Khiemnguyen

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Hà thành ngọ báo và người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam

Từ giã cõi đời ngày cuối cùng năm Quý Dậu (1933), khi mới tròn 36 tuổi (1897 - 1933), nhưng Hoàng Tích Chu đã để lại một dấu ấn không phai mờ trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Hoàng Tích Chu - Ảnh tư liệu
Ông đã làm chủ bút 4 tờ báo lớn, làm đảo lộn quan niệm cách viết báo đương thời, gây nhiều tranh cãi và hứng nhiều đả kích, nhưng nhiều người đã bắt chước cách viết của ông. Có thể còn có ý kiến trái ngược nhau khi đánh giá về ông, nhưng ông đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp phát triển báo chí Việt Nam.
Hoàng Tích Chu sinh năm 1897 tại làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình quan lại. Đó là những năm cuối cùng của thế kỷ 19, những năm đầu của thế kỷ 20, thực dân Pháp đã chiếm được toàn bộ nước ta, đang tiến hành cuộc khai thác bóc lột nhân dân ta trên quy mô lớn. Nền văn minh phương Tây xâm nhập và khởi đà phát triển. Lối học sáo cũ suy tàn. Những năm thiếu thời Hoàng Tích Chu theo học chữ Hán, cũng đã từng lều chõng đi thi, những khoá thi cuối cùng của nền học chữ nho nhưng không đậu. Gia đình ông cũng có phần nào ngậm ngùi, nhưng đó lại là điều may cho cuộc đời của ông.
Tuổi trẻ nhạy cảm, Hoàng Tích Chu quay sang học tiếng Pháp. Năm 1921, ông đã giúp việc cho tòa soạn Nam Phong, một tạp chí lớn lúc bấy giờ. Ngày 15 tháng 7 năm 1921, báo Khai hoá ra đời, do nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi, một trong 4 người giầu nhất Việt Nam lúc đó, một nhà tư sản mới có ý thức dân tộc mạnh mẽ sáng lập. Hoàng Tích Chu được Bạch Thái Bưởi chọn làm chủ bút. Ông bắt đầu ký tên Kế Thương trên các bài báo (ý nói kế liền nhà Thương là nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc). Với bút danh này, Hoàng Tích Chu làm cho giới báo chí và người đọc chú ý đặc biệt. Một năm sau, vì một lý do riêng xảy ra trong toà soạn, ông từ biệt báo Khai hoá.
Lúc này Hoàng Tích Chu nghĩ tới sang Pháp học nghề làm báo. Nhưng gia đình không có đủ tiền chu cấp cho ông du học. Năm 1923, Hoàng Tích Chu vào Nam Kỳ, nhờ người bạn làm dưới tàu thuỷ xin cho chân phụ bếp trên con tàu chạy sang Pháp. Do đó ông đã được qua Hồng Kông, Thượng Hải và Nhật Bản trước khi tới Pháp.
Trong thời gian học tại Pháp, Hoàng Tích Chu và người bạn thân Đỗ Văn (sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm) hàng tháng nhận tiền trợ cấp của giáo sư trường Albert Sarraut, Lê Hữu Phúc gửi sang. Hoàng Tích Chu học nghề làm báo, Đỗ Văn học nghề in.
Học xong, hai người trở về nước năm 1927. Vừa lúc đó, Lê Hữu Phúc sang Pháp học văn chương và triết học, với hy vọng, sau khi Lê Hữu Phúc học xong, bộ ba sẽ lập một tờ báo riêng: Hoàng Tích Chu quản lý, Lê Hữu Phúc chủ bút, Đỗ Văn in và phát hành. Nhưng thật không may, sau khi học xong, chưa kịp về nước Lê Hữu Phúc chết tại Pháp.
Trong thời gian học tại Pháp, Hoàng Tích Chu đã chú tâm nghiên cứu vai trò và tác dụng lợi hại của báo chí trong cách mạng tư sản Pháp. Kết quả là ngày 9 tháng 5 năm 1927, trước khi về nước, ông đã kịp hoàn thành tại Paris, bản thảo chuyên luận “Câu chuyện nhựt trình trong hồi cách mạng nước Pháp”. Tập sách được xuất bản tại Sài Gòn do nhà in Xưa Nay phát hành vào cuối năm 1927.
Mở đầu tập sách in trang trọng lời đề từ: "Nếu đã thật gọi là lấy thân hiến nước thì dù bằng ngòi bút hay cây gươm, đôi đàng đều có thế lực ngang nhau".
Sau đó là lời nói đầu, được viết ngắn gọn, hàm súc như một bài thơ văn xuôi, chứa đựng một khí phách, một hoài bão làm rung động lòng người, một tuyên ngôn về nghề báo nước ta với một tinh thần quyết liệt, sục sôi chiến đấu. Chỉ có điều tác giả không nêu ra được làm cách nào mới thực sự đòi được quyền tự do ngôn luận từ tay kẻ xâm lược.
“Đời không có tự do là đời bỏ đi. Người có giá trị vì người có tự do.
Tự do, làm người ai cũng có từ thuở mới lọt lòng.
Khi nào mất, có quyền đòi, không phải xin, xin chẳng ai cho, đòi kỳ bằng được”…
Với lý tưởng cao đẹp như thế, về tới Hà Nội, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn bắt tay ngay vào áp dụng những kiến thức đã học được và dự định được ấp ủ lâu ngày.
Ngày 1 tháng 6 năm 1927, Hà thành ngọ báo ra đời. Hoàng Tích Chu được giao lo công việc biên tập. Đỗ Văn lo việc in và phát hành báo.
Vào quãng năm 1927, báo chí nước ta đã trải qua 60 năm phát triển. Chỉ trong 5 năm (1922 - 1927), số lượng tên báo, tạp chí được xuất bản đã gia tăng 73%, riêng tên báo, tạp chí Việt văn gia tăng gần 90%. Nhưng các bài báo vẫn rườm rà, ít lượng thông tin, còn nặng nề vì lối văn biền ngẫu, đầy chữ nho, điển tích khó hiểu. Các bài báo giảng giải luân lý, triết học, học thuật lê thê, rối rắm, chỉ dành cho người am hiểu. Chính vì vậy số lượng người đọc rất ít.
Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn đã thực hiện một loạt cải cách. Hoàng Tích Chu sử dụng lối văn mới, gọn gàng, sáng sủa, giàu lượng thông tin, khác hẳn lối văn cũ đã mang lại một luồng gió mát mẻ, đầy sinh khí, giàu chất sống cho văn phong báo chí lúc đó. Bấy lâu nay các báo thường in xã luận dài dòng , chiếm hai cột ngang trên trang nhất, Hoàng Tích Chu viết xã luận ngắn gọn, sắc bén, hàm súc như khẩu hiệu. Trước kia, phần tin tức chỉ được in ở trang 2, 3, Hoàng Tích Chu cho in ở ngay trang nhất, tin quan trọng được in nổi bật, phản ánh tin sốt dẻo, kịp thời.
Ban đầu, người đọc chưa quen, phê phán văn Hoàng Tích Chu lai Tây, câu cụt, cộc. Tác giả bị xem là kẻ lập dị, khôi hài. Hậu quả tai hại là báo bán bị ế, ít người đọc. Ông chủ báo đành phải mời hai nhà canh tân nghỉ việc. “Phải chăng đời ví là một ván cờ, thì thua ván này, ta bày ván khác, can chi mà mặt mày tái mét, chân tay bủn rủn, kêu khóc lên rằng: thất bại”. Hoàng Tích Chu tự an ủi và đứng ra thành lập một tờ báo của hai ông. Đó là tờ báo Đông Tây nổi tiếng.
Các báo Phong Hoá và Ngày nay đã tiếp tục con đường canh tân của Đông Tây và thành công - Trong ảnh: Trang bìa một số báo Phong Hóa
Số 1 Đông Tây xuất bản trong tháng 11 năm 1929, Hoàng Tích Chu lấy bút danh là Văn Tôi, để khẳng định một cách chính thức cho một lối hành văn mới trong sáng, gọn gàng bắt kịp cuộc sống đang diễn biến nhanh chóng của xã hội Việt Nam đang chuyển mình vào một cuộc cách mạng mới do Đảng  Cộng sản lãnh đạo, tuy Hoàng Tích Chu không ý thức được đầy đủ như vậy.
Trên mặt báo Hoàng Tích Chu đề cập tới những vấn đề thiết thực hàng ngày của số đông dân chúng. Một loạt các mục: Hôm nay, Bia miệng, Chuyện lạ đường rừng, Trắng đen, Cuốn phim... phản ánh các khía cạnh muôn mặt của đời thường làm cho tờ báo giàu lượng thông tin, gắn bó mật thiết với cuộc sống của nhiều người. Báo Đông Tây còn in nhiều tranh ảnh, minh hoạ hấp dẫn, ngộ nghĩnh. Hoàng Tích Chu được toàn quyền tiến hành cải cách nên báo Đông Tây đã đáp ứng được phần nào yêu cầu của xã hội, quần chúng hoan nghênh. Báo Đông Tây được đánh giá là báo bán chạy nhất Bắc Kỳ lúc đó.
Hoàng Tích Chu đã coi làm báo là một nghề nghiệp trong xã hội. Trên số 2 báo Đông Tây, ông viết: “Nghề làm báo ở xứ ta cho đến ngày nay vẫn chưa phải là một nghề theo đúng nghĩa của nó, vì ở xứ ta chưa có trường dạy về báo chí. Chúng ta xem đó là trò tiêu khiển về tinh thần, ký giả chỉ là những người lĩnh lương, tức là những người làm công, vì vậy ký giả làm việc miễn cưỡng”. Ông phê phán lối làm báo công khai lúc đó: “Khi lập tờ báo, ông chủ chỉ chú ý tới vấn đề tiền bạc, thay vì chú ý tới bộ biên tập”..., “người chủ bút, tuy ở trong nghề nhưng chưa biết tờ nhật báo có vai trò gì? Nhật báo đối với họ chỉ là những bài xã thuyết cộng với một vài tin tức lượm lặt ở sở cảnh sát hoặc dịch từ báo Pháp, và không hiểu rằng tờ nhật báo phải đề cập đến những vấn đề thời sự: tin tức trong và ngoài nước... Họ cho tràn vào mấy cột báo bất cứ tin tức nào bắt gặp trong báo Tàu hoặc báo Pháp” (Đông Tây số 5 ngày 16/1/1930).
Ông nhận xét đội ngũ người viết báo đương thời: “Chủ báo quan niệm rằng ký giả là người làm công, ngày hai buổi đến toà soạn để viết xã luận, dịch tin tức để trám cho đầy cột báo...
Những người làm công nói trên tìm ở đâu ra? Đa số là những nhà nho sĩ nghèo và dốt, những người kiến thức nông cạn nhưng muốn loè thiên hạ với những câu văn hoa bóng bẩy”.
Mặc dù lối viết báo mới của Hoàng Tích Chu làm một số người chưa quen, một số người khó chịu, một số người đả kích. Ngay cả Tản Đà là nhà thơ cự phách, có nhiều đóng góp cách tân thơ ca, người báo trước phong trào thơ mới, đồng thời là một người làm báo say mê, sáng lập tờ tạp chí văn học đầu tiên ở nước ta, cũng hạ bút chê Hoàng Tích Chu: “Ông này gàn bướng quá, ai mà chẳng là tôi, người ta phải có tên riêng chứ” (ý nói bút danh Văn Tôi của Hoàng Tích Chu - An Nam tạp chí số 27 năm 1932). Nhưng dần dần chính những người đả kích ông đã chịu ảnh hưởng lối viết của ông. Báo Công dân, Nhân loại... chịu ảnh hưởng rõ nhất.
Đúng lúc Hoàng Tích Chu được toàn quyền thực hiện hoài bão thì Đông Tây bị thu hồi giấy phép xuất bản. Cũng vào dịp này Thời báo được tái bản, Hoàng Tích Chu được chọn làm chủ bút, Toàn bộ mục Đông Tây lại được đưa sang Thời báo, có người lúc đó đã gọi Thời báo là Đông Tây đội lốt. Thời báo đang giành được uy tín trong người đọc thì lại bị thu hồi giấy phép khi số 20 vừa ra đời.
Sau khi Thời báo đóng cửa, Hoàng Tích Chu bị ốm rồi mất ngày 30 Tết năm Quý Dậu (1933). Trong thời gian ốm, một người bạn đến thăm, ông vẫn tươi cười nói: “Nếu tôi được khoẻ, chuyến này tôi sẽ mở một nhà xuất bản lớn như các nhà ấn hành bên Âu - Mỹ, lúc ấy chúng ta lại có cơ hội gặp gỡ làng văn...”.
Ba năm sau khi ông mất, trên tờ báo Tràng An đã có bài viết “Hoàng Tích Chu ông tổ văn mới”. Trong đó đánh giá: “Báo Đông Tây được người đọc đón nhận nồng hậu, đem lại cải cách sâu rộng trong làng báo. Về mặt nội dung chưa có gì tích cực, về hình thức là một cuộc cách mạng...” (Tràng An, 30 tháng 10 năm 1936).
Sau đó các báo Phong Hoá và Ngày nay đã tiếp tục con đường canh tân của Đông Tây và thành đạt.
Nếu gọi Hoàng Tích Chu là ông tổ văn mới có lẽ chưa thoả đáng và còn cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa mới xác lập được chính xác phần đóng góp của ông. Nhưng Hoàng Tích Chu là một trong những người đầu tiên viết văn mới và cách tân báo chí cho hoà nhập với yêu cầu của cuộc sống mới lúc bấy giờ. Những đóng góp của ông không thể phai mờ trong lịch sử phát triển báo chí Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ chúng ta.

Theo Tạp chí Xưa & Nay, số 61 (3-1999

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét