Khiemnguyen

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Thư gửi cho ông Phan Khôi trong báo Trung lập



Đây còn là câu chuyện văn; nhưng câu chuyện hôm nay theo một thể khác; ôn tồn, chánh đáng, trùm trên cá nhân, rọi một tia sáng trong văn giới.
Câu chuyện của ông Phan Khôi bàn trong Phụ trương văn chương báo Trung lập: Văn nghị luận phải viết thế nào?
Văn Hoàng Tích Chu, Phan tiên sinh cũng nhận cho nó đã thành ra một lối.
“Trong văn Quốc ngữ ta, cái lối viết của ông Hoàng Tích Chu thật nó biệt hẳn ra một lối, đủ mà kêu được là “lối văn Hoàng Tích Chu”, sự ấy trong làng văn ta hình như đã công nhận một cách vô tâm rồi. Chẳng luận lối văn ấy ông Chu sáng tạo ra hay bắt chước của ai; nội một cái biệt lập ra một nhà được như thế, cũng khá gọi là tay hào kiệt trong làng văn vậy”.
Lời nói của ông to hơn tài học của tôi. Nếu đã để chút thời giờ ngó qua mấy bài mà tôi đã viết về việc này, ông hẳn rõ cho rằng người xướng ra lối văn ấy không có ý gì biệt lập để làm lạ tai mắt quốc dân. - Bấy lâu tập tành trong trận bút trường văn, tôi đã nhận, vẫn nhận mà còn chỉ nhận là một tên lính dở trong văn giới. Nó đã mặc lòng, nó đã có tên trong đội tiên phong ấy, thì nó cũng được làm phận sự nó. Nếu mỗi khi nghĩ đến nền văn nhà còn thấp hẹp bởi làng văn nhà phần nhiều nhút nhát, không chịu canh tân, lại nếu so với nền văn người cao xa, bởi làng văn người số đông mạnh bạo, gia công đổi mới, anh em dù là cựu học hay tân học, ai chẳng sốt sắng nhận lấy chức trách tô điểm và bồi bổ cho văn quốc ngữ. Riêng gì tôi!
Theo tài học, tôi chỉ xin nhận lấy một phần việc cỏn con, là xét các thể văn của nhà với của người rồi tìm ra một lối. Cái công việc ấy, tôi làm trong khoảng mười năm nay vẫn chưa thấy xong được lấy một phần.
Có điều tôi tin được, vì tôi đã (...) được là lối văn này có thể (....)[1]chép việc như của báo giới bên Pháp, được gọn gàng, hoạt động hơn cái cọng giây muống kéo dài. Nếu tiến lên bậc nữa, nó còn có thể giúp ta nhiều việc ngoài phạm vi ký sự. Ông Phan Khôi bởi vậy cũng tỏ ý tán đồng:
“Tôi tán đồng cái chỗ bố cuộc khá mới, đặt câu khá gọn, nhất là có nhiều khi hiểu được cái ý của tác giả ở bên ngoài lời văn”.
Thật vậy, viết văn mà thừa lời, cứ một mạch chạy xuôi, không cần để cho người đọc phải nghĩ, đó là lỗi người cầm bút có chứng lười, không thu đủ ý mà đặt ra lời cho gọn. Tôi từng thấy cái thừa lời ấy thành ra hai tật: tật “lắm nhời” với tật “nói lắp”.
Được như thế, tôi lấy làm rất khó. Cái khó mà tôi đã từng tự tôi nghiệm thấy, chính là chỗ không để cho tiên sinh được vừa lòng:
“Nhưng lối văn Hoàng Tích Chu không phải toàn được như vậy hết đâu: lắm khi lại thấy như là tạp nhạp, lắm khi lại thấy như là vô duyên; còn một điều dễ tức mình nhất là lắm khi không rõ, đọc xong một bài mà chẳng biết nói chuyện chi; ấy đã là những chỗ tôi lấy làm bất mãn”.
Cái chỗ tiên sinh lấy làm bất mãn, tôi đã nói chính là cái chỗ tôi lấy làm rất khó trong lúc viết văn. Tôi vốn đã bị cái bả viết văn kéo dài, hàng mười lăm giòng mới hạ được cái chấm rứt câu, hàng hai ba cột báo mà vẫn chỉ trọi một ý. Phải có một lối viết khác. Cái lối viết phải làm sao cho gọn, không thừa nhiều lời. Đến khi tìm được nó rồi, tôi liền bắt đầu thực hành bằng những bài “bàn về thời sự”. Tôi định rằng bài nào cũng vậy chỉ được chiếm một cột là nhiều lắm.
Đó là hồi tôi viết cho tờ Ngọ báo năm xưa. Đó cũng là hồi văn Hoàng Tích Chu bắt đầu được một phần độc giả công kích cũng như được một phần độc giả hoan nghênh. Lâu dần nó thành ra một lối, mà anh em làm báo như đã nhận một cách vô tâm vậy.
Người là giống mong hơn. Tôi đến giờ muốn thực hành cái lối văn HTC ra mọi phương diện khác. Viết về cuộc phỏng vấn, viết về chuyện đoản thiên, tôi thấy dễ xoay cán bút, không tốn công lắm như viết một bài “bàn về thời sự” chỉ trong một cột, phải chọn từng chữ, phải sửa từng câu. Được một đằng, hỏng một đằng. Đến khi thực hành lối văn ấy vào các bài nghị luận, tôi thấy ngay một sự khó khăn trình bày trên mặt giấy.
Bởi lối văn không cho phép viết dài câu, hay là thừa nhiều tiếng, nên mỗi khi giãi bày một lý thuyết nào, tôi thấy khó xoay xở lắm. Chân muốn bước đi, mà như có một sức gì ngăn cản lại. Trong khi lúng túng về nỗi tiến thoái ấy, tôi lắm khi tự quên rằng bài viết để người đọc, không phải chỉ để một mình xem. Lối văn bởi vậy quả có nhiều chỗ để tiên sinh nhọc về sức óc.
Văn Hoàng Tích Chu làm mệt sức óc của ông Phan Khôi, đó chẳng phải văn ấy cao sâu, chỉ là chỗ dở của văn ấy chưa được thời giờ sửa lại. Điều này, tôi cũng đã tuyên bố trong Đông tây rồi vậy.
Tiên sinh tin rằng lối văn Hoàng Tích Chu có thể đứng vững thành ra một phái. Phải, muốn văn thành ra một phái (ecole), người chủ trương nó phải có một học thuyết làm trụ, như văn Voltaire là thuộc về học phái của Voltaire. Một điều rất khó cho học giới nước nhà. Nhà cựu học, nhà tân học, nào ai đã có một học thuyết gì tuyên bố ra đời chưa?
Ví rằng có, tôi xin thưa trước rằng tài học tôi không đủ tiến lên bậc ấy. Mà nếu không, tôi chỉ xin cám ơn tiên sinh về mấy điều khuyên tôi nên cải lương lối viết cho được trọn vẹn. Nhưng tiên sinh nên nhớ rằng văn chương có nhiều thứ (genres littéraires): thứ văn luận thuyết, thứ văn tả cảnh, với thứ văn viết việc vặt... Mỗi thứ có một tính cách khác nhau. Nếu lấy văn nghị luận mà xét văn tả cảnh, e rằng tiên sinh chẳng bao giờ được vừa lòng.
Tạ lòng tốt của tiên sinh ở mấy lời phê bình chánh đáng, tôi xin hô to với anh em đã quen viết lối văn này: Tiến lên!

Hoàng Tích Chu
Đông tây, Hà Nội, s.92 (29.7.1931)
Nguồn: http://lainguyenan.free.fr/pk1931nguoikhac/thugui.html



[1] Các chỗ báo này cũ bị mối đục, mất mỗi chỗ 1-2 từ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét