(Nguyễn Bùi Khiêm)
II.3. Các đặc trưng của dư luận xã hội
Với bản chất của dư luận xã hội như trên đã trình bày, chúng ta có thể đề
cập tới những đặc trưng của dư luận xã hội như sau:
Một là: Dư luận xã hội là một cấu trúc tinh thần - thực tiễn. Dư luận xã
hội là sự phán xét, đánh giá của công chúng đối với các vấn đề mà họ quan tâm,
những vấn đề của thực tiễn đem lại, những vấn đề động chạm đến lợi ích, nhận
được sự quan tâm của số đông người. Chính từ những nhận xét, đánh giá này
hình thành nên những thái độ tinh thần, để từ đó, thái độ tinh thần ấy tạo ra
những hành động của cá nhân hay nhóm.
Khi đã là một cấu trúc tinh thần - thực tiễn, dư luận xã hội đồng thời thể
hiện luôn tính chất rất mâu thuẫn, đó là tính chất "vừa đúng, vừa sai" như theo
cách hiểu của Hegel.. Sự đánh giá của công chúng đối với những
vấn đề của thực tiễn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố. Không phải tất cả các
yếu tố ấy đều tạo thuận lợi cho việc nhận thức ra sự thật. Do vậy, vấn đề chân
lý và sai lầm là hai mặt của một vấn đề nằm trong dư luận xã hội.
Thứ hai: Xuất phát từ ý thức, thái độ của cá nhân, cộng đồng, dư luận xã
hội trước hết thể hiện ý thức, thái độ của cá nhân, cộng đồng đó. Dư luận xã hội
phản ánh tồn tại xã hội bằng những phán xét, đánh giá, nhờ đó tái tạo hình ảnh
của tồn tại xã hội trong ý thức của cá nhân cũng như cộng đồng. Dư luận xã
hội là một dạng biểu hiện của ý thức xã hội, "ý thức xã hội bao gồm tình cảm,
tập quán truyền thống quan điểm tư tưởng lý luận... phản ánh tồn tại xã hội
trong những gia đoạn phát triển khác nhau" .
Khi dư luận xã hội được xem là một dạng biểu hiện của ý thức xã hội thì
trong cấu trúc của nó cũng gồm tâm lý xã hội, có nghĩa là gồm những tình cảm,
tâm trạng, truyền thống xã hội, ước muốn, cảm xúc và thói quen... được hình
thành thông qua các hoạt động của con người.
Thứ ba: Dư luận xã hội phản ánh tồn tại xã hội và trên cơ sở đó đánh giá
tồn tại xã hội ấy. Dư luận xã hội không phải là một khối người thuần nhất, nó
được tập hợp từ các ý kiến của cá nhân. Các cá nhân trong dư luận xã hội cũng
phân tầng như chính bản thân họ trong các cấu trúc phân tầng của xã hội. Sự
chung nhau giữa họ là sự quan tâm nhất định đối với cùng một vấn đề. Chính vì
lý do đó, sự đánh giá của dư luận xã hội đối với cùng một vấn đề là có sự
khác biệt ở một mức độ cụ thể nào đó. Sự đánh giá này có thể dừng ở mức độ
mô tả và cũng có thể ở mức đánh giá bản chất của vấn đề.
Thứ tư: Dư luận xã hội được xem là một hình thức giao tiếp xã hội. Dư
luận xã hội được hình thành thông qua giao tiếp giữa các cá nhân với nhau và
dừng lại ở một sự nhất trí nhất định. Quá trình giao tiếp này bắt đầu bằng việc
một sự kiện, hiện tượng hay quá trình xã hội ảnh hưởng tới các cá nhân trên các
phương diện lợi ích hay nhu cầu của họ. Các cá nhân bàn bạc, đánh giá về sự
kiện, hiện tượng hay quá trình xã hội đó và hình thành một tri thức chung về
hiện tượng, sự kiện, quá trình này. Quá trình hình thành tri thức chung của dư
luận xã hội dựa nhiều vào những yếu tố tình cảm, định kiến, nhu cầu, động cơ,...
của chủ thể của dư luận xã hội.
Thứ năm: Dư luận xã hội là sự phản ánh nhu cầu xã hội. Một sự thực là
các thiết chế cơ bản của xã hội như gia đình, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, văn
hóa, chính trị đều được dư luận xã hội phản ánh. Những nhu cầu này có thể bắt
nguồn từ sự chua thoả mãn do các con đường hợp pháp, chính thức mang lại,
hoặc bắt nguồn từ sự đồng tình với những cách thức mà các thể chế đó thực
hiện.
- Thứ sáu: Dư luận xã hội là một hình thái của thể chế xã hội. Dư luận
xã hội có sự tồn tại độc lập của nó. Dư luận xã hội tồn tại như một hệ thống, có
mối quan hệ bên trong nó và có mối quan hệ với các hệ thống khác.
Mối quan hệ bên trong của dư luận xã hội chính là sự giao tiếp của các cá
nhân, công chúng của dư luận xã hội về vấn đề nào đó. Mối quan hệ bên trong
này phức tạp hơn người ta tưởng rất nhiều do tính phân tầng của công chúng.
Các giao tiếp cũng khác nhau ở mức độ do sự tiếp cận với đối tượng được đánh
giá dừng lại ở những mức độ khác nhau.
Mối quan hệ với các hệ thống khác được xem là mối quan hệ của dư luận
xã hội đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội thường ngày như văn hóa, kinh
tế, chính trị, tôn giáo,... Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của dư
luận xã hội trong các đánh giá, thái độ hay những hoạt động của các cá nhân
trong cộng đồng. Khi dư luận xã hội về kinh tế tích cực thì nó cũng đóng vai
trò tích cực trong việc phát triển kinh tế. Trong các lĩnh vực khác tình hình
cũng tương tự.
Rõ ràng là, với tư cách là một thực thể tồn tại độc lập, đến lượt nó, dư
luận xã hội có những ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội mà các nhà quản
lý xã hội và các nhà khoa học không thể bỏ qua.
- Thứ bảy: Dư luận xã hội về các vấn đề xã hội tồn tại theonhững
khoảng thời gian nhất định, có thể dài ngắn khác nhau phụ thuộc vào nhiều
nguyên nhân. Khi dư luận xã hội phát triển đến một mức độ nhất định và ăn sâu
vào tâm lý xã hội thì nó sẽ trở thành một bộ phận của tâm lý xã hội, trở thành
một dạng như thành kiến.
Dư luận xã hội không tồn tại mãi với thời gian. Dư luận xã hội chỉ tồn tại
khi vấn đề, quá trình xã hội nảy sinh và gây được sự chú ý của đa số công
chúng, cần được bàn luận, thống nhất để có những đánh giá thống nhất ở một
nhất định đối với vấn đề hay quá trình xã hội ấy. Dư luận xã hội có chu kỳ sống
của nó. Chu kỳ sống ấy phụ thuộc vào nhiều nhân tố cả chủ quan và khách
quan. (Phụ thuộc vào chính vấn đề hay quá trình xã hội hoặc những nguyên
nhân bên ngoài như bối cảnh văn hóa, bối cảnh xã hội hay chính trị...). Khi
tính vấn đề của sự kiện xã hội mất đi, dư luận xã hội về vấn đề đó cũng chấm
dứt. Dư luận xã hội về một vấn đề nhưng ở trong những thời điểm khác nhau
cũng có thể khác nhau.
- Thứ tám: Dư luận xã hội bao gồm những luồng ý kiến khác nhau, các
luồng ý kiến này thay đổi cùng với sự phát triển của dư luận xã hội. Có thể
xem đây là tính chất nhóm của dư luận xã hội. Các luồng dư luận xã hội khác
nhau được xem là sự khác biệt về thái độ, ý kiến của các nhóm, do những khác
biệt trong các mối tương tác xã hội, những khác biệt trong các bối cảnh xã hội
làm nẩy sinh các luồng dư luận ấy. Trong quá trình vận hành của dư luận xã hội,
có thể có một vài luồng ý kiến mất đi, một vài luồng ý kiến còn được bảo lưu
và nảy sinh thêm những luồng ý kiến mới.
Thứ chín: Dư luận xã hội có hai mặt; tích cực và tiêu cực đối với xã hội
toàn bộ
Như chúng ta đã biết, dư luận xã hội thuộc về đa số. Giai cấp cầm quyền
có ưu thế hơn tất cả các tầng lớp xã hội khác trong việc tạo ra dư luận xã hội có
lợi cho họ. (Trong tay họ có các phương tiện phổ biến và kiểm soát quá trình
truyền tin, quá trình hình thành nên dư luận xã hội). Nhưng không vì thế mà dư
luận xã hội hoàn toàn thuộc về giai cấp cầm quyền. Trong lịch sử đã có nhiều
bài học về việc dư luận xã hội của người dân mẫu thuẫn với ý kiến của giai cấp
cầm quyền. Nhiều khi, những dư luận xã hội ấy là cơ sở cho những sự thay đổi
xã hội.
Trong dư luận xã hội có thể tồn tại hai chiều hướng thông tin khác hẳn
nhau về cùng một vấn đề, chúng ta có thể xem đó là những thái độ âm tính hay
dương tính về vấn đề ấy. âm tính được xem là thái độ đi ngược hoặc không
mong đợi đối với giai cấp cầm quyền, trong khi đó, dư luận xã hội dương tính
là những dư luận xã hội ủng hộ cho những chính sách, biện pháp, những can
thiệp của chính quyền. Hai mặt âm tính và dương tính của dư luận xã hội này
có thể nhiều ít khác nhau sẽ quyết định đến những can thiệp của chính quyền.
Dư luận xã hội có chức năng phản ánh sự tồn tại xã hội. Dưới dạng biểu
hiện của ý thức xã hội như vậy, ảnh hưởng của dư luận xã hội đối với quần
chúng là rất lớn do nó được xem như phản ánh ý kiến của đa số, vì vậy, có tác
dụng định hướng hành động của các cá nhân. Chính vì ý nghĩa quan trọng ấy,
dư luận xã hội luôn được xem là đối tượng cần được kiểm soát ở bất kỳ một xã
hội nào. Mỗi xã hội có những cách thức để kiểm duyệt và tạo dư luận xã hội có
lợi cho giai cấp cầm quyền ở xã hội đó. Từ việc bằng những văn bản pháp luật,
tới cách sử dụng truyền thông đại chúng, những can thiệp của chính quyền
nhằm một mục đích: hạn chế những dư luận xã hội âm tính, tăng cường những
dư luận xã hội dương tính, dùng dư luận xã hội như một công cụ để điều hoà
các mối quan hệ xã hội.
Thứ mười: Cường độ và qui mô của dư luận xã hội bị qui định bởi tính
phức tạp của vấn đề, sự đa dạng của các luồng dư luận, vào các môi trường, cơ
sở hình thành nên dư luận xã hội. Nhiều dư luận tồn tại rất lâu trong đời sống
xã hội, nhiều dư luận đến rồi đi một cách nhanh chóng. Tính phức tạp của vấn
đề được xem như một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này. Khi đông
đảo quần chúng nhân dân không hiểu rõ được vấn đề, các luồng dư luận không
thể thống nhất với nhau dựa trên những bằng chứng xác thực, dư luận xã hội sẽ
tồn tại cùng quá trình “thực thực hư hư của vấn đề xã hội ấy. Ví dụ dư luận
xã hội về luật thuế giá trị gia tăng VAT trong thời điểm cuối những năm 1990
của thế kỷ trước ở Việt Nam tồn tại trong một thời gian tương đối lâu dài do
người dân, và thậm chí cả những cơ quan truyền thông không hiểu thấu đáo
nhưng tác dụng cũng như những hạn chế của luật thuế mới này đã khiến xảy ra
những tranh luận kéo dài trong các nhóm xã hội cũng như trên các phương tiện
truyền thông. Ngược lại, dư luận xã hội về qui định của chính phủ cấm pháo
trôi qua một cách nhanh chóng do sự nhất trí ủng hộ của các nhóm xã hội cũng
như của các phương tiện truyền thông đối với qui định đúng đắn trên.
Thứ mười một: Dư luận xã hội là vừa là đối tượng vừa là phương tiện
của quá trình quản lý xã hội.
Dư luận xã hội là một hiện tượng tinh thần của xã hội nhưng có mối quan
hệ chặt chẽ với hoạt động thực tiễn của xã hội ấy. Bắt đầu bằng những vấn đề
của thực tiễn, có liên quan đến những lợi ích, nhu cầu của các cá nhân trong
cộng đồng, dư luận xã hội phản ánh thái độ, nhu cầu, mong muốn của cộng
đồng.
Trongquá trình quản lý xã hội, nhiều khi những chính sách, biện pháp của
giới cầm quyền không phản ánh, đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Dư
luận xã hội lúc đó trở thành một công cụ để người dân có thể đưa tiếng nói của
mình tới giai cấp cầm quyền. Dư luận xã hội lúc đó phải được xem là một thực
tiễn phản ánh quá trình quản lý xã hội của chính phủ.
Quá trình quản lý xã hội không phải là quá trình một chiều, ở đó, các
chính sách được đưa xuống và người dân thực thi một cách thụ động. Bản thân
quá trình quản lý xã hội vốn đã mang tính hai chiều: thể hiện những chính sách,
biện pháp của chính phủ để đáp ứng những đòi hỏi của người dân, của sự tồn
tại xã hội. Song, quá trình này không phải bao giờ cũng hoàn hảo, sự không
hoàn hảo này có thể bắt nguồn từ những lý do chủ quan hoặc khách quan, từ
người làm chính sách tới những người thực thi, nhưng dư luận xã hội là nguồn
phản hồi những kết quả của các tác động của những chính sách hay biện pháp
mà giai cấp cầm quyền đưa ra.
Trong các xã hội dân chủ, trưng cầu dân ý luôn là một biện pháp tối ưu
cho việc giải quyết những khúc mắc mà chính phủ chưa tìm ra lời giải đáp,
không chỉ ở những vấn đề chính sách, biện pháp với một vấn đề cụ thể mà cả
trên phương diện cá nhân như bầu cử tổng thống, nghị sỹ,... Ví dụ, ở Pháp, hầu
hết các quyết định quan trọng của chính phủ đều được đưa ra thăm dò ý kiến
của dân chúng. Gần đây, chúng ta cũng được chứng kiến việc tổng thống
Venezuelatiến hành trưng cầu dân ý về việc tín nhiệm tổng thống để dẹp yên
những cuộc biểu tình chống đối chính phủ của phe đối lập. Dư luận xã hội ở
đây thể hiện sự lựa chọn của dân chúng đối với một khuôn mẫu đang được ưa
chuộng, đáp ứng được những mong đợi của họ.
Những nhà lãnh đạo xã hội cũng biết rằng dư luận xã hội có ý nghĩa quan
trọng trong việc tạo ra định hướng hành động của dân chúng (khi người dân
xem những đánh giá của dư luận xã hội là một thực tiễn mà họ cần phải xem
xét), vì vậy cơ chế hình thành của dư luận xã hội cũng chịu sự chi phối rất lớn
của quá trình quản lý. Những dư luận nào nên được khuyến khích, những dư
luận nào không nên, thậm chí cần ngăn chặn là yếu tố cần phải xem xét trong
hầu hết các quá trình quản lý của mọi chính phủ. Dư luận xã hội còn được xem
là đối tượng mà các nhà kinh tế, các cơ quan truyền thông,... chú ý đến bằng
việc tìm cách tạo ra những best seller, top ten nhằm thu hút khách hàng, người
hâm mộ, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét