- Truyền
thông (communication) là quá trình truyền thông tin từ (những) người
gửi đến (những) người nhận thông tin. Môi trường giữa người gửi và người
nhận được gọi là kênh hay phương tiện truyền thông. Có thể phân biệt
nhiều loại truyền thông. Trong bài này chúng ta chỉ xét hai loại, truyền
thông một chiều và đa chiều.
- Tuyên truyền (propaganda) là một dạng đặc biệt của truyền thông và có lịch sử nhiều ngàn năm. Khái niệm tuyên truyền biến đổi với thời gian và thời cuộc.
- Tuyên truyền (propaganda) là một dạng đặc biệt của truyền thông và có lịch sử nhiều ngàn năm. Khái niệm tuyên truyền biến đổi với thời gian và thời cuộc.
Theo
Từ điển Tiếng Việt-2009, Nhà xuất bản Đà Nẵng, tuyên truyền là "phổ
biến, giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành, ủng hộ,
làm theo". Theo
R. A. Nelson, tuyên truyền được định nghĩa một cách trung tính như một
dạng truyền thông có hệ thống, có chủ ý nhằm tác động đến cảm xúc,
thái độ, ý kiến và hành động của một nhóm người xác định vì các mục
đích tư tưởng, chính trị hay thương mại thông qua việc truyền các thông
điệp một chiều, được kiểm soát trên các phương tiện truyền thông. Nhóm
người xác định ở đây có thể là nhóm khách hàng mục tiêu của một công
ty, là tín đồ tiềm năng của một giáo phái, hay toàn bộ công dân của một
quốc gia.Trung tính có nghĩa là khái niệm không gắn với giá trị, thí dụ "tốt-xấu", "tiêu cực-tích cực", "chính xác-bóp méo", v.v.
Tuyên
truyền mang mục đích thương mại ngày nay được gọi là quảng cáo.
Có quảng cáo trung thực, nhưng cũng có quảng cáo lừa đảo. Để hạn
chế mặt xấu của "tuyên truyền thương mại" các nước đều có các quy định
quản lý hoạt động quảng cáo. Nhưng các khách hàng có thể học qua kinh
nghiệm mua hàng của mình để "đánh giá" và họ có quyền "bỏ phiếu" bằng
quyền lựa chọn mua hay không mua của mình.Nếu một công ty, tuyên truyền
sai sự thật, không chính xác về sản phẩm hay dịch vụ của mình, tìm
cách lừa khách hàng, thì có thể bị luật pháp trừng trị và dẫu cho luật
pháp có kém thì sớm muộn vẫn bị khách hàng tẩy chay.
Tuyên
truyền vì mục đích tư tưởng hay chính trị cũng vậy. Nhiều nước cũng có
quy định để hạn chế mặt tiêu cực của loại tuyên truyền này nữa.
Xưa
kia, thông tin chỉ có thể truyền qua lời nói, chữ viết, ký hiệu với
tốc độ rất thấp và truyền thông có chi phí khá cao. Khả năng phản hồi,
truyền thông đa chiều hạn hẹp. Và tuyên truyền có ý nghĩa lớn. Các tôn giáo, các đảng phái chính trị, các công ty đã tận dụng (và lạm dụng) rất hữu hiệu các công cụ tuyên truyền.
Ngày
nay công nghệ hiện đại cho phép truyền tin với tốc độ gấp nhiều triệu
lần so với 50 năm trước với chi phí không đáng kể. Truyền thông đa
chiều trở nên phổ biến. Và khả năng phát hiện ra sự tuyên truyền không
trung thực, bóp méo, vì mục đích của các nhóm lợi ích bất luận họ là
ai, họ đưa ra các khẩu hiệu mỹ miều đến thế nào, là lớn hơn trước rất
nhiều và nhanh hơn rất nhiều.
Nếu
tuyên truyền (tất nhiên là vì mục đích của những người tuyên truyền)
là đúng, trung thực và vì mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích của
các khách hàng, của chính những người "bị tuyên truyền" thì họ tán
thành, ủng hộ và làm theo. Ngược lại, thì tuyên truyền là "gậy ông lại
đập lưng ông".
Rất
đáng tiếc, tuyên truyền nhiều khi đã bị lạm dụng và vì thế ở hầu hết
các nước trên thế giới ngày nay tuyên truyền là một từ mang hàm ý xấu.
Việc tuyên truyền thương mại có cái tên quảng cáo có thể là một minh
chứng, không nhà quảng cáo nào gọi mình là nhà tuyên truyền cả, rồi từ
quảng cáo cũng có khi mang hàm ý xấu, họ gọi tuyên truyền là hoạt động
"PR: quan hệ công chúng". Ở hầu hết các nước người ta dùng từ tuyên
truyền với nghĩa xấu.
Ở
nước ta, từ tuyên truyền dường như vẫn được dùng quá nhiều so với mức
cần thiết. Một thời tuyên truyền đã mang ý nghĩa tích cực và dường như
người ta vẫn tự cho rằng họ dùng từ này theo hàm ý đó, khá khác so với
thế giới ngày nay. Trong hội nhập ngày càng sâu việc sử dụng phổ biến
thuật ngữ tuyên truyền có lẽ không hay, không mang lại hình ảnh tốt cho
đất nước.
Trên
con đường hội nhập ngày càng sâu với thế giới, để có thể làm "bạn với
tất cả các nước", để phát triển đất nước, để đạt mục tiêu "dân giàu,
nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh" chúng ta nên xem xét
lại cách dùng từ tuyên truyền. Có lẽ do biết việc dùng từ "tuyên
truyền" là hơi chướng đối với bạn bè nước ngoài, nên Học viện Báo chí
và Tuyên truyền mới dịch tên mình sang tiếng anh là "Academy of
Journalism Communication" chứ không phải là "Academy of Journalism and
Propaganda).
Tuy
nhiên, thuật ngữ, tên gọi rất quan trọng nhưng không phải là cốt lõi.
Cái quan trọng nhất là phải hiểu được sự thay đổi của thế giới, phải
thực sự tôn trọng người dân, "những người bị tuyên truyền", phải
tạo điều kiện để nhân dân thực sự thấy mình là chủ của đất nước. Ta
phải hiểu tuyên truyền là truyền thông một chiều, nó vẫn là một kiểu
truyền thông quan trọng nhưng không thể phớt lờ tính đa chiều của
truyền thông hiện nay.
Tận
dụng tính đa chiều, tạo điều kiện cho người dân nêu ý kiến của mình,
lắng nghe thông tin phản hồi, tôn trọng ý kiến của thiểu số, chấp nhận
các chứng kiến khác nhau, thông tin trung thực và kịp thời, đấy là cách
"tuyên truyền" hữu hiệu hơn cách "cổ điển" rất nhiều.
Đó
là những chuyện chẳng khó hiểu, cũng chẳng cao siêu gì. Đáng mừng là
một số vị lãnh đạo cấp cao cũng có cách nhìn đúng, hợp thời cuộc. Ý
kiến của ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt
Nam, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, trong phỏng vấn với báo Tuổi trẻ vừa qua là
một thí dụ được dư luận hoan nghênh. Hy vọng việc làm của các vị lãnh đạo và các cơ quan nhà nước cũng vậy.
Việc làm có sức nặng bằng ngàn lần lời nói và nói đi đôi với làm là
một cách "tuyên truyền" hiệu quả nhất, còn ngược lại, lời nói không đi
đôi với việc làm, thì lại phản tác dụng và cho kết quả ngược lại.Nguyễn Quang A (Vietnamnet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét