MỘT NHÀ VĂN
CỦA DÂN QUÊ
NGÔ TẤT TỐ
TRONG TẮT ĐÈN
|
Trần Minh Tước
(Báo Mới, số 4, ngày 15/6/1939)
|
Viết đến đây, là tôi muốn bạn đọc được ngạc nhiên
khi tôi nói đến một ông đồ Nho mà ở trong ông tôi thấy “sống” những
phương pháp rất mới kia. Tôi nói những phương pháp ấy nó “sống” là vì nó không còn là những điều biện giải khô khan của luân lý, mà
nó đã gắn luyện vào được cái nghệ thuật uyển chuyển của một tiểu thuyết gia.
Thế thì, chúng ta có ngạc nhiên không? Bởi vì ngọn bút của ông
đồ nho Ngô Tất Tố đáng lẽ là ngọn bút của cái thế hệ sản xuất những câu văn “điền viên vui thú”
kia; hoặc có muôn thiên về dân quê một cách tha thiết hơn, thà bất quá và đáng
lẽ ngọn bút ấy chỉ viết những bài có câu tiêu đề “cải lương hương chính” mà mười lăm
năm trước đây, chúng ta đã được đọc trên các báo.
Không, nhà nho ấy đã vượt khỏi cả thế hệ của mình.
Người môn đồ của Khổng Mạnh này đã thở hút cái không khí xã hội của
K.Marx (C.Mác) như tất cả những thiếu niên văn sĩ ở hàng tranh đấu.
Để viết cho chúng ta quyển Tắt đèn!
Trong văn phẩm ấy, ông Ngô Tất Tố đã dùng được đắc
sách cái phương pháp khách quan để tả ra cho chúng ta biết rõ ràng những cảnh tượng nơi hương ẩm, là
một chỗ mà người ta nhờ ông, nhận thấy rất nhiều sự mâu thuẫn và hủ nát. Ấy là một tổ chức mà trong đó bao giờ
kẻ cùng dân cũng bị đè nén, bóc lột hơn hết. Vợ kẻ cùng đinh ở đấy đã được
đóng vai chính trong truyện của
tác giả (thật là mỉa mai), ở trên cái giai cấp
cuối cùng ấy, một bọn hào lý tượng trưng cho cái nền giai cấp cai trị hư nát;
một bác trọc phú, để tượng trưng cho cái xã hội bất lương; tất cả gồm
thành một tổ chức đẻ ra bởi cái chế độ vô nhân đạo.
Chúng ta thấy truyện Tắt đèn, kẻ cùng đinh (bác đĩ Dậu và vợ
con bác) là một nạn nhân đáng thương của chế độ, cái chế độ nó làm tiêu mất hẳn cái
nhận thức và quyền làm người. Bác đĩ Dậu hình như cho mình sống là phải đi làm,
làm cơ cực, và để nộp thuế; và nếu không có đủ thuế nộp, thì người ta có quyền hành hạ mình đến
chết được. Người đàn bà khốn nạn, vợ bác đã khổ sở vì món thuế của chồng, ngươi
sống, và món thuế của em chồng, người đã chết. Chị đã bị đau đớn vì sự cơ cực của gia
đình mình; sự đói khổ hàng ngày không bằng cái cảnh “sảy đàn tan nghé”; chồng vì thiếu thuế mà bị đánh gần chết, con cũng
vì cha thiếu thuế mà bị đem bán cho một nhà trọc phú bất nhân, bán với một cái
giá rẻ mạt quá cái giá trị của con vật (một đứa con gái bảy tuổi với đàn chó
giá cả thảy 2 đồng!).
Đứng trước cái thói tàn ác lang sói của kẻ thừa
hành cai trị, người đàn bà mất hết quyền sống ấy đã có lúc uất ức đến biết phản
kháng. Nhưng khi phản kháng thì bị chúng xách lên quan. Để nếm mùi ở tù và để được một dịp biết rằng: té ra chính bực “đèn trời” của dân mới lại càng giàu lòng cẩu trệ.
Thoát được thủ đoạn hãm hiếp của bực “cha mẹ dân” quý hoá ấy, chị lại bị gạt đến một bực “cha mẹ dân” khác nữa.
Vị này rất già. Nhưng đó không phải là một lẽ để làm mất được chút đỉnh thú tính ở trong con người “thượng lưu”
sung sướng. Rồi một thủ đoạn hãm hiếp nữa xuýt nữa lại xảy ra trên mình vợ anh
cùng đinh, xảy ra trong lúc “tắt đèn”, “nhà ngói cũng như nhà tranh”' cái ông quan già ấy bảo thế!
Tắt đèn là một câu chuyện
nó có thể căng thẳng mối bất bình của chúng ta, từ đầu
đến cuối. Căng không có chỗ nào chùng!
Bọn hào lý “xôi thịt” lúc nào cũng tìm dịp để rượu
chè be bét, và để cãi nhau, chửi nhau. Họ làm như thế, dường như cuộc sống họ tất nhiên phải
thế. Và “người ở chốn đình trung” phải hống hách, giành nhau vì miếng thịt, và khích bác nhau
vì một chỗ ngồi. Đó là những thói đáng khinh bỉ và đáng bất bình,
nhưng nó chỉ ở chỗ vô ý thức mà ra cả.
Là tay sai của một chế độ tàn ác, những tên lính
lệ, lính cơ bất nhân hưởng thụ một cách vô ý thức cái bài học tham nhũng ở cửa quan cai trị.
Bác nhà giàu cũng vô ý thức mà tàn ác và chuộng rởm những cái hư danh,
những thứ “sản vật” của chế độ.
Tóm lại, những hạng người trên này đều vô ý thức mà phạm vào một điều bất lương. Gây
nên bọn ấy, ấy là cái chế độ và chính kẻ này mới là đáng tội hơn hết. Cho nên chế độ ấy cần phải đổ, khi ta nghĩ đến sự cải thiện đời sống dân quê.
*
Đọc Tắt đèn của nhà nho Ngô Tất Tố, tôi đã bất
bình mà nghĩ như vậy. Và đến đây, tôi chỉ đứng trên cái địa hạt xã hội mà viết bài sơ
sài này.
Tôi chưa phê bình đến tài nghệ của tác giả. Để một
bài sau, tôi sẽ nói về cách kết cấu và cách hành văn trong cuốn tiểu thuyết ấy.
Là vì, với một văn phẩm giá trị như vậy, có nói đến
hơn một lần cũng không phải là quá đáng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét