IV. GIAI ĐOẠN 1940 - 1945
l. Xã hội Việt Nam trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai
Chiến tranh bắt đầu, kết thúc thời kỳ lịch sử của Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Ngay ngày Đức nổ súng xâm lược Ba Lan, mở đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, ngày l-9-1939, Chính phủ Pháp ban hành một sắc lệnh, được Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ban hành ngày 19-10-1939, có đoạn viết: ''Kể từ khi có sắc lệnh tổng động viên, cấm ngặt công bố theo mọi điểm đã được liệt kê trong điều 23, luật 29-7-1881 về tự do báo chí, mọi thông tin giúp cho một cường quốc chống lại nước Pháp hay tác động có ảnh hưởng tai hại đến tinh thần quân đội và nhân dân''. Người nào vi phạm sắc lệnh này sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 10 năm, phạt tiền từ 1.000 phrăng đến 10.000 phrăng. Tiếp theo sắc lệnh này, bọn bù nhìn Nam triều ban hành Dụ số 78 ngày 15-2-1940 truy nã những điểm khác các sắc lệnh cũ; chỉ có sắc lệnh ngày 26-9-1939, điểm thứ ba nói về báo chí vừa trình bày ở trên là đáng chú ý hơn cả.
Toàn quyền Đông Dương nhận được Sắc lệnh từ Pari điện đi ngày 26-9, hai ngày sau ngày 28-9, đã ký Nghị định ban hành ở Đông Dương, rồi lại vội vã điện báo cho các thống sứ, thống đốc và khâm sứ, các viên công sứ và chủ tỉnh cho niêm yết cấp tốc để nhân dân biết và thi hành ngay lập tức, mặc dầu đến ngày 30-9-1939, sắc lệnh này mới được in trên Công báo Đông Pháp (J. O. I. F.).
Điều 1, Sắc lệnh ngày 1-2-1902 quy định việc ban hành các luật về sắc lệnh ở Đông Dương được áp dụng ở thành phố một ngày sau và ở các tỉnh hai ngày sau khi nhận được công báo. Nhưng lần này, công báo chưa in, đã thấy lệnh truy nã các nhà báo cách mạng, mật thám khám xét, lục soát không những các tòa soạn mà cả nhà riêng, nơi nghi có các cuộc hội họp của những người hoạt động cách mạng. Nói đúng hơn, từ đầu tháng 9-1939, những hành động khủng bố trên đã được tiến hành, từ khi có sắc lệnh thì những việc làm đó được thực hiện ráo riết hơn mà thôi. Sách, báo, đều được duyệt kỹ, soi từng chữ, xem xét từng tên tác giả, xóa đi bất kỳ chữ nào, câu nào, đoạn nào có thể gây ra nhiều cách hiểu, có lợi cho cách mạng và cả lợi cho Nhật, hại cho Pháp.
Từ năm 1940 trở đi, Chính phủ Pháp và Toàn quyền Đông Dương không ban hành thêm một sắc lệnh hay nghị định gì quan trọng đối với báo chí.
Để mong thích ứng với tình hình mới, thực dân Pháp đưa ra hình thức tổ chức mới nhằm tranh thủ các nhà báo. Năm 1940, Hội Báo chí Bắc Kỳ thành lập do Giăng Xômông (Jean Saumont), một nhà tư sản kiêm địa chủ người Pháp, Giám đốc báo La Volonté Indochinoise, một phần tử thực dân có tiếng tàn bạo và phản động, làm Chủ tịch hội; Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, Giám đốc báo Tin mới làm Thư ký hội. Năm 1941, Hội Ái hữu báo giới Nam Kỳ thành lập... Các hội trên đây chỉ có một ít hội viên, có tính chất tượng trưng, không có hoạt động gì đáng kể vào thời điểm chính trị này. Nhiều nhà báo thờ ơ với tổ chức hội trên đây.
Đến khi Nhật tranh quyền, lật đổ Pháp tháng 3-1945, bộ máy thống trị không ổn định nên căn bản phải dùng chính sách báo chí cũ do Pháp để lại. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ kết thúc cả số phận của chủ nghĩa phát xít ở Đông Dương, do đó trong 5 tháng trời cả Nhật và chính quyền bù nhìn của Nhật không có khả năng ban hành một pháp lệnh nào về báo chí cả.
Tình hình báo chí xuất bản công khai
Làng báo công khai phản ánh rõ nét tình trạng mâu thuẫn, khủng hoảng, sa sút, tiêu điều của chính quyền phát xít thống trị và xã hội Việt Nam trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai.
Về số lượng báo và tạp chí, cuối năm 1939 có 352 tờ, năm 1940 còn 285, tức là sụt đi 67 tờ (23,6%) và cứ thế tụt dần hàng năm, cho đến giữa năm 1944 chỉ còn 197 tờ; tức là chỉ còn 55,9% so với năm 1939; cuối năm 1944, đầu năm 1945 lại sụt đi hơn nữa.
So với tạp chí, tập san, báo sa sút nhanh hơn. Cuối năm 1939 có 136 tờ báo, cuối năm 1940 còn 104 tờ, tức là giảm đi 32 tờ (30%), đến giữa năm 1944 còn 53 tờ, tức là sụt đi còn 38,9% so với năm cuối 1939. Trong số này thì báo tiếng Việt giảm nhanh hơn báo tiếng Pháp. Cuối năm 1939 có 67 tờ tiếng Việt, năm 1940 giảm xuống còn 42 tờ, tức là giảm đi 25 tờ (37,32%); đến giữa năm 1944 chỉ còn 21 tờ tức là giảm đi 46 tờ (68,65%), trong khi đó báo tiếng Pháp từ 50 tờ năm 1939 đến giữa năm 1944 còn 25 tờ, giảm đi 50%.
Hàng năm vẫn có thêm một số tờ báo mới ra đời, đồng thời vắng mặt một số tờ báo cũ với số lượng lớn hơn. Những ngày đầu của chiến tranh, các tờ báo cách mạng xuất bản công khai từ trước vẫn còn ít tờ, như Đời nay (số 38, ra ngày 22 đến 29-9-1939); Tạp chí Đông phương (số 10, ra ngày 22 đến 29-9-1939); Người mới (số 5, ra ngày 5-9-1939); Mới (số 11, ra ngày 25 đến 30-9-1939) rồi đóng cửa vì ban biên tập đã được chỉ thị của Đảng cho chuyển vào bí mật hoặc đã bị địch bắt giam. Tuy chậm nhất là đến ngày 10-10-1939 là có lệnh thu hồi giấy phép do Bêbe, được Toàn quyền Đông Dương uỷ quyền ký, đến đây chấm dứt thời kỳ báo chí cách mạng xuất bản công khai.
Những tờ báo tư nhân tham giaa Mặt trận báo chí dân chủ, đến khi bước vào chiến tranh, luật phát xít ban hành thì lần lượt chuyển hướng sang xu thời, ít nhiều phụ họa mới bọn phát xít Pháp, hay quay lại chống cách mạng.
Ở Hà Nội, nhóm tơrốtxkit xin phép ra tờ Văn mới, tạp chí phổ thông, tập mới, xuất bản số l ngày 3-6-1939, cho đến năm 1945 ra liên tục. Danh nghĩa là tạp chí, nhưng thực tế là những cuốn sách hoặc mỗi số là một phần của ''bộ sách'' dày, như ''Lịch sử thế giới'' gồm nhiều tập của Nguyễn Đức Quỳnh, mỗi tập khoảng 200 trang, khổ trung bình 11x17cm, núp dưới chiêu bài khoa học để xuyên tạc khoa học, chống lại chủ nghĩa Mác và cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chống Pháp - Nhật do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo.
Ở Sài Gòn, một số người theo tơrốtxkit bị Pháp bắt tù nên không còn một tờ báo nào danh nghĩa tơrốtxkit tiếp tục xuất bản hay mới ra mắt.
Báo chí từ Bắc chí Nam hàng ngày phải dành trang đầu đăng khẩu hiệu ''Cần lao - Gia đình - Tổ quốc” và lời nói của Thống chế Pêtanh như những châm ngôn chỉ đạo hành vi của mọi người trong xã hội.
Những tin tức trên báo phục vụ cho chiến tranh phát xít bằng cách đưa những tin có thật hay giả tạo về sức mạnh của quân đội phát xít, còn những tin Liên Xô chặn đứng và đánh lùi phát xít Đức, về chiến tranh du kích chống phát xít ở khắp các nước từ Âu sang Á và phong trào phản chiến ở Nhật lại bị bưng bít.
Sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp ngày 9-3-1945, những tờ báo theo Nhật hết lòng tâng bốc sự thắng lợi của người da vàng, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa yêu nước chống thực dân Pháp giả hiệu bằng những bài văn, thơ mới sáng tác hoặc đăng lại một số văn, thơ yêu nước của các nhà chí sĩ trong những năm trước; cổ vũ cho tư tưởng sẵn sàng làm nô lệ cho Nhật, phục vụ cho chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa phát xít Nhật: ''Người Việt Nam thành thực cộng tác với người Nhật Bản, sẽ sẵn sàng giúp quân đội Nhật những thứ cần dùng mà trước kia Chính phủ Pháp đã hứa giúp Nhật - có lẽ còn hơn nữa - và như thế người Việt hy sinh nhiều lắm, vì bọn Pháp đã làm cho chúng tôi kiệt lực''34.
Hàng ngũ nhà báo bị phân hóa mạnh ngay từ những tháng đầu của chiến tranh và ngày càng phát triển sâu sắc hơn. Địch lùng bắt những nhà báo tiến bộ, mua chuộc những người có tài, đe dọa những người có tinh thần yếu đuối. Một số tên cơ hội xoay sang tán tụng Nhật. Những người trí thức có lương tâm và lòng tự trọng nhưng chưa ngả về cách mạng thì chờ đợi, nghe ngóng tình hình, viết đôi bài có tính chất học thuật, khảo cứu, không gắn với những diễn biến có tính chất thời sự chính trị nhưng vẫn ấp ủ một tinh thần dân tộc và biểu hiện một quan điểm tiến bộ, thường đăng trên báo Thanh nghị và Tri tân. Ở Hà Nội, Sài Gòn, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đứng ra làm Chủ nhiệm báo Thanh niên, xuất bản hàng tuần, ra số 1, ngày 7-8-1943. Đây là tờ báo có tinh thần dân tộc, xu hướng yêu nước theo một tôn chỉ tiến bộ. Nó đã nhanh chóng tập hợp được đông đảo nhiều người viết báo có tên tuổi ở khắp ba miều Bắc, Trung, Nam tham gia. Báo chủ trương đoàn kết mọi người Việt Nam; khuyến khích hoạt động để chứng tỏ sức sống của người Việt; phụng sự nghệ thuật nước nhà trên con đường tiến bộ.
Từ tháng 4-1944, Thanh niên chuyển từ Huỳnh Tấn Phát sang Huỳnh Tấn Tiểng làm Chủ nhiệm và Mai Văn Bộ làm chủ bút. Từ đây báo càng đậm nét kích thích tinh thần thống nhất dân tộc, chống ngoại xâm, cho đến ngày ngừng xuất bản, 30-9-1944. Một số nhà báo vốn đã có cảm tình với cách mạng từ trong thời kỳ vận dộng dân chủ, nhưng chưa tham gia hoạt động ngay khi chiến tranh bùng nổ. Qua thực tiễn cuộc sống, họ thấy cần phải chọn lấy một con đường. “Đề cương văn hóa của Đảng Cộng sản Đông Dương'' ra đời và Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập, đã thu hút một số nhà văn, nhà báo có tinh thần yêu nước tham gia dưới là cờ Việt Minh, chống đế quốc, phát xít.
Cũng phải kể đến những nhà báo bi quan, đời sống quẫn bách giải nghệ đi buôn kiếm sống qua ngày hoặc vừa đi buôn, vừa làm báo.
Báo chí cách mạng
Báo chí bí mật xuất bản trong thời kỳ 1939 - 1945 xét về một mặt - mặt bất hợp pháp thì cũng giống như những tờ báo tiền thân, từ khởi thủy đến đầu năm 1936. Nhưng về khí thế, nó phản ánh rõ hướng đi tới ngày toàn thắng.
Giai đoạn 1939 - 1945 số lượng báo không nhiều bằng giai đoạn 1936 - 1939, nhưng chất lượng bài vở tốt hơn, nội dung phong phú hơn và hình thức trình bày đẹp hơn. Nhiều tờ có “tuổi thọ'' dài hơn thời kỳ bí mật trước, vì cơ quan đầu não chỉ đạo báo chí tuy bị thiệt hại ít nhiều chứ không tan vỡ. Cơ sở in báo rộng lớn, nếu không may bị lộ chỗ này thì có ngay nơi dự bị xuất bản và điều kiện bảo vệ cho việc biên tập, in, phát hành nói chung vững vàng hơn, chỉ di chuyển khi cần thiết chứ không bị dập tắt. Có những tở trải qua sóng gió của sự lùng sục, đàn áp, nhưng vẫn tồn tại, phát triển cho đến ngày cách mạng thành công. Truyền thống đấu tranh anh hùng cùng tên tuổi của tờ báo đó đã đi vào cuộc sống tình cảm của quần chúng qua nhiều năm, từ đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ chính quyền cách mạng (1945 - 1946) đến kháng chiến chống thực dân Pháp... như Việt Nam độc lập, Cứu quốc, Độc lập. Tờ Cờ giải phóng tiếp tục xuất bản cho đến khi Đảng Cộng sản chuyển vào hoạt động bí mật, dưới danh nghĩa ''tự giải tán'' (11-1945).
Tạp chí Tiến lên, cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ khu C (gồm đảng bộ các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình) hiện có số ra ngày 27-10-1939, đề là xuất bản mỗi tháng hai kỳ. Nhưng có nhược điểm là tờ tạp chí số l ra trước Hội nghị Trung ương 6 (11-1939) nên báo còn có những bài viết theo tinh thần chỉ đạo của thời kỳ trước.
Sau khi cơ sở in báo Giải phóng của Xứ uỷ Bắc Kỳ bị lộ, số 3 bị tịch thu hết, không biết Xứ uỷ có cho in lại số 3 không, nhưng có in các số 4, 5, 6, 7. Số 8 đã in xong phải hủy, không biết vì lý do gì (Theo báo Giải phóng tập mới, số 1, ngày 25-3-1941, cơ quan trung ương của Đảng, trang 12, cột 3). Các số trên đây đều xuất bản trước Hội nghị Trung ương 7 (11-1940).
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (11-1940) viết: ''Về phương diện tuyên truyền: Đa số Trung ương bị thất bại một năm nay (ý nói nhiều Uỷ viên Trung ương bị địch bắt) làm cho tờ báo thống nhất của toàn Đảng chưa ra được. Nhưng mỗi xứ có một tờ báo làm cơ quan tuyên truyền cổ động cho toàn xứ: “Tiến lên'' ở Nam Kỳ, “Bẻ xiềng sắt'' ở Trung Kỳ, ''Giải phóng'' ở Bắc Kỳ. Ngoài ra, nhiều khu hoặc liên tỉnh cũ có báo riêng''35.
Ngày l-5-1940, tờ Phá ngục, cơ quan của Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương do Trung ương chỉ đạo, ra mắt bạn đọc.
Ngày 25-3-1941, Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh cho ra báo Giải phóng, ''cơ quan tuyên truyền trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương'' tập mới, số l. Đến nay chưa có đủ tài liệu để biết rõ Giải phóng tập mới của Trung ương ra được mấy số, có thể dừng lại trước Hội nghị lần thứ tám của Trung ương (tháng 5-1941).
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Trung ương viết: ''… Trong lúc này không nên đưa chủ nghĩa cộng sản ra tuyên truyền, huy hiệu cờ đỏ búa liềm không nên dùng luôn. Các sách báo tuyên truyền không nên dùng danh nghĩa Đảng nhiều, phải lấy danh nghĩa các đoàn thể cứu quốc và Việt Minh thay vào''36.
Sau Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trương ra báo Việt Nam độc lập. Người trực tiếp chỉ đạo biên tập bài, cả in và phát hành, ra số l, ngày 1-8-1941. Tên của báo cách mạng đầy đủ ý nghĩa bao gồm cả mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, khẩu hiệu hành động. Báo danh nghĩa là của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng, sau phát triển thành Cao Bằng - Bắc Cạn, rồi Cao - Bắc - Lạng.
Cuối tháng 9 (hay đầu tháng 10-1941), Trung ương Đảng cho xuất bản Tạp chí Cộng sản. Đến nay chưa tìm được bản gốc hay bản chụp từ gốc, chỉ biết qua báo cáo của mật thám dịch ra chữ Pháp, mục lục số l như sau:
1. Cùng các bạn đọc.
2. Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương.
3. Để thực hiện tổ chức mới, 23-9-1941.
4. Phần phụ lục: những tài liệu của Đảng, 9-9-1941.
5. Giải thích những thuật ngữ khó.
Tổng Bí thư Trường Chinh cho xuất bản báo Cứu quốc, số 1, ngày 25-l-1942 danh nghĩa là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. Những số đầu do chính Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo viết bài, trình bày trang báo.
Ngày 10-10-1942, báo Cờ giải phóng, ''cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương'' ra số 1. Vì những khó khăn do địch gây ra nên báo ra không định kỳ, nhất là thời gian đầu, có khi cách nhau giữa số trước với số sau đến 10 tháng.
Ngày 28-2-1943, Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra số 1; ngày 24-9-1943 ra số 2, số 3 đã xong bài vở, chưa kịp in để phát hành thì Tổng khởi nghĩa.
Các cấp bộ Việt Minh ra rất nhiều báo. Ở cấp kỳ, Trung Kỳ có Dân tộc, Nam Kỳ có Giải phóng, Nam phần Bắc Kỳ có Độc lập. Ở cấp tỉnh, ngoài tờ Việt Nam độc lập của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng, Cao Bằng - Bắc Cạn, Cao - Bắc - Lạng. Các tỉnh khác, như Hưng Yên có Bãi sậy, Quảng Ngãi có Chơn độc lập, Thanh Hóa có Đuổi giặc nước, Bắc Ninh có Hiệp lực, Ninh Bình có Hoa Lư, Phúc Yên có Mê Linh, Bắc Giang có Quyết thắng, Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh (Hòa Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa) có Khởi nghĩa, đặc biệt khu Bắc Sơn có Bắc Sơn, v.v..
Đó là báo ''hàng ngang'' của cấp bộ, còn báo “hàng dọc'' của các đoàn thể cứu quốc, có Chiến đấu của Việt Nam quân nhân cứu quốc hội, sau đổi là của Việt Nam giải phóng quân, Tiền phong của Hội Văn hóa cứu quốc, Việt Nam của Việt Nam cứu quốc hội v.v.. Đoàn thể cứu quốc ở tỉnh, có Chiến đấu của Việt Nam công nhân cứu quốc Thanh Hóa, Hồn nước của Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu (thành phố Hà Nội) v.v.. Đảng Dân chủ có báo Độc lập./.
Contact: nguyenbuikhiem@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét