ở những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI này, để tồn tại trong một xã hội thông tin, con người lại phải trang bị cho mình tri thức và văn hoá tiếp nhận, tự tạo một “bộ lọc” để không bị “nhấn chìm” trong đại dương thông tin bao quanh họ. Thực tế cho thấy, điều kiện kinh tế - xã hội được cải thiện cùng với tốc độ phát triển của khoa học, công nghệ đã tạo cho công chúng nhiều cơ hội, nhiều thời gian hơn để tiếp cận với truyền thông đại chúng. Ði kèm với đó là sự gia tăng độ lớn của công chúng và kéo giãn khoảng cách lứa tuổi của công chúng TTÐC. Phân công lao động rõ ràng, trình độ dân trí nâng cao, các yếu tố về môi trường xã hội cũng là những tác nhân tạo nên xu hướng chuyên biệt trong nhu cầu truyền thông và mục đích sử dụng thông điệp truyền thông của một vài nhóm công chúng, song hành với nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của công chúng TTÐC. Tiện ích của các phương tiện truyền thông mới góp phần tạo ra những thay đổi rất rõ nét trong tập quán truyền thông của công chúng TTÐC, trong cơ cấu công chúng TTÐC, thậm chí tạo ra những nhóm công chúng TTÐC mới với những nhu cầu đặc tính, tập quán truyền thông mới.
Khả năng lưu trữ và tìm kiếm thông tin trong một môi trường truyền thông năng động và có tính tương tác cao giữa chủ thể truyền thông và đối tượng, thậm chí giữa những chủ thể truyền thông với nhau đã tạo một “cú hích” thúc đẩy nhu cầu được tìm kiếm, chia sẻ, trao đổi thông tin, được bày tỏ quan điểm cá nhân, được phản hồi những thông điệp truyền thông v.v… của công chúng TTÐC. Công chúng TTÐC từ chỗ là những đối tượng tác động của các nhà truyền thông, trong nhiều trường hợp đã thực sự trở thành những nguồn thông tin. Hoạt động của công chúng TTÐC trong chu trình truyền thông không còn đơn giản là “tiếp nhn” hay “phn hi” mà thêm cả “phát tán” thông tin. Hiện nay, thuật ngữ “nhà báo công dân” không còn mấy xa lạ. Nhiều dịch vụ công nghệ hiện đại, tận dụng tài nguyên internet như weblog, podcast, youtube, mạng xã hội… đã ra đời để phục vụ cho nhu cầu “được nói” của lớp công chúng TTÐC mới. Giờ đây, thuật ngữ wemedia hay social communication đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Ðể bước đầu nhận biết về một văn hoá ứng xử với truyền thông theo cách tiếp cận mới của công chúng TTÐC hiện đại, chúng ta hãy cùng nhìn lại những đặc tính của công chúng TTÐC vốn đã được công nhận trong khoa học nghiên cứu về truyền thông.
Hoạt động nghiên cứu công chúng TTÐC gắn liền với lịch sử nghiên cứu truyền thông đại chúng nói chung và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận từ đầu thế kỷ XX. Trong những nghiên cứu về truyền thông đại chúng ở giai đoạn trước, khi chưa có những bước đột phá về công nghệ truyền thông s hoá, Công chúng truyn thông đại chúng là khái niệm dùng để chỉ đối tượng tác động của hoạt động truyền thông đại chúng, bao gồm độc giả, khán giả, thính giả của các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí in, truyền hình hay phát thanh. Trong mối tương quan giữa các yếu tố trong quá trình truyền thông đại chúng truyền thống thì công chúng chính là đối tượng tiếp nhận, đối tượng tác động của truyền thông đại chúng.
Công chúng truyền thông đại chúng bao gồm nhiều tầng lớp và cộng đồng cư dân khác nhau về vị thế xã hội trong cơ cấu xã hội, khác nhau về điều kiện vật chất và tinh thần trong môi trường xã hội. Công chúng truyền thông đại chúng là tập hợp xã hội rộng lớn, giữa họ không có mối liên hệ trực tiếp nhưng đặc tính giao tiếp của số đông cho thất tính chất tập thể của hoạt động giao tiếp đại chúng, tạo nên các tương tác xã hội giữa nguồn phát và người nhận thông điệp. Max Weber có quan điểm rằng truyền thông như là phương tiện của các tương tác xã hội làm sáng tỏ các ý nghĩa mang tính chủ quan của một bên là hành động xã hội và bên kia là định hướng xã hội.
Sự tồn tại của công chúng truyền thông không mấy rõ rệt, một phần là bởi kiến thức về công chúng ít mang tính trực tiếp và tức thời. Công chúng truyền thông là vô hình và không ai biết ai.
Theo quan điểm của nhà xã hội học Herbert Blumer, công chúng (của các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống) có những đặc điểm cơ bản như sau:
- Bao gồm những người thuộc mọi tầng lớp xã hội, bất kể giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị, trình độ học vấn… Họ có những đặc trưng dị biệt.
- Công chúng truyền thông đại chúng thường là những cá nhân nặc danh. Khi một hoạt động truyền thông hướng tới đại chúng, chúng ta không thể biết rõ đối tượng tiếp nhận cụ thể là ai. Một thông điệp trong quá trình truyền thông đại chúng có thể tiếp cận bất cứ ai.
- Các thành viên của đại chúng thường cô lập nhau xét về mặt không gian, ít có sự tương tác.
- Công chúng truyền thông đại chúng không có tổ chức hoặc nếu có thì rất lỏng lẻo. Bởi vậy, họ thường rất khó tiến hành những hoạt động chung.
Công chúng truyền thông đại chúng không phải là một khối người thuần nhất mà trái lại, thực sự là một thực thể phức tạp, đa dạng. Công chúng bao gồm nhiều nhóm, nhiều giới, nhiều tầng lớp xã hội và giai cấp khác nhau với những đặc trưng đa dạng, quyền lợi đôi khi không tương đồng.
Cũng cần lưu ý rằng khi nói công chúng truyền thông đại chúng bao gồm những cá nhân phân tán, thực chất nhận định này cũng chỉ mang nghĩa tương đối về mặt không gian. Một kênh truyền hình có thể có khán giả từ nhiều quốc gia khác nhau, có nền văn hóa, thậm chí là bản ngữ khác nhau. Nếu nhìn từ góc độ quan hệ xã hội, công chúng của các phương tiện truyền thông đại chúng không hoàn toàn cô lập. Họ có thể là người trong cùng gia đình, cùng công sở… và họ vẫn không thể nằm ngoài các mối quan hệ xã hội như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… Thêm vào đó, cũng cần khẳng định rằng tuy công chúng gắn kết lỏng lẻo và khó có các hoạt động chung nhưng truyền thông đại chúng chính là động lực liên kết những khối công chúng không có tổ chức trong một số hoạt động chung có ý nghĩa xã hội rộng lớn. 

Công chúng truyền thông hiện đại (phần 2)


(Nguyễn Bùi Khiêm) Cùng với sự phát triển của các loại hình phương tiện truyền thông đại chúng mới ứng dụng công nghệ hiện đại, công chúng truyền thông đại chúng cũng có những đặc điểm mới, tương đối khác biệt so với những quan niệm truyền thống về công chúng truyền thông đại chúng. Có thể so sánh như sau:

Công chúng TTÐC truyền thống

Công chúng TTÐC hiện đại

- Ðại chúng
- Phi đại chúng hóa
- Cá nhân nặc danh

- Ðề cao, khẳng định “cái tôi”
- Không đồng nhất, bao gồm nhiều giới, tầng lớp khác nhau
- Bao gồm nhiều giới và tầng lớp nhưng đã có một số đặc điểm tương đồng
- Ðộc lập nhau xét về mặt không gian, không ai biết ai
- Tập hợp thành nhóm trong một thế giới “ảo”
- Không có hình thức tổ chức hoặc nếu có thì rất lỏng lẻo, khó có thể tiến hành một hoạt động chung và hiếm có khả năng tương tác
- Tuy hình thức tổ chức cũng chỉ là tương đối trong một thế giới ảo nhưng có khả năng tương tác cao
- Mức độ ý thức chung không cao

- Mức độ ý thức chung tương đối cao nhưng không kéo dài và thường bị chi phối bởi tính cá nhân
- Thụ động trong quá trình truyền thông

- Chủ động lựa chọn thông tin và phương tiện truyền thông
- Thường chỉ tiếp nhận thông tin, có phản hồi nhưng tần suất không cao.
- Tiếp nhận, phản hồi và phát tán thông tin…
Mối quan hệ giữa truyền thông và công chúng không còn theo cách hiểu truyền thống là mối quan hệ giữa người truyền thông điệp và người tiếp nhận thông điệp. Công chúng không chỉ là người tiếp nhận và chịu tác động của truyền thông nữa. Ngay từ những năm 40 của thế kỷ trước, có quan điểm nghiên cứu truyền thông đã chứng minh rằng truyền thông không phải là “viện đạn thần kỳ” có, có quyền lực vạn năng tác động như nhau đến mọi cá nhân trong công chúng và quan tâm đến hiệu quả có giới hạn của truyền thông. Nhìn từ góc độ tiếp cận cụ thể hơn, có thể hiểu chính tri thức văn hoá của mỗi cá nhân hay môi trường văn hoá xã hội của nhóm công chúng đã là “bộ lọc” để họ không bị biến thành những “khối đại chúng” như có một số quan điểm nghiên cứu truyền thông đã từng lo lắng. Quá trình lựa chọn hay phản hồi thông tin cũng diễn ra ngay trong hoạt động truyền thông giữa công chúng với các loại hình TTÐC truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình. Có điều, hoạt động đó diễn ra âm thầm và chỉ có thể đo đếm được khi để tâm quan sát sự tồn tại và uy tín của ban bạn đọc báo in, hộp thư truyền hình hay chương trình tiếp chuyện bạn nghe đài của phát thanh. Công chúng vẫn có thể chọn đọc chuyên mục mình yêu thích trên báo in, bấm remote điều khiển để chuyển tới kênh truyền hình mình yêu thích hay dành 15 phút buổi tối để nghe chương trình phát thanh thân thiết của mình.
Những hoạt động này từng tồn tại nhưng ngày càng rõ nét và trở thành xu hướng trong tiếp cận và ứng xử với truyền thông của công chúng, đặc biệt là khi internet ra đời và thúc đẩy sự phát triển của truyền thông số và đa phương tiện mà một trong những lợi ích nổi bật được truyền thông ứng dụng là tính tương tác. Nhà nghiên cứu R.E.Rice (1984) có quan điểm trong truyền thông tương tác, người nhận và người gửi thông điệp có thể thay thế vai trò của nhau. E.M Rogers (2003) cũng nghiên cứu về tính tương tác và cho rằng tương tác là quá trình người tham gia quá trình truyền thông có thể đổi chỗ cho nhau và đều có quyền kiểm soát cuộc trao đổi. Các nhà nghiên cứu truyền thông đã chỉ ra các dạng tương tác giữa công chúng và truyền thông bao gồm: giữa nhà truyền thông và công chúng, giữa công chúng với công chúng, giữa công chúng với hệt thống truyền thông và tương ứng với những mối quan hệ đó, công chúng vừa là người tiếp nhận, tiêu thụ, phản hồi truyền thông, vừa là người đồng sáng tạo sản phẩm truyền thông và là chủ thể sáng tạo sản phẩm truyền thông, đồng thời cũng là người “phát tán” sản phẩm truyền thông.
Nhìn từ thực tiễn truyền thông đại chúng, cũng khó có thể tách bạch ra từng đặc tính của công chúng TTÐC hiện đại. Nhưng, những biến đổi mang tính chiến lược của các loại hình truyền thông đại chúng cho thấy “giới truyền thông” đang phải làm mới mình để phục vụ công chúng mới. Các tờ báo in tăng cường chuyên trang, chuyên mục, phát thanh ấn phẩm phụ chuyên biệt để phục vụ các nhóm công chúng cụ thể; tạp chí ngày càng có xu hướng chuyên biệt hoá. Ở thế kỷ trước, để tồn tại trước sức lấn át của truyền hình, phát thanh đã sáng tạo phong cách phục vụ công chúng – chương trình cho đối tượng. Cũng từ hiện tượng này, nhà tương lai học Alvin Tofler đã tiên đoán về xu thế “phi đại chúng hoá” của truyền thông đại chúng trong tương lai. Bài học đã được áp dụng lại khi mà cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, báo chí in, truyền hình, và ngay cả báo trực tuyến cũng bị cuốn theo xu thế phi đại chúng hoá, chuyên biệt hoá truyền thông đại chúng. Công chúng không còn là đối tượng chịu tác động của TTÐC. Họ đã trở thành đối tượng phục vụ của TTÐC, là người tiêu thụ, những khách hàng khó tính muốn lựa chọn “sản phẩm truyền thông” theo nhu cầu, sở thích, mối quan tâm của mình. Trong một cuộc điều tra công chúng TTÐC ở Hà Nội tháng 7/2010 cho thấy có 70% công chúng thường tiếp nhận thông tin theo lĩnh vực mình quan tâm. Và internet và báo trực tuyến, cho dù là loại hình TTÐC mới nhưng đã được 55,9% người được hỏi lựa chọn là một trong ba phương tiện chủ yếu để theo dõi tin tức hàng ngày (bên cạnh truyền hình 87.7% và báo in 37,8%). 63,4% công chúng cũng chọn internet là nguồn để công chúng theo dõi một thông tin mà họ rất quan tâm. Công chúng cũng được chủ động hơn trong việc chọn thời điểm tiếp nhận sản phẩm truyền thông. Công chúng có thể dễ dàng xem hoặc nghe một chương trình truyền hình, phát thanh được phát trên mạng từ buổi sáng vào lúc chiều muộn, tra cứu lại loạt bài đăng tải liên tục trên báo trực tuyến trong vòng một tháng hoặc tranh thủ đọc tin trên điện thoại đi động công nghệ 3G ngay khi đi xe buýt... Vẫn biết là thông tin thì phải cập nhật, nhưng với sự hối hả và bận rộn của lối sống đang đô thị hoá thì người ta vẫn có internet hỗ trợ để không bị lỗi nhịp thông tin, nhất là với những loại hình thông tin tuyến tính như phát thanh hay truyền hình truyền thống. Văn hoá ứng xử với truyền thông cũng thay đổi. Công chúng không còn phải hối hả, vồ vập với TTÐC để không bị “đói” thông tin nữa. mà người ta sẽ “để mắt” tới thông tin khi cần, tất nhiên, không thể phủ nhận thông tin hiện nay với con người như môi trường để sống. Nếu lạc dòng thông tin, con người ta khó có thể bắt kịp dòng chảy của xã hội.

Công chúng truyền thông hiện đại (phần 3)


(Nguyễn Bùi Khiêm) Một biểu hiện nữa cho thấy có sự thay đổi trong văn hoá ứng xử của công chúng với TTÐC. Công chúng đã có cách nhìn khách quan hơn về những thông tin được TTÐC đăng tải. Xu hướng tìm kiếm nhiều nguồn thông tin về cùng một vấn đề ngày càng rõ nét. Cuộc điều tra tháng 7/2010 cũng cho thấy có tới 46,5% người được hỏi đôi khi và 16,5% người được hỏi thường xuyên tìm kiếm thông tin thêm về một sự kiện khiến họ rất quan tâm từ những nguồn phương tiện TTÐC khác.
Với sự hỗ trợ của công nghệ số, truyền thông internet với tính tương tác cao và phi định kỳ là sự nối dài cánh tay cho công chúng, giúp họ nắm bắt thế giới truyền thông, đặc biệt là thông qua hoạt động phản hồi và phát tán thông tin.
Gần đây, các nhà nghiên cứu truyền thông đại chúng quan tâm nhiều đến hoạt động phản biện xã hội diễn ra thông qua quá trình truyền thông. Ðứng từ góc độ chính trị học, có thể coi phản biện xã hội là một trong những biểu hiện của một xã hội dân chủ và văn minh, một xã hội “của dân, do dân và vì dân”. Ðứng từ góc độ tâm lý, xã hội học, có thể coi đây là một hành động xã hội của công chúng thông qua công cụ là phương tiện truyền thông đại chúng. Ðứng từ góc độ truyền thông, có thể coi đây là một cách ứng xử văn hoá của công chúng đối với những thông điệp về các vấn đề xã hội được truyền tải trên hệ thống các phương tiện TTÐC. Ở một khía cạnh nào đó, có thể coi những ý kiến phản hồi của công chúng trước một sự kiện, vấn đề mà truyền thông đại chúng đề cập là một trong những cấp độ biểu hiện đơn giản của phản biện xã hội. Có thể đơn cử khá nhiều trường hợp như phản hồi của công chúng sau bài viết về vấn đề quản lý hàng rong trên địa bàn Hà Nội trong quyết định số 20/2008QÐ- UBND Hà Nội hoặc loạt bài viết về Ðề án phân luồng giao thông tại Hà Nội cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Gần đây, bài toán về điều chỉnh giờ làm việc trên địa bàn Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông cũng là chủ đề nóng, với hàng trăm phản hồi sau loạt bài viết, đặc biệt là trên các báo trực tuyến.
Khi xem xét hiện tượng gửi phản hồi của công chúng trên báo trực tuyến, có thể coi phần “nổi” của hoạt động này là xu hướng muốn bày tỏ chính kiến, thể hiện quan điểm của “cái tôi” - một trong những đặc tính của công chúng truyền thông hiện đại mà đại bộ phận là công chúng trẻ năng động (những bình luận trái chiều của công chúng với chuyện ngộ nhận con là siêu sao - chuyện của LNQA). Cũng có thể coi đây là biểu hiện của phản hồi thông tin, một hoạt động dần trở thành xu hướng rõ nét của một lối ứng xử có văn hoá của công chúng với truyền thông. Cũng có thể coi phần “chìm” của hoạt động này là một cách để bày tỏ mức độ của sự đồng thuận trong xã hội (những ý kiến về đề án điều chỉnh giờ làm việc trên địa bàn Hà Nội, về trách nhiệm của những người có chức trách ở Tiên Lãng), là một biểu hiện của dư luận xã hội (ý kiến về vấn đề bạo lực học đường, đòn roi và cách dạy trẻ...) hoặc chỉ đơn giản là ứng xử của những người có trách nhiệm đối với xã hội. Trong cuộc điều tra tháng 7/2010, có 20,7% người được hỏi thường xuyên hoặc có gửi phản hồi tới các cơ quan truyền thông đại chúng.
Ở cấp độ khác, công chúng cũng có xu hướng tham gia nhiều hơn hoạt động đồng sáng tạo các sản phẩm truyền thông. Mức độ đơn giản nhất là chủ động thông tin cho cơ quan báo chí. Cũng từ cuộc điều tra kể trên, có 20,2% người được hỏi thường xuyên hoặc có chủ động thông tin và 17,6% người được hỏi có mong muốn được chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Nếu chưa hoặc không có liên hệ với các cơ quan TTÐC thì phương thức truyền thông liên cá nhân (chia sẻ, phát tán thông tin) được vận dụng trong trường hợp này. Có 71,3% người được hỏi có chia sẻ với bạn bè, người quen; 6,7% chia sẻ trên các din đàn, 3,7% viết và tham gia bình luận trên các blog (hai phương thức truyền thông mới có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với công chúng). Sự biến chuyển trong nhu cầu, tập quán truyền thông của công chúng TTÐC, những động thái trong mối liên hệ giữa công chúng TTÐC với chủ thể truyền thông, thậm chí là giữa các nhóm công chúng TTÐC chỉ có thể được nhìn nhận rõ ràng, đáp ứng đầy đủ khi có những nghiên cứu, khảo sát cụ thể.
Hệ quả của bước tiến trong công nghệ truyền thông và sự thay đổi đặc tính công chúng TTÐC này, khi đã đạt tới một trình độ phát triển nhất định, rất có thể là sự hình thành những loại hình truyền thông đại chúng mới, có tính thích ứng cao với nhu cầu của công chúng TTÐC, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, đồng thời có khả năng cạnh tranh với những loại hình truyền thông đại chúng “truyền thống”. Chính hiện tượng đó sẽ là tác nhân quan trọng thúc đẩy sự chuyn hướng chiến lược trong quá trình đưa ra quyết định truyền thông của các loại hình truyền thông đại chúng truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình. Ðồng thời quá trình này cũng giúp hình thành một lối ứng xử mới của công chúng đối với TTÐC nói riêng và truyền thông nói chung, một lối ứng xử văn hoá mà cùng với nó, công chúng có thể tồn tại, giao tiếp, làm việc và hưởng thụ mà không bị nhiễu loạn thông tin, không bị lệ thuộc vào thông tin trong bối cảnh một xã hội “bùng nổ truyền thông” như hiện nay./.
Collected from Internet