Chính môi trường báo chí văn chương Sài Gòn đã là nơi
nuôi dưỡng cây bút Phan Khôi từ điểm định hình đến độ trưởng thành. Theo một vài
tác giả (ví dụ: Phan Thị Nga[1]
(1936), Phan Cừ và Phan An (1996)(1)...) và theo kết quả sưu tầm nghiên cứu của
bản thân người đang viết những dòng này, thì Phan Khôi góp mặt với báo chí Sài
Gòn từ năm 1919 và từ đó đến đầu thập niên 1940 (hoặc cuối thập niên 1930) đã
liên tục gắn với đời sống văn chương báo chí Sài Gòn, dù suốt thời gian ấy
không phải lúc nào cũng sống ở đây.
Có thể nói chính môi trường báo chí văn chương Sài Gòn
đã là nơi nuôi dưỡng cây bút Phan Khôi từ điểm định hình đến độ trưởng thành,
là nơi cây bút viết báo viết văn của ông làm việc năng sản nhất, hiệu quả nhất.
Chính môi trường báo chí văn chương Sài Gòn đã đề xuất Phan Khôi như một trong
không nhiều những tên tuổi nổi tiếng của mình trên trường dư luận toàn quốc
đương thời.
Phan Khôi can dự văn chương không hiếm khi với tư cách
người sáng tác (làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài) nhưng thường khi với tư
cách người bình luận, người nghiên cứu, hoặc với tư cách dịch giả.
Và ở Việt Nam, nếu đời sống văn học, trước hết là ở
Nam Kỳ, từ nửa cuối thế kỷ XIX, bắt đầu dạng thức tồn tại trên hai loại hình
(hoặc hai kênh) chính của truyền thông hiện đại là xuất bản và báo chí, thì
hoạt động văn chương và học thuật của Phan Khôi được thực hiện chủ yếu trên
kênh báo chí.
Hoạt động của ngòi bút ông gắn với báo chí đến mức di
sản của ngòi bút ông có cơ mất hút trong mắt các lớp hậu thế nếu họ chỉ đi tìm
ông theo cái kênh dễ soi là sách xuất bản thời trước và do vậy chỉ thấy được
một ít văn phẩm (Chương Dân thi thoại, Việt ngữ nghiên cứu,...) dường như chưa
xứng tầm cỡ tác giả!
Tờ báo đầu tiên ở Sài Gòn mà Phan Khôi đăng bài có lẽ
là tờ Lục tỉnh tân văn.
Ông có bài
đăng báo này hầu như ngay sau khi thôi cộng tác với tạp chí Nam phong ở Hà
Nội. Bài cuối cùng ông đăng Nam phong (Về việc cấm rượu ở các nước cùng việc
rượu lậu ở nước ta // N.P.s. 23, tháng 5/1919) thì cũng ngay trong tháng ấy,
ngày 7/5/1919 trên tờ Lục tỉnh tân văn ở Sài Gòn đã có bài của Phan Khôi.
Ban đầu ông đăng sáng tác: hai bài ca Đưa chồng và Nhớ
chồng, thác lời người vợ có chồng là lính tùng chinh sang Pháp tham gia thế
chiến thứ nhất, đều là bản dịch hai bài thơ chữ Hán đã đăng Nam phong (Sau này
vào năm 1958 ở miền Bắc, Phùng Bảo Thạch sẽ “hồi cố” nội dung hai bài này để tố
cáo thái độ “ôm chân đế quốc” của Phan Khôi).
Nhưng những loạt bài kéo dài thành mục báo đăng nhiều
kỳ của Phan Khôi trên Lục tỉnh tân văn năm 1919 lại là về đề tài thường thức xã
hội và về ngôn ngữ. Đó là mục Làm dân phải biết (với những nội dung bài cho
từng kỳ báo lần lượt là: - Nước mẹ đẻ; - Địa dư nước An Nam; - Chính trị nước
An Nam; - Phong tục nước An Nam; - Dân phải nộp thuế;...) và mục Ghi chép tiếng
An Nam (tôi tìm được 10 kỳ báo có bài của mục này, từ 12/5 đến 25/6/1919).
Thời gian Phan Khôi cộng tác với tờ Lục tỉnh tân văn
rất ngắn, chỉ trong vòng vài tháng. Theo Phan Thị Nga (1936, tài liệu dẫn trên)
thì “làm được ít lâu vì ông viết một bài kịch liệt quá người ta buộc ông thôi,
ông lại ra Bắc...”.
Bài báo “kịch liệt quá” ấy, nếu là bài đã đăng, thì,
theo tìm hiểu của tôi, đó có thể là bài Giải đại ý bài diễn thuyết của quan
Toàn quyền Sarraut về cuộc Đông Dương tự trị đăng hai kỳ báo (LTTV. 14/5 và
LTTV. 21/5/1919).
Theo thông tin trong bài báo ấy thì trước đó ít lâu,
tại một buổi tiệc trà của hội Khai trí Tiến đức ở Hà Nội, Toàn quyền Đông Dương
Albert Sarraut có bài diễn thuyết về chủ đề Đông Dương tự trị; Lục tỉnh tân
văn đã đăng toàn văn bài diễn thuyết ấy; bài viết của tác giả Chương Dân
chỉ đưa ra những lời giải thích; trong những điều ông giải thích có chỗ nói
rằng: chữ “Đông Dương tự trị” đó nghĩa là phủ Toàn quyền Đông Dương đối với Mẫu
quốc mà được quyền tự trị, chớ không phải người Đông Dương đối với nước Lang Sa
mà được quyền tự trị đâu”, tức là Phan Khôi nói trắng ra rằng Toàn quyền
Sarraut nói “Đông Dương tự trị” là nhằm đòi thêm quyền cho mình trong vị trí
quan chức Pháp lớn nhất ở Đông Dương chứ không phải đòi quyền cho dân Đông
Dương. Phải chăng chính ý này đã khiến Toà soạn Lục tỉnh tân văn cho là “kịch
liệt quá” và buộc ông thôi cộng tác?
Dẫu sao thì sự hiện diện lần đầu trên báo chương Sài
Gòn của Phan Khôi cũng tạm chấm dứt ở đấy. Ông trở ra Hà Nội cộng tác với các
tờ Thực nghiệp dân báo và tạp chí Hữu thanh, nhận lời cộng tác dịch Kinh
Thánh Ki-tô giáo cho hội thánh Tin Lành.
Vài ba năm sau, Phan Khôi lại vào Nam, chưa rõ từ thời
điểm cụ thể nào, cũng chưa rõ khi vào có viết ngay cho tờ báo nào hay không;
chỉ có nguồn tư liệu (theo Phan Cừ và Phan An, 1996, tư liệu đã dẫn) cho rằng,
sau khi vào Nam lần này, vì một lý do gì đó, Phan Khôi phải chạy xuống Cà Mau
ẩn náu nơi nhà một người bạn là chủ đồn điền, dành thời gian tự học thêm tiếng
Pháp qua thư từ với Djean de la Bâtie, một nhà báo tự do người Pháp ở Sài Gòn.
Theo tìm hiểu của tôi, thời kỳ thứ hai Phan Khôi góp
mặt với báo chương Sài Gòn có thể tính từ đầu năm 1928. Thời kỳ này kéo dài đến
năm 1933 hoặc 1934, gắn với các tờ Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ tân
văn, Trung lập.
Thời kỳ này đánh dấu sự chuyển biến về chất của ngòi
bút Phan Khôi. Lại xin dẫn lời nữ ký giả Phan Thị Nga (1936, Hà Nội báo): “Ông
bắt đầu viết được lối văn sát sóng như lối văn ông hiện giờ, từ hồi ông làm cho
Đông Pháp thời báo ở Nam” (ta nên lưu ý điều này: bà Phan Thị Nga khi đó đang
làm cho báo Tràng An ở Huế; bài báo của bà là kết quả hỏi chuyện trực tiếp Phan
Khôi, - khi đó đang làm chủ nhiệm tờ Sông Hương cũng ở Huế, nên nhiều điều
trong bài có lẽ là ghi lại lời bộc bạch của chính Phan Khôi).
Xin được nhắc lại một vài tình tiết thuộc “báo chí sử”
Sài Gòn những năm 1920-30, khi Diệp Văn Kỳ trở về từ Pháp với tấm bằng cử nhân
luật nhưng lại thích môi trường báo chí văn chương (nhân tiện xin nhắc rằng
Diệp Văn Kỳ là tác giả khá nhiều tác phẩm sân khấu như Tứ đổ tường, Áo người
quân tử, Bể ái đầy vơi,... lại cũng là tác giả một số tiểu thuyết, ví dụ Chưa
dứt hương thề đăng Thần chung từ 4/7/1929, v.v…).
Cuối năm 1927 hai ông hội đồng Diệp Văn Kỳ và Nguyễn
Văn Bá mua lại từ tay Nguyễn Kim Đính tờ Đông Pháp thời báo (cũng có tên tiếng
Pháp Le Courrier Indochinois).
Học giả Huỳnh Văn Tòng
(2000) nhận xét rằng “hai ông này đã biến đổi hoàn toàn tờ báo”, biến nó từ chỗ
“có khuynh hướng thân chính phủ» trở nên “có khuynh hướng đối lập” và “là tờ
báo có rất nhiều người đọc”[2].
(Tôi đang tìm mua cuốn này, ai có?) |
Việc Đông Pháp thời báo mời được Tản Đà và Ngô Tất Tố
từ Bắc vào tăng cường cho bộ biên tập và làm gia tăng rõ rệt thành phần văn
chương học thuật trong nội dung tờ báo, - thì nhiều nhà nghiên cứu (Thanh Lãng,
Phạm Thế Ngũ, Huỳnh Văn Tòng,...) đã ghi nhận. Nhưng việc Phan Khôi cũng góp
mặt trên tờ báo này từ khi nó thuộc về hai chủ nhân mới, - thì ít thấy
nhà nghiên cứu nào ghi nhận, hoặc nếu có ghi nhận thì chỉ nói chung chung là
Phan Khôi có lúc viết cho Đông Pháp thời báo chứ không ghi nhận cụ thể gì hơn.
Lý do có lẽ cũng đơn giản do cách tái xuất hiện khá
kín đáo lần này của chính Phan Khôi trên báo chí Sài Gòn: tất cả các bài đưa
đăng Đông Pháp thời báo, từ những bài tranh luận với Trần Huy Liệu và Huỳnh
Thúc Kháng về một đoạn sử quan hệ Pháp-Việt thế kỷ XVII - XVIII, kể cả “Nam âm
thi thoại” mà tên cuốn sách tương lai và những bài đầu tiên của nó đã từng xuất
hiện trên Nam phong những năm 1918-1919, kể cả bài thơ “Dân quạ đình công” làm
từ sau “vụ án xin xâu” ở miền Trung hồi 1907-1908, v.v..., tất cả, Phan Khôi
đều ký tắt bằng hai chữ C.D. - hai chữ cái đầu tên hiệu Chương Dân mà ông đã
dùng để ký dưới các bài báo của mình trên tạp chí Nam phong hồi trước.
Trong số những bài Phan Khôi đưa đăng trên Đông Pháp thời báo, chỉ có ít bài bình luận
thời sự chính trị (ví dụ Cái tình thế chánh trị xứ Trung kỳ và Nhân dân đại
biểu viện xứ ấy // ĐPTB 28/8/1928; Ít lời lạm bàn về chánh sách của ông
Pasquier, quan Toàn quyền mới Đông Pháp //ĐPTB 30/8/1928), nhưng có khá nhiều
bài thiên về khảo chứng hoặc bình luận sử học.
Nổi bật là chùm bài tranh luận phản bác điều mà ông
gọi là “cái thuyết nước Pháp giúp nước Nam về hồi cuối thế kỷ XVIII”; cạnh đó
là những bài cũng phản bác “cái thuyết châu Âu sắp tan nát” của học giả Cô Hồng
Minh (1856-1928), nhận diện tình hình học thuật tư tưởng ở Trung Hoa đương đại,
so sánh đặc điểm tư tưởng phương Đông và phương Tây, khẳng định việc lớn trước
mắt phải làm ở phương Đông, ở châu Á là phải “Âu hoá”, phải học văn minh phương
Tây để đưa xã hội mình lên trình độ của thế giới hiện đại (Học thuyết cũ
với vận mạng mới nước Tàu // ĐPTB 26/7/1928; Mấy lời kết luận về Cô Hồng Minh
và cái thuyết Âu châu sắp tan nát //ĐPTB 15/9/1928; Tư tưởng của Tây phương và
Đông phương //ĐPTB 27/9 và 2/10/1928; Bác cái thuyết tân cựu điều hoà //ĐPTB
11/10/1928)[3].
Thời Phan Khôi, Tản Đà, Ngô Tất Tố cùng cộng tác với
Đông Pháp thời báo cũng có thể xem là thịnh thời của “văn hoá đọc”, khi mà trên
báo chí Sài Gòn, truyện đều kỳ (feuilleton) được in xen kẽ với quảng cáo như là
phần dẫn nhập đưa người đọc ham xem truyện tiện thể xem các quảng cáo, như phần
thưởng toà soạn dành cho người đọc các trang quảng cáo.
Vào dịp có một loạt khách văn sĩ thi nhân nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc tụ hội ở báo mình, toà soạn Đông Pháp thời báo đã mở ra “Phụ trương văn chương” vào mỗi thứ bảy hằng tuần do Chủ bút Bùi Thế Mỹ chủ trì, bên cạnh “Phụ trương thể thao” và “Phụ trương phụ nữ và nhi đồng”; những cửa mở phụ trương kiểu này sẽ trở thành thông dụng cho nhiều tờ báo ở Sài Gòn trong nhiều năm sau.
Vào dịp có một loạt khách văn sĩ thi nhân nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc tụ hội ở báo mình, toà soạn Đông Pháp thời báo đã mở ra “Phụ trương văn chương” vào mỗi thứ bảy hằng tuần do Chủ bút Bùi Thế Mỹ chủ trì, bên cạnh “Phụ trương thể thao” và “Phụ trương phụ nữ và nhi đồng”; những cửa mở phụ trương kiểu này sẽ trở thành thông dụng cho nhiều tờ báo ở Sài Gòn trong nhiều năm sau.
Phần văn học Phan Khôi góp với Đông Pháp thời báo khá
đa dạng: sáng tác thơ bình luận văn học khảo chứng; Một bài vận văn rất
có giá trị về lịch sử: “Hà Nội chánh khí ca” // ĐPTB 4/10/1928; giới thiệu văn
sĩ và văn chương nước ngoài, dịch thuật văn chương...
Chính trên tờ Đông Pháp thời báo Phan Khôi đã bắt đầu
thử việc trong một thể tài văn chương gắn liền với báo chí là thể tài hài đàm.
Dưới bút danh Tân Việt trong tiểu mục “Câu chuyện hằng ngày” do Chủ báo Diệp
Văn Kỳ đặt ra, Phan Khôi trở thành tay bút chính tìm tòi thể nghiệm dạng sáng
tác mới mẻ này, và nhân đây xây dựng một “mặt nạ tác giả”[4]
hay là một kiểu tác giả đặc thù mà sự tồn tại của nó gắn liền với kiểu giao
tiếp gián cách giữa tác giả với độc giả thông qua kênh truyền thông báo chí.
Vai trò Tân Việt trong “Câu chuyện hằng ngày” sẽ được
Phan Khôi tiếp tục trên tờ Thần chung.
Trong việc tìm tòi cách viết hài đàm, Phan Khôi chú trọng kinh nghiệm của hai
nhà báo Pháp là Clément Vautel (1876-1954) và Charles de la Fouchardière
(1874-1946) trên các tờ Le Journal và L’ Oeuvre xuất bản ở Paris đương thời[5].
Thần Chung sau năm 1945 |
Về điểm đứt nối giữa hai tờ Đông Pháp thời báo và Thần
chung, nhân đây xin nêu đôi chi tiết thuộc “báo chí sử” Sài Gòn: theo khảo sát
của tôi, tờ Đông Pháp thời báo ngừng xuất bản không phải vì bị chính quyền
đương thời đóng cửa như một vài học giả mô tả, mà sự thể đơn giản là chủ nhân
của nó tự chấm dứt tờ báo này để ra tờ báo khác.
Nói rõ hơn, tuy Diệp Văn Kỳ đã mua lại tờ báo này của
Nguyễn Kim Đính nhưng ông vẫn xin giấy phép ra một tờ báo khác nữa. Đến khi có
được giấy phép ra tờ Thần chung rồi thì Diệp Văn Kỳ xử lý theo kiểu đổi tên:
ông chấm dứt tên báo Đông Pháp thời báo từ ngày 22/12/1928 (số báo 809) để rồi
hai tuần sau, vẫn tại toà soạn ấy ở góc đường Filippini và Espagne tại thành
phố Sài Gòn, vẫn với nguyên vẹn ban biên tập ấy, từ ngày 7/1/1929, tờ báo mới
với nhan đề Thần chung (có tên bằng tiếng Pháp là La Cloche du Martin) ra mắt
số 1.
Nói gọn lại thì Đông Pháp thời báo đã được đổi tên
thành Thần chung, nhưng giấy phép của Đông Pháp thời báo thì lại được trả lại
cho Nguyễn Kim Đính; ông này sau đó có lúc đánh tiếng ở báo khác rằng sẽ tục
bản tờ báo cũ này của mình, nhưng việc ấy rốt cuộc không xảy ra.
Chuyện bị chính quyền đóng cửa là chuyện thực đã xảy
ra với tờ Thần chung sau 15 tháng nó hoạt động rất hiệu quả theo hướng báo chí
đối lập. Lệnh đóng cửa tờ báo này ban ra từ phủ Toàn quyền ở ngoài Bắc
(22/3/1930) buộc tờ báo này ở Sài Gòn phải lập tức thi hành, và toà soạn Thần
chung đành phải dùng những tờ rơi dán lên tường nhà một vài đường phố Sài Gòn
để báo tin và nhân thể tỏ ý cảm ơn và từ giã bạn đọc[6].
Trong số bài vở Phan Khôi góp cho mặt báo Thần chung,
dễ thấy nhất là việc duy trì mục “Câu chuyện hằng ngày” dưới bút danh Tân Việt.
Tôi đếm thử, được 337 kỳ báo có bài của mục này trên tổng số 346 kỳ báo Thần
chung. Khi còn nằm trên Đông Pháp thời báo, vì báo chỉ ra 3 kỳ mỗi tuần, nên “câu
chuyện hằng ngay” vẫn ở tình trạng “cách nhật”.
Nay nhật báo Thần chung ra tất cả các ngày thường
trong tuần, trừ chủ nhật, câu chuyện mà Tân Việt góp với người đọc báo mỗi ngày
quả thực là “câu chuyện hằng ngày” với đủ loại nội dung có thể nói tới, từ các
sự việc xảy ra hằng ngày tại đô thị Sài Gòn và các miền trong nước đến các sự
việc ở nước ngoài.
Nhờ mục này mà nay đọc lại chúng ta biết các chuyện
bầu cử hội đồng quản hạt, chuyện thiếu nước, chuyện nghiện hút ở Sài Gòn, rồi
chuyện thi hào Tagore đến thăm thành phố, chuyện phế đế Phổ Nghi, chuyện các
quân phiệt bên Tàu, chuyện thi sắc đẹp bên Tây, v.v..., và nổi bật lên là cái
giọng riêng của tác giả, khi cười cợt khi nghiêm chỉnh.
Trên Thần chung Phan Khôi xuất hiện với họ tên thật
của mình chỉ từ 3/10/1929 trong loạt 21 kỳ của tiểu luận Cái ảnh hưởng của
Khổng giáo ở nước ta, sau đó trong những bài thảo luận về dịch sách Phật học
với nhà sư Thiện Chiếu.
Ông cũng vẫn ký Chương Dân hoặc ký tắt C.D. trong
những bài về ngôn ngữ, về thi văn. Một bút danh khác ông dùng ở một vài bài
đăng Thần chung là Khải Minh Tử, đây là bút danh ông đã dùng cho một số bài báo
chữ Hán ông viết cho tờ Quần báo của Hoa kiều ở Chợ Lớn[7].
Ngoài những bài ký tên hoặc bút danh rõ rệt, có lẽ
Phan Khôi còn có nhiều bài ký tên toà soạn (Thần Chung, T.C.) hoặc không ký
tên, ví dụ nói về bút chiến, về vùng đất Tây Nguyên, về luận lý học, về thời sự
trong nước, thời cuộc Trung Hoa, v.v... Ta cũng có thể dự đoán rằng trong những
loại công việc mà báo Thần chung tổ chức như cuộc thi quốc sử, chắc hẳn có vai
trò của Phan Khôi.
Nhìn vào 30 bản tóm tắt sự tích và công trạng 30 nhân
vật trong sử Việt (mà Thần chung lần lượt đăng tải mỗi bản sự tích đến 2 lần
cho độc giả đọc để biết mà tham gia trả lời các câu hỏi), - ta có thể dự đoán
là có bàn tay Phan Khôi tham gia soạn thảo.
Chính Nguyễn Vỹ trong một cuốn sách mang tính hồi ký
nhan đề Tuấn, chàng trai nước Việt (1970) đã nhớ lại sự việc này tuy ông gắn
hành động ấy của Phan Khôi với tờ Phụ nữ tân văn, mặc dù không phải tuần báo
này mà chính nhật báo Thần chung đã tổ chức cuộc thi quốc sử, cuộc thi có lẽ đã
không được tổng kết trao giả, do tờ báo bị cấm rất đột ngột.
Giữa năm 1929, Phan Khôi tham gia từ đầu vào một tờ
tuần báo mà tên gọi của nó sẽ được nhắc nhở nhiều về sau như một thành công rất
đáng kể của báo chí tiếng Việt những năm 1930: tuần báo Phụ nữ tân văn.
Đối với cơ quan tư nhân này, Phan Khôi là một trong
những người gắn bó đến mức được gọi là “đứng mũi chịu sào”[8]
cùng với Đào Trinh Nhất, nhưng nếu Đào Trinh Nhất thường đảm nhận vai trò chủ
bút thì Phan Khôi trước sau chỉ giữ vai trò một cộng tác viên.
Lượng bài viết của ông đăng trên tuần báo này là khá
lớn: khoảng trên 100 bài lớn nhỏ trong tổng số 273 kỳ xuất bản tuần báo
này từ 2/5/1929 đến 21/4/1935 (chưa nói đến việc nhiều bài thực chất là những
chuyên mục kéo dài hàng chục kỳ).
Trong sự đa dạng của các đề tài được đề cập thì nổi
bật vẫn là xoay quanh đề tài về giới nữ với đủ cung bậc loại hình: nghị luận xã
hội, khảo luận lịch sử, nghiên cứu văn học, sáng tác thơ văn. Việc Phan Khôi và
các tác giả khác cùng thời ông đề cập vấn đề phụ nữ, theo nhận xét của tôi,
không đơn giản là việc kiếm đề tài để viết cho hợp với nhãn một tờ báo, mà thực
sự là việc triển khai đường lối duy tân vào thực tế đời sống.
Hoạt động báo chí đương thời cho thấy không phải chỉ
một nhóm làm tờ Phụ nữ tân văn mà còn nhiều nhóm khác nhận ra đề tài phụ nữ như
một lối vào thuận lợi để tác động đến xã hội, tạo ra những chuyển biến trong
nếp sống.(xin mời xem tiếp phần 2)
[1] Phan
Thị Nga: Lối tự học của những bực đàn anh nước ta: [kỳ 1] Ông Phan Khôi
học chữ Tây và làm quen với cô Luận Lý // Hà Nội báo, Hà Nội, s.10 (11 Mars
1936); Phan Cừ & Phan An: Phan Khôi niên biểu // [trong sách] Chương Dân
thi thoại (tái bản), Đà Nẵng 1996: Nxb. Đà Nẵng, tr.152-163.
[2] Huỳnh Văn Tòng: Báo chí Việt Nam từ
khởi thuỷ đến 1945, Tp HCM. Nxb. TP HCM, 2000,
[3] Chi tiết hơn xin xem trong: Phan Khôi: Tác
phẩm đăng báo 1928 / Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn/, Đà Nẵng. Nxb. Đà
Nẵng, 2003.
[4] Khái niệm “mặt nạ tác giả” [maska
avtorskaja] được một số học giả Nga định nghĩa như phương thức mà nhà văn
dùng để che giấu nhân thân của mình nhằm tạo nên ở độc giả cái hình ảnh một tác
giả khác hẳn (so với dạng thực có); đây là thủ pháp chính của mê hoặc
(mistifikacija) trong văn chương (theo O.E. Osovsky, Maska Avtorskaja / Mặt nạ
tác giả / trong sách: Literaturnaja Enciklopedija Terminov i ponjatij // A.N.
Nikoljukin tổng chủ biên // Moskva: HPK “Intelvak”, 2001, tr.511-512).
[5] Về hai nhà báo và nhà văn Pháp này, mới đây
dịch giả Trần Thiện Đạo từ Paris đã tra cứu và thông tin về, cho biết: Georges
[chứ không phải Charles] de la Fouchardière (1874-1946): năm 1916 đã cùng
Gustave Téry sáng lập tờ L’ oeuvre (Xây dựng), viết liên tục 15 năm những bài
luận bàn thế sự với giọng hài hước hóm hỉnh, thu hút đủ loại độc giả; là cây
bút có ảnh hưởng đến tận thế chiến 1939-45; Clément Vautel (1876-1954; tên thật
Clément Vaulet; trong bút danh đảo let thành tel): viết cho các báo ngày ở
Paris như Le Matin, La Liberté..., đặc biệt giữ mục “Mon film” (Dưới mắt
tôi) hằng ngày bàn luận thế sự bằng cái nhìn rất “phải lẽ” của một “francais
moyen” (thường dân), được độc giả đương thời hâm mộ; ngoài ra còn là tác giả
một số tiểu thuyết; cũng là cây bút có ảnh hưởng đến tận thế chiến II. Xin chân
thành cảm ơn dịch giả Trần Thiện Đạo về những thông tin trên.
[6] Xem: Vương Lệ Thiên: Thỏ chết động lòng chồn
(Tại sao báo Thần chung bị cấm xuất bản?) // Trung lập, Sài Gòn, 27/3/1930;
Phan Khôi: Có lẽ là điều sai lầm của những người trí giả // Trung lập, Sài
Gòn,10/5/1930.
[7] Chi tiết hơn xin xem trong: Phan Khôi: Tác
phẩm đăng báo 1929 / Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn/, Đà Nẵng: Nxb. Đà
Nẵng, 2004.
[8] Tin: “Phụ nữ tân văn” bị đóng cửa 5
tháng // Trung lập, 14/5/1931.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét