Phóng sự là một thể loại tiêu biểu trong loại hình tác
phẩm ký tự sự. Vào những điều kiện lịch sử xã hội thuận lợi, phóng sự được sử
dụng rộng rãi ở cả làng văn lẫn làng báo. Chính tính chất “lưỡng sinh” đặc biệt
này đã khiến cho phóng sự được cắt nghĩa và lý giải bằng nhiều quan niệm khác
nhau. Có thể nói, phóng sự là một thể loại phức tạp, không dễ nhận diện các đặc
trưng thể loại đích thực như một số thể loại khác cùng loại hình ký. Dẫu vậy, nhìn
chung, các kiến giải về bản chất thể loại phóng sự của giới nghiên cứu văn học
và báo chí hiện nay (ở trong nước cũng như ngoài nước) đều thống nhất ở một
điểm, coi phóng sự là thể loại nằm giữa văn học và báo chí. Điều này có thể
được xem như một tiền đề về lý luận để từ đó nhìn nhận, nghiên cứu hiện trạng
phát triển của phóng sự theo tinh thần “phân môn biệt loại” tương đối với các
thể loại văn học khác.
Tuy nhiên, thực tế lại có phần phức tạp hơn nhiều, bởi
lẽ có những tác phẩm phóng sự chỉ thuần túy là những trang ghi chép, tả thực,
thông tin về sự kiện khách quan. Bên cạnh đó, có những tác phẩm phóng sự dù vẫn
viết về những “sự thực ở đời” nhưng lại nghệ thuật không kém những tác phẩm
nghệ thuật đích thực. Nếu soi chiếu ở những chiều kích sâu hơn ta sẽ thấy bản
thân tác phẩm phóng sự luôn chịu sự qui định của nhiều tác nhân để có thể kết
tinh thành những sắc diện thẩm mỹ phần nào mang giá trị văn chương hay chỉ là
những đường ray thông dẫn sự kiện khách quan đơn thuần. Vì vậy rất cần có sự
phân biệt để định vị phẩm chất đích thực cho các tác phẩm được gọi là phóng sự
nói chung.
Lâu nay, các nhà nghiên cứu lý luận văn học và lý luận
báo chí đã bàn nhiều về sự khác biệt giữa ký văn học và ký báo chí nhưng lại
chưa mấy chú tâm phân biệt phóng sự báo chí với phóng sự văn học. Nếu có chăng
chỉ là những phác thảo sơ lược, thiếu hệ thống toàn diện. Sự so sánh nếu chỉ
dừng lại ở cấp độ loại hình cơ bản nhiều khi chưa soi tỏ các tiểu tiết phức tạp
nảy sinh ở cấp độ thể loại. Hơn thế, từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước trở
lại đây, sự bùng nổ trở lại của thể loại phóng sự còn kéo theo xu hướng tách
bạch khá rõ ràng, trong lối thể hiện, phóng sự báo chí và phóng sự văn học.
Cùng xuất hiện trên mặt báo, cùng mang danh phóng sự, nhưng con đường vươn tới
đích của sự thật ở hai loại phóng sự này có nhiều điểm khác biệt. Vì vậy việc
thiết lập một “giải phân cách” mềm mại, tương đối nhằm khu biệt chúng không chỉ
có ý nghĩa đối với người nghiên cứu mà còn hết sức cần thiết cho người sáng tạo
cũng như người tiếp nhận.
Tính chất thông tin trong tác phẩm
Nhìn chung, các thể loại ký đều ghi chép, phản ánh các
sự kiện có thật trong hiện thực khách quan. Riêng với phóng sự thì ngoài tính
khách quan, chân xác, còn đòi hỏi cả tính thời sự, cập nhật và khả năng lý
giải, phân tích, điều trần về sự thật nữa. Do vậy, ngay ở điểm này giữa phóng
sự văn học và phóng sự báo chí đã bắt đầu bộc lộ ranh giới. Trong khi đối với phóng
sự báo chí tính xác thực của thông tin được đặt ra một cách nghiêm ngặt thì phóng
sự văn học vẫn được phép có những khoảng “phi phỏng” (không xác định) lượng
thông tin. Lối nói phiếm chỉ trong định danh hoặc việc dùng từ, ngữ vô định
thường không mấy khi được chấp nhận ở phóng sự báo chí thì phóng sự văn học lại
coi đó như là một thủ pháp nghệ thuật nhằm mềm hóa thông tin, tránh cho người
đọc những cú sốc bất lợi về thực tại. Những đoạn mô tả cảnh sắc thiên nhiên,
trạng huống tâm lý, hành tung nhân vật... được tỉnh lược tối đa hoặc chỉ dựng
lên như cái nền của phóng sự báo chí thì phóng sự văn học đôi khi lại khai thác
chúng như một phương tiện hữu hiệu góp phần biểu đạt tư tưởng thẩm mỹ. Mặt
khác, sự kiện trong phóng sự báo chí càng mới mẻ, cập nhật, vấn đề đặt ra càng
nóng bỏng, bức xúc thì tính hấp dẫn càng cao, khả năng tác động đối với đời
sống xã hội càng lớn. Còn trong phóng sự văn học, sự kiện có ý nghĩa “châm ngòi
nổ” nhiều khi không nhất thiết phải theo sát dòng thời sự. Thậm chí có một độ
lùi thích hợp về không gian, thời gian càng giúp cho người viết có thể tái hiện
một cách sinh động, đầy đủ và soi sáng sự kiện từ nhiều chiều. Trong phóng sự
báo chí, sự thật cho dù có được “tạo dáng” đôi chút song nó vẫn phải mang đầy
đủ, nguyên dạng tầm vóc và cốt lõi của sự kiện bản thể.Tính thẩm mỹ của thông
tin nếu có được chủ yếu là do tự thân hiện thực mang lại chứ không phải do dụng
công tôn tạo của người viết. Trái lại, ở phóng sự văn học tuy vẫn lấy việc phản
ánh người thực, việc thực làm chủ đích nhưng ngoài chức năng đáp ứng nhu cầu
nhận thức cho công chúng, tác phẩm còn phải vươn tới yêu cầu giao tiếp thẩm mỹ,
định hướng thông tin. Vì vậy, không chỉ phương châm viết cho đúng, cho trúng mà
cả yêu cầu viết cho hay ở phóng sự văn học cũng không giống như phóng sự báo
chí. Bản lĩnh của nhà báo là lựa chọn tư thế, góc nhìn, thời điểm “phát hỏa”
sao cho “mũi tên sự kiện” trúng đích một cách nhanh nhất. Mọi vấn đề được mô
tả, tái hiện, lý giải, điều trần sao cho trực tiếp, khách quan và nổi bật nhất
để có thể tác động thẳng tới tri giác người đọc. Nhưng với nhà văn lại không
chỉ như thế. Mũi tên có thể trúng đích song những gì còn lại, những gì thay
đổi, những gì sẽ tái sinh cho một cuộc sống tốt đẹp sau đó mới là điều người
cầm bút cần đặt ra và hướng tới. Sự thật dẫu có được trình bày, diễn giải đầy
đủ, kỹ lưỡng đến mấy mà tính khái quát của vấn đề nêu ra chưa thực sự gắn với
những nỗi niềm nhân sinh thế sự, chưa thể coi nhà văn đã hoàn thành sứ mệnh của
mình. Nếu ở phóng sự báo chí, thông tin sự kiện được xem là sự sống còn của tác
phẩm thì ở phóng sự văn học tính thẩm mỹ của thông tin mới là tiêu chí cuối
cùng để đánh giá. Người làm phóng sự văn học không chỉ đi đến tận cùng sự thật
mà còn đòi hỏi phải làm sao cho những sự thật ấy vừa gây “nhức nhối trí tuệ”
vừa có khả năng rung động tâm hồn, thức tỉnh lương tri thời đại.
Như vậy, đủ thấy rằng sự khác nhau về tính chất thông
tin giữa phóng sự văn học và phóng sự báo chí là một thực tế bắt nguồn từ mục
tiêu phản ánh, tái tạo hiện thực. Đây cũng chính là điểm mấu chốt dẫn đến sự
phân biệt chúng trên một số bình diện khác./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét