|
Nguyễn
Vạn Phú
|
Trong một thời gian dài, nhiều tờ báo ở nước ta
phải ra cách nhật - mỗi tuần chỉ có ba số báo nên gặp khá nhiều khó khăn trong
xử lý tin. Ví dụ: một sự kiện thời sự diễn ra hôm thứ Ba, báo phát hành ngày
thứ Tư sẽ tường thuật dễ dàng nhưng báo ra thứ Năm sẽ thấy khó. Không đưa tin
thì không được vì đấy là sự kiện thời sự nổi bật. Đưa như tờ báo cạnh tranh ra
ngày thứ Tư sẽ thua ngay một bàn và sẽ mất độc giả. Vì vậy, vấn đề góc nhìn hóa
ra từng được chú ý hơn cả tại Việt Nam. Ngay cả với các báo ra cùng ngày, góc nhìn sẽ giúp phóng
viên đưa tin hay hơn, độc đáo hơn đồng nghiệp, thu hút được độc giả.
Một phóng viên được cử đi dự một buổi giới thiệu
sản phẩm cứ đoán chắc mẩu tin sẽ viết chỉ chiếm vài dòng. Thế nhưng không may cho anh,
cùng dự buổi hôm đó có một cây bút kỳ cựu của báo bạn. Ngày hôm sau, trong khi báo của
anh chỉ có vài dòng trên trang thị trường, tờ báo kia dành hẳn nửa trang cho
một bài điều tra viết rất hấp dẫn về tình hình hoạt động của công ty có sản phẩm được giới thiệu. Hóa ra
người phóng viên đầy kinh nghiệm đã nhận ra đây là lần giới thiệu sản phẩm đầu
tiên sau khi công ty này chuyển từ hình thức liên doanh thành 100% vốn đầu tư
nước ngoài. Chỉ cần vài câu hỏi khéo léo, anh đã khơi đúng dòng để giám đốc
công ty kể hết mọi chuyện liên quan đến quá trình xin chuyển hình thức đầu tư
mà trước đây chưa báo nào khai thác được. Dự họp xong, anh gọi điện hỏi thêm
đối tác cũ trong nước nay đã chia tay và có thêm những đoạn viết rất mềm mại
trong một bài báo kinh tế về những tâm sự của một doanh nghiệp bị buộc phải bán
lại cổ phần...
Trong một ví dụ khác, phóng viên được cử đi viết
tin động thổ một nhà máy sản xuất kính xây dựng. Có lẽ đây chỉ là một tin vài
chục chữ với một tấm hình là xong. Thế nhưng nhờ chú ý tìm một góc nhìn mới, phóng viên
đã phát hiện ra những nghịch lý trong thuế suất nguyên liệu nhập kính và cách
thức xuất hàng rồi nhập chính hàng của mình về để bán lại. Kết quả là có tin
hay, còn tin động thổ nhà máy chỉ còn vài dòng ở dạng thông tin nền.
Dĩ nhiên, không phải lúc nào phóng viên cũng có thể tìm góc nhìn độc đáo nhờ những sự
kiện chưa ai biết - vì nói đúng ra, đây
là loại tin mang tính phát hiện. Ở những tin thông thường khác, cách tạo cho
mình góc nhìn khác đồng nghiệp là thử đặt mình vào vị trí độc giả - không phải
độc giả chung chung mà là của báo mình, thử hỏi xem họ quan tâm gì, họ muốn
biết rõ các chi tiết nào, họ muốn nhấn mạnh khía cạnh nào. Trả lời được câu hỏi
này tức là chúng ta đã có thể tạo cho mình những góc
nhìn khác nhau từ cùng một sự kiện. Ở đây, yếu tố tôn chỉ, mục đích từng tờ báo đóng vai trò quan trọng trong việc chọn góc nhìn thích
hợp. Chuyện các công ty lớn bán cổ phần bằng cách bán đấu giá công khai sẽ được tờ báo
dành cho giới doanh nhân khai thác khác với cách đưa tin của tờ báo phát hành
rộng rãi.
Trong nhiều trường hợp, góc nhìn dễ làm cho
bài báo hay hơn, mang tính thuyết phục cao hơn là từ số phận con người, là tâm tư của người trong cuộc chứ không
phải là cách mở bài hoa mỹ. Còn nhớ trước lúc khai trương cầu Mỹ Thuận, bài báo bắt đầu bằng một
câu nói vừa mừng vừa lo của một em bé bán vé số trên các chuyến phà sắp “thất
nghiệp” được nhiều người nhớ hơn cả trong một loạt bài bắt đầu bằng số liệu hay
phân tích.
Không có tin chính là tin
Gặp trường hợp trưởng ban phân công phóng viên đi dự một cuộc
họp báo; dự về báo lại chẳng có gì mới, chẳng có gì hay. Phóng viên có thể bị
“quạt” ngay là lười suy nghĩ bởi vì bản thân chuyện một cuộc họp báo được lên
lịch từ trước mà không có thông tin gì chính là tin - cần tìm hiểu nguyên nhân
và viết về chính chuyện đó.
Chẳng hạn, phóng viên được cử đi dự một cuộc họp
báo về việc ra mắt chi nhánh một công ty nọ. Đến nơi mới biết buổi họp báo đã bị hoãn lại. Thay
vì tìm hiểu lý do, anh ta về báo là không có tin. Dĩ nhiên, anh này sẽ toát mồ
hôi hột nếu ngày mai, báo bạn có tin về những trục trặc của công ty nói trên vì phóng viên báo bạn đã
nán lại tìm hiểu lý do hoãn ra mắt, từ đó có tin riêng của mình.
Đối với những phóng viên có kinh nghiệm, góc nhìn
giúp họ biến một câu nói bâng quơ, một mẩu thông tin rời thành tin hấp dẫn. Đọc kỹ
tin trên các báo, chúng ta sẽ thấy phần lớn tin hay rơi vào trường hợp này.
Chẳng hạn, đang ngồi dự hội nghị chung với nhiều doanh nghiệp, đến giờ giải
lao, bỗng giám đốc một công ty may mặc nói: “Công ty X chơi trội thiệt, thuê
nguyên một chiếc Boeing để giao hàng”. Với hai lỗ tai luôn dỏng lên hóng tin,
câu nói này sẽ dẫn phóng viên đến với chuyện doanh nghiệp chạy sốt vó để giao
hàng trước lúc bị nước nhập khẩu khóa sổ vì hết hạn ngạch...
Có lần một nhà báo lớn tuổi nói đùa: “Bí đề tài
ư? Cứ lấy một xấp danh thiếp, xóc như xóc bài rồi chọn một tấm bất kỳ, sẽ tìm
ra đề tài mà viết cho coi”. Đây chỉ là một cách nói đùa nhưng không phải không
có lý; từ bất kỳ một mối quan hệ nào đó, trò chuyện một chốc, người nhạy bén
với góc nhìn sẽ tìm ra một chi tiết, một sự kiện có thể làm thành tin. Nói
chuyện với ông giám đốc một công ty chứng khoán, nghe ông than không tuyển ra
người làm môi giới chứng khoán, chúng ta có thể từ đó viết một bài hay về đề
tài “nghề môi giới chứng khoán: anh là ai?” chẳng hạn.
Kỉên trì mới có góc nhìn
Đọc tin trên các tờ báo ngày, đôi lúc chúng ta
xuýt xoa phóng viên này, phóng viên kia giỏi thật, biết nhìn ra những điều báo
khác không để ý. Điều này không phải ngày một ngày hai mà xây dựng được. Người
phóng viên phải dùng thời gian tập sự của mình để xây dựng cho mình mạng lưới
thông tin, tìm hiểu tường tận lĩnh vực được phân công, theo dõi và liên tục cập
nhật thông tin liên quan đến lĩnh vực đó. Để rồi sẽ có một ngày, bất kỳ động thái nào mới
trong lĩnh vực của mình sẽ trở thành tin cho mình và mình hoàn toàn chủ động tìm
góc nhìn thích hợp nhất trong thời điểm đó.
Một phép thử để biết phóng viên đã sẵn sàng chưa
là tập viết tin từ các thông tư, nghị định, luật... Nếu từ hàng chục trang tài
liệu, phóng viên nào biết chọn ngay chi tiết nào để giới thiệu cho người đọc
của báo mình, người đó đã có thể viết tin từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Nên nhớ phần lớn tin là do người khác chuẩn bị
sẵn cho minh, từ các dạng thông cáo báo chí do các công ty giao tế đối ngoại
soạn sẵn đến những công trình nghiên cứu được công bố. Góc nhìn sẽ giúp chúng
ta quyết định: ai sẽ hưởng lợi từ thông tin này, ai bị hại vì chuyện đó. Nếu đó là người chủ động
đưa tin thì tin không có gì quan trọng lắm. Nhưng nếu đó là quần chúng rộng
rãi, là người đọc của tờ báo mình thì cần đào sâu vì ắt nó sẽ là tin hay.
Những phóng viên viết tin hay, tin mang tính phát hiện, có góc nhìn
độc đáo là những phóng viên biết dỏng tai lên, phát hiện chuyện lạ trong hàng
chuỗi thông tin diễn ra hàng ngày. Nhưng quan trọng hơn hết, góc nhìn đó suy
cho cùng có phục vụ được lợi ích của người đọc hay chỉ thỏa mãn sự tò mò của họ
theo kiểu viết báo giật gân là một cân nhắc cũng phải tính đến./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét