Nguyễn Văn Trung
Báo chí đóng một vai trò quan trọng thời kỳ đầu văn quốc ngữ. Tuy nhiên có vấn đề đặt ra: tờ báo nào đầu tiên dùng chữ quốc ngữ? Từ trước đến nay, ý kiến chung vẫn coi tờ Gia Định báo là tờ báo dùng quốc ngữ sớm hơn cả, nhưng theo ghi nhận của Đào Trinh Nhất, có tờ báo quốc ngữ ra đời sớm hơn Gia Định báo, thời Minh Mạng và ở bên Thái Lan. Chúng tôi chưa tìm thấy vết tích của tờ báo này, nhưng trích lại ý kiến của Đào Trinh Nhất mà Ngọa Long đã trích dẫn trong một loạt bài nói về làng báo Sài Gòn từ 1927-1937 đăng trong Đuốc Nhà Nam hồi 1960 tại Sài Gòn. Ngọa Long không cho biết Đào Trinh Nhất viết về vấn đề này ở báo nào, còn chính Đào Chinh Nhất cũng không cho biết dựa vào đâu mà đưa ra nhận xét trên:
"Biết lợi dụng phổ thông quốc ngữ vào việc làm báo, làm sách cho công chúng, bắt đầu chính là người Việt kiều di ngụ ở bên Xiêm trước rồi mới đến đồng bào ở trong Nam sau. Nguyên xưa người Việt Nam mình sang đất Xiêm khá đông, vì lẽ hoạn nạn tại quê hương xô đẩy. Có hai hạng Việt kiều kết hợp thành xóm làng riêng ở bên ấy. Một là "cựu annam hương" (tiếng Xiêm gọi là Sam phèn) gồm những người theo vua Gia Long sang từ trăm năm về trước và kế đó là "tân annam hương" (Sam sên) gồm những người theo đạo Thiên chúa ở hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị lúc bấy giờ trong nước có lịnh cấm đạo nghiêm khắc nên khiến họ phải đào tẩu sang Xiêm rồi sanh tụ luôn ở đấy. Đoàn thể trên đã hoàn toàn hóa bản xứ, nhất thiết ngôn ngữ, phong tục không còn chút gì vấn vương cố hương. Duy có những người ở đoàn thể sau tức tân annam hương thì còn giữ được phần nhiều bản sắc, tuy sự sinh hoạt có thay đổi theo hoàn cảnh, nhưng tiếng mẹ đẻ thì họ vẫn không bỏ, lại cố tình đùm bọc, quây quần với nhau là nhờ tôn giáo.
Lúc đó quốc ngữ theo khuôn phép Đức Cha Bá Đa Lộc đã thành nề nếp rõ ràng. Trong phái Tân annam hương đã có mấy đàn anh học quốc ngữ thấy sự lợi ích bèn xin các cố mở ra ở Vọng Các một nhà in để in sách vở quốc ngữ, truyền bá trong đám kiều bào. Ngoài ra họ lại còn cho in một tập kỷ yếu gần như tạp chí xuất bản bất thường, ghi chép những sự việc quan hệ trong Giáo hội và dân gian, cho các đạo hữu cũng biết. Theo Quán Chi Đào Trinh Nhất thì tập kỷ yếu đó được coi là tập báo viết bằng quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam.
Trong bài "Cung hạ tân văn", Lục tỉnh tân văn số 20 (2-4-1980) Lương Khắc Ninh cho biết "Báo quán thứ nhứt là Nam Kỳ đặng một năm; thừ hai là Phan Yên báo hai tháng; thứ ba là Nông Cổ đã dư sáu năm rồi, còn đang làm; thứ tư là Nhựt báo tỉnh gần ba năm cũng còn, sau hết thứ năm là Lục tỉnh tân văn đây mới khởi"... (trang 2)
Ông Ninh không kể Gia Định báo, có lẽ ông coi tờ báo này là báo của nhà nước, còn những tờ kể trên do tư nhân làm, mặc dầu tư nhân đây là người Pháp chủ trương cộng tác với người Việt. Sự kiện này đều thấy cả cả ở trong Nam ngoài Bắc đối với những tờ báo bằng quốc ngữ đầu tiên thời Pháp thuộc, nhưng ở miền Bắc, những tờ như Đông dương tạp chí, Nam Phong tạp chí nhận tài trợ của nhà nước thực hiện đường lối văn hóa chính trị của nhà nước, còn ở trong Nam thì khác một chút. Những người Pháp sang làm ăn ở Nam kỳ (kinh doanh, khai khẩn, nhà in, chữa bịnh, bán thuốc, thầy cãi...), nếu được, thường ra báo để cổ võ cho việc làm ăn của mình theo đường lối đã được chấp thuận ở Nam kỳ: nhà nước không can thiệp vào việc buôn bán làm ăn, mọi người được tự do kinh doanh (xem chương về chính sách của người Pháp). Người Việt chưa có quyền ra báo riêng nên phải cộng tác với người Pháp để thực hiện những dự định của mình. Chúng tôi hiện có gần đủ tờ Nam kỳ (ra năm 1987), còn Phan Yên báo, chưa tìm ra, nhưng chắc chắn có, vào quãng 1898 và 1899, vì Nam kỳ số 65 (19-1-1899) có giới thiệu như sau: "Có một tờ nhật báo quốc ngữ, đặt hiệu là Phan Yên báo, mới in ra được số đầu. Nhân dịp ấy, ta xin tặng chúc cho tờ nhựt báo mới này được bá niên phát đạt" (trang 1032). Chúng tôi dự định thực hiện việc làm thư mục những tờ báo sau đây:
Nam Kỳ, Nông Cổ, Lục Tỉnh Tân Văn, Nam Kỳ địa phận, Phụ nữ tân văn.
Trong phần nói về báo chí này, chỉ xin được giới thiệu vắn tắt Gia Định báo, Nam Kỳ nhựt trình, Nam Kỳ địa phận, Nông Cổ mín đàm và Lục Tỉnh tân văn. Chúng tôi xin giới thiệu vắn tắt "Thông loại quá trình" (Miscellanées) do Trương Vỉnh Ký chủ trương mà chúng tôi coi như một học báo, hay tạp chí văn hóa đầu tiên ở Nam kỳ.
Đọc những báo kể trên, chúng tôi muốn tìm hiểu lối viết văn xuôi và lý luận của người miền Nam thời kỳ này. Dĩ nhiên đây chỉ là một giả thuyết giải thích.
1. GIA ĐỊNH BÁO
Cho đến nay, qua những công trình nghiên cứu, tìm hiểu về tờ báo này, người đọc chỉ biết chút ít, chưa biết đến nơi đến chốn, một cách đích xác những điểm chính sau đây:
1) Số đầu ra năm nào, số cuối ra năm nào - sống bao nhiêu năm - liên tục hay ngắt quãng? Nhiều người nói báo ra đời năm 1865 nhưng đó chỉ là phỏng đoán vì không ai được thấy số báo đầu tiên đó.
2) Những ai được ủy nhiệm coi sóc tờ báo? Có 4 người được nêu tên: Ernest Potteaux, Trương Vĩnh Ký, Diêïp Văn Cương, Bonet. Không rõ còn ai khác và bốn người kể trên phụ trách những năm nào cũng chưa rõ.
3) Nội dung tờ báo ra sao? Nhiều người nói báo có hai phần. Hồi đầu thời Potteaux chỉ có mục thông tin công báo, đến thời Trương Vĩnh Ký, thêm mục tạp vụ có thông tin văn hóa, kiến thức phổ thông. Không rõ thời Diệp Văn Cương, Bonet phụ trách có thêm mục gì mới nữa không?
4) Đánh giá Gia Định báo, ý kiến khá phổ biến cho rằng Gia Định báo vì chỉ đăng thông tư, nghị định nhà nước, nên không có gì đáng kể. Gần đây, vì khám phá ra mục tạp vụ, nên coi tờ báo có giá trị nào đó về mục văn hóa. Nguyên nhân chính sự hiểu biết không đầy đủ và thiếu chính xác là vì không tìm đâu được đủ bộ Gia Định báo.
Chúng tôi cũng vấp phải trở ngại chính kể trên, nên không đi xa hơn bao nhiêu những người nghiên cứu trước.
Không dựa vào được tài liệu gốc, trực tiếp (Gia Định báo) chúng tôi tìm những tài liệu gián tiếp xem có biết gì thêm về tờ báo: chúng tôi tham khảo:
- Bulletin officiel de l'expédition de la Cochinchine phát hành từ 1861.
- Bulletin officiel de la Cochinchine.
- Bulletin de la Direction de l'Intérieur.
- Procès verbaux du Conseil colonial.
- Le Courier de Saigon.
- Bulletin de la société des études indochinoises.
1. Năm ra báo, năm đình bản và những người phụ trách:
Trong B.S.E.I. số 1, tháng 2/1940 số đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Luro, có đăng một bảng kê khai triển lãm những tài liệu về Sài Gòn thời quân quản số mục 314, "Gia Định báo" công báo của Nam kỳ bằng quốc ngữ, ra hàng tháng từ 1866 (trang 164) mà không nói rõ số báo triển lãm là những số nào. Cho nên giả thuyết của Huỳnh Văn Tòng có lẽ là đáng tin hơn cả vì ông được thấy số 4 đề ngày 15-7-1865 ở Thư viện Trường Ngôn ngữ Đông Phương (Paris) phát hành 15 mỗi tháng, do đó có thể suy diễn số 1 ra vào tháng 4-1965. Ông Tòng cũng được đọc một văn thư của Roze, Thống đốc gởi cho Tổng trưởng hải quân và thuộc địa Pháp ngày 9-5-1865, trong thư có ghi rõ "số đầu tiên của tờ Gia Định báo được in bằng chữ Annam theo chữ la tinh phát hành vào ngày 15-4 vừa qua". (1)
<<(1) Lịch sử báo chí Việt Nam. Trí Đăng, Sài Gòn 1973 trang 52.>>
Còn tờ Courrier de Saigon ra ngày 5-4-1865 đã loan báo "trong tháng này sẽ ra một tờ báo Annam thông thường số thứ 1"
Procès verbaux du Conseil Colonial năm 1896 đăng biên bản buổi họp ngày 2-12-1896 (trang 152) có tranh luận về Gia Định báo. Ý kiến của ông Tho, hội viên Hội đồng quản hạt phát biểu như sau:
"Tờ báo chẳng cho người Annam biết gì cả, ngoại trừ tên một số thuốc nhảm chữa nhiều bịnh". Tập san hành chánh Nam kỳ, Bulletin de administration de la Cochinchine năm 1909 cho biết báo đình bản kể từ ngày 1-1-1910 do nghị định của Thống đốc Nam kỳ Courheil ký ngày 21-8-1909.
Công báo Nam kỳ (Bulletin officiel de la Cochinchine) năm 1869 đăng quyết định số 51 ngày 18-3-1869 do Ohier phó Đô đốc ký cho biết: Gia Định báo "tiếp tục được xuất bản dưới sự cai quản của ông Potteaux được hưởng phụ cấp 1200 quan một năm" (trang 91-92). Công báo Nam kỳ cùng năm (1869) đăng quyết định số 189 do Ohier ký ngày 16-9-1869 ủy nhiệm việc chủ biên cho Trương Vĩnh Ký và được hưởng lương năm 3000 quan. Tờ báo ra hàng tuần (trang 317- 318) Gia Định báo thời kỳ 1880 đăng tên Bonet làm "Chánh tổng tài" là chức vụ quản lý kiêm cả chủ biên vì không thấy nói tới ai khác làm chủ biên. Tập san hành chánh Nam kỳ năm 1918 đăng nghị định ký ngày 20-9-1908 cử ông Diệp Văn Cương thay ông Nguyễn Văn Giàu, được chỉ định giữ chức vụ khác, làm chủ biên Gia Định báo và được hưởng phụ cấp 250đ một tháng. Như vậy trước Diệp Văn Cương, ông Nguyễn Văn Giàu làm chủ biên, nhưng chưa rõ năm nào.
đều bị coi là bí mật quốc gia, nên không được đăng. Sở dĩ Gia Định báo có đăng đầy đủ những tin liên quan đến sinh hoạt nhà nước về mọi mặt, mọi cấp là vì nằm trong chính sách công khai hóa toàn bộ sinh hoạt nhà nước theo thể chế dân chủ ở thuộc địa Nam kỳ như ở Pháp. Hội đồng quản hạt thời kỳ đầu thuộc địa cũng cho thấy một không khí bình đẳng trong thảo luận. Những người Pháp trong Hội đồng chưa có thái độ cha chu, hống hách, thực dân như sau này (từ 1920...). Còn những người Việt cũng không phải là những tay sai, viên chức thừa hành gọi dạ bảo vâng. Họ phát biểu thẳng thắn phê phán, phản đối đôi khi gay gắt như khi họ phê phán Gia Định báo. Do đó phần công vụ trong Gia Định báo cung cấp cho người đọc ngày nay một số lượng thông tin phong phú sống động không phải chỉ về mặt hành chính, mà cả về mặt chính trị hiểu theo nghĩa hẹp (đường lối chính trị) và nghĩa rộng (đường lối phong cách lãnh đạo) về tất cả các mặt khác (văn hóa, chính trị, tư pháp, xã hội, ...)
2. MISCELLANEES
Thông loại khóa trình (1)
<<1. Bài này đã được giới thiệu đầy đủ hai trang "Trương Vĩnh Ký" - Nguyễn Văn Trung Nhà xb Hội nhà văn Hà Nội 1993 trang 169.>>
Chúng tôi đồng ý với thuần phong (xem bài: Nhơn châu kỳ 100 năm báo chí - tạp chí đầu tiên trên Đồng Nai văn tập số 3, 1/1996 Sài Gòn) coi ??? là tạp chí văn học hay học báo đầu tiên bằng quốc ngữ ở miền Nam vì xét qua nội dung 18 số đã ra (từ đầu 1888 đến cuối 1889) chúng tôi ghi nhận được một vài đặc điểm của tạp chí như:
1) Những tập in ra định kỳ, mỗi kỳ từ 12 đến 16 trang.
2) Bài chọn đăng thuộc nhiều thể loại văn, đề tài, của nhiều tác giả, kể cả những tác giả đương thời, còn sống. Những người này hẳn là cộng tác viên của tờ báo như trường hợp của Trương Minh Ký. Nhiều bài dịch câu chữ nho, thấy ghi thêm Trương Minh Ký diễn ra thơ nôm.
3) Tạp chí có tính cách sưu tầm, biên khảo (chú thích giải nghĩa) nhưng không chuyên hẳn về một thể loại văn hay chỉ có tính cách văn học sử, vì có đăng cả những bài sáng tác đương thời.
Tạp chí do Trương Vĩnh Ký bỏ tiền riêng ra in, nhưng vì "không có vốn cho đủ mà in nữa nên cực chẳng đã phải đình in" như thấy thông báo "Cho hay" số 6, tháng 10-1889.
Trương Vĩnh ký cho biết báo bán được ba, bốn trăm số, như vậy so với Nông Cổ 15 năm sau, số báo bán được cũng bằng hoặc hơn một chút, mặc dầu báo của Trương Vĩnh Ký chỉ là văn học, dành riêng cho học trò. Phải bán được trên 1000, 1500 số mới có tiền in tiếp, nên Trương Vĩnh Ký đành ngừng in Miscellanées dành vốn in các thơ văn như Vân Tiên, Thúy Kiều, Phan Trần...
Chúng tôi trích đăng lại toàn văn lời nói đầu số 1 (1888) và lời nói cuối số 6, tháng 10-1889 về mục đích báo và lí do đình bản:
BÁO
Coi sách dạy làm, nó cũng nhằm; nên phải có cái chi vui pha vào một hai khi nó mới thú. Vậy ta tính làm ra một tháng đôi ba kỳ, một tập mong mỏng nói chuyện sang - đàng, chuyện tam hoàng quốc chí, phá phách lộn - lạo xài - bẩn để cho học trò coi chơi cho vui. Mà chẳng phải là chơi không vô - ích đâu; cũng là những chuyện con người - ta ở đời nên biết cả. Có ý, có chí thì lâu nó cũng thấm, nhứt là trí con trẻ còn đang sáng - láng, sạch sẽ, tinh - thần còn minh - mẫn, tươi - tốt, như tờ giấy bạch, như sáp mềm, vẽ - vời, uốn - sửa sắc nào thế nào cũng còn dặng; tre còn măng để uốn, con trẻ nhỏ dễ dạy.
Phép học là trước học lễ sau học văn; được cả hai ấy mới ra con nhà gia - giáo, biết phép - tắc, lễ - nghi, cang - thường, luân - lý, biết chữ - nghĩa văn - chương, lịch sử truyện - tích cổ kim ấy là dấng - dột con người tử - tế; ở đời dầu sao sao cũng chẳng nao chẳng mếch; vì hễ ngươi ??? dạo tâm nhơn, người ??? hiếu tâm nhơn, người ??? hảo tâm nhơn và người ??? thiện tâm nhơn thì ??? hoàng thiên bất phụ. Lấy đó là mực mà ở thì nên, vì trời đất không lầm. ??? thiên địa thác. Hãy cứ thường năm một lòng làm đạo chính thì qua trường đời xông xông bình an vô sự.
P. Trương Vĩnh Ký (1)
<<(1) Độc giả lưu ý cách tác giả gạch ngang một số từ kép trong bài, là do một chủ trương về ngữ pháp.>>
CHO HAY
Nay nhân vì bởi không có vốn cho đủ mà in luôn sách thông - loại khóa - trình nữa, nên ta cực chẳng đã phải đình in đi cho đến khi các nơi các xứ có người chịu mua trước cho đủ số ít ra là 2000, 2500 thì mới có lẽ mà in lại nữa được là có tiền mà trả tiền in cho ít nữa là 2/3 thì mới dám lãnh làm luôn; phải có củi đâïu nấu đậu mới được. Phải dùng chi mỗi sở tham - biện anh em đồng chí lo giùm cho được chừng 200, 250 người xin mua mà coi thì có lẽ lấy vốn ấy nhen - nhúm mà làm thì còn trông xấp - xỉ sở phí. Phần thì bây giờ ta đang lo in các thơ văn như Vân Tiên, Thúy Kiều, Phan Trần... lại in sách Minh - Tân Tứ thơ. Năm ngoái năm nay sách Thông loại Khóa - trình có người mua hết thảy chừng ba bốn trăm, nên còn đọng lại nhiều lắm, không biết lấy đâu mà chịu tiền in. Xin văn - nhân học - sĩ quang - cổ, tuy hữu hằng tâm mà vô hữu hằng sản thì biết làm làm - sao được?".
Lời nói đầu cho thấy đây là một tạp chí văn học nhằm mục đích sư phạm gồm những bài giải thích câu chữ nho, kinh điển nho học, nghiêm trang đúng đắn nhưng cũng có những bài vui chơi, cười đùa "không phải là chỉ để giải trí mà chính là chơi mà học, học bằng cách chơi vui. Do đó nội dung số báo gồm hai phần chính: văn chương bác học có những bài về đạo lý nho học dạy tam cang ngũ thường, về tôn giáo, về sử ký, địa lý và văn chương dân gian gồm đủ các thể loại; tục ngữ, hát nói, thài đố , bài hát chòi con nít vv...
Sau đây chúng tôi kê khai các mục với những bài đáng lưu ý trong 18 số báo:
- Đạo lý: tam cang, vè tam cang, tam cang phú; tiền bạc; ngũ luân khúc; quân thần, phụ tử, huynh đệ; phu phụ, bằng hữu; nữ nhi ca (Trương Minh Ký làm).
- Thơ văn cổ: Tứ thì Khúc vịnh, Di tề; di vật luận vật ca; về tứ thư (Ngư tiều canh mục); Thơ năm canh điểm mục; Về thú tiều phu, thú canh nông, mục đồng ca; ngư ông ca, ngư ca; coi tướng ca (Ma - Thần tướng, Kiếp phong trần ca; Bất Cương Thiên văn án hịch) (bài hịch con muỗi); Tích Vọng phu.
- Thơ văn đương thời (thời Trương Vĩnh Ký): Nghĩa khuyến giáo dân tân cựu ca; Phụng dụ lễ hậu quân Võ công Tánh (Ngô Tùng Châu đồng văn); Phụng dụ tế khâm sai Ngoại ta chưởng (Đinh quân công Châu Văn Tiếp văn); Tống bần phú (Nguyễn Xuân Quón).
Vè khâm sai (đả kích khâm sai triều đình vào Quảng Nam hiệp với Pháp dẹp nghĩa quân) nguyên của Thông phán Phan Tần ở Quảng Nam chép cho.
Tân Trần nhơn Chánh ca của Lê Ngọc Chất.
Bài hịch của ông Nguyễn Tri Phương (tại Quản thư Chí Hòa của Mạc Như Đông Đốc học Định Tường làm).
Lời Truyền thị (Đốc phủ Tường khuyên dân khi ngồi Đốc phủ ở Vũng Liêm).
Thơ Bùi Hữu Nghĩa (Ai khiến thằng Tây tới vậy à...).
Tôn phu nhơn qui Hán thơ (Tôn Thọ Tường ngụ ý).
Thượng dụ huấn điều diễn ca (Hà Nội tỉnh, Hoài Đức phủ, Vĩnh Thuận huyện, An ninh y sĩ Trần Văn Nghĩa phụng diễn).
Vương Trung thơ khuyến hiểu ca diễn nghĩa.
- Lưu Hoàng thúc kế thơ Quan Vân Trường chiếu cố.
- Phan Lương khê tự thuật thế sự.
- Thơ Ngũ luân tuyệt cú của Bùi Hữu Nghĩa. Nguyễn Khắc Huề sưu tầm.
- Bài đề thơ. Trần Chánh Chiếu.
Nhơn vật: Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Hiền, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Tôn Quyền.
Phong tục: Tết Thanh minh, Lễ mùng năm tháng năm, Trung thu, Ăn Trừng cửu, Cờ tướng, Vè Mai diểu, tùng lộc.
Truyện xưa: Gương Từ Thức truyện, Tân lang (đời Hùng Vương).
Truyện vui: Ba bộ hành ở nhà quán, Cóc bị con nít đánh, Con Công tố hộ, Tích ông Esope, ông Diogene.
Truyện khôi hài bên Tây.
Câu hát: Hát nhà trò (miền Bắc) một số bài hát theo thể hứng, phú.
Câu đố, câu thai, câu đối (mỗi số đều có) chẳng hạn.
- Câu đố: Bằng trái cà có hoa dưới đít, bằng trái quít dưới đít có hoa - Trái măng cụt.
- Câu thai: Le le vịt nước bồng bồng, tôi muốn lấy chồng, ông xã không cho - Xuât mộc là cây làng can (cang).
- Câu đối: Võng vô võng ra võng la hào kiệt - Chiếu ngồi chiếu ngự chiếu cử hiền lương.
Giải câu chữ Nho, tục nôm, phương ngôn, tiếng nói Anam, câu nói trại khó nói, nói ngược (thường mỗi số đều có). Ví dụ:
- Câu chữ nho: hiểu đễ chí tử, khả dĩ vi gia bửu.
- Câu tục nôm: ba chìm bảy nổi sáu lênh đênh.
- Tiếng tục (phương ngôn): ruột bỏ ra, da bỏ vào; khôn đâu cho trẻ, khỏe đâu cho già?
- Tiếng nói Anam: Vuông tròn, kì khu; tứ chiếng, cừ khôi, đèo bòng, lươn lẹo.
- Nói trại: thai, tam bản, tầm ruột, hổ qua.
- Khó nói: Một con ngựa khéo đã, hai con ngựa đã khéo...
- Nói ngược: Trâu đi dưới nước, thuyền bè lại đi trên bờ. Gái huê nương đúc súng đúc bồng, trai thợ bạc têm trầu đãi khách...
Cuộc chơi (con nít): dum dúm; chơi trăng, vỗ tay, chơi Quấc, Lo bông lông, xay lúa, đốt ống, ăn vỏ quít.
Cây cỏ loài vật: cây giá trị (teck siamôis).
- Tên trái cây tùy xứ mà kêu tên: đu đủ, mãng cầu, đậu phộng.
- Vật tùy xứ kêu tên: củ sắn, ngoài Bắc kêu là củ đậu, cá lòng tong trong ta ngoài Bắc kêu là cá mương sông, chim se sẻ ngoài Bắc kêu là chim chích, con trùn ngoài Bắc kêu là con giun...
Ghi nhận:
Những gì Trương Vĩnh Ký in trong 18 số báo kể trên chỉ là một phần nhỏ số lượng lớn lao mà ông đã sưu tầm được và hiện nay chúng ta còn giữ được một ít trong những hồ sơ bản thảo chép tay để ở trong các thư viện công hoặc tư về hầu hết các địa hạt thuộc văn hóa Việt Nam: văn chương cổ điển, văn chương dân gian (thành ngữ, tục ngữ) sử ký, thực vật học, phong tục học, vv...
Vốn tài liệu này thật quí về ba phương diện:
1) Nhiều bài thơ, văn, câu nói, nhất là thuộc văn chương truyền miệng thuở xưa bây giờ tưởng chừng đã bị mai một vì không được ghi chép thì nay Trương Vĩnh Ký cho ta biết chúng có đó vì đã được ông ghi lại, chẳng hạn những câu hát chơi của con nít ở miền Nam. Cho đến nay, theo chỗ chúng tôi biết, có một công trình ghi chép khá khoa học của Ngô Quí Sơn những câu hát chơi của trẻ con miền Bắc (xem Activités do la société enfantine annamite du Tonkin, Institut Indoch. pour l'étude de l'homme. Bulletin et Travaux tome 6? Fascicule unique 1943, Hanoi) nhưng ở miền Nam thật chúng tôi chưa thấy ai ghi lại, và có lẽ Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên làm việc này.
2) Những bài thơ, câu nói hiện nay còn được biết, truyền tụng nhưng đã được cải biên (rút ngắn lại hoặc kéo dài ra, hoặc thay đổi lời, chữ). Đọc Trương Vĩnh Ký chúng ta biết được cách đây gần một trăm năm những dâu, bài đó đã được phổ biến như thế nào ở cả ba miền Nam, Bắc, Trung.
3) Sau cùng, tất cả những bài, câu được sưu tầm ghi lại, Trương Vĩnh Ký đều chú giải một cách nghiêm chỉnh, thận trọng; khoa học như Nguyễn Văn Tố đã nhận xét ca ngợi (xem bài Pétrus Ký, Bulletin de la Soc. d'enseignement mutuel Tonkin, Janv. - Juin 1937). Chẳng hạn giải thích một câu nói quen thuộc mà bây giờ chúng ta gọi là thành ngữ, ông không nhất thiết cứ phải đi tìm nguồn gốc xuất xứ ở văn hóa du nhập (tôn giáo, triết học Nho, Lão, Thích...) mà từ kinh nghiệm sống làm ăn của dân gian như trong trường hợp ông giải thích thành ngữ: ba chìm bảy nổi sáu lênh đênh.
3. NAM KỲ
Chúng tôi ghi lại nguyên văn phần giới thiệu tờ báo này: Nam kỳ, Nhựt trình mỗi tuần lễ in một lần nhằm ngày thứ năm. Một xấp giá một cắc bạc; Ngày 26 tháng 9 năm Đinh Dậu - Năm thứ 1 - số 1 ngày thứ năm 21 October 1897. Giá nhựt trình mỗi năm: Nam kỳ, Bắc kỳø, Cao Miên, Lào 5đ; Lang sa và ngoại quốc 6đ. Directeur : A. Schreiner. Ai muốn mua hay là muốn in việc chi vào nhựt trình này thì phải gởi bạc cho ông A. Schreiner, Directeur du Nam kỳ, 53, Rue Nationale, Saigon. Ai muốn in việc chi thì phải do Sở Nhựt trình, hai đàng tùy thích mà định lấy giá cả. Mua nhựt trình Nam kỳ thì phải mua cho đủ một năm.
Mục lục, số 1:
- Lời cùng các người coi nhựt trình ta. Huỳnh Tịnh Của Paulus Của, Đốc phủ sứ dịch ra quốc ngữ.
- Trái đất. Sĩ Tải, Trương Vĩnh Ký dịch ra quốc ngữ.
- Lời khuyên bảo (về việc mua báo).
- Công vụ: đăng các nghị định của Quan Tổng thống Đông dương toàn quyền đại thần, hoặc của quan quyền Thống đốc Nam kỳ.
- Ngoại quốc tân văn (Thiên trước, Bombay, Phố mới (Singapor) Philippine, Hồng Kông, Nhựt Bổn).
- Cõi nội tân văn: chuyện ăn trộm ăn cắp, bị chó cắn, chết trôi, dân bị bắt...
- Chuyện giải buồn: Nhỏ tuổi mà lanh sớm, Con chồn với con gà trống.
- Nông vụ: Diệp Văn Cương, dịch ra quốc ngữ.
- Quảng cáo: thuốc, piano, sách, vv...
Nhà in cùng nhà hàng bán sách lớn hơn hết: Rey, Guriol và Công ty ở tại đường Catinat và d'Ormay; Lập ra hơn ba chục năm nay, in các thứ giấy nhà nước, giấy sở buôn bán, chữ quốc ngữ cùng chữ annam, có in nhựt trình Nam kỳ. Giấy thơ, thiệp cung hỉ trắng hay đỏ, thiệp mời ăn cưới và thiệp mời ăn đám xác. Làm con dấu bằng da thung, đóng sách có mạ vàng sách chắc chắn và tốt lắm. Bán đủ đồ dùng trong nhà làm việc, nhà vẽ và đồ nhà trường. Giá tiền rẻ hơn hết. Géographie, Arthmétique, Lecture courante, Lecture enfantine, Lecture de langage, Lecture Bruno, Dictionnaire Larousse, Dictionnaire Gazier, Exercices français, Cours pratique de Composition et le Style, Méthode Noel Syllabaire Régimbeau et alphabet des animaux.
Minh Tâm Bửu giám hai cuốn; Vocabulaire annamite français; Phan Trần truyện; Thơ dạy làm dâu; Cours d'Annamite; Sách tập nói chuyện tiếng Lang sa; Phép Toán, Sử ký; Dư đồ thuyết lược, Ấu học khải mông; Phú bần truyện; Phong thần Bá Áp Khảo; Tuồng Kim Vân Kiều ba thứ; Chu Quốc Thoại hội có hình; Như tây nhựt trình; Quốc ngữ sơ giai có hình. Thiên tự giải cầm ca. Y phương diễn âm ca; Kim Vận Kiều tân truyện có hình.
Như ai muốn mua sách cùng muốn in cái chi, thì xin viết tên cùng chỉ chỗ ở cho rõ ràng, thì ông chủ nhà hàng sẽ lo mà gởi những đồ ấy lại cho mình tức thì chẳng sai.
Tờ báo 16 trang, 7 trang cuối in quảng cáo, khổ 100/145?
Chúng tôi có từ số 1 đến số 120, ngày thứ năm 22-02-1900. Có lẽ chỉ còn ra một vài số nữa vì từ số 115, cáo bạch đã cho biết tạm ngừng vào tháng 5, ông Schreiner về Pháp lo chuyện riêng đồng thời cũng vận động ký giao kèo với một số nhựt trình lớn bên Pháp để có thể ra báo có hình, khổ rộng.
Tờ báo do Schreiner chủ trương, bỏ tiền ra in, tuy trước khi ra đã được Thống đốc Nam kỳ khuyến khích, nhưng không giúp đỡ gì cả như Schreiner đã thú nhận trong lời nói đầu in ở tập 3, cuốn "Les Institutions annamites en Base cochinchine avant la Conquête française. Saigon. Claude et Cie, Imprime - éditeurs 1902 trang VI). Schreiner là "quan đo ruộng đất riêng mà có thể trước tòa đo điền thổ và làm họa đồ" (géomètre expert). Lời rao, Nam kỳ số 35. Đến 1-9-1899, Schreiner cho ra tờ báo Nam kỳ, bản tiếng Pháp (Le Nam kỳ, édition français) lần lượt giới thiệu nội dung cuốn sách biên khảo kể trên.
GHI NHẬN
Đọc 120 số báo, chúng tôi nhận thấy tờ Nam kỳ là một tờ báo thông tin hiểu theo nghĩa hẹp và rộng.
Nghĩa hẹp:
Chú trọng tới thời sự: Tin trong nước cả ba miền, đôi khi kể chi tiết bằng cách tường thuật, phóng sự, và tin ngoài nước, chú ý cả những miền xa xôi ở châu Phi, châu Mỹ. Ngoài ra còn khai thác những bản tin nhanh bằng điện báo của hãng Havas.
Tin có tường thuật như chuyến công du của "Đại Nam Hoàng đế và Cao mên quốc vương ở Nam kỳ" (1897), tra những vụ ám sát người Pháp như vụ giết Bourgouin ở Bến Lức (số 38). Tin về cuộc chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ quốc.
Nghĩa rộng:
Giới thiệu kiến thức thông thường hoặc tổng quát về địa lý, bịnh tật, trồng trọt, chăn nuôi.
- Kiến thức thông thường núi lửa và động đất, các thứ tàu trận, dầu pétrole, cá voi.
- Địa lý: các nước phương Tây: Đại Pháp, Nga, Đại Đức quốc, Đại Anh quốc, Tây Ban Nha, các nước phương Đông, Mỹ châu, kênh Suez.
- Nông vụ: cách trồng cà phê, khoai gồn (bây giờ gọi là khoai mì, ngoài Bắc gọi là sắn).
- Bịnh tật: dương mai, chướng ngược (ngã nước), trái giống, đau lao đau phổi, thiên thời, bịnh trong trái tim v.v...
Ngoài phần thông tin là phần văn hóa. Có một hai bài về sử, như bài về "Ông chúa tàu Ma-nue" (Emmanuel) số 100, 101, một người Pháp giúp Nguyễn Ánh. "Lời hỏi" của Schreiner về Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi để soạn thảo bộ sách về "Các thể chế Nam kỳ, phần sử ký" số 48.
"1. Theo bổn sách ông Trương Vĩnh Ký làm thì nói vua Minh Mạng dạy đóng xiềng cải mả ông Lê Văn Duyệt và đánh 100 trượng. Còn sách ông Sylvestre thì nói Ngài truyền phá mồ, cắm một cây cột có thích câu: "Quyền yêm phục pháp xứ". Trong hai tích đó, tích nào nhằm hơn? Hai việc đó có rõ ràng như vậy hay không và có hồi năm nào?
2. Ông phó quản vệ húy Nguyễn Văn Khả, phản nghịch cùng nhà nước thì đã bị vây tại Sài Gòn hồi năm 1834 bước qua 1835 và chết đương bị vây đó. Vậy chớ ông này chết nhằm ngày nào, tháng nào? Vì cớ gì mà chết, lại chết ra làm sao?"
Có một cuộc trao đổi ý kiến về cách dịch những từ địa danh nước ngoài.
Schreiner chủ chương cứ để nguyên tiếng Pháp vì cho là phi lý lôi phiên âm theo Tàu đọc theo Việt Nam, còn Trương Minh Ký chủ trương phải phiên âm (số 31, 63, 72).
Mục văn chương, gồm những chuyện vui thời ấy, gọi là Tiếu lâm, hoặc dịch các truyện ngắn ngoại quốc như chuyện Alibaba hay là truyện Bốn mươi ăn cướp (từ số 30), "Tích bảy cuộc hành hương phi thường của ông Sindbad" (từ số 48).
Truyện Á Đông thường trích các sách Trung Quốc hay văn học Việt Nam (vô danh) hoặc sáng tác do nhiều người phụ trách: Trương Minh Ký, Yên Sang Thọ Sơn, Nguyễn Trung Tín... Thường mỗi số đều có một truyện, rất nhiều truyện đặc sắc như Đàn bà nói chữ số 11, Chuyện con đề số 18, Được bạc tự nói chữ số 19, Chuyện hai anh học trò dốt số 104, vv...
Trương Minh Ký cũng cho đăng "Thi pháp nhập môn" dạy cách làm thơ sau in thành sách.
Tờ báo không thấy những bài xã thuyết về chính trị, kinh tế, thương mại có lẽ vì không có chủ trương nào riêng về những vấn đề trên. Nhưng qua mục Thời sự và Quảng cáo, người đọc bây giờ có thể thấy được đôi nét sinh hoạt của Nam kỳ, Sài Gòn vào những năm cuối thế kỷ XIX.
Chẳng hạn Hội đua ngựa Sài Gòn có tự bao giờ, hay hát hình máy (cinématographe) được du nhập Sài Gòn, lần đầu tiên và phản ứng của dân Sài Gòn ham thích thế nào. Sài Gòn lúc đó đi bằng xe ngựa nhập từ Pháp sang gọi là Mã xa xuất cô (có hình vẽ trong quảng cáo) hay xe máy thắng da thung đặc (bycyclette à caoutchouc creux) giá từ 90 đến 100đ, và xe máy thắng da tầm phông (bicyclette à pneumatique, giá 100đ).
- Các nơi trong lục tỉnh đi lại bằng đường sông ra sao do "Nam kỳ lục tỉnh hoa luân thuyền công ty thủy trình phụ trách các đường đi các hạt phía tây, đi Nam Vang, Biển Hồ, Bassac, Lên Lào đi các hạt bên Đông Bắc (Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Vũng Tàu, Bà Rịa). Sau cùng đám tang ông Trương Vĩnh Ký chết được đưa rước ra sao, sau đó báo đăng nhiều bài khóc thầy, khóc bạn của môn sinh, nhà nho (như Trương Minh Ký, Đặng Thúc Liêng, Hà Đăng Đàng) nhiều bài quá đến nỗi tòa báo phải xin chấm dứt vì "dầu có muốn cho lắm cũng không đăng được những bài dẫn một sự tích như vậy hoài".
4. Nam Kỳ địa phận
Giới thiệu tờ báo này, chúng tôi có hai thuận lợi lớn đã không thể có khi giới thiệu các tờ khác cùng thời:
1) Có thể đọc một bộ đầy đủ dóng theo năm từ năm thứ 1 (kể từ số 1 ngày 26-11-1908) đến năm thứ 37 số chót 1849 ngày 1-3-1945. Ngoài ra có thể tra cứu dễ dàng vì cuối bộ mỗi trang ghi theo thứ tự liên tiếp từ số đầu năm đến số cuối năm, không phải ghi theo từng số báo như các báo Nông Cổ, Lục tỉnh Tân văn rất bất tiện cho việc tra cứu và làm thư mục. Riêng những thể loại khó làm thư mục như các câu thai, đố, đối, số nào cũng in một vài câu, nhưng người đáp lại ở những số sau, thì ban biên tập trong những năm dầu đã làm một mục lục riêng toàn bộ các câu thai, đố, đối, đã in trong năm ghi theo số báo và lời giải kèm theo chú thích nếu cần. Chúng tôi có ý định sưu tầm những câu thai, đố, đối, tục ngữ, phương ngôn in trong các báo thời kỳ này, thì riêng đối với Nam Kỳ địa phận, chỉ cần mở thư mục cuối năm và sao chép lại vì tòa báo đã sưu tầm sắp xếp cho rồi.
2. Có một vài tài liệu cho biết về việc chuẩn bị ra báo, thế nào, về những mục đích chủ chương của tờ báo, về cách điều hành, các cộng tác viên và cả chế độ làm báo nói chung thời kỳ này. Hiện chúng tôi có:
1) Một tờ in 4 trang của L.M.Hương, người được Giám mục cử phụ trách tờ báo gửi cho các linh mục trong địa phận trình bày về mục đích chủ chương tờ báo để tham khảo ý kiến chuẩn bị cho ra báo.
2) Một bản đánh máy "tiểu sử báo Nam Kỳ địa phận" do L.M Vàng, người phụ trách sau cùng tờ báo soạn ghi chép cho họ đạo Tân Định cung cấp cho biết cách điều hành tờ báo. Những tài liệu này giúp chúng tôi hiểu được tại sao tờ báo có một số đặc điểm không tìm thấy ở các tờ báo khác đương thời.
Bài "Bổn quán kính báo" đăng số 1, chỉ nói rộng rõ hơn những điểm đã nêu lên trong thơ tham khảo ý kiến cho thấy:
1) Mục đích của tờ báo là: "Cho thông phần đạo và ngoan việc đời", nói theo ngôn ngữ bây giờ là "tốt đạo, đẹp đời".
2) Chủ trương: bàn về tất cả các vấn đề và "sự gì hữu ích thì đem vô đăng hết" chỉ trừ có hai điều mà thôi: tránh nói đến chính trị "tìm xét việc cai trị nhà nước", và tránh phê bình cá nhân, "châm chích biếm bai kẻ khác" vì sai ý chúa và nghịch đức yêu người.
Nói cụ thể hơn, đây cũng là chủ chương Duy Tân cùng với Lục Tỉnh tân văn và Nông Cổ: cũng kêu gọi hùn hạp, mở mang thương nghiệp, chống Chệc chống Chà, cải cách phong tục và mở rộng kiến thức thường thức về khoa học hay thực hành.
3) Tinh thần: Những tờ báo đương thời như Nông Cổ, Lục Tỉnh là do các nhóm tư nhân tập họp, đứng ra làm, trái lại Nam Kỳ địa phận là của một tập thể tôn giáo có tổ chức lãnh đạo, nhưng không khép kín về đạo, đời, mà cởi mở dấn thân vào đời và hòa đồng với người khác tôn giáo: không phân biệt đạo / đời, không phân biệt người theo đạo, kẻ ngoài đạo.
4) Cách làm báo: Ít lý luận, ngay cả nói về chuyện đạo, cũng dùng sự tích, truyện đối thoại, tranh luận đưa vào Thánh kinh, Thánh hiền (hiền triết Đông Tây), truyền thống đạo lý dân tộc để trình bày vấn đề, thuyết phục người đọc.
Đọc ba tờ cùng thời (Nông Cổ, Lục tỉnh, Nam Kỳ địa phận) không thể không làm việc so sánh. Về nội dung, chúng tôi thấy tờ Nam Kỳ địa phận phong phú đa dạng hơn hai tờ kia, nhưng điều gây ngạc nhiên hơn cả là lối trình bày tờ báo, lối viết văn báo của Nam Kỳ địa phận. Lối trình bày tờ báo của Nam Kỳ địa phận không khác gì thời bây giờ, lối viết quốc ngữ trừ một vài từ ngữ kiểu nói thông dụng vào thời đó, ở miền Nam rất gọn, sáng sủa, dễ hiểu và nhất là rất khó tìm thấy một lỗi viết chính tả, không khác gì lối viết văn xuôi bây giờ. Nhìn sang Nông Cổ, Lục Tỉnh tân văn, đặc biệt về sai chính tả, so với Nam Kỳ địa phận thì quãng cách thật là một trời một vực. Tập thể những người làm tờ báo Nam Kỳ địa phận những năm đầu thế kỷ vừa qua là những người thông thạo văn hóa phương Tây mà vẫn thấm nhuần nho học, vừa là những người biết cách làm báo như nhà nghề, mà cũng biết viết văn quốc ngữ gọn, rõ, không sai chính tả. Bây giờ, tìm được những linh mục, trí thức gốc miền Nam còn am hiểu nho học, biết viết văn quốc ngữ như những linh mục Hồ Tấn Đức, Nguyễn Thanh Chiêu hồi đầu thế kỷ không phải là điều dễ.
Tài liệu tiểu sử của Nam Kỳ địa phận của L.M. Vàng cho biết một vài chi tiết: Chẳng hạn chỉ bảo kỹ thuật làm báo như một cố vấn nhà nghề là L.M Liễu (Lallemand) ở Vĩnh Long trong năm đầu (LM Liễu mất ngày 24-12-1909). Sửa bài vở là công của LM Hố Tấn Đức "tánh người rất kỹ càng, nên bài vở của ngài tự sửa lấy, từ dấu hỏi dấu ngã chí chấm phết đều giữ hoàn toàn không sai một nét", còn các bài vở khác thì đều gửi bản vở thứ hai cho ngài coi lại, sửa chữa; ngài sửa chữa cho các sách của nhà in Tân Định nên "nhờ ngài mà sách vở báo chí của nhà in Tân Định mới có vẻ đúng đắn hơn các nhà in khác trong Nam kỳ".
Tài liệu của LM Vàng cũng cho biết về chế độ làm báo thời kỳ này: "LM Nguyễn Thanh Chiêu phụ trách dịch các bài báo Nam kỳ ra chữ Pháp vì đời ấy luật buộc phải dịch bài vở tiếng Annam ra Pháp văn để nạp cho Sở Kiểm duyệt xem xét trước mới đem về sắp chữ in. Mãi về sau (quãng 1918) mới bỏ luật lệ kể trên và mỗi tuần nhà báo cứ cho xếp chữ sẵn rồi vỗ bài (eppeuve) nạp cho Sở Kiểm duyệt xem xét, nếu không có gì trái luật thì đóng dấu phê chuẩn cho in như bây giờ".
Tờ báo lúc đầu có 2000 độc giả (theo LM Vàng) nghĩa là gấp 5, 6 lần độc giả Lục Tỉnh tân văn, Nông Cổ, không riêng giới Công giáo; đây cũng là tờ báo chung cho cả ba miền (Nam, Trung, Bắc) và cả Lào, Cao Mên, Xiêm. Về sau, độc giả giảm sút còn 1000 vì ở Bắc, Trung đều có báo riêng và ngay ở Nam kỳ cũng có những tờ báo công giáo khác (Công giáo đồng thinh, Công giáo tiến hành). Một điều đáng lưu ý khác là ở "Nam Kỳ địa phận" chỉ thấy phàn nàn về nạn ăn cắp báo (gửi về các tỉnh, vùng quê, mất báo), một tình trạng chung cho các báo khác, nhưng không thấy phàn nàn về nạn độc giả mua báo mà không trả tiền báo như thấy trong Lục Tỉnh tân văn và Nông Cổ mín đàm. Khi có độc giả (khán quan) qua đời, Bổn quán đều đăng báo phân ưu và xin chư vị giúp lời cầu nguyện.
Sau cùng, sở dĩ chúng tôi giới thiệu tờ báo này là vì tuy tờ báo do giới Công giáo chủ trương, nhưng chỉ có 1/3 nói về đạo, còn lại nói về đời và không dành riêng cho người công giáo, nhằm phục vụ lợi ích chung. Nếu cái phần "đời" này chẳng có gì đặc sắc đáng nói thì cũng không cần nhắc đến làm gì, nhưng thực ra nó là một vốn tư liệu phong phú, đa dạng mà ngày nay chúng ta có thể khai thác về nhiều mặt: kinh tế, thương mại, phong tục, sử ký, y học dân tộc, văn học, ngôn ngữ, v.v...
Trong tập hồ sơ này, chúng tôi đã sử dụng những tư liệu liên quan đến sử Việt Nam, sử Thiên chúa giáo ở Nam Kỳ, tiểu thuyết viết theo truyện Tàu. Nếu muốn tìm hiểu những bài thuốc Bắc Nam gia truyền, ông cho ta đã dùng truyền lại, phép lịch sự theo người Việt Nam chịu ảnh hưởng Nho giáo, phép làm văn xưa (bây giờ gọi là lý luận văn học) viết có hệ thống, người đọc có thể tìm thấy đăng trong những năm đầu Nam Kỳ địa phận. Chỉ nguyên mảng văn học truyền miệng (câu thai, đố, đối, tục ngữ, chuyện giải buồn, tiếu đàm...) riêng của miền Nam chúng ta có thể sưu tầm được cả trăm, ngàn câu, có cả giải thích, hẳn là một điều thật quí...
5. NÔNG CỔ MÍN ĐÀM
Mục lục số 1
Ngày 1-8-1901
Ngày 17 tháng 6 năm Tân Sửu
Giá báo nhựt trình tại Đông Dương:
Người bổn quốc một năm: 5đ
sáu tháng 3đ
Người Lang sa cùng ngoại quốc một năm: 10đ
sáu tháng 5đ
Tại Pháp cùng ngoại quốc: 10đ
Mỗi tuần lễ in ngày thứ năm.
Causeries sur l'agriculture et le commerce.
Chủ nhân: Canavaggio
Chủ bút: Lưỡng Khắc Ninh, tự Dủ Thúc
đường Lagrandière số 84, SAIGON.
Annonces:
1ère page le cent $ 150
2è page le cent $ 100
3è page le cent $ 0,80
4è page le cent $ 0,60
Báo 8 trang.
Nông Cổ nhựt báo tự sự:
Hai mươi năm chẳng ở miền Nam thổ nay đã tiệm thành có chỉ qui mô. Đường thiên lý tục tình dầu khác đạo cang thường lễ nghĩa như nhau, nơi nơi cũng "Tạo đoan hổ phu phu". Việc hiếu sự này đã rảnh rang, tình thế nhi thêm lại rịch ràng. Vậy nên công sự từ hưu, vui theo thủ thê trì nông cổ. Thương nam thổ dường như cố thổ, mến Nam nhơn quá bảng Tây nhơn, muốn sao cho Nông cổ phấn hành, sanh đại hội cùng nhau cộng hưởng. Vậy ra sức lập nên nhựt báo thông tình nhau mà lại rộng chỗ kiến văn, lần lần liễu ta cử đồ đại sự. Trong Đông cảnh Cao Ly Nhựt Bổn, nước Xiêm lạ cùng nước Đại thành đâu đâu cũng đều có công văn nhựt báo. Há lục tỉnh anh hùng trí dũng lại khoanh tay ngồi vậy mà xem, không thi thố cùng người mà trục lợi. Nay nhờ lượng quan trên nghi chuẩn, cho ấn hành Nông cổ mín đàm. Vậy xin lục dịch lảm tàng, mà gắn sức giúp nhau nên việc, - Canavaggio cẩn trì.
- Quan Tổng thống Đông Dương: Nghị định cho phép ra báo in chữ quốc ngữ và chữ nho do Paul Doumer ký tại Saigon ngày 14-2-1881.
- Thượng cổ luân: người Pháp (ông chủ báo) thấy người bản xứ chỉ chuyên làm ruộng hoặc buôn bán vặt, chưa thấy buôn bán lớn hùn hạp mà là kỹ nghệ nên lập ra tờ báo để khuyến khích về thương cổ và kỹ nghệ, đặng đanh đua với người khách và thiên trước. Lấy ví dụ: sở xe lửa Chợ Lớn ở Sài Gòn. Đấy là một sở tự do hiệp hùn mà lập ra nhưng không có một người annam nào có phần hùn hoặc có rồi lại bán cho Lang sa và khách vì thói quen người mình chỉ buôn bán cái gì thấy lợi trước mắt "hễ mua sớm mai thì chiều có lợi", còn như đại thương ít nữa là năm năm mười năm mới thấy lợi thì không chịu làm. Ngoài ra, "chúng ta mà không hiệp cùng nhau mà buôn, tôi biết là vì đều nghi nhau không trung tín, ngại nhau không thuận hòa, nên lâu nay không ai chịu chung cùng với ai mà buôn bán, nên lợi để cho dị quốc làm mà thôi".
Nhưng làm đại thương thì có lệ định trước, sổ sách phân minh tổ chức chặt chẽ: người cầm chìa khóa thì không đặng xuất tiền, biên sổ, người biên sổ lại không cầm chìa khóa... nên không thể nào ăn gian cho đặng.
Kính lời gởi với bạn đồng ban
Tiếng kịch câu quê một ít hàng
Miệng tổ ý người làm nhựt báo
Nguyệt dam thương cổ sánh nông tang
Lương Dủ Thúc, Bến Tre
Tam quốc chí tục dịch: giới thiệu bản dịch Tam Quốc chí.
Lời rao: ông Canavaggio thông báo lập vựa muối ở Cao Mên và Nam Kỳ lục tỉnh, bán giá nhẹ hơn muối quan thuế nhà nước. Toàn quyền đại thần di tiệc trung lai: báo tin quan Toàn quyền sắp trở lại Đông Dương.
Nhà in và nhà bán sách của ông Claude và Công ty ở đường Catinat số 414 và 129.
Có bán các thứ thơ và sách chữ quốc ngữ giá như sau này:
- Thơ Lục Vân Tiên 0,60
- Tuồng Sơn Hậu 0,20
- Tuồng Kim Thạch kỳ duyên 1đ00
- Tuồng Kim Vân Kiều 0,25
- Tục ngữ cổ ngữ 0,65
- Sử ký Nam Việt 0,40
- Phong hóa điều hành 0,50
- Chánh tả và lục súc 0,10
- Minh Tâm bửu giám, cuốn I, II 2đ00
- Tứ thơ cuốn I, II 1đ80
- Truyện Lục Vân Tiên đang in
- Thức kiểu về sự thi hành án lý về việc hình và việc hộ và việc thương mãi của người bổn quốc: 1đ00
- Cours d'annamite 0đ50
- Cours gradué 2,50
- Conversation annamite-français 0đ50
- Vocabulaire annamite-français 1,60
- Miscellannée 1,40
- Sách dạy cách nấu ăn 0,80
- Nhị độ Mai 0,30
- Lục súc tranh công 0,10
- Thơ Nam Kỳ 0,10
Sài Gòn - Imprimerie Librairie Claude et Cie - Gérant: Canavaggio
Trong 200, số đầu Nông Cổ mín đàm, chúng tôi thấy có những mục chính sau đây:
1) Luận về kinh doanh buôn bán. Thương cổ luận kể như số nào cũng có bài của Lương Khắc Ninh về vấn đề này.
2) Luận về đạo lý liên quan đến việc làm ăn buôn bán.
3) Giới thiệu kiến thức chuyên môn về tổ chức làm ăn, buôn bán, về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, canh nông...
4) Văn chương: giới thiệu truyện xưa nay, thơ sáng tác, riêng mục Tam quốc chí, được dịch đăng liên tiếp kể từ số 1.
5) Mục tin tức, trao đổi thơ từ giữa tòa báo và độc giả.
6) Mục quảng cáo (rao vặt).
Nhận xét:
Đọc 200 số đầu Nông Cổ mín đàm, chúng tôi có một số nhận xét sau đây:
1) Về kinh tế:
Tờ báo có nhan đề nói chuyện về làm ruộng và buôn bán, nhưng thực ra trọng tâm chỉ nói về buôn bán và mục đích là nhằm thiết lập một thứ tư sản thương nghiệp ở qui mô lớn, một điều chưa có ở Việt Nam. Nam Kỳ sản xuất lúa gạo, các nông phẩm. Người dân bán các thứ đó và lấy tiền mua các đồ tiêu dùng phần lớn nhập cảng, khâu mua nông phẩm bán đồ tiêu dùng này chủ yếu do người Tàu và Ấn Độ nắm giữ. Do đó mục tiêu đề ra là phải làm sao dành lại độc quyền kinh doanh trên. Muốn thế, điều cần thiết trước tiên là vận động giải thích cho người Việt hiểu. Đó là chức năng của tờ báo. Ngay từ số đầu và liên tiếp các số sau, bài xã luận chính là: "Thương cổ luận" đưa ra đủ các thứ lý lẽ để giải thích thuyết phục người Việt, đặc biệt những người giàu có, đủ tiền, hùn hạp để buôn bán chung.
a. Kích động làng tự ái dân tộc: sống trên đất nước mình mà để cho dị quốc thao túng bắt nạt, bóc lột, ức hiếp mình, cướp đi mối lợi đáng lẽ là của mình.
b. Vạch ra cái lợi về kinh tế: so sánh làm ruộng và buôn bán. Người mình trọng nông hơn cổ, nay phải thay đổi lối nhìn đánh giá lỗi thời ấy đi vì buôn ít vất vả và làm giàu nhanh hơn làm ruộng.
c. Nam Kỳ có những điều kiện thuận lợi hơn cả: nơi trù phú, đất có phước làm ăn dễ dàng cửa ngõ ra bên ngoài giao thương thuận tiện.
d. Cơ sở đạo lý: kinh doanh là tương trợ, giữa những người giàu và người nghèo và do đó làm cho đất nước giàu mạnh, quốc gia phát triển.
e. Noi gương các nước khác ở Châu Âu, Châu Á vì biết buôn bán lớn mà trở nên giàu mạnh: Pháp, Anh, Nhựt, Hồng Kông...
Bài xã luận cũng nhằm vạch ra những khó khăn, cản trở về tâm lý, thói quen cố hữu như:
- Không có ý chí làm ăn lớn, chỉ nhìn cái lợi trước mắt. Nên không dám đầu tư, hùn hạp vì chưa thấy được cái lợi lâu dài về sau.
- Có tiền chỉ để mua sắm tiêu xài cho đã, hoặc cất dấu đi, không biết đem ra sinh lợi.
- Hoặc tệ hơn nữa là chơi cờ bạc.
- Không thích cố gắng, đương đầu, phấn đấu ganh đua vì cho là mệt óc, chỉ muốn an phận nhàn hạ.
- Ít biết giữ chữ tín, ngay thẳng trong giao tế, làm ăn... nghi ngờ nhau, ghen tương, dèm pha; Mình không làm nhưng người khác làm thì phá. Tóm lại nặng óc chia rẽ ít tình liên kết.
Đi vào tổ chức làm ăn, tờ báo đề nghị lúc đầu hùn hạp buôn bán nhỏ như mở tiệm cầm đồ, tiệm cưa cây, sau hùn hạp buôn bán lớn như buôn bán lúa gạo, mở ngân hàng cho vay tiền... lập ra các công ty, soạn thảo các điều lệ được pháp luật công nhận. Đi vào tổ chức cụ thể hơn nữa, tờ báo kêu gọi người Pháp và người Việt lập hãng trữ lúa trữ hàng, mua vào bán ra cạnh tranh với Chệc, Chà, chọn Mỹ Tho làm trung tâm buôn bán, như một thứ chợ lớn Việt Nam; lập những đại thương vốn từ một triệu đồng trở lên, tranh trữ lúa để bán lại cho các nhà máy xay lúa của Chệc ở Chợ Lớn, và bắt đầu thí nghiệm bằng cách hùn hạp với tiệm Đông Đức, tiệm hàng bạc ở Tân An v.v... Nhưng những lời kêu gọi, cổ võ, giải thích của tờ báo xem ra không có mấy tiếng vang được hưởng ứng nhiệt tình. Báo đề nghị người đọc phát biểu, sau hai tháng hết hạn kỳ mà chẳng mấy ai lên tiếng. Ngay việc mua báo, được mấy trăm người, thì một nửa hết năm rồi mà vẫn chưa gửi trả tiền mua báo. Báo bị lỗ, phải thanh minh bỏ tiền riêng mà duy trì cho tờ báo sống...
2) Giao lưu văn hóa:
a) Về kinh tế:
Ông Lương Khắc Ninh đã nại đến đạo lý dân tộc làm cơ sở cho việc cổ động kinh doanh buôn bán, nhưng cũng tiếp thu văn hóa Tây phương: coi pháp luật là cơ sở đảm bảo cho việc làm ăn buôn bán.
Bước đầu hình thành một nền thương nghiệp tư bản có vẻ thất bại vì: đạo lý truyền thống dân tộc có tinh thần tương trợ khá mạnh nhưng hình như chỉ nặng về cứu tế xã hội, không phải về mặt làm ăn vị lợi... Về mặt này thường chỉ thấy sự chia rẻ, tÿ hiềm như ai nấy đều công nhận... Trái lại, người Tàu có tinh thần tương trợ cả về mặt làm ăn buôn bán. Bắt chước Tàu không được, bắt chước Tây cũng chưa được: Người Việt không có truyền thống pháp lý hiểu theo nghĩa Tây phương, nên nại đến luật lệ chưa hẳn làm cho người Việt tin nhau.
b) Về văn học:
Ngoài những mục bàn về kinh tế, tờ báo có những mục về thơ văn. Ở đây, dễ dàng nhận thấy ảnh hưởng văn học Trung Quốc vẫn còn rất nặng cả về nội dung và hình thức. Chữ viết tuy là quốc ngữ nhưng hầu như theo ngữ pháp chữ nho dùng chữ nho không phải chỉ một vài từ đã trở thành thành ngữ quen thuộc mà luôn cả mệnh đề, câu viết thường. Thơ thì theo lối thơ cổ. Còn về văn, những thể tiểu thuyết trinh thám, ngụ ngôn răn đời đều bắt chước Trung Quốc và diễn lại những chuyện Trung Quốc. Ngay từ số đầu đăng Tam Quốc chí như một truyện dài của tờ báo.
Trong giai đoạn đầu, chưa thấy xuất hiện lối văn, tuy vẫn chịu ảnh hưởng Trung Quốc về hình thức diễn tả (biền ngẫu, có hậu, các thể thơ cổ) nhưng nội dung là Việt Nam (cốt truyện, nhân vật, sự việc) như sẽ thấy trong những năm về sau...
Còn về ảnh hưởng văn hóa Pháp, sau gần 50 năm thuộc địa, hầu như vẫn không thấy gì đáng kể qua 200 số báo đầu tiên. Nói cho đúng, chỉ có ảnh hưởng về tinh thần làm báo (thông tin, dùng việc thực người thực), giá lúa gạo, hối xuất đồng bạc, giới thiệu cách làm ăn Tây phương. Điều lệ buôn bán, đấu xảo, hội chợ v.v.. thế thôi. Thật đáng lưu ý khi thấy những người như Lương Khắc Ninh, được đào tạo theo giáo dục Pháp, là viên chức trong guồng máy hành chánh Pháp, sử dụng tiếng Pháp, nhưng khi làm báo, viết văn thơ lại hoàn toàn vẫn là một ông đồ nho.
Nông Cổ mín đàm từ 1910 đến 1923:
Chúng tôi chưa tìm ra những năm từ 1905 đến 1910: Từ 1910 đến 1923 chúng tôi hy vọng sẽ làm thư mục sau. Nhưng đọc qua rồi, thấy một vài điều đáng lưu ý như sau:
- Tờ báo thay đổi nội dung phong phú hay buồn tẻ, nghèo nàn tùy những người đứng ra làm chủ bút. Thời kỳ Lương Khắc Ninh buồn tẻ, nhưng thời kỳ các nhà văn lớn như Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Phạm Minh Kiên làm chủ bút, tờ báo thiên và văn hóa, văn học nhiều hơn và khá phong phú, kinh tế, thương mại không còn là trọng tâm trội bật nữa, trừ vào khoảng 1919, 1920 có phong trào tẩy chay khách trú, tranh thương "chống đế chế hóa" nhằm "vãn hồi quyền lợi của ta".
Tờ báo nói nhiều về thời sự trong nước, ngoài nước, thêm nhiều mục mới như giáo dục: bàn về hiện tình giáo dục xứ ta (10-6-1920); địa lý (loạt bài địa chí nói về đất đai Nam Kỳ giới thiệu từng tỉnh của bán sĩ Nguyễn Bỉnh, tức nhà văn Biền Ngũ Nhi (20-4-1916), Sử ký Việt Nam: loạt bài về sự tích nước Annam từ đời Hồng Bàng đến đời Duy Tân, khởi đăng từ số 1-6-1916.
Về văn học, đăng nhiều truyện ngắn, truyện dài của các tác giả nổi tiếng đương thời. Truyện "Hà Hương phong nguyệt" của Lê Hoằng Mưu (từ 1912 đến 1915), "Ai làm được" của Hồ Biểu Chánh (20-3-1919), "Nghĩa hiệp kỳ duyên" của Nguyễn Chánh Sắt (tháng 3-1919). Truyện đủ loại: trinh thám (Nguyễn Chánh Sắt 1-12-1917), luân lý tiểu thuyết (Hiếu nghĩa vẹn hai: Phạm Minh Kiên 1922). Ngoài ra cũng có cả loại phóng sự: "Mộng du thế giới" của Hương Bình Phan Xuân Đại (1920) hoặc "Phú quốc du ký" của Nguyễn Chánh Sắt (13-5-1920), tự thuật "Mười lăm năm lưu lạc", Dương Anh Tuấn tự thuật của Phạm Minh Kiên (9-6-1922). Mãi đến thời kỳ này mới thấy thỉnh thoảng giới thiệu văn học Tây phương; Lê Hoằng Mưu dịch: Les Drames de Paris Rocambile (1915). Nguyễn Ngọc Ân: Á ma mère Théodore de Bainville (16-3-1915). Chỗ đứng của văn học Pháp vẫn chưa đáng kể trong tờ báo, ảnh hưởng nho học, chữ nho vẫn còn nặng. Chẳng hạn: mục lục số 27-7-1915:
1- Bài diễn thuyết của khâm mạng đại thần Tổng thống Đông Dương.
2- Âu Châu binh cách (bình luận về Âu Chiến) (1)
<<(1) Những chú giải trong ngoặc là của chúng tôi.>>
3- Chung tuần chiến trận (tin tức về chiến tranh ở Âu Châu)
4- Ngoại quốc tân văn (tin mới theo các báo nước ngoài)
5- Nam Kỳ thời sự (trong mục này, đăng giá bạc, giá lúa, tin chính trị)
6- Tin mùa màng
7- Cuộc dựng hình ông Trương Vĩnh Ký
8- Công Văn lược lục (công văn của nhà nước)
9- Lạc tại kỳ trung (luận về làm ăn buôn bán)
10- Nữ lưu luận biên
11- Văn hoành công khả (trao đổi về văn chương)
12- Hội thi (tòa báo ra đề, độc giả cảm tác gởi bài cho tòa báo đăng)
13- Thi tập
14- Chỗ sai (errata)
15- Truyện Mạnh Tử
16- Thời hài: Con chuồng chuồng và bươm bướm
17- Tiết gái (thơ)
18- Vô tâm (đính chính)
19- Tình nhân cắn lưỡi (truyện ngắn)
20- Ba gái cầu chồng (truyện dài đăng nhiều số của Lê Hoằng Mưu)
6 LỤC TỈNH TÂN VĂN
Mục lục số 1 ngày 15 tháng 1 năm 1907.
Biên cáo nam nhơn: Chủ nhơn JeanTet
Chủ bút kính cáo: Chủ báo: Trần Nhựt Thắng, biệt hiệu Đông Sơ
Cổ động mua báo, một việc tổn phí chính đáng. "Ấy là lời thiệt tỏ với đồng bào nghe mà suy xét, chớ không phải như mấy chú chệt bày để cổ nhơn lấy của Annam đem về Tàu mà sắm ruộng đất đâu.
- Rút trong Nông Cổ mín đàm. Cung hạ Lục Tỉnh tân văn (quảng cáo Lục Tỉnh tân văn đăng trong NCMD)
- Phụng đáp Nông Cổ mín đàm. Chí hạ từ. Bổn quán.
- Hiệp bổn tranh lợi. Tước Nguyên, hạ sĩ XX soạn.
Hô hào người Việt lập công ty mà dành quyền lợi với người Tàu.
- Đặt báo hữu ích luận. Sầm Giang, Lậu Sỉ, Đặng Bá Dung
Cổ động mua các báo đương thời: Nhựt báo tỉnh, Nông Cổ mín đàm, Đại Việt Tân báo, Lục Tỉnh tân văn.
- Dương nhơn thiện sự. Nêu gương cựu Phó Tông, Phan Duy Ninh (Mỹ Tho) biết lo công việc.
- Công ngọc di thổ. Lê Minh Điểu.
Trao đổi với ông Nguyễn Trọng Quyền luận bài "Minh Tâm thí nghiệm lương phương" và ông Nguyễn Văn Kiều làm bài "Trạch kỳ thiêm nhì tùng chí" đăng trong Nông Cổ mín đàm số 311, ngày 8-10-1907 cổ động Minh Tân bằng cách đòi trả Phật về Thiên trước và Quan Công cho Chệc.
- Giáp ất tranh luận. Tam du tam dủ: Nguyễn Minh Triết.
chỉ trích người Việt Nam sinh ra ở Việt Nam, lấy vợ Việt Nam, nhưng lại sài toàn đồ ngoại.
- Khuyến học. Định Tường, Tân dân hữu.
- Chuyện bác vật. Phàm ngu ký chống việc hút á phiện.
- Khôi hài. Tinh tinh tiểu thuyết. Mỹ Tho, Ngu Viên Thuật.
- Khúc đợt tỷ tâu vô ân trạch, tiểu đầu lang ngạch vi thượng khách.
Bến Tranh: Cao Thế Tài
hô hào hùn vốn làm ăn, không nên cất chôn tiền bạc.
- Tân hóa thương hội. Mỹ Tho. Giới thiệu điều lệ của hội.
- Hương thôn. Chủ bút kêu gọi viết bài duy trì phong tục tốt.
- Cấp báo lợi quyền. Gò Công: Nguyễn Tứ Thức.
Nhận xét người Lang sa còn tốn nhiều súng đạn, hao quân tổn tướng mới cai trị xứ này còn người Chệc chẳng mất tí gì mà vẫn làm cho người Annam sống nhờ người ngoại quốc thác cũng nhờ người ngoại quốc, kêu gọi Minh Tân.
- Dỉnh ngoa từ. Chơ Lớn, Phan Tấn Sang.
nêu vấn đề: tại sao chỉ biết thờ Phật, Quan Công, người ngoài mà không thờ ông bà? chống tập tục mê tín.
Lời rao...
LỤC TỈNH TÂN VĂN (52 số đầu).
52 số đầu Lục Tỉnh tân văn do Trần Chánh Chiếu và Đặng Thúc Liêng chủ trương thể hiện cuộc vận động duy tân ở Nam Kỳ lục tỉnh nhằm thay đổi nếp sống: suy nghĩ, thờ cúng, cách cư xử làm ăn, nghỉ ngơi... Cuộc vận động diễn ra dưới hai hình thức: lý luận chống đối hoặc cổ võ, thông tin những dự định, những việc đang làm về tất cả các mặt: kinh tế, thương mại, văn hóa xã hội, y tế thể thao, chính trị; những hạng người bị chống đối công khai, trực diện là: chệc chà, thày pháp, ác tăng; ám chỉ gián tiếp là: quan lại, tay sai thực dân tham ô độc ác và nhà cầm quyền Pháp thời đó.
Những bài có tính cách chính trị ca tụng những ông quan, ông hội đồng quản hạt, vì dân vì nước hoặc có lòng với nhau hay trái lại đả kích những ông quan, ông hội đồng tham ô, khinh kẻ nghèo tố cáo thói bỏ vạ cáo gian về chính trị.
Những bài có tính cách chính trị theo lối ám chỉ đả kích quan lại tay sai hay nhà cầm quyền Pháp như:
- Thượng bất chính hạ tác loạn (số 5)
- Cha ghẻ con ghẻ (số 4) ám chỉ Pháp và quan lại tay sai.
- Trăng lu vì bởi đám mây (số 2) đả kích bọn người chống Thành Thái và binh vực Thành Thái.
- Mãn thôi bịnh thể (số 2) công kích Trần Bá Thọ, con tổng đốc Trần Bá Lộc.
- Nhàn dàm tức sự kim thời (số 11) đề cao vai trò những nhân sĩ Rạch Giá Nguyễn Trung Trực và Lâm Văn Lý trước đây và Gilbert Chiếu ngày nay.
Còn những bài về cải cách xã hội, phong tục, cách làm ăn, có thể chia làm hai loại:
1) Loại bài chống đối dứt khoát vì là xấu rõ ràng, không cần tranh luận:
- Chống kẻ hành hạ con dâu.
- Chống thành kiến đàn ông khinh đàn bà.
- Chống tệ đoan uống rượu, say rượu, bán, hút á phiện.
- Chống việc chơi đề.
- Chống những tệ đoan từ bên Tàu truyền sang nhân dịp Tết.
- Chống lãng phí trong việc ăn uống.
- Chống dị đoan mê tín do Chệc bày ra: xin bùa, đem con đến thày pháp khi mắc bệnh v.v...
2) Loạt bài có lẽ vì tính cách tế nhị phức tạp của vấn đề nên chỉ nêu vấn đề để tranh luận:
- Luật Annam cho cưới nhiều vợ có nên bỏ hay không?
- Đàn bà Annam có nên lấy người dị quốc hay không?
- Có nên để xác cha mẹ lâu ngày ở nhà sau khi chết không?
Đó là những vấn đề phụ. Hai vấn đề chính trọng tâm được nêu lên và tranh luận trao đổi rộng rãi kéo dài cả năm là: có nên hùn hạp để làm ăn lớn, tranh thương với Chệc, Chà (về kinh tế) và có nên "Trả Thích Ca về Thiên Trước, Quan Công về Tàu?" (về tư tưởng và ý thức hệ). Chúng tôi giới thiệu mấy nét chính hai cuộc vận động này:
Vận động về kinh tế thương mại:
Trong bài "Hiệp bổn tranh lợi" (số 1) có lời hô hào "Người Việt muốn tranh quyền lợi cho hơn các chú, Chà và thì ít ra phải đồng tâm hiệp lực, bỏ dạ hiềm nghi, lấy lòng quyết đoán rập cật đâu lưng. Nhưng từ 7, 8 năm nay, Lương Khắc Ninh và Gilbert Chiếu đã cổ võ trong Nông Cổ mín đàm chỉ vẽ cách nọ thế kia, nhưng mà chưa thấy có ai phơi mặt tin, bỏ của cải ra mà qui tập anh em gây mối lợi. Nếu chúng ta đồng tâm thì trong xứ Nam Kỳ anh em ta hai triệu rưỡi người, Chệc bất quá 7, 8 muôn, có lẽ chúng ta mỗi người dỏ lên một ngón tay mà đè chúng nó cũng phải mọp sườn, chẳng những là dụng lực cả thân mình mà không mạnh dạn hay sao?
... Chệc mua tàu cũ sửa lại cho chạy, chở người annam chín phần mười dân số. Bây giờ người Việt mỗi tổng, tỉnh, kẻ làm dân mà hương chức họp lại kêu gọi hùn, người giàu thì nhiều, người nghèo thì ít, kêu gọi cả những người chèo ghe mướn, đánh xe, cho người sang Hồng Kông đóng tàu mới. Nếu mỗi xứ mà lập được một công ty như vậy, thì tàu của các chú phải dẹp vì người Việt 9/10 đi tàu của mình".
Trong bài "Cấp báo lợi quyền" (số 1) nhận xét về người Trung Hoa lúc mới sang không có trăm muôn ngàn triệu mà đặng kinh doanh rồi đem về xứ, chẳng qua chỉ là biết "đồng tâm hiệp lực", tin cậy yêu mến nhau, bởi vậy đem qua xứ ta có tám chữ mà chở về trăm muôn, tám chữ là "Nhứt bổn vạn lợi, vạn sự thắng ý".
Nghĩ mà coi, nước Lang Sa vào quê hương ta bấy lâu nay, trước hết phải tốn súng, tàu bè, quân lính, vượt thiên sơn vạn hải, cho đến hao quân tổn tướng rồi mới vào được xứ ta mà cai trị chúng ta, còn phải lập nhà trường, nhà tù, tu kiều bồi lộ, khai kinh mở ruộng, nhọc công giáo hóa, sau mới cần cáng lợi của chúng ta, chí như China chẳng phải vậy, chưa hề tốn một phát thuốc, một hòn đạn, mà thâu thuế annam ta cho đến không chừa nam phụ lão ấu, quang quả cô độc nào hết, kể từ ngày trong lòng mẹ sinh ra, ấy là lúc hoa hoa suy địa chi thì, thì nó đã đánh một cái thuế xuất cản rồi, cũng phải đến nó đóng tiền mà lãnh thuốc men tiêu nghệ, đến khi tạ thế tị trần ấy là lúc diêu diêu hoàn không chi nhựt, khi bỏ vào hòm thì nó còn đánh một cái thuế nhập căn, cũng phải đến nó đóng tiền mà lãnh đồ tang tế nghi thức: hỡi ôi nghĩ chúng ta dấy công nhờ người ngoại quốc, thác cũng nhờ người ngoại quốc, vậy thì chúng ta đây hữu cơ nhi vô linh đó sao? Hay là mộc ngẩu đó sao mà bỉ trượng phu mà ngã bất trượng phu vậy? Đồng bào ơi, tra ước cùng nhau mà kịp gióng tiếng chuông tự do lên, dựng cây cờ độc lập dậy, truyền lời hịch minh tân ra, cho đặng mở mặt mở mày cùng người ngoại quốc, cho đặng nở gan nở ruột cùng bạn đồng bang, chớ khá nghi nghi ngờ ngờ, dụ dụ bất quyết, mà đợi cho đến người thâu hết lợi quyền của mình hay sao, chúng ta đây chẳng khác nào người bịnh, nếu chẳng cấp trị, sao cho khỏi tự biểu nhị lý, tự phủ nhi tạng, thâm nhập cao oan, đến đó rồi tuy hữu Biển Thước cũng nang thi kỳ diệu, dầu có Hoa Dà cũng nang hạ ký châm. Đồng bào ơi, nỡ để phải mắc bệnh trầm kha mãi thế sao. Rày cúi xin đồng bào mau tỉnh lại, vỗ tay một lượt mà bước tới cuộc văn minh, đặng duy cung lợi của quê hương ta, cho người quê hương ta cầm, vậy mới gọi khuôn thời, vậy mới ràng tế thế."
Sau những lời mở đầu kêu gọi thống thiết trên, nhiều bài kế tiếp phân tách so sánh tâm lý người Việt với người Chệc, Chà về cung cách làm ăn.
Người ngoại quốc thì: thiên về làm ăn lớn, xảo quyệt gian manh cũng lớn, tin cậy nhau nâng đỡ, đùm bọc nhau, biết liên kết mà làm ăn chung.
Còn người mình thì: thiên về làm ăn nhỏ, xảo quyệt gian manh cũng vụn vặt, chia rẽ nhau, mạnh ai nấy lo, chê bai, dèm pha nhau, không ai chịu ai, mình không làm, người khác làm thì đả kích phá cho bằng được. Có 6 tật xấu chính: bảo thủ, kiêu ngạo, tham lam, nghi ngờ, khoe nịnh, dị đoan. Trong việc buôn bán, chỉ tin ở Chệc, Chà, mặc dầu bị nó khi dể bán mắc...
Đề nghị những cách làm ăn chung:
- Đừng chôn dấu vàng, bạc, hãy bỏ ra hùn hạp nhau tạo vốn lớn để mua tàu chạy sông, mua xe hàng chở khách trong sáu tỉnh.
- Lập tiệm trữ hàng, buôn bán lúa gạo.
- Lập hãng cho vay bạc (ngân hàng), khách sạn, hãng sản xuất hàng tiêu dùng (xà bông)...
- Mở trường dạy nghề, dạy học...
Tất cả những việc trên để cạnh tranh với Chệc, Chà.
Lập các hội về nghề nghiệp (hội canh nông) hoặc các hội tương tế (hội tương ??? trợ quan hôn tang chế).
Đề nghị những sinh hoạt liên quan đến phát triển kinh tế.
- Kêu gọi ra báo, đọc sách báo, nâng cao dân trí.
- Phát huy bảo vệ việc giáo dục ở nhà trường, ngoài xã hội (giáo dục phụ nữ) ngoài đường phố.
- Hô hào cho con em đi du học nước ngoài để theo kịp văn minh.
- Hô hào giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh đẻ.
- Yêu cầu những người chữa bệnh theo đông y, thuốc dân tộc phải học thì mới được hành nghề, chữa bệnh.
TRANH LUẬN VỀ Ý THỨC HỆ
"TRẢ PHẬT CHO CHÀ VÀ VÀ TRẢ QUAN CÔNG CHO CHỆC"
Nguyễn Văn Kiều, một nho sĩ rất mến chuộng tiết tháo của Quan Công lại nêu ý kiến trả Phật lại cho Chà Và trong Nông Cổ mín đàm nên mới gây phản ứng:
"Tôi cũng biết Phật là người nước Thiên trước mà ra, nhưng người cũng ở về phần đất Á châu mà như người Annam ta thờ người là phải lắm chớ, nhơn vì mình lạc đạo, nên phải kiếm cho có đạo mà thờ, vậy chớ ngài không nhớ trong Trung Dung có câu rằng: Đạo dã dả bất khả tư du lị dã, mà hễ khả lị thì phi đạo dã, sao mà ông không biểu trả cho Chà và? hay là ông nói đạo Phật không phải là đạo, vậy chớ ngài không nhớ trong sử ký Đại Pháp có chép tích ông CaKyamuni hay sao?
Tôi biết nghĩ việc Minh Tân là đòi bỏ việc chi khác kia, chớ như việc trả Phật hay là không, thì cũng chẳng can vào chuyện Minh Tân chớ. Vậy ngài quên câu: Ngũ phương giai hữu tánh, thiên lý bất đồng phong, và câu: Nhơn nhơn các hành kỹ đạo hay sao? Tôi dám xin vô phép mà hỏi ngài, mấy lúc nay thiên hạ các nước và nước Annam ta đây trước khi muốn mở đường văn minh, vậy có nước nào nghĩ đến chuyện trả đạo cùng bỏ đạo không mà nước Nam ta phải bắt chước? Chớ Ngài học sách Kinh Lễ ngài không nhớ có câu rằng: Tu kỳ Chách bất dinh kỳ tục... Kinh Phật dạy cái ác tùng thiện mà thôi, mà người Annam chưa thực hiện được, nếu bây giờ bảo trả thì mình bội nghĩa với người trước mình, và không còn ai mà noi gương bắt chước. Trả Phật lại cho Chà Và thì coi cũng muốn trả nhưng mà tôi xin vô phép ông một điều là xin ông rủ giùm các người đồng bào ta mà theo đạo Thiên chúa đó đưa luôn về cho thành Rome rồi mấy người theo đạo Phật sẽ bắt chước mà đưa theo về Thiên Trước cho. Đó là chuyện trả Phật cho Chà Và, ông lại nói tới chuyện trả Quan Công cho Chệc. Tôi e cũng khó trả. Người có tài đức thì phải sùng kính. Ngay cả nước ta có quan Tả quân Lê Văn Duyệt mà người Pháp coi là "tương cách bác Vạn lý chi diêu, cũng còn khâm kính có lẽ nào mà chúng ta sở diền nhi vong kỳ tổ?"
Tôi thiết nghĩ ông Gilbert Chiếu lập Minh Tân công ty là thiệt đúng nhứt vị hào kiệt, thì ông cũng thiết nhứt hai chữ Đồng tâm, mà hai chữ ấy tôi xem đi nhớ lại những mấy người đời trước chẳng ai hơn Đào Viên. Huynh đệ tam nhơn đó, là đức Quan Công, Quan Trương và Quan Lưu, chớ ông Kiều, ông không nhớ trong Tam quốc chí, lúc thệ đào viên sát hạch mã, có câu: Bất nguyên đồng niên đồng nguyệt đồng nhựt sanh, đẳng nguyện đồng niên, đồng nguyệt đồng nhựt tử hay sao? Ông nói ông theo Đức Khổng Tử, vậy ông có biết ông Thánh ông tiên nào mà bác tước kho sách Xuân Thu ra không? Có lẽ ông nhớ Đức Thánh Quan người là chí tại Xuân Thu, cho nên ông mới biểu trả cho Chệc chứ tôi tưởng rằng nếu trả người đó thì ông lấy gương ai mà ông theo cho được đạo Đức Khổng Tử đó ông? "Lê Minh Điểu, Công ngọc di thồ" (số 1).
Cũng trong số 1, Phan Tấn Sang lấy khẩu hiệu trên làm đắc ý, coi như sấm nổ trong lỗ tai vậy.
"Nghĩ lại thì Quan Công là người Trung Quốc, còn Phật là người Ấn Độ (Chà Thiên Phước) mà sao Annam ta cứ bo bo mà mộ sa hoài, dầu cho hết sự nghiệp cũng không tiếc, còn như ông bà, cha mẹ mà cải làm việc chi tốn hao một chút, một đỉnh thì lại cằn nhằn hoài. Sao chẳng biết công ơn cha mẹ là người sanh thành dưỡng dục mình, khi mới có nghén thì trông con đẻ ra cho thấy mặt, khi đẻ ra rồi thì tựng tiêu như vàng như ngọc, rồi lại trông cho mau lớn, lớn lên rồi lo cho ăn học cho thông thái mà dưng dớt với đời, hễ có nóng, lạnh hoặc nhức đầu một chút, thì cha mẹ lấy làm lo lắng hết sức. Lớn lên rồi lo đôi bạn cho, như nhà khá thì ra riêng cho, sớt của tiền cho, có phải là hết lòng cùng con không? Có câu nói Phụ mẫu ái tử chi tâm vô sở bất chí vậy sao không chịu kính thờ cha mẹ? Cha mẹ ấy là Phật của mình đó. Sao lại đem bạc vào chùa miếu mà cúng người vị quốc gia ban vô lý vậy? Quả như có Phật hiện xuống thiệt, khi ổng ngó thấy mấy người lão cúng mà xin lợi phước, cùng là đem con mà qui y Phật, thì phật sẽ lấy làm lạ mà nói rằng: Mấy người làm gì vậy? Nói giống gì ta nghe không được, vì ta là người ở Thiên Trước nói tiếng Chà và (Chetty) mà thôi, chớ ta không biết tiếng Annam, như có muốn điều gì thì phải kêu thông ngôn Chà và nói lại cho ta, thì ta mới hiểu. Trong ý các người muốn đem con mà qui y cho ta sao? Cùng muốn cầu họa phước chăng? Ta tưởng ta độ các người và nuôi con các người không được vì xứ sở ta ở bên Thiên Trước, ấy là một bổn thủy nguyên ta đó, ông cha ta đó, dòng dõi ta đó mà bị Hồng Mao lấy từ ấy đến bây giờ, ta còn không biết làm sao mà binh vực quê hương ta cho khỏi Hồng Mao đày đọa, vì lời tục có nói: thừa trong nhà mới ra ngoài đường, dân ta cực khổ ta còn không biết làm sao mà binh vực thay, huống chi mấy bát đồ chay cùng mấy trái cây (quả tử) và một lọn nhang mà độ dân Annam và nuôi con cho chúng người sao được".
Ăn chay:
"Người Annam ta có thói hay tin dị đoan, tưởng sự ăn chay là có phước, hết sự tội lỗi, mà về Tây phan Phật. Ấy là tại họ nói Phật ở Thiên Trước, dòng dõi người Thiên Trước hay cử mỡ không ăn, cho nên hễ có nấu đồ chay thì họ không bỏ mỡ vô, ấy vậy thì sái xa lắm, vì người Thiên Trước cử mỡ heo mà thôi, chớ họ ưa ăn cà ri lắm chớ. Gà, vịt, cá khô họ lấy làm khoái khẩu mà ăn bẫm lắm chớ. Sao lại hết thảy loại thú mà không cúng. Tạo hóa sanh ra hễ vật là dưỡng nhơn, ăn được nó sẽ làm cho mình bổ khỏe tỳ vị và mạnh mẽ, sao lại không ăn? Á, ý họ tưởng rằng Phật thì cữ hết thảy, mỡ cùng thú vật, nên họ không dám bỏ mỡ vô thì cũng phải, sao họ dọn chén kiểu, tộ gấm, đũa ngà, mâm chun xem ra là sái xa lắm, vì Phật là người Thiên Trước có thói ăn chùm đã quen, nay chúng ta muốn cho lịch sự ép ổng cầm chén, cầm đũa thì có lẽ nào Chà và mà ăn chén đũa cho được, xem ra như mình làm chuyện bá láp vô lý vậy. Thói của người có điều này mới lạ cho chớ. Hễ có đau thì không chịu uống thuốc cho hết, cứ việc đi bói khoa, bóng chàng, thầy pháp, hò hét. Hễ có bói thì nói: mắt bà cố hỉ, cô hiên, cô hồng, bà hỏa, bà thủy, ông táo, ông vôi... Nay tôi xin hỏi một điều: vả chăng bà cố hỉ và cô hiên, cô hồng là người cùng ở trong đất vua chúa, hễ cứ vương thổ thì phải tế vương thần thì mới phải, sao khi người Lang Sa qua chiếm đất Annam ta, sao chẳng thấy bà cố hỉ nào mà dở dạn, đặng cứu trong quốc vương thủy thổ mình, lại để cho mất nước, rồi mà không còn lẽo đẽo theo mà phá ba thằng Annam đau đớn vậy? Còn như ông bình vôi là gốc bởi mấy ỷ hay ăn trầu mà ra, nếu để ổng trong nhà mà phá người ta đau đớn vậy, sao không tính mà bỏ ổng xuống sông cho rồi, và từ rày sắp tới ai nấy đừng thèm ăn trầu nữa, vì ăn nó một lần tốn tiền, hai là mất ngày giờ, ba là làm cho dơ miệng, như có thèm trầu thì hút một điếu thuốc cũng được vậy đặng mà tuyệt ông vôi đi, ai nấy đừng bán ổng nữa và cũng đừng mua ổng về nhà làm chi, mà phải sợ ổng phá. Nếu thiên hạ không xài trầu cau nữa thì chẳng có cần chi phải để bình vôi trong nhà, khi ấy có lẽ ông vôi tuyệt mạng, còn chi mà hại người nữa. Sao cái bình đựng vôi mà kêu bằng ông? Còn cái dẩy đựng thuốc, lại không kêu bằng ông dẩy cho luôn thể...
Còn chuyện đốt ông Xá cùng sớ điệp mà cầu họa phước, sao tôi thấy đốt đi thì có, mà không thấy trở về mà trả lời lại. Coi Phật ở Tây phan có nhậm lời người xin hay không? Có sao đốt thì có đi, mà lại không thấy về mà nói lại, kẻo người chủ trông đợi. Hay là ổng sa hầm sa hố, ngựa đạp, xe cán, hùm tha sấu nuốt chi mà không thấy về, mà nói lại cho chủ hay. Có khi ổng cỡi hạc đi nửa đường bị bão tố, con hạc mỏi cánh mà sa xuống biển, chết luôn và hạc và ông Xá đi chăng? Dẫu cho ổng có chê hạc bay lâu mà ổng cỡi cóc dọc đường, thì cũng có lẽ giây thép đánh lại cho chủ hay, hay là thơ gởi đến, có đâu mà ổng trốn tuốt đi như vậy.
Còn như mấy ông sãi, ấy là người đầu tròn áo vuông cũng là một vị đệ tử của Phật, sớm tối ở gần Phật tụng kinh mà cầu nguyện, tôi tưởng có lẽ ông thuộc tiếng Phật lắm chớ, có khi ổng làm thông ngôn cho Phật được. Có ngày kia, tôi hỏi một ông sãi quen với tôi cầu kinh tiếng Thiên Trước như vầy: Nam mô, di da tha bà da, dạ diệc dạ tha, a di dị dô bà tỳ a di dị da tùy ca lang dế v.v... xin ổng cắt nghĩa tiếng Annam cho tôi biết thì ổng trả lời rằng: Trong kinh vậy, thì tôi làm theo vậy chớ tôi không hiểu nói cái gì. Ấy vậy nghĩ lại mấy ông sãi đọc kinh thì chẳng khác chi con sáo người ta dạy nó kêu má, thì nó kêu theo má, chớ nó không hiểu má là gì. Nhưng vậy có phải là lầm lạc chăng? Vì có lời tục rằng: "Làm bộ đọc kinh giài, mà ăn hết gia tài đờn bà góa" (Dinh Ngọc Từ số 1).
Đến số 5, đăng thơ của một người đọc gửi chủ bút nêu thắc mắc về những bài báo đăng.
- Nông Cổ mín đàm 8-10-1907, bài "Trạch kỳ thiên nai tùng chi" ông Nguyễn Viên Kiệu nhắc lại luận điểm ông Ngởi, khen ông Ngởi xin trả Phật cho Chà và, Quan Công cho Chệc. Tại sao không đòi trả luôn Khổng Tử?
- Ngày 14-10-1907 Lục Tỉnh tân văn bài của Lê Minh Điểu: Đòi trả luôn đạo Thiên chúa về Rome, xin hỏi ông Điểu, có hiểu đạo Thiên chúa làm sao chăng mà đòi trả?
- Ngày 21-11-1907, Lục Tỉnh tân văn, ông Nguyễn Văn Đáng đưa truyện Trương Như Hổ dạy khữ thày Pháp. Phật Lão, xem ý cũng muốn trả Phật cho Thiên Trước, mà không thấy nói ông giữ đạo nào? Vậy trong xứ Annam có 4 đạo mà Nông Cổ mín đàm gọi là Tứ giáo, ai theo đạo nào thì theo, mà nay các ông đòi trả các đạo ấy, thì 25 triệu đồng bào phải giữ đạo nào? Không lẽ ra vô đạo? Phải chăng các ông bày Minh Tân ác đức không? Đã thưa siết người ta về các nghề nghiệp, buôn bán văn minh bây giờ mà lại không đạo nào mà thờ, ắt hóa ra di dịch sao? Vậy xin các ông cắt nghĩa câu: Đạo giã dã bất khả tu du li du đã, khả lị phi đạo dã, hay là phi nhơn dã, vậy lị đạo là lìa đạo thì chẳng phải là người, vì đúng làm người phải có đạo, nên tôi không phục; ý tôi là: 25 triệu đồng bào phải theo một đạo là đạo chánh, còn đạo giả, đạo dối thì phải trả về đâu đó, phải là dễ nghe không? Vậy xin xác ngài cho biết: trong bốn đạo, đạo nào là đạo thật mà theo" (Monsieur Chủ bút). Trong báo "Thời sự chi ngôn" (số 5) Nguyễn Trọng Quyền nói với các ông Ngởi, Thành, Sang:
1) Giải thích nghĩa chữ đạo: Hiểu là Đàng (đường đi) đàng chánh, đàng quanh quẹo cũng là đàng; Nhơn hiểu là người, hiểu là người thánh, hiền, ngu, tà, nịnh, cũng là người hết thảy.
2) Xin phép nói việc các ông biểu đem trả Thích Ca, sao các ông nóng quá, vì đạo nào cũng đạo ăn ngay ở lành không dạy điều quấy bao giờ đâu?
"Dầu có đưa Quan Công về cho Chệc, bằng có trả Thích Ca lại cho Chà, mà mình chưa chịu sửa cho yên nhà, mà mình chưa lo cho vững nước, thì tôi e hai ổng còn cũng chẳng hại chi" hoặc hai ổng đã đi, không biết kiếm ông Khổng Tử ở đâu mà đem lại há?
Ôi thôi. Tôi quyết rằng: Phật Thích Ca (thiệt) là từ bi, Đức Quan Công (chơn) là chánh khí. Một ông thì lấy lòng hiền lành làm cho nhân dân bắt chước, một ông thì lấy chí ngay thẳng làm gương người noi theo. Vốn thiệt hai ông cũng chẳng hề hiện xuống mà rao mà kêu đặng xúi giục bọn ta thờ lạy; hay là cúng quảy lập miễu, cất chùa chi? Cũng tại lòng người có tưởng thì có, không tưởng thì không. Mỗi đạo tại trong lòng không phải ở ngoài miệng...
Trăm lạy các ông, xin hãy làm sao đưa mấy cái đạo dối dời đi cho ráo trọi... (5).
Cũng trong số 5, Nguyễn Viên Kiều đáp lời Lê Minh Điểu: Thày dẫn câu Trung Dung: đạo giả dã hết khả tu du lỵ dã, thày cắt nghĩa chữ đạo đó là đạo Phật. Tôi cắt nghĩa khác: Đạo là tánh tự nhiên của mình, nhứt dụng dương hành chi lộ; tam cang ngũ thường nhạc lễ hành chánh. Đức Khổng Tử e mình không bền tâm nên ngài dặn rằng: Đạo dã dã bất khả tu du lỵ dã, ấy là chương chỉ sờ sờ mà thày còn khẩu cắp ngụ nhơn, rồi thày biểu tôi xúc mấy người giữ đạo Thiên chúa, đưa Chúa về thành Rome, thì thày sẽ đưa Phật về Thiên Trước; Thày ơi, đạo Thiên chúa còn có chỗ hữu ích dạy học làm phước, mà lại đạo ấy qua nước mình chưa được 200 năm nay, còn đạo Phật qua nước mình gần 2000 năm rồi. Tới trước về trước, tới sau về sau, đi một mình buồn hay sao mà phải rủ. Còn thày cầm ông Quan Công lại, không cho ngài hồi hương, thày nói trả đi không ai làm gương trung cho mình, vậy chớ làm gương gần 2000 năm nay, mà có ai trung cang như thế không? Không. Như bên phương Tây không có ngài làm gương thì bển có người hào kiệt nghĩa khí không? Có thiếu gì? Dầu có bắt chước, bắt chước khi sanh tiền của ngài làm chớ bắt chước các hình dạng ngài hay sao mà thờ tượng thờ cốt? Tôi xin lỗi hỏi thày, khi song thân thày sanh thày ra, nuôi từ nhỏ nuôi lớn lên, dạy ngày dạy đêm, thì người dạy mọi sự lành thảo ngay tin mà thôi. Vậy bây giờ thày trọn giữ mọi lời dạy dỗ đó không? Phương chi ông Quan Công không thấy nói một lời mà thày nghe theo đâu mà bắt chước? Ai mà thờ ông Quan Công phải có ba điều lỗi:
1. Thờ ngài ở chính giữa, bạc tiền đổ dạt ra hai bên mé. Trong lễ nói: phụ một thiêng chánh tâm. Nghĩa là: cha chết đòi ở chính giữa. Cha còn thì ông nội ở chính giữa chớ ai. Cái này thờ ông Quan để ở chính giữa có phải là: Bất kỉnh kỳ thân nhi kỉnh thả nhơn dã, vị chi bội lễ chăng? Nghĩa là chẳng kính thùa nghĩa thân, mà kính người dung, rằng chúng trái lễ, ấy là một lỗi.
2. Ông Quan đế là người bên Tàu mình thờ, là chẳng phải bổn phận mình thờ mà thờ là phi kỳ qui nhi tế chi siểm dã. Nghĩa là chẳng phải ông thần mình thờ mà thờ là đứa phe bậy, hai lỗi.
3. Ông Quan Công nghĩa khí sánh trời, rất nên liêm bạch, mà mình đem về nhà mà thờ, đàng trước con nít chơi rủi ỉa đái dơ dáy, đàng sau chuồng trâu chuồng heo, hai bên phòng ngủ vợ chồng giao cấu, ngoài thì nhà tắm cầu tiêu, nhơ uế biết là chừng nào, có phải hốt mạng thánh thần chi tôi hay không? Ba điều lỗi đó.
Thày Minh Điểu ơi, gác tay lên trán, nghĩ đổ mồ hôi, mở mắt xem đời, cười ra nước mắt. Người ta vậy còn mình vầy, sao không biết hổ, người thì lôi khí, diện khí, hỏa xa, hỏa thoàn còn mình vàng bạc giấy tiền làm chay làm tàn tốn của, vô cớ mệt sức vô song, làm bậy cho nghèo, theo ngu cho yếu. Rất dổi là đồ minh diểu tẩu thú nó còn biết dìu dắt lấy nhau, đi ăn có bầy về ngủ có chỗ, phương chi chúng ta đồng bào với nhau nỡ bỏ nhau sa ngã vào chốn hôn mê, chẳng kêu chẳng nhắc cho nhau bao đành. Thày Lê Minh Điểu ơi, thày cũng biết họ, là nào thày không biết thần biết phật là việc lầm lỗi đã lâu đời mà thày còn rắp người ta trong miễu, rào người ta trong chùa, không cho người ta tấn bộ, tôi rất tiếc thay, tôi rất giận thày.
Đồng bào ta ơi! Cái chứng mê tâm của chúng ta thuở này đó, bây giờ gặp thang thuốc Minh Tân uống vô bịnh giảm cũng đặng ít phần, vậy ta cứ phục thang đó hoài cho nó mạnh mẽ tinh thần, đặng mà lo bề công lợi, chớ thấy đồ vật trên người trước miệng mà ních bước không nên, bịnh hoap hoap vẫn hay trúng thực lắm. Trăm lạy đồng bào xin cử mấy món độc đó thì chứng xưa bịnh cũ mạnh như chơi (Nguyễn Viên Kiều).
Một bài khác của Phạm Công Thanh đáp Lê Minh Điểu đã nói: Nếu Nguyễn Viên Kiều muốn đưa Phật về Ấn Độ, Quan Công lại cho Tàu, trước hết hãy rủ mấy người theo đạo Thiên chúa đưa Thiên chúa về Rome, thì bọn ta sẽ bắt chước: ý của Phạm Công Thanh là:
Ông rằng: Phật là ở Thiên Trước mà ra, song bởi mình lạc đạo, nên phải kiếm đạo mà thờ, lẻ thì Annam ta thờ Phật là phải lắm chớ sao ông Nguyễn Viên Kiều lại biểu đưa về Ấn Độ cho nên ông gọi Nguyễn Viên Kiều là nói bậy, vì sách Trung Dung có câu rằng: Đạo dã dả bất khả tu du li dã, khả lị phi dạo dả, và có câu rằng: Nhơn các hành kỳ đạo. Ấy tôi cũng khen ông là vì biết mình rằng lạc đạo, nên phải thờ Phật là trúng, song trúng cùng ông chú theo thánh đạo thì không đặng, vì có câu: Duy hoàng thượng đế giáng vu hạ dân, nghĩa có một vua trên trời ban đạo lành xuống cho dân, ông nói ông lạc đạo, sao ông không thờ đạo trời ban xuống cho ông là đạo cội rễ, ông chỉ thờ làm chi Quan Công và Phật, chẳng là quấy lắm, mà chẳng cho người ta đưa đi cho rồi, ông lại cản níu kéo làm chi như vậy.
... Nhà nho chê Phật là "Phật gia yêu môn, dị đoan hư vô tịch diệt chi giáo, nghĩa đạo Phật là đạo dị đoan nói quái gở, làm hại thiên hạ mà Hán Minh đế thờ đạo Phật thì nhà nho chê là: Đảng ác chi nhân, danh giáo trung vạn thế chi tôi nhơn, nghĩa là phe dữ, người có tội muôn đời trong hàng danh giáo ấy là người xưa biết đàng, chánh đạo đã nói vậy, mà ta còn thờ làm chi.
- "Còn như Quan Công là có chí tại Xuân Thu mặc lòng, song không phải là thánh chúa, ta thờ làm sao đặng? Lại Quan Công cũng không có truyền đạo chi cho ta mà thờ, làm sao đáng, vẻ người là tướng nghĩa khí trung cang, thì ta nên kính và khen ngợi người mà thôi, chớ nghĩa lý gì mà thờ người, chẳng là bậy lắm. Còn như đạo Thiên chúa là từ thuở tạo thiên lập địa thì đã có rồi lại là đạo cội rễ nữa, mà thày lại rủ mấy người giữ đạo Thiên chúa để đưa Thiên chúa về thành Rome, chẳng là quấy lắm thay, cái phải lại biểu đưa đi, còn quấy thì dành lại (Phụng đáp công ngọc dĩ thồ - Phan Công Thành).
Một độc giả khác - Thộc Sơn Sải vãi trong bài "Giấc mộng thần chung" (số 5, 10) đồng ý đưa đạo giả về Chà và: đạo mê về Trung Quốc, còn Thích Ca thiệt, Quan Công thiệt thì không dối ai. Hễ ai làm dữ thì kết oán ráng chịu, Phật không cứu được mà cất chùa cúng tế xin tha. Phật tại tâm. Trong tâm dầu thì thiệt có Thích Ca, tu sao được thấy lòng thì thấy Phật. Quan Công Thánh nếu có lòng kính ngài, cho thiệt giữ tám chữ cho tròn (ngài làm gương mà thôi, chứ tánh ngài ngay thẳng, không giữ tám chữ: hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, sĩ, liêm mà cứ lo cúng heo quay thì uổng vì ngài có hưởng được đâu.
Cuộc tranh luận đến đây mở rộng ta, không phải chỉ trong Nông Cổ mín đàm, Lục Tỉnh tân văn mà cả nhựt báo tỉnh: vấn đề cúng được bàn rộng thêm liên quan cả đến ý nghĩa thực sự của giáo lý, nguồn gốc, lịch sử truyền đạo... Trong bài "học tập" (số 6) Lê Đắc Bằng trao đổi ý kiến với Nhựt báo tỉnh (số 149) và Nông Cổ số 323 về Thiên chúa giáo, không phải bắt nguồn từ Rome, nên không thể trả về Rome được.
Trong bài "Minh dạt chi từ" (số 7) Tô Văn Ngữ viết:
"Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành: "Song tại mình không xét cứ nghe lời những gian tăng nó mê hoặc mà làm theo, sanh điều tác tệ mà ra sự dị đoan, chớ có dạy chúng ta cất chùa cho lớn, đúc chuông cho to, nấu đồ chay cho ngọt mà nuôi thày sãi cho béo thậy ở đâu? Nên tôi tưởng sự đưa Phật về Thiên Trước, trả Quan Công lại cho Tàu, dầu trả dầu không thì cũng vô can, vì Phật và Quan Công ngài cũng không mướn chúng ta rước mà phải đưa. Đưa là đưa những thày pháp, mấy con bóng và mấy gã ác tăng, đưa được chúng nó cho tuyệt thì hết mối tệ.
Rồi tác giả đả kích thói mấy ngày rằm, ngày vía, các bà các cô đem tiền bạc cho thày chùa làm chay, mướn thợ mả bóng cả nhà bao bằng giấy trong bỏ đầy vàng bạc giấy tiền, đem đến chùa mà đốt để gửi cho các vong linh.
Xét ra không ích gì hết mà lại tốn tiền: "Xét lại trong Lục châu ta đây hơn hai mươi mấy triệu người mỗi năm làm những đồ vô ích đó biết bao nhiêu, có phải đã không ích cho mình mà làm giàu cho Chệc chăng?
Tác giả kể lại chuyện gặp hai thày chùa hỏi tại sao đốt quần áo bằng giấy, kinh phật có dạy không, thì họ trả lời, vì thế gian tin theo thày chùa mà làm theo như vậy, chứ kinh Phật chẳng có dạy.
Cũng trong số 7, Thái San Trần Khắc Minh trong bài "Chà, Chệc tương tranh" khuyên nên tu ở nhà, thờ cha mẹ, không nên mê theo thày pháp.
"Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu, Kẻ mê thày pháp thày phù, đau Nam chữa Bắc bịnh phu đâu lành. Bóng chàng tâu rỗi rập rình, ông lên bà xuống tà tinh hiện vào. Người ưa thày bói biêm bao, lục nhâm, lục giáp lao xao sử tiền. Kêu mời khắp hết thần tiên, bào đơn bào sách nói xiên nói quàng. Người đời nghĩ thiệt đa đoan, nói râu đau thuốc là đàng xưa này. Hai em nghe thủa lời ngay, những điều vô ích là tây chở dùng. Muốn cho đặng chọn thằng chồng, mích lòng con vợ để hòng được dâu. Xưa nay đem của về Tàu, tiền ra thì có tiền vào thì không. Vợ thì tính chuyện minh mông, Phật nào độ thế mà trông tu hành. Đống thanh cây gỗ đất sành, hình kia cột nọ ngồi quanh đầy chùa. Mấy người lậu thuế nước vua, ẩn vương nương Phật bốn mùa ăn chay. Mãng đời nào thấy chi hay, dỗ đờn bà góa thì tay cũng già. Em tin chị nó Hê hà, tụng kinh lua láu nào ra vĩ gì. Hai điều cũng chẳng tiện nghi, để tiền hiệp bổn phòng khi dưỡng già. Sài Gòn cũng chẳng bao xa, Minh Tân liên hiệp để mà buôn chung. Bá công bá nghệ thông đồng, dạy đoàn em cháu ở trong Nam Kỳ. May khi gặp hội khả vi, nhiều tuy nên bộp gặp kỳ thành công. Tôi nay quê ở nhà rồng, ít điều can gián vợ chồng trẻ em.
Đến số 9, một độc giả Miên biên thư cho tòa báo nói về "Minh Tân".
"Bây giờ có M. Phủ Chiếu và hết thảy quí quan đều rập ràng chung tình hiệp ý mà công luận việc lợi hại, xấu, tốt của người Annam đã chịu thiệt hại và mất danh tiếng bấy lâu nay rầy tin bỏ tục xấu cũ xưa, lo sửa lại tục mới, từ hôm tôi nghe đến nay thì tôi thấy làm khoái lạc và vui mừng giùm cho người Annam biết là chừng nào, song tôi xét đi xét lại cũng có chỗ buồn, buồn là buồn sợ cho tánh người Annam ít khi nghe theo và hay ôm những việc mốc dit hoài sợ có nước nào trộm chăng?
Chớ như nước tôi tuy Mên man mặc lòng, song biết yêu thương nhau, và tin tưởng nhau. Chẳng hồ nghi nan chút nào cả; Bởi vậy trong nước tôi những đứng bề trên đã có công luận rồi. Cũng y như Annam vậy, song rất nên vô phước là khó bề thông tin cho nhau vì là ít người văn minh, nhiều dốt nát, và lại chẳng có nhà nhựt trình như Annam vậy, tôi xét lại nước Annam rất nên hữu phước và tiện việc vô cùng.
Sau lại tôi có nghe nói có nhiều ông tính trả Phật về quê cũ là Thiên Trước cùng bỏ các tính tệ và những việc dị đoan dối trá, đặng lo bề tấn bộ kẻo để những việc dị đoan ràng buộc mất hết ngày giờ, tôi nghe thì phải lẽ lắm, sao có ông chi chi đó lại cản không cho tống đi cho rồi té ra bao nhiêu lời mấy ông kia đã công luận đó hư hại hết, nếu làm như vậy, biết chừng nào cho thành việc đặng, vả lại dân sự ít nghe theo, vì đã đi tới còn trở lại làm chi lộn xộn hoài.
Nói theo trí ngu tôi trước mắt thấy sao nói vậy là xét lại mà coi ít khi thấy ai mắc việc chi hoạn nạn mà réo ông Phật bao giờ, luôn luôn từ lớn chí nhỏ kẻ hữu sự thì kêu ông trời, không kêu phật bao giờ, thì là phải biết đấng nào, người nào dựng nên trời đất, loài người ta có các loài vật ở dưới thế gian này mà nuôi sự sống cho ta cứ đó mà thờ thì phải lẽ, còn ông Phật cũng là trời sanh, xin mấy ông xét đó mà coi, còn cãi đi cãi lại làm chi?
Trả phứt cho rảnh.
Chớ như nước tôi, hễ bề trên phán xuống thì bề dưới vâng phục hết thảy không biết chừng có lẽ nước tôi mau mau tấn bộ hơn Annam vì ít cũng dầu nhiều vâng phục. Hồi trước tôi có học chút đỉnh tại trường Mỹ Tho lời thiệt khai ngay. (Kim Brach).
Trong số 22, bài "Dị đoan biệc luận" tác giả cho rằng nói đưa Quan Công, Thích Ca về quê họ chỉ có ý nói nên xa lánh việc thờ cúng tổn phí, do bọn thày chùa dối gạt để dành tiền hùn hạp mà buôn bán; còn trong bài "Phụng đáp Nguyễn Trọng Quyền" chi vân (số 22) một ông hương sư đã khẳng định:
"Trả lời câu hỏi của ông Phụng trong tứ giáo đạo nào là Chánh thì tôi trích cái Chánh của đạo nho cho ông nghe, song đạo nào cũng dạy làm lành, nhưng mà có một cái đạo nho có sách khác hành vu thể lưu truyền dạy cả muôn đời, dạy cả nước Tàu và nước Annam ta, dạy từ ngôi thiên tử dỉ chí ư ??? dân dạy đủ điều khuôn phép hành chánh bình dân mà trị nước, cho nên ta lấy cái đạo nho làm chánh".
Một độc giả khác trong bài "Kỳ mộng", Nguyễn Tứ Thiêt (số 26) kể lại đêm nằm mơ nghe ông mặt đỏ (Quan Công) ông mặt trắng (Giesu) ông mặt đen (Phật) trình bày đạo của mình. Ông mặt đỏ nổi giận nói thay cho hai ông kia "Thuở nay ai biểu bây bày đặt - cất chùa cất miễu mà thờ ta, làm ra sự dễ dui chánh khí của ta, nào có thấy bây mà làm theo chánh khí của ta đâu. Hễ có mất vợ cũng đến hỏi, mất chồng cũng đến hỏi, bán lời bán lỗ cũng đến hỏi, sổ mũi nhức đầu cũng đến hỏi, vậy chớ bay không biết ta là chí công vô tư sao", cho đến kết hôn Tôn thị không màng, cái ấn Tào công chẳng quảng, lựa phải cầu thịt xôi của bây sao?".
VÀI NHẬN XÉT
1. Về vận động kinh tế:
Những lời hô hào cho thấy tinh thần dân tộc rất cao: khẩu hiệu nêu ra: chống Chệc chống Chà được mọi người hoan nghênh vì tự ái dân tộc bị xúc phạm. Cuộc vận động bằng lời nói có lúc đã đưa đến hành động, phong trào quần chúng tẩy chay bằng chệc, chà hồi 1919. Nhưng thực ra cả hành đồng và lời nói chống đối không đi đến đâu, vì có một mâu thuẫn cố hữu. Về tâm lý trong thái độ đối xử với dị quốc (chệc, chà...), tinh thần chống lệ thuộc về chính trị rất mạnh nhưng nô lệ tinh thần về buôn bán, làm ăn cũng rất nặng. Chống Chệc, Chà, nhưng khi đi mua bán vẫn chỉ đến tiệm Tàu, Ấn Độ, chỉ tìm và phục Tàu, Ấn Độ. Đoàn kết để chống ngoại xâm về chính trị, vì tự ái dân tộc thì rất chặt, nhưng lại chia rẽ nhau, chống phá nhau về kinh tế, không làm ăn chung với nhau được vì trâu buộc ghét trâu ăn, gà ghét nhau vì tiếng gáy. Người Việt không phải riêng người miền nào, nói chung khó thành công về làm ăn phát triển kinh tế và không làm được như người Tàu, chỉ dựa vào sự tin cậy lẫn nhau không cần giấy tờ luật pháp, cũng không làm được như người Tây chỉ dựa vào cơ chế và pháp lý vì chưa có một truyền thống pháp lý...
2. Về vận động văn hóa tư tưởng:
Khẩu hiệu tung ra gây xúc động mạnh vì có vẻ thật táo bạo nên đã gây được sự chú ý, tạo được những cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài trong nhiều số báo mà trong nhiều tờ báo cùng thời.
Phong trào Duy tân ở miền Trung, miền Bắc do những ông đồ nho, không biết chữ Pháp, quốc ngữ, tìm đọc tân thư, cảm phục văn hóa Tây phương, muốn đem thực hiện những lý tưởng dân chủ, dân quyền của Đức Tư Cưu (Montesquieu), Lữ Thoa (J.J.Rousseau) v.v... phê phán hủ nho... Còn ở miền Nam, những ông đồ tây tốt nghiệp các trường học tiếng Pháp lại không nói gì đến văn hóa Tây phương hoặc phê bình nho học, lấy đại học Trung dung làm cơ sở lý luận, đòi đưa Thích Ca trả về Ấn Độ, Quan Công về Tàu và cả Thiên chúa giáo về Rome.
Lãnh tụ phong trào Duy tân ở miền Nam là một người gốc Minh Hương, công giáo, dân Tây, mang tên họ Gilbert... nhưng theo Tây để chống Tây và chống thiệt, không phải chống giả vờ (xin đọc thông báo của Jeantet khi Trần Chánh Chiếu bị bắt - số 50, 51).
Lập trường ôn hòa, có lẽ được mọi người chấp nhận là lập trường không nhằm phủ nhận Phật, Quan Công mà chỉ nhằm đả phá những tập tục mê tín, dị đoan mà người Tàu và Ấn Độ đã khai thác để trục lợi về kinh tế, thương mại. Nói cách khác trả về cho Ấn Độ, Trung Hoa, những ách tăng, thày Pháp những nghi thức cúng tế dị đoan đã từ những nước đó du nhập vào Việt Nam. Còn vẫn thờ kính Thích Ca, Quan Công, không phải bằng các vẻ bên ngoài, nhưng tại tâm, trong tinh thần. Nhưng cũng có lập trường triệt để hơn phủ nhận tính cách thần thánh của những tôn giáo, thờ Thích Ca, Quan Công, vì cho rằng dễ đưa đến dị đoan.
Tiêu chuẩn dựa vào để phê phán những tôn giáo là khả năng giải quyết thỏa mãn những nhu cầu của con người, bảo vệ quyền sống của dân tộc, đất nước, nghĩa là sự hiệu nghiệm chính trị và xã hội, tính chất dấn thân nhập thế của lý thuyết, giáo lý.
Dân Ấn Độ nghèo đói, nước Ấn Độ bị Hồng Mao chiếm đoạt, Phật không giải quyết bảo vệ được nước Việt Nam bị Lang Sa xâm chiếm, các thần linh cổ hỉ có đứng ra đỡ đạn, cứu dân cứu nước được đâu... Đạo Phật, tiểu thừa chỉ chú trọng giải thoát cá nhân, đã tỏ ra hờ hững, xuất thế trước những vấn đề đất nước, nên đã bị phê phán chỉ trích từ thời Nguyễn Đình Chiểu. Đối với người Việt Nam, tiêu chuẩn đánh giá một đạo giáo du nhập là nó có góp phần bảo vệ dân tộc hay không... Theo lập trường triệt để kể trên, chỉ có nho học, không phải là một tôn giáo, mà là một đạo đức dạy tiếp nhân xử thế mới, là chánh đạo nên theo mà thôi. Nếu Quan Công hiểu không phải là thần linh, mà chỉ là một người nêu gương nghĩa khí thì Âu Châu thiếu gì, Việt Nam cũng thiếu gì (Lê Văn Duyệt) đâu cần đến Quan Công.
Còn những ai muốn đi tu, thì cứ việc tu tại gia thờ cha kính mẹ cũng đủ "đắc đạo" rồi.
3. Giao lưu văn hóa:
Hầu như không nói gì đến tư tưởng triết lý phương Tây, chỉ tiếp thu ở phương Tây về khoa học kỹ thuật ứng dụng, về tổ chức quản lý kinh doanh, chỉ có một số rất ít bài nói đến phương Tây: kể chuyện các nước phương Tây, đánh bắt trộm cướp, giới thiệu bài học lịch sử phương Tây, giới thiệu khoa học kỹ thuật: máy bay...
Tư tưởng và văn học (truyện sự tích) đều mang nội dung đạo lý giáo dục dựa vào nho học.
4. Văn nghị luận:
Đây là một lối viết lập luận không văn vẻ, nôm na, thường pha lẫn nhiều câu chữ nho mang tính chất dí dỏm, châm biếm, đùa cợt, nó có vẻ ngây ngô nhưng thực ra lại rất thâm trầm sâu sắc...
VĂN XUÔI VÀ LÝ LUẬN
I- Văn nói, văn viết trong văn xuôi
A. Trích dẫn
1) Gia Định Báo:
"Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Cái lưỡi tuy là một phần cơ thể rất nhỏ trong thân mình người ta, mà nó là như cái lái khiến cả thuyền đi xuôi đi ngược, đi bát đi cạy, mặc ý nó. Nó là một đốm lửa nhỏ, đốt để cả rừng tiêu ra tro. Sự lành sự dữ cũng đều bởi cái lưỡi mà ra. Cái lưỡi là thông ngôn lòng lo ý tưởng người ta. Có nó mới ra lời ăn tiếng nói, mà lời ăn tiếng nói làm ích lợi người ta biết dường nào, số 20, năm thứ 6, ngày 24-6-1870.
Thứ vụ: một người mù với một người đau bại.
Ta hãy giúp nhau thì sự nặng nề cái việc khốn khó mới ra nhẹ nhàng hơn. Các điều lành ta làm cho kẻ đồng loại, thế cho việc dữ ta chịu thì là một sự tốt thâm sâu. Đức Khổng Tử đã có nói: ta hãy theo đạo người. Khi giảng đạo dân Tàu, thì người có thuật chuyện này: Trong một cái thành ở bên phương Đông có hai người khốn khó, một người đau bại, một người thì mù, lại cả hai nghèo hết, hai người này xin cùng trời cho chết đi cho rồi đời. Song le lời kêu rên đó thì vô ích, chết không được. Người đau bại nằm trên một cái sạp ở ngoài đàng, đau đớn không ai thương xót, càng đau đớn nặng hơn. Người mù chẳng chẳng kỳ ai, chẳng nề việc chi cũng làm được, chẳng có người dắt chẳng kẻ đỡ cũng chẳng có một con chó nào thương đặng mà dắt. Bữa kia thời may người mù lò mò đi qua một cái đàng kia, lại gần chỗ người đau bại nằm, nghe tiếng kêu van, bắt động lòng. Duy kẻ đồng khốn khó mới biết thương xót nhau. Người mù nói với người kia rằng: Tôi có tật, anh có bịnh, ta hiệp nó lại thì mới bớt đau đớn. Người đau bại rằng: Thảm thay, anh không biết rằng tôi mới đi một bước là chẳng được, bổn thân anh chẳng thấy chi hết. Ấy ích chi mà hiệp sự khốn nạn ta lại. Người mù đáp rằng: Ích chi! Này: hai ta đều có cái hay cho nhau. Anh chỉ đường cho tôi đi, mắt anh dẫn lấy cái bước tôi không thấy, còn chơn tôi, anh muốn đi đâu nó bèn đi đó. Vậy cái nghĩa đời ta chẳng lẽ định ai có ích hơn ai, tôi đi bước thế cho anh, anh coi thấy thế cho tôi. 4-3-1882.
2) Nam Kỳ nhựt trình (ra ngày thứ năm hàng tuần).
"Về việc chữ nghĩa, thì dùng những tiếng tầm thường, không dùng những tiếng cao kỳ, dân sự ít hiểu. Chúng ta có ý nói về điều này là vì nhựt trình Nam Kỳ thì là dễ mà rao báo những chuyện có ích cho người đều hiểu; không phải là chuyện cao xa để cho một ít người thông minh hiểu ý tứ chúng ta thì biết việc rõ ràng, chẳng câu chấp sự chúng ta dùng những tiếng tầm thường vì các người ấy đã biết là việc làm có ích chung cho mỗi một người (Lời cùng các người nhựt trình ta, số 1 ngày 2-10-1887).
3) Nam Kỳ địa phận:
Con nít có trí: "Ông già kia tuổi tác xem ra đáng kính, dạo đến nhà nọ, ngồi nói chuyện chơi, có năm ba người. Trong nhà có một đứa con nít độ chừng năm sáu tuổi, cái tiếng, cái cung giọng nó nói ai cũng khen là có trí. Ông già thấy vậy thì nói rằng: Con nít mà có trí làm vậy, thì thường thường hễ đến khi lớn thì nó ra u mê đi. Thằng nhỏ nghe vậy thì đáp lại rằng: Thưa với ông, vậy thì hồi nhỏ, ông có trí lắm phải không ông? (số 1 tháng 10 - 26-11-1908)
4) Nông Cổ mín đàm:
Mục Thương cổ luận: "... Chúng ta mà không hiệp cùng nhau mà buôn, tôi biết là vì một điều nghi nhau không trung tín, ngại nhau không thuận hòa, nêu lâu nay không ai chịu chung cùng với ai mà buôn bán lợi để cho dị quốc làm mà thôi". (số 1, 11/8/1901).
... Tại Chợ Lớn có năm, sáu nhà máy xay, hơn trăm tàu khan ăn lúa, không có cái nào thuộc người Annam cả. Người giàu có thể hiệp nhau làm, thì không muốn làm, cứ chuyện thung dung hàm hí, khoái chí tự dinh, còn người nghèo khổ thì dù muốn làm cũng không đặng. Vậy nếu người giàu chịu làm thì người nghèo cũng được nhờ và nhất là khỏi phải đi làm mướn cho khách, Thiên trúc và Bà Ba (số 4 ngày 22-8-1901).
... Tục nước mình, người nào làm có dư tiền bạc, thì cắp nách dáo dác hoặc chôn, hoặc mua ruộng mua xe, tủ sắt đựng cho đầy, liệu mỗi năm lợi bao nhiêu, tích hễ nhiều thì chắc phận giàu không muốn đem ra mà buôn bán làm cho lợi thêm nữa, dùng không hết thì để cho vay, cầm cố ruộng vườn mà thôi, cho vay lại tính lời cho quá nhứt bổn nhứt túc. Thì mấy cách thường làm đó, làm cho người nghèo thiếu phải nghèo thiếu thêm, còn người giàu thì mặc sự hao hụt, giàu cũng không thêm là bao nhiêu (số 7) Lương Dủ Thức 12-9-1901.
5. Lục tỉnh tân văn:
Quân côn đồ cường thạnh, dứa đạo tặc lăng loàn, cướp phá tứ phương, coi dường như không ai trị. Sao vậy? Là vì tại các ông chức việc trong làng hay sợ nó oán trách. Như vậy thì kẻ lương thiện phải bị hiếp đáp luôn, có của phải giấu phải chôn, có tủ sách phải dằn đã, còn bạc thì đem gửi châu thành. Cực khổ không? Đứa hoan biết tùng tam, người hiền nên tụ ngũ, chúng nó có đông cho lắm thì hai mươi, ba mươi đứa trở lại mà thôi, còn mình cả và xóm cả làng sao lại bó tay chịu tội. Tại các sự tham sanh húy tử, và cái điều tư kỷ, chết ai nấy chịu, cho nên mới loạn ra như vậy. (Chủ bút, bài Đạo tặc số 3, 28/1/1907).
Giấc mộng thần chung:
Bung, bung, bung!! Dòm thấy cuộc đời gần thon mòn sao còn nhắm mắt ngủ mê man. Ai ơi, Tua khá chóng ra màng, dũng có nằm liều e phát bịnh. Tỉnh, tỉnh, tỉnh! Xin đừng bịn rịn chốn cung phòng, ra ngọ thử coi Hồi trưa hay sớm. E, bỏ phút củ xì hàng khiếp dỏm; mau! Học đòi sốt-sắn tráng hùng tâm... Lo chi những chuyện ăn chơi: hát bội, múa bông, bạc bài, dỉ thỏa không nhớ cái thân cực há! Thịt dao cá thớt, của sót, tiền tiêu. Cứ triêm diêm réo phạt tưởng là siêu. Ờ, hèn gì phải: nuôi mấy chú nhưng bông ở không-khổng-không. Lo mà mệt chơi tiên người sang trọng, ờ, hèn chi phải: cấp mấy nàng má phấn sường nồng nàn. (Thôc Sơn - Sải vải truyện số 5, 12-12-1907).
"Cái này mới là ức chớ. Ba chú chệc là gì mà hể nó đánh Annam thì rủ nhau chạy ráo, hoặc đi coi hoặc cười, hoặc chửi thầm, chớ nào thấy bênh nhau, chết ai nấy chịu". (Lương Xương - Chủ bút số 6 ngày 19-12-1907).
B. Ghi nhận:
Qua mấy đoạn trích dẫn trên, hẳn người đọc nhận ra sự khác biệt về lối viết giữa một bên là Gia Định báo, Nam Kỳ nhựt trình, Nam Kỳ địa phận và bên kia là Nông Cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn. Chúng tôi có mấy ghi nhận sau đây:
Nhóm Gia Định báo:
1 - Rất ít dùng từ Hán Việt, câu châm ngôn chữ Hán và không bao giờ dùng câu nói xuôi chữ Hán.
2 - Rất ít viết sai chính tả.
3 - Không dùng những thán tự, hư tự thường cần thiết trong lời nói.
4 - Chấm câu hợp lý.
5 - Câu nói xuôi gọn, rõ ý vì mạch lạc, dễ hiểu, dùng chữ nôm na hàng ngày.
Nhóm Lục Tỉnh tân văn:
1 - Dùng nhiều từ Hán Việt, câu châm ngôn chữ Hán và đôi khi dùng cả những câu nói xuôi chữ Hán viết ra quốc ngữ.
2 - Hay viết sai chính tả vì nói sao viết vậy.
3 - Dùng những thán tự, hư tự, thổ ngữ, lời nói đối như thường thấy trong lối nói hàng ngày hay văn học truyền miệng.
4 - Đôi khi chấm câu linh tinh.
5 - Câu văn dài vắn bất kể, thiếu mạch lạc, sắp xếp theo trật tự luân lý của ngôn ngữ nói.
C. Tại sao có sự khác biệt?
Những người viết văn, viết báo thuộc cả hai nhóm kể trên cùng một thời, một nguồn đào tạo: Tây học và Nho học, tại sao họ lại viết khác nhau như thế?
Theo Phan Khôi, phát biểu trong cuộc tranh luận hồi 1929 ở Phụ nữ tân văn (xem chương mở đầu) sở dĩ những người miền Nam viết văn viết báo, kể cả các vị tiền bối, như Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Chánh Sắt, viết sai chánh tả là vì lười biếng không chịu học hỏi các vị tiên phong như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của. Chúng tôi không nghĩ đơn giản như vậy.
Một chủ trương khác:
Như vậy, cách sử dụng Việt ngữ trong Gia Định báo đã thể hiện khá rõ ràng một chủ trương về văn hóa. Đó là chủ trương loại bỏ tiếng Hán Việt để từ đó bước sang việc loại bỏ ảnh hưởng của học thuật và văn hóa Trung Hoa, hay đúng hơn, thay thế ảnh hưởng Trung Hoa bằng ảnh hưởng Pháp, trên cả ba lĩnh vực ngôn ngữ; học thuật và văn hóa (1). Khi viết cuốn "Chữ, văn quốc ngữ hồi đầu Pháp thuộc, Nam Sơn 1974" chúng tôi cũng nghĩ như vậy. Bây giờ tìm hiểu sâu rộng hơn, chúng tôi thấy cần phân biệt: Nho học hiểu như một ý thức hệ văn hóa và chữ Nho như một chữ viết. Đối với người Pháp, đúng là lúc đầu họ có ý muốn gạt bỏ cả chữ Nho và Nho học. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ điều chỉnh chính sách: chỉ gạt bỏ chữ Nho, miễn cưỡng chấp nhận tiếp tục Nho học vì lý do an ninh xã hội, chính trị cần một đạo lý làm nền tảng để ổn định nhân tâm, đàng khác họ cũng thấy không thể một sớm một chiều thay thế được một văn hóa, một ý thức hệ. Sau này, chính người Việt Nam thuộc mọi xu hướng nhân danh lý tưởng khai hóa, phát triển hiện đại hóa, cổ vũ dùng chữ quốc ngữ như phương tiện thực hiện lý tưởng kể trên đã dần dà không những gạt bỏ chữ Nho, mà cả Nho học. Trái lại, các ông Trương Vĩnh Kỳ, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký chỉ chủ trương xây dựng câu văn xuôi bằng những tiếng thuần Việt, ít dùng từ Hán Việt, nghĩa là chỉ gạt bỏ chữ Hán khi không cần thiết về hình thức diễn tả, mà văn tôn trọng, duy trì, phát huy Hán học. Toàn bộ công trình của Trương Vĩnh Ký, như đã nói trong các chương kể trên, rất ít thấy tác phẩm giới thiệu tư tưởng văn hóa Tây phương, Kitô giáo mà chỉ gồm những sưu tầm, chú giải các tác phẩm chữ Nho hay chữ Nôm, quốc ngữ dựa trên Nho học, nghĩa là cùng một chủ trương về nội dung, như các nhà viết văn, viết báo thuộc nhóm Lục Tỉnh tân văn, Nông Cổ mín đàm.
<<(1) Bùi Đức Tịnh: Những kinh nghiệm ngữ học trong các sáng tác của văn học miền Nam ở giai đoạn đầu của báo chí và tiểu thuyết. Lửa Thiêng, tập san nghiên cứu văn hóa số 2 ngày 27-1-1975, Saigon, trang 31.>>
Vậy không có sự khác biệt về đường lối chủ trương đối với Nho học, mà chỉ vẻ cách diễn tả liên quan đến chữ Nho mà thôi.
Vì chưa tìm ra những dẫn chứng trực tiếp dựa vào những lời nói của các nhà viết văn viết báo thời kỳ này về chủ đích của họ, chúng tôi tạm đưa ra một giả thuyết giải thích dựa vào cách cấu tạo câu văn.
VĂN XUÔI
Những ai đã đọc ít nhiều các tài liệu đạo đời thuộc giới Thiên chúa giáo viết bằng chữ nôm, quốc ngữ từ thế kỷ XVII (đã in và chưa in) được soạn thảo hay phỏng dịch theo các sách đạo đời Tây phương (về kinh sách, sử ký hội thánh, hạnh các thánh v.v...) Sẽ dễ dàng nhận ra các sách đạo, đời của nhà in Tân Định, từ cuối thế kỷ XIX, của báo Nam Kỳ địa phận đầu thế kỷ XX và các sách báo của các ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký hầu như cũng chung một lối viết tiếp tục truyền thống văn xuôi của giới Thiên chúa giáo từ những thế kỷ XVII, XVIII. Đó là một lối viết thống nhất của cả ba miền, trừ một số từ địa phương, viết đúng chính tả và rất ít dùng từ Hán Việt. Lối viết thống nhất này là một thứ văn xuôi mà cách cấu tạo lời nói hàng ngày theo sát những quy định thật tự của ngôn ngữ viết. Trái lại lối viết của nhóm Nông Cổ, Lục Tỉnh tân văn cũng là văn xuôi, nhưng cách cấu tạo lời nói hàng ngày, mặc dù sử dụng nhiều từ Hán Việt, kiểu nói chữ Nho, vẫn giữ cấu trúc của ngôn ngữ nói. Như vậy, hai lối viết đều là văn xuôi cả, nhưng khác nhau ở chỗ một đàng là văn viết, một đàng là văn nói, nghĩa là ở cách thể hiện khác nhau mối liên hệ giữa các từ về mặt cú pháp, ngữ pháp, ngữ điệu bút pháp, không phải ở chỗ sử dụng các loại từ khác nhau (từ nôm thuần Việt, từ Hán Việt, từ Hán).
Chúng tôi cho rằng lối viết của nhóm Lục Tỉnh tân văn là văn nói theo cách nói sao viết vậy, nên mới có những biểu hiện của lối văn nói: ít chú ý đến chính tả, ghi theo cách phát âm; ít chú ý đến cách chấm câu đúng vì ghi theo nhịp của lời nói, không phải theo trật tự hợp lý của câu văn đổi hơi có sắp xếp, do đó mới thấy có những đứt đoạn về liên hệ hợp lý giữa các vế, cú, mệnh đề của câu, dùng nhiều hư từ, thán từ, rất cần trong lời nói, hoặc dùng những kiểu nói dối (dối từ, dối câu) do yêu cầu về nhịp điệu thường thấy trong văn học truyền miệng. Riêng về từ, lời nói thường dùng từ nôm na bình dân, nhưng cũng có thể dùng nhiều từ Hán Việt, kể cả câu xuôi của chữ nho mà người trí thức thời đó khi nói vẫn quen dùng, nên khi viết - nói sao viết vậy - cũng cứ thế để nguyên như vậy. Đến khi tiếp xúc với văn hóa Pháp, đôi khi nói cũng pha tiếng Pháp, thì khi viết cũng viết như khi nói, không dịch ra. Điều này không hề thấy nói các tác giả nhóm Gia Định báo vì văn xuôi của nhóm này là văn viết, có sửa chữa, chọn lọc, sắp xếp theo trật tự của văn viết và dịch các từ tiếng nước ngoài, không bao giờ để nguyên văn nghĩa là văn nói dựa vào văn viết, văn viết dựa vào văn học sử. Trái lại văn viết dựa vào nói, và văn nói không còn câu nệ những vay mượn từ nước ngoài dịch đúng hay dịch sai, dịch hay không dịch, phá vỡ các qui định về cú pháp, ngữ pháp, bút pháp. Các linh tinh, cẩu thả, quá khích dĩ nhiên sẽ được điều chỉnh dần dần, nhưng không thể dùng uy quyền của bất cứ một hàn lâm viện nào để ngăn chặn chế ngự, vì đây là biểu lộ một ngôn ngữ sống động; Ngôn ngữ sống động này lại biểu hiện một xã hội sống động, đang chuyển mình, đổi mới (1).
<<(1) Alain Fantapié, giáo sư ngôn ngữ học ở Đại học Paris II trong "Le Français, miron des français, Express 4-4-1986 cho thấy tiếng Pháp hiện nay đang bị xáo trộn về những từ vay mượn của tiếng Anh, về cách đọc, về ngữ pháp như ít dùng passé simple, chỉ dùng passé composé, biến verbe intransitif thành transitif v.v... và ông coi đây là một trở về ngôn ngữ nói (oralité) biểu lộ một ngôn ngữ sống động.>>
LÝ LUẬN
Cũng trong Nông Cổ mín đàm, Lục Tỉnh tân văn hoặc sách báo khác xuất bản ở thời kỳ này ngoài truyền thống công giáo, thấy diễn ra một vài cuộc tranh luận về tôn giáo, văn hóa giữa các người miền Nam với nhau hay giữa người miền Nam và miền Bắc (Đào Trinh Nhất, Băng Thanh về Cao Đài, Phan Khôi, Phạm Quỳnh với những Đặng Công Thắng, Nguyễn Ngọc Ẩn, Nguyễn Háo Vĩnh... về văn học ngôn ngữ...). Người đọc ngày nay không khỏi ngạc nhiên khi thấy lý luận của những người viết văn viết báo gốc miền Nam thiếu mạch lạc, linh tinh, gặp đâu nói đấy, chuyện nọ xọ chuyện kia, không phân biệt hư thực, cái hoang đường giả tưởng với cái thực tế hoặc thiếu nghiêm chỉnh, có vẻ diễu cợt ngây thơ, ấu trĩ. Những nét này cho đến nay vẫn còn (chẳng hạn nhiều cuốn của Sơn Nam trước 1975, hoặc cuốn Chợ Đệm quê tôi của Nguyễn Trấn). Sự kiện này, đã tạo ra một mặc cảm tự tôn ở nơi những người miền Bắc, và mặc cảm tự ti ở một số người miền Nam. Sự thực thế nào? Tại sao người gốc miền Nam không thua kém gì đồng nghiệp viết văn viết báo gốc Bắc về trình độ học thức (thông thạo nho học, tây học, am hiểu các tôn giáo, đông, tây, khoa học toán lý hóa, lại lý luận theo kiểu linh tinh, cù lần con nít như vậy?
Nghĩ tới các cuộc tranh luận giữa các nhà biên khảo viết văn viết báo gốc miền Bắc với nhau hồi đầu thế kỷ như cuộc.
Một ghi nhận khác chứng tỏ văn xuôi trong truyền thống Công giáo là văn viết: Hồi đầu văn xuôi này viết bằng chữ nôm hay quốc ngữ đều chung một cách phát âm cách viết lúc tiếng Việt còn thống nhất; về sau, mặc dầu các miền đã có những phát âm khác nhau lúc nói, khi viết văn xuôi trong các sách dạy đạo, dạy học, hay các tự điển, văn thấy giữ một lối thống nhất về cách phát âm, không viết theo cách phát âm của từng miền, nghĩa là nói sao viết vậy. Do đó có thể nói văn xuôi của tờ báo Nam Kỳ địa phận hồi đầu thế kỷ XX vẫn tiêu biểu cho truyền thống văn viết thống nhất của cả nước.
Trái lại văn xuôi của Nông cổ mín đàm, Lục Tỉnh tân văn trong thời kỳ này xuất hiện ở ngoài truyền thống văn xuôi đạo biểu lộ bước đầu, khởi điểm của một xu hướng dựa trên ý hướng đổi mới, duy tân về cách làm ăn và nếp sống văn hóa.
Nhìn trong viễn tưởng đó, mới hiểu tại sao văn xuôi của nhóm Lục Tỉnh tân văn không cậu lệ, gò bó về cách phát âm, ít chú trọng tuân giữ luật ngữ pháp, ít chú ý chọn lọc, sử dụng từ nôm na, từ Hán Việt, dịch hay không dịch, dịch đúng hay sai các từ tiếng Pháp, chấp nhận những khoan dung về chính tả, như Nguyễn Ngọc Ẩn đã nói (xem chương mở đầu) miễn là viết sao cho "thông nghĩa" hiểu được giữa người miền Nam với nhau.
Do đó cũng thật dễ hiểu một lối viết văn chủ yếu là văn nói, hay viết để nói, tự cho mình những dễ dãi đối với mỗi yêu cầu về phát âm, chấm câu, chính tả làm sao tránh khỏi những cẩu thả, quá khích về mặt nọ mặt kia.
Xét về một phương diện, có thể nói văn xuôi nhóm Lục Tỉnh tân văn là một thụt lùi so với văn xuôi nhóm Gia Định báo, nhưng xét về một phương diện khác, nó lại có thể biểu lộ cái sống động, phong phú về ngôn ngữ của con người ở vùng đất mới, như một trở lại với cái khởi đầu, chưa có những phân biệt, quy định chặt chẽ. Hiện tượng trên không phải là đặc thù, mà đúng ra chỉ bày tỏ một quy luật về văn hóa trong quan hệ của con người vùng đất cũ và vùng đất mới.
Tìm hiểu tác động của lối văn nói vùng Bắc Mỹ và Âu châu hiện nay theo chính sự quan sát của các nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Âu châu người ta ghi nhận xu hướng trở lại ngôn ngữ nói, viết như nói, không còn theo sách vở (parler comme un livre), tranh luận giữa các ông Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố về Nho giáo, chúng tôi thấy những cuộc tranh luận đó mang một vẻ nghiêm chỉnh, trang trọng khác hẳn. Tại sao?
I.- Tranh luận giữa các người miền Nam với nhau về "Chống chệc chống chà", "trả Thích Ca về Thiên Trước", "trả Quan Công về Tàu".
Trong cuộc tranh luận này, người đọc thấy các tác giả đều đưa ra những lý luận dựa vào sách nho, trích nguyên văn, nhưng đồng thời lại xen kẽ vào những lý luận đó nhiều lập luận khác mang những đặc điểm kể trên:
Phe A:
1) Quan Công là người Trung Quốc, Phật là người Ấn Độ mà sao Annam cứ bo bo mà mê sa hoài, còn cha mẹ là người "sanh thành dưỡng dục mình" chính là Phật của mình đó "lại không thờ".
2) Phật là người nước ngoài, đâu có hiểu được tiếng Việt mà cầu xin, nếu không có thông ngôn. "Mấy người làm gì vậy, nói giống gì ta nghe không được, vì ta là người Thiên trước nói tiếng Chà và mà thôi, chớ ta không biết tiếng Annam như thế muốn xin điều gì thì phải xin thông ngôn Chà và nói cho ta thì ta mới hiểu."
3) Phật bất lực: không biết làm sao mà binh vực quê hương ta cho khỏi Hồng Mao đày đọa, còn nói gì đến binh vực, cứu độ dân Annam.
4) Rước thày chùa làm chay phá ngục cho các vong hồn tiêu diêu hoan lạc, nhưng thiên đàng địa ngục đâu chưa thấy chỉ thấy "bây giờ đây là khám chánh, Côn nôn, Cai danh", "Tỷ như đời nay Sài Gòn có lập Sở Đề lao chánh hay kêu là khám lớn, 21 tỉnh đều có ngục đường có thày chùa nào phá các ngục ấy được chăng?"
5) Ngày rằm, vía, đem tiền bạc mua bao giấy làm kho để đốt gửi xuống âm phủ. Bây giờ gởi tiền bạc có nhà giây thép, biên lai bảo đảm mà còn mất, huống chi đem đốt đi gởi xuống âm phủ, ai biên nhận và lấy gì làm bằng cớ vả lại dưới âm phủ có ngân hàng không mà gởi bạc nên thật là tốn tiền vô ích, vu vơ...
6) Cúng giỗ có ai về ăn đâu, trong khi kể sống đây, người tàn tật đó không bố thí cho người ta.
7) Dân có chuyện chi, kêu trời, dân có kêu Phật nên "trả phứt cho rảnh".
Phe B:
1) Tuy Phật là người Thiên Trước nhưng "người cũng ở về phần đất Á Châu" nên người Annam thờ ngài là điều phải vì dân ta lạc đạo, phải kiếm cho có đạo mà thờ.
2) Quan Công là người có chánh khí, trả về Trung Quốc thì lấy ai là người làm gương cho mình.
3) Việc Minh Tân "là đòi bỏ việc chi khác, chớ như việc trả Phật hay không thì cũng chẳng cang vào chuyện Minh Tân chớ". Mấy lúc này thiên hạ muốn mở đường văn minh, vậy có nước nào nghĩ đến chuyện trả đạo, cũng bỏ đạo không mà nước Nam ta phải bắt chước?".
4) Cứ lo cho dân trí mở mang tấn bộ "chừng nước giàu nhà có" thì các ông biết về", chẳng cần phải đem trả các ông.
5) Nếu trả Phật về Thiên Trước, Quan Công về Tàu, thì cũng trả Thiên chúa về Rome trước. Đến sau về trước. Đến trước về sau...
II.- Tranh luận giữa các người Việt báo gốc Nam và gốc Bắc:
a) Về viết sai chính tả:
- Ông Phan Khôi người nổi tiếng về thích lý luận, chặt chẽ, mạch lạc, đã chỉ trích những người viết văn, viết báo trong Nam viết ẩu, sai chính tả dựa vào hai luận cứ:
1) Luận cứ lịch sử: Chữ quốc ngữ được sử dụng đầu tiên ở Nam Kỳ, lúc đầu ai cũng viết đúng cả, sau vì lười không chịu học, tra tự điển nên viết sai lỗi chính tả rất nhiều.
2) Tiếng của một dân tộc có mẹo luật, tiêu chuẩn nên phải học mới phát âm viết đúng, không thể phát âm sai, viết sai chính tả mà hiểu đúng nghĩa được.
- Những người gốc Nam Kỳ muốn "cãi lẫy" với ông Phan Khôi cho là vô ích, không đâu vì:
1) Nói viết sai "thông nghĩa" người khác hiểu được là được, thế thôi.
2) Không có tiêu chuẩn, mẹo luật nhất định, nên không thể quy định theo một chiều nào được.
3) Ông Phan Khôi là người lắm chuyện, đã để cho vào Nam làm ăn, lại không biết điều, còn phê phán không đúng người trong này.
b) Về đạo Cao Đài:
Đào Trinh Nhất coi Cao Đài là tà đạo, mê tín, khờ dại, giả dối, tạp nhạp vô trí thức và lập luận chứng minh những đạo mà Cao Đài kết hợp với nhau (Thiên chúa giáo với Phật giáo, lão giáo, nho giáo) là một điều phi lý không thể có được vì "các món đồ tạp hóa có thể thâu góp lại cũng một cửa tiệm, chớ các tôn giáo không khi nào ở chung với nhau được cùng một bàn thờ. Vì tôn giáo nào cũng có những nguyên lý riêng có ý nghĩa riêng, và lại phải đối nhau, thì đúng với nhau làm sao được...". Chẳng hạn "Đức Giê-su khi ngài lập đạo, đã tự cho đạo của ngài là độc tôn, không công nhận đạo nào cũng không liên hiệp với đạo nào cả; ở trong còn có nhiều phép tắc, nhiều tư tưởng, không thể liên hiệp được với đạo nào là khác nữa... Nhưng ông Trung, Thơ, Trang v.v... có lý nào không hiểu tôn giáo là gì, đạo Gia-tô là gì, sao lại để đức Gia-tô phối tự với tôn giáo khác". Ông Băng Thanh chỉ đưa ra luận điểm thông thường của quần chúng: "Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành cả, nên không có mâu thuẫn với nhau. Đạo chúa "giảng dạy cho chúng sanh về sự tương ái sự khinh rẻ quyền quý và sự nhứt tâm sùng bái Đức Chúa Trời. Còn đạo Cao Đài cũng dạy như thế, nào có khác gì đâu. Sau khi trích dẫn mấy bài Thánh ngôn ông kết luận "xem cho kỹ mấy bài thi của Thượng đế dạy ở trên đó thì mới rõ cái tôn chỉ của đạo Cao Đài cũng đồng một tôn chỉ với đạo Giê-su và cũng dạy chúng sanh làm lành tránh dữ như đạo Giê-su vậy".
Trước hết cần lưu ý hoàn cảnh nói, viết của những cuộc tranh luận. Ở miền Bắc đó là những cuộc tranh luận giữa các nhà trí thức như những cá nhân với nhau trên những tờ báo dành riêng cho giới trí thức, về một vấn đề nhận thức, bằng những lý lẽ chỉ người có học, thông nho mới hiểu được, nghĩa là trong một hoàn cảnh có phân biệt hai dòng văn hóa Bác học với văn hóa quần chúng chủ yếu diễn ra ở thành thị; Trái lại những cuộc tranh luận ở miền Nam thời kỳ này không phải là giữa những cá nhân trí thức nhằm dành một thắng thế trên bình diện lý luận mà diễn ra trong khuôn khổ một vận động quần chúng nhằm tranh thủ dư luận quần chúng cho một mục tiêu thực tế trên những tờ báo không phải chỉ người có học ở thành thị đọc; cuộc vận động bằng sách báo cuối cùng còn đưa đến một phong trào hành động cụ thể; Sự kiện này làm cho người đọc liên tưởng đến những cuộc tranh luận công khai ở Nhã-điển (Athènes) Hy Lạp thời xưa. Các công dân tập hợp ở một nơi công cộng để thảo luận về những vấn đề dân sự (chính trị, pháp lý, kinh tế) một trường phái "ngụy biện" được khai sinh trong hoàn cảnh đó nhằm dạy cho những người Hy Lạp trẻ tuổi biết lý luận thế nào để được bầu giữ các chức vụ công lập. Những lý luận này không theo những quy luật luân lý hình thức của Aristote thường được gọi là những võng luận (paralogiques) (1) không phải mọi võng luận đều thực sự là ngụy biện, cố ý sai trái nhằm lừa dối người khác (sophisme) có những võng luận không có ý lừa dối ai mà chỉ nhằm thể hiện một cái lý khác cái thuần lý của luận lý hình thức, cái lý phù hợp với "lương tri" của quần chúng, của thực tế, vì trong thực tế, không phải lúc nào cũng có những phân biệt dứt khoát: xấu không thể là tốt, vừa xấu vừa tốt, theo đúng những nguyên tắc của luận lý A: A; A không thể là B, mọi sự phải hoặc là A hoặc không phải là A, chẳng hạn thuốc độc không nhất thiết bao giờ cũng là độc, hại, vì có thứ chỉ dùng nhiều mới hại, trái lại dùng ít rất tốt chữa khỏi bệnh hoặc lấy độc trị độc. Khi lý luận: những người mắc nợ không trả đều phải bị trừng phạt. Nguyễn không trả nợ, vậy phải bị trừng phạt; Trừng phạt bằng cách nào kiện rồi bỏ tù, vậy Nguyễn phải bị tù. Lý luận như vậy đúng quá nhưng lại không thực, vì bỏ tù thì Nguyễn không còn khả năng làm trả nợ và còn tạo một gánh nặng cho người khác: đóng thuế để nuôi tù trong khi có những cách giải quyết khác tránh được hai kết luận hợp lý trên (tuyên bố vỡ nợ và bắt trả dần). Theo dõi những cuộc tranh luận giữa các người viết báo ở miền Nam với nhau hoặc tranh luận với người gốc miền Bắc, chúng tôi thấy những vị này không sử dụng luận lý hình thức mà hầu như chỉ sử dụng "luận lý lương tri" quần chúng thường dựa vào những võng luận (paralogiques). Luận lý của lương tri đôi khi tương tự luận lý của con nít, nên cũng mang tính cách có vẻ ngây thơ, ngớ ngẩn. Đứng trước tượng Phật mà nghĩ đến Phật là người Ấn Độ làm sao hiểu được tiếng Việt nếu không có thông ngôn, hoặc là tượng làm sao ăn được đồ cúng thì đúng là những thắc mắc của con nít. Người lớn không phải con nít vì khi nêu những sự kiện trên như một luận chứng có ý đồ rõ rệt nhằm chống Chệc, chống Chà và xa hơn nữa, chống Tây. Vậy tại sao người lớn lại sử dụng những lý luận con nít, hoặc trở về lý luận con nít? Vì lý luận con nít có cái lý của nó, không phải cái vô lý, phi lý và do đó có giá trị thuyết phục của nó, nghĩa là không thua kém cái lý của lý luận dựa trên luận lý hình thức mà chỉ khác thôi. Một đàng diễn ra trên bình diện mối liên hệ hợp lý giữa các yếu tố theo diễn dịch, một đàng diễn ta trên bình diện mối liên hệ thực tế giữa các sự việc cụ thể, như giữa mối liên hệ giữa người với người hay giữa người với vật. Nhìn theo các mối liên hệ cụ thể này, điều quan trọng không phải là người này nói có lý hay không mà là tư cách người đó thế nào, có đáng tin không, khả năng người đó ra sao, có thực sự làm được điều mình nói không? Nói cách khác, lập luận căn cứ vào chính con người (tư cách, khả năng). Phật là người nước ngoài, không thể thương yêu người Việt như người Việt, lại là người bất lực vì ngay đồng bào của Phật, Phật cũng chẳng cứu độ được khỏi tay thực dân xâm lược, còn nói gì đến cứu độ người Việt Nam. Lý luận thay vì nhìn thẳng vào sự việc, lại nhằm vào người liên hệ đến sự việc đó, trong luận lý gọi là chứng-cứ đối thủ luận (ad hominem). Lý luận nhằm vào con người là lý luận của lương tri quần chúng và cũng là lý luận của truyền thống dân tộc Việt Nam trước sự du nhập các tôn giáo, ý thức hệ từ bên ngoài. Theo chỗ chúng tôi nhận định người Việt Nam xưa nay vẫn theo tiêu chuẩn: dựa vào tư cách người truyền đạo và hiệu năng về lợi ích dân tộc để đánh giá các tôn giáo được truyền bá vào Việt Nam. Đạo này dạy gì, ý thức hệ theo chủ trương gì không quan trọng bằng người rao giảng, truyền bá đạo, ý thức đó có tác dụng gì đối với nhu cầu bảo vệ sự sống còn hoặc sự phát triển của dân tộc. Thái độ đối với Nho giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo... qua các thời đại xác nhận tiêu chuẩn nêu trên.
<<(1) Mọi ngụy biện đều là võng luận, nhưng không phải mọi võng luận đều là ngụy biện.>>
Dĩ nhiên, những nhà trí thức thời kỳ này, thông thạo Nho học, Tây học thừa hiểu tính cách phổ biến của tôn giáo (vượt biên giới quốc gia, dân tộc) và tính cách tượng trưng của nghi lễ tôn giáo (không ai nghĩ thần phật, ông bà về ăn thực sự đồ cúng lễ. Do đó đây là một lựa chọn cố tình sử dụng lối lập luận có tác dụng hiệu nghiệm trong quần chúng, một lối lập luận theo lương tri - dựa vào thực tế - vẫn có từ lâu trước khi có luận lý hình thức chỉ dựa vào sự sắp xếp suy diễn mạch lạc cái thuần túy.
Không nhận ra sự khác biệt giữa hai thứ luận lý trên tất nhiên sẽ phục lối lập luận chặt chẽ mạch lạc, hợp lý của những Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, và khinh thường chê bai lối lập luận "cù lần" của những Nguyễn Ngọc Ẩn, Đặng Công Thắng, Băng Thanh... Khi thấy những người viết báo gốc miền Nam này chỉ sử dụng lối lập luận nhằm vào con người và hiệu năng của sự việc trong cuộc tranh luận với người viết báo gốc Bắc, nghĩa là né tránh lý luận hợp lý trên bình diện thuần lý.
Nhằm vào con người:
- Sở dĩ cha tôi viết như vậy là vì người đã hỏi các ông Ký, ông Của. Đây là lý luận dựa vào uy quyền của người trên (chứng cứ lý luận, ad verecundiam) - lý luận của Đặng Công Thanh.
- Ông Phan Khôi là người lắm chuyện, vào Nam làm ăn được người Nam dễ yêu nhưng lại phách lối gây rối, phiền hà cho chủ nhà. (Chứng cứ đối thủ luận - ad hominem).
- Chúng tôi viết sai, ông cũng viết sai chính tả. Thay vì nhận mình có sai hay không thì lại tố cáo người chỉ trích mình cũng viết sai, nếu hiểu đó là sai.
- Cao Đài là đạo đầu tiên do người Việt Nam lập ra, coi là quan trọng sự kiện đạo do người Việt Nam lập ra, vì từ xưa đến nay, các đạo khác đều du nhập từ bên ngoài - hơn là đạo đó chủ trương gì.
Nhằm vào hiệu năng:
- Nói viết sai không sao miễn là cho "thông nghĩa".
- Đạo Cao Đài cũng dạy ăn ngay ở lành như các đạo khác.
Lý luận của Phan Khôi, Đào Trinh Nhất đúng trên bình diện thuần lý và do đó có thể thuyết phục được những người quen lý luận như các ông thuộc giới trí thức. Nhưng lý luận kiểu đó có thể không thực, nên lại khó thuyết phục quần chúng không quen lý luận bằng suy diễn thuần lý. Lý luận của những người viết báo gốc miền Nam, ngược lại, khó thuyết phục người trí thức quen lý luận bằng suy diễn thuần lý, nhưng dễ thuyết phục quần chúng.
1) Đào Trinh Nhất kết án Cao Đài là tà đạo, mê tín dị đoan, phỉnh gạt giả dối. Nhưng trong thực tế, không phải chỉ người dân quê, ít học mê tín dị đoan, hay bọn cơ hội, đầu cơ chính trị theo đạo đó mà thôi. Và ngoài ra, đạo đó vẫn tồn tại... Như thế vấn đề không phải là đạo Cao Đài chủ trương gì, đúng hay sai, mà là tại sao đạo Cao Đài xuất hiện trong hoàn cảnh thời điểm nhất định và có đáp lại những đòi hỏi xã hội đạo đức nào không? Nhìn vấn đề trong viễn tượng đó, xác định thái độ đối với một tôn giáo không hoàn toàn tùy thuộc việc tranh luận xem tôn giáo đó đúng hay sai mà chủ yếu là thay đổi những điều kiện hay thỏa mãn những nhu cầu đã quy định sự xuất hiện, phát triển của tôn giáo đó. Đó là lối nhìn của xã hội học, không nhằm bản thân một lý thuyết, nhưng vào những nguyên nhân, điều kiện quy định những con người tạo ra lý thuyết và khả năng hiệu nghiệm của lý thuyết đó.
Cùng thời với Đào Trinh Nhất, những người Pháp như La Laurette, Vilmont và người Việt như Băng Thanh đã nhìn vấn đề trong viễn tượng trên như chúng tôi đã trình bày tác phẩm của họ. Do đó cái nhìn của Băng Thanh từ chối tranh luận trên bình diện thuần lý với Đào Trinh Nhất không phải vì ông thua kém về trình độ nhận thức, lý luận mà chỉ vì ông lựa chọn đứng trên một bình diện khác để nhìn vấn đề: nhận định dưới khía cạnh tình hình sa sút đạo lý, đe dọa sự tồn tại của dân tộc và Cao Đài xuất hiện như một đáp ứng đòi hỏi chấn hưng đạo lý do người Việt Nam đề ra.
2) Ông Đào Trinh Nhất cũng như mấy nhà lý luận phương Tây coi Cao Đài là một đạo tạp hóa. Nói chung, nhiều nhà tư tưởng phương Tây trước đó vẫn coi tôn giáo là một thứ hỗn hợp (syncrétisme) tôn giáo tương tự một tiệm tạp hóa. Không phải ngẫu nhiên, vô tình mà chúng tôi giới thiệu những quảng cáo đồng thời với nội dung cuốn sách của Đào Trinh Nhất. Thái độ của dân chúng, đặc biệt vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, khi vào một tiệm tạp hóa cũng tương tự vào một thánh thất: những đồ dùng tuy khác nhau về công dụng, đều cùng chung một mục đích: phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Cũng vậy, những Giê-su, Khổng Tử, Lão Tử, Quan Công, Victor Hugo, tuy khác nhau về xuất xứ, cách diễn tả chủ trương tôn giáo, lý thuyết xã hội, đều cùng chung một ý hướng thực tiễn làm cho con người trong các mối quan hệ giữa người với người, ăn ở với nhau hòa thuận hơn. Đó là một điểm mà không đạo nào bỏ qua, dù các đạo có những điểm khác nhau như: vô thần, hữu thần. Quần chúng nhìn vào các tôn giáo, thường chỉ chú ý tới đòi hỏi cơ bản có tính chất đạo đức về mặt thực tiễn (đối xử giữa người với người) còn các mặt khác họ không đủ khả năng hiểu hay không chú ý tới. Tuy nhiên không phải vì thế mà đánh giá quần chúng là nông cạn, ấu trĩ vì ngay trên bình diện nhận thức, nếu phân biệt tôn giáo về mặt bản chất, yếu tính (essence, quoad sẽ theo ngôn ngữ của triết học kinh viễn) với một cách biểu lộ, diễn tả (existence, quoad nos) thì tôn giáo nào cũng thường nhìn nhận không thể diễn tả được yếu tính của niềm tin mà chỉ có thể diễn tả yếu tính niềm tin đó theo những cách thế của con người tùy thuộc vào trình độ, thời đại, nền văn hóa khác nhau. Chính vì có những khác biệt trên bình diện cách biểu lộ sống đạo nên có nhiều tôn giáo khác: Thiên chúa giáo là một đạo độc thần, độc tài theo ông Đào Trinh Nhất, thực ra vẫn chấp nhận lối nhìn phân biệt trên; có điều đáng tiếc trong lịch sử đã xảy ra nhiều hiểu sai lệch lạc mà thôi như khi chủ trương ngoài giáo hội không được cứu rỗi. Ngày nay Kitô giáo coi các đạo như một "mùa vọng" của Kitô vì tất cả đều là những biểu lộ khác nhau của chân lý theo Kitô giáo. Như vậy thái độ gọi là tập hợp (syncrétisme) mà phương Tây gán cho những người theo Tôn giáo chẳng qua chỉ bày tỏ lối nhìn hời hợt lệch lạc của chính phương Tây mà thôi.
3) Khi những người viết báo gốc miền Nam bị ông Phan Khôi phê phán nặng nề, chê trách ông là người lắm chuyện thì đó không phải là vì đuối lý nên tránh né tranh luận thẳng với ông, mà có thể là vì nhìn vấn đề trên một bình diện khác, bình diện lý luận của tình cảm đạo đức (senetiment moral). Tình cảm đạo đức không phải là cảm tính, cảm giác mà bao hàm một nhận thức gắn liền với những giá trị đạo đức. Thay vì chỉ biểu lộ nhận thức trên bình diện thuần túy suy luận, chọn biểu lộ bằng những tình cảm sống thực như lòng trung thực, lòng tôn kính, yêu thương, đối với những con người cụ thể. Trong giao tế, quan hệ chủ khách (vào một gia đình, đến ở một địa phương) người khách cư xử tế nhị trân trọng người chủ, nên tránh phê phán, nhất là một cách thô bạo dù điều chỉ trích thật là chính đáng đi nữa, huống chi nếu chỉ là điều người chủ khác mình về ý nghĩ, nếp sống, phong tục, càng phải thận trọng, tế nhị, vì điều cốt yếu là làm sao ăn ở với nhau cho chan hòa, chứ không phải để tranh luận về mọi vấn đề xem ai đúng ai sai; khi anh đến nhà người ta, hay đến một địa phương, thấy người ta thờ những ân nhân của gia đình, những danh nhân của địa phương có thể không hợp với lối nhìn đánh giá của anh, đôi khi chỉ vì thiên kiến, hiểu sai lầm, anh lên tiếng đề nghị, yêu cầu người ta dẹp đi, hay lên mặt dạy khôn.
Dĩ nhiên có những cách tiếp cận khác, nhưng xử sự như Phan Khôi thì không phải lẽ. Ông Phan Khôi có thể nói đúng về mặt lý luận. Nhưng ông đã coi trọng lý luận hơn tình cảm sống chan hòa với người chung quanh. Những người viết báo gốc miền Nam sở dĩ cảm thấy buồn phiền, bị xúc phạm vì thái độ lý luận của những ông Phan Khôi, Phạm Duy Tôn, Phạm Quỳnh, Đào Trinh Nhất xuất phát từ chỗ không coi trọng tình cảm bằng cái lý trong mối quan hệ giữa người với người. Như vậy, không có vấn đề hơn kém về lý luận mà chỉ có sự khác biệt về lựa chọn lối nhìn; Một đàng lối nhìn theo luận lý hình thức, một đàng theo luận lý của lương tri quần chúng, của tình cảm đạo đức. Mỗi lý luận đều có cái lý của mình. Ông Đào Trinh Nhất đã chỉ nhìn nhận cái lý của lý luận thuần lý, nên không thể hiểu được cái lý của thực tế tôn giáo mà ông đã kết án một cách tiên nghiệm (apriori) là mê tín dị đoan. Ông đã làm một việc vô ích khi muốn dùng lý luận thuần lý để thuyết phục những người theo ông là mê tín dị đoan và tệ hơn nữa, bằng cách xúc phạm đến họ khi ông coi họ là vô học.
Tóm lại, trước sự kiện những người trí thức miền Nam cũng am hiểu Nho học, Tây học như các đồng nghiệp miền Bắc có một lối lập luận lại không có vẻ gì là trí thức, chúng tôi đã thử đưa ra một giả thuyết giải thích dựa vào hai lối nhìn, hai bình diện lý luận. Diễn tiến lịch sử nhận thức con người, bắt đầu bằng lý luận theo lương tri, tình cảm, từ thực tế, rồi bằng lý luận thuần lý, hình thức, sau lại trở về với lý luận theo lương tri, tình cảm, từ thực tế dưới nhiều dạng học thuyết những ý hướng chính vẫn chỉ nhằm phục hồi, đào sâu khai triển những khía cạnh của lý luận theo lương tri, tình cảm thực tế. (1)
<<(1) Chúng tôi nghĩ đến những triết thuyết hiện đại ở phương Tây chống lại xu hướng duy lý của thế kỷ XIX.>>
Con người ở vùng đất mới, thực hiện những cuộc trở lại khởi điểm về mọi phương diện: Trở về với cái đích thực, cái nhân loại, cái chân chất, cái sống thực (le créen), cái tình người, không phân biệt lý trí với tình cảm, lý luận với thực tế, văn chương bác học với văn chương đại chúng. Chúng tôi cho rằng nhìn những sinh hoạt văn hóa của người miền Nam trong một viễn tưởng diễn tiến lịch sử như trên, mới có được một hiểu biết nghiêm chỉnh với một đánh giá công bằng, xóa bỏ những tự tôn, tự ti mặc cảm giả tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét