Khiemnguyen

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Đọc lại báo xưa (2)



MẤY BÀ QUẢN LÝ NHÀ BÁO TRONG NAM

Phóng sự ngắn của VĂN LANG
(Trung Bắc Tân văn - số 18, ngày 30/6/1940)
Hôm đầu năm nay nhân dịp Saigon cổ động cho tuần vào báo “Trung Bắc Chủ nhật”, tôi đuợc nhận thấy làng báo Nam có một cái ưu điểm, một cái đặc sắc mà làng báo Bắc ta đành phải chịu thua. Ấy là việc quản lý nhà báo phần nhiều ở trong tay đàn bà. Những người ở ngoài cuộc, thường không ngờ đâu rằng một cơ quan ngôn luận khi đã thiết lập ra rồi, muốn cho được phát đạt, vững bền, cả hai việc biên tập và quản lý cùng quan hệ sinh tử như nhau. Nếu tờ báo của ngài in đẹp tin nhanh, tô điểm trên mực đen giấy trắng toàn những ngòi bút cứng, bài văn hay, nhưng người làm quản lý không thạo nghề, không biết cách trông coi quán xuyến, cứ để tháng nào cũng lỗ vốn, thì tờ báo hay mấy cũng phải cụt vốn mang nợ mà chết. Hay là nhà báo các ngài có viên quản lý giỏi, có tiền bạc dồi dào, nhưng mà việc biên tập lôi thôi, để cho bài vở tầm thường, tin tức chậm trễ, thì tờ báo ấy chẳng ai buồn đọc, không lẽ các ngài cứ bỏ tiền ra in mãi để chất đống một xó rồi bán giấy nhật trình cũ tính theo ký lô? Cho nên biên tập và quản lý cùng quan hệ mật thiết đến sự còn mất, thịnk suy của nhà báo, không thể phân biệt khinh trọng được. Nhưng, theo sự kinh nghiệm nhà nghề của tôi mỗ việc kinh doanh ở đời nay, đồng tiền cũng cần dùng và có ý nghĩa trọng yếu trước hết nhất thiết. Người ta đã nói có tiền mua tiên cũng được. Nếu nhà báo các ngài có tay quản lý cho giỏi, để tài chính được hoàn toàn, dư dụ, thì có thể dùng những người viết khá mua những tin lạ bài hay, tưởng không khó gì. Bởi vậy, nếu đặt hai việc biên tập và quản lý lên trên đòn cân, tôi muốn cho việc sau được nặng hơn việc trước một tí. Vì tôi nhớ lại nông nỗi của nhiều nhà báo quá khứ có vốn liếng hẳn hoi, chỉ vì quản lý bất lực đến nỗi cạn cả tiền mua giấy hay là nhà văn lâm đến cái khắc đồng hồ của Rabelais, cần viết “bông” hỏi mượn ít nhiều mà viên quản lý trả lời không có; lúc ấy tôi tưởng ông thánh cũng quên ráo chữ nghĩa, và làm sao viết đưọc bài hay!
Trách nhiệm người quăn lý nhà báo rắc rối khó khăn biết bao; mà làng báo trong Nam phần nhiều lai là đàn bà trong vai tuồng ấy, làm công việc ấy giỏi hơn đàn ông, mới là đáng phục. Sự nghe biết của tôi nếu không sai lầm, thì báo giới quốc văn Nam kỳ có nữ quản lý đầu hết là bà Thạnh Thị Mậu tức bà hội đồng Nguyễn Kim Đính.
Từ 1923 đến 1920, ông Nguyễn Kim Đính xuất bản tờ Đông Pháp Thời Báo, chỉ đứng chủ về danh nghĩa và cầm đại cương thế thôi, còn việc chi xuất tiền bạc, trông nom thầy thợ nhà báo, nhà in, đều bởi một tay bà nữ quản lý Thạnh Thị Mậu.
Các ngài sẽ đi nhanh quá thời đại và xa hẳn sự thật, nếu các ngài vội tưởng tượng rằng bà nữ quản lý ngồi chễm chệ làm việc trên chiếc bàn kiểu thượng thư và trước mặt có điện thoại, bên cạnh có máy đánh chữ. Không, bà nữ quản lý Đông Pháp thời báo lúc bấy giờ đã có tuổi và thuộc về phái đàn bà xưa, cho nên chỗ làm việc và cách làm việc của bà cũng thế. Bà quản lý ta ngồi trên bộ ván, trước mặt có một ô trầu, một bình vôi, một chiếc hòm bỏ tiền làm bằng gỗ và đóng khóa đồng, như hòm tiền kiểu xưa. Một phái viên đi cổ động ở Lục tỉnh về nạp tiền, một nhà buôn đến trả tiền quảng cáo hay một độc giả tới đóng tiền mua báo đã có viên thư ký rồi đưa trình bà quản lý ta ký tên và nhận tiền. Tất cả chữ nghĩa của bà đã biết, chỉ gói lại có một chữ ký tên “Mậu” mà bà tập hết mấy hôm. Nhưng chữ tên ký ấy rất có quan hệ với nhà báo và có tín đụng từ một đồng cho đến hàng nghìn, hàng vạn. Tuy không biết chữ mặc lòng bà biết thưởng văn và rất chú ý đến nội dung tờ báo của bà thuở ấy chuyên trọng về nghị luận hơn là tin tức. Mỗi kỳ báo, viên thư ký phải đọc bài nghị luận cho bà nghe và bình phẫm hay dở.
Với chủ bút và trợ bút, bà lập lệ cứ mỗi một trăm tờ báo in tăng lên thì lương được gia thêm bao nhiêu. Tức thị hôm nào báo xuống, lương cũng phải xuống. Lúc Phan Chu Trinh tiên sinh ở bên Tây về, báo Đ.P.T.B được dịp xuất bản đến 13.000, lúc ấy bà trả tiền bộ biên tập có hơi xuýt xoa.
Tài nhất là với bà, nhà in không thể phao phí một tờ giấy, trẻ con bán báo không thể ăn gian xu nào, mà quảng cáo nào trả tiền hay chưa, bà đều ghi nhớ trong trí.
Kế đến bà Nguyễn Đức Nhuận, chủ báo Phụ nữ Tân văn cũng là một tay nữ quản lý nhà báo xuất sắc, còn thêm viết bài mỗi tuần và có ít nhiều sáng kiến hay trong việc cổ động. Có lẽ nhiều người còn nhớ báo này đã lập ra học bổng chu cấp được hai người học trò nghèo sang học bên Tây ba bốn năm, một người đỗ kỹ sư canh nông và một người đỗ cử nhân khoa học.
Cùng trong thời kỳ ấy, bà Trần Thiện Quý làm quản lý báo Trung Lập ra hàng ngày, cũng tỏ ra một người khéo nắm giữ mạng mạch một tờ báo lớn. Người ta thấy bà nữ quản lý này chẳng những trông coi công việc ở nhà báo mà thôi, bà đi tới các hãng tây để xin quảng cáo và lên xuống giao thiệp với nhà in tây là sự thường. Nhiều khi nhà báo cần gấp năm bảy trăm haỵ một nghìn để trang trải tiền giấy và tiền in, người ta tưởng đâu tình thế nguy ngập chỉ còn như sợi chỉ treo chuông, thế mà bà nữ quản lý khéo bôn tẩu cứu vãn được cả.
Tới bà Phan Văn Thiết, luôn trong bốn năm kế tiếp quản lý ba tờ tuần báo có tiếng: Việt dân, Thế giới Tân văn. Trong khi đức phu quân chỉ ngồi trên gác viết bài, bà nữ quản lý ở dưới tòa báo, làm việc sổ sách, thơ từ, bôn tẩu chi thu tiền bạc, mỗi ngày hai buổi, rất nhanh nhẹn và mẫn cán. Từ nhà buôn, bạn đọc cho tới đại lý, phái viên, nhất thiết giao dịch với bà quản lý, chớ không được gặp mặt ông chủ báo bao giờ. Mỗi tờ báo bà làm quản lý đều in từ 5000 đến 10.000 mỗi tuần, với số xuất bản như thế đã biết công việc của người quản lý không phải là chuyện thảnh thơi nhẹ nhàng vậy.
Cứ lấy riêng về phương diện nhà nghề mà nói, những ai biết tình hình báo giới Nam kỳ, đều phải ngợi khen bà Bút Trà, quản lý báo Saigon hiện giờ, là một tay có đảm lược nhất và khéo kinh doanh nhất. Thật thế, tờ báo Saigon hằng ngày xuất dầu lộ diện từ đầu năm 1933, với cái vốn đâu độ một vài nghìn, cho tới bây giờ nó đáng giá đến mười vạn và bao nhiêu máy móc, khí cụ nhà in, có thể nói là một tờ báo vào hàng to nhất, vững nhất ở thủ đô Nam kỳ, phải biết là tay bà nữ quản lý Bút Trà gây dựng, giữ gìn, phù đắp, mở mang hết thảy.
Ai tới thăm nhà báo Saigon, bà tiếp kiến và chuyện trò nói năng rất thạo. Ai tới để lời rao trong báo, chính bà định giá. Ai gọi điện thoại hỏi han việc gì, trong mười lần đến tám chín lần chắc chắn gặp bà ở đầu giây. Mỗi ngày có hằng trăm thơ từ gửi về nhà báo một mình bà mở xem trước hết rồi phân phát việc nào cho người chuyên trách ấy. Bà ký giao kèo với các công ty bán giấy. Nội nhà in cần dùng món gì hay thầy thợ muốn hỏi chuyện gì, cứ trực tiếp nơi bà. Tóm lại, bà chủ trương nhất thiết, quan xuyến nhất thiết. Có thể nói ở nhà báo Saigon, chính bà mới thật là tổng lý, lại kiêm luôn cả ba chức sự nội vụ tổng trưởng, tài chánh tổng trưởng và ngoại giao tổng trirởng; ông chủ báo Bút Trà chỉ như một vị công sứ hay đại sứ do bộ ngoại giao ủy đi giao thiệp ở bên ngoài. Cho đến việc biên tập, cách sắp đặt và các bài vở trong số báo mỗi ngày, bà cũng lưu ý kiểm soát được nữa mới tài.
Đêm nào cũng thế, trước khi báo sắp lên máy, thợ phải vỗ một bản đưa trình bà quản lý xem sự sắp đặt thế có được không, hay tin nào nên bỏ, lời rao nào còn thiếu. Những tân văn thời sự của thông tín viên các tỉnh gửi về, bà quản lý xem và quyết định cái nào đăng được cái nào không. Tin nào chưa được bà quản lý tiên kiểm, thì nhân viên trong bộ biên tập phải trình hỏi ý kiến.
Tôi được nghe một ông bạn đồng nghiệp trong Nam thuật lại rằng: trong khi đang ngồi đàm đạo với một bà quản lý, một ông trợ bút cầm đến hai giấy đưa bà xem và hỏi:
- Thưa chị, cái tin này chị có cho đăng không? Vì trong nhà báo này, nhân viên biên tập đều quý mến và kính nể bà quản lý, gọi bà bằng chị. Bà gọi trở lại bằng thầy hay bằng anh. Thường khi bà trao ý kiến này kia cho bộ biên tập viết bài không phải là sự lạ. Aí không biết thì thôi, ai biết cũng đều phải nhìn nhận rằng tờ Saigon có cơ sở và địa vị ngày nay là nhờ công của tài năng và sự làm việc rất mực chăm chỉ khôn khéo của bà quản lý nó vậy. Mấy năm đầu có đôi ba phen tài chính khủng hoảng mà nó xuýt ngã, đều nhờ một tay bà chống giữ lại, chuyển nguy ra an, đổi suy làm thịnh, đến giờ thì nó va như nằm trên nền sắt đá rồi.
Cảm tưởng của tôi?
Chắc hẳn chị em Bắc Hà ta phải chịu mình thua kém phụ nữ phương Nam về tài nghề kinh doanh một tờ báo. Làng báo ta ngoài này tuy cũng có một vài bạn phụ nữ đứng quản lý một vài tờ báo nhưng chỉ coi đại thể bề ngoài hoặc giúp việc toà soạn, thử hỏi đã có một bà nào, cô nào đảm đương nổi vận mạng lý tài của một nhà báo như mấy bà nữ quản lý kể chuyện trên chưa?


VĂN LANG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét