Khiemnguyen

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Ai quay những thước phim Lễ Tuyên ngôn Độc lập?



Một ngày năm 1974, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đang làm bộ phim tài liệu "Những ngày Bác Hồ ở Tây Âu" tại Pháp thì có một cuộc điện thoại gọi đến khách sạn nơi ông ở. Người bên kia đầu dây nói rằng, có một người bạn nhờ trao hộ món quà vô cùng đặc biệt và phải trao tận tay đạo diễn Phạm Kỳ Nam.
Sau khi đến tận nơi trao gói quà cho Phạm Kỳ Nam, người đó nói rằng “nó rất có ích cho bộ phim đang làm của ông” rồi xin phép đi luôn. Người khách vừa đi thì Phạm Kỳ Nam mở gói quà và ông lặng đi vì xúc động khi thấy dòng chữ trên những hộp phim 16 ly: “Những thước phim tài liệu về Lễ Độc lập 2/9/1945”. Nhưng, những thước phim tài liệu này ở đâu và ai đã quay nó?

Trở lại những ngày tháng 8 cách đây 67 năm, khi đó không khí sôi sục khởi nghĩa bắt đầu từ sự kiện Việt Minh biến cuộc biểu tình của Tổng hội viên chức ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim ngày 17/8 thành cuộc biểu dương lực lượng cách mạng của quần chúng. Ngày 19/8, một cuộc mít tinh lớn do Việt Minh tổ chức tại Quảng trường Nhà hát Lớn đã kết thúc bằng cuộc tuần hành thị uy của quần chúng phối hợp với lực lượng vũ trang chiếm đóng các sở, cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn theo lời kêu gọi của Ủy ban Quân sự cách mạng và ngày 20/8, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ và Hà Nội chính thức thành lập. Trước không khí cách mạng trên cả nước, dù đang bị ốm khá nặng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định rời Tân Trào về Hà Nội vào sáng ngày 22/8. Sáng ngày 26/8, Người chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng tại số nhà 48 phố Hàng Ngang để chuẩn bị ra Tuyên ngôn độc lập. Ngày 27/8, tại cuộc họp của Ủy ban Dân tộc Giải phóng, các thành viên đã bầu Người làm Chủ tịch lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ấn định ngày 2/9 sẽ làm lễ tuyên bố nước Việt Nam là quốc gia độc lập, ra mắt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lâm thời. Thời gian quá gấp rút nên công tác chuẩn bị cho ngày lễ được giao cho những cán bộ có năng lực. Việc tổ chức ngày trọng lễ được giao cho ông Nguyễn Hữu Đang, thiết kế lễ đài do kiến trúc sư trẻ Ngô Huy Quỳnh, còn việc chụp ảnh và quay phim được nhà nhiếp ảnh trẻ Võ Văn Lai sốt sắng đảm nhiệm. Nhiếp ảnh thì không lo lắm nhưng quay phim thời điểm đó ở Hà Nội chỉ có nhà nhiếp ảnh Hương Ký và hãng Đông Dương phim. Nhưng Đông Dương phim chỉ còn trên danh nghĩa, thực tế đã không còn hoạt động, cũng không còn máy móc thiết bị nên Võ Văn Lai đã mời Hương Ký và ông này đã nhận lời, hứa cử hai người, một quay phim và một nhiếp ảnh. Vậy ông Hương Ký là ai và tại sao chỉ mình ông này lại biết quay phim và có thiết bị quay phim?
Đầu thế kỷ XX, tại khách sạn Métropole người ta đã chiếu phim tại Grand café bộ phim câm có tiêu đề là “Thần cọp”, có thể khẳng định đây là bộ phim đầu tiên chiếu tại Hà Nội. Tuy nhiên, phải gần 20 năm sau Hà Nội mới có hãng phim đầu tiên. Ngày 11/9/1923, người Pháp công bố thành lập Hãng phim và Chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinéma - IFEC). Ra đời được hơn một tháng, IFEC đã sản xuất bộ phim đầu tiên là “Kim Vân Kiều”. “Kim Vân Kiều” do dàn đào kép của ban tuồng Quảng Lạc thực hiện, Bẩy Tắc đóng vai Hoạn Thư, Tư Lê đóng vai ông Phủ. Sân chùa Láng là bối cảnh dinh Từ Hải, cổng làng Thọ làm cửa vào nhà Tú Bà, bãi tha ma làng Yên Thái là chỗ Kiều viếng mộ Đạm Tiên… Đây là bộ phim câm, độ dài 1.500 mét, quay xong được đưa về Pháp làm hậu kỳ và ra mắt lần đầu tại rạp Palace (nay là rạp Công Nhân, phố Tràng Tiền).
Cùng với IFEC, có một người Hà Nội cũng bỏ tiền ra làm phim, đó là ông Nguyễn Lan Hương (còn gọi là Hương Ký). Cũng như nhiều thanh niên Việt Nam khi ấy, Hương Ký bị bắt đi làm lính thợ, tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Giải ngũ năm 1919, Hương Ký ở lại Pháp học nghề ảnh, sau đó về nước mở hiệu ảnh ở số nhà 86 phố Hàng Trống. Năm 1924, chủ tiệm ảnh Hương Ký đã nhờ một người Pháp hiểu biết về điện ảnh dạy cách làm phim rồi tự thực hiện bộ phim hài đầu tiên có tên là “Đồng tiền kẽm tậu được ngựa”. Phim dài sáu phút, phỏng theo truyện “Cô gái và bình sữa” (La laitière et le pot au lait) trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Phim thứ hai của Hương Ký cũng là phim hài với tựa “Cả Lố”, đang quay thì phải dừng lại vì bất đồng giữa nhà sản xuất với diễn viên. Sau đó, Hương Ký còn quay phim tài liệu “Ninh Lăng” dài 2.000 mét về đám tang vua Khải Định. Tiếp đó là phim “Tấn tôn đức Bảo Đại” dài 800m về lễ đăng quang của Bảo Đại, với chi phí 30.000 đồng (tiền Đông Dương), chiếu tại rạp Palace 27 ngày nhưng chỉ thu được 5.000 đồng, khiến Hương Ký lỗ nặng. Tiếng tăm về phim của người An Nam làm lan sang các tỉnh phía Nam Trung Quốc và tỉnh trưởng Vân Nam đặt hàng Hương Ký làm hai phim tài liệu quay tại Trung Quốc. Nhưng sau khi làm xong bộ phim thứ nhất “Đám tang tướng Đường Kế Nghiêu” (làm năm 1929), không thấy Hương Ký làm phim nữa mà trở về với nghề nhiếp ảnh. Có người cho rằng IFEC đã tác động đến tỉnh trưởng Quảng Tây để dừng dự án vì họ không muốn một hãng phim Việt Nam thành công trong khi họ liên tục thất bại. Sau này tuy không bỏ tiền làm phim nữa nhưng Hương Ký vẫn đam mê phim, mua máy quay, thiết bị in tráng để quay chơi, đồng thời Tây hay ta nếu có nhu cầu quay làm tư liệu thì nhận làm dịch vụ. Như vậy, Hương Ký là nhà quay phim duy nhất ở các tỉnh phía Bắc trong nửa đầu thế kỷ XX.
Trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập, hai nhân viên chụp ảnh và quay phim của nhà Hương Ký được ông Nguyễn Hữu Đang cấp giấy phép đi lại để tác nghiệp ở những khu vực cho phép. Nhưng một tuần sau ngày 2/9, Hương Ký thông báo không quay được vì máy quay trục trặc. Rồi câu chuyện cũng bị chìm đi vì nước Việt Nam non trẻ lúc đó có quá nhiều việc phải làm, và sau đó thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội... Cho đến khi đạo diễn Phạm Kỳ Nam mang những thước phim quý giá về nước thì ông Nguyễn Hữu Đang vì lý do đặc biệt nên cũng không biết. Mãi đến năm 1990, trong bài viết “Những điều còn bí ẩn quanh việc quay bộ phim Ngày độc lập 2/9/1945”, ông Nguyễn Hữu Đang vẫn không tin những thước phim đó do Hương Ký quay vì ông biết sau lễ độc lập ít ngày, quân Tầu Tưởng đưa Vũ Hồng Khanh về nước với âm mưu cướp chính quyền thì Hương Ký đã theo Quốc dân đảng chống lại Việt Minh. Song ông đưa ra một giả thiết khác: có thể những thước phim ấy do chính nhân viên phái bộ Mỹ dưới danh nghĩa đại diện quân đồng minh đã quay. Ông lý giải, với danh nghĩa là đại diện quân đồng minh, họ được quyền đi lại thoải mái trên quảng trường để quay phim, chụp ảnh mà không bị ai cản trở. Tuy nhiên ông Nguyễn Hữu Đang vẫn nghi ngờ vì nếu phái đoàn Mỹ quay thì tại sao họ không tặng lại cho Chính phủ lâm thời mà lại im lặng bao nhiêu năm để rồi nhờ một người mang đến cho đạo diễn Phạm Kỳ Nam với mục đích gì?
67 năm đã trôi qua và cho đến hôm nay, ai đã quay những thước phim về ngày Lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 vẫn còn là điều bí mật.

Nguyễn Ngọc Tiến
Nguồn:http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/558107/ai-quay-nhung-thuoc-phim-le-tuyen-ngon-doc-lap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét