Nhà văn với nhà báo, học giả với nghệ sĩ, khác nhau thế nào?
(Nguyen Bui Khiem, Chu nhat, ngay 25/7/2021)
Trong bài “Thủ tục làm thành tờ báo ở xứ ta” đăng Tri tân số 52 trước, tôi đã có nói: “Nghề làm báo ở xứ ta mới xuất hiện được độ hơn 70 năm nay…”. Thế là trong khoảng ngót một thế kỷ nay, nghề làm báo đã nghiễm nhiên được liệt làm một “kỹ nghệ” chuyên môn chế tạo ra sản phẩm tinh thần.
Báo chí đã là một nghề tất nhiên phải có nhiều người làm nghề ấy và sống bằng nghế ấy. Song, trong “thế giới” cầm bút của ta sở dĩ từ xưa tới nay ít mọc được ngôi sao sáng, là vì phần đông không biết nhận chân cái sở năng của mình. Binh pháp có câu: “Tri bỉ, tri kỷ, bách chiến, bách thắng”. Nghĩa là biết sức mình, biết sức người, trăm trận đánh, trăm trận được. Câu đó chẳng những là tiêu ngữ của nhà binh, mà cũng lại là châm ngôn của kẻ cầm bút nữa.
Ở ta, có lắm người tưởng lầm rằng, trong nghể viết văn, viết báo, mình có thể biết hết các thể tài, làm được đủ mọi việc, từ phê bình đến nghị luận, từ khảo cứu đến tiểu thuyết, thơ ca, từ bài nghiêm trang đến những lối văn trào phúng hài hước, thôi thì mặt gì cũng viết, làm như những ông “thánh con”. Tưởng thế, là lầm. Vì thực ra mỗi người chỉ có một vài cái sở năng. Nếu làm cho những cái sở năng ấy được phát triển một cách rộng lớn, đầy đủ, đã là giỏi lắm rồi.
Nếu chỉ có thiên tài về thơ ca, lại không biết mở mang cái thiên tài ấy, trở lăn lộn vào nghề báo, viết những bài văn xuôi như một mớ bè ngổ bè dừa, lời lẽ lủng củng, ý nghĩa tối mò, khiến người đọc có cái cảm tưởng như ăn phải bữa cơm nấp nát. Đã ôm cái quan niệm hiểu sai về thơ, không biết tí gì về văn vần, lại đi phê bình thơ ca của người khác: thế chẳng những không giúp được chút ích gì cho nhà thơ bị phê bình, mà lại chỉ tỏ ra mình bất tự lượng, quá làm ra “ta đây kẻ giờ”, dễ chuốc lấy cái tiếng “múa rìu trước mắt thợ, đánh trống qua cửa sấm”.
Lằm người không có sở trường về tiểu thuyết, không có luyện tập và từng trải về món ấy, thế mà thấy người khác viết được dư luận hoan nghênh, liền từ địa hạt khác đâm bổ vào, cũng làm truyện ngắn, cũng viết truyện dài: thôi thì đủ cả vai chính, vai phụ, ly hợp, hợp ly, nhưng rút lại nó chỉ là một bát “hổ lốn”, chẳng có giá trị gì về mặt nghệ thuật cả. Thành thử chỉ làm phí giấy, phí mực, những sản phẩm ấy chẳng mang lại cho tác giả nó một thành công gì.
Trào phúng, hài hước là những món không phải ai ai cũng viết hay được. Nó chỉ nên để phân những ngòi bút nào có biệt tài về khoa bỡn cợt, khéo dùng những tiếng lộng ngữ, những lời bóng gió, những ý mỉa mai, những chữ trùng điệp nhiều nghĩa, khiến người đọc đến thấy nó như ẩn, như hiện, như thực, như hư, như không, như có, như cô xuân nữ có duyên, như món ăn đã nhai hết vẫn còn vô cùng dư vị...
Hài hước? đã không khéo lại vô duyên, tất dễ sa vào vòng nhả nhớt tục tằn, làm cho người đọc phải thốt ra mấy tiếng phê bình cộc lốc: “Đồ ba que!”.
Nếu ai “vẽ cọp, không thành” chắc được những tiếng phê bình như thế thì chỉ có cách khôn ngoan hơn là đừng đả động đến món hài hước nữa. Khốn nỗi người đời không biết xét mình, cứ hay lăn vào con đường dẫn đến cái nạn “tự sát”, nên trên mặt nhiều tờ báo gần đây, người ta thường thấy đặt bừa, dưới những đầu đề chữ lớn “trào phúng” hay “hài hước”, những bài hoặc văn vần hoặc văn xuôi chẳng có tí gì đáng gọi là “hí hước” hay “trào phúng” cả, ngoài một vài chữ “hóm hinh” gọi là.
Thơ? Món đó đáng lẽ chỉ nên dành riêng cho những thiên tài nào được phú bẩm dồi dào một tâm hồn thơ, có khiếu riêng về thơ, sở thích, sở trường về thơ. Đằng này lại không, nhiều người cho thơ là một món rất dễ làm, hễ ai biết ghép vần một chút là có thể trở nên thi sĩ được hết. Tháo nào.
Tôi ghép vần
Anh ghép vần
Nó ghép vần
Chúng tôi ghép vần
Các anh ghép vần…
Người ta muốn xô cả nước Đại Nam thành “thi sĩ hóa”. Nhưng rút cục ra sao? Chỉ mua được tiếng mỉa mai của người ngoại quốc: “Sĩ phu nước Nam ưa thích ngâm vịnh, nhung phần nhiều đặt không thành câu”.
Phải, có lắm người đáng lē chỉ nên viết những bài nghị luận bằng văn xuôi, khảo cứu theo phuơng pháp khoa học; thế cũng đã đủ chiếm một địa vị quan trọng trong văn học giới lắm rồi, sao lại còn cứ xông vào địa hạt thơ, nay viết một bài Đường luật, mai thảo một thiên lục bát... làm thêm những việc không “chuyên trị”, không hợp với bản năng mình?
Sở dĩ có nạn đem mộng tròn lắp vào mẹo vuông như thế, là vì lắm người quá giàu lòng tự ái, không chịu nhận chân cho sở năng của mình mà đặt nó vào một nơi xứng hiệp và nhằm đường!
Vậy thì những người mà ta thường gọi là nhà văn, nhà báo, học giả, nghệ sĩ… đó có những chỗ khác nhau như thế nào?
Theo tôi, một nhà báo phải là người hoạt động, phải tiếp xúc lẫn lộn với đời. Phải biết qua mọi phương diện từ mặt phải đến mặt trái đời; phải sáng tai nghe và rộng mắt trông. Nói đến vấn đề nào, tuy không biết được thâm thuý, nhưng cũng phớt qua được cả. Những bài do ngòi bút nhà báo viết ra có một lối riêng của văn viết báo (style journalistique). Nó phải đanh thép, phải “hợp luận lý” (logique), phải hợp thời, phải thiết thực. Những lối “khai, thừa, chuyển, hợp” không cân lắm, đối với một bài báo, bằng thực tại, sáng việc, quán xuyến lý sự, hoạt và nhanh.
Một nhà văn phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều và viết nhiều. Có thể ở riêng một chỗ nếu không phải là cái “tháp ngà”, cũng gọi là yên lặng, êm đềm đôi chút, rồi đưa mắt ngó ngoài cửa sổ, nhà văn nhìn ngắm bông hường, óng ánh trong làn sương sớm, đang chim chím cười. Nhờ cội nguồn cảm hứng ấy, nhà văn viết ra bài có tính cách bỡn mây, cợt gió, tô điểm non sông.
Hoặc cao hơn, nhà văn, sau khi nhận xét cuộc đời bằng cặp mắt quan sát đúng chắc và thấu triệt, kiếm đủ tài liệu, tham khảo các sách cổ, kim, đông, tây, bấy giờ mới ngôi yên một chỗ tùy ý mà viết về một vấn đề nào mình đã lựa chọn: hoặc giáo dục, hoặc xã hội, hoặc chính trị, hoặc kinh tế…
Một bài văn thường có tính cách vĩnh viễn hơn một bài báo có vẻ nhất thời. Đã bàn luận về một vấn đề gì, một bài văn, ngoài cái “cốt vững chãi” của nó ra, lại phải khoác thêm chiếc “áo đẹp”, làm cho phần hình thức được tôn thêm nữa. Một bài văn hay, không thể là một bài chỉ chồng chất bằng từng mảnh tài liệu quí giá, không có dầu mỡ làm cho trơn chu bóng bảy, không có hoa hoè hoa sói làm cho văn vẻ mỹ miều, không có soi tỉa chạm trổ làm cho vui mắt, không có âm nhạc nhịp nhàng tiết tấu làm cho êm tai.
Nhà học giả khác hẳn nhà nghệ sĩ. Một đằng như cây gỗ lim để làm cột nhà; một đằng như bông hoa đẹp để trang hoàng phòng. Đã là học giả thì uyên bác uẩn súc, học phải rộng, biết phải sâu. Tuy không viết tiểu thuyết, không làm thơ ca, nhưng phàm lịch sử tiểu thuyết, thể tài thơ ca thế nào, nhà học giả biết rất tỏ tường, nói rất thông thạo, vanh vách.
Nói về một vấn đề gì, nhà ấy cũng dẫn cổ, dẫn kim, nuốt A, nhả Á, thao thao bất tuyệt dưới ngòi bút đứng đắn vững vàng. Vì đã khảo cứu về món hội họa ở các sách, báo, nhà ấy có thể giải thích thế nào là 1ối vẽ Đồng phương, thế nào là lối vẽ Tây phương hoặc lịch trình tiến hóa của nền mỹ thuật thế giới thế nào… Nhưng, giá đưa cho một tờ giấy trắng, một ngòi bút lông, một hộp thuốc màu xanh đỏ mà bảo: Nhờ tiên sinh vẽ giùm cho em bé nhà tôi một tấm tranh con chuột? Tất nhà học giả phải ngập ngừng trả lời: Tôi không vẽ được.
Một nghệ sĩ, trái lại, không cần phải có cái học thức uyên thâm như nhà học giả, không cần phải thâu ngày suốt tháng vùi đầu trong đống sách bụi phong, song chỉ cần có thiên tài, có hoa tay, cũng có thể đi đạt được đến cái đích trên đường nghệ thuật. Một bức tranh mỹ thuật tuyệt xảo, một pho tượng điêu khắc công phu có khi cũng chẳng kém giá trị một danh tác về triết học hay văn học...
Nhân cái lẽ đó mà suy ra, nhà tiểu thuyết và nhà thơ cũng được đặc cách, vượt ngoài lề lối thường như thế. Họ có thể lấn bước mà nhảy lên cao được.
Về phẩn tiểu thuyết và thơ ca, chỉ cần thiên tài và từng trải. Nếu anh có tài “bảy bước nên thơ”, làm những bài đẹp lời, đẹp ý, hoàn toàn về mặt nghệ thuật, thì anh có thể nhận được vòng hoa hoan nghênh rực rỡ, những lời ca tụng sôi nổi, ồn ào. Thế là anh đã thành công trong đời thi sĩ. Chúng tôi không cần hạch hỏi anh sao không có bằng cấp nọ kia, học lực cao thâm gì cả. Chỉ vì người mình phần nhiều hiểu lầm về nghệ thuật, nên thường hay cầu toàn trách bị trong một nghệ sĩ:
- Anh ấy chưa ráo máu đầu.
Hoặc:
- Anh ấy, trình độ học chưa qua bực sơ đẳng!
Có cần chi phải khắc trách như vậy! Vì nghệ sĩ có phải là nhà học giả đâu. Vây, trước khi muốn phê bình nhau, ta cần phải cố hiểu lấy nhau đã. Ở xứ ta, nghề báo cũng như nghề văn, sở dĩ thua kém người ta, một cớ chính cũng vì nhiều nhà cầm bút không biết nhận chân cho sở năng của mình trước khi bước vào nghề mình định phụng sự. Lại nguy nhất là thường hay lam sam nhiều việc, không chịu chuyên chú vào một mặt nào hợp với khiếu mình và tài mình.
Một cây bút chữ nghĩa “lốp lép” dám gạt mình, lừa người, mạo muội chủ trương “tủ sách sử học”, “làng sách quốc học”, cho ra những cuốn sách - nói cho đúng có tính cách loè đời hơn là giúp đời, vì tác giả nó chỉ “lõm bõm” chữ nho mà ngang nhiên chực đi sâu vào đất chết!
Người ta phê bình: Tản Đà thất sách vì nước ngâm để cạn, cố đeo đẳng lấy tờ tạp chí An Nam, Vũ Trọng Phụng quá tham vì vượt địa hạt phóng sự, bước sang địa hạt tiểu thuyểt… Những lời phê bình ấy, tôi cho không phải là không xác đáng. Chúng ta không nên ép nhà học giả Lê Quý Đôn phải có một tác phẩm như Truyện Kiều; cũng đừng nên mong ở thi sĩ Nguyễn Du “đẻ” được những áng văn hùng như Hịch tướng sĩ văn của Trần Hưng Đạo, thơ Cảm hoài của Đặng Dung và bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
Hoa Bằng (Tri Tân tạp chí, số 53, tháng 7/1942).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét