Khiemnguyen

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Thể loại tác phẩm báo chí - Điều tra


Điều tra là một thể loại báo chí nằm trong nhóm các thể thông tấn báo chí. Nó có mục đích và có nhiệm vụ đem lại những câu trả lời trước những sự thật chứa đựng mâu thuẫn nổi bật trong đời sống.
 Bằng việc nêu lên vấn đề, phân tích những khả năng và nhân tố mới, phân tích mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả, người viết điều tra rút ra những kết luận cần thiết, chỉ ra bản chất của sự vật và hiện tượng, đem lại câu trả cho công chúng.
Cùng với sự phát triển sinh động của điều tra trong thực tiễn đời sống báo chí, công tác nghiên cứu, lý luận và giảng dạy, học tập về điều tra cũng đã có những tiến bộ đáng kể. Trong các môn học thuộc khu vực lý thuyết và kỹ năng sáng tạo tác phẩm ở tất cả các chuyên ngành báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo mạng điện tử) tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thể loại điều tra luôn chiếm một vị trí quan trọng.
Cũng giống như đối với các thể loại, tác phẩm báo chí khác, quy trình giảng dạy về điều tra trong chương trình đại học báo chí thường có hai phần: phần lý thuyết và phần thực hành với tỷ lệ về thời gian là 40/60. Trong đó, phần lý thuyết tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản như: những đặc điểm về nội dung và hình thức của điều tra; vai trò của các bằng chứng, luận cứ, luận chứng, luận điểm trong bài điều tra; kỹ năng viết điều tra v.v.
Phần thực hành sáng tạo tác phẩm điều tra thường được tổ chức với nhiều cấp độ: phân tích bài điều tra trên lớp; quan sát phát hiện vấn đề ngoài hiện trường; viết những bài điều tra nhỏ về cuộc sống của sinh viên… Trong quá trình thực hành, sinh viên còn được nghe các báo cáo kinh nghiệm của những nhà báo thành công với thể loại điều tra. Những khó khăn, nguy hiểm và những tình huống gay cấn của người phóng viên viết điều tra cũng là nội dung thường được nêu ra cho sinh viên trao đổi, thảo luận..
Một số vấn đề lý luận về thể loại điều tra
-Phân biệt phương pháp điều tra và thể loại điều tra
- Điều tra trước hết là phương pháp cơ bản của nghề báo, trong đó bao gồm các thao tác như: phỏng vấn, nghiên cứu tâm lý, quan sát, phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh… Dù nhà báo viết tin, phóng sự, bài thông tấn hay ghi nhanh, bình luận, điều tra thì cũng đều phải sử dụng phương pháp điều tra nhằm xác minh tính xác thực của thông tin, tạo căn cứ để xem xét, nhìn nhận sự kiện, vấn đề, từ đó tìm ra được bản chất của sự thật để phản ánh nó trong tác phẩm báo chí của mình.
- Tác phẩm điều tra có nhiều khác biệt với cách hiểu về phương pháp điều tra như trên. Với tư cách là một thể loại trong nhóm các thể thông tấn báo chí,  điều tra có mục đích thông qua trình bày sự thật để giải thích và giải đáp những vấn đề, câu hỏi mà cuộc sống đang đặt ra, góp phần vào giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống, thúc đẩy cuộc sống phát triển.
- Hoàn cảnh xuất hiện tác phẩm điều tra
Tác phẩm điều tra thường xuất hiện khi cần câu trả lời cho một câu hỏi  nào đó. Nhiệm vụ của bài điều tra là giải thích, làm sáng tỏ những vấn đề đang có nhiều ý kiến tranh luận, nhiều quan điểm khác nhau; bám sát những mâu thuẫn tồn tại trong cuộc sống, tái hiện lại, tìm ra bản chất, xu hướng vận động phát triển và đôi khi là hướng giải quyết mâu thuẫn đó. Tuy nhiên, không giống với cách trả lời bằng nghệ thuật lập luận (như tác phẩm bình luận) hay thông qua một bức tranh toàn cảnh vừa khái quát, vừa chi tiết, sống động (như trong phóng sự), thể loại điều tra trả lời những câu hỏi trên cơ sở của một logic chặt chẽ, thông qua một hệ thống các bằng chứng được bố trí hợp lý nhằm làm sáng tỏ bản chất của các sự vật, hiện tượng.
Hàng ngày, trong cuộc sống của chúng ta thường xuyên xuất hiện rất nhiều mâu thuẫn, nhưng không phải mâu thuẫn nào cũng là đối tượng của tác phẩm điều tra. Để trở thành đối tượng phản ánh trong một tác phẩm điều tra, mâu thuẫn đó phải tồn tại trong một vấn đề, trong một hoàn cảnh tiêu biểu, có có ý nghĩa…
Trong lý luận báo chí nước ta, trong một “hoàn cảnh có vấn đề” phải xuất hiện những tình huống, sự việc không bình thường, trái với quy luật vận động của đời sống hoặc cách ứng xử thông thường trong xã hội, có nhiều dữ kiện tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau cho công chúng.
Mặt khác, hoàn cảnh đó phải có liên quan đến những vấn đề cơ bản trong xã hội, gắn liền với những vấn đề thời sự nóng bỏng; liên quan đến những lĩnh vực quan trọng của đất nước; có tác động, ảnh hưởng đến nhiều người, đang cần có lời giải thích hợp lý, chỉ ra bản chất bên trong của sự vật, giải tỏa thắc mắc cho công chúng.
-Đặc điểm nội dung của tác phẩm điều tra   
Trên phương diện nội dung, thể loại điều tra trên báo hiện nay có những đặc điểm cơ bản như sau:
- Đối tượng phản ánh của điều tra là những sự thật chứa đựng mâu thuẫn đang cần có câu trả lời hoặc đã có nhiều cách giải đáp khác nhau nhưng chưa có một cách đúng đắn nhất. Như vậy, điều tra có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi mà cuộc sống đặt ra, làm sáng tỏ những vấn đề đang gây ra nhiều ý kiến, nhiều cách hiểu khác nhau để giúp cho độc giả có câu trả lời đúng nhất, cách nhìn xác thực nhất.
- Tác phẩm điều tra phải “làm rõ những thông tin còn chứa nhiều uẩn khúc, nhiều mâu thuẫn, thường không có sẵn lời giải đáp từ các cơ quan công quyền hoặc các cơ quan chuyên môn. Cũng có thể câu trả lời đang nằm đâu đó, nhưng để đến được với nó, phóng viên phải bỏ nhiều công sức.
- Bài điều tra có nhiệm vụ nêu vấn đề, trình bày vấn đề, phân tích vấn đề, và cuối cùng phải kết luận. Kết luận của điều tra có sức thuyết phục, chính vì các bằng chứng được trình bày một cách thuyết phục và sự phân tích với lý lẽ thuyết phục…
- Bài điều tra cần phải có một kết luận rõ ràng, dứt khoát để giúp độc giả có được câu trả lời cuối cùng, chính xác nhất về vấn đề được đề cập. Kết luận thường nhấn mạnh đến điều quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định nhất đến vấn đề đó. Kết luận phải rõ ràng, dứt khoát và có sức thuyết phục. Trong thực tế, tác phẩm điều tra có thể trả lời với những cấp độ khác nhau: vạch trần sự thật; nêu bài học kinh nghiệm và giải pháp; nêu ý kiến, kiến nghị giải quyết
- Đặc điểm hình thức của tác phẩm điều tra  
+Tít và sapô của bài điều tra thường được đặt đơn giản, ngắn gọn, chặt chẽ. Nó gây ấn tượng và thuyết phục công chúng bằng sự chính xác. Tít thường được đặt theo cách nêu lên thông tin chi tiết, số liệu hoặc nêu chi tiết, số liệu kết hợp với ý nghĩa, tính chất của sự việc.
Trong tác phẩm điều tra, ngoài tít chính thì thường có các tít xen đặt rải rác trong bài. Trong mỗi tít xen thường có một luận cứ chính. Việc đặt tít xen là nhằm phân chia bài điều tra thành các phần cho rõ ràng, dễ đọc. Vì đặc điểm dung lượng bài điều tra tương đối lớn nên việc phân chia tít xen cũng giúp cho người đọc tránh được sự mỏi mắt. Ngoài ra, các tít này còn tóm tắt và giúp cho người đọc dễ dàng nắm được nội dung chủ yếu của toàn bài.
Sau tít chính, bài điều tra thường có phần sapô để nêu tóm tắt những nội dung cốt lõi để thu hút sự chú ý của công chúng. Sapô của điều tra thường ngắn gọn, rõ ràng và có tính khái quát, giúp cho người đọc có cái nhìn tổng quát về sự kiện, vấn đề mà tác giả muốn đề cập trong bài viết.
+Ngôn ngữ, giọng điệu: Tác phẩm điều tra thường có ngôn ngữ trực tiếp, xác thực, đơn giản. Ngôn ngữ trong bài điều tra có tính chất thông tấn. Vì đặc thù của bài điều tra là phân tích, lý giải, chứng minh sự thật nên ngôn từ càng đơn giản, trực tiếp, dễ hiểu bao nhiêu thì người đọc càng dễ tiếp nhận bấy nhiêu.
Tác giả có thể xuất hiện trong bài điều tra với tư cách “cái tôi nhân chứng”, vì vậy để đảm bảo tính khách quan, giọng điệu trong bài điều tra bao giờ cũng phải là một giọng điệu nghiêm túc.Giọng điệu nghiêm túc, đơn giản kết hợp với lý lẽ, phân tích của tác giả nhằm tăng sức thuyết phục người đọc.
+ Dung lượng, bố cục:Tác phẩm điều tra thường có dung lượng lớn. Tuy nhiên dung lượng này cũng tuỳ thuộc vào tính chất của nội dung. Có bài điều tra chỉ dài khoảng 800 – 1000 chữ. Tuy nhiên, cũng có những bài phải đăng đến vài kỳ trên báo. Nhìn chung, dung lượng của bài điều tra thường lớn hơn các thể loại khác.
Với dung lượng lớn như vậy, việc có được một bố cục rõ ràng, hợp lí sẽ tăng hiệu quả tác động của tác phẩm điều tra. Do hệ thống bằng chứng phong phú nên việc sắp xếp chúng như thế nào để đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất đòi hỏi sự tính toán của tác giả. Không thể chỉ đơn thuần liệt kê, biến hệ thống bằng chứng thành số cộng các bằng chứng đơn lẻ, tátác giả cần phải biết cách sắp xếp, kết hợp chúng một cách hợp lý nhất.
Tác phẩm điều tra thường có bố cục rất rõ ràng gồm ba phần:nêu vấn đề – chứng minh vấn đề – kết luận.Về bút pháp, người viết thường sử dụng kết hợp các bút pháp phân tích, tổng hợp , đôi khi còn có thống kê, so sánh nhằm giúp độc giả hiểu rõ thêm về vấn đề. Tác giả có thể so sánh vấn đề đó với các vấn đề khác, so sánh sự việc này với chính nó trước đây hoặc so sánh các số liệu với nhau. Thông qua các so sánh đó, công chúng sẽ hình dung được quy mô, tầm vóc của sự việc, vấn đề…
Bằng chứng, luận cứ, luận chứng trong tác phẩm điều tra   
Do có nhiệm vụ trả lời nên tác phẩm điều tra phải có cấu trúc chặt chẽ, logic. Trên cơ sở những luận cứ với những bằng chứng xác thực, người viết cố gắng chỉ ra cốt lõi, bản chất của sự vật và hiện tượng.
-Bằng chứng:Trong một bài điều tra phải có một hệ thống các bằng chứng. Những bằng chứng này là chất liệu để hình thành nên những luận cứBằng chứng càng tiêu biểu thì độ tiêu biểu của các luận cứ càng cao. Bằng chứng trong tác phẩm báo chí nói chung và trong tác phẩm điều tra nói riêng có thể là các bức ảnh, các con số, chi tiết, câu nói, văn bản… hoặc cũng có thể là kết quả của sự quan sát, phỏng vấn của tác giả. Những bằng chứng này có khi được trích trích từ các văn bản dài hàng trăm chữ; cũng có khi chỉ là một con số. Có lúc các bằng chứng đứng độc lập thành hẳn một đoạn, cũng có lúc nó nằm lẫn vào trong các đoạn khác.
Việc tổ chức, sắp xếp các bằng chứng này được thực hiện một cách linh hoạt, logic chứ không rập khuôn, máy móc nhằm mục đích tạo nên một hệ thống luận cứ chặt chẽ, khoa học, giúp công chúng dễ dàng tiếp thu.
Trong luận cứ của tác phẩm điều tra, có thể chứa đựng các dạng bằng chứng khác nhau. Những bằng chứng đó phải được đặt trong một quá trình phân tích, lập luận logic. Nói cách khác, sự chặt chẽ, lôgic của một bài điều tra bao giờ cũng dựa trên cơ sở của những luận cứ xác đáng và có sức thuyết phục. Các luận cứ phải đem lại một kết luận nào đó và lý lẽ tốt nhất vẫn là lý lẽ toát ra từ hệ thống luận cứ với những bằng chứng tin cậy của nó.
- Luận cứ trong tác phẩm điều tra có thể có nhiều dạng: luận cứ chính, luận cứ phụ, luận cứ bắc cầu, luận cứ then chốt
Luận cứ chính: chứa đựng những chi tiết, số liệu quan trọng nhất. Nó là chỗ dựa chủ yếu để phát triển những lập luận và đi đến kết luận. Đây chính là thành phần cơ bản làm nên nội dung tác phẩm.
Luận cứ phụ: là những bằng chứng có vai trò bổ sung cho luận cứ chính, làm sáng rõ thêm nội dung của luận điểm cần chứng minh. Đồng thời cũng tạo nên sự phong phú cho nội dung và kết luận.
Luận cứ bắc cầu: tạo ra mối liên hệ cần thiết giữa các luận cứ trong tác phẩm. Ngoài ra, nó giúp bổ sung cho các luận cứ trên, tạo nên sự phong phú về nội dung nhưng vẫn đảm bảo tính nhất quán, hoàn chỉnh của tác phẩm điều tra.
Luận cứ then chốt: yếu tố có vai trò quan trọng mang ý nghĩa quyết định trong hệ thống luận cứ. Luận cứ then chốt giúp các luận cứ khác trong bài gắn kểt, nhất quán và nâng lên tầm biểu hiện mới. Cũng chính luận cứ này có vai trò cốt lõi tạo tiền đề để đạt được câu trả lời quan trọng nhất của một tác phẩm điều tra… Tuy nhiên, không phải bài điều tra nào cũng có những luận cứ then chốt.
- Luận chứng: Nội dung của một bài điều tra được hình thành do các luận điểm, luận cứ, nhưng tổ chức các luận điểm, luận cứ này không phải là sự liệt kê một cách đơn thuần, tùy tiện. Chúng phải được liên kết với nhau theo những cách thức nhất định. Đây chính là luận chứng của tác phẩm điều tra. Như vậy, luận chứng chính là những lập luận logic, những phân tích, đánh giá của tác giả nhằm liên kết các luận cứ. Các luận chứng phải được triển khai một cách chặt chẽ, hợp lý, vừa triệt để khai thác các luận cứ, vừa thuyết minh một cách nhất quán cho luận điểm nhằm mục đích dẫn người đọc, người nghe đến với câu trả lời mà họ mong muốn.
Nếu coi một tác phẩm điều tra hoàn chỉnh là một ngôi nhà thì các luận cứ là những viên gạch tạo nên ngôi nhà ấy, còn các luận chứng chính là sự gắn kết các viên gạch ấy lại với nhau. Luận chứng giúp gắn kết các bằng chứng lại, chỉ ra ý nghĩa của các luận cứ, tạo nên sự thống nhất về quan điểm cho toàn bộ bài điều tra.
Ngoài ra, việc tác giả triển khai luận chứng một cách khéo léo, hợp lý cũng sẽ giúp công chúng dễ dàng và có hứng thú hơn trong việc tiếp cận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu các luận cứ, các bằng chứng đưa ra là hết sức tiêu biểu, có ý nghĩa quan trọng thì bản thân nó đã có sức mạnh thuyết phục, chứng minh vấn đề mà không cần đến những lời giải thích, phân tích… Bởi lẽ, tính chặt chẽ, logic của một bài điều tra bao giờ cũng dựa trên cơ sở của những luận cứ xác đáng và có sức thuyết phục. Mọi luận cứ đều đi đến kết luận nào đó và lý lẽ tốt nhất vẫn là lý lẽ toát ra từ hệ thống luận cứ.
Phóng viên viết điều tra
Không giống với một số thể loại báo chí khác, điều tra là thể loại thường do các phóng viên chuyên nghiệp thực hiện. Người phóng viên viết điều tra phải có năng khiếu phát hiện vấn đề và sự nhạy bén. Điều này có vai trò hết sức quan trọng. Qua những thông tin chi tiết và dấu hiệu không bình thường trong đời sống, người có năng khiếu và sự nhạy bén thì mới có khả năng phát hiện được những dấu hiện dẫn tới bản chất của sự thật. Bên cạnh đó là sự kỹ lưỡng, cẩn trọng trong thu thập và xử lý thông tin. Bất cứ một thông tin sai nào cũng sẽ gây ra những tác hại khôn lường đối với bài điều tra.
Trong bối cảnh của cơ chế thị trường hiện nay, vấn đề đạo đức nhà báo đang nổi lên như một trong những vấn đề rất đáng quan tâm, đặc biệt là đối với những người viết điều tra, phóng sự. Sự trung thực, tinh thần dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái tiêu cực để bênh vực lẽ phải, bênh vực người tốt, sự công bằng cũng phải được coi là những yêu cầu không thể thiếu được đối với các nhà báo nói chung, đặc biệt là đối với những viết điều tra.
Trong quá trình hoạt động viết điều tra, người phóng viên phải có khả năng vận dụng các phương pháp công tác một cách linh hoạt như: phỏng vấn, quan sát, nghiên cứu tài liệu, phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu v.v… Người viết điều tra phải lăn lộn với thực tế, phải gặp nhiều người để hỏi, để quan sát. Trực tiếp quan sát những sự thật đang diễn ra có thể giúp cho phóng viên đánh giá, so sánh, thẩm định để rút ra được những kết luận đúng đắn.
Như đã nói ở trên, trong quá trình viết điều tra, người phóng viên không chỉ quan tâm đến những mâu thuẫn mà còn phải chú ý đến bối cảnh của những mâu thuẫn ấy. Bối cảnh sẽ giúp cho công chúng hiểu rõ về các mối quan hệ thể hiện bản chất của các mâu thuẫn. Tất nhiên đây là một việc làm khó và kết quả của nó tuỳ thuộc vào trình độ và năng lực của phóng viên.
Trong khi viết điều tra, thái độ của người phóng viên phải rõ ràng trong việc biểu dương hay phê phán. Muốn biểu dương hay phê phán đúng, trước hết phải có thái độ dứt khoát, tránh thái độ mập mờ, nước đôi. Phải có thước đo mới biết được việc gì cần biểu dương, việc gì cần phê phán. Phải phân tích kỹ nguyên nhân, khuyết điểm, khó khăn và những bài học rút ra. Có làm được như vậy, công chúng mới có thể chấp nhận những kết luận mà bài điều tra ấy nêu lên.
Thể hiện một bài điều tra là quá trình trình bày mâu thuẫn và ý kiến về cách giải quyết mâu thuẫn đó. Người phóng viên không chỉ điều tra để bảo đảm tài liệu chính xác và hiểu rõ sự kiện mà còn phải giải thích và giải đáp một cách đúng đắn về những vấn đề cơ bản của cuộc sống. Không có thái độ nghiêm túc, không điều tra, nghiên cứu cẩn thận thì không thể trả lời được câu hỏi.
Một bài điều tra đạt chất lượng tốt phải trả lời kịp thời câu hỏi mà thực tiễn đặt ra. Câu trả lời phải rõ ràng, dứt khoát. Các luận cứ trong bài phải tiêu biểu, các bằng chứng phải có độ tin cậy. Câu trả lời phải được trình bày và phân tích một cách thuyết phục, giúp công chúng phân biệt được phải trái và nhận rõ bản chất của các sự vật, hiện tượng.
Vấn đề kiến thức và vốn sống, kinh nghiệm hành nghề của nhà báo làm điều tra luôn được đặc biệt coi trọng. “Nếu điều tra phát hiện và ủng hộ nhân tố mới, nhà báo rất cần bản lĩnh nghề nghiệp thì khi làm điều tra chống tiêu cực càng cần bản lĩnh vững vàng. Đã có không ít nhà báo vấp ngã, hơn thế đã có cả quan chức báo chí bị bọn tội phạm mua chuộc, đành phải bán rẻ lương tâm cho quỷ sứ là vì bản lĩnh thiếu vững vàng”.
Trong quá trình thực hiện điều tra, nhiều người cho rằng “Viết điều tra khác với viết phóng sự, càng nhiều tư liệu chính xác càng quý. Bản chất của sự kiện, của vụ việc, của vấn đề là cái đích của bài điều tra, nhưng nhà báo không có nhiệm vụ luận tội và kết luận mức xử phạt. Qua bài điều tra, người cao tay sẽ “gieo” được vào lòng người đọc, người nghe cái chất nhân văn thuyết phục. Tính chiến đấu của báo chí được thể hiện ở giá trị nhân văn cao đẹp này chứ không phải thể hiện ở thái độ “đao to, búa lớn” của người viết” (Nghebao, 29.05.2007, 08:42).
Từ nhiều yếu tố nêu trên đặt ra những yêu cầu rất khắt khe đối với nhà báo làm điều tra và viết điều tra. Từ việc chọn chủ đề chính xác đến nghệ thuật tìm tư liệu và chi tiết báo chí đắt giá; từ cách thể hiện bài điều tra theo phương châm “lạt mềm buộc chặt” đến những sách lược đối nội đối ngoại cần thiết cho một thông tin gây chấn động xã hội nhất định; từ động cơ đúng đắn của nhà báo đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia – tất cả cần được cân nhắc kỹ càng của người Tổng biên tập có sự đồng cảm cao của phóng viên và cộng tác viên trực tiếp tác chiến”.
Có một điều rất đáng chú ý là trong đội ngũ các tác giả viết điều tra hiện nay đã xuất hiện những cây bút nữ đã thực sự thu được thành công với thể loại lâu nay vốn vẫn được coi là chỉ dành cho phóng viên nam này.
Nhà báo Vũ Thị Hải, một phóng viên nữ nổi tiếng với loạt bài điều tra về vụ tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn, Hải Phòng đã tâm sự: “Ai cũng biết, nghề báo là một nghề nguy hiểm, việc viết điều tra là nguy hiểm hơn cả. Vì lúc này, sự thật còn chưa bị phơi bày và đối tượng được điều tra rất cần đến sự im lặng của nhà báo. Cái nguy hiểm đầu tiên là mình phải đối mặt với những cám dỗ vật chất. Vì thế, nhà báo phải biết vượt qua chính mình, phải rèn luyện để có đủ bản lĩnh và niềm đam mê đi tìm sự thật, đưa sự thật ra ánh sáng. Cái nguy hiểm thứ hai là có thể bị đe dọa, bị trả thù, bị đối xử bất công bằng” (Nghebao, 29.05.2007, 08:40).
Trong “10 kinh nghiệm viết bài điều tra” mà nhà báo Đinh Anh Tuấn muốn được chia sẻ với các đồng nghiệp (Vietnamnet, 20.06.2003; 9:17′ ), có đến 7 điều trình bày về vốn sống, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh của người phóng viên viết điều tra (và những thủ pháp mà người viết điều tra có thể sử dụng để tự bảo vệ mình). Điều đó cho thấy đối với một phóng viên viết điều tra, ngoài năng khiếu, các yếu tố khác như vốn sống, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnhlànhững yếu tố có tính chất quyết định sự thành công trong sáng tạo tác phẩm.
Hiện nay, tác phẩm điều tra thường được sử dụng để phản ánh về những cái xấu, cái tiêu cực. Tuy nhiên, điều tra còn được sử dụng để phản ánh về những cái tốt, khẳng định cái tích cực, nhất là trong trường hợp cái tốt, cái tích cực ấy đang bị cái xấu, cái ác tìm cách vùi dập, phủ nhận…
Phân tích sự kiện trong tác phẩm điều tra
Không có sự kiện thì không có bài điều tra. Nhưng khi đã có sự kiện rồi thì người viết điều tra còn cần phải có năng lực phân tích sự kiện đó. Có sự kiện tốt mà không có năng lực phân tích thì thật khó có thể chỉ ra vấn đề bên trong sự kiện.
Điều tra có thể trả lời về nhiều vấn đề với những cấp độ khác nhau bằng cách nêu vấn đề, vạch trần sự thật, nêu bài học kinh nghiệm và giải pháp, nêu ý kiến, kiến nghị giải quyết… Tuy nhiên, dù dừng ở cấp độ nào, sử dụng cách nào thì xuyên suốt trong một bài điều tra, tác giả luôn phải chú ý đến việc trình bày và phân tích sự kiện.
Việc phân tích sự kiện trong bài điều tra là tổng hợp của nhiều thao tác như quan sát trực tiếp; phỏng vấn cá nhân, tập thể; thu thập tài liệu, văn bản… Thông qua một loạt các thao tác này, tác giả mới thu thập đủ các dữ kiện cần thiết rồi từ đó phân tích sự kiện một cách khách quan và xác thực nhất.
Trong bất cứ một thể loại báo chí nào, việc phân tích dựa vào việc kết hợp các thao tác trên đều rất cần thiết. Tuy nhiên, bài điều tra với vai trò là trả lời các câu hỏi bức thiết của cuộc sống đặt ra, thì các thao tác trên lại càng cần thiết hơn nữa. Bởi một sự việc, vấn đề càng hóc búa, tồn tại nhiều mâu thuẫn thì càng cần được nhìn nhận, đánh giá cẩn thận, kỹ lưỡng trên mọi phương diện và góc độ.
Sự kết hợp giữa trình bày và phân tích sự kiện thể hiện đặc trưng riêng của thể loại điều tra. Sự kiện trong bài điều tra là sự thật xảy ra trong đời sống. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự kiện có thật nào cũng đưa lên báo. Nói cách khác, tính chất của sự kiện trong bài điều tra có đặc thù riêng. Đó là những hiện tượng có quy mô lớn, nổi bật, tập trung. Sự kiện đó phải xác thực và tiêu biểu cho một xu thế phát triển của hiện thực.
Trình bày sự kiện là một công việc trong phần nội dung của bài điều tra. Khác với phóng sự thường thiên về miêu tả sự kiện, việc trình bày trong bài điều tra phải gọn gàng, cô đúc, phản ánh chính xác các hiện tượng với sự chọn lọc, sắp xếp, miêu tả các hiện tượng tiêu biểu để nêu bật câu hỏi cần nêu, cần giải quyết, tạo điều kiện cho việc tìm câu trả lời.
Việc phân tích phải dựa trên cơ sở của sự kiện để từ đó đi sâu vào bản chất của nó, tìm ra mối quan hệ giữa các sự kiện và tìm ra lời giải đáp cho sự kiện đó. Ngoài ra, việc phân tích sự kiện trong bài điều tra còn phải nêu lên được mối quan hệ giữa các sự kiện cụ thể với toàn cục. Như vậy, việc phân tích sự kiện quyết định tới sự thành công của một tác phẩm điều tra.
So sánh là một phương pháp quan trọng khi phân tích. Nó làm nổi bật lên cái đúng sai, phải trái. Để so sánh được khách quan, chính xác, người viết điều tra phải chú ý so sánh ở cùng đơn vị đo lường, so sánh các sự kiện cùng loại, có cùng những điều kiện giống nhau.
Một phương thức khác của thao tác phân tích sự kiện là phải chú ý phân tích nguyên nhân để có giải pháp, phương hướng. Phải chú ý đến nguyên nhân chính và tổng hợp các nguyên nhân, chú ý nguyên nhân bên trong, bên ngoài… 
Trên cơ sở phân tích sự kiện qua một loạt các thao tác trên, người viết điều tra có thể đề xuất giải pháp phù hợp. Tất nhiên, chỉ có trên cơ sở phân tích khách quan, chính xác thì mới chỉ ra bản chất của sự kiện, mâu thuẫn tồn tại bên trong sự kiện đó. Và có chỉ ra được bản chất, nêu lên được mâu thuẫn thì mới tìm ra giải pháp thích hợp.
Kết luận
Thể loại điều tra có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi thông qua một hệ thống các bằng chứng được bố trí một cách chặt chẽ, hợp lý, kết hợp với lý lẽ. Câu trả lời mà bài điều tra mang lại cho công chúng phải là những vấn đề tiêu biểu, nổi bật thể hiện xu thế phát triển của đời sống.
Nêu vấn đề và phân tích vấn đề trên cơ sở những sự kiện, sự việc để làm sáng tỏ bản chất là đặc điểm của thể loại điều tra. Tác phẩm điều tra thể hiện chỗ đứng và cách nhìn của tác giả. Một bài điều tra tốt phải được xây dựng trên cơ sở những bằng chứng và luận cứ xác thực, kết hợp với lý lẽ, lập luận.
Nhìn lại những thành công của báo chí Việt Nam trong thời kỳ “báo chí điều tra” vừa qua, có thể nói không vụ việc tiêu biểu nào mà không có mặt thể loại điều tra. Trong làng báo Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các phóng viên viết điều tra, phóng sự điều tra có kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp.
Trong thời kỳ “báo chí giải pháp” hiện nay, điều tra vẫn đang tiếp tục phát huy mạnh mẽ những ưu thế của nó trong việc khẳng định những nhân tố mới, tìm tòi những giải pháp tích cực để tác động vào cuộc sống./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét