Khiemnguyen

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Đi tìm phong cách chung của văn học (phần 3)


Xét về bản chất của phong cách, cho đến nay có nhiều cách thể hiện khác nhau. Tuy nhiên có thể nhìn phong cách theo bốn phương diện liên quan chặt chẽ với nhau như sau.
1. Phong cách là dấu hiệu độc đáo, không lặp lại, đánh dấu phẩm chất thẩm mỹ riêng biệt của một hiện tượng văn học nào đó. Phong cách hoặc là “con người”, là sự sáng tạo, sự mới mẻ làm nên vẻ riêng biệt ít thấy hiện tượng văn học khác nhưng lại nhất quán, xuất hiện thường xuyên ở hiện tượng văn học cụ thể. Cần hiểu rằng sự bền vững, nhất quán nói ở đây là nói từ cái cốt lõi, cái trong bản chất, còn trong quá trình triển khai thì phong cách lại đòi hỏi sự đa dạng và đổi mới. Muốn đạt được yêu cầu ấy, phong cách cần phải có phẩm chất thẩm mỹ, nghĩa là khi nói tới một hiện tượng văn học nào đó có phong cách thì hiện tượng văn học ấy phải mang lại cho người đọc, người xem, người nghe một sự hưởng thụ thẩm mỹ dồi dào. Ở đây cũng cần lưu ý thêm một điểm: phong cách phải có phẩm chất thẩm mỹ nhưng phẩm chất này không chỉ thuần túy về mặt hình thức, kỹ thuật mà tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể nó sẽ biểu hiện chủ yếu ở phạm vi nội dung hay phạm vi hình thức.
2. Phong cách là phẩm chất của chính thể. Khi định nghĩa về phong cách, dù có thể được diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, nhưng các định nghĩa đó đều đề cập đến “tính hệ thống”, “tính thống nhất”, “tính tổng hòa”,…Điều này chứng tỏ, phong cách là phẩm chất của hệ thống thể hiện qua các yếu tố chứ không phải phẩm chất do tổng cộng các thuộc tính của các bộ phận của tác phẩm. Phong cách là phẩm chất xuyên suốt qua các yếu tố tác phẩm, qua các tác phẩm của một tác giả hoặc các tác giả của một trào lưu nghệ thuật. Ngay cả khi nói phong cách nghệ thuật là tính độc đáo của hình thức nghệ thuật thì cũng phải thấy rằng đó không phải là hình thức cụ thể của một tác phẩm cụ thể, cá biệt mà là cái hình thức được lặp đi lặp lại, vừa thống nhất vừa đa dạng trong nhiều tác phẩm khác nhau của một nhà văn, một trường phái hay một thời đại văn học, nghệ thuật (khi chúng ta nói về phong cách Nguyễn Tuân, phong cách Thơ mới Việt Nam giai đoạn 1932- 1945,v.v…là đứng trên quan niệm này). Vì thế, có thể nói phong cách nghệ thuật là hình thức siêu hình thức cụ thể của sáng tác nghệ thuật.
3. Phong cách là phẩm chất tương đối ổn định của sáng tác. Các đặc điểm của nó được lặp đi lặp lại tương đối thường xuyên, ít thay đổi. Nhưng đây là ổn định trong sự phong phú đa dạng, có biến đổi chứ không phải là sự lặp lại giản đơn, nghèo nàn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng sự ổn định là cơ bản, nhờ thế nó mới trở thành phong cách để phân biệt với các phong cách khác. Chẳng hạn, có thể nói tới phong cách trữ tình của Tố Hữu bởi nét trữ tình này về cơ bản là ổn định, được lặp đi lặp lại tương đối thuờng xuyên trong các sáng tác của ông. Nhưng trữ tình trong Từ ấy không hoàn toàn giống trữ tình trong Việt Bắc, nó cũng khác với trong Gió lộng, Ra trận, và đặc biệt là khác với trữ tình trong Một tiếng đờn.
4. Phong cách là hình thức của chủ thể. Phong cách là gương mặt tinh thần, Buffon đã từng khẳng định: phong cách là bản thân con người. Dĩ nhiên, người ở đây không phải là con người trừu tượng, chung chung mà là người với những phẩm chất trí tuệ, tình cảm, cá tính cụ thể. Nhưng cũng không thể giản đơn coi văn như con người mà đó là tài năng tư duy, tổ chức của con người. M.Bakhtin khẳng định tính tích cực của chủ thể trong sáng hình thức, khẳng định cái nhìn mới là yếu tố căn bản của phong cách nghệ thuật. M. Prust, D.S. Likhachov cũng đồng tình với quan niệm này. Tư duy, hệ hình tư duy, thái độ cảm xúc, quan niệm giá trị tạo thành hình thức cảm nhận của chủ thể. Hình thức cảm nhận của chủ thể dẫn đến những phát hiện mới về hình thức, bút pháp, kỹ thuật, tạo thành nền tảng của phong cách. Nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Lý Trạch Hậu cho rằng lịch sử của phong cách là lịch sử tâm lý cảm nhận của nhân loại hay dân tộc. Đó là hình thức của chủ thể, cho nên phong cách có quan hệ mật thiết với phương pháp nghệ thuật.
Như vậy có thể hiểu, bản chất nghệ thuật, thẩm mỹ của phong cách là: không phải mọi hình thức của chủ thể tạo thành phong cách mà là các hình thức chủ thể tạo thành giá trị nghệ thuật. Vì thế, Viper, Sokolov đều cho rằng có những tác phẩm không có phong cách, có những giai đoạn giao thời không có phong cách.
*
* *
Từ những phân tích trên đây có thể thấy, khi đề cập đến vấn đế phong cách thì không chỉ nói đến một cấp độ phong cách nhà văn hay phong cách tác phẩm mà còn phải nghiên cứu kỹ càng các cấp độ khác như phong cách thời đại, phong cách trào lưu, trường phái…Từ phong cách cá nhân nhà văn đến phong cách thời đại, trào lưu đều được soi rọi dưới ánh sáng của phong cách chung. Ví dụ, khi chúng ta nói đến phong cách hiện thực chẳng hạn. Chủ nghĩa hiện thực với tư cách là một trào lưu văn học, ngoài sự thống nhất về phương pháp sáng tác còn có sự thống nhất về phong cách. Trước hết là chi tiết chân thực của đời sống hàng ngày dùng để dệt nên bức tranh đời sống như nó vốn có – đây là nguyên tắc mô tả nên nó thuộc phạm trù phong cách. Đặc điểm thứ hai, như Engels nói, chủ nghĩa hiện thực không muốn bộc lộ khuynh hướng một các lộ liễu mà muốn nó được toát ra từ tình huống đây là thuộc phương thức thuyết phục người đọc và phương thức biểu hiện cách chiếm lĩnh đời sống như M.B. Khravchenko từng nói. Một đặc điểm nữa của phong cách hiện thực, theo D.S Likhachov diễn đạt, là khoảng cách gần gũi của người kể đối với nhân vật, thâm nhập vào nội tâm, kể từ bên trong. Đặc điểm cuối cùng là sự bộc lộ yếu tố cá nhân và phong cách cá nhân nhà văn.
Đặc điểm phong cách chung này làm cho hiện tượng phong cách cá nhân của trào lưu hiện thực phong phú và đa dạng chưa từng có. Hay khi chúng ta nói phong cách thời đại cũng vậy. Khái niệm phong cách thời đại dùng để chỉ một phong cách chung, phong cách lớn bao trùm mọi thể loại trong một loại hình, mọi loại hình trong thời đại ấy. Sự bao trùm này không chỉ ở một quốc gia, dân tộc mà nó chứa đựng tính chất xuyên dân tộc, xuyên quốc gia cùng chịu sự chi phối chung của một ý thức hệ nhất định, ví dụ như ý thức hệ tôn giáo trong phong cách Gotic bao trùm hầu hết các dân tộc từ phương Tây đến phương Đông, hay ý thức hệ vô sản trong phong cách thời đại của các nền văn học nghệ thuật từ thập niên 20 đến thập niên 90 của thế kỷ XX ở các nước Nga, Trung Quốc, Việt Na, Cu Ba, v..v….
Thực tế này khiến chúng ta nghĩ rằng, không thể nghiên cứu kỹ càng vấn đề phong cách chung của văn học. Ngược lại, chúng tôi cho rằng cần phải thực hiện hành trình “đi tìm” nó một cách cẩn trọng để cho thấy, sáng tác văn học trong một thời đại nào đó, một dân tộc nào đó không phải là tổng cộng giản đơn các phong cách cá nhân đa dạng mà giữa chúng có mối liên hệ nội tại tạo thành một phong cách bao trùm lên các phong cách cá nhân ta có thể gọi là phong cách chung của văn học.
(Đăng trong Tạp chí NGHIÊN CỨU VĂN HỌC, Số 2/2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét