Khiemnguyen

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Sự nghiệp làm báo của chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng



Theo ghi chép trong “Huỳnh Thúc Kháng niên phổ”, tháng 4 năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng cùng các chí sĩ thân hữu thành lập công ty Huỳnh Thúc Kháng, đến ngày 10 tháng 8 năm đó thì khai sinh ra tờ báo TIẾNG DÂN ở Huế do ông đảm đương chủ nhiệm kiêm chủ bút. Sự nghiệp làm báo của chí sĩ họ Huỳnh bắt đầu với biết bao chông gai,  nhưng cũng chính bởi thế mà tài năng và chí khí ở con người ông được thể hiện một cách rõ nét nhất.

Ngày 10/8/1927, tờ báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ra đời ở Huế; ngay số báo đầu tiên ra mắt ông đã có lời tuyên ngôn khẳng khái: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Với lời tuyên ngôn ấy, Huỳnh Thúc Kháng đã chỉ rõ vai trò của báo Tiếng Dân và trên cơ sở xác tín đó, con đường đấu tranh công khai bằng ngôn luận của ông chính thức khởi phát trong hoàn cảnh không có tự do ngôn luận cho những người dám đứng lên chống đối chế độ.
Ngay từ những ngày đầu dấn thân vào hoạt động cách mạng cho đến thời điểm Huỳnh Thúc Kháng làm báo thì hầu như mọi lời nói và hành động của ông đều nhất quán. Vốn là một nhà nho uyên thâm nay trở thành một nhà báo hiện đại, là một sự chuyển mình cần thiết, là sự thay đổi phương sách chứ không phải thay đổi lý tưởng. Ở cương vị là một người cầm bút, trong suốt 16 năm lăn lộn với báo chí (1927-1943), ông kiên trì theo đuổi mục đích mà trước đó ông đã nói rõ trên diễn đàn Tiếng Dân: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”. Hầu hết những bài báo của Huỳnh Thúc Kháng trên Tiếng Dân đều nói lên lập trường dân tộc cùng chính nghĩa của đấu tranh. Ông không ngần ngại bênh vực người dân bần cùng nghèo khổ, lên tiếng đòi dân quyền, lên án sự áp bức, bất công trong xã hội thực dân...
Huỳnh Thúc Kháng là nhà viết báo lừng danh với nhiều thể loại nhưng thể loại ông sử dụng nhiều nhất, điêu luyện nhất là thể tạp bút. Bản tính con người ông vốn ít nói, thận trọng, nghiêm khắc, thẳng thắn với chính mình và cả với người khác, vậy nên các bài báo của ông thuộc thể loại tạp bút, một thể loại được coi là thứ “vũ khí nhẹ” lúc bấy giờ. Nói như vậy không có nghĩa ông né tránh hay sợ chính quyền thực dân, mà ông coi trọng sức truyền đạt cũng như hiệu quả mà chỉ có thể loại tạp bút mới có được. Đó là nó có thể gây cảm xúc mạnh mẽ cho người viết và gây hứng thú đặc biệt cho người đọc. Bằng lối viết ấy, ông có thể lách qua được sự kiểm soát khắt khe của chính quyền, đưa Tiếng Dân đến được đông đảo người đọc để thức tỉnh, kêu gọi người Việt Nam không quên tình cảnh thực tại của mình và tìm cách thay đổi nó. Hơn nữa, với thể tạp bút, Huỳnh Thúc Kháng nhận thấy ưu điểm vượt trội của nó là sự linh hoạt bất ngờ, từ đó ông biến hoá các bài viết của mình để gây sự chú ý của người đọc. Dư vị đọng lại khiến độc giả phải suy ngẫm, trăn trở qua mỗi số báo của Huỳnh Thúc Kháng chính là cái uyên thâm, sắc sảo, tinh đời của một nhà nho kết hợp với nhận thức năng động của một trí thức am hiểu Tây học. Suốt thời gian dài cầm bút, liên tục phải đối phó với sự kiểm duyệt gắt gao của bọn thực dân, ông tự nhận công việc đó như “co mình giữa chợ đông” chứ chẳng phải sung sướng gì, thế nhưng ông vẫn hăng say và đầy nhiệt huyết, tự thấy đó là việc ông phải làm vì dân vì nước. Sau này, người xuất sắc kế nghiệp thể loại tạp bút của ông là nhà văn Ngô Tất Tố, nhưng khi nhắc đến thể loại này, không người viết báo nào quên tên ông.
Dường như những thăng trầm trong cuộc đời hoạt động cách mạng đã tôi luyện Huỳnh Thúc Kháng thành một nhà ngôn luận sắc sảo. 16 năm chèo chống báo Tiếng Dân, cho ra đời 1.766 số báo viết và in bằng "quốc ngữ", trong đó số lượng bài báo ông đã viết lên đến hàng nghìn bài, thì qua mỗi bài người đọc đều nhận thấy được khí phách của ông trong đó. Đối với bất kỳ một nhà hoạt động cách mạng nào, tìm được con đường đấu tranh đã khó, sử dụng ngôn luận làm phương tiện đấu tranh lại càng khó gấp bội. Trên diễn đàn Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng phải tìm cách để bài báo của mình qua được cửa ải kiểm duyệt, giữ được cốt lõi của những điều ông muốn nói đến được với người đọc. Nhưng mặt khác, cũng trên diễn đàn Tiếng Dân, ông sẵn sàng đả kích mạnh mẽ vào chế độ thực dân, đứng trên lập trường dân tộc để đòi tự do dân quyền. Sử dụng nhiều bút danh khác nhau, ông thẳng thắn bày tỏ chính kiến của mình về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đương thời, vạch trần bộ mặt dân chủ giả hiệu, chỉ trích chính sách bóc lột tàn độc của chính quyền thực dân. Ông làm báo với với tâm niệm phục vụ lợi ích xã hội chứ không phải vì tiền bạc hay danh lợi. Trong đời sống thường nhật, ông hết sức tiết kiệm và giản dị, nhưng trong viết báo lại căng đầy nhiệt huyết. Chính nhận thức sâu sắc về thân phận là người dân mất nước, cộng với những biến cố thăng trầm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông đã mài dũa nên một ngòi bút đầy khí phách, thấm đẫm tinh thần dân tộc.  
Gắn bó với sự nghiệp báo chí ngót 16 năm, đó có thể coi là thành công của Huỳnh Thúc Kháng mà không phải ai cũng làm được. Từ một nhà nho trở thành một nhà báo xuất sắc, cái duyên với nghiệp làm báo có vẻ như đã theo ông ngay từ những ngày đầu dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng. Trải qua biết bao biến cố, thử thách, ông chọn nghề báo cho mình “như làm nơi nghỉ già”, nhưng thực tế đây là thời gian khát vọng vì dân vì nước trong ông đến độ chín muồi để rồi phát tiết và gây được tiếng vang lớn. Huỳnh Thúc Kháng không chỉ được biết đến là một nhà yêu nước lỗi lạc, mà còn được vinh danh là một nhà báo kỳ cựu, xuất chúng, một tấm gương lớn cho thế hệ trẻ noi theo. Ông là niềm tự hào vô bờ bến của người dân xứ Quảng trong quá khứ, hiện tại và tương lai./.

Nguồn: http://qh-hdqna.gov.vn/Default.aspx?tabid=97&ctl=tcb&mid=481&tc=146


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét