Thực trạng báo điện tử ở nước ta hiện nay thì có quá nhiều điều đáng lo ngại, tình trạng "trăm hoa đua nở” đã không đưa công nghệ báo chí của Việt Nam sang một giai đoạn mới mà đã và đangg làm tầm thường hóa trình độ dân trí của độc giả. Xin nêu bốn vấn đề nổi bật nhất như sau:
1/ Sử dụng ngôn ngữ báo chí bừa bãi
Báo chí vốn được coi là chuẩn mực về ngôn ngữ ở sự trong sáng và dễ hiểu, ngôn ngữ báo chí lẽ ra luôn được coi là tiêu chuẩn cho người dùng thuộc mọi tầng lớp, nhưng ngôn ngữ trên báo chí điện tử đang thực sự là một "thảm họa.” Ai đó có thể viện dẫn lý do rằng báo điện tử đòi hỏi tốc độ nhanh nên sai sót ngôn từ là điều khó tránh khỏi, song lập luận này hoàn toàn không hợp lý bởi những lỗi ngôn từ không chỉ xuất hiện trong các tin thời sự nóng theo kiểu "breaking news” mà kín đặc trong các bài viết không cần phải đua về tốc độ.
Những báo điện tử phát triển từ báo in thường có sự "chỉn chu” nhất định về ngôn từ do phải trải qua một quá trình biên tập gắt gao. Song các báo điện tử thuần túy thì dường như đang đi theo xu hướng tự nhiên chủ nghĩa về ngôn từ. Nhiều bài dịch trên báo điện tử không rõ nghĩa hoặc thậm chí sai nghĩa không phải là chuyện hiếm, còn việc các bài viết dùng các cụm từ sai, câu không đầy đủ là chuyện quá… thường tình. Chưa kể có tình trạng cắt dán bài của các website khác dẫn đến "râu ông nọ cắm cằm bà kia” hoặc để sót các câu cụt mà vẫn vượt qua mọi khâu biên tập để lên mặt báo.
2/ Xu hướng kéo độc giả bằng mọi giá
Khoảng 3 năm trước, khi ở Việt Nam chỉ có khoảng 5-6 báo điện tử và các trang điện tử của báo in, vấn đề bị phê phán nhiều nhất khi đó là tình trạng chạy theo những vấn đề giật gân, câu khách của một số ít website. Liên tiếp các website tin tức ra đời trong vòng 1 năm trở lại đây đều áp dụng một công thức duy nhất để lôi kéo người đọc là những tin bài về các vụ lộ băng sex, người mẫu này hở ngực, ca sĩ kia "lộ hàng”… Những cái tít giật gân luôn được gắn với một số động từ, tính từ nhất định như "choáng váng, sốc, kinh hoàng, hoảng hồn” …
Có những trang web được gắn với tên gọi "giáo dục” nhưng nội dung đầy những thông tin vô cùng phản giáo dục, có trang tưởng như để tôn vinh phụ nữ thì lại đầy những hình ảnh hở da hở thịt cùng những câu chuyện xâm phạm đời tư cá nhân, dùng những ngôn từ thiếu tôn trọng phái yếu. Có trang web vốn được coi là một trang nghiêm túc với những bài viết mang tính xã hội cao thì nay cũng đầy những chuyện cướp, giết ngay trên trang chủ.
3/ Thiếu tính định hướng, thông tin không thẩm định
Mỗi báo điện tử khi lập hồ sơ xin giấy phép đều có đề án cụ thể, nêu rõ mục đích rất chính đáng của mình, và cơ quan quản lý cũng dựa trên mục đích thông tin phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí đó để cấp phép. Tuy nhiên, nhiều website ra đời rốt cục lại theo một con đường duy nhất là câu khách bằng những biện pháp phi giáo dục và phi đạo đức nghề nghiệp như đã kể trên.
Dường như các báo điện tử thuộc nhóm này chạy theo mong muốn tăng số lượng người đọc thật nhanh chóng nên đã nhắm mắt đăng tải tất cả những thông tin nào mà họ cho là gây tò mò, gây sốc cho độc giả. Ngay cả những vấn đề kinh tế - xã hội, quốc tế quan trọng cũng được đưa tin một cách bát nháo đến kỳ lạ, người đọc nhiều khi không thể hiểu nổi quan điểm của tòa soạn đó là gì. Có những tờ báo đăng tải những bài viết hoàn toàn khác quan điểm, nhưng không phải vì lý do muốn có cái nhìn đa chiều mà đơn giản vì chúng… gây sốc.
Trong báo chí, yêu cầu đầu tiên đối với mỗi nhà báo luôn là "Thẩm định, thẩm định và thẩm định,” nhưng hiện nay có tình trạng như thể "quăng thông tin” bất kỳ lên mặt báo. Một thông tin có thật nhưng không có lợi cho xã hội nhiều khi tòa soạn còn cân nhắc để tránh đăng tải, vậy mà giờ đây trên báo chí điện tử lại xuất hiện nhan nhản những thông tin không thể nào xác thực được, không trích dẫn nguồn tin, không có phỏng vấn đối tượng. Nguy hại hơn là có tình trạng phóng viên lướt web, sục sạo các diễn đàn rồi cắt dán ý kiến của người nọ người kia để tạo thành thứ mà họ gọi là báo chí.
4/ Phát triển thiếu chuyên nghiệp, vi phạm bản quyền nghiêm trọng
Xã hội ngày càng tiên tiến, văn minh, nhưng tính chuyên nghiệp của báo chí Việt Nam thì không được nâng lên kịp với tốc độ phát triển của cuộc sống và dân trí. Thế kỷ 21 đã qua được mười năm, nhưng báo chí Việt Nam vẫn tồn tại tình trạng xâm phạm bản quyền nghiêm trọng. Quy định của cơ quan quản lý rất rõ ràng và đã được phổ biến rộng khắp, nhưng số lượng các cơ quan báo chí thực sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ chắc đếm trên đầu ngón tay.
Báo chí thế giới đang ở vào giai đoạn bước ngoặt, báo hiệu những thay đổi vô cùng lớn trong tương lai, thậm chí tạo ra những nền tảng xuất bản mới. Báo điện tử không chỉ ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội mà còn tự thay đổi và biến đổi để phù hợp với cách tiêu thụ thông tin của thời đại mới, đồng thời nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới. Nhưng báo điện tử Việt Nam sẽ đi về đâu nếu rất nhiều trang web tin tức vẫn quẩn quanh với vài mánh lới câu khách rẻ tiền và lối làm báo chộp giật, xâm phạm bản quyền? Rốt cục người phán xét vẫn là các độc giả và những báo điện tử kiểu này sẽ không thể đi xa hơn. Chỉ tiếc rằng hoạt động báo chí điện tử nói chung của nước nhà có thể bị chậm chân hoặc bỏ lỡ cơ hội khi mắc kẹt trong mớ bùng nhùng không đáng có này./.
(Collected from Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét