(Nguyễn Bùi Khiêm)
II.4. Cơ chế hình thành.
Dư luận xã hội là sự va chạm và điều chỉnh các mâu thuẫn, xung đột xã
hội giữa xã hội toàn bộ và các nhóm. Nguyên nhân của những mâu thuẫn xã
hội này bắt nguồn từ nhiều lý do. Những lý do ấy, xét từ phương diện xã hội
học, có bản chất xã hội.
Theo một cách nhất định, dư luận xã hội là một thực thể tinh thần - thực
tiễn. Có nghĩa là, dựa trên những thực tiễn của đời sống, dư luận xã hội được
sinh ra để điều hoà các mối quan hệ xã hội. Khi dư luận xã hội nảy sinh, đồng
nghĩa với việc vấn đề xã hội ấy tồn tại và được sự quan tâm của một số lượng
lớn cá nhân trong xã hội, và cũng đồng nghĩa với việc vấn đề xã hội ấy đụng
chạm đến các cá nhân ấy ở một khía cạnh nào đó của lợi ích.
Thường rằng, có nhiều những đánh giá khác nhau về một vấn đề mới
được nảy sinh. Những đánh giá khác nhau này dựa vào mức độ quan tâm, sự
liên quan và quyền lợi,... của các nhóm công chúng đối với vấn đề ấy. Và như
chúng ta đã đề cập đến ở phần trước, để trở thành dư luận xã hội, sự tranh luận
của các nhóm công chúng phải trải qua thời gian và qua các giai đoạn nhất định.
Chính trong quá trình tranh luận ấy, dư luận xã hội dần dần được nảy sinh và
trở thành một cơ sở để điều chỉnh các mâu thuẫn giữa xã hội toàn bộ và các
nhóm. Dư luận xã hội là dư luận của nhóm đa số hay của nhóm có sức mạnh để
tạo nên đa số.
Dư luận xã hội được hình thành dựa trên thái độ của các nhóm công
chúng về những vấn đề đang gây nên những tranh cãi trong xã hội. Khi công
chúng bày tỏ thái độ của họ về những vấn đề xã hội cũng đồng nghĩa với việc
họ mong muốn có lời giải đáp, có sự đồng tình của những người khác với vấn
đề ấy. Do vậy, cơ chế hình thành của dư luận xã hội được xem như sự va chạm
và điều chỉnh các mâu thuẫn xã hội giữa xã hội toàn bộ và các nhóm; sự điều
chỉnh giữa các nhóm lợi ích khác nhau; quá trình nhận thức về sự vật hay hiện
tượng nảy sinh trong xã hội; hoặc sự thăng bằng lại xã hội trong các lĩnh vực
khác nhau từ những vấn đề thuộc về chính trị, đạo đức xã hội, hay những thói
quen thường nhật của người dân. Chúng ta có thể xem xét cơ chế hình thành dư
luận xã hội từ các lĩnh vực của đời sống xã hội như:
a) Những mâu thuẫn, xung đột về phương diện chính trị:
Theo sơ đồ trên ta thấy, dư luận xã hội là mối quan hệ giữa công chúng và
những nhà quản lý xã hội. Tuy nhiên, mối quan hệ này không hoàn toàn đơn
giản như vậy, do, công chúng không phải là một đám đông đơn giản. Ngoài
việc họ quan tâm đến vấn đề xã hội nảy sinh từ đó liên quan đến lợi ích nhất
định của họ, công chúng đồng thời cũng là những đối tượng được phân tầng.
Các phân tầng xã hội này có thể được tạo ra do sự khác biệt về kinh tế, trình độ
dân trí hay học vấn, tuổi tác, tôn giáo hay theo nhiều lát cắt khác kể cả những
khác biệt về sở thích. Chính vì công chúng là những khối người đa dạng như
vậy nên họ có các lợi ích khác nhau đối với những thay đổi trong xã hội. Một
chính sách mới ra đời có thể làm lợi cho chính phủ hay một nhóm xã hội nào đó
những cũng có thể không có ích cho một vài nhóm khác cũng là một chủ đề để
bàn luận rộng rãi trong xã hội và từ đó trở thành dư luận xã hội về chính sách
ấy. Ví dụ, việc giảm thuế nhập khẩu thép đầu năm 2004 do giá thép thế giới
tăng cao đã gây ảnh hưởng mạnh đến các nhà sản xuất và nhập khẩu thép trong
nước do sản phẩm thép nước ngoài giá rẻ, cạnh tranh quyết liệt với các sản
phẩm thép Việt Nam . Rõ ràng, những nhà sản xuất thép trong nước không cảm
thấy thoải mái với quyết định trên do thị phần của họ tại thị trường thép trong
nước bị giảm sút, tuy nhiên, quyết định trên lại đem lại được nhóm người muốn
hạn chế sự gia tăng chóng mặt của giá thép ủng hộ (nhà xây dựng, người dân
bình thường, ).
Rõ ràng là những mâu thuẫn xã hội có thể xuất phát từ hai chiều, từ công
chúng và từ giai cấp cầm quyền (những người quản lý xã hội). Nếu những mâu
thuẫn này xuất phát từ công chúng để từ đó trở thành dư luận xã hội thì có thể
có lý do như:
- Trong các nhóm công chúng có sự va chạm về lợi ích mà những quy
định của xã hội như luật pháp chưa hoặc không điều tiết được.
- Những vấn đề nảy sinh từ những nhóm công chúng cụ thể và chưa được
điều chỉnh bởi giai cấp cầm quyền.
Khi những mâu thuẫn này nảy sinh từ giai cấp cầm quyền để từ đó trở
thành dư luận xã hội thì có thể có lý do như:
- Khi giai cấp cầm quyền dựa trên ý chí chủ quan của mình để đưa ra
những giải pháp điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và giải quyết các vấn đề xã
hội nảy sinh. Sự ra đời của các chính sách dẫn đến sự hình thành của dư luận xã
hội là ví dụ điển hình nhất xuất phát từ lý do này.
- Giai cấp lãnh đạo đưa ra một vấn đề, hoặc một chủ đề để có sự bàn luận
rộng rãi trong công chúng. (Chẳng hạn như trường hợp chính phủ đưa ra một
vấn đề đề nghị trưng cầu dân ý.) Vấn đề này có thể không hẳn xuất phát từ đời
sống thực tiễn mà có thể được giai cấp lãnh đạo ưu tiên vì những mục đích của
riêng họ. Ví dụ, một tổng thống đề nghị trưng cầu dân ý về nhiệm kỳ của tổng
thống thay vì tối đa hai nhiệm kỳ theo hiến pháp bằng ba nhiệm kỳ là khởi
nguồn của dư luận xã hội về hàng loạt các vấn đề khác nhau liên quan đến vai
trò của tổng thống, của chính phủ hay những vấn đề của xã hội dân chủ hay độc
tài…
Chúng ta cùng thấy rằng, trong xã hội có rất nhiều các lĩnh vực. Mỗi lĩnh
vực nhận được sự quan tâm riêng của các nhóm công chúng. Chính vì lẽ đó,
các vấn đề nảy sinh và ảnh hưởng tới các tầng lớp xã hội cũng ở những mức độ
khác nhau. Sự va chạm và điều chỉnh các mối quan hệ này bằng dư luận xã hội
cũng vì thế mà khác nhau.
Dư luận xã hội, dù xuất phát từ công chúng hay bắt nguồn từ những nhà
quản lý xã hội, đều cần được chuyển tải thông qua các phương tiện trung gian.
Các phương tiện trung gian này làm nhiệm vụ đưa những ý kiến của nhóm này
đến nhóm khác nhằm tìm sự đồng tình. Ngày nay, báo chí nói riêng, truyền
thông nói chung đã trở thành một quyền lực thực sự trong xã hội và được người
ta ví là "bánh xe thứ tư của quyền lực". Những thông tin do phương tiện truyền
thông đem lại thể hiện thái độ của các nhóm xã hội này với các nhóm xã hội
khác, dựa trên những thông tin đó, các nhóm xã hội có những hành vi, hành
động tương ứng.
Truyền thông đại chúng ngày càng trở nên quan trọng, đến mức người ta
hình dung ra một tương lai của xã hội thông tin, khi đó, các dư luận xã hội sẽ
đứng trước những cơ hội và thách thức về độ bền vững (thời gian tồn tại), độ
lan toả (trong một phạm vi rộng - hẹp) do các phương tiện truyền thông đem lại.
Các nhà chính trị hay các nhóm công chúng có thể dùng truyền thông đại
chúng để tạo ảnh hưởng tới dư luận xã hội tới nhau để điều chỉnh những va
chạm giữa họ. Các nhà nghiên cứu về truyền thông luôn nhắc đến ví dụ về cuộc
lật đổ tổng thống Philippines Joseph Estrada tháng 5 năm 2001 như một ảnh
hưởng của truyền thông đến chính trường và dư luận xã hội.
b) Những mâu thuẫn, xung đột về phương diện kinh tế:
Bản chất của cơ chế hình thành dư luận xã hội - xét từ phương diện kinh
tế - là những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa cá nhân và nhóm, hay giữa các
nhóm với nhau. Lợi ích kinh tế là một trong những lợi ích quan trọng nhất của
mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Khi những lợi ích về kinh tế có sự khác biệt,
khi một nhóm cảm thấy những lợi ích kinh tế của mình bị động chạm dẫn đến
những thua thiệt, thì dư luận xã hội được nảy sinh nhằm tạo ra sự điều chỉnh.
Xã hội được chia thành các nhóm, theo góc độ kinh tế, các nhóm này có
những khả năng kinh tế khác nhau. Vì những khả năng kinh tế khác nhau, họ có
thể tham gia vào các hoạt động xã hội, có những vị trí xã hội,... thậm chí có
những nền văn hóa khác nhau. Những điều chỉnh về chính sách, luật pháp của
các nhà lãnh đạo là những thay đổi về chính trị, song những ảnh hưởng ấy
không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa cá nhân, nhóm và
Nhà nước, mà phần nhiều nó ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của từng nhóm
người nhất định. Khi chính sách thuế VAT ra đời, một số nhóm người được
hưởng lợi và ngược lại một số nhóm chịu thiệt thòi, vì vậy, dư luận xã hội ra
đời ở các nhóm khác nhau nhằm phản ánh thái độ của họ và dựa trên lợi ích
kinh tế của chính bản thân họ. Thông số kinh tế của các cá nhân và nhóm là
quan trọng trong những nghiên cứu về dư luận xã hội.
c) Những mâu thuẫn, xung đột về phương diện văn hóa:
Những giá trị văn hóa bị va chạm thường gây nên những phản ứng từ các
nhóm. Thường là, các giá trị văn hóa mang tính bền vững, khi những giá trị văn
hóa ấy bị thách đố bởi một cá nhân, một nhóm khác thì luôn có những xu
hướng điều chỉnh giữa hai nền văn hóa: tích hợp văn hóa, hoà nhập văn hóa
hoặc đào thải. Và trong các quá trình này luôn xuất hiện những dư luận xã hội
đi kèm với nó.
Đạo đức hay những đức tin tôn giáo luôn được xem là một vấn đề nhạy
cảm. Khi một giá trị đạo đức được một cộng đồng coi trọng bị vi phạm, thường
đi kèm với nó là một dư luận lên án. Những cá nhân vi phạm điều này luôn cảm
thấy áp lực cộng đồng (dư luận) lớn như thế nào, dù rằng có thể luật pháp
không điều chỉnh những mối quan hệ đó. Tôn giáo là một nền văn hóa với
những định hướng thế giới quan, nhân sinh quan có đôi chút khác với những
yếu tố cấu thành văn hóa ngoài tôn giáo. Tôn giáo đôi khi cũng được xem là hệ
thống niềm tin hướng dẫn hành động xã hội . Khi những tín điều, giá trị,... của
tôn giáo bị va chạm thì cũng giống như các giá trị văn hóa của các nhóm, cộng
đồng, dư luận được xem là yếu tố điều chỉnh. Tôn giáo rất dễ nảy sinh nên
những dư luận về những vấn đề cụ thể và những vấn đề được tôn giáo quan tâm
cũng dễ trở thành những vấn đề được cả xã hội quan tâm (chứ không riêng gì
trong nội hạt một tôn giáo). Ngày nay, thế giới đang chứng kiến nhiều cuộc
chiến tranh liên quan đến tôn giáo. Trong các cuộc xung đột tôn giáo ấy, những
niềm tin, thái độ về tôn giáo mình, tôn giáo khác được nảy sinh, củng cố làm
nền tảng cho sự ra đời của dư luận đối với một số vấn đề xã hội có liên quan ít
nhiều đến tôn giáo. Tác phẩm “Những vần thơ của quỷ sa tăng” của Salman
Rushdie gây ra những dư luận xã hội mạnh mẽ trong thế giới đạo Hồi khi nó ra
đời đến mức giáo chủ Iran AyatollahKhomeini tuyên án tử hình đối với nhà văn
này, hay gần gũi với Việt Nam hơn là chuyện "cắt tóc, bôi vôi" đối với những
phụ nữ không chồng mà có con, những trường hợp phải bỏ làng mà ra đi vì
những nguyên nhân vi phạm vào giá trị đạo đức của cộng đồng,... ở các làng
quê nước ta thời kỳ phong kiến là những thí dụ điển hình về sự vi phạm đức tin
tôn giáo và những giá trị đạo đức trong xã hội dẫn đến những dư luận xã hội
vào những thời điểm cụ thể.
Quan niệm về thẩm mỹ và lối sống cũng như vậy (dù rằng chúng ít gây
nên những dư luận xã hội mạnh mẽ như những vấn đề liên quan đến đạo đức
khác). Dư luận xã hội gần đây lên tiếng rất nhiều về việc trang phục của nam
nữ thanh niên theo kiểu Hàn Quốc. Kiểu quần áo, son môi,... khác hẳn với quan
niệm về vẻ đẹp truyền thống (quần áo kín đáo đen, nâu). môi hở, son môi đỏ,
Sở dĩ có điều này vì có sự thay đổi trong quan niệm về thẩm mỹ của một số
nhóm người trong khi những nhóm người khác cảm thấy điều đó chưa, không
phù hợp với những gì họ cho là đúng.
Xã hội luôn thay đổi, đi kèm với nó là những thay đổi trong nhận thức của
con người về các giá trị văn hóa. Giá trị văn hóa thường ít thay đổi hơn so với
những thay đổi khác trong kinh tế – xã hội, vì vậy luôn bị thách thức bởi những
thay đổi này. Dư luận xã hội là yếu tố điều tiết những va chạm này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét