Khiemnguyen

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

TIỂU THUYÉT FEUILLETON (1)



SO SÁNH TIỂU THUYÉT FEUILLETON NAM BỘ TRƯỚC 1945 
VÀ TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI


TÓM TẮT
Tiểu thuyết Nam Bộ ra đời gắn với sự phát triển của báo chí. Do vậy phần lớn các tác phẩm xuất hiện dưới dạng feuilleton. Tiểu thuyết feuilleton mang những đặc tính xã hội giống tiểu thuyết chương hồi: bình dân, đại chúng. Về phương diện nghệ thuật, chúng có sự gặp gỡ ở việc chú trọng xây dựng cốt truyện tự sự, các thủ pháp mô tả nhân vật... Đặc biệt trong tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ XX có sự thẩm thấu của dạng thức feuilleton và chương hồi và rất hấp dẫn đại chúng. Từ những vấn đề đã đặt ra, chúng tôi cho rằng văn học đại chúng phải trở thành đối tượng quan trọng của các nhà nghiên cứu.
Văn học đại chúng (Mass literature) ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại. Văn học đại chúng có mục đích giải trí, phục vụ một lớp người bình dân, chiếm đa số trong xã hội. Văn học đại chúng, theo nghĩa rộng bao gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện tranh, thi ca bình dân, kịch bản phim truyền hình,... gắn liền với sự phát triển của các phương tiện truyền thông như báo chí, phim ảnh. Trong đó tiểu thuyết là thể loại chủ lực của văn học đại chúng.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, văn học đại chúng: “Còn gọi là văn học thông tục. Bộ phận văn học giải trí và giáo huấn được in với số lượng lớn, phổ biến từ cuối thế kỷ XIX và nhất là thế kỷ XX... Cơ sở tư tưởng của văn học đại chúng là chủ nghĩa thực dụng. Cơ sở xã hội của văn học đại chúng là chính sách nhượng bộ đối với lớp thị dân tầm thường: dùng phương tiện sản xuất hàng loạt để nuôi dưỡng tâm lý tiêu dùng, làm nguội lạnh tính công dân tích cực của quần chúng. Văn học đại chúng không có quan hệ trực tiếp với lịch sử văn học như là nghệ thuật ngôn từ, nhưng nó là một thành tố của quá trình văn học thế k XIX - XX... Điểm mấu chốt của văn học đại chúng là làm cho người ta được can dự vào văn hóa hiện đại dưới dạng lược gọn, nó đưa ra một thế phẩm cho sự thỏa thuận thẩm mĩ. Thi pháp của nó là rập khuôn nhất là cách tả chân dung và tâm lý nhân vật, ở vần thơ và cốt truyện...” (1).
Bàn về tiểu thuyết đại chúng và đại chúng văn học, nhà phê bình Kiều Thanh Quế (1914-1947) cho rằng: “Đại chúng là bao gồm tất cả hạng dân tầm thường trong một nước. Tiểu thuyết ngày nay cũng nằm trong văn học đại chúng. Tiểu thuyết của đại chúng không thiên trọng về lối phô diễn cầu kỳ. Tánh chất, giá trị của nó là giản dị, đẹp và thật: dùng rất ít lời văn mà tả nên bức tranh linh hoạt đầy thi vị. Đó là yếu tố của đại chúng văn học. Tiểu thuyết đại chúng không vị nghệ thuật mà vị nhân sinh. Vị nghệ thuật là chú trọng ở lời văn. Vị nhân sinh là chú trọng ở hứng thú. Đại chúng là hạng người lao khổ, cả ngày vất vả với sống còn. Một khi được thảnh thơi mó đến quyển tiểu thuyết họ không cần gì hơn được tìm trong ấy một vài hứng thú, để qua những giờ nhàn rỗi vô vị. Tiểu thuyết đại chúng hiện có mấy loại: 1. Trinh thám tiểu thuyết, 2. Lịch sử tiểu thuyết, 3. Võ hiệp tiểu thuyết, 4. Diễm tình tiểu thuyết, 5. Phiêu lưu tiểu thuyết, 6. Giáo dục tiểu thuyết, 7. Xã hội tiểu thuyết” (2). Nhà phê bình cũng cho biết thêm những loại tiểu thuyết vừa kể trên ở Âu Mỹ đều có đủ, đặc biệt là ở nước Anh. Đồng thời Kiều Thanh Quế xếp các tiểu thuyết của Thế Lữ, Phạm Cao Củng vào loại trinh thám; tiểu thuyết Phú Đức vào loại võ hiệp; tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Lan Khai vào loại lịch sử; tiểu thuyết của Song An, Khái Hưng, Nhất Linh vào loại diễm tình; tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương vào loại xã hội. Những ý kiến của Kiều Thanh Quế cho thấy sự ảnh hưởng của tiểu thuyết đại chúng phương Tây đến nền tiểu thuyết Việt Nam. Và có lẽ Kiều Thanh Quế đã tiếp nhận được các đánh giá phẩm bình của các nhà nghiên cứu phê bình phương Tây để vận dụng vào trường hợp Việt Nam. Tiếc rằng, trong đánh giá xếp loại, nhà nghiên cứu chỉ thiên về các tác giả đất Bắc.
Nguyễn Nam Trân trong Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, chương Văn học đại chúng Nhật Bản hiện đại cho biết: “Từ điển Kôjien của Nhật định nghĩa văn học đại chúng như một hình thức đối lập với văn học thuần túy và nhắm quần chúng độc giả bình dân. Trong loại này có thể kể đến các loại tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết      trinh thám (người Nhật gọi là tantei tức “thám trinh”, suiri hay suy lý, deduction), tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết tình cảm có tính chất gia đình hay yếu tố khôi hài” (3). Nguyễn Nam Trân đã khảo sát văn học đại chúng Nhật Bản ở các thể loại: tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tân thời, tiểu thuyết trinh thám và suy luận, tiểu thuyết khoa học giả tưởng. Trong quan niệm của ông, văn học đại chúng có nghĩa định lượng hơn định tính, nhằm chỉ một lớp người khá thuần nhất về mặt văn hóa, không có đặc tính giai cấp và hầu như cấu thành bởi lớp người trung lưu, chiếm đa số trong xã hội Nhật giai đoạn kỹ nghệ hóa.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã dùng khái niệm “văn học thông tục” hay “tục văn học” để chỉ bộ phận văn học có tính bình dân, đại chúng, đối lập với bộ phận văn học chính thống bác học. Về thể loại, văn học thông tục Trung Quốc bao gồm: dân ca, ca dao, truyền thuyết, truyện cười, câu đố, khúc, các loại tiểu thuyết thông tục, giảng sử, thoại bản, v.v...
Như vậy, văn học đại chúng có những vấn đề lý luận và thực tiễn đáng chú ý sau:
Thứ nhất, văn học đại chúng ra đời và phát triển gắn liền với các loại phương tiện truyền thông đại chúng, phục vụ những cá nhân ở đô thị. Ở phương Đông, văn học đại chúng phát triển từ cội nguồn văn học dân gian, cùng với sự lớn mạnh của các đô thị và thể loại quan trọng là tiểu thuyết thông tục, trong đó tiểu thuyết chương hồi có một vị trí hết sức quan trọng.
Thứ hai, văn học đại chúng có các đặc điểm đáng chú ý là viết về cuộc sống đời thường, trình bày đơn giản, hướng đến người đọc rộng lớn và có tính chất giải trí.
Thứ ba, văn học đại chúng là một thành tố của quá trình văn học và khó có thể phân định rạch ròi ranh giới giữa văn học thuần túy và văn học đại chúng. Vấn đề xác định những tác phẩm nào thuộc về văn học đại chúng, loại nào thuộc văn học thuần túy và loại nào có tính chất trung gian là cần thiết trong nghiên cứu đánh giá nhưng không mấy dễ dàng. Môi trường văn học đại chúng có ưu thế lan tỏa, dễ tạo nên sự nổi tiếng đã khuyến khích nhiều tác giả thuộc dòng văn chương thuần túy ghé qua. Cũng có tác giả viết văn chương đại chúng nhưng nhờ tài năng nghệ sĩ, tác phẩm lại trở thành văn chương thuần túy và theo thời gian trở thành cổ điển. Do vậy, công việc viết văn học sử không chỉ đề cập đến những tác phẩm thuộc dòng văn chương thuần túy mà cần chú ý đền dòng văn chương đại chúng.
*
Văn học Nam Bộ cuối thế kỷ XIX - 1945 xuất hiện dòng văn chương đại chúng bên cạnh văn chương thuần túy. Văn chương Nam Bộ buổi đầu gắn với sự ra đời của báo chí. Báo chí buổi đầu đã cho thấy khả năng phổ biến thông tin và giải trí vô cùng to lớn trong xã hội hiện đại. Nhiều tờ báo ở Nam Bộ đã chọn lớp người chiếm số đông trong xã hội là người lao động bình dân để phục vụ. Giá bán của một tờ báo thường lấy giá của một li cà phê sáng của một người lao động bình thường trong xã hội làm chuẩn. Nhà văn Sơn Nam cho rằng, làm báo thời kì đầu là nghệ thuật quản lí, vì toà soạn giống như một xí nghiệp, nuôi sống công nhân, người làm báo, ngoài số kí giả, nhà văn. Các báo muốn tồn tại được cần hướng đến lớp độc giả đông đảo là những người lao động bình dân ngoại trừ các tờ báo được sự bảo hộ của nhà cầm quyền phục vụ cho mục đích chính trị. Mỗi tờ báo muốn thu hút người đọc cần phải đề cập đến nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, ưu tiên tính chất thông tin và khoa học, cách trình bày đơn giản và dễ hiểu. Lần mở lại các tờ báo thời kì đầu chúng ta không khỏi ngạc nhiên. Bên cạnh các bài biên khảo, tin tức thời sự, chiến sự, tiểu thuyết đăng nhiều kì (cả loại sáng tác và dịch), để lộn xộn bên những bài quảng cáo, rao vặt, hiếu hỉ. Dần dà, các mục tiểu thuyết (dạng feuilleton) trên báo ngày càng được chú ý trau chuốt, chăm sóc, vì đây là điểm nhấn quan trọng thu hút độc giả. Một số tờ báo về sau đã phát huy tốt điều này khi dành cho tiểu thuyết một vị trí quan trọng trên tờ báo, chẳng hạn như các tờ Phụ nữ tân văn, Lục tỉnh tân văn, Trung lập, Công luận, Bình dân, Đuốc nhà Nam. Theo Nguyễn Thị Thanh Xuân “Chúng ta đã biết báo chí làm nên phê bình văn học, nhưng ở Nam Bộ đầu thế kỷ, báo chí cũng làm nên tiểu thuyết. Và như vậy, vượt ra khỏi tính chất là một phương tiện thông tin, báo chí Việt Nam lúc bấy giờ đã là một sân chơi văn học dành cho đại chúng(4). Có điều lạ, các tiểu thuyết sau khi đã đăng báo được in lại thành sách vẫn còn thu hút độc giả.
Có sự tương đồng trong quá trình hiện đại hóa văn học giữa Việt Nam và Nhật Bản khi nền văn học mới bắt đầu gắn với báo chí và thể loại chủ lực là tiểu thuyết. Tiểu thuyết feuilleton ở Nhật xuất hiện khá sớm vào những năm đầu thời Minh Trị (Meiji). Báo chí Nhật thời này được chia làm ba loại: loại đại tân văn (báo lớn) nhắm đến độc giả trí thức, nặng về chữ Hán, nội dung bình luận về chính trị, thời cuộc; loại trung tân văn (báo vừa) nhắm đến số lượng lớn độc giả trong xã hội; loại tiểu tân văn (báo nhỏ) dành cho người đọc ít học, viết bằng chữ quốc ngữ hiragana. Theo Nguyễn Nam Trân “những tiểu thuyết đăng nhiều kỳ (romans-feuilletons) trước tiên đăng trên các loại báo nhỏ nhưng sau đó đã ăn lan sang các loại báo khác khi kiểu thương mãi này chứng tỏ được độc giả ưa chuộng”(5).
Tiểu thuyết feuilleton mang những đặc tính xã hội giống tiểu thuyết chương hồi: bình dân, đại chúng. Chúng tôi coi tính chất bình dân, hướng về đại chúng của văn học là một biểu hiện của cận đại hóa. Khi văn học từ hệ hình chú trọng chủ yếu chức năng thù tạc, quà tặng chuyển sang hệ hình mới mang chức năng giải trí thuần túy hướng tới số đông. Với văn học Nam Bộ, nói riêng bộ phận tiểu thuyết, đặc tính này cho thấy tính chất hiện đại sớm.
Tiến hành những so sánh giữa tiểu thuyết feuilleton ở Nam Bộ trước 1945 (6) và tiểu thuyết chương hồi (ở đây xin hiểu là những tiểu thuyết chương hồi cổ điển Trung Quốc) chúng tôi hướng đến lý giải những tương đồng và khác biệt ở góc độ loại hình: một loại là sản phẩm điển hình của văn học có tính chất thông tục của phương Đông và một loại tiêu biểu cho tính chất đại chúng trong văn học của phương Tây. Riêng ở Nam Bộ, cần tính đến một thực tế là trước khi tiếp xúc và vận dụng kỹ thuật của phương Tây thì tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc đã trở thành hình mẫu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét