VĂN NGHỆ TRẺ- Một thể loại tưởng như không có thời hưng thịnh, tưởng như người đọc chẳng có lúc nào phải đắn đo, và cũng chẳng đến nỗi có lúc được đưa ra bàn tán, ấy thế mà đã đến lúc mọi việc đều đã đổi thay và người đọc đã phải tìm đến những cuốn tản văn, và những trang tản văn cũng đeo đuổi, bám rễ và làm trắc ẩn những nghĩ suy trong tâm hồn người đọc.
Giới hạn về thể loại đã có nhiều sự thay đổi
Được bắt nguồn từ Trung Quốc, thể loại tản văn ra đời để phân biệt với vận văn và biền văn. Có nghĩa là những bài viết không phải thơ, từ, ca, phú, khúc đều có thể được gọi là tản ăn. Song cùng với thời gian, những định nghĩa về thể loại này cũng đã dần thay đổi. Theo từ điển thuật ngữ văn học: Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc hoạ nhân vật. Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính tác giả... Tản văn là loại văn tự do, dài ngắn tuỳ ý, cách thể hiện đa dạng, đặc biệt là thể hiện nổi bật chính kiến và cá tính tác giả" (Theo Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb GD, H, 2004, tr.293). Nếu như so với triết tự từ Trung Quốc thì định nghĩa về thể loại này đã khác rất nhiều, hiểu một cách đơn giản đó là một loại mỹ văn, hay loại văn thủ thỉ tâm tình, những chuyện kể tai nghe mắt thấy. Ngay cả ranh giới của các thể loại như tản văn, tạp văn, tạp bút, tản mạn cũng đã nhoà dần, ngược lại cũng chính vì điều đó mà tản văn đã không bị gò bó, thậm chí đã nới rộng ranh giới thể loại, và làm phong phú đề tài chủ đề.
Gần một thế kỉ trôi qua, tản văn bị lãng quên, thậm chí tản văn không hề được các nhà văn nổi tiếng nhắc đến, đơn giản đó là thể loại chỉ dành cho những nhà văn không chuyên, những cây bút nghiệp dư, kể lể vài ba câu chuyện nhỏ kết nối với nhau và bị gắn mác khi nào man mác buồn khi ấy người ta dễ viết tản văn. Cũng không có một tác giả riêng cho thể loại này, chủ yếu vẫn là các nhà văn, sau khi đã khám phá các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, vốn văn bắt đầu kiệt dần, và tản văn như một thể loại vừa đủ để giãi bày, truyền tải, và đương nhiên là vẫn phả chất thời sự đời sống đang diễn ra từng ngày. Hoặc đó là những nhà báo, từ những trải nghiệm đời sống, họ dấn thân vào văn chương thông qua thể loại tản văn. Nói điều đó không có nghĩa hạ thấp vị trí của thể loại tản văn, mà sự thực trong những nhộn nhịp của đời sống hiện nay, trong lúc con người ta đang hối hả chuyện miếng cơm manh áo, những trang tản văn là lúc lắng lòng lại để cùng nghĩ về từng giây phút con người bỏ quên hạnh phúc của mình, và bỏ quên nhau, hay ít nhất nghĩ về cuộc đời ở một tâm trạng thoải mái nhất…
Tản văn trước đây chỉ được coi là nói chuyện thiên tào?
Không lâu lắm, chỉ cách đây khoảng chục năm, bản thân ý thức các tác giả cũng luôn coi nhẹ thể loại này, chỉ là chuyện cỏ cây hoa lá, như dự báo thời tiết với những Gia Cát Dự của thời hiện đại, và đó là những câu chuyện đơn giản như đang giỡn. Và chắn chắn phần lớn, nếu không muốn khẳng định là hầu hết những người viết tản văn lúc bấy giờ là những tên tuổi đã thành danh, những vị cây đa cây đề, mệt mỏi và cũng chẳng trường sức để theo đuổi những trang tiểu thuyết. Còn các nhà văn trẻ vốn vẫn coi tản văn là nơi chốn thổ lộ những chuyện bông phèng, họ không viết hay đúng hơn là chẳng mặn mà gì thể loại này khi mình chưa đến độ tuổi nghiệm ra những triết lí cuộc sống từ những điều nhỏ nhặt, chưa đủ thời gian để buồn, và lại càng thiếu thời gian cà kê chuyện nọ kia. 10 năm trước cái tên tác giả viết tản văn xuất hiện nhiều nhất trên báo chí có lẽ là nhà văn Băng Sơn, ông viết về Hà Nội với tất cả tình yêu không biết mệt mỏi, từng gốc cây, ngọn cỏ, cành hoa, đều mang hồn thiêng sông núi trong trang văn của ông. Và ông ít nhiều đóng đinh cho người đọc, tản văn là những câu chuyện như thế, kiểu Băng Sơn. Mặc dù trước Băng Sơn cái tên Hoàng Phủ Ngọc Tường được nhắc đến nhiều cho thể loại nhàn đàm, mà thực chất là tản văn với 3 cuốn: Nhàn đàm (1997), Người ham chơi (1998), Miền gái đẹp (2001), đầy ắp vốn sống, vốn văn hóa của một người tài hoa. Và tản văn được mặc định là thể loại dành cho những nhà văn tên tuổi. Và điểu đó càng được khẳng định hơn khi lần lượt các giải thưởng của Hội nhà văn đều được trao cho những nhà văn cao tuổi, năm 2005 Tản mạn trước đèn của Đỗ Chu nhận giải thưởng văn học Hội nhà văn Việt Nam, và đến 2010, Tháng giêng, tháng giêng, một vòng dao quắm của Y Phương tiếp tục dành giải. Người đọc, đặc biệt người trẻ, bắt đầu có một cái nhìn khác khác về thể loại này, tại sao nó lại có sức quyến rũ các nhà văn tài năng, và tại sao một thể loại bông phèng ấy lại có thể chinh phục những độc giả khó tính nhất, và lại dành những giải thưởng cao nhất của làng văn. Rõ ràng cái thể loại này vẫn đủ sức để dung chứa những câu chuyện xô bồ trong cuộc sống, và từ chuyện nọ xọ chuyện kia, nhà văn đã tạt ngang tạt ngửa một cách linh hoạt trong việc cài cắm thông tin văn hóa xã hội vào những xúc cảm đặc biệt, đồng thời chăm chút từng câu văn, nhả từng chữ để người đọc, đọc chậm mà không buồn, có lúc phải ngẫm nghĩ, song có khi nhếch miệng cười vì sự tinh quái của ông nhà văn… già. Những người trẻ đương nhiên phải suy nghĩ về cái lợi và bất lợi của thể loại này.
Và từ đâu tản văn có thể phát triển
Những hạn chế của thể loại tản văn lại chính là lợi thế của thời đại @. Khi thông tin nhiều, thông tin rác nhiễu loạn, một chút lắng lại, một sự chia sẻ khiến độc giả tìm đọc nhiều hơn.Từ lâu, thể loại tạp bút, tạp văn, tản văn... đã được nhiều nhà văn viết, đưa in trên các báo. Đầu tiên vì độ dài của một tạp văn tương đối nên rất tiện cho các báo xếp trang. Đồng thời chính sự không câu nệ hình thức, đề tài, cũng như ranh giới thể loại phóng khoáng hơn, chính là chất xúc tác để các tác giả bén duyên, cắm rễ ở thể loại tưởng như có lúc bị lãng quên này. Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho rằng: “Tản mạn khó viết hay không là tùy người. Nhưng tản mạn là gì? Thì tôi nói nó có thể viết gì cũng được. Và viết kiểu nào cũng được”.Nói như thế để thấy rằng tuy không có được vị trí ngang bằng với các thể loại văn học khác, lực lượng sáng tác không đông đảo song đây vẫn là thể loại không dễ gì bỏ qua với những cây viết thích tung tẩy, và không muốn trói mình vào một khuôn định nào.
Những tác giả thành danh với các thể loại khác đã coi tản văn là thể loại mới để khai phá một vùng nghĩ của mình. Chỉ kể riêng trong một vài năm gần đây, người đọc đã đón nhận nhiều tập tản văn của thế hệ nhà văn định hình tên tuổi chào đời. Đó là Y Phương một nhà thơ Tày đã đến và chinh phục những người yêu tản văn với Tháng giêng, tháng giêng, một vòng dao quắm, một Bùi Việt Hằng khoắc khoải những trang thơ, và vẫn canh cánh trong những trang tản văn "Người cho đã không nhớ", một Nguyễn Ngọc Tư đậm chất Nam Bộ trong Gáy người thì lạnh, nỗi khắc khoải nhớ từ một vùng kí ức vẫn trở đi trở lại khi con người ta rời bỏ quê hương ra thành phố lập nghiệp trong Trên căn gác áp mái (Đỗ Bích Thúy), hay Bay trên mái nhà thành phố (Phong Điệp), Nguyễn Quang Lập nói nhữngChuyện đời vớ vẩn nhưng thật sâu sắc, rồi Tạp văn Phan Thị Vàng Anh đầy tính tư duy và hàm chứa nhiều ý nghĩa cuộc sống về con người, đất nước Việt Nam, từ những tiểu tiết nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày của con người đến những chuyện quốc gia đại sự. Vậy mới thấy rằng, mảnh đất của tạp văn chẳng dừng lại ở một giới hạn nhất định nào.
Chính bởi thế, các tác giả trẻ hiện nay đa phần vừa viết văn, vừa làm báo nhanh chóng nhận ra khoảng trống của một thể loại, và chẳng dại gì họ không dự phần. Trong đấy có những tác giả lần đầu tiên tham gia vào thể loại này, có những tác giả đã quá tên tuổi, lại có tác giả đeo bám mãi không chán một thể loại. Chàng trai Nguyễn Trương Quý là một biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, vốn là dân trường Kiến trúc đã xuất bản 4 cuốn tản văn Tự nhiên như người Hà Nội (2004), Ăn phở rất khó thấy ngon (2008), Hà Nội là Hà Nội (2010), và Xe máy tiếu ngạo anh cho rằng "Tôi chọn tản văn vì khả năng càn lướt hiện thực": Truyện có thể không có chuyện nhưng tản văn nhất thiết phải có một cái tứ. Một tản văn thành công là đẩy được những cái tứ tới tận cùng từ những vấn đề nhỏ. Tôi không nghĩ chuyện vấn đề "be bé ngăn ngắn" có ý nghĩa quyết định mà nằm ở tinh thần quyết liệt và độ sắc cạnh của người viết. Nếu tản văn không thể hiện được phẩm chất đó, người đọc sẽ quên ngay sau khi đọc. Lựa chọn tản văn để chuyển tải những tứ của đời sống có cái hấp dẫn là cho phép tôi thoải mái mổ xẻ và đưa ra quan niệm của mình trong vai trò một người đối thoại với người đọc - dĩ nhiên là những người đọc vô hình mà tôi phải phân thân đặt mình vào vị trí của họ. Độ tương tác cao của tản văn với đời sống là một thách thức cũng thú vị.
Có lẽ sự tương tác đó chính là yếu tố để người ta thấy quan điểm cho rằng tản văn không dành cho người trẻ đã không còn đúng nữa. Thực sự một thể loại văn học chẳng dành riêng cho bất cứ một đối tượng nào, dẫu đó là thể loại dễ đọc mà không dễ viết. Sự dự phần của tác giả trẻ chính là sự hồi sinh cho một thể loại qua cũ, và đồng thời cũng thổi vào đó một không khí mới với cách thể hiện mới, và tư duy mới của một lớp những cây viết mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét