Khiemnguyen

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Lược sử báo chí Việt Nam trước năm 1945 (phần 1)



Trước năm 1862, trên đất nước chúng ta không có báo, chỉ có một số câu hát, câu vè nói tới một vài sự kiện rất đơn lẻ, ví dụ như vụ Tự Đức khi nối nghiệp Thiệu Trị đã tiếm ngôi của anh là Hồng Bảo, người được người đương thời thương tiếc và nhắc tới với hai câu:
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
nhớ người quân tử khăn điều vắt vai”.
Hoặc vụ hai đại thần Tường và Thuyết lộng hành, lập và phế một lúc mấy vua sau khi Tự Đức băng hà với mấy câu hát như:
“Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết,
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường”.
Trong hai câu thơ này có cả tên Tường lẫn Thuyết và có nhắc tới việc chỉ có trong có bốn tháng mà có tới ba vị vua bị giết. Có người gọi các câu thơ câu vè này là “Báo Miệng” nhưng thực chất thì chúng không thể được coi là một dạng báo vì chúng chỉ đưa ra những hành động đơn lẻ và không có vẻ gì là một tờ báo, vào thời đó được gọi là “Nhật trình” nghĩa là hàng ngày đưa ra đủ mọi thông tin trong tất cả mọi lãnh vực của xã hội.
Sau Hòa Ước Nhâm Tuất, được ký vào năm 1862, phía Việt Nam phải mất đứt cho Pháp ba tỉnh Gia định, Biên Hòa và Định Tường, người Pháp bèn lập tức thiết lập và tổ chức hệ thống cai trị ở nhượng địa. Báo chí là một trong những công cụ đầu tiên được người Pháp sử dụng: Chuẩn Đô đốc Bonard chuyển từ Pháp qua một cái máy in, có một ít chữ và vài chú thợ sang theo, thật đúng là phải đợi tới ngày Pháp sang chúng ta mới có báo dù rằng những tờ báo đầu tiên đều bằng Pháp văn và Hán văn.
Tờ báo thứ nhất in ở Saigon là tờ Bulletin Officiel de l’Expédition de Cochinchine (Tập san chính thức của cuộc Viễn chinh ở Nam Kỳ) ra đời năm 1862 bằng tiếng Pháp chứa toàn những thông cáo, nghị định, quyết định vv… đánh số thứ tự 1, 2, 3, 4, v.v. và ngay trong số đầu tiên ta có thể đọc được thông báo số 1 là Phó Đô đốc Charner chuyển giao quyền hành cho Chuẩn Đô đốc Bonard…
Kế đó Bonard cho xuất bản tờ báo thứ nhì, tờ Bulletin des Communes (Cáo trình các Làng Xã), tờ này được viết bằng chữ Hán và dùng để hiểu dụ dân chúng. Chính vào lúc này, chính quyền Pháp muốn cho xuất bản một tờ báo bằng chữ quốc ngữ, nhưng vì chữ quốc ngữ có dấu nên phải cho đúc ở bên Pháp, mãi tới cuối năm 1864 vẫn chưa xong, do đó, trong khi chờ đợi Chuẩn Đô đốc Roze cho xuất bản một tờ báo thứ ba mang tên “Bulletin du Comité agricol et industriel de la Cochinchine” (Kỷ yếu của Ủy Ban Canh nông và Kỹ nghệ ở Nam Kỳ) nhằm mục đích nghiên cứu nông nghiệp và công nghệ ở xứ này. Cụ Trương Vĩnh Ký chính là người Việt Nam đầu tiên làm trợ bút cho tờ báo bằng pháp ngữ này. Rồi tới khi Kerguda sang làm Thống Đốc Nam Kỳ (Gouverneur de la Cochinchine) và có lời mời Trương Vĩnh Ký ra làm quan, nhưng cụ từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định Báo. Lời yêu cầu của cụ được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1/4/1865, nhưng không phải ký cho Cụ mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux - một viên thông ngôn làm ở Soái phủ Nam Kỳ. Và phải đến ngày 16/9/1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao hẳn tờ Gia Định Báo cho cụ Trương Vĩnh Ký đứng làm chủ biên.
Qua sự việc này, tờ Gia Định Báo đã chính thức được coi là tờ báo thủy tổ của báo chí nước ta.
NHỮNG TRANH CÃI VỀ NGÀY SỐ GIA ĐỊNH BÁO ĐẦU TIÊN ĐƯỢC ẤN HÀNH
Liên quan tới chi tiết này có rất nhiều nguồn tin khác nhau, có tác giả như cụ Đào Trinh Nhất thì cho rằng số đầu tiên được ấn hành năm 1867, một số tác giả và nhà nghiên cứu khác lại cho rằng ngày 1/4/1865 mới là đúng, và gần đây nhất thì có người đưa ra giả thuyết, vẫn là giả thuyết thôi vì chưa có gì xác minh rõ ràng là sự thật nằm ở đâu, là ngày 15/4/1865. Tuy nhiên nếu xét cho kỹ thì giả thuyết 1867 là hoàn toàn không thích đáng, còn ngày 1/4/1865 thì cũng không hợp lý vì có lẽ nào ngày ký giấy phép lại cũng là ngày phát hành tờ báo, chả lẽ in báo trước rồi mới xin phép; do đó, ngày phát hành số 1 của Gia Định Báo hợp lý nhất là ngày 15/4/1865. Nói hợp lý là vì tờ Gia Định Báo chỉ có 4 trang giấy, chứ không dày gì cho lắm, nên thời gian hai tuần lễ đủ để in và phát hành. Ngoài ra còn một dẫn chứng dưới đây có thể coi là phần nào xác định thời điểm 15/4/1865 nói trên là chính xác:
Dẫn chứng này có thể coi là một dẫn chứng bằng một sự việc: đó là, trong khoảng thời gian từ 1968 tới ngày giải phóng (1975), những người bán sách cũ kỳ cựu như các ông Trần Công Liễu, Nguyễn Văn Thực… bà Ký, ông Tư Chà v.v. đều biết rất rõ rằng có một người Pháp tên là Harmand, làm thầy giáo ở một trường tây, đã ra giá thoạt đầu từ 500 đô la để tìm mua số 1 của Gia Định Báo, mà theo lời người đó một thư viện lớn ở Pháp đang thiếu, và chính người Pháp này đã cho biết số 1 Gia Định Báo ông ta đang tìm là ra ngày 15/4/1865. Nhiều năm qua đi mà số báo, chỉ gồm có bốn trang, kỳ quái đó cũng vẫn biệt tăm, giá tiền tăng dần và đến ngày giải phóng thì nó lên tới 5000 Mỹ kim cho 4 trang giấy đó. Đây là một việc mà những người chơi sách nhiều tuổi ở thành phố chúng ta có thể còn nhớ, trong số đó có tôi và ông bạn tôi là chủ nhà sách Alpha, ông Lý Thái Thuận, một tên tuổi không xa lạ gì với giới xuất bản sách báo ở Saigòn cũ.
Gần đây, có một bài báo đăng trên tờ Thế giới mới cho rằng (tác giả đã viết là xác định rằng) Gia Định Báo là tuần báo và phát hành 2 hay 3 kỳ một tháng. Điều này không chính xác vì đã là tuần báo thì ít nhất cũng phải 4 kỳ một tháng chứ làm gì có tháng nào chỉ có 3 tuần, phải không thưa quý vị? Và điều mà chúng ta có bằng chứng ngay trước mắt ngày hôm nay là một số Gia Định Báo mà tôi xin chuyển đến cho từng vị một nhìn tận mắt để có thể tin được. Đây là số Gia Định Báo đề ngày 22/12 (Décembre) 1896. Sau hàng chữ này có con số 201 mà tôi không dám chắc có phải là số của tờ Gia Định Báo thứ 201 hay không. Hơn nữa ở phía bên trái lại đề ngày 18 tháng Mười Một, thì cũng không biết có phải đây là ngày Âm lịch của ta hay không? Tuy nhiên có một điều chính xác là ở mặt trước có đề rõ: ngày phát nhật trình, mỗi tháng in 4 kỳ cứ ngày thứ ba thì phát. Vậy là 4 kỳ thì đúng là tuần báo rồi, chứ có hai hay ba kỳ thì hơi bị ít đúng.
Bây giờ tôi xin nói qua về nội dung Gia Định Báo. Qua một số tài liệu mà tôi có dịp đọc trong sách báo cũ thì, vào lúc đầu, nội dung Gia Định Báo chia làm hai phần: - Phần Công Vụ dịch và đăng tải các nghị định, thông tư, của chính phủ vừa ban hành – chính phủ đây là chính phủ Pháp mũi lõ chứ không có tý mũi tẹt nào. - Phần Hai là phần Tạp Vụ Linh Tinh đăng tải nhiều tin tức trong xứ. Tờ Gia Định Báo in khổ giấy 23 cm x 30 cm và số trang thay đổi từ 4 đến 12 trang. Tuy nhiên số báo mà chúng ta đang có trong tay thì khổ giấy lại là 28 cm x 38 cm.
Đến khi lọt vào tay Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký thì mới thấy xuất hiện một cách sơ sài những bài vở về cổ tích, thi ca, nghị luận v.v. của Thế Tải Trương Minh Ký, Tôn Thọ Tường, Huỳnh Tịnh Của v.v.
Cho tới số chúng ta đang có trong tay, Gia Định Báo vẫn chia làm 2 phần Công Vụ và Tạp Vụ.
Phần Công Vụ gồm các nghị định, các đạo dụ, các tin giây thép của hãng thông tấn Hanas’, tin tức về cấp bằng, thăng chức, đổi chỗ, cho nghỉ việc, và các loại biên bản mọi loại phiên họp của hội đồng quản hạt. Phần Tạp Vụ gồm những mục cũa chính phủ: các lời dạy bảo, các lời rao có tính cách hành chánh liên quan tới thuế má, giá gạo, hàng hóa, trích lục các báo cáo về tình hình canh nông, kỹ nghệ, thương mại của các địa phương, hoặc các bài tường thuật về các cuộc vui, các tang lễ vv…
Thời gian không có nhiều, tôi chỉ xin trích một vài tư liệu điển hình như dưới đây:
- GIÁ MUA NHẬT TRÌNH (tức là GĐB) Ai muốn mua thì nói cho phòng thông ngân dinh quan Thống đốc Nam-kỳ biết tên họ chỗ mình ở. Một năm giá 6$67, sáu tháng 3$33, ba tháng 1$07.
- THĂNG BỔ XỬ TRÍ Vì lời định quan Thống-đốc Nam-kỳ, ngày mồng một Decembre 1896: Nguyễn-Văn-Vận, đội coi khám Mỹ-tho, phải cách chức.
Xin trích dưới đây vài thí dụ về phần Tạp Vụ:
- NHỊ THẬP TỨ HIẾU DIỄN CA – Vĩnh-Thuận Hồ-Khẩu – Lý-công soạn (1)
10. Hán Khương-thị nhà còn lão mẫu
vợ họ Bàng vẹn đạo chữ tùng.
Mẹ thường muốn uống nước sông,
vợ tằng đi gánh thay chồng chìu cô…
(1) Vĩnh-thuận, Lý - văn - Phức bái soạn
- NHÀ IN BÁN SÁCH MỚI CỦA ÔNG CLAUDE VÀ CÔNG TI Tại đường Catinat số 99
Kính cho thiên hạ hay sách Pháp học tân lương của Thế-tải Trương-minh-Ký làm dạy học cho mau thông mau hiểu tiếng Phansa bây giờ bán một đồng rưỡi bạc một cuốn lớn 312 trương. (Cours gradué de langue Francaise-Annamite…).
Sau tờ Gia Định Báo, là các tờ Phan Yên Báo (1868) của Diệp Văn Cương, Nam Kỳ Nhật trình (Le Journal de Cochinchine) (1885), MISCELLANÉES ou LECTURES INSTRUCTIVES POUR LES ELÈVES DES ÉCOLES PRIMAIRES, COMMUNALES ET CANTONALES (Thông - loại khóa trình) (1888), Nông Cổ Mín đàm (1900), có nghĩa bằng Pháp văn là “Causeries sur l’agriculture et le commerce” mà chủ bút là Cụ Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, LE MONITEUR DES PROVINCES (Nhật báo Tỉnh) (1905), Lục tỉnh Tân Văn (1907) mà chủ nhiệm là Cụ Nguyễn văn Của, Chủ bút là Cụ Lê Hoằng Mưu, Nam Kỳ địa phận tên tây là “Semaine religieuse” (1909), Nam Trung nhật báo của Nguyễn Tử Thức, Công luận báo (1916) một tuần ra 2 kỳ vào thứ ba và thứ sáu, AN HÀ BÁO in ở Cần Thơ năm 1917, tuần báo ra ngày thứ năm, NAM KỲ KINH TẾ BÁO (1920) tên tây là “L’Information économique de Cochinchine”, NHẬT TÂN BÁO (L’Ere nouvelle) (1922) chủ nhiệm là Cao Hải Để, ĐÔNG PHÁP THỜI BÁO (Le Courrier Indochinois (1923), TRUNG LẬP BÁO (Edition annamite de l’Impartial) (1924), PHÁP VIỆT NHỨT GIA (1927), ĐUỐC NHÀ NAM (1928) của Cụ Nguyễn Phan Long, KỲ LÂN BÁO của Bùi Ngọc Thự cũng vào năm 1928, PHỤ NỮ TÂN VĂN (1929) tuần báo ra ngày thứ năm của bà Nguyễn Đức Nhuận, THẦN CHUNG (1929) của Diệp Văn Kỳ, LONG GIANG tên tây là Le Mékong (1930), ĐÀN BÀ MỚI (1934) của Bà Băng Dương tức Thụy An, ĐÔNG THINH tên tây là “La voix de l’Orient” (1935), tuần báo của Diệp Văn Kỳ, ZÂN (1935) của Nguyễn Văn Nhựt, MAI (1935) của Đào Trinh Nhất, NỮ LƯU (1936) của Tô Thị Để, VĂN LANG (1939) của Hồ Văn Nhựt, Hồ Tá Khanh, NAM KỲ TUẦN BÁO (1942) của Hồ văn Trung tức Hồ Biểu Chánh, ĐẠI VIỆT TẠP CHÍ (1942) Hồ Văn Kỳ Trân làm quản lý, BULLETIN DE LA SOCIÉTÉ D’ENSEIGNEMENT MUTUEL DE LA COCHINCHINE (Kỷ Yếu của Hội Khuyến Học Nam Kỳ) (1942), TIẾN (1945) của Mai Văn Bộ. Trên đây là một số trong những tờ báo ra hàng tháng, hàng tuần hoặc là nhật báo ở Miền Nam. Bây giờ chúng ta hãy xem ở Miền Bắc thì ra sao?
Theo: http://htx.dongtak.net/spip.php?article1168

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét