Gốc quê làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn (Tỉnh Bắc
Ninh), Hoàng Tích Chu sinh năm 1897 trong một gia đình quan lại, cha đã có thời
làm tri phủ. Lúc nhỏ ông được học chữ nho, sau chuyển sang học tiếng Pháp. Năm
1921, ông được nhận vào giúp viêc cho tòa soạn tờ Nam Phong. Cũng vào năm này,
Bạch Thái Bưởi cho ra mắt bạn đọc tờ Khai hóa và mời Hoàng Tích Chu về làm chủ
bút. Dưới bút danh Kế Thương, những bài báo của Hoàng Tích Chu đăng trên tờ báo
này đã bắt đầu gây chú ý cho báo giới và bạn đọc. Một năm sau Hoàng Tích Chu
rời Khai hóa và nung nấu ý định sang Pháp học nghề báo. Năm 1923, ông vào Nam
Kỳ làm phụ bếp trên một con tàu biển, và đã đến được nước Pháp. Năm 1927, Hoàng
Tích Chu về nước. Tháng 6 năm ấy, Hà Thành ngọ báo của Bùi Xuân Học ra đời, Hoàng
Tích Chu được mời về làm biên tập và Đỗ Văn lo in ấn. Những cách tân trong cách
viết và cách trình bày mới lạ đã chưa thuyết phục được bạn đọc. Ngày 15/11/1929,
Hoàng Tích Chu cho xuất bản tờ Đông Tây.
Đầu thế kỷ XX,
chỉ sau hơn ba thập niên tính từ thời điểm tờ Gia Định báo ra đời (1865), báo
chí quốc ngữ đã đạt được một sự tăng trưởng đáng kể. Các nhà báo sáng lập và
hoạt động trong các tờ báo tiếng Việt đã không ngừng mày mò tìm kiếm những
phương cách nhằm nâng cao chất lượng các tờ báo của họ, với mơ ước đạt tới sự
bình đẳng nghề nghiệp với những tờ báo tiếng Pháp do chính người Pháp thực hiện
tại Đông Dương.
Trong số những
nhà báo tên tuổi đó, vào thời điểm 1927, nổi lên một gương mặt đặc biệt Hoàng
Tích Chu (1897- 1933). Chỉ có 6 năm hoạt động, ông giống như một vệt sao băng
để lại những dấu ấn không phai mờ trong lịch sử báo chí Việt Nam. Ông được
coi là nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên được đào tạo tại Pháp và cũng là người
đầu tiên đã táo bạo thực hiện một cuộc cách mạng trong nghề làm báo ở nước ta,
bằng cả quan niệm và hoạt động thực tiễn (ông đã làm chủ bút hoặc giữ vai trò
yếu nhân 4 tờ báo nổi tiếng: Khai hóa, Hà Thành ngọ báo, Đông Tây, Thời báo).
Chính những phát ngôn và hành xử nghề nghiệp của ông đã làm đảo lộn quan niệm
về nghề và người làm báo trong đời sống báo chí đương thời, làm thay đổi cách
tiếp nhận thông tin từ số đông bạn đọc - những người chưa quen với những thông
tin bộc lộ một thái độ quyết liệt về những vấn đề xã hội, chính trị...Và ông,
như một lẽ đương nhiên của kẻ đi tiên phong, đã hứng chịu rất nhiều búa rìu của
dư luận - chủ yếu là từ các đồng nghiệp vẫn “theo lối làm báo cổ hủ ở xứ ta” (Tế
Xuyên). Dẫu có thể còn có những cách nhìn khác nhau về Hoàng Tích Chu, nhưng
khi nhắc đến ông và các tờ báo mà ông đã thực hiện, đặc biệt là tờ Đông Tây,
người ta không thể không thừa nhận những tác động tích cực của “hiện tượng
Hoàng Tích Chu và Đông Tây” đến đời sống báo chí Việt Nam đương thời và mấy
thập niên về sau. Ông xứng đáng với danh hiệu “người đầu tiên cách tân báo chí
Việt Nam”.
Trở lại thời điểm
1929, thời điểm mà Hoàng Tích Chu, “một khách giang hồ hơn là một du học sinh”
đã từ Pháp trở về được hai năm, bắt đầu gây sốc với báo giới nước nhà và bạn
đọc bằng việc tung ra tờ Đông Tây. Có thể nói Hoàng Tích Chu và Đông Tây đã
thẳng thắn đối diện với số đông các nhà báo và các tờ báo đương thời còn đang
quanh quẩn trong một lối làm nghề trì trệ, trước hết bằng những quan niệm rất
mới mẻ của một nhà báo chuyên nghiệp cộng với nhiệt huyết của một thanh niên
thời đại mới - một trong những đại diện tiêu biểu của trào lưu kết hợp văn hóa
Đông - Tây lúc bấy giờ.
Ông đã đánh giá
và có quan niệm như thế nào về nghề và người làm báo ở nước ta lúc đó?
Trong bài báo nổi
tiếng Nghề làm báo ngày nay (Đông Tây số 2, ra ngày 2-12-1929), một bài báo gây
sóng gió trong làng báo đương thời, Hoàng Tích Chu đã nói thẳng: “Nghề làm báo
ở nước ta cho đến ngày nay vẫn chưa phải là một nghề theo nghĩa đúng của nó vì
ở nước ta chưa có trường dạy về báo chí. Chúng ta xem đó là một trò tiêu khiển về
tinh thần, ký giả chỉ là những người lĩnh lương, tức là những người làm công,
vì vậy ký giả làm việc miễn cưỡng”. Ai sẽ trước hết phải chịu trách nhiệm về
thực trạng này? Hoàng Tích Chu đã rất có lý: “Người chịu trách nhiệm lớn là các
ông chủ báo. Khi lập tờ báo, ông chủ chỉ chú ý tới vấn đề tiền bạc, thay vì chú
ý tới bộ biên tập. Chủ báo quan niệm rằng ký giả là người làm công, ngày hai
buổi đến tòa soạn viết xã luận, dịch tin tức để trám cho đầy cột báo (...)
Người chủ báo, tuy ở trong nghề, nhưng chưa biết tờ nhật trình có vai trò gì? Nhật
báo đối với họ chỉ là những bài xã thuyết cộng với vài tin tức lượm lặt... Có
người xem việc lập một tờ báo như mở một tiệm tạp hóa. Chủ báo ít vốn nên không
dám chịu tốn kém để mua hoặc tìm tin tức. Họ chỉ trám vào mấy cột báo bất cứ
tin tức nào bắt gặp trong báo Tàu hay báo Pháp”. Đây là những quy kết xác đáng
về trách nhiệm của người chủ bút - những người sẽ gây ảnh hưởng đặc biệt đến
diện mạo và khuynh hướng cho mỗi tờ báo. Nhưng vào thời điểm Hoàng Tích Chu
đang đề cập, họ đã phần nhiều chưa làm được việc này. Nên nhớ là từ khá lâu
trước đó, vào những năm 1907 - 1908, thông qua Văn minh tân học sách, các nhà
yêu nước Việt Nam đã đề xuất một trong hai yêu cầu để báo chí có thể góp phần
quan trọng thúc đẩy phong trào canh tân xứ sở: các chủ bút phải được lựa chọn
từ hàng ngũ những trí thức Việt Nam ưu tú nhất. Đó là một đề xuất đúng đắn, nhất
là trong bối cảnh báo chí thật sự được coi như một phương tiện văn hóa (cùng
với nhà trường) để mở mang dân trí, nâng tầm dân tộc.
Hoàng Tích Chu
cũng là người luôn đề cao và nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong nghề làm báo. Trong
cách nhìn của ông, mỗi tờ báo cũng đồng thời là một cơ quan văn hóa, bởi vậy
những ứng xử nghề nghiệp cũng phải theo tinh thần đó. Nhân một cuộc bút chiến
giữa hai tờ Phổ thông và Ngọ báo - cuộc bút chiến có nguy cơ đưa hai cơ quan
ngôn luận này rời xa mục đích đi tìm chân lý mà quay ra hạ bệ nhau với những
toan tính cá nhân, vị kỷ - Hoàng Tích Chu đã viết bài Thử ngẫm về cuộc bút chiến
giữa hai tờ báo đăng trên Đông Tây số ra ngày 22-10-1930. Sau khi tóm tắt
nguyên nhân cuộc bút chiến, trong phần Mối cảm tưởng của tôi, ông viết: “Tờ báo
là nơi công chúng quan chiêm, chỉ có ta khinh độc giả thì ta mới ăn nói một
cách sỗ sàng... Một điều tôi rất phàn nàn là trong ít lâu nay, làng báo ta
thường hay có thói khích bác, bêu riếu nhau”. Hoàng Tích Chu cho rằng nghề làm
báo cũng như nhiều nghề khác trong xã hội, phải chịu sức ép của luật cạnh
tranh, nhưng - nói theo ngôn ngữ bây giờ - đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh,
bằng chính chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo, “chứ không phải ganh
nhau ở cái chỗ khuynh loát bằng những cách đê hèn, soi mói đời tư nhau ra để
hòng giảm giá trị người ta... Bất cứ nghề nào cũng vậy, nói xấu nhau là phạm
một điều vô đạo”. Kết thúc bài báo đầy ưu tư này, Hoàng Tích Chu kêu gọi các
đồng nghiệp: “Muốn tăng trình độ cho người đọc báo, ta nên tự tăng trình độ cho
ta trước”. Đã hơn 70 năm từ khi bài báo này xuất hiện, nội dung của nó vẫn còn
rất nhiều ý nghĩa đối với các nhà báo hôm nay.
Kiểm duyệt báo
chí luôn luôn là một vấn đề nhạy cảm trong hoạt động của lĩnh vực này. Chính
sách kiểm duyệt ngặt nghèo của nhà cầm quyền Pháp với báo chí đương thời, đặc
biệt là với báo chí quốc ngữ, là điều khiến cho những nhà báo tâm huyết như
Hoàng Tích Chu thấy sẽ phương hại đến tính năng động tích cực của báo chí,
phương hại đến vai trò thật sự của báo chí đối với đời sống xã hội. Dĩ nhiên có
rất nhiều nhà báo nhận thức được vấn đề này, nhưng quả cảm như Hoàng Tích Chu
thì không phải ai cũng làm được: ông đã cho đăng trên trang nhất Đông Tây ra
ngày 12-4-1930 bài Báo quốc ngữ với quyền tự do ngôn luận của tác giả A.E.Babut,
đương nhiên cũng là quan điểm của ông và Đông Tây: “Khi nào báo chí được tự do,
khi nào báo chí có những người xứng đáng chủ trương, thì bấy giờ báo chí đối
với dư luận của mọi người sẽ có ảnh hưởng rất sâu xa... Nhiều người rất mong cho
ngôn luận được tự do để nâng cao trình độ luân lý của các hạng người trong xã
hội”. Tuy nhiên, Hoàng Tích Chu ý thức được giới hạn của vấn đề để không rơi
vào cực đoan. Bài báo còn có đoạn sau: “Có nên cho báo quốc ngữ ngày nay được
hưởng quyền tự do như báo bên Pháp không? (...) ý kiến như sau này: nên bỏ cái
chế độ (kiểm duyệt) hiện thời và nên cho báo được tự do, nhưng nên đặt luật
riêng để cho khỏi có sự tệ lạm (người viết nhấn mạnh)”. Đây không phải là một ý
kiến cải lương, nó cho thấy sự mềm mỏng của Đông Tây khi đối thoại với nhà cầm quyền,
trong nỗ lực “đòi (tự do) bằng lời” mà Hoàng Tích Chu đã từng đề cập trong cuốn
chuyên luận xuất bản từ 1927.
Không chỉ phát
ngôn trực tiếp những ý kiến, những nhận xét và những quan niệm như trên về nghề
làm báo, thông qua tờ Đông Tây, Hoàng Tích Chu còn muốn mở một cánh cửa để đồng
nghiệp và bạn đọc nhìn ra đời sống báo chí thế giới, giúp họ có thêm cơ sở so
sánh với báo chí nước nhà và, có lẽ, ông hy vọng những người làm báo Việt Nam
có thể học hỏi được những kinh nghiệm có giá trị từ những nền báo chí tiên tiến
đương thời. Ông đã từng cho đóng khung và in đậm một câu trích của thi hào
Tagore (ấn Độ) trên trang nhất tờ Đông Tây số ra ngày 3-5-1930, như một cách
phát biểu quan niệm của ông về vấn đề thu lượm những tinh hoa văn hóa nhân loại
trong thời buổi nền văn minh phương Tây đã tràn vào Việt Nam: “Ta nên nhận rằng
thứ văn hóa cổ không hợp với tình thế ngày nay nữa, nó phải biết thu lấy thứ
văn hóa mới của thế giới, đó là cái nghĩa chính về sự tiến bộ trong loài
người”. Theo tinh thần đó, tờ Đông Tây đã đề cập đến khá nhiều những vấn đề
thuộc về lĩnh vực văn hóa, và nó chính là tờ báo đã cung cấp cho bạn đọc nhiều
nhất - vào thời điểm đó - những thông tin về báo chí nước ngoài. Trên số ra
ngày 27-1-1932, Đông Tây có bài Murayama-ông vua báo Nhật nhân kỷ niệm 50 năm
ngày thành lập tờ Asahi, tờ báo lớn nhất của xứ Phù Tang. Chắc chắn những thông
tin về tờ báo này sẽ gây sửng sốt cho bạn đọc lúc ấy: “Vốn 6 triệu yên, 3.795
người làm, 40 bộ máy in, 19 chiếc tàu bay, 500 con chim bồ câu để đi thông tin
và một đường dây nói riêng từ Tokyo đến Osaka, đó là qui mô vĩ đại của tờ báo Asahi,
tờ báo lớn nhất của Nhật Bản, và đó là công cuộc 50 năm nỗ lực không biết mệt
của ông Murayama”. Người ta có thể thấy đằng sau bài báo này một mơ ước của
Đông Tây (và Hoàng Tích Chu), dường như nó cũng ngầm đưa ra một thông điệp: con
đường mà Murayama và tờ Asahi đã đi - với tính mục đích của một tờ báo trong
hoàn cảnh không mấy khác nước ta ở điểm xuất phát - không phải là điều không
tưởng đối với báo giới Việt Nam.
Những vấn đề
thuộc về kỹ thuật nghề nghiệp cũng được Hoàng Tích Chu quan tâm. Dĩ nhiên, là
người được đào tạo bài bản, ông có điều kiện hơn hết khi nói về những “ngón
nghề” có thể giúp ích ít nhiều cho những đồng nghiệp của ông phần đông còn đang
hoạt động trong tình trạng thiếu chuyên nghiệp ở ta. Trong bài viết Hai góc
trời hai hạng phóng sự, Đông Tây (số ra ngày 16-1-1932) đã giới thiệu những
điểm khác nhau trong cách làm tin và phóng sự giữa các nhà báo châu Âu và châu
Mỹ. Những nhận xét khá thú vị, chẳng hạn: “Bên châu Âu, muốn đương nổi cái chức
trách một người đi “nhặt tin chó chết” phải có học, học rộng (...) Trái lại, nhà
phóng sự các báo bên Mỹ không thế. Họ chẳng cần phải có học vấn rộng. Mà lại
phần nhiều là những người vô học hay ít học mới chịu chạy đi “nhặt tin chó
chết” (...) vậy mà các báo bên Mỹ vẫn có đủ tin tức mau chóng một cách lạ
thường”. Có điểm khác biệt này là bởi “Nước Mỹ là một nước rất tiến bộ về đường
máy móc. Một ly một tí gì cũng làm theo phương pháp khoa học” và vì thế các nhà
báo Mỹ cũng “ở trong guồng máy tri thức (...) Một tin vặt trước khi xuất hiện
trên mặt báo đã phải qua tay năm bảy người gọt nặn”. Bài báo kết luận: “Các
phóng sự Mỹ có giống các phóng sự châu Âu là ở tính lanh lợi, lòng mạo hiểm của
họ. ở hai góc trời, châu Âu và châu Mỹ, nghề làm báo cùng tiến bộ mà sao phương
pháp làm việc lại khác nhau!”. Đây chỉ là một trong không ít ví dụ cho thấy
những nỗ lực của Hoàng Tích Chu trong hoài bão đóng góp sự biết sự học của mình
vào việc đưa hoạt động báo chí ở nước ta lên tầm chuyên nghiệp. Hoàng Tích Chu
ý thức được một xã hội tiến bộ là một xã hội mà mọi ngành nghề phải có tính
chuyên nghiệp cao, mọi công dân đều phải sống với nghề của mình. Quan niệm này
đã được ông bộc lộ từ khá sớm trong bài báo Vì sao phải chọn nghề cho con trẻ?:
“Bọn thiếu niên phải nhận lấy cái chức trách tìm tia ánh sáng, phải chọn cái
nghề nghiệp hợp với tài năng, để đến khi đầu bạc, bước ra khỏi vòng hoạt động,
ta có thể nói được cái câu này: “Tôi còn muốn hăng hái ra làm việc nữa! Mà kiếp
sau có làm người thì tôi vẫn con đường này tôi đi, tôi vẫn cái nghệ kia tôi
làm”. Với nghề làm báo, điều đó lại càng đúng. Nó không chỉ là nghề, mà còn là
cái nghiệp.
Những người làm
báo trước và cùng thời với Hoàng Tích Chu phần nhiều xuất thân Nho học và một
số xuất thân Tây học. Dẫu xuất thân từ nguồn nào thì ở giai đoạn giao thời ấy,
họ vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối đào tạo truyền thống, lối đào tạo mà
Đông Tây từng chỉ trích là “cái học khoa cử, cái học hư danh”. Những người này
đến với báo chí trước hết bằng cả một tinh thần “túy tâm văn hóa”, và sau nữa
như một nghề kiếm sống, với không ít bỡ ngỡ trước một hoạt động văn hóa còn rất
mới. Tuy nhiên, là sản phẩm của lúc giao thời lại có nhiều ngỡ ngàng, không
phải ai trong số họ cũng có được ngay một cái nhìn chân xác về công việc làm
báo. Cũng là cầm bút, nhưng họ có xu hướng đề cao các sáng tạo văn chương, học
thuật hơn là “viết nhật trình”. Hoàng Tích Chu nhận thấy thực trạng này và ông
hiểu rằng muốn cách tân nền báo chí Việt Nam thì phải có những con người xứng
đáng phụng sự cho nghề báo - những người nhận thức được sứ mạng của nhà báo và
có tính chuyên nghiệp cao, những người toàn tâm toàn ý đóng góp tâm trí mình cho
lĩnh vực này.
Trọng nghề, đó
cũng chính là biểu hiện cao nhất của lòng tự trọng ở người làm nghề, là trung
thành với lý tưởng nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn trên đường đời. Trước sau
Hoàng Tích Chu đã nhiều lần bày tỏ quan điểm này. Trong bài Thử ngẫm về cuộc
bút chiến của hai tờ báo đã dẫn, ông đã viết những dòng thống thiết trước các
đồng nghiệp: “Khi ta đã cùng nhau dấn mình vào tập cái nghề này, tuy không phải
tuyên thệ trước tòa án như các luật sư, nhưng trước bàn thờ bà Chúa Báo, chúng
ta con một nhà, đã ký kết một bản giao kèo thầm: Tôi xin trọng nghề!”. Thái độ
này và những hành xử nghề nghiệp mang tính dấn thân của Hoàng Tích Chu đã có
những tác động rất đáng kể đến các nhà báo đương thời, nhất là các nhà báo trẻ.
Trong nhiều hồi ký báo chí sau này của các nhà báo thành danh (Phùng Bảo Thạch,
Vũ Bằng, Tế Xuyên...), chúng ta thấy họ đều thừa nhận đã chịu ảnh hưởng của
Hoàng Tích Chu như thế nào, trong đó có một điều quan trọng: Hoàng Tích Chu đã
góp phần giúp họ ý thức được vị thế của nghề báo và của người làm báo.
Là một nhà cách
tân, Hoàng Tích Chu dễ dàng nhận thấy tình trạng không rõ ràng giữa Văn và Báo,
giữa phương cách hoạt động của Nhà văn và Nhà báo còn tồn tại trong thời buổi
báo chí nước ta đang đi những bước ban đầu. Bao lớp trí thức trước và đồng thời
với ông đã ôm mộng văn chương bước vào nghề báo. Đó là biểu hiện rõ nhất và kéo
dài trong tính thiếu chuyên nghiệp của báo chí nước ta. Ông đã từng khuyên một
người như thế - Tế Xuyên - khi thanh niên này bước vào làng báo mà vẫn chưa hiểu
rõ công việc: “Anh nên kiếm đề tài sinh hoạt trong dân chúng mà viết những bài
phóng sự, còn nếu anh chuyên chú vào tiểu thuyết, anh sẽ khó thành một nhà viết
báo được”. Hơn nữa, dưới con mắt chuyên nghiệp, ông đã giúp nhà báo trẻ phân
biệt được công việc viết văn và viết báo: “Kẻ viết văn lắm khi không phải là kẻ
viết báo, dù là khi mình viết báo, điều tối thiểu là phải biết viết văn. Nhưng
con nhà báo còn phải có lối viết riêng nữa: sáng sủa, rõ ràng, khúc chiết và dễ
hiểu. Hơn nữa, nhà báo không sống bằng tưởng tượng quá nhiều như nhà văn mà
phải sống thiết thực, có óc khoa học và quan sát tinh vi”. Những nhận xét của
Hoàng Tích Chu quả thật là rất mới so với lúc bấy giờ, khi mà ngôn ngữ thông
tấn còn là một điều khá xa lạ với bạn đọc và với không ít các nhà báo, khi mà
lối viết kiểu văn chương biền ngẫu vẫn tràn ngập trên các trang báo và vẫn tỏ
ra hợp khẩu vị với nhiều người.
Tất cả những quan
niệm mang tính cách tân của Hoàng Tích Chu về nghề báo, về người làm báo và
cách làm báo, đã được ông thực thi khá triệt để trên tờ Đông Tây. Có người đã
ví sự xuất hiện của tờ báo này giống như “một quả tạc đạn ném vào làng báo Việt
Nam”
đương thời. Ông với các cộng sự đồng quan điểm (Tạ Đình Bính, Phùng Bảo Thạch, Tam
Lang, Vũ Bằng, Tế Xuyên, Lãng Nhân và đặc biệt là Đỗ Văn - người lo trình bày
in ấn) đã trình làng một tờ báo tiếng Việt được coi là hiện đại bậc nhất lúc
ấy, “như một tờ báo bên Tây”. Một cái mới xuất hiện không dễ gì đã được số đông
chấp nhận ngay, phải mất một thời gian, tờ Đông Tây mới thật sự khẳng định được
vị trí của nó trong làng báo và trong xã hội. Có thể coi đó là một hiện tượng
trong đời sống văn hóa Việt Nam, khi mà Đông Tây và những người chủ trương đã
đi tiên phong trong việc không lưỡng lự tiếp nhận và học hỏi những kinh nghiệm từ
một nền báo chí hiện đại bên ngoài để làm mới mình và họ đã làm mới một cách
thành công, phù hợp với bước đi của thời đại.
|
Trần
Hòa Bình
|
Nguồn:
http://www.phiem-dam.com/cphiem117.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét