Khiemnguyen

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Đổi gió với tản văn (Người đi nhặt nắng)

Đã từ lâu, những bài văn ngắn mà người ta hay gọi là tản văn, tạp bút...thường xuất hiện nhiều trên các trang báo. Hiện nay, thể loại này vẫn thể hiện được ưu thế của nó đối với độc giả. Đơn giản chỉ vì nó ngắn nhưng cũng chứa đầy đủ đa dạng các loại chủ đề nội dung qua mỗi bài viết. Nhiều người đã từng hỏi: Viết tản văn khó hay dễ? Khó hay không khó là do tùy người, do cảm nhận và nỗ lực trong cách viết của từng người, nhưng chung quy lại là có ai cầm bút mà lại không biết đến viết tản văn. Những cảm xúc xuất hiện bất chợt, những bài tản mạn bay bổng... Tản văn là thể loại để cho người viết thích viết gì thì viết và viết kiểu nào cũng được.
Tản văn là những hạt giống có sức nảy mầm khá cao, luôn nhờ gió bay đến nảy nở sinh sôi trên mọi vùng đất và bén rễ nảy chồi ở ngay cả những nơi cằn cỗi nhất. Nội dung của những bài tản văn không chỉ đơn thuần là “cỏ cây hoa lá chim muông” mà chủ đề của nó rất phong phú đa dạng. Một cơn gió nhẹ thổi bay mịt mù xác lá trên đường, một cơn bão trái mùa, một cánh đồng lếnh láng nước mùa đổ ải, một cơn mưa bất chợt hay một tiếng sấm muộn ở xa vọng về cũng làm nên những tản văn hay. Có người nói, tản văn là một mớ hỗn độn tạp pí lù. Có ý kiến khác cho rằng tản văn như một món nộm đu đủ chứa các gia vị chua cay mặn ngọt. Có người lại cho rằng tản văn giống như món rau sống hay món sa lát Nga béo ngậy nhiều màu sắc trên mâm cỗ thịnh soạn...Kể cũng đúng bởi vì không có giới hạn nào riêng cho tản văn. Thích dài thì viết dài, thích ngắn thì viết ngắn. Lối viết tung tẩy, bay bổng đầy ẩn ý qua các câu chữ của từng bài viết đã làm cho tản văn chiếm một chỗ đứng rất quan trọng trên các trang báo giấy hiện nay. Nó đã tự khẳng định rằng ngày nay tản văn đã trở thành là một hình thức văn chương trên báo viết, phản ánh trung thực về con người và các vấn đề xã hội đang diễn ra từng giờ hay từng khoảnh khắc. Không chỉ thế, tản văn cũng thể hiện ưu thế và sức mạnh của mình trên các trang văn chương mạng. Với những đặc điểm như ngắn gọn, đầy đủ mà sâu sắc đã làm cho tản văn thu hút được bạn đọc hơn nhiều thể loại khác. Điều đó cũng cho ta biết rằng độc giả ngày càng khắt khe hơn với tản văn. Một tản văn được coi là thành công là khi nó đã nói lên được nhưng quan điểm lớn của tác giả đối với từng vấn đề nhỏ, hiện tượng nhỏ, sự việc nhỏ, khía cạnh nhỏ. Một tác giả viết tản văn thành công phải là người viết lên được tất cả những thứ mà độc giả quan tâm nhất. Quan sát cái bé để mô tả cái lớn hơn, hiểu cái gần để yêu cái xa, mượn cái ngắn để nói cái dài, dùng cái dài để ám chỉ đến cái dài hơn và cuối cùng sẽ đẩy cốt lõi vấn đề lên đỉnh điểm. Ta thường đọc được những bài tản văn viết câu chữ tỉ mỉ, phân tích kĩ lưỡng, hình ảnh chân thật sống động và thấm đẫm chất thơ ở bên trong. Đó là những tản văn khi đọc lên ta thấy ở trong đó có nhịp điệu mới, con người mới, thế hệ mới và cuộc sống mới. Vừa thực tế vừa lãng mạn và sự liên tưởng gần gũi với thực tế như những bài học kinh nghiệm quý giá.
Viết tản văn khắt khe như thế đó. Cái thể loại viết lan man không chủ đích này cũng có những yêu cầu nghiêm ngặt riêng của nó. Bởi bản thân nó cũng là một dạng của thể ký, gần giống với tùy bút. Những bài viết mà sau khi đọc xong ta cảm thấy hay, nhớ lâu và ấn tượng. Đơn giản, nó hay bởi vì nó được viết đúng. Đúng người, đúng sự kiện, đúng địa danh, đúng việc và đúng tâm trạng...
Ngày nay, các nhà văn nhà thơ đã nhiều người chuyển sang viết tản văn. Họ đổi gió với tản văn và không ít người đã dùng tản văn để khẳng định tên tuổi của mình. Bởi chính họ nhận ra rằng các nhà văn không có quyền viết dở hoặc buông xuôi với bất kì thể loại văn chương nào. Do đó họ đã không ngừng đầu tư và tích lũy kiến thức sâu rộng để ra đời các tác phẩm tản văn hay. Họ giống như những cầu thủ chắt chiu rèn luyện từng đường bóng đẹp để một ngày biểu diễn giữa những tiếng hò reo cuồng nhiệt của người hâm mộ. Họ cũng giống như những ông bố nghèo, chắt chiu hàng ngày để mong cho con được vào trường tốt.
Gần đây trên một số trang văn học mạng người ta đem tản văn ra mổ xẻ với nhiều quan điểm ý kiến trái ngược nhau và có nhiều quan điểm nhận định rằng tản văn không phù hợp với những người viết trẻ. Riêng tôi thì nhận ra rằng, dù người viết trẻ hay già nhưng khi họ viết bằng tâm huyết của mình, thực sự vì bạn đọc thì họ vẫn viết nên những tác phẩm hay. Tản văn dễ viết nhưng khó hay và luôn là những cái bẫy ngọt ngào đối với tất cả những người viết. Nếu không viết bằng tâm huyết của mình thì cho dù người viết ở lứa tuổi nào đi chăng nữa, việc viết tản văn đối với họ cũng giống như một cậu học trò lớp 9 làm một bài toán nâng cao lớp 11.
Xã hội càng phát triển, sự sáng tạo trong nghề viết cũng gắn liền với các sự kiện trọng đại cũng như đề cao tính hiện thực xã hội. Công việc viết đã trở nên bão hòa và ta gặp các nhà văn nhà thơ ở khắp nơi. Tuy nhiên số lượng tác phẩm hay và có giá trị qua mỗi năm vẫn còn rất ít ỏi đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Lĩnh vực tản văn cũng là một vùng đất màu mỡ để cho không ít nhà văn nhà thơ lựa chọn để khẳng định tên tuổi của mình. Những bài tản văn hay, sâu lắng, cô đọng đã như những luồng gió mát làm dịu đi những đợt nắng chói chang của mùa hè ngột ngạt, khi mà nhiệt độ bên ngoài gần bằng nhiệt độ của chính cơ thể chúng ta. Việc đổi gió bằng tản văn đã làm xuất hiện thêm những tên tuổi mới, ấn tượng trong làng viết. Viết là viết, viết vì mình vì người và vì bạn đọc. Nên dù viết thể loại gì đi chăng nữa thì vẫn đòi hỏi người viết phải có một cái đầu biết tư duy, một đôi chân biết chạy, một đôi tay biết vươn lên cao để với, một trái tim chân thành nhạy cảm và say mê với nghề. Viết tản văn cũng là viết văn và nó không là ngoại lệ nên cũng luôn đòi hỏi lắm công phu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét