Khiemnguyen

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Book Dư luận xã hội (phần 3)

(Nguyễn Bùi Khiêm)
II.1.1 Các sở chung
a. Văn hóa (đặc biệt là văn hóa truyền thống) là cơ sở quan trọng trong
việc hình thành nên dư luận xã hội. Như ở phần trên chúng tôi đã trình bày, dư
luận xã hội là một dạng biểu hiện của ý thức xã hội, một cấu trúc tinh thần -
thực tiễn, như vậy dư luận xã hội bao gồm cả tập quán, truyền thống xã hội,
những phán xét về giá trị, chuẩn mực,... những nhân tố căn bản cấu thành nên
một nền văn hóa. Bên cạnh đó, nếu như thái độ của cá nhân và cộng đồng là hạt
nhân hình thành nên dư luận xã hội thì văn hóa là nền tảng để hình thành nên
nhân cách cá nhân, cộng đồng, và từ đó nảy sinh thái độ của họ.
Văn hoá là một khái niệm phức tạp, có thể được hiểu theo nhiều cách
khác nhau tuỳ vào cách tiếp cận. Tuy nhiên, trong những nghiên cứu cụ thể,
các nhà nghiên cứu luôn tìm ra một khái niệm thao tác để khuôn định phạm vi
nghiên cứu văn hoá của mình. Trong một chừng mực nào đó, các nhà xã hội
học thường nhấn mạnh đến văn hóa như là cách ứng xử, chia xẻ những giá trị
chung của một cộng đồng nhất định. Bằng hàng loạt các giá trị mà cộng đồng
theo đuổi, cộng đồng có những cách ứng xử và hình thành những thái độ nhất
định đối với các giá trị đó. Ở mỗi bối cảnh nhất định, mỗi xã hội nhất định, một
số giá trị nào đó được đề cao, hướng sự quan tâm của cộng đồng vào nó, dư
luận xã hội vì thế cũng được định hướng. Với các xã hội Việt Nam trước thế kỷ
20, khi mà các phương tiện thông tin chưa phổ biến, với cách ứng xử phổ biến
là truyền miệng dưới các dạng thơ, ca, hò, vè thì dư luận xã hội được hình
thành theo các con đường của văn nghệ dân gian. Với xã hội Pháp vào nửa sau
thế kỷ 19, dư luận xã hội lại được hình thành bằng những câu chuyện ngồi lê
đôi mách, qua sự tụ tập của quần chúng ở những tụ điểm sinh hoạt công cộng
như những tiệm café chẳng hạn (xem Robert Darnton). Cũng như thế, dư luận
xã hội ở một quốc gia Tây âu được hình thành có thể khác với cách mà dư luận
xã hội ấy hình thành ở một quốc gia Đông Á hay một bộ tộc nào đó ở châu Phi.
Mỗi một cộng đồng đều mang một bản sắc văn hóa nhất định, qua đó,
phân biệt với các cộng đồng khác. Cách thức hình thành dư luận từ cộng đồng
cũng theo những cách riêng biệt. Thông tin của những nhóm tiểu thương hình
thành cơ bản khác với thông tin được tạo ra từ các nhóm trí thức. Cách lan
truyền và độ tin cậy cũng khác nhau, mục đích và mối quan tâm cũng không
giống nhau. Những dư luận xã hội được hình thành từ những thông tin này cũng
mang những đặc trưng khác.
Dư luận xã hội có thể được hình thành theo hai chiều: từ trên xuống (từ
giai cấp cầm quyền, những người lãnh đạo xã hội) và từ dưới lên. Dù rằng, dư
luận xã hội kiểu này có bản chất chính trị, song, văn hóa cũng đóng một vai trò
quan trọng. Cách mà người ta mong muốn thông tin trở thành dư luận xã hội -
từ cả hai chiều - có nhiều nét văn hóa. Chẳng hạn, những thông tin từ dưới lên
muốn được trở thành dư luận xã hội để được tầng lớp cầm quyền xã hội quan
tâm, có thể được đề đạt công khai hay được ngụ ý dưới các dạng ngôn từ nhất
định là có ý nghĩa văn hóa. Một xã hội đề cao cá nhân thì những thông tin có
thể được đưa ra trực tiếp qua các phương tiện trung gian (truyền thông) và trở
thành dư luận, trong khi đó, một xã hội đề cao tính cộng đồng thì thông tin lại
có thể được bàn bạc kỹ ở mức độ cộng đồng trước khi có thể trở thành một
thông tin cơ sở cho việc hình thành dư luận xã hội.
Văn hóa được xem là cơ sở hình thành dư luận xã hội còn bởi lẽ, dư luận
xã hội mang bản sắc văn hóa. Xét theo chiều thời gian, dư luận xã hội biến đổi,
thay đổi sự quan tâm của nó mang bản chất văn hóa, theo sự quan tâm của cộng
đồng, những chuẩn mực, giá trị mà cộng đồng đó hướng tới, những gì mà họ
cho rằng nên theo và không nên theo. Chúng ta đều thấy rằng, những vấn đề
của xã hội ngày hôm này khác nhiều so với những vấn đề mà các xã hội trước
gặp phải và cũng sẽ khác với những vấn đề của xã hội tương lai. Mỗi thời kỳ,
các xã hội gặp nhiều vấn đề riêng của các xã hội ấy và có những cách nhìn
nhận, đánh giá, giải thích riêng. Người nông dân Việt Nam những năm trước
đổi mới có những mối lo khác với những người dân những người dân Việt Nam
hiện nay, cũng như vậy khi xem xét các đối tượng khác với những trật tự thời
gian khác.
Xét theo chiều không gian, những nhóm xã hội khác nhau có những tiểu
văn hóa khác nhau, những tiểu văn hóa này được vận hành trong một nền văn
hóa chung, dư luận xã hội lại được đề cập trong mọi nhóm xã hội, và được các
nhóm thể hiện thái độ bằng hệ quy chiếu văn hóa của họ. Ví dụ, xét về khía
cạnh tôn giáo, những người theo tôn giáo có thể có dư luận khác với những
người không theo tôn giáo về một số vấn đề có liên quan đến đức tin tôn giáo
của họ,...; xét về khía cạnh trình độ học vấn: Những người trí thức có thể hình
thành nên những dư luận khác với những người có trình độ học vấn thấp hơn về
một số vấn đề cụ thể do khả năng nhìn nhận vấn đề khác nhau giữa họ; xét về
tiêu chí vùng miền: Những người Việt Nam có thể hình thành nên những dư
luận xã hội khác với người dân Mỹ về nhiều vấn đề;... Vì vậy, khi nghiên cứu
dư luận xã hội trong bối cảnh xã hội Việt Nam, người ta cũng có thể thấy hoặc
cũng cần chú ý đến những dư luận xã hội mang "màu sắc" Việt Nam. Chẳng
hạn, những phản ứng xã hội hình thành nên dư luận xã hội sẽ nhanh khi những
vấn đề, quá trình xã hội nảy sinh đụng chạm đến những vấn đề mà văn hóa Việt
Nam coi trọng (những chuẩn mực đạo đức như trọng xỉ, những quan hệ trong
gia đình như hiếu, đễ, hay công - dung - ngôn - hạnh của phụ nữ,...).
Dư luận xã hội là một thực thể tồn tại độc lập nhất định, nó vừa được tạo
thành bởi các nhóm xã hội, vừa gây áp lực để hình thành nên thái độ đối với
nhóm xã hội ấy, vì thế, bản thân nó cũng hình thành luôn một văn hóa. Người
ta luôn cho rằng, khi dư luận xã hội xuất hiện về một vấn đề gì đó cũng có
nghĩa là trong xã hội có "vấn đề", "vấn đề" ấy là một trong những đối tượng của
xã hội học. Xét về khía cạnh văn hóa, bản chất của vấn đề này có những lý do
từ văn hóa.
b) Kinh tế
Không chỉ những người theo học thuyết của Marx (thường được xem là
hay chú ý đến nguyên nhân kinh tế trong các giải thích) mà mọi nhà nghiên cứu
về dư luận xã hội đều đồng ý với nhau rằng, kinh tế ảnh hưởng quan trọng đến
việc hình thành dư luận xã hội vì kinh tế là vấn đề quan trọng trong quá trình
sinh tồn của mỗi cá nhân nói riêng và xã hội nói chung. Kinh tế là vấn đề rất
nhạy cảm của cuộc sống cộng đồng, vì thế, chính ở đây nảy sinh nhiều nhất
những tranh cãi xã hội, những xung đột lợi ích, đó là những tiền đề để hình
thành dư luận xã hội.
Con người tồn tại trước nhất, xét về một khía cạnh nhất định, đó là con
người kinh tế (homo-economicus). Bản chất của một con người kinh tế là vì
bản thân sự sinh tồn cho chính mình, vì thế, mọi xung đột có liên quan đến lợi
ích của cá nhân anh ta đều nhận được những phản ứng, thái độ quan tâm cao.
Một sự kiện xã hội muốn trở thành dư luận xã hội phải nhận được sự quan
tâm của cộng đồng ở một mức độ nhất định. Như vậy, một sự kiện xã hội có
liên quan đến kinh tế dễ dàng trở thành mối quan tâm chung của mọi người hơn
những vấn đề khác. Rõ ràng là, với việc chia ra ba cấp độ thông tin với công
chúng: cần thiết, có thể cần thiết và không cần thiết, bao giờ vấn đề liên quan
đến kinh tế cũng đụng chạm nhiều hơn đối với phần đông các cá nhân trong xã
hội, và vì vậy buộc họ phải quan tâm và có những thái độ nhất định đối với lợi
ích của bản thân, đó là một tiền đề thuận lợi cho việc hình thành dư luận xã hội.
Vấn đề kinh tế còn là vấn đề của cộng đồng. Vượt ra khỏi bình diện cá
nhân, vấn đề kinh tế được bàn bạc ở mức độ cộng đồng, quốc gia (chính phủ),
các nhóm lớn, thậm chí xuyên quốc gia. Những ảnh hưởng này được sự quan
tâm của mọi nhóm xã hội bất chấp những khác biệt có thể có của các nhóm này
như tôn giáo, trình độ học vấn, địa vị xã hội…. Vì thế, đây là tiền đề thuận lợi
nữa cho sự hình thành một dư luận xã hội về vấn đề nào đó nếu vấn đề đó liên
quan đến quyền lợi kinh tế cộng đồng.
Một ví dụ minh họa ở đây là, trong bối cảnh toàn cầu hóa, trước tiên là
toàn cầu hóa về kinh tế, đã vấp phải một sự chống đối của không ít người, Hội
nghị Thương mại thế giới bàn về việc thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa, tự do
hóa thương mại tiến hành ở Mỹ cuối năm 1999 đã thất bại do những cuộc biểu
tình của người dân. Rõ ràng là, một dư luận xã hội đã được hình thành trên một
vấn đề kinh tế ở quy mô lớn sẽ dần là xu hướng trong những năm sắp tới. Ở
Việt Nam, người ta cũng bàn tới toàn cầu hóa với những ảnh hưởng lợi - hại
của nó chẳng hạn như trong thời gian sắp tới khi Việt Nam gia nhập Tổ chức
Thương mại Quốc tế (WTO). Tuy nhiên, dù nhận được nhiều sự quan tâm
những mức độ quan tâm của các nhóm công chúng không phải đều ở mức độ
như nhau do những khác biệt về nhận thức, mức độ quyền lợi bị ảnh hưởng…
Các tầng lớp người khác nhau về quyền lợi, khả năng kinh tế cũng có
những ý kiến, thái độ khác nhau, trên cơ ấy mà hình thành nên những luồng dư
luận xã hội khác nhau. Người nông dân Việt Nam có những mối quan tâm khác
với những tầng lớp khác, chẳng hạn giá lúa gạo quá thấp khi được mùa, giá
phân bón quá cao, vấn đề cho trẻ em nông thôn đi học khi công việc đồng áng
cần nhân công,... Trong khi đó những người công nhân, bác sỹ, kỹ sư lại có
những mối quan tâm khác dựa vào khả năng tài chính của họ. Một bối cảnh
kinh tế Việt Nam cũng tạo ra những luồng dư luận khác với bối cảnh một nền
kinh tế khá giả hơn như Nhật Bản, Mỹ hay Pháp. Đây là những tham khảo cho
những nghiên cứu xã hội học về dư luận xã hội.
Như vậy, kinh tế là một nhân tố quyết định trong việc xem xét cơ sở của
sự hình thành của dư luận xã hội.
c) Chính trị
Như phần đầu đã nói, dư luận xã hội ngoài chức năng đánh giá về một sự
kiện xã hội còn có một chức năng quan trọng khác là điều chỉnh các mối quan
hệ trong xã hội. Dù rằng dư luận xã hội được hình thành một cách chủ ý hay vô
ý cũng được những người lãnh đạo xã hội và cả quần chúng nhân dân xem xét.
Sự xem xét này nhằm mục đích điều chỉnh mối quan hệ giữa hai nhóm xã hội
cơ bản: nhóm thiểu số nắm quyền và phần đông dân chúng. Chính vì vậy, nhiều
nhà tư tưởng đã xem dư luận xã hội như là một thứ quyền lực mà các người
quản lý xã hội phải học để điều khiển. Ý kiến của J. J. Rousseau là “bất cứ
người làm luật nào phải biết làm thế nào để thống trị các ý kiến và thông qua
chúng thống trị những đam mê của con người”. Nhà luật học và sử gia người
Anh James Bryce cũng cho rằng nếu chính phủ dựa trên sự đồng thuận đại
chúng thì sẽ mang lại sức mạnh và sự ổn định lớn cho quốc gia. Nhiều tác giả
khác nhấn mạnh sự liên quan, về những nguy hiểm của việc để cho chính sách
của chính phủ bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dư luận xã hội. (dẫn theo
Encyclopaedia Britanica)
Dư luận xã hội phản ánh tồn tại xã hội, và do đó, nó cũng cần được điều
chỉnh và xem xét bởi những nhà quản lý xã hội vì những nhà quản lý xã hội
luôn muốn thấy trong mắt họ một tồn tại xã hội lành mạnh. Những tồn tại xã
hội không lành mạnh là những tồn tại không có ích cho sự phát triển xã hội
(theo quan điểm của chính thống), và như thế, những dư luận xã hội phục vụ
cho những quan điểm ấy cần phải được "điều chỉnh" .
Dư luận xã hội phục vụ chính trị là một điều mà bất cứ nhà nghiên cứu dư
luận xã hội nào cũng thấy được. Thậm chí, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dư
luận xã hội chỉ là kết quả của phản ứng của công chúng đối với những chính
sách của chính phủ. Sử dụng dư luận xã hội là một trong những biện pháp chính
trị của các nhà quản lý xã hội theo hướng củng cố vai trò của mình vì nhiều lý
do:
- Dư luận xã hội dễ được hình thành theo hướng có ích cho xã hội đang
tồn tại nếu nhà quản lý xã hội có thể kiểm soát được các phương tiện truyền
thông và có những nhà định hướng dư luận có uy tín.
- Do những chức năng nổi bật của dư luận xã hội mà dư luận xã hội có vai
trò quan trọng trong việc định hướng xã hội, định hướng những mối quan tâm
xã hội vào những vấn đề cụ thể mà nhà quản lý xã hội mong muốn. Những đặc
điểm như dễ hình thành, dễ lây lan, có khả năng gây sức ép lên những nhóm,
những cá nhân khác nhau cũng là những ưu thế nổi bật của dư luận xã hội trong
cách quan hệ của các nhóm quyền lợi khác nhau với nhau, đặc biệt là của thiểu
số cầm quyền với đa số tầng lớp nhân dân.
Các cuộc trưng cầu dân ý hay các điều tra dư luận xã hội là những biện
pháp mà các chính phủ dùng đến để tìm hiểu về những vấn đề mà họ muốn tìm
câu trả lời, và cũng chính bắt đầu từ những cuộc trưng cầu hay điều tra ấy họ
cũng mong đợi xuất hiện những sự xuất hiện dư luận xã hội về những vấn đề
mà họ quan tâm.
Quần chúng nhân dân cũng sử dụng dư luận xã hội như một công cụ chính
trị để giai cấp cầm quyền thấy được phản ứng của họ, từ đó, có những cách
thức thay đổi chính sách, hình thức tác động để có được một dư luận xã hội tích
cực hơn từ phía quần chúng.
Trường hợp một số nước châu âu tổ chức trưng cầu dân ý về việc tham
gia đồng tiền chung châu âu EURO là một ví dụ. Chính phủ muốn người dân
bày tỏ ý kiến của mình về việc tham gia đồng tiền chung. Bằng những sự vận
động công chúng từ cả hai phía ủng hộ và phản đối, các luồng dư luận xã hội
được tạo ra nhằm tạo ra kết quả thuận lợi cho các bên. Chính phủ tìm ra cách
giải quyết theo ý của công chúng. Nếu có lợi cho chính phủ, vấn đề sẽ được giải
quyết ngay. Nếu không, sau một thời gian nào đó, vấn đề lại được đặt lại để lấy
ý kiến của công chúng thêm một lần nữa. Hoặc trường hợp của Canada với vấn
đề Quebec, nước Úc với vấn đề vai trò của nữ hoàng Anh, Anh tham gia đồng
tiền chung châu âu (euro)... Đây là những ví dụ về sự ảnh hưởng của chính trị
trong việc hình thành dư luận xã hội.
Trong nghiên cứu dư luận xã hội, ảnh hưởng của chính trị đối với việc
hình thành dư luận xã hội thể hiện ở sự ra đời của các chính sách. Các chính
sách có thể đề cập tới những vấn đề rất chung của xã hội nhưng cũng có thể ảnh
hưởng đến những vấn đề hết sức cụ thể. Xét trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta
thấy rằng những chính sách như thuế VAT, nghị định 97 CP, qui định về việc đội
mũ bảo hiểm khi đi xe máy,... là những ví dụ cho thấy chính sách có ảnh hưởng
rất lớn đối với việc hình thành dư luận xã hội.
Nói tóm lại, trong việc hình thành dư luận xã hội, chính trị là một trong
những nguyên nhân, cơ sở quan trọng.
II.1.2 Sự hình thành của luận hội
Dư luận xã hội được hình thành từ thái độ của công chúng đối với các vấn
đề xã hội. Tuy nhiên, quá trình hình thành này không phải đơn giản như vậy mà
đây là một quá trình rất phức tạp với các giai đoạn và các cách thức khác nhau.
Như chúng ta đã nói đến ở phần trên, dư luận xã hội nảy sinh trong các
bối cảnh xã hội cụ thể. Dĩ nhiên là, thái độ của công chúng luôn xuất phát từ
các vấn đề xã hội liên quan đến nhiều cá nhân, song không phải bất kỳ vấn đề
nào cũng nhận được sự quan tâm như nhau. Mọi người chắc chắn đều đồng ý
rằng, mỗi xã hội đều xác định những vấn đề của riêng mình: vấn đề nào quan
trọng và không quan trọng. Thường thì không hẳn cá nhân xác định tầm quan
trọng của các vấn đề xã hội, mà chính là Nhà nước và các tổ chức, cơ quan
đoàn thể xác định vấn đề họ quan tâm và đưa vấn đề đó bàn bạc rộng rãi ngoài
xã hội để tạo ra các luồng dư luận nhất định. Tất nhiên, chúng ta không phủ
nhận vai trò của cá nhân (chúng tôi sẽ nói kỹ hơn ở phần những người định
hướng dư luận), nhưng rõ ràng là trong bối cảnh xã hội hiện nay, các tổ chức và
phương tiện truyền thông là những cơ sở chính cho việc hình thành dư luận xã
hội.
Để thuận tiện cho việc nghiên cứu về sự hình thành của dư luận xã hội,
chũng tôi mô hình hoá bằng lược đồ sau đây:
Các nhân tố môi trường trực tiếp
Môi trường trực tiếp ảnh hưởng mạnh mẽ, chi phối thái độ, hành vi của
từng cá nhân. Xét trên quan điểm xã hội hoá của xã hội học, gia đình, nhóm
bạn bè, đồng nghiệp. Là những yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tình
cảm, thái độ của cá nhân đối với mọi sự việc, hiện tượng, hay nói cách khác các
nhân tố môi trường đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các
thái độ và các dư luận. Phần lớn việc lan toả của dư luận là ảnh hưởng của môi
trường xã hội trực tiếp: gia đình, các bạn bè, hàng xóm, nơi làm việc, các thiết
chế tôn giáo và trường học. Con người thường xuyên điều chỉnh thái độ của họ
để phù hợp với những gì phổ biến trong các nhóm xã hội mà họ sở thuộc.
Chúng ta đã thường nói về vấn đề này như “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “đi
với phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”,... để nói về việc cần thiết có sự
hài hoà với môi trường trong lối sống của cá nhân. Xét theo một nghĩa hẹp nhất
định, cá nhân không thể vượt khỏi những suy nghĩ, hành động của nhóm xã hội
mà mình sở thuộc, chính vì lẽ đó, thái độ của cá nhân được định hướng từ
những môi trường này.
Theo cách nhìn xã hội học, dư luận xã hội được hình thành từ nhiều nhóm
công chúng khác nhau. Các nhóm xã hội này có sự phân tầng rõ rệt do sự khác
biệt của họ về nhận thức, mức sống, tôn giáo, sở thích... và do vậy, họ chịu sự
chi phối của những ảnh hưởng này. Những vấn đề đặt ra với những người có
mức sống dưới mức tối thiểu có sự khác biệt đối với những vấn đề mà người có
mức sống cao quan tâm khi mối bận tâm trước mắt của nhóm người trước là
miếng cơm, manh áo, còn nhóm người sau không còn như vậy nữa. Cũng như
vậy, những người có hoàn cảnh gia đình khác nhau, những người có bạn bè,
những người thân cận, hàng xóm, sống ở những không gian khác biệt có thể là
những tiền đề để có những dư luận khác nhau về cùng một vấn đề. Các nhóm
xã hội có thể được hình thành từ nhiều cách, và một trong những cách ấy là do
hoàn cảnh sống chung. Trong xã hội luôn có xu hướng những người có cùng
khả năng kinh tế, sở thích… tụ hợp cùng nhau trong một không gian sống
chung. Những người giàu sống tách riêng ra một khu; người nghèo cũng vậy.
Những khu tập thể cũng được hình thành dành cho cán bộ viên chức và người
lao động của những cơ quan, công ty, xí nghiệp nhất định. Tương tự như vậy là
trường hợp các xóm đạo. Việc các cá nhân có những điểm chung nhất định
sống gần nhau đã càng làm tăng tầm quan trọng của môi trường trực tiếp trong
việc hình thành nên các luồng dư luận khác nhau.
Khi chúng ta chia dư luận xã hội thành các dạng khác nhau (chúng tôi sẽ
nói rõ hơn về sự phân chia này ở phần sau), thì những dư luận xã hội về chính
trị, tôn giáo, kinh tế, gia đình, văn hóa, giáo dục sẽ nhận được những luồng dư
luận xã hội khác nhau từ những nhóm công chúng khác nhau. Sự bày tỏ mối
quan tâm khác nhau đối với các vấn đề này một phần quan trọng được lý giải từ
nguyên nhân lợi ích, nhu cầu. Nhu cầu và lợi ích của các nhóm người khác
nhau đối với các vấn đề khác nhau thuộc các thể chế chính trị, văn hóa, giáo
dục,... có sự khác biệt dẫn đến sự khác biệt trong dư luận xã hội của các nhóm
người ấy. Nhẹ là bắt đầu bằng mức độ quan tâm, hơn thế là có những nhóm
công chúng riêng cho các vấn đề riêng. Do các nhóm xã hội rất đa dạng và chủ
đề quan tâm của họ cũng rất khác nhau nên khi xem xét đến dư luận xã hội,
chúng ta không thể bỏ qua nhân tố môi trường trực tiếp ảnh hưởng như thế nào
đến việc hình thành dư luận xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét