|
(Tóm tắt bài viết của Phạm Xuân Thạch)
|
Tản Đà là một
trong số những tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn giao thời (đầu thế kỷ
XX đến 1932). Hơn nửa thế kỷ sau khi Hoài Thanh “cung chiêu anh hồn Tản Đà” làm
người mở đầu cho “một cuộc hòa nhạc tân kỳ”, vị trí là đại diện thơ ca quan trọng
trước năm 1932 của Tản Đà tưởng không còn phải bàn cãi. Thơ ca trở thành bộ phận
được khảo sát cặn kẽ nhất trong tổng thể di sản văn chương của ông. Vậy nhưng lại
cũng không thể bỏ qua một thực tế là bên cạnh một Tản Đà – thi sĩ còn có một Tản
Đà – người viết văn xuôi. Không chỉ chiếm một khối lượng lớn trong di sản văn
chương, văn xuôi còn là lĩnh vực mà trong không ít lần, Tản Đà thừa nhận đã
dành nhiều “tinh tứ học lực”. Từ thời điểm Tản Đà bước vào văn đàn (1915) đến
khi ông bắt đầu rơi vào một cơn khủng hoảng sáng tạo trầm trọng, cạn kiệt khả
năng sáng tác và lạc lõng trong thời đại văn chương của một thế hệ là sản phẩm
của giáo dục hiện đại với những tín điều văn chương đi ra ngoài truyền thống, Tản
Đà đã để lại một di sản văn xuôi phong phú bao gồm cả các tự sự nghệ thuật và
các tản
văn[1].
Nhìn vào khối
lượng sáng tác đó, có thể nhận thấy một mặt,
dường như ẩn sau một hệ thống tên gọi thể loại có phần hỗn tạp và thiếu nhất
quán (với những tên gọi như “thuyết văn”,
“dịch văn”, “tản văn thể chính và ngoại”, “ngụ
văn”) một nỗ lực muốn tái cấu trúc lại hệ thống thể loại văn xuôi truyền thống
nhưng mặt khác, lại cũng có thể nhận thấy một cách đậm nét bóng dáng của một
tác gia viết văn xuôi truyền thống với những thể loại được ổn định từ thời Đường Tống bát đại
gia[2] chỉ
với một khác biệt duy nhất: ngôn ngữ. Theo chúng tôi, dẫu giá trị thẩm mỹ của
từng tác phẩm còn có nhiều phương diện cần phải bàn cãi thì văn xuôi vẫn là bộ
phận sáng tác hàm chứa nhiều vấn đề lý luận văn học sử quan trọng trong tổng thể
sáng tác của Tản Đà.
Là tác gia
điển hình cho văn học Việt Nam giai đoạn giao thời, sáng tác văn xuôi của Tản
Đà đại diện luôn cho cả tính “chưa hoàn thành”, tính ngổn ngang của
một thời đại. Theo chúng tôi, văn xuôi là mảnh đất giao tranh giữa những xung đột
gay gắt tồn tại bên trong Tản Đà mà mâu thuẫn lớn nhất là giữa nhà nghệ sĩ và
nhà tư tưởng - đạo đức, môn đồ nhiệt thành của Khổng Tử cố níu kéo những giá trị
cũ trong một thời đại mới, giữa phương thức tư duy và tư duy nghệ thuật đặc thù
của “loại
hình tác giả nhà Nho” và những yêu cầu của một thời đại văn học mới. Cuộc
xung đột đó không chỉ chi phối hệ thống nội dung tư tưởng trong sáng tác của
ông mà quan trọng hơn, còn chi phối cả phương thức cảm thụ, cái nhìn về thế giới
và phương thức phản ánh những mệnh đề nghệ thuật, hay nói cách khác, phương thức
tư duy nghệ thuật của ông. Là nhà nghệ sĩ, Tản Đà kế thừa hàng loạt truyền thống lớn
của văn chương Trung đại, những truyền thống mà nếu tìm được cơ hội có thể trở
thành những khả năng phát triển khác, mở ra những con đường khác cho văn học hiện
đại. Tuy vậy, trong ông, những tiềm năng nghệ thuật đó lại bị chính
phương diện con người – nhà tư tưởng, nhà đạo đức kiềm chế, làm cho những tìm
kiếm nghệ thuật bị cằn cỗi và đi dần đến bế tắc. Đồng thời, cũng không thể bỏ
qua những hạn chế cố hữu trong tư duy nghệ thuật của loại hình tác giả nhà Nho[3],
những hạn chế ngăn trở họ hội nhập vào một thời đại văn chương mới. Theo chúng
tôi, đến lúc cần có một cái nhìn tổng thể
đối với toàn bộ di sản văn xuôi của Tản Đà, tìm ra giới hạn trong từng bộ phận
sáng tác lấy hệ quy chiếu là quá trình chuyển đổi loại hình của văn học Việt
Nam từ mô hình văn học Trung Đại phương Đông sang mô hình văn học hiện đại bắt
nguồn từ phương Tây để từ đó nhìn thấy điểm dừng của một kiểu tác giả văn
chương trên con đường hội nhập vào một mô hình văn chương khác.
Đến đây,
chúng ta đã chạm tới một vấn đề lý thuyết. ít nhất, cho đến đầu thế kỷ XX, có hai khả năng cho quá trình hiện đại hoá
văn học của người Việt: đổi mới, cách tân truyền thống và du nhập mô hình ngoại
lai từ đó lựa chọn, thay đổi, bản địa hoá. Tản Đà thuộc về khả năng thứ nhất.
Lịch sử đã chứng minh đó là con đường thất bại. Tất nhiên, khả năng thắng thế
chưa hẳn đã là khả năng tối ưu. Lịch sử là một cái gì không thể đảo ngược. Chỉ
có điều, người nghiên cứu văn học sử sẽ phải đặt ra và lý giải cho được trong
môi trường văn hoá – xã hội mới, hội nhập vào thế giới hiện đại, những kinh
nghiệm văn chương truyền thống đó đã có những sự biến dạng ra sao, đâu là những
giới hạn khiến cho chúng trở thành lỗi thời, bị đào thải và cùng với sự biến mất
của những kinh nghiệm văn chương đó, bị cuốn vào con đường hiện đại hoá theo mô
hình Âu hoá, văn học dân tộc đã mất đi những gì.
Sự lạc lõng của Tản Đà – người viết tản văn
Trong lịch sử
văn hoá Việt Nam,
quãng thời gian từ cuối thời kỷ XIX cho đến ba thập niên đầu của thế kỷ XX là
giai đoạn đánh dấu sự xuất hiện của một hình thái sinh hoạt văn hoá tinh thần mới
đặc trưng của thời hiện đại: báo chí. Đối với một nhà Nho lỡ vận như Tản Đà, báo
chí là một ngả đường lập thân hấp dẫn. Có lẽ, tính chất “bác học” đặc
thù của báo chí giai đoạn phôi thai đã lôi cuốn ông, hứa hẹn là chốn nhà Nho
“nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng” có thể “đem quách cả sở tồn làm sở dụng” để
đánh một canh bạc lớn với cuộc đời. Cùng với thi sĩ Tản Đà, nhà văn Tản Đà và
ông chủ xuất bản Tản Đà, có một Tản Đà – người làm báo. Bước vào nghiệp văn
chương, mảnh đất đầu tiên mà Tản Đà thử sức là văn xuôi. Đây cũng là bộ phận sớm
tạo nên uy tín xã hội cho ông. Nếu như thơ đối với Tản Đà là nơi chốn giãi bày
tâm sự, giải toả những trầm uất và những khát vọng cá nhân thì sự nghiệp báo chí là nơi ông thực hiện những
khát vọng xã hội, thực hiện giấc mộng “thiên lương”, điều khoa cử không thể
giúp ông thực hành trọn vẹn. Tiến hành khảo sát những sáng tác văn xuôi báo
chí của Tản Đà trong suốt cuộc đời làm báo (chúng tôi không thống kê các tự sự
nghệ thuật của Tản Đà), trong tổng số 163 đầu văn bản, có tới 97 đầu văn bản
(chiếm 59% – một con số không nhỏ) thuộc loại văn luận thuyết bao gồm luận thuyết
về các nhân vật lịch sử, các vấn đề đạo đức, nhân sinh, xã hội[4] [5].
Trong số những văn bản còn lại, ngoại trừ một số bài bút chiến (6 văn bản), những
thư từ trao đổi với bạn đọc và người hâm mộ, các bài phê bình văn chương; một số
liệt truyện về các nhân vật lịch sử (10 văn bản); chiếm một tỷ lệ thấp (khoảng
15 đầu văn bản – 9%) là các du ký, một vài mảnh tự sự ngắn (cái mà Tản Đà tự gọi
tên là “xã hội tiểu thuyết”) những ghi chép mang màu sắc phóng sự và một số tản
văn trữ tình[8]. Cũng trong thời gian này, Tản Đà xuất bản một số tập tản văn
(Khối tình - 1918, Tản Đà tùng văn - 1922, Tản Đà nhàn tưởng - 1929, chúng tôi
tạm gạt sang một bên các văn bản thuộc nhóm tự sự). Tương tự như tình trạng bộ phận tản
văn công bố trên báo chí, có một sự mất cân đối sâu sắc giữa văn luận thuyết và
những tản văn có tính trữ tình hoặc các hình thức ký. Như vậy có thể khẳng
định trong tổng thể Tản Đà – người viết tản văn (dù thuộc nhóm xuất bản dưới dạng
sách hoặc đăng tải trên báo chí), nét chủ âm vẫn là Tản Đà – nhà luận thuyết.
Điều này phù hợp với dự phóng của cuộc đời ông khi lựa chọn nghề viết văn, làm
báo.
Như đã trình
bày, Tản Đà bước vào sự nghiệp viết văn khi đời sống báo chí và văn học hiện đại
ở Việt Nam
mới phôi thai. Bản thân nhà Nho Tản Đà, dẫu đã bắt đầu được làm quen với tân
thư, tân văn, tân báo, với “tiếng Tây” thì dường như những thể điều
tra, ghi chép, phản ánh hiện thực, những thể “phỏng sự”, “tả thật về xã hội” dường
như vẫn là một cái gì xa lạ đối với kinh nghiệm văn chương của ông. Trong giai đoạn văn chương báo chí mới phôi
thai, vẫn còn dung hợp cả tính học thuật, phổ biến kiến thức bên cạnh tính
thông tấn, với một công chúng vẫn còn quen với kinh nghiệm thưởng thức văn
chương truyền thống thì hạn chế đó dễ dàng được chấp nhận, thậm chí được chấp
nhận một cách nồng nhiệt. Theo chúng tôi, cái mới của văn chương Tản Đà trong buổi đầu xuất hiện chủ yếu thể hiện
trong sự dung hợp những lý tưởng Nho giáo với hệ giá trị mới được manh nha của
xã hội tư sản. Đường hướng đó dễ được chấp nhận bởi khuynh hướng “điều hòa
tân - cựu, thổ nạp Á - Âu” của những nhà Nho làm văn hóa (và cũng là công chúng
văn học chủ yếu) trong giai đoạn giao thời. Tuy nhiên, về hình thức thể loại, những tản
văn luận thuyết của Tản Đà được sáng tác cơ bản trên những nguyên tắc của văn
luận thuyết từ thời Đường Tống bát đại gia: nguồn văn liệu, ngôn ngữ cũng như
phương thức cấu trúc. Ông là con người của những kinh nghiệm truyền thống.
Tuy vậy, từ sau năm 1925, trong đời sống văn hóa Việt Nam bắt đầu xuất
hiện những chuyển động mới. Những tờ báo hiện đại xuất hiện (Hà thành ngọ báo - 1927, Đông Tây, Phụ nữ
tân văn - 1929), những người đồng đạo với Tản Đà (Phan Khôi) bắt đầu
làm quen với luận lý học, ngữ pháp phương Tây, với duy vật, duy tâm chủ nghĩa
và đến 1933, một “văn đoàn” kiểu mới chính thức ra đời. Nhìn vào đời sống văn
chương sau năm 1932, có thể thấy chủ thể (người sáng tác và công chúng) của nền
văn học là thế hệ thanh niên sản phẩm của nhà trường Pháp Việt, với những tín
điều và quan niệm văn chương khác thế hệ Nhà Nho ba mươi đầu thế kỷ. Nhìn vào
những tuyên ngôn của Tự lực văn đoàn khi thành lập có thể thấy đối với những chủ
thể mới của văn học dân tộc, cách hình dung của họ về văn học là đồng dạng với
cách hình dung của văn học phương Tây hiện đại. Trong bối cảnh đó, Tản Đà bắt đầu
trở thành một cung đàn lạc điệu. Ông không thuộc kiểu nhà báo có thể điều tra,
tìm hiểu khám phá và phản ánh những vấn đề xã hội như Tam Lang, Hoàng Đạo, Vũ
Trọng Phụng. Ông không quyết liệt dấn thân vào những tản văn trữ tình như Nguyễn
Tuân[9] và ngay trong những tản văn trữ tình (hiếm hoi) của ông, ta thấy thiếu
một khả năng miêu tả và tái hiện những kinh nghiệm hiện sinh (điều bộc lộ trong
cả sáng tác của Tản Đà - người viết tự sự). ở một phía khác, khi dành nhiều tâm
huyết cho các tản văn thuyết lý, thể loại buộc (và cho phép) nhà văn cắt đứt khỏi
những biểu hiện chân thực của cuộc sống (dường như thích hợp với kinh nghiệm
sáng tác của Tản Đà), Tản Đà lại hoàn toàn không đủ sức làm một cuộc “lột xác”
để làm quen với tư duy duy lý, tư duy phân tích và hệ thống khái niệm triết học,
tư tưởng phương Tây (những thứ có thể giúp ông có một cái nhìn khác với di sản
tư tưởng phương Đông). Cố thủ trong những kinh nghiệm sáng tác và gần như không
có những thay đổi để thích nghi với đời sống mới (đặc biệt trong việc làm chủ
những công cụ sáng tạo mới – điều trái ngược với Phan Khôi), tản văn của Tản Đà
trở nên lạc điệu với hệ thống thể loại thống trị đời sống văn học và đứng ngoài
lề làn sóng Âu hóa những năm 30. Với một công chúng quen và ham thích thưởng thức
phóng sự báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết hiện đại, quay lưng lại với Nho học
truyền thống (dẫu có làm quen nổi với một nền triết học mới hay không thì vẫn
còn phải bàn) và hình dung văn chương như một công cụ khám phá và tái hiện những
kinh nghiệm hiện sinh, tản văn của Tản Đà, đương nhiên sẽ trở thành xa lạ. Có
điều, dường như chính cái khoảng trống mà ông để lại, tiếp sau, không có người
lấp đầy. Cho đến tận bây giờ, tản văn triết
học vẫn là một vùng đất vắng vẻ của văn chương Việt Nam.
…
Ở thời điểm
chuyển giao của hai thời đại văn học, sáng tác của Tản Đà là người kết thúc muộn
của một tryền thống văn học. Hiển nhiên, sau ông sẽ có những người cố gắng nối
lại khoảng đứt gãy giữa văn chương truyền thống và văn học hiện đại (Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân và
trên một phương diện, cả Vũ Trọng Phụng – người viết tiểu thuyết bợm nghịch).
Chỉ có điều sau Tản Đà, văn chương sẽ bị cuốn mình vào một con đường phát triển với những tín điều kiểu khác. Không thể
phủ nhận cuộc tiếp xúc với phương Tây và sự kiến tạo một mô hình văn chương
theo kiểu phương Tây là một khuynh hướng chủ lưu của quá trình hiện đại hóa của
văn học Việt Nam và cũng không thể phủ nhận đó là một động lực quan trọng làm
nên sự phát triển bùng nổ của văn chương Việt Nam đầu thế kỷ XX./.
[1] Do tính phức tạp của đối tượng,
chúng tôi tạm dùng khái niệm “tản văn” để chỉ các sáng tác văn
xuôi phi tự sự của Tản Đà (bao gồm cả văn
luận thuyết, tùy bút trữ tình, du ký, phê bình văn học…) dẫu biết rằng
trong truyền thống văn học phương Đông, khái niệm “tản văn” được đặt trong thế
đối lập với “biền văn” (văn biền ngẫu),
“vận văn” (văn vần).
[2] Bao gồm các thể thư, luận, biện thuyết
(các hình thức nghị luận); văn tế;
bi, minh (các thể văn khắc trên chuông,
khánh, tế khí…), chí; tự, bạt (các thể
phê bình văn học và lý luận văn học sơ khai theo truyền thống phương Đông);
truyện; ký, tạp ký, ký sự (các thể tuỳ
bút dao động trong khoảng từ tuỳ bút trữ tình đến tuỳ bút có tính khảo cứu).
Trên một phương diện khác gồm cả các thể văn chép sử và văn chương chức năng (chiếu, cáo, sách, dụ, hịch, tấu nghị biểu,
khải, sớ…).
[3] Ở đây, chúng tôi quan tâm đến
sự đồng dạng trong tư duy nghệ thuật của tất cả các kiểu tác giả văn học Nhà
Nho, dẫu họ là người hành đạo, người ẩn dật hay đã bị “tha hóa” thành người tài
tử.
[4] Các bài viết của Tản Đà trên mục Xã
hội thiển đàm và Ba đào ký của An Nam tạp chí thực
chất cũng là một hình thức luận thuyết: nghị luận xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét