Khiemnguyen

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Đọc lại báo xưa (1)



ĐÀO TẠO NHÂN TÀI

Trung Bắc Chủ nhật
(Số 14, ngày 12/6/1940)
Đào tạo nhân tài là một vấn đề rất quan hệ cho một nước vì nhân tài bao giờ cũng là giường cột, nguyên khí của quốc gia, nhân tài tức là những người chỉ huy của quốc dân trên con đường tiến bộ. Ở xã hội Việt Nam ta từ xưa đến nay việc đào tạo nhân tài vẫn coi là một việc rất trọng đại, lúc nào nhà nước cũng cần phải lưu tâm đến. Về các tiên triều nước ta ngày xưa, việc đào tạo và lựa chọn nhân tài bằng các khoa thi Hương, thi Hội là việc mà triều đình và nhà Vua đời nào cũng săn sóc đến một cách đặc biệt. Kịp đến nhà Nguyễn, sau khi bình định được nước nhà thống nhất được giang sơn, nhà vua cũng nghĩ ngay đến việc đào tạo nhân tài và mở các khoa thi lựa chọn những người có đủ tư cách ra giúp vua trị nước. Cách tổ chức việc học chính của ta ngày xưa ở kinh đô thì có trường Quốc tử giám là cái lò đúc nhân tài khắp trong xứ còn ở các tỉnh thì có các trường Đốc học. Đứng đầu việc học trong nước ngày xưa có quan Tế tửu bao giờ cũng lựa chọn trong hàng các vị đại khoa, học vấn uyên thâm, tài năng lỗi lạc. Quan Tế  tửu có thể sánh với quan Thượng thư bộ Giáo dục ngày nay coi giữ cả việc học chính trong xứ lại kiêm cả chức đốc học trường Quốc Tử giám. Ngoài các trường của nhà vua lập ra thì việc học ở xứ ta ngày xưa rất tự do và lan khắp trong xứ vì thế mà theo chế độ của xứ ta không phân biệt giàu nghèo sang hèn, những kẻ có tài năng đều có thể từ một người học trò mà bước lên địa vị cao quí trong nước.
Từ khi nước Pháp sang bảo hộ xứ ta, người Pháp rất săn sóc đến việc mở mang học chính vì thế mà ngay trong thời kỳ chinh phục các quan binh Pháp cũng đã để ý lựa chọn những người thông minh mẫn cán để dạy dỗ và dùng làm người giúp việc mình trong công cuộc khai hóa xứ này.
Về việc dạy chữ Pháp lúc người Pháp mới sang xứ này chỉ có trường Thông ngôn là lớn và quan hệ nhất. Mãi đến năm 1907, trường Thông ngôn ở Hà Nội mới đổi làm trường Bảo hộ, một trường dạy đủ các lớp về ban cao đẳng tiểu học Pháp Việt, nơi đã đào tạo ra biết bao nhân tài khắp trong xứ. Ở Trung, Bắc kỳ này, trường bảo hộ là trường học lớn thứ nhất mở ra và tổ chức theo chế độ, qui củ của nền học chính ở Pháp.
Sau trường Bảo hộ ta mới thấy ở Huế có trường Quốc học, ở Hai Phòng, Nam Định rồi đến Vinh và Qui Nhơn và nhiều nơi khác đêu dần dần mở từ lớp một cho đến lúc thành một nhà trường cụ thể về ban Cao đẳng tiểu học Pháp Việt. Ngày nay thì trường Bảo hộ đã thành một trường trung học Pháp Việt chính thức của xứ Bắc kỳ, có đủ từ lớp đồng ấu cho đến các lớp thi tú tài cách tổ chức và chương trình dạy cũng chẳng khác gì các trường Trung học lớn của người Pháp ở xứ này và ở chánh quốc.
Từ hơn 30 năm đến nay và từ nay về sau, trường Trung học Bảo hộ bao giờ cũng là một nơi rèn đúc, gọt giũa cho các bậc thanh niên tuấn tú Việt Nam. Các cựu sinh viên trường Bảo hộ ngày nay biết bao nhiên người đã thành đạt trở nên những người ích lợi cho xã hội và nòi giống Việt Nam. Những ngôi nhà đồ sộ trên bờ hồ Tây, một thắng cảnh Hà thành có nhiều dấu vết về lịch sử của dân tộc Việt Nam thật đáng gọi là nơi đã đào tạo nhân tài cho nước nhà./.

T.B.C.N


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét