TẮT ĐÈN – TIỂU
THUYẾT CỦA NGÔ TẤT TỐ
|
Phú Hương
(Báo Đông phương, số 10,
ngày 01/9/1939)
|
Phong trào viết tiểu thuyết trong năm sáu năm lại đây đã lan rộng. Những tác phẩm có giá
trị hoặc ít hoặc nhiều đã thấy nhan nhan trong kho tiểu thuyết Việt Nam. Nhưng tìm cho được những cuốn tả rõ tình cảnh thôn quê với mọi điều khuất
khúc của nó thật là hiếm.
Sâu lũy tre xanh những sự tàn bạo ghê gớm, những chuyện hạ lạm hèn mạt, những cảnh đói nghèo tai hại là những
trò cơm bữa. Sống trong các tiểu thuyết gia nào có mấy ai chú ý!
Vừa rồi ông Ngô Tất Tố đã làm một điều mà phần đông văn sĩ xứ ta
không để mắt tới. Ông đã làm trong cuốn Tắt đèn của ông và ông
đã thành công một cách vẻ vang hết sức.
*
Có gì nguy hiểm, khổ sở cho dân quê bằng
việc chạy thuế! phải bán vợ đợ con, phải đánh đập tàn nhẫn, phải
nhịn đói nhịn khát... chỉ vì miếng “bài chỉ” kia! Trong lúc như thế, anh
cùng gia đình phải trải qua trăm sự đày đoạ; nhưng nhờ đó lắm hạng người khác được
ung dung, được no say be bét, được tha hồ đục khoét.
“Dậu, anh dân cày nghèo kiết xác, đau yếu, chạy
vạy đã đủ đường, nhưng rốt cuộc không tìm đấu ra tiền thuế. Anh bị đánh
trói, bị giam đói, đến nỗi vợ anh phải đem con đi bán để nộp thuế cho anh. Nhưng khốn nạn! đứa con chỉ đáng giá một đồng
bạc, chị Dậu phải bán luôn cá bầy chó để đủ tiền nộp thuế cho chồng. Mà đã yên đâu!
Anh Dậu còn phải chịu thuế cho đứa em trai đã
mất, vì theo lời bọn cường hào - Chết cũng không trốn được sưu nhà nước! Là
vì thằng em... mới chết tháng giêng An Nam mà sổ “thông quy” của làng đã làm từ
đầu năm tây...
Thế là chị Dậu lại phải lo chạy. Nhưng bọn cường hào,
lính phủ cứ giở thói hành hung. Quan “Phụ mẫu” không xét lại bắt giam chị chỉ vì say đắm nhất thời cái nhan sắc óng ả, nuột nà, tỏ ra vẻ cầu Lim, đình Cẩm của chị.
“Một phen khiếp hãi, chị lại bán thân đi ở vú cho “quan cụ” để
vắt sữa hầu “cố” (mẹ quan tổng đốc). Con chị phải gửi cho kẻ khác nuôi. Những số long đong,
chị lại phải gặp một lão “dê xồm” nữa...
*
Cốt truyện của Tắt đèn rất gần sự
thật. Những cảnh tượng như thế hoặc gần như thế, luôn luôn xảy ra ở thôn quê xứ ta. Đọc ông Ngô Tất Tố, người ta phải khâm phục sự quan sát
tường tận, kỹ càng của ông. Mỗi lúc ông tả những nhân vật sau luỹ tre xanh, y như ta thấy ngay được trước mắt. Còn câu nào để
tỏ rõ sự hống hách lạm quyền, đầu cơ của bọn cường hào bằng câu nói cùa tên lý trưởng (xã trưởng):
...Chúng tôi làm vua, làm việc, quanh
năm đầu chầy đít thớt, chỉ có những lúc “hồng thuỷ chướng giật”
và những khi”sưu thuế giới kỳ” như thế này thì mới
có quyền tha hồ đánh, tha hồ trói, trai làng thằng nào bướng
bỉnh... đánh chết vô tội vạ.
Bởi thế, cái giá trị con người ở nơi thôn dã nhiều khi thua súc
vật.
Một đứa bé chưa hiểu rõ thân phận của mình,
lại “dám cả gan” không ăn cơm thừa của chó, thì một bị dân biểu nhà
giàu, có thể “hầm hầm nét mặt” quát mắng:
Mày không ăn thừa cơm chó phải không?.
Và những khi chồng bị trói ở đình làng, vợ phải
đem con và chó đi bán để kiếm tiền nộp thuế, cái nhà tranh xiêu vẹo chỉ còn hai
đứa trẻ lăn lộn với nhau đến nỗi:
Đôi mắt nó mọng và đỏ như đôi quả nhót.
Mồm mép chân tay, lưng bụng, cổ áo của nó bê
bết một lượt cứt với nước đái, đất làm hoà nhau.
Ghệ gớm quá! Thảm hại quá! Nhưng tất cả những điều
đó không hãm chân sự thúc thuế. Nó cay nghiệt, độc ác là chừng nào:
Nếu không có tiền nhiều nộp sưu cho ông bây giờ thì ông sẽ dỡ cả nhà mày đi, chừỉ mắng mà
thôi à.
Tuy vậy đã là người, dẫu là đàn bà nhà quê đi nữa, cũng có lúc không thể đè nén đối với những sự tàn
bạo, sự căm tức của lũ lộng quyền, họ đã mất cả sự sợ sệt, họ liều lĩnh:
Thôi ngồi tù. Để cho chúng nó
làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu
được...
Nhưng nào có bị tù! Quan phủ chỉ “kêu án” chị bằng
cách nắm tay chị, lôi lại và ngọt ngào:
Hãy vào trong gường này đã... mày đánh lính trong
khi làm việc phận sự, tội nặng lắm... Vào đây... rồi tao châm chước đi
cho...
*
Kể làm sao hết được những câu nói có giá trị, mỗi một
câu đủ lột trần được tâm lý của một hạng người ở sau luỹ tre xanh. Ông Ngô
Tất Tố đã khéo làm cho người đọc trông thấy những cảnh đau
khổ bất bình đã xảy ra với một lối văn rõ rệt, giản dị, rất linh hoạt. Ông làm cho ta hồi hộp, căm tức, thương hại, có lúc sung sướng nữa vì người đàn bà bị lắm
nỗi áp bức quá đã liều mạng:
Rồi chị túm lấy cổ áo hắn (cai lệ) ấn dúi ra
cửa. Sức lẻo kkoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người
đàn bà lực điền, hắn ngã chổng quèo trên mặt đất, miệng vẫn
lảm nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.
... Nhưng đó không phải là đặc sắc duy nhất của ông Tố. Nghệ thuật
tả cảnh của ông đã đến một trình độ khá cao có thể cho phép ta đặt ông ngang
hàng với các nhà văn sĩ trong Tự lực văn đoàn về mặt ấy. Những câu tả cảnh
thân tình rất nhiều. Ở đây chỉ đơn cử ra một câu cũng đủ:
Vừng trăng thăm thẳm từ trên đỉnh đầu chiếu xuống.
Bầu trời trong vắt như một khối thuỷ tinh. Gió nồm
từ các ngọn cây đưa lại hiu hiu. Bóng lá tre in dưới sân rêu luôn luôn lay động
như đám bèo nổi trôi trên mặt sóng.
Người đọc không ngạc nhiên khi rõ ra rằng ông Ngô Tất
Tố là một nhà Nho học chuyên viết báo từ trước lại giờ, đã từ địa hạt
báo giới nhảy sang địa hạt tiểu thuyết, mà Tắt đèn lại là tác phẩm
đầu tiên của ông! Không ai ngờ tác giả đã đi tới một kết quả rực rỡ đến
thế! Ông Tố đã khiến cho bọn thanh niên tây học phải ghen tị cái tài của ông, vì địa
hạt tiểu thuyết phần nhiều chỉ là địa hạt của bọn trẻ tuổi và có Pháp
học như nhà văn Vũ Trọng Phụng đã nói trong bài tựa Tắt đèn.
Nhưng nếu bảo rằng: Tắt đèn là một “thiên kiệt tác” thì
có hơi quá. Nghệ thuật của ông Tố còn có chỗ đáng chỉ trích.
Như trên đã nói, ông Tố là một nhà nho học mới
đi qua địa hạt tiểu thuyết lần đầu. Vì thế ông chưa thoát
khỏi di tích Hán học. Chuyện ông kể theo lối Á Đông hơn là theo lối Tây Âu, do
đó nó làm mất sức tưởng tượng của người đọc. Tuy cuốn truyện có chia ra từng chương
một, nhưng nó đi luôn một mạch từ đầu đến cuối, chuyện nọ liên tiếp chuyện
kia, giá bỏ lối chia chương cũng vô hại.
Rõ rệt hơn nữa là trong mỗi chương hễ muốn kể chuyện gì là tác giả
thường bài trí cảnh vật quanh đó trước đã rồi mới đi sâu vào chuyện. Lối kể ấy có vẻ kinh điển như một bài thơ
ngôn bát cú, nó mất vẻ linh động của câu chuyện mà đổng thời nó không khêu gợi
tính hiếu kỳ của người đọc.
Vả lại trong Tắt đèn hình như tác giả không nỡ để những đàn bà bị ô
nhục: hai lần bị lôi kéo, hai lần chạy thoát được Người ta sẽ nói ông Tố “giữ
trinh” cho nhân vật của ông quá, mà chính là một đặc điểm của phái nho học xưa
nay. Họ đã bị luân lý nho giáo ảnh hưởng nhiều nên họ muốn cho câu chuyện được trong
sạch. Nếu gặp phải một văn sĩ Tây học khác, có lẽ câu chuyện sẽ được kết cấu
một cách đột ngột hơn, người đọc sẽ không hiểu thân “chị Dậu” trong bóng tối sẽ ra thế nào.
Và muốn bài phê bình được đầy đủ, tôi
cũng xin nhắc luôn rằng tác giả cuốn Tắt đèn đã dùng một tiêu đề “tối
tăm” không xứng đáng với giá trị, với nội dung cuốn truyện.
Những khuyết điểm ít nhiều tôi vừa kể trên, không thể xoá nhoà giá
trị đặc biệt của cuốn Tắt đèn. Tác phẩm ấy đáng cho tất cả mọi người không hiểu rõ về
thôn quê đọc. Nó đã tố cáo sự bất công lạm quyền, đau đớn, đói nghèo mà
hạng dân ở nơi vùng lầy nưóc đọng hiện đang trải qua. Nó đã đem phô bày ra ánh sáng
một vấn đề tối quan trọng trong lúc nầy:
“Làm sao để cải thiện đời sống tối tăm của dân quê?”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét