Dưới đây là những phác thảo sơ bộ của chúng
tôi.
1. Môi trường tồn tại của tiểu thuyết và vấn đề độc giả
Môi trường tồn tại của tiểu thuyết chương hồi vốn ở
không gian mở như: góc chợ, bến đò. Không gian tồn tại đó tiêu biểu cho một
kiểu sinh hoạt văn học cũ: kể - nghe và xem. Ở đây nảy sinh một vấn đề liên quan đến
văn hóa tiền văn bản là việc mỗi lần nghệ nhân kể chuyện cũng là lúc anh ta đã
tháo dỡ cấu trúc và tái cấu trúc truyện kể. Kể cả khi các thoại bản
được các trí thức “điển nhã hóa” thì hình thức sinh hoạt văn chương này vẫn còn
tiếp diễn. Kiểu sinh hoạt thời tiền văn bản vẫn được ưa thích có lẽ phần lớn
độc giả không thể đọc sách (việc học chữ là một khó khăn, số lượng ấn bản tác
phẩm chắc chắn còn hạn chế). Cũng không loại trừ một khả năng nằm trong bản
chất của tự sự chương hồi vốn hấp dẫn bằng “lối kể”, và được đồng tạo tác bằng
“kiểu kể”. Ở Nam Bộ, Truyện Lục Vân Tiên cuối thế kỷ XIX - đầu XX có thể
là đã tồn tại theo kiểu sinh hoạt văn chương chương hồi. Tựa trên một cơ sở xã hội khác với môi trường tiểu thuyết chương hồi. Môi trường tồn tại của tiểu thuyết Feuilleton ở Nam Bộ là báo chí. Hình thức này đã dẫn đến kiểu
sinh hoạt văn học mới có tích chất cá nhân: văn học gắn với hoạt động viết - đọc. Văn chương
chịu sự chi phối rõ rệt
của khuôn khổ tờ báo và hoạt động xuất bản. Nói cách khác, môi trường tồn tại
của tiểu thuyết feuilleton là báo chí, gắn với một kiểu văn hóa mới: văn hóa đọc.
Vấn đề người tiếp nhận của tiểu thuyết chương hồi và feuilleton cũng có
nhiều điểm khá thú vị: cả hai đều hướng đến độc giả đại chúng, bình dân. Con đường phát triển của tiểu
thuyết chương hồi Trung Quốc gắn liền với nhu cầu thưởng thức của công chúng
bình dân, đặc biệt là tầng lớp thị dân thời Minh - Thanh. Độc giả của tiểu
thuyết feuilleton ở Nam Bộ trước 1945 là đại chúng, bình dân ở đô thị có tính chất thuộc địa
phương Tây. Cũng cần nhắc ở đây một vấn đề, có thể coi như đặc thù của Nam Bộ,
đó là bên cạnh việc phát triển mạnh của tiểu thuyết feuilleton là trào lưu dịch thuật các bộ
tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc sang Việt ngữ. Thậm chí, bộ tiểu thuyết
chương hồi nổi tiếng Tam quốc diễn nghĩa đã được dịch và công bố dưới
hình thức feuilleton trên Nông cổ mín đàm ngay từ số thứ nhất, ra ngày 1/8/1901. Từ thực
tế đó chúng ta có thể đặt vấn đề sự ảnh hưởng qua lại giữa tiểu thuyết chương
hồi và tiểu thuyết feuilleton ở Nam Bộ và không loại trừ khả năng các nhà văn ở
ta sử dụng tốt kĩ thuật felleton vì đã quen với kĩ thuật chương hồi.
2. Phương diện thể tài
Thể tài của tiểu thuyết chương hồi được các nhà
nghiên cứu thừa nhận có các phương diện: “giảng sử” tiêu biểu cho loại này có Tam
quốc diễn nghĩa; “yên phấn” tiêu biểu cho loại này có Hồng Lâu Mộng;
“linh quái” tiêu biểu cho loại này có Tây du ký; “anh hùng thảo dã” tiêu
biểu cho loại này có Thủy hử truyện; “phúng dụ” tiêu biểu cho loại này
có Nho lâm ngoại sử, v.v... Trong các bộ phận trên thì thể tài giảng sử
chiếm một số lượng lớn các tác phẩm chương hồi. Đề tài “yên phấn”, “phúng dụ”
xuất hiện muộn hơn gắn liền với sự lớn mạnh của tầng lớp thị dân Trung Hoa.
Riêng với Hồng lâu mộng, tiểu thuyết này đã báo hiệu một nhu cầu thị
hiếu thẩm mĩ mới của công chúng: chuyển từ văn hóa nghe sang văn hóa đọc.
Thể tài của tiểu thuyết feuilleton Nam Bộ trước 1945 khá đa dạng
nhưng tiêu biểu có: Tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết
lịch sử, tiểu thuyết xã hội.
Tiểu thuyết trinh thám feuilleton ở Nam Bộ trước 1945 có các nhà
văn như Biến Ngũ Nhy (1886 - 1963) với các bộ Mật thám truyện, Kim thời dị
sử (Ba Lâu ròng nghề đạo tặc, Chủ nợ bất nhơn), Phú Đức (1901 - 1970) với
các bộ Châu về hiệp phố, Lửa Lòng, Non tình biển bạc, Tình trường huyết lệ,
Phi Long (? - ?) với bộ Thùng thơ bí mật. Nam Đình Nguyễn Thế Phương
(1906 - 1978) lại chuyên viết tiểu thuyết về vụ án với các bộ Túy hoa đình,
Vô oan trái, Chén thuốc độc... Nhà văn Nguyễn Thế Phương đồng thời cũng là
phóng viên pháp luật. Trong những nhà văn viết trinh thám feuilleton thì Phú
Đức là nhà văn tiêu biểu nhất: số lượng tác phẩm lớn, bán chạy và sự nổi tiếng.
“Chúng ta chưa có điều kiện để trả lời câu hỏi: ai là người đầu tiên đăng tiểu
thuyết feuilleton trên báo Việt Nam, nhưng chúng ta có thể khẳng định, Phú Đức
là một trong những người thành công nhất với tiểu thuyết feuilleton. Vậy nếu không có báo chí, chưa
hẳn đã có một Phú Đức. Và ngược lại Phú Đức cũng làm sôi động báo chí một thời”
(7). Phú Đức khiến người ta nghĩ đến kiểu nhà văn chuyên nghiệp của
phương Tây.
Tiểu thuyết trinh thám feuilleton nội địa đầu tiên được biết đến là
Kim thời dị sử của Biến Ngũ Nhy. Tuy vậy, “Kim thời dị sử” chính là một
mục trên Công luận báo chứ không phải là tên tác phẩm. Chính sự hấp dẫn
của đề mục feuilleton này mà khi in sách tác giả đã sử dụng lại. Với Kim thời dị sử, chúng
ta thấy có sự gặp gỡ giữa feuilleton và chương hồi ở ý niệm: “Vô Kỳ Bất Truyền”. Từ thành tựu bước đầu là Kim
thời dị sử của Biến Ngũ Nhy cho đến những sáng tác của Phú Đức giai đoạn
sau, tiểu thuyết Nam Bộ đã tạo ra một dòng tiểu thuyết trinh thám đích thực cho
văn học Việt Nam hiện đại.
Loại võ hiệp tiêu biểu với các sáng tác của Nguyễn
Chánh Sắt (1869 - 1947) với Giang hồ nữ hiệp (1928), Một đôi hiệp
khách (1929)... và một phần nào đó là Phú Đức với Tiểu anh hùng
võ kiết (1929), Một thanh bửu kiếm (1930). đây là loại tiểu thuyết
chịu ảnh hưởng từ tiểu thuyết võ hiệp chương hồi của Trung Quốc.
Loại tiểu thuyết lịch sử dịch có Tiền căn báo
hậu (Le Comte de Monte Christo của Alexandre Dumas)
đăng trên Lục tỉnh
tân văn năm 1907 và Ba chàng ngự lâm pháo thủ (Les trois mousquetaires)
đăng trên Lục tỉnh tân văn năm 1914 - cả hai đều do Trần Chánh Chiếu
(1867-1919) dịch. Tiền cắn báo hậu được in thành sách vào năm 1914. Tiểu
thuyết lịch sử dịch và chương hồi gống nhau ở tính chất sử. Thế nhưng tiểu
thuyết chương hồi thường thoát thai từ các thoại sử trong lúc yếu tố sử trong feuilleton là dã sử: không gian thời gian là
lịch sử, nhưng nhân vật là người thường, hấp dẫn bởi tính chất võ hiệp kỳ tình.
Tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc bình dân, trong lúc tiểu thuyết lịch sử Tây lại
đại chúng. Có một chi tiết cần chú ý là những tiểu thuyết lịch sử của các nhà
văn Nam Bộ không thấy đăng feuilleton. Phải chăng các nhà văn này cảm thấy trách nhiệm xã hội quan trọng của mình
và cần nói “một cách nghiêm túc”, viết văn với một sứ mệnh hướng đạo quần
chúng. Hay là trong một tình thế lấn lướt của truyện Tàu thì việc công bố theo
hình thức feuilleton là không phù hợp.
Tiểu thuyết xã hội feuilleton mang tính chất phong tục đạo lý có các tác phẩm của
Hồ Biểu Chánh (1885 - 1958) như Chúa tàu kim quy (Công luận báo năm
1922-1923), Cay đắng mùi đời (Đông Pháp thời báo năm 1923), Nhơn tình
ấm lạnh (Đông Pháp thời báo năm 1926), Cha con nghĩa nặng (Phụ nữ tân
văn năm 1929).; loại tiểu thuyết xã hội mang tính chất tính dục có Hà
Hương phong nguyệt (Truyện nàng Hà Hương đăng trên Nông cổ mín đàm
từ năm 1912 đến 1915) của Lê Hoằng Mưu (1879 - 1942). Ngoài ra nhiều cuốn tiểu
thuyết có tính chất xã hội của Lê Hoằng Mưu đáng chú ý như Hồ Thể Ngọc (Nông
cổ mín đàm năm 1916 và Công luận báo năm 1917-1918), Oan kia thao
mãi (Lục tỉnh tân văn năm 1920 - 1921), Đầu tóc mượn (Lục tỉnh tân văn
năm 1924), Đêm rốt người tội tử hình (Lục tỉnh tân văn năm 1925). Riêng
loại tiểu thuyết có tính chất chính trị chưa thấy xuất hiện trong giai đoạn
này.
Có thể thấy, điển hình của tiều thuyết feuilleton là truyện vụ án - phá án. Điển
hình của tiểu thuyết chương hồi phương Đông là truyện lịch sử, võ hiệp.
3. Kĩ thuật tự sự
Về phương diện nghệ thuật, tiểu thuyết feuilleton
và tiểu thuyết chương hồi có nhiều điểm tương đồng khi chú trọng xây dựng cốt
truyện tự sự, các thủ pháp mô tả nhân vật, v.v ...
Hình thức chương hồi định hình rõ và có tính nguyên tắc trong lúc hình thức
feuilleton
có tính mềm dẻo hơn. Xuất phát từ những thoại bản,
những đơn vị chương hồi thường kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.
Điều này dẫn đến lối kết cấu của tiểu thuyết chương hồi tương đối khuôn mẫu:
toàn bộ câu chuyện được chia thành nhiều hồi khác nhau, mối quan hệ giữa các
hồi có tính chất vừa “khép” vừa “mở”, vừa có tính “liên tục” vừa “gián cách”.
Lối kết cấu này có thể giúp tác giả xâu chuỗi các sự kiện, các tình tiết có
liên quan đến cốt truyện và nhân vật để tạo thành một chỉnh thể của tác phẩm.
Trong đó mỗi hồi có thể là một câu chuyện, một tình tiết tập trung làm nổi bật
nhân vật và chủ đề của tác phẩm. Trước mỗi hồi thường có hai câu thơ hoặc vài
dòng đề từ nhằm tóm tắt nội dung chính của hồi đó. Kết thúc mỗi hồi, tác giả
thường đẩy sự việc đến mức cao trào nhằm tạo sự hồi hộp, mong đợi nơi người
đọc.
Trong lúc đó, yếu tố quyết định một tiểu thuyết feuilleton là phải ăn khách ngay từ đầu.
Trong khi phải tuân thủ tối đa một số nguyên tắc: viết vừa đủ số trang cho một kỳ
báo. Do vậy, người viết phải có tài xoay trở để làm sao mỗi đoạn có một điểm
nhấn nhất định, và cuối đoạn là một nút thắt, hay là một nghi vấn, tạo nên một
hồi hộp, một tò mò, náo nức cho độc giả. Kiểu thức này cũng gần với kỹ
thuật của tiểu thuyết chương hồi.
Việc đăng tác phẩm theo kỳ trên báo như vậy buộc
nhà văn phải chú ý đến việc tổ chức cốt truyện, chi tiết nghệ thuật, nhân vật,
thành những tháp đoạn có tính độc lập tương đối, giúp cho độc giả lĩnh hội được
trọn vẹn ý nghĩa của đoạn ấy. Hình thức feuilleton có ưu điểm trong việc kích
thích trí tò mò của độc giả khi người viết cố tình tìm ra những chi tiết “đắt”, những tình tiết “hấp dẫn”, gay cấn để đưa vào tháp đoạn.
Nhưng đồng thời hình thức này cũng có những hạn chế
nhất định. Vì phải “xoay trở” trong một số lượng chữ nhất định của trang báo,
nên nhiều lúc, các tình tiết mà các tác giả đề xuất trong tác phẩm có phần
gượng gạo, ngẫu nhiên.
Có lẽ chính hình thức feuilleton đã góp phần làm cho tiểu thuyết
Nam Bộ thường có cốt truyện vận động nhanh, nhiều tình tiết gay cấn, thắt nút
và mở nút thường rất bất ngờ; nhân vật trong tác phẩm thường là nhân vật hành
động, phiêu lưu mạo hiểm. Các cuốn tiểu thuyết của Phú Đức, Bửu Đình, Hồ Biểu
Chánh đều thể hiện rõ đặc tính này.
Trong thực tế, nhiều tiểu thuyết feuilleton của các nhà văn Nam Bộ được tập
hợp in sách. Do đó các ấn phẩm này đều có dấu vết của hình thức feuilleton dù các nhà văn đã có ý thức “xoá
nhoà” các khớp nối giữa các tháp đoạn để tạo thành một tổng thể thống nhất. Dấu
vết của hình thức feuilleton vẫn còn hiện rõ trong bản thân sự vận động của cốt truyện, của tình tiết
được sắp đặt trong các tác phẩm, khiến người đọc luôn bị lôi cuốn vào những hồi
hộp, bất ngờ. Đó là một trong những giá trị mà hình thức này mang đến cho văn
chương. Tiến hành khảo sát phương diện này cũng thật sự cần thiết khi nghiên
cứu tiểu thuyết Nam Bộ.
Hình thức feuilleton đặt ra yêu cầu là mỗi tháp đoạn sẽ thể hiện một ý
nghĩa trọn vẹn trong tổng thể của tác phẩm, rất giống với hình thức tổ chức của
chương hồi, nhưng nó không phải là chương hồi. So với chương hồi, hình thức này
có vẻ hiện đại hơn, vì nó gắn với đời sống báo chí trong xã hội hiện đại. Văn
chương feuilleton là sản phẩm của sự “liên minh” giữa báo chí và văn học. Sản phẩm đó từng
xây dựng nên những cuốn tiểu thuyết đồ sộ hàng ngàn trang, từng là niềm say mê,
hứng thú cho độc giả Nam Bộ một thời.
Tiểu thuyết feuilleton và tiểu thuyết chương hồi thường ít miêu tả tâm lý
nhân vật. Nhân vật thường được tả đại lược, ít cá thể hóa. Nhà văn tả nhân vật
nhằm mục đích là để người đọc hình dung được một loại người trong xã hội.
Tiểu thuyết chương hồi có một lịch sử phát triển
lâu dài, đi từ quá trình đúc kết và hệ thống hóa các thoại bản dân gian, sự
trau chuốt tu sức của các trí thức đã tạo ra nhiều tác phẩm cổ điển. Tiểu
thuyết đại chúng của nhiều nhà văn trên thế giới đã trở thành kiệt tác của nhân
loại. Tiểu thuyết đại chúng Nam Bộ theo thời gian người ta vẫn ưa chuộng Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Bửu
Đình.
Từ những vấn đề đặt ra, chúng tôi cho rằng văn học
đại chúng phải trở thành đối tượng quan trọng của các nhà nghiên cứu vì hai lý
do. Thứ nhất là việc một số tác phẩm văn học đại chúng đã và sẽ trở thành những
tác phẩm văn học thuần túy mẫu mực. Thứ hai là không thể phủ nhận sức mạnh, tầm
ảnh hưởng của các tác phẩm văn học đại chúng trong văn học mọi thời kỳ mà trường
hợp văn học Nam Bộ là một ví dụ điển hình. Từ thực tế không thể phủ nhận, một
cuốn lịch sử văn học nghiêm túc có cần triển khai một chương viết về văn học
đại chúng hay không?
Viết bài này, chúng tôi đã nhận được những gợi dẫn
thú vị và sự khích lệ từ PGS. TS Lê Giang. Nhân đây xin chân thành cảm ơn PGS.
Những kết luận sai lạc trong bài viết thuộc về chúng tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét