Khiemnguyen

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Đọc lại báo xưa (4)



TỰ DO BÁO CHÍ

HOÀNG ĐẠO
(Ngày nay - số 23, ngày 30/8/1936)
Trong Nam, hôm 11/8/1936 vừa qua, ông Nguyễn Văn Sâm, hội trưởng Hội liên hữu báo giới Việt Nam, có mời anh em viết báo nhóm tại báo quán Đuốc nhà Nam để thảo bản thỉnh cầu của báo giới định đưa lên Ủy ban điều tra các thuộc địa của Chính phủ dân đoàn nước Pháp.
Các nhà làm báo có mặt đồng lòng thỉnh cầu những khoản dưới này:
1). Tự do báo chí.
2). Tự do tư tưởng về mọi phương diện: xã hội, chính trị, kinh tế, mỹ thuật.
3). Tự do hội hiệp.
4). Tự do du lịch.
5). Quyền lập liên đoàn.
6). Yêu cầu cho 5 khoản thỉnh cầu trên khỏi bị hạn chế.
Trong những khoản tự do yêu cầu trên, có sự tự do báo chí là đáng chú ý đến hơn cả. Nói cho đúng, tự do báo chí mới thực là tự do. Là vì nó hàm xúc hầu hết những sự tự do khác. Thí dụ như tự do tư tưởng, ta có thể coi như bao hàm trong sự tự do báo chí: nếu tư tưởng không được tự do, thì không thể có báo chí tự do được.
Sự tự do của báo chí rất quan hệ đến vận mệnh cả nước. Báo giới ai cũng công nhận như vậy, là một cơ quan truyền bá tư tưởng một cách mau chóng, dễ dàng cho khắp các đẳng cấp trong xã hội. Nhờ báo chí, những điều cần biết, những việc đáng chú ý, những sáng kiến nên theo, những ý kiến mới mẻ bay lan đi khắp nơi, khiến cho những dân ở nơi thâm sơn cùng cốc, những làng chim đắm ở vùng hẻo lánh đều được tiếp xúc với những nguồn tư tưởng cột trụ của các nước văn minh. Nhờ ở báo chí, một phần lớn dân tộc Thái Tây đã trở nên những nước khuôn mẫu cho các dân tộc khác. Công của các báo chí đối với văn hóa thật đã là vĩ đại, khiến ta phải cúi đầu kính phục. Vậy vọng nguyện đầu tiên của dân ta - bất cứ về phái nào cũng cùng một ý ấy - là xin cho báo giới của ta được tự do. Tôi biết, tôi biết lắm, tôi thấu rõ những điều người ta sắp đem ra báo tôi. Người ta sợ sự lạm dụng. Ở ngay các nước văn minh, nhũng tệ của báo chí không phải là nhỏ. Nào những nhà lý tài vô lương lợi dụng báo chí để mưu những cuộc lừa đảo lớn, nào những nhà văn sĩ vô lương tâm mượn báo để tống tiền. Nhưng tôi xin thưa lại một vài điều rất tầm thường, rất giản dị. Sự đào thảo là một lệ tự nhiên của trời đất. Những tờ báo không đứng đắn không có giá trị - những tờ “lá cải” theo một câu chữ Pháp nhập tịch làng văn Việt Nam - sẽ lần lần đưa nhau sang bên kia thế giới.
Ta yên trí rằng dân gian dẫu dốt nát đến đâu cũng không ngu muội. Lương tri họ không kém gì lương tri những nhà thạc sĩ. Họ không được học, được biết, nên họ chưa được hữu. Một mai báo chí đem lại cho họ những sự hiện thời thiếu thốn, tôi dám chắc rằng chính ở những nơi lầm than, đói rét, dốt nát, mới nảy ra những bậc thiên tài, những đấng vĩ nhân.
Sự hại của chế độ báo giới tự do thật là nhỏ, nhỏ đến nỗi không trông thấy nữa, nếu ta đem so sánh với những điều ích lợi hiển nhiên của chế độ ấy. Nói riêng về dân tộc ta, ai cũng phải công nhận rằng thiên ức người, sau khi đỗ được mảnh bằng sơ học không còn biết tìm cách gì để mở mang thêm trí thức được. Sự tự do báo chí sẽ đưa họ đến con đường quang đãng, đầy ánh sáng của văn minh.
Có người sẽ bảo nhỏ tôi: Người ta đã bãi phòng kiểm duyệt rồi, thưa ông. Vâng, tôi biết lắm. Nhưng bãi phòng kiểm duyệt, không phải là bãi sự kiểm duyệt. Còn cần phải xin phép mới ra được báo, còn bị thu giấy phép lúc nào không được lòng chính phủ, thì sự báo chí tự do chưa thể có được. Hơn nữa, chế độ hiện thời tôi cho lại còn nguy hiểm hơn chế độ báo chí lúc còn dưới quyền ty kiểm duyệt. Là vì hồi ấy, nhà báo không bao giờ bị thu giấy phép. Ty kiểm duyệt, công việc là cho đăng những bài chính phủ bằng lòng cho đăng. Vạn nhất, ty ấy lơ đễnh bỏ sót một vài bài gọi là có tính cách trái ý chính phủ, thì cũng là lỗi tại ty ấy. Còn nhà làm báo không chịu trách nhiệm gì, lẽ đó đã cố nhiên. Dưới chế độ hiện thời, trách nhiệm về phần nhà báo chịu cả, mà những quyền lợi tương đối, lại không có chút nào. Sự thu giấy phép, một sự hại lớn cho tờ báo, nhà làm báo phải dè dặt, dè dặt hơn là lúc còn ty kiểm duyệt. Họ tự làm ty kiểm duyệt cho họ, một ty kiểm duyệt chặt chẽ, nghiệt ác hơn. Tuy vậy cũng không xong, chứng cớ còn rõ ràng ở trước mắt mọi người. Những tờ báo quốc ngữ hiện thời đều sống một cuộc đời bấp bênh như vậy cả. Vi đời họ không chắc chắn, nên công cuộc họ theo đuổi chỉ là công cuộc một thời. Vì đó mà ảnh hưởng của họ trong dân gian không được là bao.
Muốn cho ảnh hưởng của họ được lan rộng - nghĩa là muốn cho dân tộc ta được bước vào con đường sáng sủa của sự tiến hóa - thì phải có báo chi tự do. Ủy viên điều tra đến, ta phải đồng lòng yêu cầu báo chí quốc ngữ được chung một chế độ với báo chí chữ Tây xuất bản ở Đông dương. Chế độ ấy, người Pháp coi là một chế độ khắc nghiệt lắm, vì nhiều tội báo chí phạm phải không đem ra xử ở tòa đại hình như ở bên Pháp, lại đem ra xử ở tòa tiểu hình. Nhưng, theo tôi, mai kia được sống ở trong chế độ ấy, báo chí quốc ngữ cũng đã có thể lấy làm tự mãn, như con cá đương ở trong cái lạch tù hãm bỗng được thả ra một giòng sông rộng./.


Hoàng Đạo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét