Khiemnguyen

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Quan niệm của một số cây bút văn xuôi cuối thế kỷ XIX



                                                                                                  Cao Thị Hảo
Nói đến quan niệm về văn xuôi quốc ngữ giai đoạn cuối XIX, người ta thường chú ý đến vai trò tiên phong của Trương Vĩnh Ký. Thanh Lãng cho rằng, với sự xuất hiện những tác phẩm văn xuôi quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký “một quan niệm viết truyện mới ra đời” với cốt truyện “đơn sơ, giản dị”, và “lối văn bình dị, mộc mạc, quê mùa, trơn tuột như lời nói”(1). Cách hành văn nôm na như lời nói thường của Sĩ Tải được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm, có tác giả coi đó là “một quan niệm văn học mang tính cách tân của Trương Vĩnh Ký”(2), thậm chí là một đặc điểm “có ý nghĩa xác định một phương diện trong quan niệm nghệ thuật của văn xuôi tự sự buổi đầu”(3).
 Đặc điểm đầu tiên trong quan niệm về văn xuôi tự sự quốc ngữ là việc đưa ngôn ngữ đời thường vào sáng tác văn chương. Giai đoạn cuối thế kỷ XIX trong khi thể loại văn vần vẫn đang chi phối thói quen thưởng thức văn học của số đông độc giả thì Trương Vĩnh Ký đã đưa ra một chủ trương hết sức mới mẻ về sáng tác văn chương, thể hiện rõ qua lời phát biểu ở đầu sách Chuyện đời xưa (1866) trong lần in lại (4).
 Trương Vĩnh Ký khi sử dụng ngôn ngữ đời thường vào văn chương xuất phát từ mục đích xã hội hóa chữ quốc ngữ, phổ cập chữ quốc ngữ trong quần chúng nhân dân. Nhưng chính trong công việc đó ông đã trở thành người đầu tiên khởi xướng cho việc đưa ngôn ngữ đời thường vào tác phẩm văn chương, đặt ra một lối viết mới bằng “tiếng An Nam ròng”, ngôn ngữ nôm na như lời nói thường, khác với lối viết đương thời (vốn viết bằng văn biền ngẫu và văn vần). Cũng cần lưu ý rằng ở vào thời điểm Trương Vĩnh Ký sáng tác, những lời “nôm na” “trơn tuột như lời nói” ấy “ai cũng cho là dễ dàng đã được gọi là “văn” đâu”(5). Thậm chí có những tác phẩm Trương Vĩnh Ký viết bằng văn xuôi nhưng khi đăng báo người ta lại diễn ra văn vần. Chẳng hạn trường hợp Kiếp phong trần (1882) và Bất cượng chớ cượng làm chi (1885) được Trần Hữu Hạnh diễn ra thơ lục bát đăng trên Miscellanées, số 10/11/1889 (6).
 Một số sưu tầm và sáng tác của Trương Vĩnh Ký (Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi, Kiếp phong trần, Bất cượng chớ cượng làm chi…) đã được viết và diễn đạt theo hình thức văn xuôi, có tính thông tục và hướng đến tiếp cận với ngôn ngữ đời sống hằng ngày. Chuyện đời xưa mặc dù không có gì mới mẻ, gồm 74 truyện được tác giả sưu tầm, “góp nhóp trộn trạo” từ những truyền thuyết, truyện kể bình dân có trong dân gian nhưng đáng chú ý là tác giả lại chủ trương viết bằng một hình thức ngôn ngữ mới: chữ quốc ngữ (chứ không phải chữ Nôm, chữ Hán hay chữ Pháp) và cách hành văn mới: lối văn khẩu ngữ dễ đọc dễ hiểu. Tác phẩm Kiếp phong trần (1882) được viết với một giọng văn nôm na, bình dân đặc biệt tác giả đã sử dụng hình thức đối đáp giữa hai nhân vật Trương Chí Đại và Lê Hảo Học khiến người đọc dễ liên tưởng đến hình thức của kịch nói hiện đại sau này. Cũng có khi tác giả sử dụng một ngôn ngữ nôm đã khá xuôi tai và rõ nghĩa để viết du khảo (7). Văn phong của Trương Vĩnh Ký đã mờ nhạt bóng dáng của “chi hồ giả dã”, câu văn dường như trong sáng, gãy gọn, rõ nghĩa hơn và rất ít từ Hán Việt.
 Nếu như Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên khởi xướng lối viết văn xuôi nôm na, đời thường qua công việc sưu tầm, biên khảo và viết du ký thì Nguyễn Trọng Quản là người đầu tiên đưa lời nói thường vào sáng tác văn chương. Trong Truyện thầy Lazarô Phiền (viết 1886 xuất bản 1887) - một tác phẩm được coi là áng văn xuôi quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam - tác giả đã hoàn toàn đoạn tuyệt với lối văn biền ngẫu sóng đôi bổng trầm, đăng đối trong văn học cổ điển. Đây là một quan niệm rất mới về sáng tác văn chương. Quan niệm này được Nguyễn Trọng Quản tuyên bố một cách rõ ràng trong Lời tựa viết tại Khánh Hội tháng 12 năm 1886(8).
 Nhìn từ góc độ thể loại những Lời tựa luôn có một “ý nghĩa đặc biệt quan trọng” (9). Nó như những tín hiệu chỉ dẫn cho người đọc khi tiếp xúc với một thể loại mới so với thói quen thưởng thức của số đông độc giả. Và theo như Bakhtin thì chính những tín hiệu chỉ dẫn này đã “phản ánh sâu sắc và trung thực” cuộc đấu tranh của những thể loại mới - biện minh cho sự ra đời của nó trong khi trước nó chưa hề xuất hiện những hiện tượng tương tự. Chính những lời đầu sách này khẳng định và thừa nhận vị trí của thể loại mới trong văn học - cái vị trí mà các thể loại khác không thể so sánh được. Do đó qua Lời tựa này chúng ta đọc được tham vọng của Nguyễn Trọng Quản, phải chăng ông muốn xây dựng và cổ vũ mọi người cùng xây dựng một nền văn chương viết bằng “tiếng thường mọi người hằng nói” mà Truyện thầy Lazarô Phiền có lẽ mới chỉ là một thí nghiệm đầu tiên? Cả thiên truyện trên dưới khoảng 30 trang mà người đọc không hề bắt gặp một câu văn biền ngẫu. Tác giả đã sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ đời thường rất xuôi tai, rõ nghĩa.
 Giai đoạn cuối thế kỷ XIX việc sử dụng ngôn ngữ đời thường nôm na để sáng tác văn chương đã trở thành một quan niệm trong ý thức của một số tác giả mà người khởi xướng là Trương Vĩnh Ký và được đẩy cao ở Nguyễn Trọng Quản. Sở dĩ có chủ trương viết văn xuôi bằng lời nói thường, nôm na một mặt là do mục đích xã hội hóa chữ quốc ngữ mà mọi người đều dễ nhận thấy(10). Theo chúng tôi còn một lí do lịch sử nữa quyết định tới việc sử dụng ngôn ngữ này. Bởi khi tiếp xúc với văn xuôi quốc ngữ giai đoạn cuối thế kỷ XIX người đọc thường bắt gặp một hiện tượng tên riêng của các tác giả được ghép với tên thánh đó là Pétrus Ký, Paulus Của hay P.J.B Nguyễn Trọng Quản… Điều này cho thấy nguồn gốc xuất thân của họ giống nhau: là những người công giáo. Chính nguồn gốc xuất thân này là một lợi thế của họ (so với các tác giả có xuất thân từ Nho giáo vốn được đào tạo trong cái nôi của văn chương cử tử) trong việc sáng tác bằng ngôn ngữ đời thường. Bởi ở vào thời điểm đó khi đại đa số người thưởng thức và sáng tác chỉ biết đến văn vần hay văn biền ngẫu thì trong các giáo đoàn Ki tô đã sớm có sự “bột phát của một nền văn xuôi dễ dãi, đơn sơ gồm tiếng nói hàng ngày, ít chữ nho, không có điển tích” (11). Là những người công giáo, các tác giả này đã được sống, đào tạo trong một môi trường văn chương phi truyền thống - văn học phương Tây, cụ thể là văn học Pháp, hơn nữa lại được tiếp xúc và thừa hưởng nền văn xuôi Thiên chúa giáo đã phát triển và có những thành tựu nhất định tồn tại 3 thế kỷ trong các giáo đoàn, giáo dân Ki tô và sớm làm quen với lối viết “chuyện kể” - một lối văn dễ dãi, bình dân, nôm na, ai nghe cũng hiểu ngay của nền văn xuôi Nôm công giáo có từ những thế kỷ trước với một loạt những tác phẩm về sự tích của các ông thánh như: Truyện các thánh của Jéronimo Maiorica (1646), Sách thánh của Dominique Martigia (1848), Quan quang Nam Việt của Pierre Marie Gendreau Đông (1902), Sách truyện các thánh của Joseph Marie Bigorlet Kính (1905) (12), và “gần 500 truyện nôm do Majoria biên soạn tại Kẻ Rum, Nghệ An” (thế kỷ XVII) (13). Có lẽ nền văn chương tôn giáo này đã tạo “cơ sở vững chãi” cho sự ưu thắng của chữ quốc ngữ trên con đường sáng tác văn xuôi. Và mầm mống của một nền văn xuôi sử dụng ngôn ngữ đời thường cũng được khởi phát từ đây qua những trí thức công giáo tiếp xúc sớm với văn học phương Tây.
 Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng ngôn ngữ nôm na như lời nói thường mà các tác giả cuối thế kỷ XIX này sử dụng chưa đạt được tính nghệ thuật cao, thậm chí có nhà nghiên cứu còn coi sáng tác của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của là “văn ghi chép khẩu ngữ”(14). Nhưng chúng ta cũng không thể không ghi nhận sự xuất hiện của một chủ trương, một quan niệm mới về cách viết (đã được thí nghiệm và có thành công). Điều này đã phần nào khẳng định sự ưu thế của văn xuôi quốc ngữ - một nền văn xuôi lấy ngôn ngữ đời thường làm nền tảng.
 Văn chương cần hướng đến những vấn đề của đời sống thực tại với những con người đời thường là đặc điểm nổi bật thứ hai trong quan niệm văn học của các tác giả văn xuôi quốc ngữ giai đoạn cuối thế kỷ XIX.
 Vấn đề phản ánh hiện thực, đời sống thực tại là một trong những tiêu chí để khu biệt văn xuôi hiện đại với cổ điển. Bakhtin đã dùng tiêu chí hướng đến hiện tại của tiểu thuyết để khu biệt nó với thể loại sử thi vốn chỉ hướng đến quá khứ và lịch sử. Trong quan niệm sáng tác của các tác giả giai đoạn cuối thế kỷ XIX chúng ta cũng ghi nhận một xu hướng chú ý đến thực tại với những con người đời thường mang tính hiện thực.
 Trong buổi đầu sáng tác bằng chữ quốc ngữ, hai ông Trương, Huỳnh dường như đã lặp lại những bước đi của các tác giả văn xuôi chữ Hán trong nền văn học trung đại Việt Nam. Trong công việc sưu tầm, “góp nhóp trộn trạo” chuyện dân gian của các tác giả Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của (Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài, Chuyện giải buồn) ta như gặp lại bóng dáng của Lý Tế Xuyên, Vũ Quỳnh - Kiều Phú, Lê Thánh Tông, Nguyễn Dữ trong việc sưu tầm hiệu đính ghi chép những chuyện kỳ lạ, huyền ảo trong dân gian (Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục). Tuy nhiên nhìn vào văn phẩm mà hai tác giả này sưu tầm, ghi chép chúng ta thấy họ ưu tiên số lượng cho các tác phẩm phản ánh những quan hệ trong cuộc sống đời thường hàng ngày của những con người bình thường. Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của gồm 112 truyện thì có tới 70 truyện được dịch từ Liêu trai chí dị, nhưng tác giả lại chủ tâm chọn dịch những chuyện phản ánh con người đời thường và các mối quan hệ của họ trong cuộc sống trần tục (Chuyện voi, Chuyện tên Ất, Chuyện tên Giáp, Địa ngục miền dương gian...) chứ không phải những chuyện hồ ly, thư sinh, mộng mị mang nhiều yếu tố kỳ lạ chiếm phần lớn trong kho truyện Liêu trai chí dị.
 Không chỉ chọn lọc những truyện dân gian, Trương Vĩnh Ký bắt đầu có khái niệm về sự quan sát thực tế và ghi chép thực tế được biểu hiện qua tập du kí Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 (1881). Ở đây tác giả đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong dịp ra Bắc hơn một tháng trời. Với con mắt của nhà khoa học người viết đã “quan sát, đón bắt, ghi nhận thay cho cái máy ảnh” (15) một cách chi tiết, cụ thể, sinh động hành trình chuyến đi theo thời gian, địa điểm thực tế qua các vùng đất Hải Dương, Hải Phòng, đặc biệt là Hà Nội với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Những trang du kí này đã phơi bày một hiện thực nhiều màu sắc qua sự quan sát mô tả thực tế của tác giả. Tất nhiên ở giai đoạn đầu này chúng ta phải thừa nhận “mô tả ở mức đơn sơ nhất, ít gia công tư duy nhất cũng đã là mới, cũng đã là phá vỡ khuôn sáo” (16).
 Trong tác phẩm Kiếp phong trần (1882) Trương Vĩnh Ký đã để nhân vật tự do bộc lộ những cảm xúc cá nhân của mình (những suy nghĩ về nhân tình thế thái, cách đối nhân xử thế, nhận thức về lẽ phải, trái ở đời...). Phải chăng đây cũng là một cách tự do bày tỏ suy nghĩ cá nhân của người viết - một trong những nội dung vốn xuất hiện rất hạn chế trong các hình thức văn học cũ nhưng lại khá phổ biến trong sáng tác văn xuôi hiện đại? Những câu hỏi đầy tính tò mò của nhân vật Lê Hảo Học và suy nghĩ rút ra từ trải nghiệm cuộc sống thực tế của nhân vật Trương Chí Đại tạo cho người đọc hứng thú mới, cảm xúc mới, suy nghĩ mới về kiếp người, cuộc sống, thực tế xã hội khác hẳn với quan niệm trước đây. Điều khiến người đọc hứng thú là những bài học kinh nghiệm quý giá đó được rút ra từ chính sự quan sát, trải nghiệm thực tế cuộc sống của nhân vật đã từng “được học hành thông kim bác cổ, lại thêm châu lưu khắp miền khắp xứ, điều nghe thấy rộng lắm, từng trải việc đời” (17) chứ không đơn thuần là bài học giáo lý khô khan học theo những gương trung thần hiếu nghĩa trong truyền thống.
 Qua những ghi chép và sáng tác bằng văn xuôi quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của chúng tôi nhận thấy các tác giả bắt đầu quan tâm đến vấn đề nhận thức, mô tả, phản ánh hiện thực mà không chỉ là hướng đạo nêu gương như trong văn học truyền thống. Cách lựa chọn đề tài cũng khác trước, không đề cao những nhân vật phi thường anh hùng liệt nữ hay ca ngợi những gương trung hiếu tiết liệt vốn ngự trị hàng ngàn năm trên văn đàn mà thiết thực gần gũi với đời sống hơn, có khi chỉ là những câu chuyện đơn sơ dí dỏm thường có trước mắt ta; có khi được lượm lặt trong những truyện dân gian của Việt Nam hoặc Trung Quốc thường được kể trong đám bình dân để giải trí hoặc những chuyện mắt thấy tai nghe ở xứ người trong những dịp du ngoạn được tác giả kể lại mua vui cho độc giả hay đơn giản chỉ là muốn bày tỏ một thái độ của cá nhân trước cuộc đời... Tóm lại đó là những vấn đề có ý nghĩa đời sống thường ngày.
 Trong Truyện thầy Lazarô Phiền vấn đề phản ánh hiện thực mô tả cuộc sống bình thường với những con người đời thường đã được Nguyễn Trọng Quản quan tâm một cách đặc biệt. Tác giả không chỉ dụng ý đặt nhân vật người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, xưng tôi nhằm tạo cho người đọc cảm giác như đang được tiếp xúc với người thực, việc thực mà còn quan tâm tới cách tạo dựng tình tiết cốt truyện để tăng tính hiện thực của tác phẩm. Đáng chú ý hơn cả là việc Nguyễn Trọng Quản đã sử dụng nhiều mốc thời gian rất cụ thể chi tiết (18).
 Chính việc kê khai ngày tháng một cách cụ thể chi tiết như “một bản khai lí lịch” này, đặc biệt là thời điểm câu chuyện kết thúc (năm 1885) chỉ trước thời điểm tác giả viết (năm 1886) có một năm tạo cho người đọc cảm giác như đang được chứng kiến một câu chuyện có thật vừa mới xảy ra trong cuộc sống như vẫn đang hiện hữu đâu đây và còn rất nóng hổi. Đồng thời sức nặng của việc phản ánh hiện thực càng được thuyết phục khi tác giả đưa ra hai chú thích rất cụ thể. Chú thích thứ nhất nói về ngôi nhà thờ của những kẻ tử đạo được dựng lên ở Bà Rịa khiến người đọc có cảm giác câu chuyện xảy ra ở thời hiện tại rất gần với mình vì được tiếp xúc với một địa điểm có thật trong thực tế, ai cũng biết. Chú thích thứ hai, khi nghe thầy Phiền kể về sự kiện cấm đạo tại Biên Hòa, nhân vật người kể chuyện cũng xen cảm nghĩ của mình vào như xác nhận thêm một lần nữa sự chính xác trong lời kể của nhân vật (19). Ở đây chú thích là một dụng ý nghệ thuật của tác giả.
 Nguyễn Trọng Quản khi xây dựng cốt truyện là muốn cho người đọc cảm nhận đây là một “truyện có thực”, “xảy ra trước mắt” với những nhân vật, sự kiện của thời hiện tại chứ không phải là những truyện xưa tích cũ được đem ra kể lại. Có thể nói tính hiện thực, thời sự của tác phẩm được đẩy lên mức cao. Đây là một minh chứng thuyết phục cho quan niệm sáng tác văn chương hướng về đời sống thực, với những con người thực và “sự thường có trước mắt ta” mà tác giả đã tuyên bố trong lời Tựa mở đầu thiên truyện (20).
 Một đặc điểm nữa chúng tôi muốn nói đến trong quan niệm văn học của một số trí thức viết văn xuôi quốc ngữ giai đoạn cuối thế kỷ XIX là hướng đến người đọc bình dân, bước đầu chú ý đến thị hiếu của người thưởng thức.
 Là những trí thức cộng tác với người Pháp, Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của phải thực hiện sứ mệnh của mình theo những chính sách, nghị định của nhà nước bảo hộ đó là: xã hội hóa chữ quốc ngữ, phổ biến chữ quốc ngữ trong quần chúng nhân dân. Nhưng chính trong công việc đó hai ông đã có điều kiện để gieo hạt và ươm mầm cho một quan niệm mới về văn học. Nhìn từ góc độ xã hội, có thể nói nhiệm vụ xã hội hóa chữ quốc ngữ là la bàn định hướng cho Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của chú ý đến việc lựa chọn những tác phẩm văn học phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ - đạo đức của đông đảo người đọc. Nhưng việc lựa chọn những tác phẩm này cũng chứng tỏ thị hiếu của số đông độc giả trong xã hội là nhu cầu giải trí, mua vui cũng bắt đầu được người sáng tác quan tâm. Điều này đã ít nhiều đánh dấu bước thay đổi trong cách nghĩ, cách quan niệm về văn chương của những người sáng tác. Không kể một loạt những tác phẩm được dịch ra quốc ngữ rất phổ biến trong dân gian như Lục súc tranh công, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên... Trương Vĩnh Ký đã chọn lọc, “lựa nhón” những truyện “hay và có ích” trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam còn Huỳnh Tịnh Của thì ngoài việc ghi chép những truyện kể trong dân gian còn chọn dịch những truyện ngắn trong Liêu trai chí dị vốn rất quen thuộc và phổ biến đối với tầng lớp bình dân.
Chuyện giải buồn (1885) của Huỳnh Tịnh Của ngoài một số truyện rút ra từ kho tàng văn học dân gian dân tộc (Anh em ruột tranh gia tài, Ăn mày xin vàng nén, Phật đổ mồ hôi, Mua cua...) còn phần lớn được chuyển dịch từ Liêu trai chí dị (Chí khí cao, Đông Phương Sóc, Chuyện Ký viên, Ông Tơ bà Nguyệt, Quân mồ hóng, Chuyện Trang Tử....) nhưng tác giả đã có một chủ trương rõ ràng là chọn dịch những truyện gần gũi với quan niệm đạo đức - thẩm mĩ của dân gian về nhân quả, ca ngợi cái thiện, phê phán cái ác hơn là những gì cao siêu, bác học xa lạ với đông đảo công chúng. Điều này thể hiện rõ ý thức hướng đến đối tượng tiếp nhận rộng rãi là người đọc bình dân. Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký hầu hết là các chuyện khôi hài hoặc có tính cách khôi hài, chỉ nêu tên chuyện cũng đủ thấy điều đó như: Chàng rể bắt chước cha vợ, Thằng cha nhảy cà tứng, Hai anh sợ vợ, Thằng chồng khờ…
Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đã rất có ý thức trong việc hướng đến kết hợp cái hay, cái có ích, tính phổ biến và dễ tiếp nhận để phù hợp với tâm lý, thị hiếu của độc giả bình dân. Các tác giả đã chú ý đến đối tượng tiếp nhận là đông đảo bạn đọc bình dân và nhu cầu thưởng thức văn học của họ là giải trí, mua vui. Tính giải trí, mua vui được đề cao và đặt lên hàng đầu. Chính cái ý thức hướng đến độc giả, chú ý đến thị hiếu người đọc của các tác giả này đã hàm chứa một quan niệm khác trước về sáng tác văn chương. Văn chương không phải để cho một số ít người có học thù tạc, mạn đàm, ngâm ngợi “khi chén rượu lúc cuộc cờ” mà phải hướng đến đông đảo quần chúng, hướng đến đời thường, thỏa mãn thị hiếu của số đông người thưởng thức. Ngay cả Nguyễn Trọng Quản khi viết Truyện thày Larazô Phiền (1887) cũng có mục đích “trước là làm cho trẻ con ham vui mà tập đọc” và “kẻ thì cho quen mặt chữ, người thì đặng giải buồn một giây” (21).
Giai đoạn này Trương Minh Ký bên cạnh việc dịch hàng loạt tác phẩm của phương Tây ra văn vần đã dịch một số tác phẩm sang hình thức văn xuôi quốc ngữ như: Truyện Phan sa diễn ra quốc ngữ - 1884 (dịch 16 truyện ngụ ngôn của Laphôngten và 12 truyện của các tác giả phương Tây khác - trong đó chủ yếu là truyện ngụ ngôn). Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ - 1886 (dịch 150 truyện ngụ ngôn của Laphôngten dưới hình thức văn xuôi và văn vần). Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết những truyện dịch của Trương Minh Ký đều là truyện ngụ ngôn. Là một trí thức cộng tác với Pháp, Trương Minh Ký có điều kiện tiếp xúc sớm và nhiều với văn học Pháp và phương Tây nhưng trong cái kho tàng đồ sộ và phong phú của nhân loại ấy những tác phẩm được họ Trương quan tâm đầu tiên để chuyển dịch sang chữ quốc ngữ lại là truyện ngụ ngôn. Tác giả đã chú ý tới đối tượng tiếp nhận và thị hiếu của đông đảo độc giả bình dân mà món ăn ưa thích và phù hợp hơn cả đối với họ là những truyện ngụ ngôn có nội dung mang đậm tính giải trí, bình dân, trong đó gửi gắm những bài học luân lí nhẹ nhàng, dí dỏm, gần gũi với đời sống thường ngày. Điều này chứng tỏ việc chọn dịch tác phẩm của Trương Minh Ký là có chủ ý: hướng tới đối tượng thưởng thức là đông đảo độc giả bình dân.
Giai đoạn cuối thế kỷ XIX, qua những ghi chép, sưu tầm, sáng tác bằng văn xuôi quốc ngữ của các tác giả Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản, Trương Minh Ký, có thể nhận thấy những dấu hiệu của nền văn học mới bắt đầu manh nha qua những đột phá về quan niệm sáng tác - quan niệm văn xuôi viết bằng ngôn ngữ đời thường, hướng về những vấn đề của đời sống thực tại và chú ý tới đối tượng thưởng thức là những người bình dân. Quan niệm này rất mới mẻ và khác trước, nó tiệm cận với quan niệm sáng tác theo khuynh hướng tả thực được du nhập từ phương Tây. Nhưng ngay sau đó xu hướng sáng tác này không được phát huy ở Nam Bộ mà phải đến những năm 20 của thế kỷ sau mới xuất hiện ở Bắc Bộ và trở thành một khuynh hướng chủ đạo của văn xuôi Việt Nam hiện đại.
*
1, 11. Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Nxb Trình Bày, Sài Gòn, quyển Hạ, 1867, tr.31, 25.
2. Nguyễn Thị Thanh Xuân, Văn học hiện đại Việt Nam bước khởi đầu quan trọng ở Sài Gòn - Nam Bộ, Tạp chí Văn học số 3-2000, tr.35.
3, 12. Nguyễn Huệ Chi, Thử tìm vài đặc điểm của văn xuôi tự sự quốc ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu, Tạp chí Văn học số 5-2002, tr.14, 13.
4. P.J.B Trương Vĩnh Ký, Chuyện đời xưa, Bản in lại của nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1962, tr.2.
5. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998, tr.29.
6, 15. Bằng Giang, Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký, Nxb Văn học, Hà Nội, 1993, tr.44.
7. P.J.B Trương Vĩnh Ký, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi - 1876, bản in nhà hàng C. Guilland et Martinon, 1881.
8, 19, 20, 21. Cao Xuân Mỹ (sưu tầm và tuyển chọn), Truyện dài đầu tiên và tuyển tập các truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, 1998, tr.16, 27, 17.
9. M.Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch), Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1992, tr.30.
10. Nguyễn Văn Hiệu, Văn chương quốc ngữ Nam Bộ nhìn từ quá trình xã hội hóa chữ quốc ngữ, Tạp chí Văn học số 5-2002, tr.21-28.
13. Dẫn theo Lại Văn Hùng, Truyện ngắn nhìn trong nguồn mạch, Tạp chí Văn học số 2-2001, tr.70.
14, 16. Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr.284, 26.
17. P.J.B Trương Vĩnh Ký, Kiếp phong trần, Bản in nhà hàng C. Guilland et Martinon, 1882.
18. Hoàng Dũng, Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản - những đóng góp vào kỹ thuật hư cấu (fiction) trong văn học Việt Nam in trong sách Tự sự học một số vấn đề lý luận và lịch sử do Trần Đình Sử chủ biên, Nxb ĐHSP, Hà Nội, 2003, tr.302, 303.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét