Khiemnguyen

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Tản Đà - Nhà báo lớn thập niên 20 - 30 thế kỷ XX

Tản Đà sinh ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Sửu (Thành Thái năm thứ nhất) tức ngày 25-5-1889, tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây cũ – làng nhỏ, ven sông Đà, cách núi Tản Viên một cánh đồng – nay thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội.
Ông vốn dòng dõi khoa bảng. Ông thân sinh Tản Đà là Nguyễn Danh Kế, đỗ cử nhân, làm  án  sát Ninh Bình. Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Tái Tích, đỗ phó bảng, ra giáo thụ. Thân mẫu Tản Đà là bà Nhữ Thị Nghiêm, một đào nương tài sắc ở Nam Định.
Tản Đà là nhà thơ nổi tiếng, nhà báo lớn ở nước ta trong những thập niên 20 và 30 thế kỷ XX.
Tản Đà nhập cuộc với làng báo bắt đầu từ  tờ Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, để rồi suốt một phần tư thế kỷ ông lao vào sự nghiệp báo chí và trở thành cây bút chuyên  nghiệp.
Năm 1921, Tản Đà là chủ bút Hữu Thanh tạp chí do Hội tương tế Thương  mại và Kỹ nghệ chủ trương, một tháng ra hai số. Mở đầu Tạp chí, Tản Đà có bài thơ, trong đó có những câu:
Tạp chí ra đời gọi “Hữu Thanh”
Chim tìm tiếng bạn mượn đề danh...
... Hai mươi nhăm triệu đồng thanh cả
Hữu ái mong ai một chút tình.
Ngoài bìa Tạp chí có vẽ ba cô gái Bắc Trung Nam, kèm theo bài thơ:
Trung Nam Bắc chị cùng em
Chị em trông đó con chim gọi đàn
Chim kia còn biết gọi đàn
Chút tình hữu ái chị bàn cùng em.
Hợp tác với Tạp chí Hữu Thanh được 6 tháng, Tản Đà xin từ chức, về quê, do bất đồng về phương hướng, nội dung Tạp chí và những người sáng tác lập ra nó.
Sau đó, Tản Đà làm cho tờ Đông Pháp thời báo trong thời gian ngắn ngủi là bốn tháng rưỡi.
Sự nghiệp báo chí của Tản Đà gắn bó chủ yếu với tờ báo của chính  ông. Ngày 1/7/1926, tờ An Nam tạp chí ra mắt độc giả. Tờ báo này do Tản Đà tự chủ trương. Lúc đầu, tờ báo đặt trụ sở ở 50 đường Madarine, Hà Nội. Trên số 1, Tản Đà có bài thơ “Sông cái, chiếc thuyền nan” nói lên sự nghiệp lớn lao, gian nan, như sông lớn mà sức mình đảm đương bé nhỏ như chiếc thuyền nan, nhưng nghị lực và niềm tin thì thật dồi dào, phong phú, Tạp chí ra được 10 số, đến tháng 3 năm 1927, tạp chí bị đình bản, nguyên nhân là Tản Đà có bài mà nội dung phạm đến nền thống trị của thực dân Pháp được đăng trên số 10 – 1927. Sau đó, tạp chí dời trụ sở tới 68 đường Des Graines, Hà Nội và tiếp tục ra số 11(tháng 7 năm 1930), trong đó, Tản Đà có bài thơ thể hát nói “Cảm hoài An Nam tạp chí lại ra đời”:
Năm xưa Đinh Mão (1927) ta  ngơi
Năm nay Canh Ngọ (1930) ta thời lại ra.
Ai về nhắn chị em nhà
Nhắn rằng ta nhắn rằng ta ra đời.
Chỉ được một thời gian ngắn, Tạp chí lại bị đình bản.
Đầu năm 1931, Tản Đà xuống Nam Định tục bản lần thứ hai, nhưng chỉ cũng được mấy số lại phải dừng.
Tháng 4 năm 1931, Tản Đà tục bản An Nam tạp chí lần thứ ba tại  Hà Nội, nhưng ít lâu sau lại đình bản.
Tạp chí đổi khổ, đánh số mới. Tại phố Hàng Bông, Hà Nội, tạp chí ra số 1 ngày 1/9/1932, và ra hai tháng một số. Tản Đà lại có bài cảm tác tràn
đầy lạc quan:
Khóc ai, riêng cũng mừng cho
An Nam tạp chí cơ đồ còn đây.
Mới xưa Hàng Lọng cờ bay
Thứ năm lại có phen này Hàng Bông..
...Bút hoa chép lại đôi lời
Đưa ai bốn bể là người tình chung.
Đi về xin nhớ Hàng Bông.
Ngày 1/3/1933, An Nam tạp chí lại đình bản sau số 9 và lần này thì dừng hẳn.
An Nam  tạp chí của Tản Đà đã được sinh hoá luân hồi tới 5 lần. Năm lần báo chết đi rồi sống lại, một hiện tượng đã nói lên lòng trung thành với lý tưởng và nghị lực phi thường, tinh thần kiên định của Tản Đà:
Nước non đã nặng lời nguyền
An Nam tạp chí con thuyền lênh đênh.
An Nam tạp chí chủ yếu là tờ báo văn chương, xã hội.
Do thiếu tiền, thiếu cộng tác viên, nên Tản Đà phải viết rất nhiều cho Tạp chí. Riêng số ra ngày 11/7/1930, Tản Đà đã phải viết tới 11 bài từ thơ, xã  luận, tạp văn, phê  bình thơ  đến bài giảng về Lục Thư, Kinh Dịch ...
Tờ An Nam tạp chí chết hẳn, nhà báo Tản Đà về quê với tâm trạng chán ngán.
 “Công danh sự nghiệp mặc đời
Bên thời be rượu, bên thời bài thơ”
Gần hết đời người, Tản Đà nhìn lại:
Khi làm chủ bút, lúc viết mướn
Hai chục năm dư cảnh khốn cùng.
                   (Tiễn ông công lên trời)
Và bài thơ cuối cùng mà Tản Đà gửi đăng báo Ngày Nay số xuân 1939 đã mở đầu bằng hai câu thơ rất xuân, nhưng cũng rất đậm phong cách Tản Đà.
Tin xuân đến ngọn Cây đào
Bảo cho hoa biết ra chào Chúa Xuân”
Trong bài viết về trách nhiệm của báo quán và nhà làm báo đăng “Đông Pháp thời báo” số 641 năm 1927, Tản Đà  đã xác định thiên chức và lương tâm người làm báo:“...Các báo quán đã là một đội quân tiên phong trong trận tiến thủ của xã hội, thời phàm là các người viết văn trong báo giới đều là một tên lính ở trong đội tiên phong ... Một ngọn bút sắt tung hoành có quan hệ đến vận hội của đồng bào 25 triệu...”. Về tâm đức của nhà văn trong báo giới, Tản Đà viết: “Cho nên trong bạn làm văn, ai đã để tâm vào  báo giới, tuy là cái thời giờ eo hẹp, cái cảnh ngộ khó khăn, song cũng phải gắng sức thật lòng để làm hướng đạo cho công chúng. Cái trách nhiệm càng to bao nhiêu, cái tâm càng phải tế(1) bấy nhiêu. Ấy là chúng ta tự trọng cái địa vị của chúng ta mà cũng là trọng đãi các độc giả ở trong xã hội vậy”.
Ngày 7/6/1939, tức ngày 20/4 năm Kỷ Mão, Tản Đà trút hơi thở cuối cùng trong nghèo khổ, tại nhà số 71 đường Cầu Mới (nay là số 47 đường Nguyễn Trãi) Hà Nội.
Tản Đà sinh và mất đều vào ngày 20 tháng 4 âm lịch.
                                                                                           N.X
(1) Tế tâm: Cẩn thận (tấm lòng)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét