Khiemnguyen

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Một số nét khác biệt cơ bản giữa ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn học



Nhà phê bình văn học thiên tài người Nga V.G. Bêlinski, khi phân tích cuốn “Ai có lỗi?“ - một tập sách chính luận nổi tiếng của nhà văn, nhà tư tưởng lỗi lạc Herxen, đã viết như sau:
Sức mạnh chủ yếu của tác giả không phải ở trong sự sáng tạo, trong tính nghệ thuật, mà ở tư tưởng - một tư tưởng được cảm nhận sâu sắc, mang tính ý thức và phát triền cao. Tầm vóc lớn của tư tưởng đó chính là sức mạnh cơ bản của tài năng tác giả, còn phong cách nắm bắt các hiện tượng thực tiên theo kiểu nghệ thuật - chỉ là sức mạnh thứ yếu, mang tính bổ trợ của tài năng của ông ta
Những dòng chữ ngắn gọn này của Bêlinski, dù chỉ ở mức độ khái quát nhất, đã khắc hoạ khá rõ sự khác biệt về phong cách biểu hiện trong báo chí và văn học nghệ thuật.
Ai cũng biết rằng báo chí và văn học nghệ thuật đều dùng ngôn từ như là thành tố số một trong việc xây dựng tác phẩm. Nhưng tính chất, đặc điểm và cách thức sử dụng ngôn từ ở chúng lại khác xa nhau. Nguyên do là bởi báo chí và văn học là hai hình thái ý thức xã hội hoàn toàn biệt lập đối với nhau.
Văn học có chức năng cơ bản là chức năng thẩm mỹ. Nó phản ánh thực tế bằng những hình tượng nghệ thuật vốn thoát thai từ cuộc sống nhưng lại in đậm dấu ấn riêng về quan niệm thẩm mỹ của tác giả. Nhà văn tiếp cận thực tiễn bằng cách miêu tả cái cụ thề, cái cá nhân (các tính cách cá thể trong hoàn cảnh cá thể), để rồi từ đó tạo dựng nên những hình ảnh điển hình (những tính cách điển hình trong các hoàn cảnh điến hình).
Còn báo chí có chức năng chủ yếu là thông tin. Nó phản ánh hiện thực thông qua việc đề cập các sư kiện nóng hổi, những vấn đề bức xúc có thực của ngày hôm nay đang được đông đảo công chúng quan tâm, chờ đợi. Nhà báo tiếp cận thực tiễn bằng cách khảo sát những cái chung, cái phổ biến của các nhóm người (thậm chí của các giai tầng xã hội) có liên quan rồi trên cơ sở ấy khám phá ra bản chất của sư việc, hiện tượng.
Chính các chức năng không giống nhau của văn học và báo chí đã khiến cho phong cách biểu hiện về ngôn ngữ của chúng có một số nét khác biệt cơ bản dưới đây:
1. Khác biệt về sự đánh giá
Sự đánh giá ở đây được hiểu là việc thề hiện thái độ, tình cảm của người viết đối với những điều được phản ánh trong tác phẩm. Trong văn học và trong báo chí, sự đánh giá khác nhau trước hết về phương tiện và cách thức biểu đạt.
Đối với văn chương, phạm trù đánh giá thường được bộc lộ dưới các hình ảnh tràn đầy cảm xúc. Đó có thể là những hình ảnh gợi nỗi buồn tê tái, mà ẩn sâu trong chúng là cái nhìn tiêu cực tràn đầy u uẩn, tuyệt vọng về thời cuộc:
Rặng liêu đìu hiu đứng chịu tang
 Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới-mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
(Xuân Diệu)
Hoặc đó cũng có thế là những hình ảnh bi thương hàm chứa sức tố cáo mạnh mẽ:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
 Dây thép gai đâm nát trời chiểu.
(Nguyễn Đình Thi)
Còn trong báo chí, hoạt động đánh giá mang tính công khai, mạnh mẽ, bao trùm.Trong quy trình sáng tạo của mình, báo chí liên tục tìm kiếm các phương tiện biểu đạt giàu sắc thái đánh giá. Chính vì thế, kho tàng các phương tiện đánh giá của nó phong phú và đa dạng hơn nhiều so với văn học. Trong ngôn ngữ báo chí, chúng ta có thể gặp những nhóm từ vựng chuyên biệt chỉ phục vụ cho việc đánh giá (những nhóm từ kiểu này thường được xem là của riêng văn phong báo chí, còn nếu chúng xuất hiện ở các văn phong khác thì đó là kết quả của sự vay mượn). Chẳng hạn, để thể hiện sự đánh giá tích cực, người ta lựa chọn những từ ngữ như: có nhiều triển vọng, tín hiệu đáng mừng, chuyên biến tích cực, hợp tác hiệu quả, thành tựu nôi bật, bàn thắng thuyết phục...; còn nếu muốn biểu lộ sự đánh giá tiêu cực, người ta có thể lựa chọn các từ như: tiếp tay, câu kết, ngóc đầu, rùm beng, trả đũa, dính líu... Bên cạnh đó, để phục vụ cho mục đích đánh giá, báo chí còn sử dụng cả nhiều nhóm từ vựng khác như từ ngữ thông tục, từ ngữ hội thoại, từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài, tiếng lóng, v,v. Rồi về mặt cú pháp, ngôn ngữ báo chí cũng dùng một số kiểu cấu có cấu tạo đặc biệt,ví dụ:
- Câu có đề ngữ: “Hà Nội: Còn đâu những khu phố cổ” (Lao động); “Lủ đồng bằng sông Cửu Long: Sao chưa đến hẹn đã lên? “ (Báo An Giang); “Ma tuý: Quằn quại những nẻo về” (Thương mại); “Bạn đọc trẻ: Bâng khuâng đứng giữa....; Bạn viết trẻ: Những kẻ theo nghề bỏ cuộc chơi “ (Sinh viên Việt Nam), v.v.
- Câu được đảo ngữ: “Nối nênh nghiệp rối “ (Văn nghệ trẻ); “ Lặng lẽ quá... liên hoan phim “ (Văn hoá); “Sôi nổi các cuộc tuyển quân” (Nhân dân); “Nhộn nhịp đường lên biên giới “ (Lao động)...
Với những kiểu câu trên, thái độ của tác giả đối với sự kiện hay vấn đề trở nên rõ ràng và ấn tượng hơn.
Song, có lẽ trong số các thủ pháp nhằm tạo sắc thái đánh giá cho ngôn ngữ báo chí, nổi bật nhất vẫn là việc sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, chơi chữ, nói lái v.v… trong đó không thể không kể đến ẩn dụ như một phương tiện đánh giá có tầm quan trọng đặc biệt bởi tính phổ cập rộng rãi và tính hiệu quả cao của nó.
Ẩn dụ báo chí đặt ra mục đích hàng đầu không phải là tạo hình tượng mà là đem lại hiệu quả đánh giá: khẳng định hay là phủ định (với các biểu hiện cụ thế như: sự hứng khởi, sự long trọng, niềm đam mê...,về một phía; và sự lên án, sự chế nhạo, sự khinh miệt..., về một phía khác). Chính vì lẽ đó mà cả nguồn gốc, cả đối tượng của ẩn dụ báo chí đều có những đặc trưng riêng rõ nét. Như là nguyên tắc, tham dự vào quá trình ẩn dụ hoá thường là những khái niệm được xem là quan trọng hơn cả về mọi phương diện như tư tưởng, chính trị, kinh tế..., ví dụ: kim chỉ nam, hòn đá tảng, ánh sáng chỉ đường, vàng trang, vàng đen, vựa lúa, bội thu, chảy máu chất xám, căn bệnh tham nhũng...
Tương tự, nguồn gốc của ẩn dụ cũng thường được lấy từ các lĩnh vực có uy tín xã hội cao, được nhiều người quan tâm, và chỉ cần đề cập tới chúng đã tạo nên các hiệu quả đánh giá (chẳng hạn với các thuật ngữ như: viêm, căn bệnh, thẻ vàng, thẻ đỏ, phục kích, dọn đường, quả bom nô chậm, bẳn, oanh tạc, đầu ra, đầu vào, v.v… nếu đưa vào các ngữ cảnh nhât định của giao tiếp báo chí sẽ trở thành các ẩn dụ rất sinh động, đậm chất bình giá).
Dưới đây là một số ví dụ khá điển hình về ẩn dụ báo chí:
-    ... Ở VCK World Cup 2002 tới đây đương nhiên sẽ có các tiền đạo đi bóng ngoằn ngoèo và các “tiều phu” của các hàng phòng ngự sẽ tìm cách đốn gục. Khi ấy, “cầu thủ thứ 23” sẽ phải rất cẩn thận mà huýt còi, kẻo huýt sai sẽ khốn khổ với búa rìu dư luận (Thiếu niên tiền phong, số 59 / 2002);
-    Ngay trong 10 phút đầu tiên của trận đấu, những con lốc màu da cam đã nhiều phen khiến cho khung thành đội tuyển Pháp chao đảo. (Lao động);
-    Họ cần phải liên kết lại để xây đập ngăn chặn Lepen và phe cực hữu nắm quyền lãnh đạo nước Pháp (Hà Nội mới, 16 / 5 / 2002);
-    Cơn sốt giá gas đến bao giờ mới hạ? (Thanh niên );
-    Đồng euro gây sóng gió tại Pháp ( Lao động, 24/5 /2001)...
Khảo cứu cho thấy, các ẩn dụ báo chí thường là sản phẩm sáng tạo của cá nhân nên hay mang tính ngẫu hứng chủ quan và gắn liền với ngữ cảnh hẹp. Nếu bị tách ra khỏi ngữ cảnh đó chúng chỉ còn là những từ ngữ thông thường biểu đạt các ý nghĩa thông thường mà không còn mang sắc thái biểu cảm - đánh giá nữa.
Nếu so với ẩn dụ báo chí, ẩn dụ trong văn học nghệ thuật trước hết là các hình tượng, ví dụ:
Phượng những tiếc cao, diều hay liệng
 Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi.
(Nguyễn Trãi)
- Rằng: Trong ngọc đá vàng thau
 Mười phân ta đã tin nhau cả mười (Nguyễn Du)
Nghe rào rạt mười bốn triệu miền Nam đang tỉnh giấc
Không! Ba mươi triệu kim cương của thiên hà Tô quốc
Không ! Hàng nghìn triệu ngôi sao sáng anh em đang
chiếm lĩnh bầu trời...
(Chế Lan Viên)
Ẩn dụ trong văn học thường phản ánh cách nhìn của tập thể, xuất phát từ kiến thức chung của tập thể cho nên chúng mang tính khách quan. Và ở mức độ nào đó, cả tính tất yếu. Chẳng hạn những sự vật như hoa, vàng, ngọc, kim cương… trong nhận thức chung của xã hội là những thứ tốt đẹp, cao quý, vì thế chúng được dùng làm ẩn dụ tu từ để chỉ cái tốt đẹp, cao quý.
Ẩn dụ trong văn học liên quan tới mọi lĩnh vực và mọi đối tượng (chứ không chỉ dành cho một địa hạt hay một nhóm đối tượng được “ưu tiên” nào đó như trong báo chí). Môi trường hành chức của chúng thường là ngữ cảnh lớn, không hiếm khi là toàn bộ tác phẩm như một chỉnh thể nguyên vẹn. Nếu chúng ta đã từng đọc “Thép đã tôi thế đấy” (N. Ôtxtrôpxki), “Đôi mắt” (Nam Cao), “Cái lạt “ (Vũ Thị Thường) chắc hắn đều nhận thấy rằng chỉ có thể hiểu được một cách đầy đủ ý nghĩa ẩn dụ của các từ “thép”, “tôi”, “đôi mắt”, “cái lạt” trong đầu đề của các tác phẩm này sau khi đã đọc xong chúng. “Thép đã tôi thế đấy” hoàn toàn không viết về chuyện luyện gang thép mà miêu tả chặng đường đấu tranh gian khổ, sự tôi luyện “chất thép” của thế hệ trẻ Xô Viết anh hùng trong chiến đấu và lao động, trong lò lửa của cách mạng. “ Đôi mắt” không phải là chuyện kể về đôi mắt của một con người cụ thể nào mà là sự thể hiện quan niệm sống và sáng tác của người nghệ sĩ trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Còn “Cái lạt” được dùng theo nghĩa hình tượng, nghĩa bổ sung (lạt mềm buộc chặt); đó chính là những thứ ơn huệ có khả năng trói buộc người ta, làm cho người ta dễ bị sa vào lối sống “hoà vi quý”, không còn can đảm đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực.
Qua phân tích các ví dụ có thể nói, ẩn dụ trong văn học không nhất thiết phải mang sắc thái đánh giá tích cực hay tiêu cực rõ nét như ẩn dụ báo chí vì nhiệm vụ quan trọng nhất mà chúng phải hoàn thành là tạo hình tượng.
Không chỉ khác nhau về cách thức và phương tiện biểu đạt, sự đánh giá trong ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn học còn khác nhau cả về tính chất quan hệ của chủ thể sáng tạo đối với chính sự đánh giá ấy.
Sự đánh giá trong ngôn ngữ báo chí, cho dù nó được biểu hiện qua ẩn dụ hay bất kì phương tiện nào khác, luôn mang tính xã hội sâu sắc. Vì theo quan niệm của chủ thể phát ngôn, ý nghĩa xã hội của ngôn từ trong ngôn ngữ báo chí thể hiện ở chỗ nó không chỉ thuộc về riêng tác giả mà còn thuộc về cả một nhóm xã hội, tổ chức, liên minh, đảng phái, giai cấp mà có tư tưởng, đường lối, chính sách được tờ báo truyền bá với tư cách “nhà tuyên truyền và cố động tập thể”. Bất kì một từ ngữ báo chí nào dường như cũng được “thiêng liêng hoá” nhờ uy tín của tập thề (đảng phái hay liên minh) là cơ quan xuất bản hay biên tập ấn phẩm báo chí. Đây chính là một trong những cội nguồn của sức mạnh và sự xác đáng của ngôn từ trên trang báo.
Còn sự đánh giá trong ngôn ngữ văn học luôn gắn liền với chủ thể sáng tạo ra tác phẩm, nghĩa là nó mang tính cá thể rõ nét. Vì lao động nhà văn là lao động đơn lẻ, và cũng chỉ có anh ta là người phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Ngay cả trong trường hợp nhà văn đứng trên lập trường của một nhóm hay một tổ chức xã hội nào đó thì cũng không thể coi tác phẩm của anh ta là tiếng nói chính thức của nhóm hay tổ chức xã hội ấy.
2. Khác biệt về vai trò cái tôi tác giả
Như chúng ta đều biết, trong hoạt động giao tiếp lời nói nào cũng là sản phẩm của người phát hướng về người nhận với mục đích nhất định. Vì thế việc phân tích lời nói còn có thể tiến hành từ các góc độ của hai loại đối tượng này.
Nếu so sánh các phong cách của người phát (tức là “cái tôi” tác giả) trong ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn học ta sẽ thấy chúng có nhiều điểm khác biệt quan trọng.
Nguyên tắc cơ bản của ngôn ngữ báo chí, đồng thời cũng là cơ sở và đặc điểm cấu trúc của nó là sự công khai, sự biểu đạt trực tiếp và thắng thắn “cái tôi” của tác giả. Đây có thể xem là nét khác biệt khá nối bật giữa báo chí và văn học, là nơi tác giả không bao giờ giao tiếp trực diện với độc giả. Trong phong cách báo chí, “cái tôi” đích thực của tác giả luôn đàm thoại trực tiếp với độc giả. Ớ đây, mọi sự đánh giá, mọi niềm xúc cảm đều của chính “cái tôi” này, (tất nhiên, suy cho cùng, thì những sự đánh giá, những niềm cảm xúc ấy sẽ phải mang tính xã hội, vì tác giả của tác phẩm báo chí bao giờ cũng đại diện cho một nhóm xã hội, một tổ chức đảng hay một giai cấp; thế nhưng trước hết chúng vẫn phải đích thực là của chính tác giả, là sản phẩm của trái tim và khối óc của anh ta, bởi nếu không, anh ta chỉ là công cụ phát ngôn cho kẻ khác và không thể nào chinh phục được độc giả). Do vậy kết cấu về ngôn từ trong báo chí thường in đậm chất xúc cảm cá nhân. Dĩ nhiên, trong các thể loại khác nhau thì mức độ tham dự của “cái tôi” tác giả cũng khác nhau. Có những loại thể báo chí mà ở đó chúng ta hầu như không thấy sự hiện diện của tính cá thể (như thông báo tin tức, tin vắn, tin thời sự,..). Thế nhưng nói chung, vai trò của “cái tôi” tác giả trong việc hình thành kết cấu ngôn ngữ báo chí đáng kể tới mức có thể coi nó là cơ sở để phân loại các tác phẩm báo chí.
Trong khi đó thì ngôn ngữ văn học lại thiên về tính ước lệ. Cái thế giới do nhà văn sáng tạo nên là thế giới tưởng tượng, thế giới được cải biến và đầy chất ước lệ. Tác giả, như là nguyên tắc, không đưa ra những lời đánh giá trưc tiếp, thắng thắn đối với các nhân vật cũng như đối với ngôn từ và các hành vi của họ. Anh ta cứ từ từ đưa độc giả tới những đánh giá mà anh ta chờ đợi một cách gián tiếp. Sự can thiệp trực tiếp của tác giả vào văn bản, mặc dù là có thể, nhưng không điển hình cho phong cách văn học nghệ thuật. Nó có thể là một thủ pháp cố ý (và độc giả dễ dàng nhận thấy điều đó), hoặc giả là biểu hiện của sư non yếu về bút pháp của tác giả. Tác phẩm báo chí luôn cảm thấy mình khác lạ, “khó ở”' nếu phải khoác cái áo của văn xuôi nghệ thuật.
Ngôn ngữ báo chí hoàn toàn không có tính ước lệ vốn đặc trưng cho văn xuôi nghệ thuật. Trong phong cách chức năng này, “cái tôi” tác giả thường thể hiện công khai (mức độ công khai ấy, như đã nói ở trên, đương nhiên còn phụ thuộc vào thể loại và giọng điệu trần thuật), nó không tách ra khỏi độc giả, không bị khách quan hoá như trong văn học nghệ thuật là nơi nhân vật phải sống một cuộc sống độc lập, không dính líu tới tác giả. Vì lẽ đó mà trong báo chí, tính cá nhân cũng như cái nét riêng biệt của tác giả cùng sự phong phú về tư tưởng và tình cảm của anh ta có ý nghĩa hết sức to lớn.
Có thế nói, chính vị thế của tác giả xác định sự khác biệt cốt lõi, mang tính nguyên tắc, giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ báo chí. Ngôn ngữ báo chí đậm chất của chủ quan, giàu tính đánh giá (định danh và đánh giá), nó thường đơn diện, đơn thanh, còn ngôn ngữ văn học thường bị khách quan hoá, đa diện, đa thanh.
Trong văn học nghệ thuật có thể xảy ra sự đan xen một số tầng ngôn ngữ: ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ các nhân vật; chúng tác động tương hỗ lẫn nhau một cách phức tạp, đa dạng và tạo nên một phông ngôn từ phong phú , nhiều sắc màu xét trên phương diện phong cách.
3. Tính chất khuôn mẫu
Còn trong báo chí chủ thể đích thực của lời nói lại thường trùng với “cái tôi” của tác giả. Vì thế trong ngôn ngữ báo chí chúng ta hầu như chỉ bắt gặp tích cực thỉ đua, khơi dậy phong trào, đánh dấu những cái mốc mới, gánh vác những trách nhiệm cao cả…; còn một bên là: với sự phẫn nộ sâu sắc, phải trả giá đắt, thất bại ê chề, cực lực lên án, v.v. Còn các khuôn mẫu không mang sắc thái đánh giá chỉ chiếm một dung lượng rất nhỏ; đó là các từ, ngữ thuộc về kiều thông tin chính thức hay các tin vắn như: theo thông báo, trong không khí, theo nguồn tin, dẫn lời, v.v.
(Ngôn ngữ hình ảnh nhiều khi vừa ước lệ, vừa đánh giá và cũng rất khuân mẫu)
Ngôn ngữ văn học cũng không hề xa lạ đối với tính khuôn mẫu. Nhưng tính chất và phương hướng của sự rập khuôn ở đó bị chi phối trước hết bởi một hoàn cảnh là: Ngôn ngữ của văn học nghệ thuật kỳ vọng vào sự tiếp nhận của mỗi cá nhân và xuất phát từ sự sản xuất ngôn từ cũng mang tính cá nhân. Cả báo chí, cả văn học đều hướng về độc giả đại chúng, nhưng báo chí thì hướng về quần chúng (hoặc các nhóm xã hội, các giai cấp biệt lập nào đó) nói chung. Còn văn học lại hướng tới từng độc giả cụ thể, và qua anh ta, tói tất cả mọi người. Tính cá thể hoá ngôn ngữ (cả về phương diện người phát, cả về phương diện người nhận), rồi sự cụ thề hoá theo kiểu hình tượng nghệ thuật đã tạo nên phẩm chất đặc thù riêng của văn chương nghệ thuật. Nhưng tính cá thế hoá ngôn ngữ lại hoàn toàn không loại trừ sự rập khuôn hoá, chỉ có điều sự rập khuôn ở đây phải tiếp nhận một hình thái phức tạp hơn. Dễ dàng nhận thấy, trong ngôn ngữ văn học nghệ thuật cái bị rập khuôn hoá không phải là hình thức ngôn từ, mà là thủ pháp, phương thức, phong cách diễn đạt. Tính cá thể hoá (tức là không rập khuôn) đạt được là nhờ sự phục hồi, thay đổi các khuôn mẫu, bằng sự cải biến chúng một cách mạnh dạn và sáng tạo. Mặc dù khuôn mẫu trong ngôn ngữ văn học không rõ nét như trong ngôn ngữ báo chí, nhưng nó vẫn là phần cốt lõi của toàn bộ phông ngôn từ. Mỗi nhà văn tài năng, khi xây dựng một phong cách riêng của mình (gồm tổng thể các thủ pháp, các phương thức sử dụng ngôn từ) về thực chất, đã tạo nên một hệ thống các khuôn mẫu cá nhân (dành cho riêng mình), mà sau đó, chúng có thể trở thành khuôn mẫu cho người khác nếu nằm dưới ngòi bút của những người mô phỏng, bắt chước thiếu sáng tạo.
Trong văn học Việt Nam có không ít những khuôn mẫu về sử dụng ngôn từ của cá nhân đáng được lưu danh hậu thế. Đó là khuôn mẫu Hồ Xuân Hương, thể hiện trong việc khai thác những từ tượng thanh, tượng hình “lắt léo” và ấn tượng, những cách nói lái, chơi chữ tài tình. Đó là khuôn mẫu Tú Xương, nằm ở sự vận dụng những nghĩa gốc, nghĩa đen, nghĩa chính xác nhất của ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày. Đó là khuôn mẫu Tố Hữu, gắn liền với việc dùng những hình ảnh tượng trưng vừa hiện thưc lại vừa lãng mạn. Đó là khuôn mẫu Chế Lan Viên, hình thành từ sự hay dùng khả năng diễn đạt của nhiều tầng nghĩa sâu xa của ngôn từ. Và còn nhiều nữa, những khuôn mẫu của Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân...
Như vậy sự rập khuôn trong ngôn ngữ báo chí có khuynh hướng đánh giá và giao tiếp toàn xã hội, còn sự rập khuôn trong ngôn ngữ văn học nghệ thuật chỉ mang tính giao tiếp cá nhân. Một tờ báo, trong không ít các thể loại bài của mình, công khai định hướng vào các khuôn mẫu có tính chất tuyên truyền, cổ động, đánh giá, được kỳ vọng là sẽ còn lặp lại nhiều lần (tái sử dụng) và có sức tác động lớn tới cảm xúc. Khuôn mẫu của ngôn ngữ văn học trong trường hợp lý tưởng chỉ dành cho một lần sử dụng và thời gian tồn tại của nó so với khuôn mẫu báo chí ngắn hơn nhiều, chịu sự “hao mòn vô hình” nhanh hơn. Có lẽ đây chính là lý do khiến cho khuôn mẫu báo chí dễ bị nhận biết hơn và có vai trò nổi bật hơn trong việc xây dựng tác phẩm.
Như vậy là chúng ta đã điểm qua một số nét khác biệt cơ bản giữa ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn học ở ba phương diện: sự đánh giá, vai trò “cái tôi” tác giả và tính khuôn mẫu. Việc chỉ ra những nét khác biệt như vậy xuất phát từ mục đích góp phần khảng định vị thế độc lập của báo chí và văn học vói tư cách là những loại hình sáng tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cuộc sống con người; đồng thời giúp cho các chủ thể sáng tạo, khi viết tác phẩm, nhận thức được rõ ràng và chuẩn xác hơn cái phong cách ngôn ngữ mà mình đang thể hiện, để rồi từ đó, sử dụng ngôn từ một cách chủ động và có hiệu quả. Tuy nhiên, do đây là vấn đề còn mói mẻ cho nên những điều chúng tôi trình bày ở trên, vốn mới chỉ là kết quả của những khảo sát bước đầu, chắc chắn còn nhiều khía cạnh cần được chỉnh lý, bổ sung./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét