Khiemnguyen

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1)

I. GIAI ĐOẠN 1920 - 1930


1. Chính sách quản lý báo chí của người Pháp:

Đã có trên 100 văn bản của chính quyền thực dân quy định về xuất bản, in, phát hành và lưu hành báo chí ở Đông Dương, từ đạo luật, sắc lệnh quy định ở nước Pháp, được ban hành và có hiệu lực ở thuộc địa, đến những nghị định của Toàn quyền Đông Dương ban hành riêng cho Đông Dương; rồi đến những quyết định của các viên quan đầu xứ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ).

Dưới đây là những đạo luật, sắc lệnh và nghị định đáng chú ý:

1. Sắc lệnh ký ngày 25/5/1881 của Tổng thống Pháp G. Grêvilơ quy định quốc tịch của người Việt Nam ở Nam Kỳ được hưởng mọi quyền công dân như người Pháp trên đất Pháp.

2. Luật về tự do báo chí của Quốc hội Pháp thông qua ngày 29/9/1881, được ban hành ở Nam Kỳ theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 12/9/1881.

Đây là kết quả của cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ của nhân dân Pháp từ cách mạng Pháp năm 1789, trong đó có tự do báo chí. Đứng về thời điểm lịch sử, khi luật được thông qua cũng là lúc nước Pháp tư bản chủ nghĩa bắt đầu chuyển sang thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, nhưng phái tả trong Thượng nghị viện mạnh, chiếm đa số, áp đảo phái hữu, nên có những tiến bộ nhất định, đồng thời có những hạn chế. Sau đây là một số điểm quan trọng có quan hệ đến Nam Kỳ không phải chỉ trong những năm 20 của thế kỷ XX, mà cả những năm sau, đến việc xuất bản báo chí công khai, hợp pháp cho báo chí cách mạng trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939).

''Điều 1: Việc ấn loát và mở hiệu sách đều được tự do''.

“Điều 5: Mọi báo chí và xuất bản phẩm định kỳ đều không cần xin phép trước và không phải nộp tiền ký quỹ, sau khi đã khai theo những quy định trong Điều 7''.

''Điều 6: Mọi báo chí và xuất bản phẩm định kỳ đều có một người quản lý. Người quản lý phải là người Pháp, thành niên, được hưởng quyền công dân và từ trước đến nay chưa hề bị tòa án xử mất quyền công dân''.

''Điều 7: Trước khi phát hành các báo chí hay xuất bản phẩm định kỳ, phải làm bản khai ở Cục Biện lý về những điểm sau đây:

l) Tên của tờ báo hay xuất bản phẩm định kỳ và phương thức phát hành;

2) Tên và địa chỉ của người quản lý;

3) Nơi in báo;

Tất cả những sự thay đổi trong các điểm trên đây buộc phải khai báo trước 5 ngày''.

“Điều 10: Khi phát hành mỗi tờ báo hay ấn phẩm định kỳ, phải nộp 2 bản có chữ ký của người quản lý ở Cục Biện lý hay ở Tòa Đốc lý các thành phố, nơi không có tòa án đệ nhị cấp''.

Đáng lẽ từ sau ngày 12/9/1881, báo chí ở Nam Kỳ bất kể xuất bản bằng ngôn ngữ nào phải được tự do hoạt động theo Luật Báo chí trên của Quốc hội Pháp. Nhưng đế quốc Pháp đã tùy tiện không chịu thi hành, bác bỏ hiệu lực pháp lý của nó, buộc mọi tờ báo tiếng Việt đều phải làm đơn xin phép, chỉ khi nào được Toàn quyền chuẩn y mới được ra báo. Trong quá trình biên tập, báo chí tiếng Việt phải chịu sự kiểm duyệt, cắt bỏ những câu, những đoạn cho đến xóa bỏ cả một bài mà xét ra không có lợi cho sự thống trị thực dân.

Sở dĩ có tình hình và chủ trương này là vì tờ Phan Yên báo xuất bản tháng 12/1898 đăng hàng loạt bài có liên quan đến tình hình chính trị ở Đông Dương. Có những bài có ý chống lại sự có mặt của thực dân Pháp, đăng những dư luận phản ánh phần nào tinh thần yêu nước của người Việt Nam.

Để đối phó với thực trạng đang đặt ra trước mắt ấy và để phòng xa, Bộ Thuộc địa Pháp cho ra đời Sắc lệnh ngày 30-12-1898, và được ban hành ở Đông Dương vào ngày 30/0l/1899.

Như vậy là Luật tự do báo chí ngày 29/7/1881 không được áp dụng ở các xứ thuộc địa như Bắc Kỳ, Trung Kỳ (và cả Lào, Campuchia) mà cũng bãi bỏ luôn việc thực hiện ở cả Nam Kỳ.

Sắc lệnh này là căn cứ chủ yếu cho đế quốc Pháp thực hiện chính sách đối với báo chí ở Đông Dương mãi về sau, mở rộng quyền hạn cho Toàn quyền Đông Dương tùy tiện ngăn cấm và cản trở lưu hành báo chí tiến bộ, có nội dung công kích các việc làm xấu xa, vô nhân đạo của bọn cầm quyền. Người nào vi phạm các điều khoản ấy sẽ bị truy tố trước tòa án tiểu hành. Đồng thời, chúng dùng các hội làm đoàn thể để tập hợp, tranh thủ các nhà báo. Nghiệp đoàn báo chí Nam Kỳ (Syndicat de la Presse Cochinchinoise) ra đời và họp Đại hội ngày 06/9/1917 vẫn được duy trì hoạt động.

Để hỗ trợ cho Varen, Chính phủ Pháp ban hành Sắc lệnh báo chí ngày 04/10/1927 do Tổng thống G. Đumécgơ ký, thi hành ở các xứ thuộc địa và bảo hộ. Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định ban hành ở Đông Dương ngày 10/12/1927.

Ngay sau khi công báo nước Cộng hòa Pháp đăng Sắc lệnh này, Hội Nhân quyền Pháp gửi thư đến Bộ trưởng Thuộc địa L.Périê phản đối, đề ngày 14-10-1927. Nhưng bọn thực dân bất chấp, vẫn tiến hành như những điều chúng đã công bố, mặc cho báo chí và các tổ chức lên án, phê phán.

2. Tình hình báo chí:

a) Báo chí xuất bản công khai, hợp pháp

Theo thống kê của Pháp, đầu năm 1922, cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ có 86 tờ báo, trong đó có 19 tờ chữ quốc ngữ và 67 tờ chữ Pháp (phần lớn bao gồm công báo các loại, tạp chí, chuyên san của cơ quan hành chính và kinh tế Pháp; có một vài tờ báo là của trí thức và tư sản Pháp đứng về phía chính quyền thực dân).

Đến cuối năm 1929, cả ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ có 153 tờ báo, trong đó 47 tờ chữ quốc ngữ và 100 tờ chữ Pháp. Đáng chú ý là tính chất và cơ cấu các loại đã có những thay đổi về xu hướng chính trị. Báo chữ quốc ngữ đã xuất bản những tờ công khai chỉ trích, phê phán chính quyền và những tên quan lại tham nhũng, xấu xa, như Đông Pháp thời báo, Pháp Việt nhứt gia, Tân thế kỷ, Tiếng dân, Hữu thanh, Khai hóa nhật báo, Đông Tây tuần báo v.v.. Chữ Pháp do người Việt chủ trương, có La cloche fêlée, L. Annam, Le Nha que, Le Jenne Annam; chữ Pháp do người Pháp tiến bộ, nhân đạo chủ trương như L. Indochine, sau là L' Indochine enchainée của A. Manrô và P. Mônanh (1925 - 1926) v.v..

L. Annam (La cloche fêlée đổi tên từ ngày 6-5-1926) đăng nhiều bài trích in lại của Le Paria, L' Humanité, một số nghị định của Quốc tế Cộng sản về vấn đề thuộc địa, chứng tỏ rằng xu hướng cộng sản sử dụng báo chí công khai để xâm nhập đời sống tinh thần của Việt Nam ngày càng tăng. Tiếng nói của những người yêu nước, chống chủ nghĩa thực dân và bọn vua, quan làm tay sai cho Pháp ngày càng có thế trên hệ thống báo chí, xuất bản công khai, hợp pháp.

b) Báo chí cách mạng

Nguyễn Ái Quốc chủ trương xuất bản báo Thanh niên, ra số 1, ngày 21/6/1925. Đây là một phương thức hoạt động hoàn toàn mới lạ: vừa tổ chức, huấn luyện, vừa ra báo. Những đoàn viên thanh niên cộng sản chỉ biết đến hình thức tuyên truyền miệng, kết nạp đoàn, chưa từng nghĩ đến xuất bản, viết và in báo.

Về danh nghĩa, lúc đầu báo không công bố là cơ quan ngôn luận của tổ chức nào, thực tế là của Thanh niên cộng sản đoàn. Về sau, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (thường gọi là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội) ra đời, báo Thanh liêm được gọi là cơ quan của Tổng bộ Hội Thanh niên xuất bản cho đến cuối năm 1929, khi Hội kết thúc vai trò lịch sử của mình.

Sau báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc lập ra báo Kông Nông để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước cho công nhân và nông dân theo quan điểm của chủ nghĩa xã hội khoa học (1926); báo Lính Kách mệnh (1927) để vận động, giác ngộ binh lính người Việt trong quân đội Pháp không chịu làm công cụ cho kẻ thù đàn áp đồng bào, liên minh với công nông làm cách mạng.

Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch cầm đầu cuộc chính biến, làm cho tình hình chính trị Trung Quốc thay đổi xấu đi. Những người cách mạng Việt Nam hoạt động ở Quảng Châu chuyển vào hoạt động bí mật, Nguyễn Ái Quốc đi Thượng Hải rồi đi Liên Xô. Báo Thanh niên vẫn tiếp tục xuất bản, nhưng báo Kông Nông và Lính Kách mệnh ngừng xuất bản.

Ngày 01/10/1929, báo Búa liềm, cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương ra số l, do Trịnh Đình Cửu, Uỷ viên Trung ương lâm thời phụ trách. Báo in bằng giấy sáp, chữ viết tay, mỗi số 50 bản. Số cuối cùng, số 9, ngày 05/2/1930.

Cùng với báo của trung ương, một hệ thống báo chí của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ các tỉnh đảng bộ, công hội, học sinh hội, đến một số chi bộ ra đời trên cả nước.

Báo của Đảng viết theo Tuyên ngôn được thông qua trong ngày thành lập, dựa theo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản năm 1928.

Theo tài liệu chưa đầy đủ, kể từ tờ Thanh niên mở đường đến cuối năm 1929, có trên 50 tờ báo và tạp chí của Hội Thanh niên, Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Cộng sản An Nam. Có tờ ra được khoảng 200 số (chưa có con số xác định) như Thanh niên; có tờ ra được vài chục số, thậm chí một vài số. Đây là những di sản quý của báo chí cách mạng Việt Nam buổi đầu, và của báo chí Việt Nam nói chung.

(Mời xem tiếp phần 2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét