Khiemnguyen

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Hoàng Tích Chu và Đông Tây tuần báo



(Nguyễn Bùi Khiêm)Nhân có các bạn hỏi về Hoàng Tích Chu – người góp phần canh tân báo chí Việt Nam, tôi muốn trả lời rằng, trước hết Hoàng Tích Chu là người thuộc phái Pháp học, đi tu nghiệp làm báo ở Pháp về và làm báo ở Hà Nội. Trong bối cảnh  đến đầu những năm 20 của thế kỷ, nền báo chí Việt Nam đã được định hình” (Phan Quang) thì sự góp mặt của những cây bút Tây học tạo ra sự khác biệt quan trọng trong đời sống báo chí nói chung và lối viết báo nói riêng, Hoàng Tích Chu đã khơi mào cho điều đó. Để hiểu được phản ứng của báo giới đương thời với Hoàng Tích Chu, xin gửi đến các bạn một số tài liệu liên quan trực tiếp đến sự nghiệp báo chí của Hoàng Tích Chu.

Báo Đông tây (1929-1932) là tờ báo do nhóm Hoàng Tích Chu, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính cùng sáng lập, sau khi ba người này thôi làm trợ bút cho Ngọ báo, vào cuối năm 1929. Chủ nhiệm và quản lý tờ báo là Hoàng Tích Chu (1897-1933), khi đó là nghị viên dân biểu Bắc kỳ. Ban đầu tên báo là Đông tây tuần báo (từ 15.12.1929), ra vào mỗi thứ bảy; từ số 59 (thứ tư 1.4.1931) báo ra 2 kỳ/tuần vào các ngày thứ tư và thứ bảy, và để phù hợp, tên báo rút lại chỉ còn là Đông tây; từ số 174 (thứ bảy 28.5.1932) Đông tây trở thành nhật báo (tất nhiên chưa phải là nhật báo hoàn toàn: hai ngày thứ hai và thứ ba ra chung một số, các ngày còn lại trong tuần mỗi ngày một số). Đang lúc là tờ báo bán chạy nhất nhì tại Hà Nội thì Đông tây bị tịch thu giấy phép; báo dừng lại vĩnh viễn ở số 222 (thứ hai 25 và thứ ba 26 Juillet 1932)[1].
Theo một hồi ký của Dương Thiệu Thanh xuất bản năm 1969 ở Sài Gòn thì lý do báo Đông tây bị đóng cửa là vì báo này lúc đó đang mở một đợt công kích Phạm Quỳnh, khai thác cuộc phỏng vấn của một ký giả Pháp sang thăm Đông Dương  đối với Chủ nhiệm Nam phong về đề tài thanh niên Việt Nam. Bài phỏng vấn ấy đăng trên các báo tiếng Pháp ở Đông Dương, được Hoàng Tích Chu trích dịch cho đăng Đông tây và mời các bạn trẻ lên tiếng tranh luận lại trước những nhận xét tiêu cực của Phạm Quỳnh về thanh niên đương thời. Theo một bài của tác giả Tế Xuyên trên báo Phổ thông (xuất bản ở Sài Gòn, 1958-1974) được tác giả hồi ký trên trích dẫn, thì Hoàng Tích Chu “không tính đến khía cạnh chính trị của việc anh làm. Anh đã động đến một nhân vật [Phạm Quỳnh] mà Tổng Giám đốc Liêm phóng Đông Dương Louis Marty bảo vệ. Chính Louis Marty đã trợ cấp cho Nam phong để tuyên truyền cho văn hoá Pháp, cổ võ giới thượng lưu có cảm tình với Pháp. Bỗng nhiên có tờ báo dám động đến người mà Louis Marty che chở: muốn hạ uy tín của người ấy thì thôi rồi đời tờ báo! Tờ Đông tây chưa nhận được bài nào của độc giả trả lời cho Phạm Quỳnh thì đã nhận được thư của phủ Thống sứ Bắc kỳ đóng cửa tờ báo”[2]. Vẫn theo tác giả hồi ký dẫn trên, sau khi Đông tây bị đóng cửa, Hoàng Tích Chu được Chủ nhiệm tờ Thời báo là Phùng Văn Long đồng ý cho chủ trì tờ báo ấy mà không cần phải đứng tên làm Chủ nhiệm; quả nhiên dư luận Hà thành nhận thấy tinh thần và phong cách của tờ Đông tây được làm sống lại dưới nhãn Thời báo. Nhưng chỉ sau chừng một tháng, ra được khoảng vài chục số, Thời báo lại bị tịch thu giấy phép. Hoàng Tích Chu ngã bệnh và mất vào 30 Tết Quý Dậu. [3] 
Phan Khôi có bài đăng Đông tây tuần báo từ 1930, nhưng khi ấy là  do báo này đăng lại của báo Trung lập trong Nam. Hoàng Tích Chu tỏ ra thích thú nét tinh quái của ngòi bút Thông Reo (bút danh Phan Khôi dùng khi viết hài đàm) trong một bài viết (Ông Huỳnh Thúc Kháng bỏ mất cái bóp-phơi) ở mục Những điều nghe thấy trên Trung lập, ông đã cho đăng lại lên Đông tây tuần báo, hơn thế, còn viết bài hưởng ứng.[4] Phan Khôi cũng có sự đánh giá tích cực đối với “lối văn Hoàng Tích Chu”, lối văn đã có lúc trở thành đề tài tranh cãi của báo giới Bắc Hà, trong khi có tác giả như Ngô Tất Tố lại tỏ rõ sự đánh giá tiêu cực.[5] Cảm tình của họ Phan đối với lối văn viết báo mới mẻ ấy chắc chắn không phải là sự “có đi có lại” giữa một người viết báo với một chủ báo; cảm tình ấy xuất phát từ chỗ cả hai người viết báo này đều đang hướng tới việc đổi mới câu văn lời văn tiếng Việt trên báo chí, tránh những lối diễn đạt dài dòng; trong thử nghiệm đổi mới lối viết, cả hai đều chú ý đưa ngôn ngữ hàng ngày sống động vào câu văn tiếng Việt (Phan Khôi chú ý khai thác ngôn từ hàng ngày của cư dân Trung Nam, Hoàng Tích Chu chú ý dùng lời nói hàng ngày của cư dân miền Bắc). Một trùng hợp thú vị là nếu Phan Khôi khi đóng vai Tân Việt (trên Đông Pháp thời báo và Thần chung) hoặc Thông Reo (trên Trung lập) để viết hài đàm, đã noi theo lối viết của hai nhà báo Pháp cùng thời là George de la Fouchardière và Clément Vautel, thì Hoàng Tích Chu cũng coi hai nhà báo này cùng với Pierre Bertrand là ba giọng văn mới, đáng học, trên báo chí Pháp đương thời.[6]   
Trên Đông tây, Phan Khôi đăng bài nhiều nhất là vào năm 1931. Có những đề tài dường như Phan Khôi thiên về dành cho độc giả ngoài Bắc, ví dụ các vấn đề về Hán học, về Nho giáo; lại có những đề tài khởi thành tranh luận từ chính tờ Đông tây, rõ nhất là cuộc tranh luận về quốc học. Chính bài “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, bài báo sẽ đi vào văn học sử Việt Nam thế kỷ XX như là điểm khỏi đầu phong trào thơ mới, Phan Khôi cũng muốn cho ra mắt độc giả ngoài Bắc sớm hơn, bằng việc dành in sớm nhất trên Tập văn mùa xuân (Nhâm thân 1932) của Đông tây ở Hà Nội,  trước khi cho đăng trên Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn. Nhìn chung trong năm 1932, Phan Khôi dành phần lớn các bài viết thuộc nhiều loại khác nhau cho 2 tờ báo trong Nam (nhật báo Trung lập và tuần báo Phụ nữ tân văn), cho nên số bài dành đăng Đông tây ở Hà Nội ít hơn, thường là những bài đáp lại dư luận, ví dụ dư luận làng báo ngoài Bắc đối với việc Phan Khôi đưa ra “một lối thơ mới” kể trên, hoặc dư luận về việc Tản Đà công kích Phan Khôi bằng một hành vi độc đáo: làm án chém đối với cái mà nhà thơ này gọi là “cái tai nạn Phan Khôi lưu hành tại Nam Kỳ” (Phan Khôi không trực tiếp đáp lại Tản Đà, nhưng đáp lại một vài ý kiến xung quanh sự việc ấy).

[1] …“Hôm thứ ba 26 Juillet mới rồi, ông chủ nhiệm báo Đông tây đã thình lình tiếp được nghị định cho hay rằng Chánh phủ đã thâu lại cái giấy phép của Đông tây […] Theo tờ báo Annam Nouveau ở Hanoi thì có một bữa kia, báo đưa đi kiểm duyệt chưa kịp đem về mà ở nhà ông Hoàng Tích Chu lại cho chạy in lần đi được 700 số. Kịp đến lúc báo kiểm duyệt về thì thấy có một bài bị bỏ hết hai câu. […] than ôi! với cái sức thông minh, với cái tài lanh lợi, với bao nhiêu tư cách đáng khen đáng chuộng như thế kia, hôm nay ô. Hoàng Tích Chu cũng đành phải bó gối khoanh tay mà nhìn xem cho tờ Đông tây của mình bị rước đi một cách rất thình lình”. (B.T.M.: Văn đàn tiêu tức //Phụ nữ tân văn, Saigon, s. 163 [11 Août 1932], p.12). Theo một nguồn khác thì “trong năm 1932 Đông tây đăng bài thơ Cái chày ám chỉ việc Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định dùng chày đánh vào đầu gối phạm nhân, báo bị coi là vu khống người nhà nước nên bị đóng cửa” (Hoàng Văn Quang: Người nối nhịp cầu báo chí Đông Tây // An ninh thủ đô, Hà Nội, 23/5/2007).
[2] Tế Xuyên: Hoàng Tích Chu, cây bút mới // Phổ thông, S.G., s. 64&65; dẫn lại theo Dương Thiệu Thanh (1969): Mấy chàng “trai thế hệ” trước (tác giả tự xuất bản),  Sài Gòn, 1969, tr.30.
Lưu ý: Đối chiếu với bài đăng báo thì người phỏng vấn Phạm Quỳnh là Jean Dorsenne (chứ không phải là Pierre Mille như Tế Xuyên nhớ), phóng viên tờ Petit Parisien, sang Việt Nam vào dịp Bộ trưởng Thuộc địa Paul Reynaud thăm Đông Dương. Nhà báo người Pháp ở Việt Nam khi ấy là A.E. Babut viết bài trên Tạp chí Pháp-Việt thuật lại nội dung cuộc phỏng vấn đó của Dorsenne trên tờ Petit Parisien  (chứ không phải một tờ báo chữ Pháp ở Đông Dương như Tế Xuyên nói trong bài) đồng thời tỏ rõ sự không đồng tình với Phạm Quỳnh trong cách đánh giá của ông này đối với thanh niên Việt Nam du học từ Pháp trở về. Báo Đông tây dịch đăng bài ấy của A.E.Babut (Nên tin cậy ở thiếu niên trong nước // Đông tây số 173, thứ tư 25 Mai 1932), trong đó có những đoạn:
…“Ông Phạm Quỳnh đã phàn nàn: ông không theo kịp thời buổi này.
Ông trạc độ bốn mươi nhăm tuổi, đang vào lúc trí tuệ sung túc; người cao và mềm mại, mắt lóng lánh đằng sau đôi kính trắng, miệng nhạo đời.
“Ông thử nhìn tôi xem, ông Phạm nói, tôi chưa hẳn đã già, phải không? Vậy mà tất cả những thiếu niên ở Pháp về, không kiêng nể ai, không hiểu những ý kiến của tôi. Theo ý họ, tôi là người không được hăng hái cho lắm…”
Rồi ông nói một giọng chua cay: “Họ đã coi tôi là một người già lão rồi! Những hạng thiếu niên ấy đều là những ranh con vô giáo dục. Họ chẳng biết kính ai cả; họ muốn phá hoại tất cả mọi việc, họ tự đắc, tưởng đã đủ tài đức để tự lập”.
…Nhưng về những lời ông Phạm Quỳnh xét đoán thiếu niên Annam ngày nay, chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi vẫn biết đã lâu, ông Phạm Quỳnh không ưa không mến thiếu niên cho lắm. Về việc ấy, có lẽ riêng phần ông cũng hơi có sự cay đắng do ở sự người ta phạm đến tính tự trọng của ông và làm ông thất ý. Chắc hẳn ông Phạm Quỳnh cũng đã có hy vọng làm hướng đạo cho thiếu niên Annam. Ông thấy họ không theo nên ông đâm ghét”.  
     Trong lời giới thiệu bản dịch bài trên này, báo Đông tây cho biết: “Riêng về phần Đông tây, tờ báo của thanh niên sẽ có lời đáp lại ông Quỳnh. Và cột báo mở rộng cho tất cả những ai thanh niên muốn ngỏ ý kiến với nhà “học phiệt” ấy”.
      Đông tây số 177 (thứ năm 2 Juin 1932) có bài hài đàm của Lãng Nhân với nhan đề nhại “Ranh con mất dạy” kể 4 tên tuổi lớn, hồi trẻ bình thường, về sau thành danh và kết luận:
“Erasme, Racine, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ, ví hồi nhỏ có gặp nhà “học phiệt” kia thì tiên sinh kính trắng đã lại bĩu cái môi mà lẩm bẩm: – Đồ ranh con mất dạy!” 
     Đông tây số 181 (7 Juin 1932) có mấy dòng ngắn Tin tức về ông Phạm Quỳnh, nhắc lại việc Đông tây hứa sẽ trả lời nhận xét của ông Phạm “thanh niên du học ở Pháp về đều là hạng ranh con mất dạy”. “Nhưng Đông tây chưa nói ra là vì còn muốn đợi xem ông Phạm Quỳnh dùng cách nào đối với ông Babut để chuốc lại một lời thất thố. Tạp chí Pháp Việt đã ra lâu rồi mà chưa thấy nhà “học phiệt” trả lời, đủ thấy rằng chỉ mới một bài của ông Babut, ông Quỳnh cũng đã không vin vào lý nào mà tạ tội được. Vậy, cho lời nói của ông Phạm chỉ là một lời nói “lỡ mồm”, Đông tây từ nay xếp câu chuyện ấy”. 
     Tuy vậy, sau đó khoảng vài chục số, Hoàng Tích Chu lại phải lên tiếng trả lời Trần Khánh Giư (vì trên báo Phong hoá ông này chê chủ nhiệm Đông tây là người đã từng kiếm cơm ở tờ Nam phong mà nay lại nói phạm đến ông chủ của nó): “Tôi đã làm cho Nam phong. Nếu tôi đã được điều gì ở ông Quỳnh, tôi chẳng từng quên, tôi cũng đã từng nhiều lần nói lên trên báo. Nhưng ông Quỳnh không phải là ông Trời con trọn vẹn mà Kế Thương này chưa hẳn là cục thịt đứng yên. Trên trường ngôn luận, trong vòng chánh giới, cái điều hay của người, ta không nên dấu, thì cái dở của người, ta có phép nào che” (Cái sẩy suýt nẩy cái ung // Đông tây, Hà Nội, s. 205, 4&5 Juillet 1932).
Tiếp đó, Hoàng Tích Chu viết liền mấy bài ngắn, so sánh Nguyễn Văn Vĩnh với Phạm Quỳnh, nhận xét “ông Quỳnh hẹp lượng hơn ông Vĩnh” (Chỗ khác nhau // Đông tây, Hà Nội, s. 206, 6 Juillet 1932); nhận xét: ông Quỳnh là “học trò chăm học”, là “thày ký chịu học”, là “nhà báo còn học”, là “nhà chính trị còn có mùi học”… nhưng cũng vì thế mà “cái óc nghĩ của ông Quỳnh không được rộng, nó thật gay go như óc nghĩ của mấy ông đầu hói trong bộ Latinh bên Pháp: ai nói động đến là cuống lên, không mấy khi dự hội, ra phố; ghét nhà báo đến phỏng vấn” (Khí tiểu // Đông tây, Hà Nội, s. 208, 8 Juillet 1932); giải thích với công chúng “tôi xét ông Quỳnh bằng lối người vô học trông người có học, người trẻ tuổi nhìn người nhiều tuổi”, “ấy chỉ là một bài học cho bọn thiếu niên về môn xét người xét việc” (Tôi nghĩ khác // Đông tây, Hà Nội, s. 209, 9 Juillet 1932).    
Tuy vậy, nhận định dẫn trên của Dương Thiệu Thanh (1969) căn cứ vào hồi ức của Tế Xuyên cũng chỉ nên được xem là tài liệu tham khảo; lý do thật sự của việc báo Đông tây bị đóng cửa vẫn chưa thể coi là đã được làm rõ hoàn toàn. 
[3] Chương Đài: Hoàng Tích Chu, ông tổ văn mới // Tràng An, Huế, s. 169 (30 Octobre 1936).
[4] Bài của Hoàng Tích Chu: Còn cái bóp-phơi của tôi, bác Thông Reo? // Đông tây tuần báo, 25 Octobre 1930; Ngô Tất Tố (ký Thiết Khẩu Nhi) cũng hưởng ứng bằng bài Ông Thông Reo tiết lộ việc bí mật của ông Phạm Quỳnh (Phổ thông, 9 Octobre 1930). Xin xem cả 2 bài trong sách: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930 (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn), Hà Nội, Nxb. Hội Nhà Văn và Trung tâm VH&NN Đông Tây, 2005, tr. 957-959, 991-992. 
[5] Cuộc tranh luận này, mà Hoàng Tích Chu gọi là “một cuộc bẻ văn”, xuất phát từ việc Thục Điểu (Ngô Tất Tố) trên báo Đông phương bắt bẻ một vài câu văn của Hoàng Tích Chu; họ Hoàng đáp lại trên Đông tây tuần báo (ví dụ bài Một dịp cho tôi nói về lối văn Hoàng Tích Chu đăng liền 5 kỳ báo từ 27 Juin 1931 đến 22 Juillet 1931); Phan Khôi nói đến cuộc tranh luận này trong bài Văn nghị luận phải viết thế nào? (Phụ trương văn chương số 12, Trung lập 18 Juillet 1931), trong đó ghi nhận rằng: “Trong văn quốc ngữ ta, cái lối viết của ông Hoàng Tích Chu thật nó biệt hẳn ra một lối, đủ mà kêu được là “lối văn Hoàng Tích Chu”, sự ấy trong làng văn ta hình như đã công nhận một cách vô tâm rồi”, đồng thời cho rằng “Lối văn Hoàng Tích Chu ấy mà muốn vĩnh viễn thành lập trên văn đàn, bề nào cũng phải cải lương […] không cốt ở sửa đổi đẽo gọt bề ngoài, phải nhờ ở công học vấn bên trong mới được”. 
[6] Xem : Hoàng Tích Chu: Một dịp cho tôi nói đến lối văn Hoàng Tích Chu // kỳ IV: Văn Hoàng Tích Chu có từ hai quyển sách viết được ở Pháp // Đông tây, 18 Juillet 1931.
Nguồn: http://viet-studies.info
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét