SỰ TIẾN TRIỂN CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
|
Vũ Ngọc Phan
(Tạp chí Tiên Phong, số 3, ngày 16/12/1945)
|
Trong tám mươi năm Pháp thuộc, sự đàn áp của bọn
thực dân đối với dân tộc Việt Nam không những đã diễn ra trong trường chính
trị và kinh tế, mà còn cả trong phạm vi văn hoá nữa.
Dưới một chế độ cấm đoán tân
thư, ngăn ngừa sự phát triển tư tưởng mới, dưới một chế độ hẹp hòi
và khe khắt, tuy những loại văn chính trị, xã hội không nẩy nở được, nhưng nếu
theo sự tương đối, những loại văn chương
thuần tuý đã tiến triển một cách khả quan.
Chỉ trong vòng ba mươi năm mà văn học Việt Nam đã
tiến hoá rất mau, phân ra đủ các loại thơ văn, như ở những nước đã trải nhiều phen biến đổi.
Ở những nước mà nền văn học đã vững
vàng, những văn phẩm hay thi phẩm ra đời cách nhau hàng ba bốn mươi năm, người ta
mới thấy có sự khác nhau; nhưng ở nước ta, vài ba năm đã có thể kể như ba bốn mươi năm của
người.
Nhờ sự tiếp cận với văn hoá thế
giới, tràn ngập khắp nơi, không sức gì ngăn cản nổi, nên bước tiến trình của
văn học Việt Nam đã mau lẹ khác thường tuy những mục đích chính của nhà văn
còn chưa đạt được.
Đã thế, cái học cũ của Đông phương chứa chất trong não chúng
ta, mà ông thầy Trung Hoa vẫn là ông thầy giàu về đạo lý, rồi đến cái học
mới của Tây phương mà bà giáo khoa học thật đáng là người cầm cân nẩy mực, đã
gây nên một sự giao hoà đặc biệt, giúp ích rất nhiều cho sự tiến triển của văn học Việt Nam hiện đại.
Thật ra, văn học cũng chẳng khác
nào các loài động vật, thực vật; văn học cũng chịu chung một luật
tiến hoá như như muôn loài. Các loại văn nẩy nở, biến đổi, tự cấu tạo, phát đạt,
chịu đựng sự đào thải, sinh sinh hóa hóa như vạn vật vậy.
Trong khoảng 1915-1930, phong trào dịch thuật và biên khảo ở nước ta
rất là sôi nổi. Những tiểu thuyết Trung Hoa, từ những tập vô giá trị, đến những tập giá trị đều được các nhà văn lục
tỉnh diễn ra quốc âm trước nhất. Rồi ngoài
Bắc, những sách cổ điển và triết học Đông Tây đều được lược thuật hay
biên khảo ra quốc văn và đăng vào các tạp chí văn học. Hình như các
nhà văn ta hồi đó chưa dám nghĩ đến sáng tác, mà có lẽ vì những nguyên do
này thưở xưa, ta đã nghiền ngẫm mãi về kinh sử của Trung Hoa, coi bách gia chư
tử như một kho vô tận, quán tuyệt cổ kim về đường trí tuệ và đạo lý, đến khi nhìn
gần cái học rất phong phú của Tây
phương, ta không khỏi kinh ngạc. Lẽ tự nhiên là đứng trước những cái hoàn toàn
mới mẻ, các nhà văn Việt Nam
trong buổi giao thời phải rụt rè và cho là chỉ có cách đem ngay cái mới ấy cống
hiến đồng bào.
Văn học Trung Hoa cũng đã trải qua một thời kỳ dịch thuật và biên khảo như thế. Các nhà văn hiện đại lớp đầu ở
nước ta, dù là Tây học, cũng đã chịu ảnh hưởng Hán học ít nhiều, nên theo ý các
ông cái gương sáng nhất đáng noi theo là cái gương Trung Hoa mới duy tân trong hồi đó. Có người đã cho cái lối biên dịch trong thời
quốc văn phôi thai ở nước ta do ở sự lười biếng về đường tinh thần và do ở óc nô lệ. Sự chỉ trích ấy có một
phần đúng, nhưng sự thật thì cái lối dịch thuật, biên tập và khảo cứu các sách
tiểu thuyết, các sách tư tưởng hoc thuật của Trung Hoa, của Âu Tây, đã do ở
hoàn cảnh chính trị và cũng do ở cả trình độ tri thức của phần đông dân chúng nữa.
Cái kết quả của phong trào dịch thuật biên khảo hồi đầu ấy là làm cho người đọc so sánh văn học ngoại quốc với thứ văn học phôi thai Việt Nam và đưa dắt nhiều nhà văn lớp sau đến cuôc thí nghiệm các loại văn Âu Tây trong
sự sáng tác. Sự thí nghiệm ấy diễn ra lúc đầu ở văn thể, rồi dần đến ý kiến và tư tưởng.
Về văn
thể chúng ta đã thấy từ lối văn dài giòng, cân đối, dùng đầy chữ Hán, biến chuyển ra một lối văn cộc lốc, đặc nôm na. Đó là hai cái thái cực. Đó
là một phản động lực có nhiều quá đáng, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến cách hành
văn đương thời..
Dần dần
với thời gian, mọi người đéu thấy rằng cần phải có sự phải chăng: văn chương mỗi nước
là tấm gương phản chiếu tinh thần nước ấy, vậy trước hết văn chương Việt Nam cần phải có đặc tính Việt Nam, tuy những sự lôi
thôi dài dòng vẫn là những điều nên tránh.
Đến các nhà văn hiện đại lớp sau, quốc văn không dùng nhiều chữ Hán nữa,
câu văn sáng suốt, không cộc cỡn, ngớ ngẩn như những câu dịch bất thông; văn
lại phong phú, dồi dào, đủ diễn tất cả những ý tưởng cao sâu, nên chẳng bao
lâu, chúng ta có đủ tất cả các loại: nào bút ký, truyện ký, lịch sử, ký sự, phóng sự, phê bình, biên khảo, dịch
thuật, kịch, thi ca, tiểu thuyết. Rồi tiểu thuyết cũng chia ra nhiều thứ phong
tục, luận đề, luân lý, truyện ký, phóng sự hoạt kê, tả chân, xã
hội, trinh thám. Những tính
chất này của tiểu thuyết Việt Nam rất là rõ rệt. Người ta có thể chỉ trích những
tiểu thuyết này bắt chước Âu Tây, những tiểu thuyết kia bắt chước Trung Hoa, nhưng người ta
cũng phải nhận rằng có một số tiểu thuyết tuy chưa đi đến chỗ tận thiện tận mỹ,
nhưng đã có nhiều đặc điểm Việt Nam và đang tiến hoá điều hòa.
Đối với các nhà văn hiện đại,
đoán định hẳn sự tiến hoá của họ là một sự điên cuồng. Tất cả đều chưa dừng
bước, và nhiều người mới bước bước đầu. Chỉ có thể xét nhận khuynh hướng của họ
và tính chất văn học của họ, mà về điều này, cũng nên dè dặt, thận trọng. Đối với những nhà
văn quá cố, người ta còn phải đợi thời gian lọc bớt những cái mờ ám có thể lừa dối con mắt
quan sát, vậy đối với những văn nhân đang suy nghĩ, đang tìm tòi, đang tiến bước và
chưa ngả hẳn về đường nào, ta có thể nào đoán định ngay sự tiến hoá của họ được...
Một điều mà ta nhận thấy trước nhất là thơ văn Việt Nam hiện đại đã tiến
hoá rất đều, đi qua những giai đoạn tình cảm, lãng mạn, ngả về phong tục, lịch
sử, rồi đi đến tả chân là những đặc điểm người ta nhận thấy ở những văn phẩm trội nhất gần đây. Trong các thi phẩm và văn phẩm, người ta lại nhận thấy điều này nữa: sự
bắt chước Trung Hoa đã
tàn hẳn, sự bắt chước Âu Tây cũng phai lạt rất nhiều, và có nhiều thi phẩm, văn phẩm đã có tính chất Việt Nam, có xu hướng dân tộc hoá.
Nhưng có hai cái khuyết điểm lớn là hầu hết các văn phẩm
và thi phẩm hiện đại đều không gần dân chúng và còn thiếu sự sáng suốt của khoa
học. Không gần dân chúng, vì một số đông thi phẩm, văn phẩm chỉ là phản ảnh
những cuộc sống tinh thần và vật chất của một thiểu số trong giai cấp phú hào;
không gần dân chúng vì những thơ văn ấy có tính chất bác học hơn là có tính
chất bình dân. Còn thiếu óc khoa học, là vì các nhà văn, nhà thơ nước ta vẫn
chưa phân biệt được rõ ràng tinh thần cố hữu của Đông phương với những cái cẩu
thả di truyền của Đông phương: một đằng là những đặc sắc nên duy trì, còn một đằng là một sự cổ hủ, trái với tinh
thần khoa học.
Văn học Việt Nam hiện đại đã trải
qua một thời áp bức, đã lượm được ít nhiều kinh nghiệm bằng một giá rất
đắt, nhưng cũng đã tỏ rõ một sự gắng sức trên đường tiến triển, làm cho người
bi quan đến đâu cũng tin cậy được rằng ở vào một chế độ ban hành triệt để những
quyền tự do dân chủ, văn học Việt Nam sẽ nẩy nở khác thường.
Về văn học, chúng ta có thể đặt rất
nhiều hy vọng vào tương lai, nhưng cái điều kiện trước nhất là các nhà văn Việt Nam phải biết nhận xét
cho rõ sự đổi hướng từ lâu của tư tưởng thế giới và hoàn cảnh Việt Nam hiện thời, không
nên ôm chặt những thành kiến cũ và tưởng như thế mới là biệt phái./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét