Khiemnguyen

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Đi tìm phong cách chung của văn học (phần 2)


Công trình Lí luận phong cách (1968) của N.Sokolov có thể coi là tác phẩm đầu tiên trong các nước xã hội chủ nghĩa đặt lại vấn đề phong cách. Ông khẳng định phong cách là một hiện tượng nghệ thuật, thể hiện quy luật của nghệ thuật, là phạm trù thẩm mỹ trong tất cả mọi nghệ thuật. Bản chất của mọi sự thống nhất của mọi thành tố nghệ thuật theo những quy luật đặc thù. Đi theo quan điểm của một loạt tác giả như : H.Vônfơlin, V. Handenstein, Phơ rích, K.Viper, chủ yếu chỉ thừa nhận phong cách như một hiện tượng lịch sử, xã hội, thời đại chứ không phải thừa nhận phong cách cá nhân! Ngược lại với quan điểm quen thuộc của Trofimov, Timofiev, Elsbes, M.B. Khravchekon… N.Sokolov cho rằng “ Xem phong cách là hiện tượng cá nhân dễ đưa đến sự phủ nhận bản chất xã hội của họ. Không có phong cách cá nhân tách rời xã hội”. Ông không xem cá tính sáng tạo cá nhân ( theo cách hiểu của Khravchenko) là nhân tố tạo thành phong cách, bởi vì theo ông, nếu đã xem phong cách là một quy luật của nghệ thuật thì không được xem nó như là biểu hiện của cá tính sáng tạo vốn là một hiện tượng tâm lý, bởi hai phương diện đó nằm ở hai bình diện khác nhau. Xin lưu ý thêm, cũng vào lúc này (1967) G.Antonine ở Pháp đã nói Saint Beuve không hiểu gì Stendhail bởi vì hai ông mải đi tìm tiểu sử của ngài Beile! Từ đó ông cho rằng phong cách cá nhân là sự biểu hiện của phong cách chung, tức là phong cách thời đại, phong cách trào lưu. Ông đã lập luận rằng, nếu phương pháp chung có sự thể hiện riêng về mặt cá nhân thì đó là phương pháp riêng chứ không phải là phong cách riêng. Còn đã nói phong cách cá nhân thì đã là sự thể hiện riêng của phong cách chung phải phục tùng quy luật chung. Như vậy, người ta không thể nghiên cứu phong cách riêng mà không xét đến phong cách chung.
Đã đến lúc phải đi tìm những biểu hiện và cơ sở lý luận của phong cách chung, bởi vì sự vận động của văn học không thể chỉ là sự tích luỹ không ngừng các phong cách cá nhân mà còn ở chỗ mỗi giai đoạn văn học đều mang lại cho lịch sử một phong cách mới, và không có lý do gì để chỉ nói phong cách cá nhân mà dè dặt, không nói đến phong cách chung. Mặt khác, phong cách cá nhân không thể tự nó hình thành mà không có tác động của một phong cách chung nào đó. Trong truyền thống nghiên cứu văn học Trung Quốc xưa, người ta phân biệt được phong cách văn học Hán với phong cách thời Lục Triều, phân biệt được phong cách Đường với phong cách Tống, phân biệt Nguyên, Minh , Thanh. Ở phương Tây, cùng là nghệ thuật thời Trung đại, nhưng người ta phân biệt phong cách Bizantin thời kì đầu với phong cách La Mã tăng lữ và phong cách La Mã phong kiến; cùng là phong cách Barroco thời chống cải cách tôn giáo, phong cách Barroco quý tộc thời Louis XIV, phong cách Barroco hạn chế của thời khôi phục vương triều. Nhưng điều đó đã trở thành thường thức của giáo trình về lịch sử nghệ thuật.
Vậy phong cách chung là gì? Nó có những đặc điểm gì?
Theo D.S. Likhachov, thứ nhất, phong cách chung là phong cách nghệ thuật mà nó vựợt lên trên chất liệu cụ thể như ngôn ngữ, âm thanh, màu sắc, thể loại, cá tính, để có thể có đặc điểm chung ảnh hưởng tới các loại hình nghệ thuật khác nhau. Chẳng hạn như phong cách Barroco đã nói trên, thể hiện trong hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, văn học. Tương tự, phong cách lãng mạn trong văn học 1932 – 1945 của Việt Nam vừa thể hiện trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, trong thơ mới, trong âm nhạc và trong hội hoạ. Trong văn học, phong cách chung thể hiện ở tẩt cả mọi thể loại, và đó là một lớp, một phạm trù phong cách bên cạnh các lớp khác như phong cách cá nhân, phong cách dân tộc, phong cách trào lưu….
Thứ hai, phong cách chung, đặc biệt là phong cách thời đại là sự biểu hiện của trình độ kỹ thuật biểu hiện, của trạng thái văn hoá, xã hội, tập quán tâm lý thời đại đã hình thành nên phong cách. Phong cách thể hiện tập trung ở cách thể hiện thế giới và con người, cảm thụ bản thân nghệ thuật. Chẳng hạn nghệ thuật Ai Cập cổ đại có nền tảng là tôn giáo Ai Cập, tôn giáo về cái chết; trái lịa, nền tảng của nghệ thuật Hi Lạp cổ đại là thế giới quan yêu đời. Khi nào nội dung và hình thức cuộc sống thay đổi thì nghệ thuật, vốn là biểu hiện của cuộc sống đó cũng là thay đổi, và sự đổi thay đó “ chính là đổi thay phong cách” (E.Utitz: Phong cách là gì?).
Trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, giới khoa học đã nói đến phong cách cá nhân của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu; cũng đã nói đến phong cách hiện thực, phong cách lãng mạn. Nhưng cũng có thể nói đến phong cách thời đại thể hiện ở các điểm sau:
+ Một là, quan niệm lí tính đối với cuộc đời, niềm tin vào khoa học, tiến bộ, lẽ công bằng, tư tưởng bình đẳng, tự do. Khi Thơ mới đòi hỏi thể hiện nhu cầu giải phóng cá tính trong tình cảm cũng là lúc các tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đấu tranh cho các quyền con người của cá nhân; và cũng là lúc các tiểu thuyết hiện thực lên án xã hội bất công chà đạp lên số phận con người sau lũy tre làng. Một số nhà văn Tự lực văn đoàn có phong cách hiện thực chính là do ảnh hưởng của phong cách thời đại trong cảm hứng tố cáo và trữ tình. Văn học Cách mạng xuất hiện trong giai đoạn này cũng mang tính lý và tính lý tưởng rất đậm.
+ Hai là, sự hiện đại hóa đồng loạt các thể loại văn học do tiếp thu ảnh hưởng của văn học phương Tây. Thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, kịch nói, du kí, tùy bút, phê bình văn học nhất loạt xuất hiện, thay thế hẳn các thế loại truyền thống. Các hình thức truyền thống như thơ bảy chữ, năm chữ, lục bát,…đều được cấu trúc lại.
+ Thứ ba, các nhà văn, nhà thơ dù sáng tác theo thể loại nào đều đã cắt đứt với truyền thống tập cổ mà tự mình cấu tứ, sáng tạo, vai trò chủ thể của tác giả đặt lên hàng đầu. Người ta phân biệt rõ ràng sáng tác và phóng tác, lịch sử và tiểu thuyết lịch sử. Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao…cùng một loạt nhà Thơ mới đa dạng về phong cách cá nhân đã tiêu biểu cho ý thức chủ thể nổi bật, như là một đặc trưng của phong cách thời đại.
+ Thứ tư, khác với lối văn truyền thống nặng về vần điệu đăng đối với điệu ngâm nhịp nhàng, lối văn hiện đại chuyển hẳn sang văn xuôi: văn tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự mang hình thức khẩu ngữ, kịch hóa, thân mật, suồng sã trong khoảng cách gần, lời thơ về cơ bản là mang hình thức điệu nói đầy giọng điệu giãi bày, tâm tình.
Một yếu tố quan trọng nữa của phong cách là cách bố cục, kết cấu, tổ chức nội dung tác phẩm, thể hiện cách cảm thụ của tác giả là ngừơi đọc kiểu mới. Điều nổi bật của văn học giai đoạn này là kết cấu mở, mở từ giữa chừng và kết thúc lửng. Văn đã vậy mà thơ cũng vậy.
Nhưng đặc điểm trên đây xác định phong cách thời đại cơ bản trong văn học 1930 – 1945, cho phép phân biệt nó với văn học giai đoạn trước và sau đó.
Phong cách thời đại có những nét truyền thống nhưng không đồng nhất, nghĩa là bên trong nó vẫn có sự phân hóa theo các yếu tố khác nhau như phương pháp sáng tác, cá tính sáng tạo, khuynh hướng tư tưởng xã hội, thẩm mỹ. Nhưng phong cách thời đại đó xây dựng trên nền tảng trạng thái văn hóa xã hội rộng lớn nên có tính thống nhất không thể bác bỏ.
Phong cách văn học dân tộc không đơn giản chỉ là tính độc đáo dân tộc về đề tài, chủ thể, ngôn ngữ, thể loại mà còn là quy luật riêng của sáng tạo nghệ thuật. Phong cách dân tộc qua các thời kỳ đều có sự đổi thay và phát triển, cho nên theo Sokolov, có thể nói đến các phong cách dân tộc.
Cũng vậy, phong cách trào lưu tuy một mặt có phạm vi bao quát nhỏ hơn phong cách thời đại và dân tộc, song xét về mặt khác nó lại rộng hơn, có tầm vóc quốc tế. Phong cách thời đại trong giai đoạn tăng cường giao lưu quốc tế cũng có tầm vóc quốc tế. Trong các tương quan đó, dân tộc là phạm trù có sự kết tinh phong cách thời đại và trào lưu. Khi xét tới phong cách chung, thiết nghĩ phải tính đến các tương quan ấy với nhau mới làm sáng tỏ một phong cách nào đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét