Khiemnguyen

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Bàn thêm về phiên âm tiếng Tây sang tiếng ta


Nhân vừa đọc bài Loạn phiên âm tại http://www.thanhnien.com.vn, xin trích lại một phần bài viết của học giả Phạm Quỳnh đăng trên Nam Phong Tạp chí cách đây gần một thế kỷ, một mặt là nhằm nhất trí với tinh thần của bài viết, mặt khác cũng muốn nhấn mạnh rằng quan điểm về tiếng Việt và phiên âm trong tiếng Việt đã được các bạc tiền bối rất quan tâm.
“Tư tưởng với văn tự phải tiến ngang nhau; có tư tưởng mà không đủ chữ nói, như phần nhiều các nhà Tây học ngày nay cũng phiền; có chữ dùng mà không hiểu các nghĩa lý mới, dùng chữ hàm hồ, như phần nhiều các nhà cựu học bây giờ cũng bực.
Thường nghe nhiều người mới đọc qua mấy quyển tân thứ Tàu như tập Ẩm băng của Lương Khải Siêu hay tập Du ký của Khang Hữu Vi, thuộc được ít nhiều chữ mới, chưa hiểu rõ ý nghĩa thế nào, cầm bút viết tất dùng những chữ: thiên diễn, đào thải, tiêu cực, tích cực, khách quan, chủ quan… , bấy nhiêu chữ đều có nghĩa nhất định cả, mà không hiểu rõ thường dùng lộn bậy chẳng đâu vào đâu; lại nhiều người hay dẫn chứng các tên người, vơ váo chẳng ăn thua vào đâu; bất cứ nói chuyện gì tất phải gọi đến tên ông Nã Phá Luân (Napoleon), ông Kha Luân Bố (Christophe Colomb), ông Đạt Nhĩ Văn (Darwin), ông Lư Thoa (Rousseau), ông Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquies)… kéo một thôi một thốc các ông thánh mới ra, thật là vô vị quá. Không hiểu chữ mà dùng chữ loạn không gì hại bằng. Cho nên trong khi mượn chữ mới của Tàu phải hiểu rõ những chữ ây chỉ sự vật gì; phải định nghĩa cho phân minh, rồi chỉ dùng về một nghĩa đó mà thôi. Có vậy thì mượn chữ mới có lợi, không thời hại cho quốc văn nhiều lắm.
Còn một điều nữa về tên đất tên người: nen dịch theo tiếng Tây hay bắt chước theo tiếng Tàu? Cư lẽ thời theo tiếng Tây cả là phải lắm, chỉ trừ những tên người tên đất riêng của Tàu thì nên đọc theo chữ Nho mà thôi. Nhưng có nhiều tên đất tên người ta đọc theo của Tàu đã quen rồi (như Âu châu,  Á châu, nước Pháp, nước Đức…) không ai là không dùng và không ai là không hiểu. Và những tên ấy dịch âm ra giọng mình dễ nghe hơn là đọc ngay giọng Tây; trong một bài quốc văn, “Âu châu” đọc chẳng dễ nghe hơn là Europe, “Đại Tây Dương” đọc chẳng dễ nghe hơn là Ocean Atlantique ư? Vậy nay, tưởng có thể định một lệ chung như sau này: trừ tên các đại châu các bể lớn, cùng mấy cái sông cái núi lớn trong thế giới, đọc theo chữ Nho đã quen lắm rồi thì cứ đọc theo như vậy, có muốn rõ khi viết nên chua tên ấy ở bên cạnh, còn hết thảy tên người ten đất khác trong sách tây nên đọc theo viết theo tiếng Tây cả cho có bằng cứ và dễ tra khảo…”.
“… Làm người Việt Nam phải nên yêu nên quý tiếng nước mình. Phải đặt quốc văn của mình lên cả chứ Tây chữ Tàu. Nhưng yêu quý tiếng nước mình không phải là ruồng bỏ tiếng nước ngoài. Yêu quý tiếng nướ mình là phải khéo lợi dụng tiếng nước ngoài để làm cho tiếng quốc âm mình giàu có thêm lên. Cho nên những người vì “thương tiếng nước nhà” mà muốn “bài trừ chữ Hán” là tỏ ra ý kiến thấp hẹp vậy.
Than ôi, thương tiếng nước nhà, thương tiếng nước nhà cũng năm bảy đường. Thương mà phải đường ra thì ích lợi cho quốc văn biết dường nào. Thương mà sai đường thì không những không lợi mà lại cho quốc văn hơn là ghét bội phần”.
(Theo Luận giải văn học và triết học, Nxb Văn hóa thông tin, trang 73- 75)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét