Khiemnguyen

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Văn hóa thời tạp kỹ



“Variety show” là tên gọi một loại chương trình có tổng hợp đủ mọi loại hình biểu diễn trong cùng một show, tiếng Việt dịch là chương trình “tạp kỹ”. Dạng này đang hot ở ta đến mức có chương trình tạp kỹ đã từng được coi là đỉnh cao nghệ thuật. Cái sự tạp kỹ này sang tiếng Việt nó mang nhiều ý nghĩa hơn cả “variety”. Show diễn dạng này chẳng những chỉ tồn tại trên sân khấu nhà hát mà đã lan rộng ra cả sân khấu cuộc đời. Một sân khấu giải trí khổng lồ có khi tạp khi kỹ, cũng có khi trộn lẫn cả hai.
1. Chuyện “bia hơi kèm lạc”:
Nhớ thời bao cấp ở Hà Nội, bia hơi ngon nhưng hiếm, những quả bom bia lạnh toát được chở thẳng từ nhà máy đến quán bia vỉa hè, chảy qua những ống hút nhựa vào từng vại, sóng sánh, mát lạnh mà chẳng cần đá đó người ta chưa biết đến thị trường, bia cũng sản xuất theo chất lượng và chỉ tiêu nên rất khan, không đủ cầu. Vậy nên mới phải có trò bán bia bắt buộc kèm lạc (đậu phộng) và những đồ nhắm khác. Một vại bia kèm một suất mồi. Thế nên đôi khi mua lạc mà chẳng ăn hết vì nhiều quá, nhưng vì muốn uống bia nên vẫn phải mua, người ta gọi là “bia kèm lạc”. Bây giờ thời “khuyến mãi”, bia chai, bia lon, bia tươi các loại, nhiều hơn nước lã, cả nước vừa uống vừa được khuyến mãi đủ thứ vẫn không hết, khuyến mãi quà tặng, tiền bạc, xe hơi…, lại còn có mấy em xinh tươi váy ngắn chân dài liên tục khui chai dùm và tiếp đá.  Hà Nội bây giờ uống bia cần đồng thanh: “1,2,3 dzô!” còn xôm hơn cả Sài Gòn, bất kể dzô bằng cách nào và dzô cái gì. Những ngón tay mất vệ sinh cứ ngoáy tròn cho đá nhanh tan, người ta nốc thật nhiều nước đá pha bia mà chẳng quan tâm đến cái sự nhạt nhẽo. Kệ, thời nay người ta chỉ cần vui và cần số lượng. Gu ẩm thực tỷ lệ nghịch với số đo vòng bụng. Thời của ăn và uống tạp!
Nhưng vẫn còn số ít những thực khách vẫn trung thành với bia hơi từ bom, hoặc rủng rỉnh và cầu kỳ hơn thì ướp sẵn ly và bia trong tủ lạnh, rồi điệu nghệ nghiêng cả chai và ly cùng lúc thật khéo léo để có được lớp bọt phồng căng khi vừa chờm tới mép ly mà không bị trào ra ngoài. Ly chạm miệng cũng là lúc bọt bia tan nhẹ trên môi cùng vị bia nguyên chất mát lành chạm, tràn vào lưỡi. Ai tạp thì cứ tạp, ai kỹ thì vẫn kỹ!
2. Chuyện chiếc piano để… làm sang nội thất
Có lẽ khi Hayden, Bach và các sư tổ âm nhạc phương Tây lúc cải biến chiếc đàn klavise thành đàn piano như ngày nay cũng không thể tưởng tượng được có một ngày, piano lại bị một đối thủ vốn là con cháu sinh sau cạnh tranh và lấn át dữ dội đến thế. Bậc hậu sinh đó là chiếc đàn piano điện hay còn gọi là organ. Chiếc đàn thấp bé, nhẹ cân, thậm chí còn rẻ tiền hơn mà lại lắm chức năng, nhiều trong một. Nó thay thế cho cả dàn nhạc, tiện lợi và hoàng tráng, nhưng không thay thế được cảm giác của những ngón tay trên bàn phím, không thay được tiếng gõ của búa vào dây, bởi vậy tiếng nó khô khốc, dễ đánh nhưng vô cảm. Vậy mà người ta vẫn thích và quen nghe dần đàn điện, nhạc công organ ngày một nhiều, ít ai nghe piano nữa. Nhưng ngành sản xuất đàn thì không chết, piano nhập về Việt nam ngày càng nhiều, bán rất chạy vì người ta đã phát hiện ra nó có một tác dụng vô cùng hữu hiệu: tác dụng làm sang nội thất. Bây giờ phòng khách sang phải có piano, ai đánh? Trẻ con! Đánh thế nào? Tính sau! Càng giàu càng mua đàn đắt, đàn to. Những chiếc ắc cơ ba chân nhập không kịp để bán. Nhạc cổ điển đã từ bỏ nhà hát để đi sâu vào từng gia đình. Những buổi hòa nhạc vẫn  ngày càng thưa thớt người xem…
Văn hóa nghe đã thay đổi chóng mặt, khi cái tai đã không cảm thụ được độ tinh tế của cây đàn, của giọng hát thì nó rất cần sự hỗ trợ, cần hàng bán kèm cho những giác quan khác. Đi nghe nhạc bây giờ được khuyến mãi ngày càng nhiều phần nhìn. Ca sĩ đua nhau đi học nhảy thay vì học hát, sân khấu tràn ngập vũ công thay thế cho nhạc công. Chỉ cần một chiếc mini disc, một vũ đoàn, một bộ đồ lấp lánh là có thể hành nghề. Giọng ca ư? Có cần thiết không khi mà có hát khán giả cũng chẳng hiểu, chẳng nghe thấy nổi một ca từ. Sân khấu thực sự là tạp kỹ với những mớ chiêu trò ngồn ngộn, bất chấp mọi phong cách hay ngôn ngữ biểu hiện. Muốn trừu tượng, hiện đại đã có màn hình LED, muốn cụ thể hay dân tộc có cảnh  tả thực, muốn kỹ xảo thì có đủ dây đu, bàn nâng, mưa gió, pháo nổ, muốn triết lý cao siêu thì đưa tôn giáo, chữ nghĩa vào múa và muốn sexy thì cởi đồ. Hát tới đâu chưa biết mà ai cũng thành “quý ông”, “nữ hoàng”, diva, divo toán loạn. Khi ca sĩ nam ngày càng nữ tính thì ca sĩ nữ ngày càng táo bạo hơn cả đàn ông. Những chiếc cổ áo ngày càng trễ xuống, những cạp quần gấu váy ngày càng co lên đến độ có cảm giác chúng sắp gặp nhau tại một điểm “chết”. Khoe càng lắm hàng giả càng nhiều. Silicon lên cùng với giá xăng dầu, điện nước. Người ta gọi là thảm họa nhưng vẫn hàng ngày trả tiền cho nó. Càng tạp càng bán được hàng.
Trong đám hỗn tạp đó, muốn làm nhạc sang, nhạc cao cấp lại có vẻ như dễ dàng. Đẳng cấp là sự khác người. Muốn sang thì cứ làm ngược lại: người ta làm đông thì mình làm ít, làm to thì mình làm nhỏ, người ta có múa thì mình có ban nhạc, người ta hát nhạc dance thì mình chơi tiền chiến, nhạc xưa, người ta điện tử thì mình giao hưởng hoặc acoustic, chẳng cần màn hình mới là sang. Càng tối giản càng đẳng cấp. Nhưng điều quan trọng nhất là âm nhạc, là tác phẩm thì lại vô cùng thiếu thốn. Nhạc sĩ thì nhiều, tác phẩm thì ít. Bài hát mới sống non. Chẳng đủ bài mới, bài hay nên dù đằng cấp và tối giản vẫn phải chiêu trò, vẫn phải ghép trẻ với già, nam với nữ, hải ngoại với trong nước, điện tử với dân gian, piano với… lên đồng. Cái mới thực ra vẫn cũ mèm, luẩn quẩn mà chưa thấy lối thoát lâu dài. Làm tạp cũng chán mà làm kỹ cũng chưa xong!
3. Chuyện về sự khai tử vô duyên của chiếc máy ảnh cơ:
Còn hẩm hiu hơn số phận chiếc piano, chiếc máy chụp ảnh bằng phim, niềm mơ ước và tự hào một thời của bao nhiêu người, nguồn cảm hứng và công cụ sáng tác của bao nhiêu tác phẩm nhiếp ảnh lừng danh đã bị khai tử lặng lẽ bởi những chiếc máy ảnh số, khai tử luôn một khái niệm, một nghề: Nghề buồng tối và hóa ảnh. Chẳng còn thú vui chơi với độ lộ sáng của lớp nhũ tương phim âm bản, ngẫu hứng với bàn tay che chắn trên giấy ảnh hay tận hưởng sự sung sướng khi tấm hình từ từ hiện lên trong chậu thuốc hiện của buồng tối. Sát thủ kỹ thời kỹ thuật số hiện nguyên hình: Photoshop. Lĩnh vực phim ảnh cũng chung số phận, chiếc máy quay phim nhựa cũng từ từ hô biến theo và thay bằng máy số. Quay phim chụp ảnh quá dễ dàng! Cứ chụp thật nhiều và nhanh, có gì đã có photoshop. Ai cũng làm phim được và đóng phim được mà chẳng cần đào tạo gì nhiều. Photoshop làm đẹp nhưng ảo đi cuộc sống, làm giả và tạp cả văn hóa nhìn.

Chưa bao giờ ngành giải trí lại tưng bừng và tạp như bây giờ. Các loại hình ngày càng cởi mở, các đề tài cũng cởi mở và các em thì càng cởi mở hơn. Một thiếu nữ quê có chút chiều cao và nhan sắc, phần lớn sẽ nghĩ đến việc đổi đời bằng ngành giải trí. Dù nàng có muốn đóng phim, làm ca sĩ, làm người mẫu hay thi hoa hậu cũng cần cởi và mở để phát triển cái danh cho mình và nuôi béo truyền thông. Không cởi đồ thì cũng “cởi lòng”. Các nàng cởi khéo thì gọi là khoe hàng, cởi vụng thì gọi là lộ hàng, mà có cởi kiểu gì thì cũng nên khoác cho nó một lý do tốt đẹp và đầy ý nghĩa. Khi em khoe trên sân khấu, có hàng chục chiếc máy ảnh số không cần phim kia bấm cò tới tấp với tốc độ của máy quay phim nên các tư thế nhạy cảm của các em đừng hòng trốn thoát. Ai không đi xem trực tiếp các em được sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng qua báo mạng. Ai cận thị thì báo sẽ zoom gần và khoanh vòng đỏ lại vùng sốc cho dễ coi. Những vòng tròn hình quả trứng khoanh vùng cơ thể các em ngày càng nhiều trên báo mạng. Tròn như số không của khái niệm đạo đức. Nhạc nhẹ có “nữ hoàng” đã ghê, đồ lót mà có “nữ hoàng” mới thực sự choáng. Cố lên các em! Chỉ cởi thêm một chút nữa thôi là nghệ thuật sẽ trở lại thời phục hưng của kỷ nguyên ánh sáng, ở thời đó, hội họa hay điêu khắc gì cũng nude hết mà chẳng cần phải vì môi trường.
Trong những thứ các em đang “cố” thì dễ nhất trên đời để thành danh là đi thi hoa hậu. Một thứ thi thố với kịch bản nhàm chán nhất trên đời mà  xứ ta ai cũng thích xem! Quán triệt tinh thần “tiên tiến, hòa nhập” thì đã có màn mặc dạ hội kiểu Tây, “đậm đà bản sắc” thì có áo dài ta, để rồi sau đó cởi sạch những thứ ấy đi còn lại mảnh vải để khoe và che món chính. Mảnh vải càng nhỏ, những con mắt mở càng to để rồi cười khoái trá với màn tấu hài “thi ứng xử”. Và vì người các em đẹp, chân thì dài  mà đầu đều thấp như nhau nên người ta phải xác định một kẻ cao hơn bằng cái thứ gọi là vương miện, thứ trang sức giả, phù phiếm khiến em nào cũng mơ ước mà không biết đằng sau đó là đại họa. Chiếc vương miện sau đó sẽ trở thành tấm bia để người ta ném đá, ném tới tấp cho đến khi có ai đó đội chiếc vương miện khác. Trên đời làm gì có ai hoàn hảo, kể cả trong cái sự mua vui. Nhưng tai họa tiếp theo cho các hoa hậu, á hậu mới thực là nghiêm trọng và thiệt đơn thiệt kép: Đời các em sẽ phải gặp trai già thay vì trai trẻ, sẽ phải gặp trai Tây thay vì trai ta và gặp trai cổ (nước hai nước ba) thay vì trai tân. Tất cả chỉ vì cái sự sung sướng mà không phải làm gì. Tất cả vì cái danh tạp cho những “người của công chúng”.
Và vì cái danh kỹ cho những “người ưu tú của nhân dân” người ta đấu nhau cũng chẳng kém. Các bô lão nghệ sĩ nhớn cũng hăng hái kiện cáo nhau vì danh, vì hiệu đến nỗi không còn tình bạn bè, đồng nghiệp, chẳng còn sự cao quí của nghề. Cái danh bây giờ hóa ra không chỉ là “danh tiếng” mà còn là “danh dự” và “danh lợi”.
Tạp, kỹ lẫn lộn cả!
Chẳng kỹ được thì đành tạp vậy, ít nhất cũng được một chuyện…
Hoài cổ nhiều quá cũng không nên vì cuộc sống luôn cần chuyển động về phía trước.  Nhưng dù sao vẫn thèm một cốc bia hơi thời bao cấp!
 Nguồn: tccl.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét