Khiemnguyen

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Đại cương về Dư luận xã hội

(Nguyễn Bùi Khiêm)           
Từ xưa đến nay, dư luận xã hội luôn là một vấn đề chiếm vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, nó đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử, hình thành, tồn tại và phát triển cùng với quá trình vần động, phát triển của bản thân xã hội loài người.
I. Định nghĩa dư luận xã hội.         
Có nhiều định nghĩa về dư luận xã hội được nêu ra, nhưng chung quy lại, ta có thể định nghĩa như sau: Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến, thái độ có tính chất phán xét, đánh giá của các nhóm xã hội hay của xã hội nói chung trước những vấn đề mang tính thời sự, liên quan tới lợi ích chung, thu hút được sự quan tâm của nhiều người và được thể hiện trong các nhận định hoặc hành động thực tiễn của họ.
II. Đặc điểm của dư luận xã hội. 
          Chủ thể của dư luận xã hội không phải là các cá nhân mà là toàn thể xã hội, là quần chúng nhân dân, các tổ chức của xã hội. Vì thế, lập trường giai cấp được xem là cơ sở để xác định chủ thể của dư luận xã hội. Bản thân dư luận xã hội phản ánh rõ nét vị thế xã hội trong mối tương tác giữa các cá nhân, với các nhóm xã hội xuất phát từ lợi ích và tương quan xã hội giữa người này với người khác. Thông thường, khi nghiên cứu về dư luận xã hội, chúng ta thấy nổi lên các đặc điểm sau:
- Dư luận xã hội là tập hợp những ý kiến, quan điểm, thái độ mang tính chất phán xét, đánh giá của nhiều người trước thực tế xã hội nhất định.
 - Sự phán xét, đánh giá đó chỉ nảy sinh khi trong xã hội có những vấn đề mang tính thời sự, liên quan đến lợi ích chung của nhóm xã hội, cộng đồng xã hội.
- Vấn đề mang tính thời sự thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhiều người, của đa số các thành viên trong xã hội.
- Dư luận xã hội phản ánh một cách tổng hợp ý thức xã hội nhưng dễ thay đổi. Nó luôn gắn liền với quyền lợi cá nhân và các nhóm xã hội.
III. Các bước hình thành dư luận xã hội. 
Các sự kiện, các hiện tượng xã hội được dư luận xã hội phản ánh phải diễn ra theo một quá trình khá phức tạp. Trong điều kiện bình thường, quá trình hình thành dư luận xã hội có thể chia thành các bước (các giai đoạn) sau:
1. Giai đoạn hình thành thuộc ý thức cá nhân. 
Các cá nhân trong cộng đồng xã hội được tiếp xúc, làm quen, được trực tiếp chứng kiến hoặc nghe kể lại về các sự việc, sự kiện, hiện tượng xảy ra trong xã hội. Họ tìm kiếm, hoặc thu thập thêm thông tin, trao đổi với nhau về nó, từ đó nảy sinh những suy nghĩ, tình cảm, ý kiến bước đầu về nội dung, tính chất của các sự việc, sự kiện. Nhưng lúc này, các suy nghĩ, tình cảm, ý kiến bước đầu đó là thuộc về mỗi người, thuộc lĩnh vực ý thức cá nhân. Ví dụ như: các em tự tìm nhé.
 2. Giai đoạn trao đổi thông tin giữa mọi người. 
Các ý kiến cá nhân được chia sẻ, trao đổi, bàn luận với nhau trong  nhóm xã hội. Cơ sở cho quá trình thảo luận trong nhóm xã hội này là lợi ích chung của cả nhóm và hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội đang chi phối các khuôn mẫu tư duy và khuôn mẫu hành vi của các thành viên trong nhóm. Thông qua quá trình trao đổi, bàn luận các suy nghĩ, các ý kiến xung quanh đối tượng của dư luận mà ý kiến đã được trao đổi chuyển dần từ lĩnh vực ý thức cá nhân sang lĩnh vực ý thức xã hội. Ví dụ : các em tự tìm nhé.
3. Giai đoạn tranh luận có tính chất tập thể về các vấn đề quan trọng. 
Ở giai đoạn này, các thông tin, vấn đề không quan trọng, không phù hợp hoặc những thông tin nhiễu về đối được sẽ bị lược bỏ. Các nhóm trao đổi, tranh luận với nhau về những nội dung quan trọng, đưa ra các loại ý kiến khác nhau và thống nhất lại xung quanh các quan điểm cơ bản, cùng tìm đến những điểm chung trong quan điểm và ý kiến. Từ đó mà hình thành cách phán xét, đánh giá chung, thỏa mãn được ý chí chung của địa đa số  các thành viên trong cộng đồng người. Cơ sở cho quá trình tranh luận này vẫn là lợi ích chung và hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội chung cùng được các nhóm xã hội chia sẻ và thừa nhận. Ví dụ: như trên.
4. Giai đoạn đi từ dư luận xã hội đến hành động thực tiễn
Nếu như luồng dư luận xã hội chỉ hình thành một cách thuần túy rồi để đấy, chẳng có vai trò, tác dụng gì đối với cộng đồng thì có lẽ nó chỉ là hiện tượng vô nghĩa.Trên thực tế, vấn đề không chỉ dừng lại ở đấy. Từ sự phán xét, đánh giá chung, các nhóm xã hội và cộng đồng xã hội đi tới hành động thống nhất, nêu lên những kiến nghị, những biện pháp về hoạt động thực tiễn của họ trước thực tế cuộc sông nhất định. 
Kết luận: Dư luận xã hội là sản phẩm của quá trình giao tiếp xã hội. Không có sự trao đổi, bàn bạc, thảo luận, thậm chí va đập các ý kiến với nhau thì không thể có ý kiến phán xét, đánh giá chung được đông đảo mọi người chia sẻ, tán thành và ủng hộ. Tất nhiên, sự phân tích khách quan về mối tương quan giữa ý kiến của tập thể, của cộng đồng cần phải được đặt vào cơ cấu xã hội hiện hành, phải xem xét đến các yếu tố trình độ kinh tế, chính trị, tinh thần, trình độ văn hóa, tính tổ chức...của tập thể cộng đồng ấy.
IV. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành dư luận xã hội.
Nghiên cứu về dư luận xã hội, cũng nhằm phát hiện ra những yếu tố chính tác động đến sự hình thành nên dư luận xã hội. Có như vậy, mới có thể định hướng hoặc điều chỉnh nhằm phục vụ lợi ích chung. Sự hình thành dư luận xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện khác nhau, cả về chủ quan và khách quan về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, trình độ nhận thức, tâm lí xã hội...đây là những yếu tố chính tác động đến dư luận xã hội.
1. Tính chất của các sự việc, sự kiện, hiện tượng xã hội, quá trình xã hội đang diễn ra trong xã hội.    Thực tế xã hội luôn diễn ra đa dạng, phong phú và phức tạp với nhiều sự việc, hiện tượng xã hội hay quá trình xã hội khác nhau. Dư luận xã hội là hiện tượng tinh thần phản ánh tồn tại xã hội. Sự phản ánh đó trước hết phụ thuộc vào quy mô, cường độ, tính chất của các sự việc, sự kiện, hiện tượng xã hội mà nó phản ánh; đồng thời phụ thuộc và ý nghĩa của các sự việc, hiện tượng đó đối với các nhu cầu, lợi ích về vật chất, tinh thần của cộng đồng người mang dư luận. Khuynh hướng chung trong các ý kiến đánh giá và thái độ của công chúng là sự bày tỏ tán thành, ủng hộ đối với các sự việc, sự kiện phù hợp với các nhu cầu, lợi ích của mình và lên tiếng phê phán hay phản đối những sự việc, sự kiện đi ngược lại, xâm hại tới lợi ích của họ. Trong thực tế xã hội, có những sự việc sự kiện xảy ra ban đầu chỉ ảnh hưởng tới lợi ích của nhóm xã hội nhất định, nhưng sự phát triển tiếp theo đã cho thấy sự liên quan của chúng tới lợi ích của các nhóm xã hội khác. Trong bối cảnh đó, các nhóm xã hội sẽ bước vào cuộc trao đổi ý kiến, thảo luận tại các thời điểm khác nhau. Bên cạnh đó, những sự kiện, hiện tượng có ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến đại đa số người dân như dịch bệnh, thiên tai, đồng tiền mất giá... sẽ tạo ra các luồng dư  luận xã hội nhanh chóng chỉ trong tời gian ngắn. Như vậy, muốn nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc phát sinh dư luận xã hội thì phải xuất phát từ chính bản thân các sự việc, hiện tượng xảy ra trong thực tế xã hội với quy mô, cường độ và tính chất của chúng. 
2. Hệ tư tưởng, trình độ học vấn, kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm thực tế xã hội của con người.             Sự hình thành dư luận xã hội phụ thuộc vào hệ tư tưởng, trình độ học vấn, kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm thực tế xã hội của các cá nhân, các nhóm xã hội trong xã hội. Nói cách khác là mức độ chuẩn bị của cộng đồng người để tiếp nhận các sự việc, sự kiện, hiện tượng cần thiết. Nếu thông tin không đầy đủ thì dẫn đến khả năng tranh luận kéo dài, không hình thành dư luận xã hội. Hệ tư tưởng, trình độ học vấn của con người cũng ảnh hưởng quan trọng tới khuynh hướng, chiều sâu, tính chất phản ánh đúng sai của các ý kiến, các quan điểm phán xét, đánh giá đối với sự việc, sự kiện. Chẳng hạn, ở những nhóm xã hội có trình độ học vấn cao, các cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin, phân tích một cách khoa học về nội dung, bản chất, nguồn gốc, nguyên nhân của các sự việc, sự kiện... từ đó mà đưa ra các phán xét, đánh giá phù hợp về sự việc, góp phần hình thành những dư luận xã hội tích cực, có lợi ích cho cộng đồng, cho dân tộc hay quốc gia. Ngược lại, ở những nhóm xã hội có trình độ học vấn thấp, người ta có thể dễ dàng tin tưởng vào những điều nhảm nhí, những tin tức thất thiệt, vô tình tham gia vào việc làm lan truyền các những tin đồn nhảm, gây ra hậu quả xấu cho các cá nhân, các nhóm xã hội.
3. Thông tin đại chúng (đây có phải là yếu tố có ảnh hưởng quan trọng nhất không các bác?) 
Hoạt động của hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng bao gồm báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, ấn phẩm in, mạng máy tính... có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự hình thành dư luận xã hội. điều đó thể hiện trên các phương diện sau: 
- Các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp thông tin, truyền tải kịp thời và đầy đủ thông tin về các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội: việc đáp ứng nhu cầu và sở thích  thông tin của công chúng được coi là những tiền đề cơ bản cho sự phát triển của hệ thống truyền thông đại chúng. Trên phương diện này, hệ thống truyền thông đại chúng ở đất nước ta đã có những bước tiến nổi bật trong những năm đổi mới. các chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm trở nên đa dạng, phong phú hơn, cập nhật hơn với các thông tin về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, chính trị của đất nước; sự phản ánh của các thông tin cũng chân thực và khách quan hơn. 
- Các phương tiện thông tin đại chúng là diễn đàn ngôn luận công khai : ngày nay, trình độ dân trí của người dân được nâng cao. Các tầng lớp nhân dân cũng ngày càng tham gia rộng rãi hơn vào đời sống chính trị xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng có trách nhiệm truyền tải thông tin về các ý kiến phán xét, đánh giá, thái độ của công chúng đối với các sự kiện, hiện tượng, diễn ra trong đời sống xã hội. bằng cách này, công chúng sẽ có được cơ  hội tham gia ngày càng tích cực và có trách nhiệm hơn vào quá trình chuẩn bị, thực hiện và giám sát và đánh giá các chủ trương, chính sách của đảng và Nhà nước cũng như các hoạt động cụ thể, thường xuyên của các tổ chức chính quyền.
- Các phương tiện thông tin đại chúng điều chỉnh, định hướng sự phát triển của dư luận xã hội: hệ thống truyền thông đại chúng phải dành phần thích đáng cho việc đăng tải các thông tin được kiểm chứng và mang tính định hướng xây dựng. Đặc biệt, khi các sự việc, sự kiện diễn ra có tầm quan trọng và liên quan đến lợi ích của đất nước, của dân tộc, đụng chạm đến các giá trị chuẩn mực của xã hội cơ bản, khi đó định hướng thông tin phải phản ánh được phán xét, đánh giá chung của xã hội.
4. Những nhân tố thuộc về tâm lí xã hội.           
Trạng thái tâm lí xã hội thường biểu hiện ở nhiều nhân tố như thói quen, nếp sống, ý chí, tâm trạng hay tình cảm của nhóm xã hội, cộng đồng người đã được hình thành do ảnh hưởng trực tiếp của các điều kiện sống, lao động, sinh hoạt hàng ngày hoặc do tác động của công tác tuyên truyền, giáo dục. Ảnh hưởng của nhân tố này có nhiều mặt đôi khi khó nhận biết. tùy từng thời điểm nhất định, tâm trạng của con người có thể được thể hiện ở các trạng thái khác nhau, thậm chí đối lập nhau như hưng phấn hoặc ức chế, tích cực hoặc tiêu cực, lạc quan hoặc bi quan, yêu đời hoặc chán nản, hy vọng hoặc thất vọng... Khi con người đang ở trong tâm trạng phấn chấn, hồ hởi thì nội dung phán xét, đánh giá về sự kiện, hiện tượng xã hội sẽ có những khía cạnh khác với khi đang ở trong tâm trạng bi quan, chán nản. Thường khi phấn chấn, lạc quan thì thấy nhiều thuận lợi hơn, ít thấy khó khăn và ngược lại. những nếp nghĩ bảo thủ, di sản của quá khứ cũng có thể ảnh hưởng tới sự hình thành dư luận xã hội nếu không có sự định hướng đúng đắn.
5. Hoàn cảnh sinh hoạt chính trị- xã hội. 
Mức độ dân chủ hóa đời sống xã hội, khả năng và sự tham gia thực tế của người dân vào các sinh hoạt chính trị- xã hội của đất nước có ảnh hưởng rất quan trọng tới sự hình thành dư luận xã hội. trong điều kiện xã hội có dân chủ rộng rãi, có thông tin đa dạng, phong phú thì mọi người dân sẵn sàng thẳng thắn, cởi mở, bộc lộ các ý kiến, quan điểm của mình, tham gia bàn bạc các vấn đề chung, do vậy, dư luận xã hội có điều kiện hình thành thuận lợi. ngược lại, trong điều kiện xã hội thiếu dân chủ, thông tin nghèo nàn, thậm chí bị cắt xén, xuyên tạc thì dư luận xã hội thường hình thành khó khăn, chậm chạp. Dưới các chế độ độc tài, phát xít, mọi quyền dân chủ bị tiêu diệt, dư luận xã hội càng khó hình thành và phát huy tác dụng, khi nó thường biểu hiện dưới dạng hình thức biểu tượng, hò vè, tiếu lâm, châm biếm.
 6. Các phong tục tập quán, hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội đang hiện hành trong xã hội.           
Các phong tục tập quán, hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội đang hiện hành trong xã hội trong chừng mực nhất định tác động tới sự hình thành dư luận xã hội. về cơ bản, các phong tục tập quán, các giá trị, chuẩn mực xã hội hiện hành, tạo ra những khuôn mẫu tư duy, khuôn mẫu hành động làm cơ sở cho việc phán xét, đánh giá, khác nhau về cùng vấn đề. Điều này thể hiện rõ nét qua sự nhìn nhận khác nhau giữa các thế hệ đối với những biểu hiện của lối sống hiện đại như cách ăn mặc, các sản phẩm ca nhạc và phim ảnh, cách sinh hoạt, vui chơi, giải trí...
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1,Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội - Nguyễn Minh Đoan
2, Tập bài giảng “Xã hội học” - Trường Đại học Luật Hà Nội.
3. Xã hội học đại cương, Nguyễn Sinh Huy, NXB đại học quốc gia./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét