3. Châm biếm - đặc trưng cơ bản của tiểu phẩm
Trong báo chí, ngưòi ta
căn cứ vào ba tiêu chí sau đây để phân loại các tác phẩm và phân biệt sự khác
nhau giữa các thể loại. Đó là:
- Đối tượng phản ánh;
- Mục đích, nhiệm vụ;
- Phương pháp phản ánh, phương tiện sáng tạo.
Tính chất khác biệt của
mỗi thể loại báo chí không phải do một trong những đặc điểm này mà do ở toàn bộ
những đặc điểm trên. Xét về khung thời gian, đối tượng phản ánh của báo chí hẹp
hơn nhiều so với đối tượng phản ánh của văn học. Nếu trong văn học, người ta có
thể viết tiểu thuyết lịch sử, chuyện viễn tưởng thì trong báo chí, quá khứ chỉ
là bối cảnh cho cái thời sự và tương lai là xu hướng vận động trên những cơ sở
có thực của hiện tại. Cái cơ bản, trọng yếu nhất của báo chí là cái hiện thời
cụ thể có tính thời sự, thời cuộc, trong đó nội dung chính trị tư tưởng được ưu
tiên.
Cũng như các thể loại tác
phẩm báo chí khác, đối tượng phản ánh của tiểu phẩm báo chí là hiện thực đời
sống xã hội đương thời, nhưng hiện thực ấy thu hẹp lại trong phạm vi cái xấu
của kẻ thù và cái xấu của nội bộ xã hội, dân tộc. Chúng ta thấy đối tượng phản
ánh trong tiểu phẩm của Ngô Tất Tố rất phong phú. Nó bao gồm những cái xấu của
chế độ thực dân, phong kiến thời kỳ trước năm 1945 với sự độc ác, ích kỷ của bọn thực dân Pháp, sự
hèn đớn, ngu muội, dốt nát của bọn phong kiến bán nước hại dân, những hủ tục mê
tín, dị đoan, thói ham tiền, ham danh vọng, ham địa vị, bán rẻ nhân phẩm của
một số kẻ dại dột, lạc hậu, cả tin, phản dân tộc trong nội bộ nhân dân... Trong
tiểu phẩm của mình, Hồ Chí Minh tập trung ngọn đòn chính về phía kẻ thù dân
tộc, bọn thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Qua những cái xấu cụ thể biểu
hiện trong những sự kiện sinh động của kẻ thù, bằng ngòi bút châm biếm sâu cay,
Người vạch trần bản chất phản động, dối trá, vô nhân đạo của chúng.
Tiểu phẩm của Hồ Chí
Minh, của Ngô Tất Tố và của các tác giả ở nước ta cũng như thế giới đều là một
thể loại châm biếm, tạo nên tiếng cười (tiếng cười hiểu theo cả nghĩa bóng).
Nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng nhiệm vụ, mục đích của tiểu phẩm chỉ là gây cười.
Bản thân cái cười có nhiều cung bậc, nhiều khía cạnh và nảy sinh trong nhiều
điều kiện cụ thể khác nhau. Trong dân gian nói: “36 điệu cười” là để chỉ sự
phong phú, sinh động của cười. Trên thực tế, cái cười sinh động, phong phú hơn
nhiều con số 36. Cười có khi chỉ là kết quả sự đùa vui, không ác ý như kiểu
“chồng còng mà lấy vợ còng, nằm phản thì chật, nằm nong thì vừa”. Nhưng có
tiếng cười biểu thị sự phản kháng, sự căm ghét. Thậm chí “cái cười nhiều khi có
sức mạnh giết người”(8). Lu-na-sac-xki đã nhận xét “Cười là một vũ khí quan
trọng của kỷ luật xã hội thuộc một giai cấp nhất định hoặc là một hình thức gây
áp lực của một giai cấp này đối với một giai cấp khác”(9). Ở một khía cạnh khái
quát có tính lịch sử, nói như Xích Điểu “tiếng cười là yêu cầu của cuộc sống
đang vươn lên. Vì thế con người đưa đám một hình thái xã hội của họ không phải
bằng những điệu kèn lâm khốc bi ai, mà bằng những tiếng cười vui vẻ”. Tiếng
cười châm biếm, phê phán trong tiểu phẩm cũng là tiếng cười như thế, tiếng cười
tỉnh táo, có phân biệt đối xử, tiếng cười của kẻ mạnh, tiếng cười có nhiều cung bậc, ý
nghĩa khác nhau.
Khi đề cập đến những cái
xấu, lạc hậu, lỗi thời trong nội bộ dân tộc, nội bộ đất nước, “cười là vũ khí
quan trọng của kỷ luật xã hội”. Nó là sự phê bình những cái xấu, cái hạn chế
nhằm mục đích xây dựng, phát triển cái mới, cái đẹp, làm cho xã hội ngày càng
tốt hơn. Tiểu phẩm “Làm thế nào cho lạc thêm vui” (10) của T.L (Hồ Chí
Minh) thuộc dạng ấy. Tác giả viết:
“Dân Nghệ nhà choa
Mỗi năm ăn quà
Hết chín ngàn bảy tấn gang”.
Tác giả nói một điều mà
khi mới nghe thật vô lý, nhưng đọc kỹ lại thấy có lý. Bởi vì, mỗi năm xứ Nghệ
ăn quà mất 650 tấn lạc. Vói số lạc đó có thể xuất khẩu đổi lấy 9.750 tấn gang
để xây dựng đất nước, cho
nên:
“Làm thế nào cho lạc thêm
vui
Đổi lấy máy móc thì bày tui quyết làm!”.
Tác giả phê bình sự lãng
phí trong điều kiện đất nước mình còn nghèo. Sự phê bình nhẹ nhàng, dí dỏm
nhưng lại rất sâu sắc, đầy sức thuyết phục. Cười trong tiểu phẩm này đâu phải
chỉ để cười. Tiếng cười ở đây
trở thành đại diện cho cái tốt đẹp, cho kỷ luật xã hội để phê bình cái xấu,
những hiện tượng không phù hợp với cái chung tiến bộ của xã hội.
Đối với kẻ thù, cười
trong tiểu phẩm thuộc về những cung bậc khác. Đó là cười sâu cay, tiếng cười
phê phán để đánh đổ, tiêu diệt cái ác. Tiếng cười ấy, chính là “hình thức gây
áp lực của giai cấp này đối với giai cấp khác”, của một dân tộc đối với kẻ thù
xâm lược đang dày xéo
lên Tổ quốc thân yêu. Ngọn đòn của tiểu phẩm phơi trần bản chất kẻ thù ở những
khía cạnh xấu xa nhất, phản
động nhất qua những sự kiện, vấn đề thời sự sinh động không thể chối cãi. Ở thế của kẻ mạnh, là vũ khí của kẻ mạnh, tiếng
cười khi cất lên chứa đựng sự khinh bỉ, dấy lên sự phẫn nộ, căm thù, lúc lại
lắng xuống châm biếm sâu cay, chứng minh sự diệt vong tất yếu của kẻ thù. Ở tiểu phẩm “Uỵch” (11) của C.B (Hồ Chí Minh), sau khi nêu những chứng cứ rõ ràng về sự thất bại
của thực dân xâm lược Pháp, tác giả kết luận: “Giặc Pháp người chết, của hết,
đã làm cho chính phủ Pháp đổ, lại làm cho tướng giặc Pháp là Tát-xi-nhi ốm gần
chết, phải vào nhà thương. Nghe nói có sáu thầy thuốc săn sóc hắn. Rất có thể
sáu người khiêng quan tài sẽ thay thế cho sáu thầy thuốc, để đưa hắn ra khỏi
nhà thương và cho vào địa ngục”. Tiếng cười ở đây mang tính giễu cợt sâu cay.
Đằng sau tiếng cười giễu cợt
là thế thất bại không thể tránh khỏi của bọn thực dân xâm lược Pháp.
Thậm chí, có những tiểu
phẩm không thể gây cười khi
đề cập đến những mâu thuẫn nào đó trong nội bộ nhân dân, nội bộ kẻ thù và buộc
người đọc phải suy nghĩ đến những vấn đề sâu xa. Khi viết về hai trường họp tự
tử trong tiểu phẩm “Chán đời là phải (12),
ngòi bút châm biếm của Ngô Tất Tố vẫn chứa đựng sự xót xa, thông cảm. Trước
những cái chết như thế không ai có thể cười. Nó buộc người ta phải nghĩ đến
những điều cơ bản sâu xa đằng sau đó: nguyên nhân cái chết ấy là gì? Kẻ nào
phải chịu trách nhiệm về những cái chết đó?
Nói chung, trong mỗi
tiểu phẩm, người viết đều sử dụng vũ khí là tiếng cười. Việc tạo ra tiếng cười
châm biếm trong tiểu phẩm báo chí là cả một nghệ thuật, về cơ bản, nghệ thuật
gây cười trong tác phẩm dựa vào việc thiết lập nên những mối quan hệ mâu thuẫn, những liên hệ bất ngờ, những tình huống éo le với nhiều tầng lớp
nghĩa, nhiều cách hiểu không cùng chiều. Nhưng trong từng trường hợp, tính chất
của cái cười đó khác nhau, nó luôn là biện pháp thể
hiện ý đồ tác giả, thể hiện thái độ của tác giả đối với cái
ác, cái xấu đã được phản ánh và lên án. Hơn nữa, tính chất,
liều lượng của cái cười tạo nên trong tiểu phẩm báo chí phụ thuộc rất nhiều vào
tài năng, đôi khi vào những phẩm chất cá nhân thuần tuý năng khiếu của tác giả.
Một đặc trưng cơ bản
của tiểu phẩm là sự kết hợp giữa những phương pháp thể hiện của báo chí và thủ
pháp nghệ thuật của văn học, giữa ngôn ngữ thông tin chính luận với ngôn ngữ
hình tượng nghệ thuật. Sự kết hợp này rất phong phú, sinh động tuỳ
theo tài liệu về sự kiện khách quan và tài năng của người viết. Tất nhiên khả năng và mức độ sự kết
hợp này cũng nằm trong phạm vi khống chế của những quy luật sáng tạo trong báo
chí là ưu tiên nội dung chính trị tư tưởng, đáp ứng kịp thời yêu cầu thông tin
của xã hội do những nhiệm vụ chính trị - xã hội đặt ra, tôn trọng hoàn toàn
tính chân thật khách quan của sự kiện. Trong các tiểu phẩm của Hồ Chí Minh, Ngô
Tất Tố, Xích Điểu, Lã Vọng v.v... đều có sự kết hợp rất linh hoạt giữa các yếu
tố của chính luận, tự sự, thông tin và thơ ca, hò vè, ca dao dân ca v.v... Đôi
khi, trong các tiểu phẩm còn có cả hình thức đối thoại của kịch bản sân khấu,
hình thức điểm tin thời sự có sự so sánh, đối lập tạo ra mâu thuẫn. Với một
dung lượng rất nhỏ so với các thể loại ký, phóng sự, tường thuật... nhưng vốn
từ sử dụng trong tiểu phẩm rất phong phú.
Từ sự phân tích trên, có
thể kết luận: Tiểu phẩm báo chí là một thể loại châm biếm có tính chiến đấu cao, kết hợp sinh động giữa nội dung và
phương pháp thể hiện của báo chí với các thủ pháp nghệ thuật của văn học, sử dụng vũ khí là tiếng cười, nhằm biểu thị thái
độ đối với cái xấu của nội bộ xã hội và kẻ thù đã được phản ánh chân thật và
vạch trần bản chất.
Cho nên - nói như Xích
Điểu “Việc Bác Hồ của chúng ta cũng đã nắm lấy vũ khí sắc bén này từ những ngày
đầu hoạt động cách mạng không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên”(13).
Chú thích:
1. C.Mác -
Tiểu sử, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1975, trang 377.
2. Trong
cuốn “Thơ văn
trào phúng Việt Nam
(phần văn viết từ thế kỷ XIII đến năm 1945)”, NXB Văn học, Hà Nội, 1974, trang
385, Vũ Ngọc Khánh cho rằng tác phẩm “Tên là gì?” Đ.T.L đăng ở tờ “Đăng cổ tùng báo” năm 1907 “là một trong những tiểu phẩm châm
hiếm văn xuôi đầu tiên ở nước ta. Nó ra đời trong phong trào Duy Tân, có dụng ý
đả kích vào óc phẩm hàm, thói hư danh và muốn đề cao thực nghiệp theo khuynh
hướng tư sản” và bút danh Đ.T.L “có lẽ là Đào Thị Loan, một biệt hiệu của Nguyễn Văn Vĩnh”.
3. Xem thêm trong: Ngô Tất Tố - Tác phẩm 1, tập 1 -
Hà Minh Đức sưu tầm và
giới thiệu . NXB Văn học,
Hà Nội 1975; Văn học
Việt Nam 1900 – 1945” NXB Giáo dục, Hà Nội 1997 - Chương XIII: Ngỗ Tất Tố do Phan Cự Đệ viết.
4. Các thể
loại báo chí
Xô Viết
(Sách tiếng Nga) NXB Đai hoc Mat xco va 1972, trang 354.
5. Nhiều tác giả: Tập Nghiên cứu
hình luận chọn lọc về thơ văn Hồ Chủ tịch NXB Giăo dục, Hà
Nội, 1978, trang 289.
6. Sách trên, trang 290.
7. W.Wal-ther. (Viện Báo chí quốc tế Béc-lin): Các thể tài báo chí, tập2, Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Nội, 1977, trang 4.
8. Các thể loại báo chí Xô Viết (sách
tiếng Nga) NXB Đại học Mát-xcơ-va 1972, trang 355.
9. Sách trên, trang 355.
10. Báo Nhân dân, ngày 14-3-1962.
11. Báo Nhân dân, ngày 17-1-1952 (Khi
bài này lên khuôn thì Tát-xi-nhi đã chết thật).
12. Ngô Tất Tố Tác phẩm, tập 1, NXB
Văn hoá, Hà Nội 1975.
13. Nhiều tác giả: Tập nghiên cứu
bình luận chọn lọc về thơ văn Hồ chủ tịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1978,
trang 289.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét