Tôi không có ý định và khả năng bàn rộng các vấn đề trên tầm bao quát và có tính vĩ mô,
tôi chỉ xin nêu một đôi điều đáng lưu ý xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm
cá nhân, trong tư cách người từng phụ trách công việc của một cơ sở nghiên cứu,
một Viện, và là người có may mắn tham gia thực hiện một số đề tài, có cái là cấp Nhà nước, có cái là cấp Bộ, trong khu vực khoa học xã hội và
nhân văn vào giữa những năm 90.
Từ thời Đổi mới, vào thập niên
90, việc thực hiện đề tài nghién cứu các cấp có thêm một nguồn lực quan trọng
là kinh phí. Đó quả là hiện tượng mới, khác với nhiều chục năm trước cán bộ
nghiên cứu chủ yếu sống bằng lương và chế độ nhuận bút. Tôi hiểu đây là cách Nhà
nước hỗ trợ cho giới nghiên cứu khoa học khi họ không thể sống bằng
lương. Lương - bỗng được hiểu như là đứng ra ngoài gía trị sản phẩm. Giá trị sản phẩm khoa
học, từ nay, có bộ phận lớn được tính
bằng số kinh phí mà đề tài được cấp, từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao. Dạng thấp nhất
là đề tài cấp phòng, cấp Viện mà chúng tôi gọi là đề tài tiềm lực, gần
như rồi trở thành một khoản chia đều cho mọi người trong cơ quan. Rồi nâng dần
lên cấp Bộ, cấp Ngành, cấp Nhà nước, không kể các đề tài tìm được nguồn tài
trợ.
Nâng dần lên có nghĩa là số kinh phí tăng
lên và số người tham gia thu hẹp lại. Thu hẹp, có nghĩa là phải nhìn vào những
người có chuyên môn, các chuyên gia. Nhưng cho dẫu là chuyên gia, rồi cũng phải
nhìn nhau, để thấy, do đây là một nguồn thu nhập lớn so với lương nên phải tính
liệu cách chọn người, chia việc sao cho êm thấm. Tầm cấp thiết của đề tài gần
như là chuyên không khó khăn lắm trong việc thuyết minh; vấn đề quan trọng là được
thực hiện với kinh phí như thế nào và ai là người chủ trì. Cái người chủ trì
này thường lại phải là người có thế lực, tức là một chức trách xã hội
trước khi nói đến vai trò và khả năng chuyên môn. Làm một đề tài khoa học mà
người chủ trì lại là một cương vị hành chính hoặc lãnh đạo, sự thể đó không thể nói là thuận cho việc thực
thi các mục tiêu khoa học.
Cuối cùng là quá trình nghiệm
thu ở các
Hội đồng. Hội đồng gồm những ai, và quá trình chuẩn bị như thế nào để đạt Xuất
sắc, hoặc Tốt, hoặc Khá cũng là vấn đề gần như nhìn vào Hội đồng mà có thể tính
trước được. Theo dõi quá trình nghiệm thu một chương trình khoa học cấp Nhà nước mà tôi có được tham
gia, tôi thấy tỷ lệ đạt Xuất sắc rất cao; Khá và Đạt chỉ là số rất ít. Phải nói
thêm là cố phần khác với khu vực khoa học tự nhiên và công nghệ, trong
các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thường có sự thâm nhập vào nhau, nên không
đến nỗi xa lạ với nhau. Người có tri thức sâu trong một lĩnh vực vẫn có thể cảm
nhận được sự hay- dở, mới- cũ ở các lĩnh vực láng giềng. Bởi lẽ đó, nên điều cũng dễ
nhận là một số kết quả Xuất sắc trong nghiệm thu, không phải kết quả
nào cũng đem lại một nhận thức thật mới, thật đặc sắc đến có thể làm ngạc nhiên hoặc đánh động
cho tư duy con người. Còn Khá và Đạt không
hẳn là dở, bởi dường như nó lại có khả năng khơi gợi một điều gì đó không bình thường, không thuận theo nếp nghĩ chung có sẵn.
Rõ ràng việc áp dụng và chuyển sang quá trình công nghệ của các kết
quả nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn là khó, thậm chí không thể đặt yêu cầu đưa vào công nghệ. Vấn đề là nó có thể làm giàu và làm
mới thế giới tri thức con người, làm giàu đã rất khó, làm mới còn khó hơn. Là sự xác nhận mối
quan hệ giữa đổi mới hiện thực, đổi mới xã hội và đổi mới tư duy. Là việc tôn trọng và chấp nhận mọi
sự tìm kiếm trên con đường tiếp nhận chân lý vốn là không bao giờ cùng... Tôi là người nghiên
cứu, phải lấy sự đọc và viết làm thú vui, thế nhưng sự thật là chưa có nhiều
lắm thú vui từ các tri thức mới được tập hợp và công bố nơi các kết quả của các
chương trình - đề tài. Chỉ biết là sự chi phí cho nó có thể nói là khổng lồ, so với mọi sự thu
nhập trong các giới tri thức khoa học, văn hóa, văn học, nghệ thuật. Nêu tính
kinh phí cho một chương trình nghiên cứu khoa học xã hội là hàng tỷ hoặc vài tỷ
đồng, với kết quả là vài chục đầu sách và kỷ yếu lưu hành nội bộ thì mới thấy việc những người nghiên
cứu từ xưa đến nay lầm lụi cho một đầu sách chuyên sâu được in với số nhuận bút may mắn là vài triệu đồng,
quả là một độ chênh không thể nào hình dung nổi.
Xin nói
thêm một điều: Những đầu sách quan trọng nhất về khoa học xã hội của một số học giả viết trước 1945
mà chưa ai trong chúng tôi
sau này theo kịp được, của Dương Quảng Hàm, Ngô Tất Tố, Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Hoài Thanh - tất nhiên là không có một đồng kinh phí nào. Mới hay, không phải bất cứ
lúc nào, sản phẩm khoa học cũng được đo theo giá tiền.
*
Xin được phép đi sâu hơn một ít vào việc thực
hiện một đề tài, với qui trình quen thuộc, từ xác lập đề cương, thực hiện dự án điều tra, tổ
chức hội thảo, phân công soạn thảo, hoàn thiện bản thảo, nghiệm thu kết quả và cách thức
công bố.
Trong các công đoạn quen thuộc đó, tôi quan tâm nhiều nhất đến việc điều tra. Tức là việc nghiên cứu thực tế, việc tìm các chứng cứ, các dẫn liệu từ thực tế, việc tổng hợp tài liệu, nhằm sao cho đạt được tối ưu sự trung thực và toàn
diện. Mọi câu chuyện khoa học thuộc bất cứ lĩnh vực nào, nếu đích thực muốn vào
quỹ đạo khoa học cần được khời động và quyết định ở khâu này. Đủ hoặc thiếu, toàn diện hoặc phiến diện,
nhìn thẳng hoặc tránh né các dữ kiện - tính từ khâu này, thường dẫn đến
các hiệu quả rất khác nhau. Chẳng hạn một đề tài nghiên cứu về trí thức, điều
cần là phải làm sao đến được với các giới trí thức đích thực, tức là trí thức đang hành
nghề trên chính chuyên môn của mình. Còn nếu chỉ là việc khảo sát hoặc tập hợp ý kiến từ những người
tuy vẫn được gọi là trí thức, thậm chí là trí thức bậc cao, có đủ các hàm - vị cao, nhưng lại ở các trọng trách hành chính
mà không hành nghề trí thức; thì sự thể kết quả như thế nào tưởng cũng có thể biết
được.
Và điều thứ hai cũng rất quan trọng,
thậm chí càng quan trọng hơn, là làm sao cho các giới trí thức được nói thật, nói hết về những điều họ quan tâm và suy
nghĩ.
Kiểm chứng từ các tiêu chuẩn này,
tôi đâm ra băn khoăn về một số kết quả Xuất sắc ở các chương trình khoa học xã hội,
bởi hình như ở đây các kết luận rút ra chưa nói được bao nhiêu những điều chủ yếu thường được phô bày hoặc công khai
hoặc nửa công khai trong xã hội; càng chưa nói được những điều còn ẩn chứa trong im lặng - mà im lặng, như trong một phương ngôn Pháp, đó là vàng. Tóm lại, vì sao trong cuộc sống, có người lại nghĩ khác, hoặc im lặng - đó quả là vấn đề cần nghiên cứu, là vấn đề của vấn đề, là problématique của câu chuyện ta đang bàn
trong các đề tài chung quanh giới trí thức vốn là tầng lớp đang đóng vai trò quyết định
trong cuộc Cách mạng Thông tin và nền Văn minh Trí tuệ hôm nay.
Đối với mọi hoạt động khoa học,
mục tiêu tối cao là phục vụ nhân dân, phục vụ tiến bộ xã hội. Mà tiến bộ xã hội
và lương tri nhân dân là không bao giờ xa rời hoặc đối lập với chân lý, với
sự thật, với chân lý nằm trong sự thật. Do vậy mà chân lý phải là mục tiêu cụ thể của
khoa học. Chân lý gắn với sự thật, và sự thật thì bao giờ cũng có tiếng nói của nó, thậm
chí đó phải là tiếng nói cuối cùng. Trong thần thoại phương Tây cổ đại, vị thần đầy
quyền năng Appolon từng đắp cho vua Midas một cái tai lừa vì Midas dám báng bổ
nghệ thuật. Chuyện đó tuyệt không ai biết, ngoài bác thợ cạo của vua. Biết mà
khồng thể nói là rất khổ, vì không nói không chịu được; do vậy mà bác đành phải
nói với đất. Thế nhưng rồi đám lau sậy mọc trên đất, cứ mỗi lúc gió thổi qua,
lại cùng rì rào: “Vua Midas có tai lừa”
Sự thật gắn với chân lý, và chân
lý nằm trong sự thật. Nếu khoa học đem đến cho con người nhận thức đúng đắn
toàn diện về sự thật, không gì ngoài sự thật, thì đó chính là đóng góp đích thực của khoa học, và là phúc
lành cho xã hội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét