Nói đến nhà Nho
viết quốc văn, chúng ta thường hay nhớ đến Phan Kế Bính, Trần Văn Ngoạn, Nguyễn
Đôn Phục, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đỗ Mục... Những bài, những sách của các ông
này hoàn toàn là dịch thuật hoặc biên soạn theo những tác phẩm chữ Hán. Còn nhà
Nho như Nguyễn Bá Học, Nguyễn Trọng Thuật viết tiểu thuyết là viết theo truyện
cổ dân gian (Truyện ông Lý Chắm, Quả dưa đỏ). Ngô
Tất Tố là nhà Nho đầu tiên đã không theo những lối viết trên đây. Anh
là người đã đi vào lĩnh vực sáng tác phê bình văn học như các nhà văn lớp mới
đương thời. Không những thế, vào giai đoạn 1939 - 1945, trong khi phong trào
lãng mạn đang thịnh hành, cùng với Nguyễn Công Hoan, anh đã trở thành kiện
tướng trong phong trào văn học hiện thực phê phán ở nước ta.
Tôi quen biết Ngô Tất Tố từ năm 1932. Anh ở trong
Nam ra Bắc được ba năm và đang cộng tác với nhiều tờ báo ở Hà Nội. Hồi đó, đối
với tôi, anh là đồng nghiệp, còn tôi kính anh như người anh cả, tôi đang độ
thanh niên. Tôi thích nhất anh Tố ở những bài bút chiến. Thấy anh đã 40 tuổi mà
còn hăng, tôi rất phục. Đối với cuộc đời, anh không còn nghi ngờ gì cả.
Còn tôi, có nhiều cái tôi chưa nhìn thấy rõ, còn ngờ vực nhiều...
Ngô Tất Tố
sinh năm 1892 ở làng Lộc Hà, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (thuộc Hà Bắc) trong một
gia đình nhà Nho nghèo, ông nội anh đỗ tú tài sau khi đã lận đận bảy khoa thi
hương; ông thân sinh qua sáu lần lều chõng không đỗ, về sau ngồi dạy học trong
làng. Tuy vậy, làng Lộc Hà cũng là một làng “khoa bảng”. Trong họ Ngô có hai
người đỗ cử nhân: Ngô Ngọc Liên và Ngô Văn Bính.
Hồi nhỏ, Ngô Tất Tố học các trường hàng tổng thuộc huyện
Lương Tài và phủ Thuận Thành. Lớn lên, anh học xuất sắc, nhưng hai lần thi
hương ở trường Nam, anh đều không thấy tên mình trên bảng. Sở dĩ thời xưa ở Bắc Ninh, người ta quen gọi
anh là “đầu xứ Tố”, vì năm anh 22 tuổi, trong một kỳ thi sát hạch ở tỉnh Bắc,
anh đỗ đầu. Ngày xưa, học hết trường huyện rồi mới học trường tỉnh (tức trường
đốc), rồi qua sát hạch, mới được vào lều chõng đi thi hương.
Từ năm 1918, thực dân Pháp bỏ thi hương, anh Ngô Tất Tố mới
gác lều chõng, ngồi dạy chữ Quốc ngữ ở mấy nơi thuộc tỉnh Bắc, như Đông Trù,
Gia Thượng - những nơi trước kia anh đã từng ngồi dạy chữ Hán để lấy lương ăn.
Thời thanh niên của Ngô Tất Tố là thời khá lận đận do anh
chưa tìm được hướng đi, chưa thoát khỏi nếp sống của nhà Nho. Sau, vì túng
thiếu quá, anh xoay ra học thuốc và làm thuốc. Biết thuốc, nên có lúc anh đã mở
hiệu Thọ dân y quán ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến),
Hà Nội. Trên
Công dân (năm 1935) anh viết bài báo về thuốc Nam và
thuốc Bắc, muốn đem phương pháp Âu Tây áp dụng vào Đông y. Anh viết: “Giả sử chúng ta có một phòng khảo
nghiệm tính chất thuốc Bắc và thuốc Nam và một trường học nghiên cứu nghề thuốc
Tàu thì may ra cái nạn giết người lấy của ở xã
hội thày lang mới trừ bớt được” (Công dân, số 5, ngày 23/10/1935).
Sự mong ước của anh cách đây trên 50 năm về sự kết hợp giữa
Tây và Đông y thì ngày nay, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng ta mới thực
hiện được.
Anh chỉ làm thuốc trong một thời gian ngắn, vì làm thuốc
chân chính thì hết vốn. Tuy vậy, nghề làm thuốc đã giúp anh nhìn rõ bọn lang
băm đương thời và anh đã viết nên những bài phóng sự sắc bén, với cái
nhan đề: Dao câu thuyền tán, để
đánh vào các thày lang lúc ấy đang là những tay tư sản kếch sù làm nghề lang
lậu lúc bấy giờ (cách nói chỉ những tay dùng các thuốc cao đơn hoàn tán, chữa
các bệnh lậu, giang mai).
Năm
1924 là năm anh rời hẳn tính Bắc ra Hà Nội làm báo. Ở Hà Nội một thời gian
ngắn, anh vào miền Nam cùng Nguyễn Khắc Hiếu, nhân ông Hiếu được Diệp Văn Kỳ ở Sài
Gòn gửi biếu hai nghìn đồng mời vào Nam. Họ Diệp chủ nhiệm báo Thần
Chung, hào phóng, muốn đóng
vai Mêxen (Mècéne) và Mạnh Thường Quân lúc bấy giờ. Anh ở Sài Gòn gần ba năm.
Thời gian này, anh viết cho báo Thần Chung, anh viết nghị luận và dịch nhiều hơn là sáng
tác. Năm 1928, anh dịch tiểu thuyết Ngô Việt Xuân thu đăng ở Annam tạp chí, xuất bản ở Sài Gòn, nhưng mới đăng dở dang thì
ngừng. Đây là một truyện với những nhân vật Tây Thi, Phù Sai, Câu Tiễn, Phạm
Lãi mà chúng ta đã thấy trong Đông Chu liệt quốc.
Năm 1929, anh dịch tập Hoàng Hoa cương nói về 72 liệt sĩ Trung Quốc trong Cách mạng
Tân Hợi. Cũng năm này, anh đăng trên báo Thần
Chung (số ra ngày 26/9/1929) ở Sài
Gòn, ba bài thơ sau đây ký tên là N.T.T:
THÚ QUÊ
Biển Nam, ải Bắc những đi về,
Dừng gót phen này viếng thú quê;
Nửa mẫu vườn hoang hoa vẫn nở;
Ba gian nhà trống nguyệt thường
kê
Ngâm tràn thiên địa thơ tung tác,
Chén lút càn khôn rượi bét be,
Non nước ví bằng trang hết nợ,
Đời này cảnh ấy có ai chê?
BUỔI CHIẾU QUA SÔNG
Bảng lảng trời sông ác xế tây
Đò chiều chiều khách vội buông dày.
Vướng chèo, bầy cá quanh thuyền nhảy.
Bạt gió, con đò lướt sóng bay.
Thăm thẳm bóng mây đùn đáy nước.
Mù mù hơi khói lấp ngàn cây,
Đường xa, ngày tốt, người thưa
vắng,
Trước mạn trông trời, dạ tiếng khuâỵ.
NGHE GÀ GÁY CẢM HOÀI
Tiếng gà xao xác giục lên đường
Trên gối xui người dạ ngổn ngang.
Ngày tháng mài mòn đôi má trắng,
Nước non đeo nặng tấm gan vàng.
Tánh chim mỏi cánh bay về tổ,
Kiếp ngựa tù chân lại nhớ đàng,
Thôi cái cuộc đời còn thế thế,
Làm trai chi giữa gốc tre làng?
Ba bài thơ trên đây của Ngô lất Tố được
truyền tụng trong làng văn đương thời. Qua thơ anh, người ta thấy anh có nhiều
suy nghĩ về thời thế và đất nước trước những hiện thực đau thương do bọn cướp nước và bè
lũ tay sai gây nên.
Cũng vào năm 1929, anh trở về Hà Nội và cho đến 1941, anh
viết nhiều báo chí, có tờ là văn học, có tờ là thông tin: Thực
nghiệp, Đông phương, Phổ thông, Công dân, Thời vụ, Tương lai, Tao đàn, Hà Nội
tân văn, Đông Pháp, v.v...
Ngoài những bài về văn học và thời sự, anh còn viết: Lịch sử Đề
Thám và Vua Hàm
Nghi với việc Kinh thành thất thủ. Lòng
yêu nước của tác giả thể hiện rất rõ: Anh đề cao khí tiết của các lãnh tụ trong
phong trào Cần vương, như Phan Đình Phùng, Lê Trực, Đinh Công Tráng, Nguyễn
Xuân Ôn và anh chế giễu thái độ tên tướng Pháp Đơ Cuốc-xy (De Courey).
Những bài anh viết có thể chia làm bốn loại:
1. Một loại văn học bình luận, gồm những bài báo về Nho,
Lão; đính chính những sai lầm về văn học, triết học Trung Quốc, v.v...
2. Một loại bút chiến, gồm những bài đả kích nhũng tệ tục,
thói tham ô, rởm đời của bọn quan lại, cường hào và tư sản. Cũng có những bài
viết dưới dạng châm biếm, trào lộng như những bài ở mục: “Nói mà chơi”.
3. Một loại dịch thuật, như dịch một số tác phẩm Hán văn
của nước nhà hay một số sách của Trung Quốc.
4. Một loại nữa là phóng sự và tiểu thuyết.
Bất kỳ ở thể loại nào, cây bút của Ngô Tất Tố cũng sắc sảo, nhiều khi quá sôi nổi,
thiếu bình tĩnh. Dù sao, các bạn đồng thời với anh đều thừa nhận anh là một tay
bút chiến đầy nhiệt tình, luôn luôn đứng về phía nhân dân, đả kích không khoan
nhượng giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản.
Vì ghét cay ghét đắng giai cấp phong kiến, nên Ngô Tất Tố đả
kích học thuyết của Khổng Tử, một học thuyết phục vụ đắc lực giai cấp phong kiến thống trị. Khổng Tử cho
là mỗi cá nhân đều có thiên mệnh. Quần chúng nhân dân phải chịu áp bức, bóc
lột, phải chịu khổ cực là do số phận, do trời đã định trước, tức thiên mệnh.
Học thuyết của Khổng Tử ru ngủ nhân dân nhằm thủ tiêu tính chiến đấu của nhân
dân. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Khổng Tử không có triết học tự
nhiên như Lão Tử. Đối tượng của tri thức của Khổng Tử là thi, thư,
lễ, nhạc, chứ không phải
là tự
nhiên.
Vào
thời trước Cách mạng Tháng Tám, trong khi đả kích Khổng giáo, dịch Mặc Tử và
Lão Tử, Ngô Tất Tố đã không có những tài liệu đầy đủ về triết học như chúng ta
ngày nay để nghiên cứu, nhưng do nhận thúc sâu sắc của anh, do anh biết đứng về
phía nhân dân lao động, thiết tha ước mong cho quần chúng lao động có một đời
sống ấm no, hạnh phúc, nên anh đã dịch và giới thiệu Mặc Tử và Lão Tử. Như vậy,
trong việc dịch tác phẩm triết học Trung Quốc, anh cũng đã theo một tư tưởng chủ
đạo như khi anh sáng tác. Ngay những tác phẩm hiện đại của nước ngoài mà anh
dịch cũng vậy. Hoàng Hoa cương, Trời hửng, Suối thép, do anh dịch, đều là nhũng tác phẩm giáo dục
nhân dân lòng yêu nước và đề cao tinh thần chiến đấu của quần chúng lao động.
Vào những năm của thập kỷ 30, khi bắt đầu quen biết, tôi
phải ngạc nhiên: “Sao con người lầm lì ít nói, mà đến khi viết
lại hăng như vậy!”. Anh ít nói như để dành lời đanh thép trút lên trang giấy.
Tùy nét mặt anh cương nghị, nhưng anh thường nheo mắt cười một vẻ rất hiền. Khi
vui anh em, anh chỉ uống vài chén rượu là mặt đã đỏ gay, trán nổi gân, bỏ khăn
xếp, chẳng nói một lời, lăn ra ngủ. Hình như lúc nào anh cũng kìm lại mọi ý
nghĩ và tình cảm, đúc kết lại trong trí não để đưa vào tác phẩm. Anh ăn mặc xuềnh
xoàng, quanh năm
chỉ cái áo the thẫm, cái quần trúc bâu, đôi giày hạ.
Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, vốn có lòng yêu nước, anh
càng thấy rõ hơn những nỗi khổ cực của nhân dân và vì sao mà mất nước. Cũng như
một số nhà văn lúc bấy giờ, anh đã hiểu một phần nào thế nào là đấu tranh giai cấp. Anh sửa lại
tập Tắt đèn, bắt
đầu viết từ 1936. Sách được in ra (1939), nhưng mấy tháng sau thì thực dân Pháp
ra lệnh cấm lưu hành. Những bài của các nhà văn khác giới thiệu và phê bình
quyển Tắt đèn cũng
đều bị kiểm duyệt xóa bỏ. Trước tình hình ấy, anh Tố không ngừng bút. Anh bắt
đầu viết Việc làng.
Tôi nói với anh: “Tôi mới nhận việc ở Hà Nội
tân văn, anh cứ viết dấn đi và
gửi cho ban biên tập”. Thế là tiểu thuyết Việc làng bắt đầu đăng ở Hà Nội
tân văn (năm 1940) mỗi
tuần một trang báo. Hồi đó, anh rất túng thiếu, nhưng không vì thế mà buồn nản.
Lúc nào anh cũng nhìn về phía trước.
Anh Ngô Tất Tố đả kích rất mạnh những thói hủ bại ở hương
thôn, nhưng trong gia đình và ngoài xã hội, anh xử sự rất hòa nhã, theo đúng
phong cách nhà Nho. Cứ mỗi năm hai lần, anh đến ăn giỗ nhà ông Ngô Ngọc Liên mà
anh gọi là chú ở Thái Hà, rồi anh lại sang chơi tôi ở gần đó. Tôi dám chắc anh
đi dự việc làng ở Lộc
Hà cũng đều đặn như thế. Do phong thái mực thước ấy, anh được họ hàng làng mạc
kính mến và anh mới có điều kiện quan sát tỉ mỉ, miêu tả được sinh động nông
thôn và người nông dân trong hai tác phẩm Tắt đèn và Việc làng. Cũng do bản thân là nhà Nho và gia đình anh
mấy đời theo học Nho, nên anh đã viết Lều chõng một cách cặn kẽ, nhiều đoạn quá tỉ mỉ.
Xây dựng Lều chõng, Ngô
Tất Tố muốn cho người đọc thấy được cách học cổ hủ, giáo điều và lối thi cử lỗi
thời dưới chế độ phong kiến suy tàn. Nhà nước phong kiến muốn kén chọn nhân tài,
nhưng rút cục lại loại mất những người có tài. Người có tương lai và thông minh
như Vân Hạc có một số nhận thức về học tập, về thi cử không giống các bạn của
anh, nhưng rồi “công danh ai dứt lối nào cho qua” anh cũng vẫn lều chõng đi
thi. Còn người con gái lấy chồng thì không phải vi tình yêu, mà vì muốn được
làm bà nghè, bà thám. Lều chõng đã
miêu tả một bi kịch của những người trí thức và phụ nữ thời phong kiến, do sự vỡ mộng về
công không thành danh chẳng toại, anh
đồ vẫn hoàn toàn là anh đồ và chị đồ vẫn hoàn toàn là chị đồ. Tính chất hiện
thực phê phán của cuốn tiểu thuyết rất rõ. Nhược điểm của nó là tác giả đã quá
đi sâu vào những quan hệ thày trò, bè bạn, những lối giảng dạy và những lối
giao du, hành lạc nhà Nho, làm cho người đọc có
thể lầm tưởng tác giả còn luyến tiéc, thích thú cái gì đó của đời sống nhà Nho
xưa.
Việc làng là một tiểu thuyết phóng sự về những hủ tục
mà bọn cường hào muốn duy trì ở nông thôn để dựa vào đó mà bóc lột nông dân đến
xương tủy. Mỗi mẩu chuyện trong Việc làng là một
tấn bi kịch. Tác giả luôn luôn lên án bọn “ăn
trên ngồi trốc” tay sai của thực dân và phong kiến thống trị, bọn đầu trâu mặt ngựa, đã làm cho nhiều gia
đình ở nông thôn bị khánh tận, nhiều nông dân phải tự tử, hoặc bỏ làng, chỉ vì
đóng góp “việc làng” quá nặng. Trong tiểu thuyết này, chúng ta thấy có những
hiện tượng tiêu cực trong tư tưởng người nông dân và đây là một hiện thực ở
nông thôn Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.
Ở Tắt đèn, chúng
ta thấy Ngô Tất Tố miêu tả những sự đàn áp bóc lột cực kỳ trắng trợn và tàn bạo
của bọn địa chủ cường hào đối với nông dân về mặt sưu thuế, và những thói đê
tiện, dâm ô của chúng. Chỉ thiếu mấy đồng bạc thuế thân mà gia đình anh chị Dậu
phải bán con, phải chịu khổ nhục trăm đường. Nhưng khác với Việc
làng, ở Tắt đèn, chúng ta
thấy những mặt tích cực trong tư tưởng và hành động của người nông dân: Chị Dậu
đã vùng lên đánh lại bọn lính tráng, cường hào khi chúng xúc phạm đến chồng chị
đang ốm. Chị cũng đã hai lần chống lại kịch liệt bọn quan lại tham ô muốn hãm
hiếp chị. Chỉ qua một việc gia đình nông dân thiếu mấy đống bạc thuế, Ngô Tất
Tố đã cho người ta thấy mọi nỗi khổ cực của nông dân và những thói tàn ác đê
tiện của bọn quan nha, tổng lý. Tuy có gan chống lại bọn cường hào như
vậy, chị Dậu vẫn thấy cuộc đời mình và chồng con mình đen tối, trước mắt chị
tương lai còn mờ mịt. Đó cũng là một
hiện thực về đấu tranh tự phát trong khi chưa có Đảng tiền phong lãnh đạo.
Ở
nước ta, vấn đề nông nghiệp là vấn đề quan trọng bậc nhất. Ngô Tất Tố là
nhà văn hiện thực đã viết thành công về nông thôn trong Tắt đèn và Việc làng. Hai tác phẩm này là những tài liệu quý giá
để chúng ta có cơ sở mà nhận định về người nông dân Việt Nam đã lột xác đến mức
nào trong cảnh nông thôn đổi mới dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhìn một cách khái quát những sách sáng tác, phê bình,
nghiên cứu và dịch thuật của Ngô Tất Tố trong 30 năm (1924 -1954), chúng ta
thấy những công trình ấy của anh là một khối thống nhất theo tư tưởng chủ đạo
của một nhà văn luôn luôn đứng về phía nhân dân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét