Khiemnguyen

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Công chúng truyền thông hiện đại (phần 1)


(Nguyễn Bùi Khiêm) Lang thang trên mạng, tranh thủ nguồn thông tin vô hạn do Internet mang lại, ngõ nghiêng tìm kiếm được nhiều cái hay, nhất là những cái liên quan mật thiết đến những nội dung mà ta và nhiều người đã vào đây đang quan tâm và mong muốn có thêm tư liệu mà cá chép. Thấy cái bài này hay hay, cá chép về đây để lưu trữ và có thể là cơ hội cho ACE đồng nghiệp có cái mà cá chép…
Những năm đầu của thế kỷ XXI ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ của các loại hình phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như sự cạnh tranh gắt gao giữa báo, tạp chí in, phát thanh, truyền hình, báo trực tuyến trong cuộc ganh đua giành công chúng truyền thông đại chúng (TTÐC). Hệ quả của quá trình này là công chúng được “sống” trong một môi trường truyền thông rộng mở, đa dạng loại hình, phong phú nội dung đến mức nếu không biết cách tiếp cận và “tiêu thụ” thông tin thì họ có thể mất phương hướng trong biển thông tin đa dạng, đa chiều đến mức độ bão hoà hiện nay. Ở thế kỷ trước, con người ta cần phải có văn hoá để không bị “đói” thông tin, không bị loại ra khỏi dòng chảy chung của xã hội thì ở những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI này, để tồn tại trong một xã hội thông tin, con người lại phải trang bị cho mình tri thức và văn hoá tiếp nhận, tự tạo một “bộ lọc” để không bị “nhấn chìm” trong đại dương thông tin bao quanh họ. Thực tế cho thấy, điều kiện kinh tế - xã hội được cải thiện cùng với tốc độ phát triển của khoa học, công nghệ đã tạo cho công chúng nhiều cơ hội, nhiều thời gian hơn để tiếp cận với truyền thông đại chúng. Ði kèm với đó là sự gia tăng độ lớn của công chúng và kéo giãn khoảng cách lứa tuổi của công chúng TTÐC. Phân công lao động rõ ràng, trình độ dân trí nâng cao, các yếu tố về môi trường xã hội cũng là những tác nhân tạo nên xu hướng chuyên biệt trong nhu cầu truyền thông và mục đích sử dụng thông điệp truyền thông của một vài nhóm công chúng, song hành với nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của công chúng TTÐC. Tiện ích của các phương tiện truyền thông mới góp phần tạo ra những thay đổi rất rõ nét trong tập quán truyền thông của công chúng TTÐC, trong cơ cấu công chúng TTÐC, thậm chí tạo ra những nhóm công chúng TTÐC mới với những nhu cầu đặc tính, tập quán truyền thông mới.
Khả năng lưu trữ và tìm kiếm thông tin trong một môi trường truyền thông năng động và có tính tương tác cao giữa chủ thể truyền thông và đối tượng, thậm chí giữa những chủ thể truyền thông với nhau đã tạo một “cú hích” thúc đẩy nhu cầu được tìm kiếm, chia sẻ, trao đổi thông tin, được bày tỏ quan điểm cá nhân, được phản hồi những thông điệp truyền thông v.v… của công chúng TTÐC. Công chúng TTÐC từ chỗ là những đối tượng tác động của các nhà truyền thông, trong nhiều trường hợp đã thực sự trở thành những nguồn thông tin. Hoạt động của công chúng TTÐC trong chu trình truyền thông không còn đơn giản là “tiếp nhn” hay “phn hi” mà thêm cả “phát tán” thông tin. Hiện nay, thuật ngữ “nhà báo công dân” không còn mấy xa lạ. Nhiều dịch vụ công nghệ hiện đại, tận dụng tài nguyên internet như weblog, podcast, youtube, mạng xã hội… đã ra đời để phục vụ cho nhu cầu “được nói” của lớp công chúng TTÐC mới. Giờ đây, thuật ngữ wemedia hay social communication đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Ðể bước đầu nhận biết về một văn hoá ứng xử với truyền thông theo cách tiếp cận mới của công chúng TTÐC hiện đại, chúng ta hãy cùng nhìn lại những đặc tính của công chúng TTÐC vốn đã được công nhận trong khoa học nghiên cứu về truyền thông.
Hoạt động nghiên cứu công chúng TTÐC gắn liền với lịch sử nghiên cứu truyền thông đại chúng nói chung và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận từ đầu thế kỷ XX. Trong những nghiên cứu về truyền thông đại chúng ở giai đoạn trước, khi chưa có những bước đột phá về công nghệ truyền thông s hoá, Công chúng truyn thông đại chúng là khái niệm dùng để chỉ đối tượng tác động của hoạt động truyền thông đại chúng, bao gồm độc giả, khán giả, thính giả của các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí in, truyền hình hay phát thanh. Trong mối tương quan giữa các yếu tố trong quá trình truyền thông đại chúng truyền thống thì công chúng chính là đối tượng tiếp nhận, đối tượng tác động của truyền thông đại chúng.
Công chúng truyền thông đại chúng bao gồm nhiều tầng lớp và cộng đồng cư dân khác nhau về vị thế xã hội trong cơ cấu xã hội, khác nhau về điều kiện vật chất và tinh thần trong môi trường xã hội. Công chúng truyền thông đại chúng là tập hợp xã hội rộng lớn, giữa họ không có mối liên hệ trực tiếp nhưng đặc tính giao tiếp của số đông cho thất tính chất tập thể của hoạt động giao tiếp đại chúng, tạo nên các tương tác xã hội giữa nguồn phát và người nhận thông điệp. Max Weber có quan điểm rằng truyền thông như là phương tiện của các tương tác xã hội làm sáng tỏ các ý nghĩa mang tính chủ quan của một bên là hành động xã hội và bên kia là định hướng xã hội.
Sự tồn tại của công chúng truyền thông không mấy rõ rệt, một phần là bởi kiến thức về công chúng ít mang tính trực tiếp và tức thời. Công chúng truyền thông là vô hình và không ai biết ai.
Theo quan điểm của nhà xã hội học Herbert Blumer, công chúng (của các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống) có những đặc điểm cơ bản như sau:
- Bao gồm những người thuộc mọi tầng lớp xã hội, bất kể giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị, trình độ học vấn… Họ có những đặc trưng dị biệt.
- Công chúng truyền thông đại chúng thường là những cá nhân nặc danh. Khi một hoạt động truyền thông hướng tới đại chúng, chúng ta không thể biết rõ đối tượng tiếp nhận cụ thể là ai. Một thông điệp trong quá trình truyền thông đại chúng có thể tiếp cận bất cứ ai.
- Các thành viên của đại chúng thường cô lập nhau xét về mặt không gian, ít có sự tương tác.
- Công chúng truyền thông đại chúng không có tổ chức hoặc nếu có thì rất lỏng lẻo. Bởi vậy, họ thường rất khó tiến hành những hoạt động chung.
Công chúng truyền thông đại chúng không phải là một khối người thuần nhất mà trái lại, thực sự là một thực thể phức tạp, đa dạng. Công chúng bao gồm nhiều nhóm, nhiều giới, nhiều tầng lớp xã hội và giai cấp khác nhau với những đặc trưng đa dạng, quyền lợi đôi khi không tương đồng.
Cũng cần lưu ý rằng khi nói công chúng truyền thông đại chúng bao gồm những cá nhân phân tán, thực chất nhận định này cũng chỉ mang nghĩa tương đối về mặt không gian. Một kênh truyền hình có thể có khán giả từ nhiều quốc gia khác nhau, có nền văn hóa, thậm chí là bản ngữ khác nhau. Nếu nhìn từ góc độ quan hệ xã hội, công chúng của các phương tiện truyền thông đại chúng không hoàn toàn cô lập. Họ có thể là người trong cùng gia đình, cùng công sở… và họ vẫn không thể nằm ngoài các mối quan hệ xã hội như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… Thêm vào đó, cũng cần khẳng định rằng tuy công chúng gắn kết lỏng lẻo và khó có các hoạt động chung nhưng truyền thông đại chúng chính là động lực liên kết những khối công chúng không có tổ chức trong một số hoạt động chung có ý nghĩa xã hội rộng lớn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét