(Nguyễn Bùi Khiêm) Gần đây, trên các diễn đàn
chính thức và không chính thức, đã có nhiều ý kiến được đưa ra xung quanh vấn
đề có nên ăn Tết theo lịch dương hay không? Ngày đầu năm ngồi vào bàn làm việc,
giở lại những trang báo xưa, thấy trên báo Đông Phương có một bài đã bàn về vấn
đề này… Cảo thơm lần giở, xin giới thiệu toàn văn với các bạn.
CÂU
CHUYỆN CUỐI NĂM
Ngày Tết đã gần tới nơi, mà xem quang cảnh trong nước không thấy có gì là vui vẻ như mây năm về trước, khi nước An Nam còn đương an giấc ngủ mê trong cuộc
thái bình… (mất chữ). Dân Việt Nam hình
như đã biết tỉnh thức mà lo xa. Vả lại, tình hình kinh tế quẫn bách như ngày
nay thì dẫu chẳng có tư tưởng gì cũng không thể cứ việc cờ bạc
thâu đêm, rượu chè hàng tháng được. Vậy cái quang cảnh bình tĩnh ngày nay trái với cái quang cảnh tấp nập khi xưa,
tuy hiện tại có vẻ đáng buồn, nhưng chính là chỗ có hy vọng sau này vậy...
Bởi kỹ nghệ và
thương mại nước ta sánh với khi xưa đã tiến bộ nhiều lắm nên dân gian không chỉ
cứ đến dịp Tết thì nghỉ việc hàng mấy tuần lễ để cùng nhau sắm Tết và thưởng
mãn...
Vì sao mà quan cảnh cuối chạp năm nay lại có vẻ
vừa buồn vừa nghiêm?
Có hai nguyên
nhân, một nguyên nhân về kinh tế, một nguyên nhân
về chính trị. Nguyên nhân về kinh tê: Cuộc
“toàn cầu khủng hoảng về kinh tế” đã làm náo động
cả các nước trong thế giới, thì cũng
chẳng trừ gì nước ta, là nước cũng có giao thiệp nhiều với ngoại quốc trên
trường thương mại. Hầu hết các nhà buôn trong nước, từ hiệu to cho đến hiệu nhỏ
ai ai cũng kêu ca là sự buôn bán ngày
một khó khăn. Toàn thể dân ta đều phải trải qua một cơn túng bấn, chỉ trừ ra một số rất ít là những nhà cự phú là vẫn được phong lưu như
thường mà thôi...
Lại còn việc định rằng thuế xuất cảng cũng làm
cho thóc gạo trong nước không bán đi được mấy tí hoặc phải bán giá rất hạ, thành ra
các nhà nông cũng không còn moi đâu ra tiền để sắm đồ tết nữa.
Nguyên nhân về
chính trị - Vì những việc biến động vừa qua, việc canh phòng bội phần cẩn mật, nên các người nhà quê nay có
muốn ra tỉnh để sắm đồ tết, nhưng cũng ngại, ngại vì nỗi đi ra ngoài địa
phận hoặc bị khám xét lôi thôi chăng. Tuy các nhà chức trách chỉ làm việc trong
bổn phận mà thôi nhưng dân quê vẫn còn sợ những quân vô lại hay mượn gió bẻ măng, quấy bèo ra bọ.
Sau nữa, vì dạo này mới xảy ra lắm cuộc “tống tiền” và “cướp của” nên
nhiều người dân sẵn tiền mà cũng chẳng dành mua sắm nhiều quá vì sợ hở tiếng thì khó
lòng tránh khỏi những cái nạn cửa nói trên kia.
Vậy Tết năm nay
chắc là buồn tênh, nhà nghèo thì chẳng có của đâu mà ăn Tết, nhà giàu thì sợ bị tống tiền, bị cướp của, thành ra không mấy
người dám xa xỉ ra mặt nữa. Vả lại những việc xa xỉ theo lối cổ thì ta trừ bỏ
đi cũng là phải.
Nay lại còn một điều ta nên chú ý là việc bãi âm lịch
của người Tàu người Nhật. Vậy chúng ta còn đợi gì mà chưa theo dương lịch, ăn
tết vào ngày mồng một tháng giêng tây. Tất cả các liệt cường trên thế giới đều
theo dương lịch mà chỉ mình ta lại cứ giữ nguyên âm lịch, thì có phải là một
điều rất phiền phức mà chẳng có ích lợi gì không?
Vậy chúng ta nên mong rằng năm nay là năm cuối cùng
các thói hủ của nước Nam. Từ sang năm trở đi, chúng ta sẽ bước vào một cái thời
kỳ cải cách lớn lao.
Dân Việt Nam sẽ
cùng với các dân tộc tân tiến trên hoàn cầu, quả quyết đứng lên xây dựng lại nền kinh tế.
|
Ngoan Tiên
Đông Phương, số 359, 1931
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét